Seite auswählen

Việt Nam chi 350 triệu USD ‘đặt hàng’ chiến đấu cơ Nga

Máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 của Nga.

Việt Nam vừa ký một thỏa thuận trị giá 350 triệu đô la để mua một phi đội gồm 12 chiếc máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 của Nga, nhật báo Vedomosti cho biết hôm 29/1.

Dẫn nguồn tin giấu tên trong giới doanh nghiệp quốc phòng, báo Nga cho biết hợp đồng bán máy bay cho Việt Nam đã được ký kết vào năm ngoái nhưng không cho biết chính xác khi nào thì các chiến đấu cơ sẽ được chuyển sang Việt Nam.

Yak-130 là máy bay cận âm hai động cơ, được thiết kế với mục tiêu huấn luyện phi công cho chiến đấu cơ tiên tiến. Máy bay được phát triển từ năm 1991 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1996. Yak-130 được dùng để đào tạo phi công điều khiến chiến đấu cơ thế hệ 4+ cũng như Sukhoi Su-57.

Năm 2002, quân đội Nga đã chọn Yak-130 làm máy bay huấn luyện chính và đưa vào phục vụ cho không quân Nga kể từ năm 2009.

Ngoài mục tiêu huấn luyện, Yak-130 còn có thể được trang bị vũ khí không đối đất, bao gồm tên lửa dẫn đường, bom và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tấn công nhỏ.

Với hợp đồng mới này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 mua loại máy bay này của Nga, sau Algeria, Bangladesh, Myanmar, Lào và Belarus.

Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á.

Cả nhà xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport lẫn cơ quan hợp tác quân sự liên bang Nga đều không bình luận về thông tin Việt Nam đặt hàng 12 chiếc Yak-130.

Tuy nhiên, hãng tin Nga dẫn lời một chuyên gia quân sự và tổng biên tập tạp chí Arms Exports, ông Andrei Frolov, nhận định rằng hợp đồng mới có thể sẽ mở đường cho việc mua các phản lực cơ tiên tiến hơn từ Nga, bao gồm Su-30SM và Su-35.

Theo Reuters, Việt Nam là một trong những nước tích cực nhập khẩu vũ khí nhất thế giới trong những năm gần đây giữa bối cảnh Trung cộng ngày càng tỏ ra hung hăng trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nơi Việt Nam và một số quốc gia khác cũng tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.

VOA (30.01.2020)

Duterte đơn phương hủy bỏ VFA với Mỹ tác động thế nào đến tình hình Biển Đông

Hình minh họa. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019

Hình minh họa. Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019 AFP

Tuyên bố gây shock

Tổng thống Duterte mới đây lại gây “shock” dư luận với việc yêu cầu các giới chức dưới quyền huỷ bỏ Thoả thuận Thăm viếng Quân sự (Visiting Forces Agreement – VFA) giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ.

VFA là Thoả thuận song phương giữa Phi Luật Tân và Hoa Kỳ, với nội dung cho phép quân đội Hoa Kỳ và quân đội Phi Luật Tân thực hiện các hoạt động huấn luyện chung trên lãnh thổ Phi Luật Tân. VFA được Thượng viện Phi Luật Tân phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1999. VFA là văn bản nối tiếp trên tinh thần của Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng (Mutual Defense Treaty – MDT) ký kết 1951 giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân. MDT cho phép Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Phi Luật Tân trong trường hợp Phi Luật Tân bị xâm lược có vũ trang. Năm 2014, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân cũng ký kết thêm Thoả thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement – EDCA), EDCA có hiệu lực năm 2016.

Hình minh họa. Tập trận chung giữa Mỹ và Philippines ở thị trấn San Antonio, Philippines hôm 11/4/2019

Hình minh họa. Tập trận chung giữa Mỹ và Phi Luật Tân ở thị trấn San Antonio, Phi Luật Tân hôm 11/4/2019 AFP

Việc yêu cầu đơn phương huỷ bỏ Thoả thuận song phương này phản ánh mối quan hệ càng ngày càng xấu đi giữa chính quyền của Tổng thống Duterte với Hoa Kỳ. Ông Duterte đã chiến thắng trong cuộc bầu cử và nắm giữ chức vụ Tổng thống Phi Luật Tân từ năm 2016. Người phát ngôn Chính phủ Manila cho biết Tổng thống có thẩm quyền đại diện nhà nước Phi Luật Tân đơn phương huỷ bỏ hiệu lực của VFA, và nước này đang trong quá trình huỷ bỏ Thoả thuận này.[1]

Hướng về Trung cộng

Trung cộng đang là một cường quốc khu vực, trên đà phát triển thành “siêu cường”, và đó cũng là mục tiêu tối hậu của Trung cộng.

