Seite auswählen

 

Sau khi Chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu, các quốc gia chính danh Cộng sản hiện nay còn lại là Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên đang phát triển theo những hướng rất khác nhau. Trong khi Cu Ba và Bắc Triều Tiên vật lộn về kinh tế thì Trung Quốc và Việt Nam nổi lên như những nền kinh tế có triển vọng, đặc biệt Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ 2 Thế giới. Dường như phê phán Chủ nghĩa cộng sản như là hiện thân của học thuyết kinh tế sai lầm – Chủ nghĩa Marx – không còn phù hợp.

Các tác giả bài viết này đề xuất một cách nhìn về Chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam, một hình thái mới của Chủ nghĩa cộng sản – Neo-Communism. Hai quốc gia này có những đặc điểm tương đồng, cùng đặc trưng bởi thành công về kinh tế nhưng suy đồi về tinh thần và thiết chế xã hội.

Khái niệm Neo-Communism được đề xuất trong bài viết này là hoàn toàn khác so với Neo-Communism được bàn luận trước đây, cụ thể là Neo-Communism xuất hiện tại Liên Xô thời kỳ ngay trước sụp đổ.

  1. Tư tưởng về kinh tế và phi kinh tế của của một chế độ

Mỗi chế độ đều có chủ thuyết về hai khía cạnh nền tảng của xã hội: Kinh tế, bao gồm các lý thuyết và nguyên tắc phát triển kinh tế… và phi kinh tế, bao gồm các vấn đề chế độ chính trị và các yêu tố tinh thần, bao gồm các vấn đề dân chủ, quyền con người…

Ở khía cạnh kinh tế, Chủ nghĩa tư bản có cơ sở là chủ thuyết về tự do kinh doanh và sở hữu cá nhân. Ở khía cạnh phi kinh tế, Chủ nghĩa tư bản theo đuổi chủ thuyết về nhà nước tam quyền phân lập, chế độ đa đảng, dân chủ và các quyền tự do, trong đó có quyền con người.

Karl Marx, dù khi khai sinh ra Chủ nghĩa cộng sản với xuất phát điểm ở khía cạnh kinh tế là luận thuyết về tư bản (Das Kapital), với sự phủ nhận sở hữu tư nhân, nhưng đã không quên đưa ra những đề xuất ở khía cạnh phi kinh tế, cụ thể là về thiết chế xã hội, trong đó, nhà nước là do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Những tín đồ thế hệ tiếp theo, những người “thực hành” chủ nghĩa Marx, như Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh… đã có rất nhiều “sáng tạo” vượt ra ngoài khuôn khổ mà Marx đưa ra, cụ thể là trong lĩnh vực xây dựng nhà nước, trong đó chế độ kinh tế của nhà nước chủ yếu dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa Marx.

Điều thú vị là, khi sáng tạo ra những điều mới mẻ trong thực hành cách mạng vô sản, các tín đồ đó đã diễn giải Marx theo cách có lợi cho chủ thuyết và cho hành động của mình, cả về mặt kinh tế và phi kinh tế. Những tín đồ này vẫn có một chỗ dựa tinh thần vững chắc là Chủ nghĩa Marx, khi mà nó vẫn có một vị thế nhất định, không chỉ ở các quốc gia Cộng sản, mà còn ở các quốc gia tư bản, đặc biệt mỗi khi Chủ nghĩa tư bản lâm vào các thời kỳ khủng hoảng theo chu kỳ phát triển kinh tế trên quy mô toàn Thế giới, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào 2008, và gần đây, một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới đang gõ cửa.

Những chủ thuyết phi kinh tế của Chủ nghĩa cộng sản bao gồm chuyên chính vô sản, nhà nước do giai cấp công-nông lãnh đạo, chế độ độc đảng, trong đó quyền tự do của con  người bị hạn chế, bao gồm phủ nhận tới cấm đoán tôn giáo, cho đến áp đặt tùy tiện những tiêu chuẩn đạo đức, nguyên tắc ứng xử cơ bản là theo ý chí của lãnh tụ theo từng thời kỳ của các quốc gia đó.

Về kinh tế, Chủ nghĩa cộng sản có những nguyên tắc căn bản như phủ nhận sở hữu tư nhân, hạn chế cho đến cấm đoán tự do kinh doanh ngoài kinh doanh của nhà nước, kinh tế kế hoạch hóa, thi hành chế độ quốc doanh cho đến quân doanh, đặc biệt trong thời kỳ trước khi Trung Quốc “trỗi dậy” 40 năm trước, và Việt Nam trước khủng hoảng kinh tế vào cuối những năm 1980.

