Seite auswählen

Phạm Quốc Bảo.

https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2020/01/cover_their_war.jpg?w=188&h=300
“Their War, Julie Pham

Their War: The Perspectives of the South Vietnamese Military in the Words of Veteran-Emigrés” vốn là chủ đề của cái tiểu luận do Julie Phạm thực hiện thành tài liệu năm 1999 để được chấm cho ra trường môn sử với hạng danh dự tại University of California, Berkeley vào năm 2001. Tài liệu này gồm hai phần:

– Một là những trang giấy đã ghi chép và đánh máy lại từ băng thu âm của trên 40 người tham dự trả lời phỏng vấn, trò chuyện (và dĩ nhiên là có chữ ký xác nhận của từng nhân vật được phỏng vấn). Sau đó, tài liệu này còn được dịch sang anh ngữ, gọi là phần Oral History.

– Hai là phần tóm tắt những điểm chính cần được nêu bật lên của công trình nghiên cứu này. Phần này được Julie Phạm thảo bằng anh ngữ, chính là cuốn sách mà chúng ta đang đề cập đến ở đây.

Cuốn sách này lần lượt tóm lược rõ nguyên nhân và lý do, nguyên tắc thực hiện cuộc khảo cứu, tiểu sử của từng nhân vật di dân vốn là cựu quân nhân QLVNCH đã được phỏng vấn, cùng phương pháp phân tích những yếu tố được phỏng vấn…, và cuối cùng, phụ bản là vài bài ngắn gọn nhằm nêu lên bề dầy sống, học hỏi và làm việc của chính tác giả Julie Phạm, trước khi được chấm dứt bằng kết luận do tác giả cô đọng viết.

Nhưng cái tiểu luận và cuốn Their War này đã được lưu trữ chính thức trong The Indochina Center ở UC Berkeley và the Vietnam Center & Archives ở Texas Tech. University từ năm 2001, đã được Haas Scholars Program bảo trợ từ bước đầu và Amazon vừa cho in cũng như phát hành vào đầu tháng Bẩy- 2019. Nghĩa là sau trên dưới hai chục năm sau Their War mới được chính thức phổ biến rộng ra công chúng.

Đây chính là lý do khiến tôi viết bài này.

Phong trào phản chiến ở Mỹ & cuộc chiến Việt Nam.

Từ trước đến nay, mỗi khi đề cập đến cuộc chiến Việt Nam là tự khắc người ta hầu hết đều liên tưởng đến phong trào phản chiến [1] như đã là một trong những nguyên nhân khiến chế độ VNCH bị ‘xóa sổ’.

Cho đến ngày nay, người ta đã liên tiếp đưa ra khá đầy đủ những lý do về sự kiện nêu trên. Ở đây chúng ta thử tạm nêu ra mấy yếu tố bao quát có tính cách quyết định chiến lược, như:

– Báo chí và truyền hình Mỹ thời gian ấy đã mang nặng tính phản chiến khi cố tình bóp méo và gây nên những ngộ nhân về thực trạng chiến sự tại Việt Nam.

– Chính quyền Mỹ từ năm 1972 đã thực sự bắt tay Trung Cộng, đương đầu với Liên Xô, nhằm xé nát và thúc đẩy cho khối Cộng Sản quốc tế dần dần lâm vào buớc đường phải tan rã vào cuối năm 1989. Đồng thời, trong kế họach đó, họ bỏ rơi và không viện trợ cho chính quyền và dân VNCH nữa.

Nhưng ở phương diện khác, có ít nhất hai khía cạnh thực tế mà người ta chưa hề trực tiếp đề cập tới, đó là:

1. Người dân sống trong bất cứ một xã hội nào, tâm lý chung thông thường là họ không muốn đi lính để có thể bị nguy hiểm đến độ dễ hy sinh tính mạng mình khi phải chiến đấu tại một chiến trường ngọai quốc nào. Mà Hoa Kỳ từ Thế chiến Thứ Hai đến nay đã luôn luôn phải phái quân đội Mỹ đi tham chiến ở các chiến trường xa xôi trên khắp các vùng miền của thế giới, với mục đích duy trì quyền lợi và uy tín của một quốc gia hiện đang là đầu tầu trong công cuộc thực hiện và phát triển lý tưởng dân chủ- tự do ở xã hội lòai người. Đó là nguyên nhân dễ hiểu, khiến tính chất phản chiến luôn luôn manh mẽ hiện diện trong sinh họat của quần chúng Mỹ.

Tuy nhiên, nếu chỉ xử dụng yếu tố phản chiến để mà trục lợi, cả về lợi nhuận lẫn danh vọng, thì đây mới là hướng phát triển sai trái của kỹ nghệ điện ảnh Mỹ xưa nay vẫn tiếp tục dấn sâu vào. Những phim khai thác kiểu ấy tiêu biểu như Hearts and Minds (1974); The Deer Hunter (1978); Coming Home (1978); Apocalypse Now (1979); “Vietnam:The Ten Thousand Day War”, một phim tài liệu truyền hình Canada, do Michael Maclear thực hiện, đã cho trình chiếu 26 lần liên tiếp mỗi lần nửa giờ (1980); Good Morning, Vietnam (1987); Born on the Fourth of July (1989); Platoon (1986); Full Metal Jacket (1987); We were Soldiers, Randall Wallace (2002); The Fog of War: Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara (2003); Rescue Dawn (2006), …và mới nhất là Chiến tranh Việt Nam, The Vietnam War của Ken Burns & Lynn Novic(2017) [2]

2. Nhưng, song song với sự kiện vừa nêu, chúng ta tuyệt nhiên không thể dễ dãi đến mức độ thiếu hẳn đi sự khách quan của kiến thức hiểu biết để mà lầm lộn phong trào phản chiến ấy như một biểu đạt duy nhất trong những khuynh hướng họạt động của truyền thống sinh họat xây dựng một xã hội tự do – dân chủ ở Hoa Kỳ được. Tại sao?