Tuy nhiên, sự phát triển của Trung cộng cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại về các tham vọng lãnh thổ của họ. Trung cộng không giấu giếm ý đồ muốn độc chiếm gần như toàn bộ biển Đông. Trung cộng cũng phớt lờ việc tuân thủ luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc. Nhiều nước ASEAN lo ngại trước tham vọng và các hành động hung hăng của Trung cộng trên biển Đông. Tuy nhiên, nhiều chính phủ vẫn muốn phát triển quan hệ với Trung cộng bởi các hấp dẫn từ đầu tư của Trung cộng là rất lớn. Chính phủ Duterte là một trường hợp như vậy.

Ngay từ lúc tranh cử, ông Duterte đã tỏ ý muốn “dựa” vào Trung cộng để thực hiện các mục tiêu chính trị của mình. Một trong những cố vấn thân cận của ông Duterte – người có nhiều ảnh hưởng lên chính sách đối ngoại của ông Duterte là Cựu Tổng thống Macapagal-Arroyo. Bà Arroyro đã từng bị phát hiện “đi đêm” với Trung cộng trong vụ “dàn xếp” căng thẳng tại Scarborough.[2] Chính vì vậy, việc ông Duterte lựa chọn Trung cộng như là “bệ đỡ chính trị” của ông ta trong suốt thời kỳ tại nhiệm cũng là điều dễ hiểu.

Khi vừa giữ chức Tổng thống, ông Duterte đã luôn “công kích” Hoa Kỳ và thực hiện chính sách “hướng về Trung cộng” (Pivot to China). Một trong những lý do ông Duterte công kích Hoa Kỳ bởi vì nhiều quan chức nước này lên án các hành động vi phạm nhân quyền, gây ra các cuộc tàn sát tại Phi Luật Tân khi thực hiện chiến dịch chống ma tuý ở quốc gia này.

Lý do huỷ bỏ VFA

Tuyên bố huỷ bỏ VFA của ông Duterte như là một hành động “trả đũa” lại Hoa Kỳ khi mới đây, ngày 22/1/2020, Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, một “đồng minh” thân cận của Tổng thống Duterte cho báo chí biết là ông ta bị phía Mỹ từ chối cấp visa sang quốc gia này.[3] Mặc dù phía Mỹ không đưa ra lý do bác visa của ông Rosa, nhưng người ta có thể biết rằng việc từ chối cấp visa của phía Mỹ nhằm thực thi Đạo luật Magnitsky bởi vì ông Rosa đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch bài trừ ma tuý của Tổng thống Phi Luật Tân, mà bị nhiều cáo buộc là “lạm quyền và vi phạm nhân quyền”. Để đáp trả hành động này từ phía Hoa Kỳ, ông Duterte đã tuyên bố huỷ bỏ VFA mà hai bên đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi về lập trường “hai mặt” của chính quyền ông Duterte vào hồi tháng 6 năm 2019, khi chính quyền Trung cộng từ chối cho phép Cựu Ngoại trưởng Phi Luật Tân Del Rosario nhập cảnh Hong Kong, người phát ngôn Chính phủ Phi Luật Tân lại tuyên bố: “Chúng tôi không thể yêu cầu điều gì, quyền của một quốc gia về việc ngưng hay điều tra bất cứ một vị khách nào đến nước họ là thẩm quyền đặc biệt của quốc gia đó.”[4]

Mặc dù phía Phi Luật Tân tuyên bố “mạnh miệng” về việc đơn phương huỷ bỏ VFA, nhiều khả năng đây chỉ là tuyên bố “mồm” của ông Duterte. Việc duy trì VFA không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ với sự hiện diện tiếp tục tại Phi Luật Tân – một đồng minh của Hoa Kỳ mà còn có lợi cho chính Phi Luật Tân khi phía Mỹ đã trợ giúp rất nhiều về mặt quân sự cho nước này chống lại các lực lượng phiến quân.

