Nguyễn-Khắc Tiến-Tùng
Chuyện hai người bạn học cũ xa rời những mộng ước ngày xưa, cùng lạc đường vào áo cơm, danh vọng.
Gửi anh chị Hoàng Song Liêm
Nắng
dậy xôn xao ngoài cửa sổ
Thoáng hiện trời quê hương,
Tim nghẹn trào bừng nổ,
Thiết tha … lời nhắc lên đường…
Gần
một phần tư thế kỷ
Sau những vần thơ trên
Có bao giờ tôi lại làm thơ?
Thơ con cóc,
Thơ tự do,
Thơ đầy niêm luật nghiêm minh thuở Thịnh Đường?
Từ đó chỉ còn viết,
Không thèm viết chữ Quốc ngữ luôn,
Ở xứ này viết cho ai đọc? (1)
Dù “chữ Quốc ngữ còn, nước ta còn”,
Mà hàng ngày thường chỉ viết tiếng Đức, tiếng Anh…
Lủng cà lủng củng
Câu cú, cũng chẳng cần!
Đâu có cần kỹ càng
Văn phạm?
Nhịp điệu?
Thanh âm?
Cũng khỏi cần uyên thâm sâu sắc!
Rõ ràng, gọn, chắc,
Khách quan, sự kiện mới thật cần.
Phân tích chi ly,
Tổng hợp trị giá ngàn cân.
Sao tìm ra một hướng đường đi,
Một kịch bản quyết nghi,
Gần thì như chiến thuật,
Xa hơn thì chiến lược,
Như những nhà chính trị, quân sự
Phác thảo chính sách, chiến trường chỉ huy.
Mấy
đứa bọn tôi
Được chọn là ưu tú,
Tuổi đời quanh quẩn giữa ba mươi
Gặp nhau vì địa vị, sống còn
Ở cuộc sống “toàn cầu”, “văn minh” phải cùng gian nan vùng vẫy
Đường đời chung một đoạn,
Tham vọng…
Áo cơm!
Vài
năm sau
Đứa nào cũng lọt vào trọng tâm quyền lực trung ương,
Chuyên viên cao cấp,
Cố vấn làng nhàng,
Giỏi giang mà gặp thuận duyên hơn
Thì trở thành lãnh đạo, ở bộ này, nha kia, sở nọ,
Ở tổ hợp, ở ngân hàng đứng hàng thứ mấy… thứ mấy… chốn trần gian!
Lâu
lắm, đầu năm
Gặp nhau vào một ngày đồng môn hội ngộ
Vỗ vai, ôm nhau nhăn răng cười hớn hở
Cùng nhớ lại mấy năm chưa hẳn là xưa.
Hỏi một thằng thân nhất
Có lẽ cũng thành công đệ nhất
Sinh ra từ một thế gia vọng tộc xứ này
Trở thành loại vua không ngai ngự trị một nhà băng
Ở đất nước tư bản tự do kinh tế thị trường
Mà một thời có ông triết gia đã tiên tri quả quyết rằng đang giãy chết! (2)
(Nó vượt xa bộ trưởng, thủ tướng nếu chỉ so sánh đồng lương!)
– Khỏe đều chứ ông Tiến sĩ, chàng Giáo sư? (3)
– Khỏe kiếp trâu bò thì có mày ơi!
Bỗng mắt nó thành xa xôi
– Còn mày viết lách nhiều kha khá chứ?
Tôi trả lời hai mắt cũng xa xôi…
– Nhiều lắm, hàng ngày mày biết đó.
Quên rồi sao?
Nhiều khi phải viết thuê cả cho bọn “đòi lãi xuất cắt cổ” chúng mày (4),
Nghiên cứu bù đầu,
Viết lách đại hải, tràng giang…
Mắt nó long lanh:
– Tao đâu cần hỏi những của nợ đó!
Chỉ muốn biết mày viết được gì về những điều hằng ấp ủ…?
Ngập ngừng…
Tôi lơ đãng lờ đi.
Rồi như bắn một mũi tên, ranh mãnh hỏi:
– Còn mày dạo này chắc đọc được nhiều hơn?