Yếu tố tự do phát biểu là gì?

Cho đến nay, mỗi khi nói đến phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ thì liền lập tức người ta liên tưởng ngay đến UC Berkeley. Đây là một thói quen phản xạ một cách vô thức của kiến thức con người, rất nguy hại và cần được luôn luôn chấn chỉnh. Ở đây, chính cá nhân người viết muốn thể hiện cụ thể về thái độ áp dụng nguyên tắc chấn chỉnh này:

Trong bài viết “Đại học Berkeley: tâm điểm của tự do phát biểu”(22/09/2017), Bùi Văn Phú đã đưa ra nhận xét: “Hơn nửa thế kỷ trước, Phong trào Tự do Phát Biểu (Free Speech Movement, FSM) đã được khai sinh từ Đại học Berkeley và đã lan tỏa đến khắp các sân trường đại học Mỹ… Cùng thời điểm, chiến tranh tại Việt Nam leo thang cường độ với sự tham gia chiến đấu của lính Mỹ nên đã đưa đến những cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc chiến từ sân trường đại học này…” [3]

Nhận xét nêu trên, theo như tôi được biết, là ý kiến mới nhất và đầu tiên đã gián tiếp đề cập tới vấn đề Cuộc chiến Việt Nam một cách khách quan và chính xác nhất: Phong trào Tự do phát biểu phát xuất từ truyền thống phổ cập hóa khái niệm về lý tưởng tự do – dân chủ để áp dụng vào xã hội và đời sống người dân Hoa Kỳ. Khi gặp tình thế lính Mỹ trực tiếp tham chiến ồ ạt vào cuộc chiến Việt Nam thì nó biến thành phong trào phản chiến. Bằng chứng rằng sau năm 1975, chỉ còn hệ thống phim ảnh Hollywood vẫn liên tiếp giương cao chiêu bài phản chiến để kiếm danh lợi mà thôi. Còn những mặt họat động khác của ‘tự do phát biểu’ vẫn cứ thế nghiễn nhiên mà triển nở, như những tác động điều chỉnh, tạo cân bằng cho sinh họat trí thức của dân Mỹ. Như:

Douglas Pike & quý san Indochina Chronology:

…Tốt nghiệp cử nhân báo chí năm 1953 tại UC Berkeley và cao học ngành truyền thông quốc tế của American Unjversity, năm 1960 Douglas Pike là nhân viên ngoại giao của cơ sở thông tin Hoa Kỳ( the Unites States Information Agency) tại Sàigòn…Ông thanh sát cuộc tàn sát ở Huế liên tiếp 24 ngày vào tháng Hai 1968 dịp(VC) tấn công Tết Mậu Thân… Trong những tường trình đăng trang nhất Los Angeles Times và các nhật báo( mỹ) khác, ông cho biết độ 6 ngàn dân (Huế)bị thủ tiêu vì lý do chính trị…Về hưu năm 1982, ông thiết lập Văn Khố Đông Dương(Indochina Archive) cho UC Berkeley, xuất bản quí san Indochina ChronologyTrung tâm Đông Dương( The Indochina Center) của UC Berkeley là một tập hợp tài liệu anh ngữ lớn nhất thế giới về Việt Nam, Laos và Cambodia..gồm 225 hộc ( tổng cộng cao 525 feet về lãnh vực chính quyền, báo chí…, do Douglas Pike thu thập từ thời gian ông là một viên chức ngọai giao Mỹ…Đến khi ngân khỏan tài trợ bị trở ngại, ông sang làm việc cho Vietnam Center của Texas Tech vào năm 1997, và mất vào 13 tháng 5 năm 2002, thọ 77 tuổi.

Những trích đọan này được tóm tắt lấy ra từ bài “Douglas Pike, 77; Historian, Archivist of the Vietnam War”, Elaine Woo viết đăng vào May 17, 2002 trên LA Times [4]

Oral History về Chiến Tranh Việt Nam:

Ngay từ mấy năm cuối của thập niên 1970, RAND Corporation đã thực hiện một tài liệu gọi là “Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders”: “Một tài liệu gồm những tuyên bố, nói ra và viết, của 27 viên chức chính quyền VNCH và những sĩ quan cao cấp trong quân đội Miền Nam Việt Nam tiết lộ cái nhìn của họ về nguyên nhân sụp đổ của Miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Những nguyên nhân được đề cập nhiều nhất (trong ấy) là những sai lạc về tổ chức, kế họach dự trù lẫn đường lối lãnh đạo của quân đội-chính trị Miền Nam- nhưng tất cả đều qui trách nhiệm cho vai trò Hoa Kỳ (chủ động) tại Việt Nam. Họ nêu ra những sự kiện như sự rút quân của Mỹ, thiếu dần nhân lực thực sự hỗ trợ của Mỹ và giảm dần viện trợ sau Hiệp Định Paris,(tất cả đã) khiến không tránh được sự thất bại…Cuối cùng, một vài nhân vật đã đưa ra những sự kiện đối đầu căn bản giữa Đông và Tây, trong đó theo họ (nguồn cung cấp của) Khối Cộng Sản đã vượt trội. Hầu hết họ đều đồng ý một điểm là Mỹ- Nam Việt Nam quá thiếu phối hợp ăn khớp với nhau…” [5]

Đâu là nỗ lực chủ động của Người Mỹ gốc Việt?

Bên cạnh và song song với sinh hoạt tự do phát biểu của dân Mỹ, chúng ta, cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đã và đang thực hiện được những gì cụ thể để nói lên tiếng nói của chính chúng ta?

Oral History và Hội thảo về Chiến cuộc Việt Nam.

1. Oral History của một người Mỹ gốc Việt:

Một cuốn phim tên là “Vietnam War Documentary Film”15 tập, 17 giờ, gồm trên 350 trang và 170 tài liệu điện tử, được chính thức gọi là “Tập tài liệu nói của người dận và sử học về Chiến cuộc Việt Nam: Sự tham dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam qua cái nhìn của một nhà ngọai giao, 1965- 1975” (the Vietnam War oral history documentary series People and History: The United States Intervention in Vietnam Through the Eyes of a Diplomat, 1965 – 1975).

Phim tài liệu này được thực hiện giữa 2013 và 2019, do Bùi Diễm, cựu đại sứ VNCH ở Hoa Kỳ từ 1967 đến 1972, chủ trì. Phim đuợc trình chiếu chính thức ra mắt vào thứ bẩy mùng 2 tháng Ba, 2019 lúc 1 giờ trưa tại phòng 125, Founders Hll Multipurpose, Phân Khoa Luật của George Mason University, 3351 Fairfax Drive, Arlington, VA 22201 [6]

2. Hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa

Trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, tại Đại Học Oregon, thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, diễn ra một hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa mang tên “Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề, những thách thức và tầm nhìn“(Studying Republican Vietnam:

Issues,Challenges,And Prospects), do GS/ Tiến Sĩ Tường Vũ, Phụ trách Phân Khoa Á Châu Đại Học Oregon tổ chức. Tham dự hội thảo này có khoảng 150 người trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam . Trong các diễn giả có hai cựu tổng trưởng của Việt Nam Cộng Hòa là ông Hoàng Đức Nhã, Bộ Thông Tin-Chiêu Hồi và ông Nguyễn Đức Cường, Bộ Thương Mại-Kỹ Nghệ.Và các diễn giả vốn là những chuyên gia Mỹ gốc Việt như bà Nu-Anh Tran đến từ Đại Học Connecticut, Yen Vu từ Đại Học Cornell …, riêng bà Martina Nguyen từ trường Baruch College, thuộc nhóm học giả người Mỹ gốc Việt chuyên ngành “Việt Nam học”, đã đưa ra nhận xét rằng: “…nhóm Tự Lực Văn Đoàn đã họat động vào cuối thời Pháp thuộc…đã cổ võ cho một mô hình thay đổi xã hội Việt Nam theo hướng quan tâm tới bất công xã hội, cổ vũ dân chủ và tự do. Mặc dù sau đó Tự Lực Văn Đoàn đã chấm dứt tồn tại, nhưng những hoạt động của họ thực sự được coi như là một dự án chính trị cho nền Cộng Hòa của Việt Nam (sau đó)”. Cuộc hội thảo do Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á và Thái Bình Dương tổ chức [7]

Nỗ lực làm phim của người Việt tị nạn:

Trong tiểu mục này, chúng ta không nên dài dòng liệt kê mà chỉ nên tiêu biểu nêu mấy tác phẩm phim ảnh đáng được đề cập đến nhất:

1. Vượt Sóng (Journey from the Fall – Hành trình từ sự sụp đổ) là một bộ phim độc lập do đạo diễn người Mỹ gốc Việt Hàm Trần và nhà sản xuất Nguyễn Lâm thực hiện. Nội dung nói lên cảnh ngộ của những thuyền nhân và những tù nhân trong trại cải tạo tại Việt Nam sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Phim bắt đầu trình chiếu tại bốn thành phố tại Hoa Kỳ (Westminster, Garden Grove, San Jose, California, và thành phố New York) từ ngày 23 tháng 3 năm 2007 và mở rộng ra ít nhất 20 rạp toàn quốc Mỹ vào những tuần sau đó. Phim đã nhận được nhiều sự chú ý trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và được cho là trung thực với hoàn cảnh của những người Việt lưu vong. Toàn bộ kinh phí cho bộ phim được cộng đồng người Mỹ gốc Việt tài trợ; phim đã tham dự và đoạt nhiều giải thưởng tại nhiều liên hoan phim quốc tế.[8]

2. “Ride the Thunder – Cưỡi Ngọn Sấm” (2015). Nội dung phim Cưỡi Ngọn Sấm là câu chuyện có thật về tình “huynh đệ chi binh” hiếm có của một toán nhỏ cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ với các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến VNCH tại mặt trận hết sức đặc biệt của Chiến Tranh Việt Nam: Quảng Trị – Mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của cả hai bên nên dù bị đẩy vào hoàn cảnh hết sức khắc nghiệt, họ vẫn tạo nên một chiến tích lẫy lừng, chặn đứng bước tiến của Cộng quân tại cầu Đông Hà.