Hình minh họa. Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc ở Manila hôm 13/7/2019 nhân kỷ niệm ngyaf Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc

Hình minh họa. Người Phi Luật Tân biểu tình phản đối Trung cộng ở Manila hôm 13/7/2019 nhân kỷ niệm ngày Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện giữa Phi Luật Tân và Trung cộng AFP

Ông Duterte mặc cho các quyền lợi của đất nước bị xâm hại, đã quyết tâm theo đuổi chính sách “ngủ với kẻ thù”, chạy theo “ve vãn” Trung cộng, cho dù Trung cộng không giấu giếm ý đồ độc chiếm biển Đông, đe doạ trực tiếp tới chủ quyền quốc gia và lợi ích của dân tộc Phi Luật Tân trên biển Đông. Năm 1995, Trung cộng đã dùng vũ lực cướp đoạt Bãi Vành Khăn từ tay quân đội Phi Luật Tân. Năm 2012, Trung cộng đã dùng chiến thuật “cải bắp” để đẩy lui sự hiện diện của Hải quân Phi Luật Tân, giành quyền kiểm soát thực tế Bãi cạn Scaborough. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Aquino III đã tìm mọi cách để khai thông các chiến dịch ngoại giao nhưng Trung cộng đã chặn mọi cửa đàm phán. Cạn kiệt các giải pháp, Phi Luật Tân đã khởi kiện Trung cộng ra một Toà trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Năm 2016, Toà đã phán quyết Phi Luật Tân thắng kiện. Tuy nhiên, chính quyền Duterte đã từ chối nhắc lại Phán quyết 2016 để đổi lấy các lợi ích kinh tế từ Trung cộng. Mới đây, năm 2019, các tàu Trung cộng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân tại khu vực Bãi Cỏ Mây trong suốt 215 ngày, khu vực Scaborough 162 ngày.[5]

Mặc dù Trung cộng luôn hứa hẹn sẽ đầu tư hàng chục tỉ USD vào Phi Luật Tân, nhưng đó chỉ là “bánh vẽ”. Học giả Phi Luật Tân cho biết, cho tới chuyến thăm Manila cuối 2018 của Tập Cận Bình, chỉ 1 trong 10 dự án xây dựng hạ tầng được triển khai tại Phi Luật Tân với số tiền 60 triệu USD, mặc dù, từ 2016, Trung cộng đã hứa hẹn đổ hơn 20 tỉ USD đầu tư vào đất nước này.[6]

Chính sách đối ngoại thân Trung cộng của ông Duterte cũng không phản ánh được thái độ thực sự của người dân Phi Luật Tân. Trong một thăm dò hồi đầu năm nay của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, tỉ lệ người Phi Luật Tân bi quan về Trung cộng chiếm tỉ lệ cao nhất trong ASEAN, lên tới 78,9 %.[7]

Biển Đông bị ảnh hưởng

Nếu thực sự Duterte đơn phương huỷ bỏ VFA, sẽ có những tác động không nhỏ đến tình hình an ninh khu vực biển Đông. Bởi vì Hoa Kỳ có thể phản ứng lại bằng cách xem xét huỷ bỏ các văn bản song phương với Phi Luật Tân mà hai bên đã ký kết trước đó, bao gồm EDCA và MDT. MDT là Hiệp ước đặc biệt quan trọng với Phi Luật Tân, vì nó cho phép Hoa Kỳ giúp bảo vệ Phi Luật Tân trong trường hợp bị tấn công xâm lược.