  1. Về nguyên nhân sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản tại một số quốc gia

Trong các quan điểm của cộng đồng Thế giới về sự sụp đổ của hệ thống các nước Cộng sản, quan điểm cho rằng nó sụp đổ do nguyên nhân kinh tế vẫn là chủ đạo. Cụ thể, Liên Xô sụp đổ do không thể chịu nổi áp lực kinh tế trong cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, và kéo theo sự tan rã trong một thời gian ngắn khó tin của chính quyền Cộng sản tại các nước Đông Âu, vốn phụ thuộc vào Liên Xô cả về kinh tế và an ninh.

Tưởng như Chủ nghĩa cộng sản như một chủ thuyết sẽ sụp đổ hoàn toàn trên toàn Thế giới, như hiệu ứng domino. Nhưng không, một số quốc gia Cộng sản đã thích ứng nhanh chóng với tình hình mới và trỗi dậy, đặc biết là về kinh tế, cụ thể là Trung Quốc từ 1978 và Việt Nam từ cuối những năm 1980. Thế giới đã và đang chứng kiến một bộ mặt khác của Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc, khi mà xuất phát điểm kinh tế của nước này còn thấp hơn Liên Xô rất nhiều, và tiếp theo là Việt Nam, với những điểm tương đồng Trung Quốc về nhiều mặt, cụ thể là đều đứng trước tình trạng kiệt quệ về kinh tế. Chủ nghĩa cộng sản ở các nước này đã không sụp đổ vì lý do kinh tế – Cộng đồng Thế giới đã mắc một sai lầm nghiêm trọng trong nhận định về nguyên nhân sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản.

Không những thế, cộng đồng Thế giới lại sai lầm cơ bản một lần nữa với lý thuyết rằng tự do kinh doanh, phát triển kinh tế sẽ dẫn tới phát triển xã hội tại các quốc .gia Cộng sản còn lại. Cụ thể là, với sự phát triển của kinh tế, tại các quốc gia đó sẽ diễn ra quá trình dân chủ hóa, dẫn tới sự hình thành thiết chế mới bao gồm nhà nước đa đảng, pháp quyền… và tự do hóa, dẫn tới sự mở rộng các quyền con người, dần dần tiến tới các chuẩn mực của các quốc gia tiến bộ về dân chủ và phát triển. Quan điểm này thịnh hành trong thời kỳ sau Chiến tranh Việt Nam với việc chính quyền của Tổng thống Richard Nixon bắt tay với Bắc Kinh, và đặc biệt thịnh hành trong những năm  cầm quyền của Tổng thống Bill Clinton.

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc là bằng chứng hùng hồn cho cả hai sai lầm cơ bản của cộng đồng Thế giới. Chủ nghĩa cộng sản không những không sụp đổ ở Trung Quốc vì lý do kinh tế, mà một thần kỳ kinh tế đã diễn ra 4 thập kỷ qua, trong thân xác của Chủ nghĩa cộng sản, không thua kém các thần kỳ kinh tế trước đây như Nhật Bản, Hàn Quốc, mà không hhất thiết cần phải có thiết chế dân chủ. Hơn nữa, phát triển kinh tế, dù là phát triển kinh tế ở mức độ cao, không dẫn đến dân chủ và tiến bộ.

Cũng vậy, dù chưa đạt mức phát triển kinh tế mạnh mẽ như Trung Quốc, chính quyền Cộng sản Việt Nam, từ hiện thân của chiến thắng trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước, được cộng đồng Thế giới chấp nhận và ủng hộ, sau gần hai thập kỷ cải cách kinh tế theo những giáo điều cũ dẫn đến khủng hoảng trầm trọng, cũng đã kịp thời tiến hành cải cách thành công, đưa kinh tế đi lên chưa từng có trong hơn 3 thập kỷ qua.

Vậy điều gì đã giúp cho Chủ nghĩa cộng sản như người ta đang biết đến không những tiếp tục tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc và Việt Nam?