Trận chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” (Eastern Offensive) là kế hoạch táo bạo của Bắc Việt nhằm đánh một trận quyết định để tiêu diệt nền Cộng Hòa miền Nam lúc đó đang mất dần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Phim “Ride The Thunder” xây dựng theo nội dung của cuốn sách cùng tên, do Richard Botkin viết. Là cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (USMC), từng phục vụ suốt 15 năm (kể cả thời gian trừ bị từ 1980 tới 1995), Ông hiện đang làm việc cho tổ hợp tài chính Morgan Stanley với chức vụ Senior Vice President, phụ trách phân bộ Quản Trị Tài Sản. Tác giả đã bỏ ra hơn năm năm để nghiên cứu về Chiến Tranh Việt Nam, phỏng vấn hàng trăm nhân vật có liên quan đến cuộc chiến, ông cũng đã đến tận Việt Nam để nghiên cứu thêm và quan sát thực tế tại những địa danh như Đông Hà, Quảng Trị, Ái Tử, Khe Sanh. [9]

3. The Vietnam War Through Our Eyes “Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi.” The Vietnam War Through Our Eyes sử dụng tất cả 83 cuộc phỏng vấn, trong có các phỏng vấn những người đi tù cộng sản, trại cải tạo, thuyền nhân hiện đang sinh sống ở Pháp, và những người từng tản cư từ Bắc vào Nam năm 1954.

Ông Nam Phạm, hiện là Thứ trưởng bộ kinh tế tiểu bang Massachusetts, phụ trách sản xuất và kịch bản và là người khởi xướng dự án thực hiện phim này, cho biết phim gồm có 4 mục tiêu chính mà ông gọi là “Bốn trả”: Thứ nhất là trả lại sự thật cho lịch sử, thứ nhì là trả lại danh dự cho người lính VNCH, thứ ba là trả lại sự công bằng cho chính phủ VNCH và thứ tư là trả lại niềm tự hào về thế hệ Cha Ông cho con em của chúng ta. Thành thử ra, tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc, những nhân chứng sống, cộng thêm những tài liệu lịch sử để có thể nói lên được 4 điều đó.

Ông Nam thêm: “Cái nhìn của thế giới về cuộc chiến Việt Nam vẫn còn bị bóp méo, sai lệch. Những sự thật của cuộc chiến ấy hầu như trong 50 năm qua đã bị nhìn dưới lăng kính của những người phản chiến, thân cộng, những người không quan tâm đến vấn đề tự do dân chủ tại Việt Nam…Chúng tôi hy vọng qua cuốn phim này, chúng ta sẽ giúp cho những người cựu quân nhân VNCH có cơ hội nói lên tiếng nói của họ, để họ biết rằng sự hy sinh của họ không bị quên lãng và con cháu của họ cũng như ngay cả chúng ta rất là mang ơn sự hy sinh của họ. Nếu mà không có sự hy sinh của những người lính đó thì chúng ta đã không có ngày hôm nay…Chúng tôi nghĩ rằng chuyện Việt Nam là chuyện của chúng ta, thì người Việt chúng ta phải có bổn phận nói lên. Chúng tôi quyết định rằng đã đến lúc chúng ta phải tự lên tiếng.

Đạo diễn Fred Koster, cũng đã là đạo diễn cho cuốn “Ride The Thunder” trước đó, ông thổ lộ: “Câu chuyện của người dân miền Nam là một trong những câu chuyện vĩ đại nhất của Thế Kỷ 20 mà chưa được kể lại. Lịch sử của người miền Nam Việt Nam đã bị trình bày sai lạc và không chân thật. Là một người làm phim, tôi rất hào hứng muốn kể câu chuyện bởi vì nó chưa bao giờ được kể lại. Nó giống như một điều bí ẩn … Mục đích của chúng tôi không chỉ làm một cuốn phim, mục đích của chúng tôi là làm nên sự khác biệt. Chúng tôi muốn thay đổi cái nhìn của nhiều người Mỹ về người Việt Nam ở miền Nam trong chiến tranh Việt Nam thông qua những câu chuyện của họ.

Koster nói tiếp: “Bộ phim này, tôi nghĩ sẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì chính những người miền Nam sẽ biết thêm về lịch sử mà họ chưa biết. Có rất nhiều cơ quan truyền thông đã kể cho chúng ta nghe rất nhiều điều dối trá, và chúng ta bắt đầu tin vào đó. Với bộ phim này, chúng tôi sẽ trình bày sự thật đề thế hệ người Việt Nam trẻ sau này sẽ hãnh diện về những gì bố mẹ và ông bà họ đã phải làm. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là những người thế hệ trẻ cần phải biết sự thật và hãnh diện về nó.