Sự hiện diện của Hoa Kỳ rất cần thiết trong tình hình biển Đông hiện nay, bởi vì nhu cầu gìn giữ khu vực biển Đông thành một khu vực an ninh, ổn định và tự do cần có sự tham gia của Hoa Kỳ – một cường quốc biển. Nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ thì sự cân bằng quyền lực tại khu vực biển Đông sẽ bị phá vỡ. Bởi vì sự chênh lệch cán cân quyền lực giữa Trung cộng và ASEAN rất lớn. Trung cộng, như lời Ngoại trưởng Trung cộng nói tại Singapore năm 2010  “là một nước lớn, lớn hơn tất cả các nước ASEAN cộng lại”. Chính vì vậy, Trung cộng đang tìm cách “đẩy” Hoa Kỳ ra khỏi khu vực biển Đông. Trước đây, hồi năm 1992, khi Hoa Kỳ rút quân khỏi hai căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân là Subic và Clark đã tạo ra một tình trạng “chân không quyền lực”. Trung cộng đã nhanh chân tạo ảnh hưởng thay thế Hoa Kỳ tại khu vực này. Chính vì lẽ đó, Việt Nam, trước đây vốn là “cựu thù” với Hoa Kỳ, nhưng nay, Việt Nam đã phát triển quan hệ với Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác quân sự, để nhằm cân bằng chiến lược trước các hành động hung hăng của Trung cộng ở biển Đông.

Nếu VFA bị Duterte đơn phương huỷ bỏ, đây sẽ là dấu hiệu Trung cộng thấy được sự thắng thế của mình, và chắc chắn Trung cộng sẽ tiếp tục có những hành động hung hăng tại khu vực biển Đông, đặc biệt trước bối cảnh cuộc “so găng” Mỹ – Trung, cộng với hậu quả của đại dịch virus Vũ Hán, khiến tình hình kinh tế Trung cộng đang chịu ảnh hưởng xấu. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung cộng sẽ tìm cách hướng dư luận trong nước ra bên ngoài để xoa dịu những bất bình của dân chúng Trung cộng.

Việt Nam chịu tác động ra sao?

Nếu Duterte đơn phương huỷ bỏ VFA, tình hình biển Đông sẽ căng thẳng hơn. Việt Nam là một quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp biển Đông nên sẽ chịu nhiều áp lực từ Trung cộng. Kể từ 2007 tới nay, Việt Nam phải vất vả đối phó với các hành động hung hăng đơn phương của Trung cộng ở biển Đông. Trước khi Duterte trở thành Tổng thống, Phi Luật Tân là một trong những quốc gia hăng hái nhất trong việc chống lại các hành động gây hấn của Trung cộng. Tuy nhiên, từ khi Duterte trở thành Tổng thống và thi hành chính sách “Hướng về Trung cộng” của ông ta thì Việt Nam dường như phải “đơn độc” trong các cuộc chiến chống lại các hành động hung hăng của Trung cộng. Chính vì vậy, nếu Duterte thực sự đơn phương rút khỏi VFA, đây sẽ là tín hiệu xấu cho Việt Nam trên khu vực biển Đông.

Tiền hậu bất nhất

Tuy nhiên, có nhiều khả năng đây chỉ là “tuyên bố nhất thời” của ông Duterte. Ông Duterte vốn nổi tiếng với nhiều phát biểu nhất thời, sau đó lại đưa ra những tuyên bố trái ngược. Sau khi tuyên bố “mạnh miệng” về việc huỷ bỏ VFA, thông tin mới nhất từ báo Rappler cho biết là chính quyền Duterte đã có một bước lùi khi yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá các tác động nếu Phi Luật Tân huỷ bỏ VFA. Tờ báo này cũng dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp Menardo Guevarracho biết là: “Theo hiểu biết của tôi thì Tổng thống mới chỉ đe doạ, nhưng vẫn chưa đưa ra yêu cầu chính thức để huỷ bỏ VFA. Đó là lý do vì sao văn phòng Tổng thống lại yêu cầu Bộ Tư pháp đánh giá về tác động của việc huỷ bỏ này”.[8]

Khi phóng viên hỏi vì sao Phủ Tổng thống lại đột nhiên yêu cầu báo cáo đánh giá tác động, trong khi tuần trước thì tuyên bố rằng tiến trình huỷ bỏ VFA đang được tiến hành? Bộ trưởng Bộ tư pháp trả lời: “Chỉ có Malacanang (Phủ Tổng thống) mới có thể trả lời được về vấn đề này”.[9]