  1. Tự do kinh doanh – cơ sở của CNCS trong thời kỳ mới.

Cha đẻ của Chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ hiện đại là Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo Trung Quốc đi theo con đường tự do kinh doanh, bỏ qua các nguyên tắc cơ bản giáo điều của Chủ nghĩa cộng sản trước đây về kinh tế như không thừa nhận kinh tế tư nhân, theo đuổi kinh tế kế hoạch hóa… Chính sách kinh tế của Trung Quốc thời Đặng Tiểu bình đã cho phép tư nhân làm kinh doanh với quy mô lớn, hợp tác kinh tế với các doanh nghiệp từ quốc gia tư bản, với tuyên bố nổi tiếng “Mèo trắng cũng như mèo đen, miễn là bắt được chuột”. Có thể hiểu phát biểu này là: Chủ nghĩa cộng sản hay Chủ nghĩa tư bản, miễn là kinh tế phát triển. Chủ nghĩa cộng sản về kinh tế đã được “định nghĩa lại”, đó là “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Vào thời kỳ đầu của cuộc chuyển dịch lớn này, bắt đầu từ 1978 (ngoại trừ cuộc thảm sát Thiên An Môn còn để lại nhiều câu hỏi lớn cho nhân loại tiến bộ mà chưa được giải đáp cho đến ngày hôm nay), Thế giới đã vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc về kinh tế, và không khỏi mong chờ quốc gia này trở nên ngày càng dân chủ, hòa nhập vào cộng đồng nhân loại tiến bộ, chia sẻ những giá trị phổ quát phi kinh tế, những giá trị tinh thần của Phương Tây như dân chủ, quyền con người. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trong khi, vì lý do nào đó (cũng là một câu hỏi lớn, và là vấn đề mà tác giả bài viết này mong muốn giải đáp), chính quyền Trung Quốc tuyên bố vẫn kiên định với Chủ nghĩa cộng sản, thì người ta không còn thấy hình bóng của Chủ nghĩa cộng sản đâu nữa ở khía cạnh kinh tế. Cộng đồng Thế giới đã và cho đến gần đây còn đang lạc quan mà đồng ý với nhau rằng, Chủ nghĩa cộng sản thực tế đã không còn tồn tại ở quốc gia này, cho đến khi Trung Quốc trong một thập kỷ trở lại đây, có những động thái bành trướng về kinh tế có kèm theo những tham vọng về an ninh khu vực và toàn cầu với sắc thái của chủ nghĩa thực dân kiểu mới – đưa một số quốc gia lạc hậu vào bẫy nợ để chiếm đoạt tài sản, và chủ nghĩa đế quốc mới – đe dọa vũ lực và xâm chiếm lãnh thổ.

Lý giải tình huống này của Chủ nghĩa cộng sản như thế nào?

  1. Chủ nghĩa cộng sản – nền tảng cho chế độ toàn trị

Bản chất độc tài của Chủ nghĩa cộng sản đã tồn tại từ thuở khai sinh, với nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên Thế giới là Liên Xô. (Điều thú vị là, hai thuật ngữ “độc tài” và “chuyên chính” trong tiếng Trung và tiếng Việt chỉ có một từ tương đương trong các ngôn ngữ khác – dictatorship).

Vị thế độc tài của đảng Cộng sản chính là cơ sở cho chế độ toàn trị, trong đó ba thành phần nền tảng của một nhà nước văn minh là lập pháp, hành pháp và tư pháp – Tam quyền phân lập – hoàn toàn bị chi phối bởi quyền lực tuyệt đối của một đảng. Như vậy, trên thực tế, sự phân chia hệ thông nhà nước tại các quốc gia Cộng sản, trước đây và hiện nay, bao gồm quốc hội, chính phủ và tòa án chỉ là hình thức.

Toàn trị là cơ chế đã giúp các quốc gia Cộng sản thành công trong lãnh đạo các cuộc chiến, bất chấp điều kiện kinh tế hết sức hạn chế so với đối phương: Liên Xô đánh bại phát-xít Đức trong Chiến tranh Thế giới Thứ 2, Trung Quốc và Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và thống nhất.

Toàn trị cũng là cơ chế mà đảng Cộng sản cầm quyền độc tôn áp dụng trong phát triển kinh tế trong hòa bình: Kiểm soát toàn xã hội được chính quyền thực hiện một cách tuyệt đối, từ thời kỳ chủ trương cấm đoán tự do kinh doanh, trong cả chiến tranh và hòa bình, cho tới thời kỳ mở rộng quyền kinh doanh từ nhà nước độc quyền kinh doanh đến kinh tế nhiều thành phần, và đến nay là sự ủng hộ đến mức suy tôn kinh tế tư nhân.