Những cuốn sách mày viết sửa lại tái bản thêm được mấy chục lần? (5)
Ngẩn ngơ…
Nó hạ giọng trầm ngâm:
– Đọc gì? Tủ sách của tao nằm mốc meo, như cây kiểng,
Từ mấy năm nay chả cầm được quyển nào trên tay,
Dù chỉ một lần!
Hai đứa bỗng cười buồn
Nâng cốc “sâm banh”
Chúc nhau:
Cho cả bọn ta đầu năm mọi sự tốt lành!
Rồi kéo nhau trở lại chỗ đông quần chúng đang xôn xao như đàn ong vỡ tổ.
Có
tiếng ai long cong gõ mạnh đều đều vào ly rượu
Tuyên bố mở đầu
Không khí đùa vui:
– Các “đại ca” lãnh đạo tối cao sắp chính thức có đôi lời (6).
Thằng bạn hích hông tôi,
Nhất định nhường nhau tôi hích lại.
Biết tính tôi, nó lườm thật dài,
Mặt nhăn nhăn
Bước về phía bục cao chơi vơi
Ba hoa chích choè hùng biện đôi lời…
Nắng
lại xôn xao ngoài cửa sổ
Mờ ảo trời quê hương
Tim nghẹn trào bùng nổ,
Âm ba … lời nhắc lên đường…
Munich,
Bệnh viện Großhadern, 12. 01.2010
Mang máng nhớ lại những ngày u mê “chọn nghiệp” 1975-1976
(1) Đây là nước Đức. Số người Việt ở nước này không nhiều so với các nước Mỹ, Úc, Canada, Pháp… nhưng cũng có một số ít người thành công ngay thế hệ đầu.
(2) Quan điểm kinh điển Mác-Lê nay đã rơi vào “sọt rác của lịch sử”.
(3) Thoảng thấy đâu đây tình bạn học thời xưa, từng cùng đi trên “đường đời
chung một đoạn, tham vong, áo cơm” và cùng thành công trên “hoạn lộ” theo con mắt
khách quan người ngoài cuộc nhìn vào, nhưng thâm tâm cả hai người bạn thời đi học
đều đã từng muốn theo một con đường, một lý tưởng khác. Ở đây hai người bạn
thân hỏi nhau với giọng thân mật. Tiếng Đức: “Wie geht´s Dir, lieber Herr
Doktor, lieber Herr Professor?” Có lẽ Đức là nước độc nhất trên thế giới mà tước
hiệu “Tiến Sĩ” được luật quy định là một thành phần không tách rời cuả tên một
người đã đậu bằng cấp đó (cho mọi môn học). Tước hiệu Giáo sư (đại học) trái lại
không là thành phần của tên như quy chế cho tiến sĩ, nhưng những giáo sư thường
có bằng Tiến sĩ.
(4) Người bạn gốc Việt (đã trở thành dân Đức!) nguyên theo con đường triết học,
văn chương, tha thiết muốn dùng ngòi bút truyền thông tư tưởng của mình bằng tiếng
Việt, cho người Việt nam, nhưng vì duyên đời đưa đẩy ngoài ý muốn, đã trở thành
người trong hàng lãnh đạo một Viện nghiên cứu Kinh tế Đức, thường xuyên viết những
nghiên cứu, tiên đoán tình hình kinh tế, tài chánh…trong đó cũng “viết thuê”
cho cả ngân hàng mà người bạn kia đứng đầu.
(5) Người bạn Đức là luật gia, tác giả nhiều sách giáo khoa nổi tiếng, trong đó
có một tác phẩm trở thành “cổ điển” là cuốn “Bình giải hiến pháp Cộng Hoà Liên
Bang Đức” được dùng cho các trường đại học luật khoa, chính trị và kinh tế. Người
bạn này từng muốn ở lại đại học làm nhà giáo mãn đời, nhưng lại cũng do cuộc đời
đưa đẩy, đã trở thành “đại ca lãnh đạo tối cao” một ngân hàng lớn tầm vóc quốc
tế.
(6) Hai người bạn đồng “lãnh đạo” Hội Ái Hữu, tổ chức buổi gặp gỡ hàng năm ngày
đồng môn hội ngộ.