Seite auswählen

Trung cộng với âm mưu độc chiếm Biển Đông. Tiếp tục xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma.

Đầu tháng 1.2020, PV Thanh Niên theo tàu 561 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra công tác tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã ghi nhận việc xây dựng trái phép của Trung cộng trên đá Gạc Ma mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ ngày 14.3.1988.

Từ tháng 7.2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung cộng đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước thành đảo nhân tạo. Trong số này, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn của Trung cộng.

Hiện tại, phía Trung cộng đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía bắc.
Các công trình của Trung cộng xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27 m gồm 8 tầng, 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai. Trên nóc nhà bố trí 2 radar hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác.

Trên tầng 6 của tòa nhà có lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 được lắp 2 bệ pháo 30 mm (loại 7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm.

Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng đông bắc luôn có lính trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng khai hỏa.

Ở khoảng cách gần 8 km, từ đảo Cô Lin nhìn sang Gạc Ma lúc trời quang mây tạnh hiếm hoi, chúng tôi nhìn rõ qua ống kính tele máy ảnh, thấy các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin mặt trời, 1 hải đăng cao 50 m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km…

Gạc Ma cách đảo Cô Lin gần 8 km và Len Đao gần 13 km. 2 đảo này do bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng giữ từ nhiều năm nay, nên khi xây dựng tôn tạo trái phép, phía Trung cộng đã đầu tư rất kỹ lưỡng vào các công trình có công năng tiếp tế – vận chuyển.

Hiện phía Trung cộng đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của Gạc Ma với chiều dài khoảng 100 m và 1 bến nghiêng rộng 20 – 30 m, phục vụ việc cơ động của các loại xe vận tải, xe bánh xích từ tàu vận tải đổ bộ lên bãi.

Một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Từ giữa năm 2017, ngoài việc lắp đặt thêm 2 hệ thống radar đối hải, phía Trung cộng còn đưa cây phi lao (cây dương) ra trồng để chắn gió mặn, cát bay và nhất là đối phó với công tác trinh sát, nắm tình hình của Hải quân Việt Nam. Các cây mang ra Gạc Ma đều là những gốc to đã trưởng thành, được trồng trong các hố đất đường kính 3 – 5 m. Đến nay, các cây đã lớn rất nhanh, cao gần 10 m và đang dần che các công trình trên bề mặt bãi đá Gạc Ma, từ ngoài nhìn vào rất khó nhận dạng các mục tiêu, công trình.

VietBF (16.01.2020)

Chuyên gia Mỹ: Đừng xem thường tiền đồn Trung cộng ở Biển Đông

Không ảnh vệ tinh của CSIS chụp ngày 16/06/2017 cho thấy nhiều công trình quân sự Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập.

Không ảnh vệ tinh của CSIS chụp ngày 16/06/2017 cho thấy nhiều công trình quân sự Trung cộng xây dựng trên Đá Chữ Thập. CSIS/Reuters

Trong những ngày đầu năm 2020, tranh luận trong giới chuyên gia về Biển Đông đã trở nên sôi nổi trên giá trị chiến lược và quân sự của các tiền đồn mà Trung cộng đã thiết lập và tiếp tục củng cố trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, cả ở Hoàng Sa lẫn Trường Sa. Và ngày càng có nhiều ý kiến báo động về tính chất nguy hiểm của các tiền đồn này đối với lực lượng Mỹ trong trường hợp nổ ra xung đột võ trang với Trung cộng.

Đáng chú ý nhất là nhận định của chuyên gia Mỹ Greg Poling (giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS tại Washington), trên trang mạng chuyên về quân sự War On The Rocks ngày 10/01/2020, theo đó sẽ là một “sai lầm nguy hiểm” khi cho rằng các tiền đồn Trung cộng tại Biển Đông sẽ bị Mỹ tiêu diệt dễ dàng khi xẩy ra chiến tranh.

Tiếp nối theo phân tích của giám đốc AMTI, chuyên gia Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 15/01 đã nhấn mạnh thêm trên “giá trị quân sự đáng kể” của các đảo nhân tạo mà Trung cộng đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.

Sẽ sai lầm khi coi thường giá trị quân sự của tiền đồn Trung cộng ở Biển Đông

Trong bài phân tích “Quan điểm chung về các căn cứ trên đảo của Trung cộng là một sai lầm nguy hiểm – The Conventional Wisdom on China’s Island Bases Is Dangerously Wrong”, chuyên gia Greg Poling đã không ngần ngại phản bác luồng suy nghĩ rất phổ biến hiện nay cho rằng các căn cứ quân sự mà Trung cộng xây dựng trên 7 hòn đảo nhân tạo trong tay họ ở Biển Đông chỉ dọa được các láng giềng nhỏ bé trong vùng, chứ không thể tồn tại được trước hỏa lực hùng mạnh của Quân Đội Mỹ.

Theo ông Greg Poling, nhân một cuộc hội thảo về tham vọng hàng hải của Trung cộng vào tháng 11 năm ngoái, ông đã được hỏi là liệu Hoa Kỳ có thể vô hiệu hóa dễ dàng các tiền đồn quân sự mà Trung cộng xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông hay không.

Đối với chuyên gia Poling, câu hỏi đó xuất phát từ một giả định rất phỏ biến hiện nay là các tiền đồn đó rất xa đất liền Trung cộng do vậy không thể làm gì được trước một lực lượng thống trị trên không và trên biển hiện nay như là Quân Đội Mỹ.

Có điều là, theo ông Poling, giả định đó không đúng. Trên thực tế, vào lúc chiến sự bùng lên, chính Trung cộng, chứ không phải Hoa Kỳ, sẽ là bên kiểm soát vùng biển và không phận Biển Đông nhờ vào các căn cứ của họ trên các đảo nhân tạo.