Kết luận

Tuyên bố đơn phương huỷ bỏ VFA của Tổng thống Duterte đã gặp nhiều phản đối từ các nhân vật chính trị khác của Phi Luật Tân. Thượng nghị sĩ Lacson – Người đứng đầu Uỷ ban An ninh và Quốc phòng Quốc gia của Thượng viện cho rằng “việc cấp visa hay cho một người nước ngoài tới Mỹ là thẩm quyền của Mỹ. Họ có thể từ chối mà không cần nêu lý do. VFA là thoả thuận song phương giữa Phi Luật Tân và Mỹ nên cần xem xét cẩn thận và thông qua trao đổi ngoại giao”.[10]

Có lẽ, sắp đến ngày kết thúc nhiệm kỳ, nên Duterte đang cố giành những lợi ích kinh tế cho riêng mình trong cảnh “chợ chiều”, chứ cũng khó mà ngoảnh mặt trước Hoa Kỳ được? Liệu người nắm giữ chức vụ tổng thống sắp tới của Phi Luật Tân sẽ có chính sách đối ngoại điều chỉnh lại những gì ông Duterte đã “tàn phá” quan hệ đối ngoại của quốc gia này?

Trần Hoàng Long

RFA (29.01.2020)


[1] https://globalnation.inquirer.net/184479/ph-to-start-process-of-vfa-termination-locsin

[2] https://thanhnien.vn/the-gioi/di-dem-voi-trung-quoc-tong-thong-Phi Luật Tân-bi-to-phan-quoc-54893.html

[3] https://www.philstar.com/headlines/2020/01/23/1987122/us-cancels-batos-visa

[4] https://globalnation.inquirer.net/176761/panelo-to-del-rosario-did-you-purposely-do-that

[5] https://amti.csis.org/signaling-sovereignty-chinese-patrols-at-contested-reefs/

[6] https://amti.csis.org/xi-historic-visit-exposes-faultlines-philippine-politics/

[7] https://www.iseas.edu.sg/images/pdf/TheStateofSEASurveyReport_2019.pdf

[8] https://www.rappler.com/nation/250291-malacanang-asks-impact-assessment-vfa-termination#cxrecs_s

[9] https://www.rappler.com/nation/250291-malacanang-asks-impact-assessment-vfa-termination#cxrecs_s

[10] https://twitter.com/iampinglacson

Không phải ai cũng hài lòng với chính sách Biển Đông của Trump

Biển Đông

© Flickr / stratman

Tờ South China Morning Post đăng một bài viết dài của phóng viên John Power, người đã nghiên cứu nhiều đánh giá khác nhau về chính sách của Mỹ ở Đông Nam Á.

Hoa Kỳ ngủ quên khi Trung cộng tăng cường sức mạnh ở Biển Đông

Nhà báo John Power đặc biệt lo ngại rằng Trung cộng đã tăng cường sức mạnh ở Biển Đông. Việc Trung cộng tìm cách mở rộng và củng cố hơn hai chục hòn đảo trong quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có tầm quan trọng đặc biệt. Bây giờ Trung cộng đã có cơ sở cơ bản cho việc triển khai radar, bệ phóng tên lửa, máy bay, cho phép nước này kiểm soát chặt chẽ vùng nước biển Đông. Phải nói thêm rằng tháng 12 năm 2019, Trung cộng đã cho ra mắt tàu sân bay đầu tiên do chính họ sản xuất. Ngoài ra, các chiến thuật đặc biệt của Trung cộng góp phần củng cố vị thế của Bắc Kinh ở Biển Đông – phái ngư dân đến bờ biển Phi Luật Tân, Việt Nam, Indonesia và các nước khác. Trong thực tế, những ngư dân này thực ra là lực lượng bảo vệ bờ biển có vũ trang.

Đánh giá tất cả những điều này, Đô đốc F. Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho biết: đến năm 2030, nhờ sự tái xây dựng các đảo và phát triển hạm đội, lực lượng vũ trang của Trung cộng sẽ trở thành trở ngại thực sự cho các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Theo ông, Trung cộng hiện có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông, còn Hoa Kỳ thì bất lực trong việc đối phó vời điều đó. Các nhà phân tích Mỹ cho rằng đến năm 2030, Trung cộng sẽ có 430 tàu mặt nước và 100 tàu ngầm, gấp đôi so với Hải quân Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump ngày càng thường xuyên bị gọi là có lỗi trong tình trạng này. Nhiều người cho rằng sự can dự của Mỹ vào các vấn đề khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã giảm đáng kể dưới thời tổng thống này. Kết quả là, theo các cuộc khảo sát cư dân các nước ASEAN của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, gần một nửa số người được hỏi không tin rằng Hoa Kỳ có thể đảm bảo an ninh cho các quốc gia Đông Nam Á.