Cuốn phim được dự định trình chiếu vào mùa thu năm nay (2019). Phim cũng sẽ được thực hiện thành DVD, phổ biến vào các hệ thống trường trung và đại học ở Mỹ như một tài liệu giáo khoa để giới trẻ có thể tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam một cách đúng đắn. [10]

4. Viet Film Fest thứ 11:

Và mới nhất là Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế” (Viet Film Fest) lần thứ 11 do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức, với 41 phim của đạo diễn người Việt, diễn ra trong ba ngày liên tục, từ Thứ Sáu đến Chủ Nhật, 11 đến 13 Tháng Mười, 2019, tại rạp AMC Orange 30 trong khu The Outlets at Orange (tên cũ là The Block), 20 City Blvd. West, Suite E, Orange, CA 92868 [11]

Bản chất của VNCH vừa được chính thức công nhận

Trên phương diện nghiên cứu ngành sử quốc tế, một sự kiện mới nhất đây được coi như lần đầu tiên chính thức phục hồi giá trị đích thực về căn bản của chế độ VNCH đã được thực thi trong 20 năm tại Miền Nam Việt Nam. Đó là cuộc “Hội thảo về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại Đại Học Oregon trong hai ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, một điểm đặc biệt là có tới 7 diễn giả gồm các nhà nghiên cứu trẻ tuổi đến từ Việt Nam. Những người này chưa bao giờ sống dưới chế độ VNCH, hoặc sinh ra sau chiến tranh hay sinh ra ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh. Một số trong những người này mới chỉ tiếp xúc với cộng đồng người Việt hải ngoại khi họ đi du học, một số khác thì chưa từng.

Chủ đề mà các diễn giả này thuyết trình khá phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế đến lịch sử, giáo dục, văn học, nghệ thuật. Nói như Giáo Sư Vũ Tường, Đại Học Oregon, trong bài khai mạc hội thảo là “những bài thuyết trình này đã đụng tới cả những vấn đề cấm kỵ (taboo).” Những điều cấm kỵ nói theo kiểu nhà nước CSVN là những vấn đề “nhạy cảm,” thường liên quan đến chính trị, chẳng hạn như VNCH không được nhắc tới tại Việt Nam…

Đến từ Đại Học Sư Phạm TP.HCM, hai diễn giả Hoàng Phong Tuấn và Nguyễn Thị Minh, so sánh sự tự do sáng tác tại miền Nam Việt Nam dưới chế độ VNCH, với loại sáng tác có định hướng dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản ở miền Bắc.

Diễn giả Trương Thùy Dung, đến từ Viện Sử Học Hà Nội, so sánh các chương trình giảng dạy đại học ở miền Nam của VNCH và miền Bắc của chính phủ Cộng Sản. Việc so sánh cho thấy ở miền Nam có sự tự do học thuật mà miền Bắc không có; trong đó, các trường đại học miền Nam không ngần ngại giảng cả chủ nghĩa Marx, trong khi tại miền Bắc người ta chỉ cho phép một chủ thuyết ấy của đảng Cộng Sản được giảng dạy mà thôi…

Trả lời câu hỏi của ông Peter Zinoman, Đại Học Berkeley, California về sự tham gia của các diễn giả đến từ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng không khí nghiên cứu các vấn đề gọi là “nhạy cảm” ở Việt Nam đã có phần hy vọng hơn, ít sợ hãi hơn lúc trước.

Bà Phạm Thị Hồng Hà, đến từ Viện Lịch Sử Hà Nội nói với báo Người Việt về cuộc hội thảo: “Đây là một cơ hội tốt đối với tôi, với những người nghiên cứu không sống trong giai đoạn đó, có cơ hôi được lắng nghe, ý kiến từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, về thời kỳ VNCH và miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Gần đây tôi thấy các nguồn tư liệu rất là mới, những tư liệu giải mật của Hoa Kỳ, nhiều chuyên gia được tiếp xúc với tư liệu từ phía Việt Nam, binh sĩ Việt Nam, kể cả những tư liệu phỏng vấn. Những nghiên cứu đó có nhiều đóng góp cho sự phát triển mới. Khi chúng tôi tham gia thì chúng tôi hiểu thêm được nhiều điều.”

Bà Nguyễn Thị Từ Huy, đến từ Đại Học Đại Dương ở Nha Trang, trả lời qua email cho báo Người Việt, viết:“Một dân tộc không thể tồn tại trong tư cách là một dân tộc nếu không có lịch sử của nó… Việc nhiều người từ Việt Nam qua tham gia một hội thảo về VNCH có lẽ phản ảnh những thay đổi quan trọng về nhận thức về lịch sử dân tộc.”

“VNCH là một phần của lịch sử Việt Nam. Sẽ không có một lịch sử Việt Nam trọn vẹn nếu thiếu phần lịch sử của VNCH. Có nghĩa là tìm hiểu về VNCH cũng cần thiết như tìm hiểu bất cứ giai đoạn lịch sử nào trong lịch sử Việt Nam. Nếu tất cả đạt tới nhận thức này thì chúng ta có thể hy vọng rằng một số vấn đề về quá khứ có thể được giải quyết.”Tuy nhiên, sự “sợ hãi” dù đã giảm bớt như lời bà Nguyễn Thị Minh trả lời tại buổi hội thảo như đã nêu, nhưng nó chưa hoàn toàn chấm dứt.