Bên cạnh đó, với cách bố trí lực lượng hiện nay của Mỹ trong khu vực, trong giai đoạn đầu của một cuộc xung đột, Hoa Kỳ sẽ phải mất rất nhiều công sức và tổn thất trước khi vô hiệu hóa được các tiền đồn đó để có thể tung lực lượng vào Biển Đông. Điều này cho thấy giá trị quân sự đáng kể của các tiền đồn đó đối với Bắc Kinh.

Hầu hết giới chuyên gia đều quan ngại

Theo chuyên gia Poling, câu trả lời của ông đã gây ra phản ứng nhiều phản ứng bất đồng tình trong số những người tham dự hội nghị, và ông đã quyết định sử dụng mạng Twitter để tham khảo ý kiến các nhà quan sát tình hình và các chuyên gia về an ninh Biển Đông. Kết quả là hầu như tất cả mọi người đều tán đồng lập luận của ông, thậm chí còn nêu thêm một số yếu tố đáng lo ngại cho Hoa Kỳ mà ông đã bỏ qua.

Đối với ông Poling, khác biệt giữa nhìn nhận của giới chuyên gia và suy nghĩ chung thường thấy về giá trị chiến lược của các tiền đồn Trung cộng trên Biển Đông là một điều đáng quan ngại. Hầu hết những người theo dõi tình hình Biển Đông đều cho rằng các căn cứ Trung cộng trên các đảo nhân tạo có giá trị thay đổi tương quan lực lượng Mỹ-Trung trong một cuộc xung đột tương lai, trong lúc quan điểm phổ biến tại Mỹ lại coi thường các nhân tố đó, cho rằng chúng không có giá trị chiến lược nào vì có thể bị tiêu diệt dễ dàng.

Đối với chuyên gia Poling, việc coi thường mức độ nguy hại của các tiền đồn quân sự Trung cộng trên Biển Đông là một sai lầm nguy hiểm.

Quan điểm của ông Greg Poling về các căn cứ quân sự Trung cộng ở Biển Đông đã được nhiều chuyên gia khác tán đồng, như nhà phân tích Ankit Panda trong bài “Liệu các đảo nhân tạo Trung cộng trên Biển Đông có hữu dụng và có giá trị về phương diện quân sự hay không? – Are China’s South China Sea Artificial Islands Militarily Significant and Useful?” đăng trên The Diplomat.

Giá trị quân sự của các căn cứ Trung cộng tại Trường Sa

Theo ông Panda, phân tích của giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á trong bài viết đăng trên trang mạng War on the Rocks là một lời phản bác đầy sức thuyết phục, chống lại suy nghĩ phổ biến hiện nay cho rằng các tiền đồn mà Trung cộng xây dựng gấp rút ở vùng Trường Sa sẽ là một nhược điểm chiến lược của Bắc Kinh trong một cuộc xung đột.

Đối với biên tập viên của tờ The Diplomat, các căn cứ Trung cộng ở Biển Đông trước hết có giá trị trong thời bình. Các tiền đồn này cho phép Bắc Kinh tiến hành các hoạt động cưỡng chế nhắm áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung cộng tại Biển Đông, chống lại các bên tranh chấp khác như Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng như Indonesia cũng bị Trung cộng tranh chấp một phần vùng đặc quyền kinh tế.

Còn trong thời chiến, theo ông Panda, các tiền đồn Trung cộng ở Trường Sa không chỉ là bia đỡ đạn, mà sẽ góp phần tăng cường hỏa lực của Trung cộng, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình hiện trường, và phục vụ công tác hậu cần. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có địa thế tốt để sử dụng tên lửa chống hạm và phòng không trên các cơ sở này để ngăn chặn Hải Quân Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực.

Thậm chí Không Quân Trung cộng vẫn có khả năng xuất phát từ các căn cứ ở Trường Sa để gây khó khăn cho lực lượng Mỹ trong trường hợp xẩy ra xung đột. Trung cộng đã có ba phi đạo dài trên ĐáChữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi đủ sức cho chiến đấu cơ sử dung. Các phi đạo này có thể bị Mỹ tấn công ngay từ đầu, nhưng không thể bị phá hủy hoàn toàn, và Trung cộng có thể khôi phục các đường bay không lâu sau một cuộc tấn công. Trong bài phân tích của mình, chuyên gia Greg Poling từng nêu bật ví dụ cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ vào căn cứ không quân Syria Shayrat năm 2017, đã thất bại trong việc vô hiệu hóa được căn cứ này.

Mặt khác, theo ông Panda, do việc diện tích các đảo nhân tạo khá lớn, như trong trường hợp Đá Vành Khăn và Xu Bi, để có thể phá hủy được hoàn toàn các cơ sở mà Trung cộng dùng làm điểm tựa cho Hải Quân, Không Quân và có thể là lực lượng tên lửa của họ trong tương lai, Mỹ sẽ cần đến một khối lượng rất lớn tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, điều có lẽ khó thực hiện được.

Giúp Trung cộng triển khai tàu ngầm nguyên tử tấn công đến gần Mỹ

Chuyên gia Panda còn nêu thêm một giá trị quân sự khác của các tiền đồn Trung cộng tại Trường Sa và Hoàng Sa không được ông Poling nêu lên. Đó là làm căn cứ cho lực lượng tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung cộng đang hình thành.