Những con diều hâu đang hướng tới điều gì?

Trong khi đó, các cuộc thăm dò tương tự cho thấy 54% cư dân các quốc gia Đông Nam Á sẽ chọn Hoa Kỳ nếu họ phải chọn bên nào trong cuộc xung đột Mỹ-Trung ở Biển Đông. Những thông tin như vậy rõ ràng truyền cảm hứng cho một số “diều hâu” hiếu chiến của Mỹ, những người có lợi ích mà John Power thể hiện. Ông cho rằng, một trong những lựa chọn cho phản ứng của Mỹ đối với sự trỗi dậy của Trung cộng là phải triển khai các tên lửa mới tầm trung và tầm ngắn trong khu vực châu Á. Như đã biết, sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận với Moskva về việc giới hạn tên lửa lớp này, Hoa Kỳ bắt đầu tăng tốc chương trình sản xuất tên lửa, nhưng vẫn chưa được các nước châu Á chấp nhận cho bố trí các tên lửa này trên lãnh thổ của họ.

Phản ứng thứ hai đáp trả việc Trung cộng củng cố tiềm năng quân sự ở Biển Đông là phải có được các căn cứ mới ở châu Á. Hiện tại các căn cứ quân sự mà Mỹ có ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Guam nằm cách biển Đông khá xa. Theo John Power, Washington sẽ “làm việc” với các quốc gia như Úc, Phi Luật Tân, Ấn Độ và Việt Nam để xin phép họ triển khai quân đội trên lãnh thổ của họ.

Tùy chọn thứ hai thậm chí còn ít khả năng hơn tùy chọn thứ nhất. Hà Nội, Delhi và Manila đều coi việc cấm quân đội nước ngoài vào lãnh thổ của họ và từ chối triển khai các căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của họ là nguyên tắc cơ bản.

Theo cách riêng của mình, bài báo của John Power có tính cảnh báo. Điều đó cho thấy Mỹ đang thất thế với Trung cộng trong cuộc đua giành quyền lãnh đạo khu vực, nhưng có những lực lượng vẫn sẵn sàng sử dụng các phương pháp cực đoan để đảo ngược tình thế. Những kế hoạch như vậy rất nguy hiểm cho nền chính trị thế giới và các nước Đông Nam Á. Bởi vì, theo tục ngữ phương Đông, khi trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết.

Theo Piotr Tsvetov

Sputnik (29.01.2020)

Tổng thống Phi Luật Tân chê Việt Nam ‘hung hăng’ trên Biển Đông

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/01/VN-Philippines-che-Viet-Nam-hung-hang-Bien-Dong-696x464.jpg

Dân Phi Luật Tân biểu tình đốt hình cả lãnh tụ nước họ và Trung cộng sau vụ tàu Trung cộng đâm chìm tàu cá của Phi Luật Tân. (Hình: Jes Aznar/Getty Images)

Trong một dấu hiệu thần phục Bắc Kinh, tổng thống Phi Luật Tân chê cách đối phó với Trung cộng của Việt Nam trên Biển Đông là “hung hăng” và ông ta gọi là rất nguy hiểm.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho cơ quan truyền thông Nga Russia Today (RT) hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Giêng, 2020, Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte nói ông không thể làm giống lập trường “hung hăng hơn” của Việt Nam. Điều đó, theo ông, có thể dẫn đến một cuộc chiến “đẫm máu” mà ông không muốn thấy.