Một diễn giả đến từ ViệtNam, từ chối nêu danh tánh trên báo Người Việt,ở chỗ riêng tư nói rằng: “Những di sản của VNCH vẫn đương nhiên tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại ở Việt Nam.” [12]

Xác quyết hơn cả, bài “Làm sao để ‘gánh, gánh, gánh… gánh thóc về’?”, Mạnh Kim (Blog RFA) viết: “… Một cuộc hội thảo quy mô về VNCH, từ văn hóa,kinh tế, đến chính trị, vừa được tổ chức tại Trung Tâm Châu Á học thuộc Đại Học Oregon vào ngày 14 và 15 Tháng Mười, 2019, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu Anh-Mỹ, người Mỹ gốc Việt lẫn người Việt từ trong nước…Nội dung hội thảo đề cập nhiều chủ đề mang tính nhìn lại lịch sử với mục đích soi rọi lại quá khứ bằng ánh sáng sự thật. Chẳng hạn về Tự Lực Văn Đoàn (Martina Nguyen, Baruch College); về cụ Trần Trọng Kim (Nguyễn Lương Hải Khôi, Đại Học Sư Phạm TP.HCM); về tự do sáng tạo trong văn chương VNCH (Hoàng Phong Tuấn, Nguyễn Thị Minh – Đại Học Sư Phạm TP.HCM); về viện trợ nước ngoài cho VNCH (Phạm Thị Hồng Hà, Viện Sử, Hà Nội); về Hòa Thượng Thích Minh Châu (Wynn Gadkar-Wilcox, Western Connecticut University); về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Sean Fear, University of Leeds, Anh); về âm nhạc (Jason Gibbs, San Francisco Public Library); về tự do báo chí (cựu Tổng Trưởng VNCH Hoàng Đức Nhã)…

Mục đích hội thảo, theo Giáo Sư Vũ Tường – Giám đốc Trung Tâm Châu Á Học, Đại Học Oregon – là: “Ngoài việc tạo ra một diễn đàn để bàn thảo, phân tích và ghi chép về giai đoạn lịch sử bị dư luận và các nhà giáo dục Hoa Kỳ bỏ quên hay bóp méo, chúng tôi còn mong hội tụ và tạo mối dây liên kết giữa những sử gia và các nhà nghiên cứu về VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt để cùng học hỏi và trao đổi. Có như vậy mới hy vọng chúng ta có thể thay đổi dần cái nhìn sai lệch về cuộc chiến Việt Nam, về VNCH và về người Mỹ gốc Việt”…

Song song việc tổ chức hội thảo, Giáo Sư Vũ Tường cũng cùng Hội Di Sản Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese-American Heritage Foundation) thực hiện một dự án trong năm năm gồm ba phần: 1) Thành lập quỹ học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về lịch sử VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt; 2) Thành lập quỹ tài trợ giúp các học giả trẻ có cơ hội trình bày nghiên cứu về lịch sử VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt tại các hội thảo quốc tế quan trọng; 3) Mời giới nghiên cứu đóng góp vào ba quyển sách viết bằng Anh ngữ lẫn Việt ngữ về lịch sử VNCH và lịch sử người Mỹ gốc Việt…

Tất cả cho thấy có những nỗ lực đáng ghi nhận, nhằm bảo vệ di sản văn hóa VNCH ngày càng mai một không chỉ với người Việt nước ngoài mà cả với người Việt trong nước…Vấn đề đáng nói hơn hết, thật ra, là không chỉ gìn giữ di sản văn hóa mà còn là làm thế nào để xây dựng văn hóa cho thế hệ tương lai. Đó mới là mối lo lớn nhất trong mọi mối lo lắng về văn hóa…” [13]

Hai bức hình, bốn nhân vật:

https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2020/01/tran_van-chon-julie_pham.jpg?w=300&h=194
Cố Đề Đốc Trần Văn Chơn (trái) & tác giả Julie Phạm
https://vanhocnghethuat.files.wordpress.com/2020/01/pham_gia_con-pham_quoc_bao.jpg?w=300&h=194
Bác sĩ Phạm Gia Cổn (trái) & nhà văn Phạm Quốc Bảo

Duyệt qua những mục vừa nêu trên, cho thấy rõ rằng cuốn “Their War” và cái tiểu luận ra trường của Julia Phạm hòan tất vào năm 1999 tại Phân Khoa Sử của UC Berkeley theo thời điểm thì đã mở đầu cho phong trào Oral History của người lính QLVNCH.

Cuối cùng, xin nhắc rằng trong cuốn Their War mới được in và phổ biến đây chỉ có hai bức hình đăng ở trang 68. Bốn nhân vật được đề cập đến trong hai bức hình đó là:

Phạm Quốc Bảo: Giữa thập niên 1960 ông tốt nghiệp ban Triết Văn Khoa Sàigòn. Đi dạy bậc trung học đệ nhị cấp. Năm 1966, chủ tịch sinh viên đoàn Văn Khoa Sàigòn, chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Đối Thọai. Tuân theo lệnh Tổng động viên, nhập ngũ khóa 3/70 SQTB Thủ Đức. Trung Úy trực thuộc Phòng Phản Kháng, Khối Ngọai Vụ, ban Liên Hợp Quân Sự thuộc Ban Liên Hợp Quân Sự Hai Bên Trung Ương. Sau 5 năm rưỡi tù CS ở những trại giam trên vùng rừng núi Bắc phần Việt Nam, vượt biên thành công, tái định cư tại Hoa Kỳ từ 15 tháng Năm 1981. Từ năm 1969 đến nay đã cho xuất bản trên 20 tác phẩm. Và từ năm 1982 đến nay, ông làm việc trong ban chủ biên nhật báo Người Việt.