Theo ông Panda, trước những quan ngại về khả năng lực lượng hạt nhân trên bộ của mình dễ bị triệt hạ trong một cuộc xung đột, Trung cộng đã muốn đưa tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân loại 094 của mình vào Biển Đông để khi cần thiết, tìm cách thâm nhập vào chuỗi đảo đầu tiên để phóng tên lửa đạn đạo JL-2 (loại trang bị cho tàu ngầm) tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Tàu ngầm loại 094 của Trung cộng nhất thiết phải đến được chuỗi đảo thứ nhất vì loại tên lửa JL-2 không đủ tầm bắn để tấn công nước Mỹ từ Biển Đông.

Các tiền đồn Trung cộng ở Trường Sa có thể góp phần đáng kể vào việc giúp Bắc Kinh, không chỉ là ngăn chặn hoạt động của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông, qua đó tăng cường khả năng sống còn của các tàu ngầm tấn công hạt nhân được triển khai khi xung đột nổ ra, mà còn trở thành địa bàn từ đó tung ra các chiến dịch chống ngầm, phát hiện và đẩy lùi các phương tiện giám sát dưới đáy biển của Mỹ, bao gồm cả tàu ngầm và các loại tàu lặn tự hành khác.

Các đảo nhân tạo của Trung cộng từ lâu đã bi coi là biểu hiện cụ thể của các hành vị coi thường luật pháp và thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông sao cho có lợi cho Bắc Kinh. Trong lúc mục đích chính của các đảo nhân tạo này có thể là nhằm khẳng định các yêu sách chủ quyền đáng ngờ của Trung cộng, thì trong thời chiến, chúng có thể phát huy năng lực quân sự.

RFI (16.01.2020)

Nhật Bản lên án hành động hung hăng của Trung cộng ở biển đông

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1515005&d=1579079451

Một nghị sĩ Nhật Bản đã chính thức lên án việc Trung cộng (TC) ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Tuy nhiên việc làm này vẫn được cho là chưa tương xứng với những gì TC gây ra. Dưới đây là những tin tức cụ thể.

“Trung cộng đẩy mạnh hoạt động bồi đắp và chuyển đổi các thực thể ở Biển Đông thành tiền đồn quân sự”, nghị sĩ Nhật Bản Akihisa Nagashima thuộc đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, thành viên của ủy ban An ninh Quốc gia, phát biểu tại Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương ở thủ đô Canberra (Úc) ngày 14.1, theo tờ The Canberra Times.

Các hành động của Trung cộng gây xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, ông Nagashima nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác ủng hộ lời kêu gọi từ phía Nhật Bản.

“Chúng ta không nên ngồi ngoài lề trước những diễn biến ở Biển Đông. Nếu những hành động như thế này lặp đi lặp lại và không có biện pháp giải quyết thì điều này sẽ phá vỡ trật tự hiện hữu ở khu vực. Chúng ta nên duy trì nguyên tắc rằng bất kỳ hành động đơn phương nào sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để thay đổi hiện trạng là không thể chấp nhận được”, ông Nagashima cho biết.

Các hành động của Trung cộng ở Biển Đông không tuân thủ luật hàng hải quốc tế vốn không cho phép sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ep, nghị sĩ Nagashima nhấn mạnh.

Ông Nagashima nhấn mạnh tầm quan trọng của “những bộ quy tắc và nguyên tắc vốn khó đạt được nhằm đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Một nghị sĩ đảng đối lập Nhật Bản, Hirano Honda, đồng thời lên án những hành động hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông.

Phía Nhật Bản đưa ra tuyên bố mạnh mẽ trong diễn đàn, vốn thường chỉ thảo luận chung về vấn đề tăng cường hợp tác khu vực, theo nhận định của The Canberra Times. Chẳng hạn, các nghị sĩ Nga dành nhiều thời gian tập trung vào vấn đề an ninh mạng và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm ngăn chặn những vụ tấn công mạng.

Về phần mình, phái đoàn Trung cộng cho biết trật tự thế giới đối mặt trước những thách thức nghiêm trọng vào năm 2019, với bất ổn và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, kêu gọi các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tăng cường hợp hợp tác và “kiên quyết phản đối các hành động bắt nạt”.

Trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung cộng đẩy mạnh quân sự hóa, xây đảo trái phép trên các đảo đá và bãi cạn mà nước này chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào tháng 12.2019 một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định “chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

VietBF (15.01.2020)

Lực lượng Cảnh sát biển Trung cộng và Phi Luật Tân tham gia cuộc diễn tập cứu hộ chung

https://cdn1.img.vn.sputniknews.com/images/783/42/7834208.jpg

© AP Photo / Renato Etac

Lần đầu tiên trong lịch sử, tàu cảnh sát biển Trung cộng có chuyến thăm đến Phi Luật Tân.

Chuyến thăm thiện chí sẽ kéo dài đến ngày 17 tháng 1. Thủy thủ tàu cảnh sát biển Trung cộng đã tặng thực phẩm, mặt nạ cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào núi lửa Taal, gần Manila. Đây là một biểu hiện của tình cảm thân thiện chân thành đối với người dân Phi Luật Tân. Trong bốn ngày, tàu cảnh sát biển Trung cộng tham gia cuộc diễn tập cứu hộ chung với lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân, sẽ tiến hành các hành động chung để đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu dân sự ở Biển Đông. 