Trong khi Chủ nghĩa cộng sản được duy trì về mặt thể chế, thì Chủ nghĩa tư bản ở khía cạnh kinh tế đã lên ngôi trong lòng các quốc gia chính danh Cộng sản, với chủ thuyết “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” và “Kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam, đã cho thấy những kết quả phát triển kinh tế là rất rõ nét. Bản chất “đặc sắc Trung Quốc”, “định hướng Xã hội chủ nghĩa” đó phải chăng chính là hiện thân của “cơ chế toàn trị”, yếu tố cho phép hệ thống chính quyền, được điều khiển bởi thế lực của đảng Cộng sản, là duy nhất, hành động hoàn toàn tùy tiện theo ý chí của mình, trong nhiều trường hợp, đứng trên cả pháp luật do chính họ đặt ra?

Toàn trị là cơ chế lý tưởng để nhóm lợi ích cầm quyền thực hiện mọi việc theo ý chí của mình, bao gồm cả việc phát triển kinh tế. Trong thực tế phát triển kinh tế, đặc biệt là trong các thời kỳ vật lộn để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng, các nhóm lợi ích cầm quyền đó đã trải qua nhiều cuộc “thử nghiệm kinh tế”, dù có thất bại thảm hại tại cả Trung Quốc và Việt Nam, thậm chí dẫn đến nạn đói, như các trào lưu tập thể hóa, kinh tế quốc doanh là chủ đạo v.v… cũng không bị loại bỏ khỏi quyền lực để rồi chính họ tiếp tục tiến hành các cuộc thử nghiệm khác, cho đến những thành công đặc biệt gần đây, bất chấp các nguyên tắc giáo điều trong quá khứ của Chủ nghĩa cộng sản về kinh tế như đã nêu ở phần trên.

Toàn trị cũng là cơ sở để nhóm lợi ích cầm quyền thực hiện các chính sách và hành động phát triển kinh tế theo ý chí chủ quan của mình, từ chủ trương “doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo” tốn kém và thất bại, đến “mở rộng quyền tự do kinh doanh tư nhân” khá thành công, đến cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đến việc giao những quyền kinh tế đặc biệt (đất đai, giấy phép kinh doanh…) cho các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước và tư nhân đang ngày càng lớn mạnh và có quyền lực ngày càng tăng, không phải chỉ với thị trường, mà với chính bộ máy chính quyền.

Như vậy, không chỉ nhóm lợi ích cầm quyền là người hưởng lợi từ chế độ toàn trị do được làm theo ý mình mà không bị kiểm soát (ngoại trừ “kiểm soát nội bộ” mà thực tế là không bị kiểm soát từ bất kỳ thế lực nào bên ngoài chính quyền Cộng sản). Người hưởng lợi ngày càng lớn từ cơ chế toàn trị này chính là khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thân hữu với chính quyền.

Một lợi ích quan trọng của nhóm lợi ích trong chính quyền, rất đặc thù cho tình hình hiện nay tại Trung Quốc và Việt Nam hiện nay, với vấn nạn tham nhũng đến mất kiểm soát, đó là họ được tài trợ, chu cấp từ các doanh nghiệp quốc doanh, đảng doanh, quân doanh, và doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân thân hữu, bất chấp các quy định của pháp luật, được bảo hộ, không có gì khác, bởi chính cơ chế toàn trị, trong đó các cơ quan xây dựng, thực thi và bảo vệ pháp luật hoàn toàn bị tập thể đảng cầm quyền thao túng.

Trong khi trước đây người ta tin rằng, kinh tế tư nhân là động lực mới thúc đẩy tiến bộ xã hội thì trên thực tế, một phần quan trọng trong số họ, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thân hữu, ngày càng tham gia sâu vào quá trình kéo lùi tiến bộ xã hội: nạn hối lộ, tham nhũng, tước đoạt tài sản (đặc biệt là đất đai), đàn áp, cạnh tranh bất chính tràn lan. Các chủ nhân của doanh nghiệp và tập đoàn tư nhân đó là những người đầu tiên, hơn ai hết, không tin vào Chủ nghĩa cộng sản, nhưng lại là người hưởng lợi nhiều nhất từ Chủ nghĩa cộng sản trong hình thái hiện tại, thực chất không phải là từ những giáo điều của nó như Marx, Lenin, Mao, Hồ Chí Minh… mà từ “cơ chế toàn trị” mà nhà nước Chủ nghĩa cộng sản đang duy trì một cách hữu hiệu. Hơn ai hết, họ là người lặng lẽ mong muốn và thực tế đang hỗ trợ để chế độ Cộng sản, mà thực chất là cơ chế toàn trị, được duy trì, nhằm tiếp tục hưởng lợi bất chính ở quy mô lớn.