Phạm Gia Cổn: Y sĩ quân y. Tháng Ba, 1975, đại úy đại đội trưởng Quân Y Dù tại mặt trận Phan Rang. Sang Hoa Kỳ vào mấy tháng cuối năm 1975, ông tham gia khóa học của Hiệp Hội Bác Sĩ Hoa Kỳ AMA (American Medical Association) tại Miami, Florida, để thi lấy bằng ECFMG (The Educational Commission for Foreign Medical Graduates) cho người “ngoại quốc”, tạm gọi là để “tương đương với bác sĩ Hoa Kỳ.” Vào nhà thương làm bác sĩ nội trú một năm, rồi tiếp tục làm bác sĩ thường trú. Qua lại Florida, ông quyết tâm lấy bằng bác sĩ chuyên khoa để đạt được kết quả là trở thành một bác sĩ chuyên khoa gây mê. Nhiều đại học của Mỹ muốn mời ông về làm việc, giảng dạy. Nhưng ông chọn làm giáo sư tại Đại Học UCLA, nơi có nhiều cơ hội sống chung với cộng đồng Việt Nam. Ông đã mang sở học của mình giảng dạy suốt 28 năm, từ 1982 đến 2010. Ông cũng đã từng là Chủ Tịch Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam; chủ tịch Hội Y Sĩ Việt Nam, Nam California. Cạnh đấy, nhờ từ nhỏ đã học tập võ công và nhiều năm tháng tìm hiểu về môn khí công, ông vốn là chưởng môn võ Thiếu Lâm, võ sư Ðệ Cửu Ðẳng Huyền Ðai Hiệp Khí Ðạo; lại sở trường về âm nhạc, chơi kèn saxophone, sáng tác nhiều ca khúc phổ từ thơ và cũng là người sáng lập ra ban nhạc Star Band. Về Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc, ông phối hợp cả y – võ – nhạc vào làm một để lớp đồng hương cao niên có một phương pháp giữ gìn sức khỏe và mọi lứa tuổi có thể luyện tập thể dục một cách nhẹ nhàng, hiệu quả. Đó cũng còn là một sự cống hiến lớn lao cho xã hội. Năm nay 76 tuổi, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn vẫn nhanh nhẹn hoạt bát, với phong thái rất trẻ và đầy ắp niềm lạc quan về cuộc sống.Mới vài tháng trước đây, ông vừa tổ chức thành công kỷ niệm 13 năm của môn Khí Công Hoàng Hạc [14]

Trần Văn Chơn: sinh ngày 24 tháng 9 năm 1920. Năm 1939, ông tốt nghiệp bằng Tú tài bán phần (Part I) chương trình Pháp. Năm 1940, thi vào ngành Hàng hải Thương thuyền của Pháp tại Sài Gòn. Cuối năm 1951, từ Hàng hải Thương thuyền ông được tuyển chọn vào Quân Chủng Hải Quân. Ngày lễ Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1966, ông được thăng cấp Hải quân Đại tá và được tái nhiệm chức vụ Tư lệnh Hải Quân. 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng Hải hàm Phó Đề đốc, cấp bậc Chuẩn tướng tại nhiệm. Ngày Quốc Khánh 1 tháng 11 năm 1970, ông được thăng Hải hàm Đề đốc, cấp bậc Thiếu tướng tại nhiệm. Ngày 1 tháng 11 năm 1974, ông được giải ngũ vì đáo hạn tuổi, cộng thêm lý do đã phục vụ trên 20 năm trong quân đội. Sau ngày 30 tháng 4/ 1975, ông là vị tướng duy nhất của Hải Quân bị bắt đi tù lưu đày, cho đến ngày 14 tháng 9 năm 1987 mới được trả tự do. Tháng 12 năm 1991, ông cùng gia đình xuất cảnh theo diện H.O do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh. Sau đó định cư tại San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Ngày 2 tháng 5 năm 2019, ông từ trần tại nơi định cư, hưởng thọ 99 tuổi.[15]