Các chủ đề chính trong cuộc họp lần thứ 3 của ủy ban hợp tác bảo vệ bờ biển chung ở Manila vào ngày 14-15 tháng 1 là sự tương tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật trên biển và tăng hiệu quả của đường dây nóng để ngăn chặn sự cố với sự tham gia của các tàu bảo vệ bờ biển. Theo bà Daria Panarina, chuyên gia về Phi Luật Tân tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, việc trao đổi quan điểm về các vấn đề này là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của các sự kiện diễn ra ở Manila với sự tham gia của lực lượng cảnh sát biển hai nước: 

 “Bản thân cuộc diễn tập chỉ là một sự kiện trình diễn, và chuyến thăm của tàu cảnh sát biển được tổ chức để hai bên có thể thảo luận về các vấn đề an ninh liên quan đến hoạt động của hai nước trong vùng lãnh hải tranh chấp ở Biển Đông. Trong năm qua đã ghi nhận khá nhiều tình huống nguy hiểm khi các tàu cảnh sát biển Trung cộng quấy phá ngư dân Phi Luật Tân. Chuyến thăm của tàu Trung cộng cho thấy rằng, cả hai bên đều muốn tìm kiếm sự thỏa hiệp trong các vấn đề gây tranh cãi, để phát triển một thuật toán cho sự tương tác giữa cảnh sát biển Trung cộng và ngư dân Phi Luật Tân”.

Chuyên gia Nga cũng bày tỏ ý kiến ​​về vai trò tiêu cực của các lực lượng thân Mỹ ở Phi Luật Tân và các phương tiện truyền thông do họ kiểm soát trong việc kích động dân chúng chống Trung cộng:

“Hoa Kỳ muốn thống trị khu vực. Thật đúng nếu nói rằng nhiều phương tiện truyền thông Phi Luật Tân thực sự thân Mỹ, được Hoa Kỳ tài trợ. Tất nhiên, điều này ảnh hưởng đến nội dung các bài viết về Trung cộng. Cách đánh giá trong các bài bình luận của các phương tiện truyền thông như vậy là rất gay gắt, vì thế có thể thấy ngay họ đang kích động dân chúng theo hướng nào”.

Chuyến thăm của chiếc tàu Trung cộng tới cảng Manila trở thành cái cớ để các phương tiện truyền thông phê bình những hành động của cảnh sát biển Trung cộng ở Biển Đông. Đáp trả những cáo buộc này, Tư lệnh lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân, Đô đốc Joel Garcia lưu ý rằng, sự tham gia của Trung cộng vào các sự kiện song phương là một phần trong các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông.

“Ngay cả khi hai bên có mâu thuẫn, ngoại giao là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề. Cần phải ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về những lời phàn nàn”, – truyền thông châu Á dẫn lời Đô đốc Joel Garcia.

Sputnik (16.01.2020)

Liệu các tiền đồn quân sự của Trung cộng ở Biển Đông có thể nhanh chóng bị san phẳng?

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2020/01/chu-thap_gjuo-700x366-700x366.jpg

Trung cộng đã xây dựng nhiều công trình quân sự phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: AMTI)

Các tiền đồn quân sự của Trung cộng ở Biển Đông đã vi phạm thỏa thuận của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa biển Đông, và có thể sẽ nhanh chóng bị san phẳng nếu xảy ra xung đột với Mỹ.

Tờ National Interest hôm 11/1/2020 cho rằng trong bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào với Mỹ, các tiền đồn trên biển này gần như chắc chắn sẽ nhanh chóng bị phá hủy bởi các đợt không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình, xóa sổ mọi cơ sở của quân sự của Trung cộng tại đây.

Trong những năm gần đây, Trung cộng đã đưa ra yêu sách tới 90% Biển Đông, đồng thời củng cố tuyên bố này bằng cách tạo ra các đảo nhân tạo, thông qua việc nạo vét và bồi lấp cát. Những yêu sách này của Bắc Kinh đã vi phạm thô bạo chủ quyền biển của các nước láng giềng.

“Việc phát hiện trong năm 2016 rằng Trung cộng đã quân sự hóa các đảo nhân tạo này không thực sự đáng ngạc nhiên, nhưng liệu những hòn đảo này hữu ích như thế nào trong việc bảo vệ các mục tiêu chiến lược của Trung cộng?”, tờ National Interest đặt câu hỏi.

Chiến dịch của Trung cộng nhằm quân sự hóa Biển Đông bắt đầu từ năm 2009, khi Bắc Kinh đệ trình một bản đồ mới lên Liên Hợp Quốc, cho thấy một loạt các đường biên giới, với tên gọi “đường 9 đoạn” trên Biển Đông, mà họ tuyên bố phân định lãnh thổ Trung cộng. Kể từ đó, Trung cộng đã mở rộng ít nhất 7 rạn san hô và đảo nhỏ ở Biển Đông, bao gồm các đảo san hô: Xu bi, Đá Vành Khăn, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Ga Ven, Đá Chữ Thập và Đá Châu Viên.

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2020/01/tau-tuan-duong-cua-tq.jpg

Một tàu tuần duyên của Trung cộng (Ảnh: SCMP)

Theo tổ chức ‘Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á’, Bắc Kinh đã bồi đắp và tạo ra hơn 12ha đất mới. Ban đầu Trung cộng tuyên bố ‘lãnh thổ’ của họ đang được phát triển vì mục đích hòa bình, từ việc hỗ trợ cho thủy quân lục chiến, cho đến việc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, nhiều hòn đảo hiện đã có đường băng quân sự, và được trang bị súng phòng không, súng chống tên lửa, và các loại pháo hải quân.

Đảo Đá Châu Viên hiện đã được lắp đặt một thiết bị radar mới với Tần số Cao, để cảnh báo sớm và phát hiện máy bay. Việc trang bị thiết bị này hoàn toàn không phù hợp với ‘nhiệm vụ hòa bình’ mà Bắc Kinh tuyên bố. Xa hơn về phía bắc, trong vùng biển tranh chấp, Trung cộng đã lắp đặt tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9, trên đảo Phú Lâm.