  1. Toàn trị – bản chất còn lại và thích nghi của Chủ nghĩa cộng sản hay Chủ nghĩa cộng sản mới – Neo-Communism

Những người Cộng sản mới, đúng hơn là thành viên của đảng Cộng sản ngày nay, đặc biệt là thế hệ không trải qua thời kỳ chiến tranh không còn niềm tin nào vào Chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, khi chính quyền Cộng sản nhận về mình công trạng trong phát triển kinh tế thì cùng với việc tự ghi nhận thành tích trong việc áp dụng những chính sách đổi mới theo cơ chế kinh tế thị trường, họ cũng đồng thời giảng thuyết rằng quốc gia có được những thành tựu đó là do đường lối Chủ nghĩa cộng sản, với toàn bộ những giáo điều ngoài phạm trù kinh tế hàng trăm năm của nó, trong đó có cả những giáo điều rất mơ hồ hay không hề liên quan đến kinh tế như chủ nghĩa Mao, tư tưởng Hồ Chí Minh…

Những người cầm quyền Cộng sản tiếp tục tuyên truyền các giáo điều đó vì họ tin như vậy hay vì lý do nào khác?

Khi động lực thúc đẩy phát triển kinh tế là khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là tư nhân có quy mô và quyền lực lớn, thì họ càng nhận thức được rằng, họ mới là động lực phát triển thực sự, là hiện thân của tự do kinh doanh của Chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trong chế độ Cộng sản đương thời, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong khối tư nhân lại không mong muốn Chủ nghĩa tư bản theo đúng cơ chế thị trường, bởi họ không thể thành công như vậy trong thị trường tự do, cạnh tranh lành mạnh, mà phải thông qua đặc quyền đặc lợi, thân hữu với chính quyền toàn trị, và họ mới là người hưởng lợi lớn nhất từ cái Chủ nghĩa cộng sản mà chính quyền đang ra sức duy trì vì quyền lợi của nhóm lợi ích kinh doanh tư nhân, những người “chia sẻ lợi ích” khăng khít với chính quyền theo những quy tắc bất thành văn đã được hình thành và củng cố ngày càng vững chắc.

Không phải cái Chủ nghĩa cộng sản như người ta vẫn bảo vệ hay đả phá nào cả, mà “cơ chế toàn trị”, bản chất cuối cùng của Chủ nghĩa cộng sản qua hàng trăm năm, đang giúp các quốc gia Cộng sản hiện còn “chính danh” là Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục tồn tại. Cả hai khối lợi ích, chính quyền và doanh nghiệp thân hữu (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân), đang trực tiếp và gián tiếp nỗ lực bảo vệ cơ chế này để duy trì quyền lợi của mình: Đối với chính quyền, đó là quyền lực nhà nước, và đối với doanh nghiệp, đó là quyền lợi kinh tế của mình, với mối quan hệ mật thiết giữa hai khối.

Dù không hề tin vào những giáo điều trong phạm vi phi kinh tế của Chủ nghĩa cộng sản, các thế lực bảo vệ nó, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thân hữu, vẫn liên tục ngầm hỗ trợ các nhân vật phía chính quyền duy trì và củng cố những giáo điều Cộng sản, bởi vì, đó là cách lý tưởng để duy trì cơ chế “toàn trị” mà họ ngày càng là người hưởng lợi lớn nhất.

Trong khi đó, những giáo điều Cộng sản lỗi thời, dối trá, vô lý và ngày càng trắng trợn mà chính quyền tiếp tục duy trì và quảng bá chính là công cụ đắc lực để chính quyền cảnh báo cho người dân về sự tồn tại của quyền lực tuyệt đối luôn lơ lửng trên đầu họ, là liều thuốc hữu hiệu của chính sách ngu dân cho mục tiêu cai trị.

Chúng tôi gọi Chủ nghĩa cộng sản theo hình thái mới đang chế ngự Trung Quốc và Việt Nam như bàn ở trên là Chủ nghĩa cộng sản mới – Neo-Communism, với nội hàm là kinh tế theo nguyên lý của Chủ nghĩa tư bản, và tinh thần là giáo điều Chủ nghĩa cộng sản, có động lực là khối kinh tế nhà nước và tư nhân thân hữu với chính quyền, với cơ sở cốt lõi là chế độ toàn trị.

Chúng tôi cũng đề xuất quan điểm ứng xử với Neo-Communism của Trung Quốc và Việt Nam như với chế độ toàn trị – cơ sở để nó tồn tại với mục tiêu duy trì lợi ích bất chính của thiểu số, và là nhân tố cản trở tiến bộ xã hội.

Hà Nội, 30 tháng 12 năm 2018

Đàn Chim Việt