Julie Phạm Hoài Hương: Tác giả của Their War, người Mỹ gốc Việt, định cư và làm việc tại Seattle. Thân phụ cô vốn là một cựu quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Như mọi sĩ quan khác, sau tháng 4/1975 ông bị lùa vào trại tù “cải tạo”. Ra khỏi tù, ông tìm mọi cách đưa cả nhà vượt biển, khi bé Julie Phạm (Phạm Hoài Hương) chỉ mới hơn một tháng tuổi (40 ngày). Gia đình đã đặt chân đến miền đất tự do này năm 1979. Hoàn tất tiểu luận này vào năm 1999, tác giả còn là cô sinh viên ở độ tuổi đôi mươi, tập sách đã được giải thưởng danh dự “Outstanding Undergraduate Research Showcase” của Viện Trưởng Đại Học UC Berkeley. Rồi tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành Sử học tại Cambridge University năm 2007, Julie Phạm được mời giảng dạy về khoa Sử tại Đại Học Berkeley, nơi cô từng theo học và cũng là nơi mà tác phẩm “Their War” đã được trưng bày suốt năm trong niên khóa 2000-2001 tại phòng khánh tiết của Viện Trưởng Đại Học Berkley Robert Berdahl. Julie Phạm hiện là Vice President đặc trách Community Engagement & Marketing của hiệp hội WTIA (Washington Technology Industry Association), và là Phối Trí Viên của Hiệp Hội Truyền Thông-Báo Chí Gốc Thiểu Số, WA (Sea Beez). Cô còn là thành viên ban quản trị /giám đốc và cũng là Tổng Thư Ký (Managing Editor) của Người Việt Tây Bắc, tờ tuần báo quen thuộc của cộng đồng người Việt từ 1986 có bề dày “hoạt động liên tục” lâu năm nhất ở tiểu bang Washington, hiện vẫn còn đều đặn tiếp tục hiện diện đến ngày nay.[16]

Danh sách trên 40 nhân vật được phỏng vấn để hòan tất tập nghiên cứu này đã có liệt kê đầy đủ ở những trang 69, 70 và 71 trong “Their War”; nhưng ở đây chỉ xin đặc biệt tóm tắt tiểu sử của ba nhân vật cùng của tác giả Julie Phạm Hòai Hương, với mục đích là nhằm nêu bật lên điểm cốt lõi của vấn đề: Bốn nhân vật này tiêu biểu đại diện cho ba thế hệ tiếp nối nhau có liên quan đến cuộc chiến Việt Nam. Phải chăng chủ ý của tác giả Their War là như thế, khi quyết định chỉ cho đăng hai tấm hình gồm bốn nhân vật ấy trong sách này?

Phạm Quốc Bảo
09/09/ 2019 & tu sửa 29/10/ 2019.

Chú thích:

[1] “Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam thập niên 60”…Làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam rầm rộ trong lòng nước Mỹ và nhiều nước khác đã truyền đi thông điệp phản chiến mạnh mẽ ở những năm 60 và đầu 70, là một trong các nhân tố quan trọng dẫn đến kết thúc cuộc chiến cách đây tròn 40 năm…

[2] “The 10 Best Movies About the Vietnam War” By Tyler Coates; Sep 21, 2017; Danh sách phim về Chiến tranh Việt NamVietnam: The Ten Thousand Day War (Wikipedia).

[3] Đại học Berkeley: tâm điểm của tự do phát biểu;

[4] Xem chi tiết đầy đủ:
– Douglas Pike, 77; Historian, Archivist of the Vietnam War;
– Douglas Eugene Pike
– Indochina Resources

[5] The Fall of South Vietnam;

[6] Bui Diem;

[7] Xem thêm vào chi tiết ở bài Hội thảo về VNCH, nền dân chủ sinh ra trong chiến tranh do Nguyễn Hòa viết.

[8] Vượt Sóng (Wikipedia)

[9] “Ride the Thunder – Cưỡi Ngọn Sấm” (2015). & Xem chi tiết thêm ở Cưỡi Ngọn Sấm Một Câu Chuyện Về Vinh Dự Và Chiến Thắng Trong Cuộc Chiến Việt Nam;

[10] Xin đọc thêm bài The Vietnam War Through Our Eyes “Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi”: Thêm nỗ lực nói lên sự thật; của Tường An ghi ngày: 06/09/2019.

[11] Xem chi tiết ở 41 phim của đạo diễn người Việt tại Viet Film Fest 2019; & Trang nhà Viet Film Fest;

[12] Trích bài “Giới Trẻ tại Việt Nma lớn lên sau chiến tranh nhìn về VNCH” của Nguyễn Hòa.

[13] Trích từ: Làm sao để ‘gánh, gánh, gánh… gánh thóc về’?;

[14] Chi tiết ở :Bác Sĩ Phạm Gia Cổn và Nha Sĩ Lý Văn Quý, hai người lính đặc biệt của QLVNCH & Bác Sĩ Phạm Gia Cổn và ‘Gia Đình Hoàng Hạc’ – 13 năm cống hiến giúp ích cho đời.

[15] Trần Văn Chơn (Wikipedia)

[16] Toàn bài viết của Lê Hữu: Nhạc Anh Bằng trong chương trình “Their War và Nhạc Tình” (Stories & Love Songs)Giới Thiệu Tập Sách: Their War (Julie Phạm, Phd): Cuộc Chiến Của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa: Và Lời Kể Của Cựu Chiến Binh Việt Tị Nạn Tại Hoa Kỳ;

“Their War” vừa được Amazon ấn hành dịp July 4th, 2019 và cũng phổ biến trên Kindle E-Book cùng giá với order sách Paperback từ Amazon là: $9.99 (cộng shipping order sách in). Hoặc có thể liên lạc qua tác giả Julie Phạm (Hoài Hương) tại ĐT/ Text:(206) 359-0605.

Địa chỉ: 6951 M.L. King Way S # 205 Seattle, WA 98118.

Nguồn: https://sangtao.org/2020/01/09/their-war-tieng-noi-cua-nguoi-linh-qlvnch/