Trên bề mặt, việc bành trướng lãnh thổ và ‘quay lưng’ với khái niệm “trỗi dậy hòa bình” của cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào, là điều khó hiểu. Nó đã khiến các nước láng giềng và các cường quốc khác, bao gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, xa lánh Trung cộng.

Theo một số chuyên gia, giới lãnh đạo của Trung cộng có thể đã tính toán rằng việc có được một pháo đài răn đe hạt nhân, ở biển Đông là cần thiết, bất chấp những thiệt hại ngoại giao, mà nó đã gây ra.

Theo National Interest, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Liên Xô hoạt động từ 2 “pháo đài” bảo vệ, một cái phía bên bờ Đại Tây Dương ở Biển Barents, và một cái phía Thái Bình Dương ở Biển Okhotsk. Tại đó, các tàu ngầm tên lửa của Liên Xô có thể được bảo vệ bởi các lực lượng không quân và hải quân có căn cứ trên đất liền, trước các cuộc tấn công bằng máy bay, tàu chiến và tàu ngầm của địch.

Các tên lửa hạt nhân của Trung cộng được lắp đặt trên đất liền và một phần trên biển, ở trên 4 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin. Bắc Kinh tin rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ đe dọa làm suy yếu sự tin cậy của vũ khí hạt nhân còn khiêm tốn trên các tàu ngầm của Trung cộng.

Vì vậy, theo quan điểm của Bắc Kinh, xây dựng “pháo đài bảo vệ” trên các đảo thậm chí còn quan trọng hơn.

Về địa lý, Trung cộng cơ bản chỉ có thể chọn Thái Bình Dương làm pháo đài của riêng mình. Mặt khác, Biển Đông giáp với một số quốc gia tương đối yếu, không thể gây ra mối đe dọa cho các tàu ngầm tên lửa hạt nhân của Trung cộng. Trong khi đó, Bắc Thái Bình Dương, với sự hiện diện của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và gần 50 tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, là một khu vực mà Trung cộng không thể ‘với tới’.

Ngoài tàu thuyền và máy bay qua lại Biển Đông, sự hiện diện thường trực trên mặt đất giúp Trung cộng củng cố việc nắm giữ khu vực. Nó cũng cho phép Trung cộng lắp đặt một hệ thống cảm biến cố định, như trường hợp lắp radar tần số cao trên đảo Châu Viên.

Các cảng và đường băng đang được Trung cộng xây dựng ở các đảo, sẽ hầu như chắc chắn được sử dụng để bảo vệ khu vực, trước một chiến dịch chiến tranh chống tàu ngầm phức tạp, được [Mỹ] thiết kế để chống lại chương trình đưa vũ khí hạt nhân ra biển của Trung cộng.

Có thể có nhiều hơn các loại tên lửa đất đối không như HQ-9 và tên lửa chống hạm trên mặt đất sẽ được Trung cộng lắp đặt để bảo vệ các cơ sở quân sự khác như đường băng và hệ thống radar. Các hoạt động tự do hàng hải gần đây của Mỹ và của các đồng minh, sẽ bị Trung cộng sử dụng, để biện minh cho việc tăng cường vũ trang nhiều hơn, và rằng sự hiện diện quân sự đang phát triển để đáp ứng nhu cầu gia tăng hiện diện quân sự.

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2020/01/uss-lotniskowiec-cvn-reagan-ronald-76-700x366.jpeg

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (Ảnh: US Navy)

Điều này chỉ ra gót chân Achilles của các tiền đồn trên đảo của Trung cộng. Đó là về lâu dài, chúng không thể phòng thủ. Không giống như tàu chiến, các đảo là cố định tại chỗ, và không thể di chuyển. Các hòn đảo nhỏ không thể dự trữ đủ quân số, tên lửa đất đối không, thực phẩm, nước và năng lượng điện để duy trì các tiền đồn phòng thủ hiệu quả. Như các trận đánh Iwo Jima và Okinawa [trong thế chiến thứ 2 khi quân Nhật bảo vệ các đảo này đã bị Thủy quân Lục chiến Mỹ đánh bại], đã minh chứng rằng không có khả năng phòng vệ vững chắc đối với các đảo, kể cả các đảo rộng lớn.

Làm thế nào Trung cộng có thể đối phó với một cuộc tấn công như vậy từ pháo đài hạt nhân của mình là một câu hỏi mở, cần được xem xét nghiêm túc, vì chiến thắng ở Biển Đông có thể không báo hiệu sự kết thúc của một chiến dịch, mà là một bước ngoặt nguy hiểm, bước vào một cuộc chiến tranh mới.

The tờ National Interest, các tiền đồn quân sự của Trung cộng ở Biển Đông là vi phạm thỏa thuận của Bắc Kinh về việc không quân sự hóa biển. Mặc dù bản thân khu vực này có giá trị chiến lược lớn, nhưng chúng là một giải pháp phòng thủ kém, dễ bị phá hủy nhanh chóng trong thời chiến.

“Trung cộng sẽ là khôn ngoan khi coi các đảo chỉ là một giải pháp tạm thời, cho đến khi Hải quân Quân đội Trung cộng có đủ số lượng tàu để duy trì sự hiện diện thường trực trong khu vực”, tờ National Interest kết luận.

ĐKN (14.01.2020)

Vài dự báo về tình hình Biển Đông Năm 2020

https://www.datviet.com/wp-content/uploads/2020/01/image-8.jpg

Trong tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều biến động, trật tự quốc tế đang có những thay đổi khó lường. Tuy nhiên với tham vọng và quyết tâm trở trành “siêu cường”, Trung cộng vẫn sẽ tiếp tục lấn tới ở Biển Đông bằng nhiều cách thức khác nhau. Sự kiện Trung cộng cho tàu thăm dò HD8 cùng nhiều tàu hải cảnh xâm phạm EEZ của Việt Nam, cùng với việc xâm phạm EEZ của Mã Lai, Philippines trong năm 2019 vừa qua, đặc biệt là căng thẳng giữa Nam Dương và Trung cộng đầu năm 2020 đã cho thấy âm mưu muốn kiểm soát, khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông của Trung cộng là không hề thay đổi, chỉ khác về cách thức triển khai trên thực tế.

Năm 2021 sẽ là kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung cộng, năm 2022 Trung cộng sẽ tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 20 kết thúc 1 nhiệm kì nữa của Tập Cận Bình. Do đó, tình hình Biển Đông năm 2020 chắc chắn sẽ còn “dậy sóng”. Một số chuyên gia cho rằng, sự kiện ở khu vực Bãi Tư Chính năm 2019 vừa rồi chỉ là một cách thức thăm dò của Trung cộng xem phản ứng của các nước, đặc biệt là Việt Nam như thế nào. Mục đích xa hơn mà Trung cộng muốn là đưa giàn khoan cắm chốt ở bãi Tư Chính, biến Tư Chính thành khu vực tranh chấp, buộc Việt Nam phải chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” với Trung cộng. Đồng thời, coi thùng dầu đầu tiên khoan được ở khu vực này là một trong những thành tích quan trọng kỉ niệm 2 mốc sự kiện nêu trên.

Thêm nữa, Trung cộng sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác khai thác chung với một số quốc gia ven Biển Đông, thông qua đó thao túng và chia rẽ các quốc gia thành viên của ASEAN. Trung cộng và Philippines đã ký kết thỏa thuận “Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dầu khí” năm 2018. Hiện nay, Trung cộng đang tiến hành những bước cuối cùng trong việc khai thác chung với Philippines tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Vì vậy, khai thác chung ở khu vực Biển Đông trước hết sẽ được Trung cộng thực hiện với Philippines trong năm tới sự thúc ép từ phía Trung cộng. Trung cộng muốn thông qua khai thác chung với Philippines sẽ “rêu rao” với thế giới về thành công này của “gác tranh chấp cùng khai thác”, tiến tới ép Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương, Brunei phải theo bước thực hiện.

Trung cộng cũng tiếp tục thúc đẩy các vòng đàm phán COC, nhưng muốn một COC theo ý Trung cộng. Trong đó, Trung cộng muốn dùng COC để ngăn cản sự tham gia của các công ty Mỹ trong việc khai thác tại biển Đông, cũng như đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này. Chính vì vậy, để đi đến một Bộ Quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp do lập trường của các bên còn rất xa nhau. Niềm tin của các quốc gia ASEAN vào sự “trỗi dậy hoà bình” của Trung cộng càng ngày càng bị các hành động hiếu chiến của Trung cộng ở biển Đông làm xói mòn. Tuy nhiên, các nước ASEAN vẫn bị chia rẽ bởi lợi ích kinh tế từ phía Trung cộng. Trong khi đó, thực lực và vị thế của Trung cộng lại ngày càng lớn mạnh, đang dùng mọi cách để ép buộc các nước ASEAN chấp thuận dự thảo COC theo ý muốn của mình. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán thực chất COC, thì đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối lớn đối với Việt Nam.

Cùng với việc đưa ra thời gian biểu trong vòng 3 năm tới Trung cộng và ASEAN sẽ hoàn thành việc đàm phán COC, trong năm 2020 đây cũng sẽ là một nội dung trọng tâm mà hai bên nỗ lực thúc đẩy.

Năm 2020 Mỹ sẽ gia tăng các hoạt động FONOP, tuần tra giám sát ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng xảy ra các vụ đụng độ giữa lực lượng quân sự Mỹ và Trung cộng ở khu vực này không cao, do cả hai bên cùng kiềm chế tối đa. Trong thời gian tới, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung cộng ở khu vực Biển Đông. Ngoài ra, theo một số nhà nghiên cứu của Mỹ thì Mỹ sẽ cần một chính sách mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông như yêu cầu Trung cộng rút các trang thiết bị quân sự tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Tuy vậy, điều này rất khó khăn vì Trung cộng đã tiến một bước dài trong quá trình xây dựng chỗ đứng vững chắc ở khu vực Biển Đông .

Sự cạnh tranh chiến lược giữ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục tăng cường và còn kéo dài. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tiếp tục gây những tác động lâu dài trên toàn bộ thế giới. Hai quốc gia này sẽ tiếp tục cạnh tranh với nhau trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trung cộng thực hiện các biện pháp ngày càng quyết đoán ở Biển Đông cùng với việc Mỹ xác định Trung cộng là đối thủ cạnh tranh số 1 cho thấy, Biển Đông sẽ là một trong những địa bàn quan trọng để Mỹ kiềm chế sự trỗi dậy của Trung cộng. Bối cảnh đó, có thể đẩy Việt Nam vào tình thế lựa chọn khó khăn. Nhưng đồng thời, cũng đem đến cho Việt Nam những cơ hội hợp tác mới. Với vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực, cùng với vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN, Việt Nam sẽ là một nhân tố thu hút sự lôi kéo của các quốc gia lớn. Vấn đề là Việt Nam cần có một chính sách ngoại giao năng động và thiết thực để có thể khéo léo ứng xử trước các mối quan hệ phức tạp như vậy.

RFA (14.01.2020)

Nam Dương công bố hình ảnh chi tiết cuộc đối đầu với tàu TC trên biển

Theo thông tin từ phía Nam Dương cho biết, có ba tàu hải quân của hải quân nước này đã phát hiện 6 tàu cảnh sát biển, 1 tàu giám sát biển (hải giám) và 49 tàu cá Trung cộng trong khu vực xảy ra vụ việc. Từ cuộc tranh chấp giữa Trung cộng và Nam Dương ở vùng biển phía đông bắc của Quần đảo Natuna vẫn đang tiếp diễn.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1514534&stc=1&d=1579003735


Tàu chiến Nam Dương bám sát phía sau tàu cảnh sát biển Trung cộng (Ảnh: Reuter/Đa Chiều)

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều tối 13/1 cho biết, phía Nam Dương cũng công bố những bức ảnh có độ phân giải cao về các tàu công vụ Trung cộng tại hiện trường. Theo các bức ảnh mà Nam Dương công bố, thấy ít nhất có các tàu cảnh sát biển số hiệu 5202, 4301, 5403 và một số lượng lớn tàu cá Trung cộng xuất hiện tại hiện trường. Trong số đó, tàu 5202 cũng được trang bị pháo hạm PJ26 một nòng cỡ 76 mm, có tốc độ bắn tối đa 120 phát/phút, hoàn toàn không gặp bất lợi khi đối mặt với tàu chiến của Nam Dương.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1514535&stc=1&d=1579003735

Tàu cảnh sát biển 5202 của Trung cộng trang bị pháo hạm 76mm hộ tống các tàu cá Trung cộng vào đánh bắt trong vùng biển phía Bắc Natuna (Ảnh: Đa Chiều)


Trước đó mấy ngày, hôm 8/1, Tổng thống Nam Dương Joko Widodo đã tới thị sát vùng biển gần Quần đảo Natuna. Vào ngày 6/1, ông Widodo đã mạnh mẽ tuyên bố rằng không có chỗ để mặc cả với Trung cộng về vấn đề chủ quyền. “Nước ngoài không thể đặt chân vào lãnh thổ của chúng ta, dù chỉ là một tấc, nếu không có sự đồng ý của chính phủ nước ta”, ông tuyên bố.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1514536&stc=1&d=1579003735

Tàu chiến Nam Dương (phải) và tàu cảnh sát biển Trung cộng (trái) so kè nhau trên biển (Ảnh: Đa Chiều)


Ông Widodo cũng nói, Nam Dương không đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng không thể dung thứ cho Trung cộng xâm phạm chủ quyền của mình (Nam Dương) tại vùng biển gần Biển Đông. Nam Dương có chủ quyền “không thể thương lượng” đối với vùng biển đảo Natuna.

Đáp lại phát biểu của ông Widodo, ngày 8/1 Cảnh Sảng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung cộng, bày tỏ không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa Trung cộng và Nam Dương và hai bên tồn tại yêu sách chồng lấn về quyền lợi biển ở bộ phận vùng biển trên Biển Đông.

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh rằng Trung cộng hy vọng rằng phía Nam Dương sẽ giữ bình tĩnh và muốn tiếp tục xử lý đúng đắn các bất đồng với phía Nam Dương, duy trì quan hệ tốt giữa hai nước và đại cục hòa bình và ổn định của khu vực. Trên thực tế, hai nước đã luôn duy trì liên lạc về vấn đề này thông qua kênh ngoại giao.

Tuy nhiên, ngày 10/1, ông Widodo đã hội kiến Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu tại Dinh Tổng thống đang ở thăm Nam Dương, bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các ngành công nghiệp đánh cá, du lịch và năng lượng của Quần đảo Natuna và tăng cường sự hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1514538&stc=1&d=1579003735

Tàu cảnh sát biển Trung cộng hoạt động ban đêm trên biển Natuna (Ảnh: Đa Chiều)

Ông Motegi Toshimitsu nhấn mạnh: “Nhật Bản vẫn cảnh giác trước tình hình ở Biển Đông và phản đối việc đơn phương cưỡng bức thay đổi hiện trạng”.

Theo Đa Chiều, Quần đảo Natuna nằm ở Biển Đông giữa Bán đảo Mã Lai và bang Borneo. Nó bao gồm 272 hòn đảo với tổng diện tích 2.110 km2 và dân số khoảng 90.000 người. Ngày 12/11/2015, tại cuộc họp báo thường kỳ, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã nói rõ chủ quyền của Quần đảo Natuna thuộc về Nam Dương.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1514539&stc=1&d=1579003735

Trung cộng huy động lực lượng tàu cảnh sát biển hùng hậu hộ tống các tàu đánh cá trong vùng biển phía Bắc Natuna (Ảnh Đa Chiều)

Kể từ cuối tháng 12/2019, đã có tranh chấp giữa Trung cộng và Nam Dương về việc bảo vệ nghề cá ở vùng biển phía đông bắc của Quần đảo Natuna (được Trung cộng vẽ vào bên trong cái gọi là “Đường 9 đoạn” do họ tự định ra rồi đòi hỏi chủ quyền). Trong mấy ngày sau đó, Trung cộng đã phái nhiều tàu cảnh sát biển và tàu hải giám hộ tống các tàu cá của họ và Nam Dương cũng đã gửi các tàu công vụ và máy bay chiến đấu tới.

Ngày 6/1, Nam Dương tuyên bố tại khu vực xảy ra tranh chấp xuất hiện các tàu cảnh sát biển Trung cộng số hiệu 5101, 5302, 4301, 5403 và 2169, nhưng không có tàu chiến Trung cộng nào xuất hiện.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1514540&stc=1&d=1579003735

Tàu chiến Nam Dương áp sát tàu cảnh sát biển Trung cộng trong đêm (Ảnh: Đa Chiều)

Vào thời điểm đó, Nam Dương đã đưa tàu cảnh sát biển 2.400 tấn “KN Tanjung Datu” cùng các tàu hộ vệ “Tjiptadi” và “Teku Omar” của hải quân. Ngày 5/1, một Trung tướng của Hải quân Nam Dương nói 4 tàu chiến sẽ được tăng cường đến vùng biển xảy ra vụ việc.

Theo Đa Chiều, do các nhân tố thực tế và lịch sử, trong nước Nam Dương đã gây nên căng thẳng với Bắc Kinh. Vào ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Trung cộng đã đưa ra một thông báo nhắc nhở công dân Trung cộng ở Nam Dương chú ý đến an ninh.

VietBF (14.01.2020)

Vấn đề cũ chuyển qua năm mới: Tranh chấp biên giới

Vấn đề cũ chuyển qua năm mới: Tranh chấp biên giới

© REUTERS / Beawiharta

Tuần trước, có bùng phát tình hình xung quanh quần đảo Natun của Nam Dương. Dọc theo bờ biển quần đảo cách thành phố Ranai thủ phủ của vùng này chỉ 130 km xuất hiện hàng chục tàu cá Trung cộng cùng với tàu chiến tuần phòng bờ biển của CHND Trung Hoa, – như ông Piotr Tsvetov, chuyên gia phân tích của Sputnik cho biết.

Đe dọa chủ quyền của Nam Dương

Natuna là quần đảo ở phần cực bắc của nước Cộng hòa Nam Dương. Cho đến năm 1993, Trung cộng không mấy quan tâm đến phần phía nam này của Biển Đông, nhưng khi trên thềm lục địa gần các đảo này  tìm thấy trữ lượng lớn dầu khí thì Bắc Kinh bèn tuyên bố chủ quyền đối với phần thềm lục địa này, còn trên bản đồ Trung cộng thể hiện khu vực này như lãnh thổ là của CHND Trung Hoa. Từ đó trở đi, hết lần này đến lần khác, các tàu Trung cộng liên tục xâm phạm lãnh hải của Nam Dương. Không ngẫu nhiên mà Phó Đô đốc Hải quân Nam Dương Yudo Margono đã gọi cuộc xâm nhập mới đây của ngư dân và lính thủy Trung cộng là «mối đe dọa đối với chủ quyền của Nam Dương».

Mặc dù đã có công hàm phản đối gửi tới Đại sứ Trung cộng tại Jakarta, chính quyền Nam Dương không hạn chế chỉ bằng biện pháp ngoại giao. Tổng thống Nam Dương Joko Widodo tuyên bố rằng không thể thảo luận gì (với Trung cộng) về các vấn đề gắn với chủ quyền của Nam Dương, và ông ra lệnh phái tàu chiến và máy bay quân sự của nước mình đến khu vực bị phía Trung cộng xâm nhập. Đám tàu Trung cộng rút lui. May thay, không xảy ra đổ máu.

Tham vọng của Mã Lai

Hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái, đại diện của Mã Lai đã kiến nghị với Ủy ban Liên hợp quốc về ranh giới thềm lục địa, nêu yêu cầu  thiết lập ranh giới mới của thềm lục địa vượt quá khu vực 200 dặm quanh quần đảo Trường Sa. Đại diện của Bắc Kinh tại Liên Hợp Quốc lập tức gọi đó là sự xâm phạm chủ quyền của Trung cộng trên biển Hoa Nam (Biển Đông) và lớn tiếng phản đối việc xem xét yêu sách này của Mã Lai. Hơn thế nữa, trong công hàm chính thức, Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa nhắc lại rằng họ có quyền lịch sử ở biển Hoa Nam, đòi thừa nhận quyền của Bắc Kinh đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh quần đảo Trường Sa.

Đã không chỉ một lần người ta nói và viết rằng những đòi hỏi này của Bắc Kinh là bất hợp pháp, mâu thuẫn với các chuẩn mực của luật hàng hải quốc tế. Nói chung, sau phán quyết của Toà  trọng tài quốc tế ở The Hague năm 2016, phần này của Biển Đông được xác định là vùng biển quốc tế, tức là bên ngoài 12 dặm kể từ những vách đá tạo nên quần đảo Trường Sa thì tất cả đều là di sản chung của toàn nhân loại.

Liệu có đáng trông đợi Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông?

Năm ngoái, các phương tiện truyền thông toàn cầu liên tục đề cập đến chủ đề Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, vấn đề vốn đã hiện hữu trong chương trình nghị sự suốt gần hai chục năm nay. Có thông tin đưa ra rằng các bên đã xúc tiến công việc về một số phương án dự thảo, đang thảo luận các chi tiết của văn bản. Hồi tháng 8 năm ngoái Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị đã chính thức bày tỏ sự tin tưởng rằng Bộ Quy tắc sẽ được thông qua (tuy nhiên chúng tôi xin lưu ý rằng, theo như ý kiến ​​của ông Bộ trưởng Trung cộng thì việc này còn mất thêm 3 năm nữa!).

Đương nhiên, thế giới sẽ thở phào nhẹ nhõm khi Bộ Quy tắc này đi vào hiệu lực, thế nhưng liệu có thể được như vậy hay chăng, khi vẫn thiếu vắng thỏa thuận của các nước trong ý tưởng về biên giới quốc gia, và khi mà hàng tháng hoặc thậm chí còn thường xuyên hơn, chúng ta đều phải nghe tin về những cuộc tranh chấp mới, bằng những tuyên cáo hoặc bất cần ngôn ngữ, trên các đảo và thềm lục địa của Biển Đông?

Theo Piotr Tsvetov

Sputnik (13.01.2020)