“Quần đảo Trường Sa gần các đảo của chúng tôi, các tỉnh của chính tôi. Chính quyền địa phương của Phi Luật Tân gần đó nên sẽ là vô trách nhiệm nếu tôi làm như Việt Nam, đưa một ít tàu nhỏ đến chỉ để bị đánh cho đổ máu.” Ông Duterte được hãng tin RT thuật lời và cho rằng rất nguy hiểm khi chủ trương thù địch với Trung cộng trong chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Trong cuộc phỏng vấn, người ta thấy đề cập đến cuộc đối đầu hồi năm ngoái của các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư của Việt Nam ngăn chặn đám tàu hải cảnh, hải giám, dân quân biển, tàu khảo sát địa chất Trung cộng xâm phạm khu vực bãi Tư Chính và các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Chưa đầy hai tuần lễ sau khi ông Duterte lên làm tổng thống, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, ra phán quyết tuyên bố chủ quyền giống hình “lưỡi bò” của Trung cộng trên Biển Đông là vô giá trị. Thắng lợi quốc tế về pháp lý và chính trị ấy lại không được ông Duterte tận dụng mà tuyên bố gác bỏ qua một bên.

Ông không che đậy ý định muốn hòa hoãn với Bắc Kinh để đổi lấy viện trợ kinh tế và hợp tác đầu tư, kể cả khai thác dầu khí trên vùng biển tranh chấp.

Trong cuộc phỏng vấn của RT, ông Duterte lộ rõ thái độ ghét Mỹ ra mặt khi cho rằng cả Trung cộng cũng như Nga “tôn trọng” chủ quyền lãnh thổ của nước khác trong khi cho rằng Washington coi Phi Luật Tân như một chư hầu. Quan điểm của ông hoàn toàn trái ngược với những lãnh tụ Phi Luật Tân tiền nhiệm.

“Nếu tôi không thể có được tư thế đáng tin cậy từ người Mỹ, tôi có thể có được điều đó từ nhà cầm quyền Nga và Trung cộng. Đó là vì họ tôn trọng chủ quyền quốc gia của một nước mà Mỹ hoàn toàn không tôn trọng,” lời ông Duterte trên RT.

Một trong những sự tức giận của ông Duterte với Mỹ bắt nguồn từ những lời chỉ trích của chính quyền Tổng Thống Barack Obama, lên án chiến dịch chống ma túy giết chết hàng ngàn người ở Phi Luật Tân. Gần đây là vụ chính phủ Trump cấm nhập cảnh một cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Leila de Lima, một nhân vật thân cận của ông.

Hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Giêng, ông Duterte bày tỏ lạc quan rằng, theo hãng thông tấn Phi Luật Tân, Tết Nguyên Đán Canh Tý sẽ mở đường cho tình hữu nghị “mạnh mẽ hơn” giữa Phi Luật Tân với Trung cộng. Đồng thời ông gửi lời chúc Tết “nồng ấm nhất” đến cộng đồng người Hoa ở Phi Luật Tân.

Hồi giữa năm ngoái, sau khi tàu Trung cộng cố ý đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Phi Luật Tân ở khu vực bãi cạn Scarborough mà Phi Luật Tân từng tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung cộng xua tàu tới chiếm cứ, ông Duterte gọi đó là tai nạn, trái ngược với những lời tường thuật lại vụ việc của chính các nạn nhân. Dân chúng Phi Luật Tân đã biểu tình đốt các tấm hình chân dung cả ông Duterte cũng như Chủ Tịch Trung cộng Tập Cận Bình.

Trước khi ông Duterte lên làm tổng thống, Việt Nam và Phi Luật Tân được coi như hai nước ASEAN có lập trường gần nhau nhất, liên kết với nhau chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nay thì Hà Nội phải quay sang nơi khác vận động đồng minh mới. 

Theo Nguoiviet.com (27.01.2020)

Mỹ điều tàu chiến tới Trường Sa, quyết không để Trung cộng chiếm Biển Đông

Tàu USS Montgomery (LCS 8)

Tàu chiến Hải quân Hoa Kỳ tuần tra gần quần đảo Trường Sa. © Ảnh : Austal USA

Hải quân Hoa Kỳ vừa điều tàu chiến tuần tra USS Montgomery tới gần quần đảo Trường Sa và vùng biển đảo tranh chấp giữa Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân và một số nước khác ở Biển Đông. Đây là đợt xuất hành tuần tra đầu tiên năm 2020 của tàu chiến Mỹ quyết chọc tức Bắc Kinh.

Thời báo Japan Times của Nhật Bản đưa tin cho biết, đại diện Hải quân Hoa Kỳ xác nhận với ấn bản này hôm thứ Ba rằng ngày 25.1 đã điều tàu chiến áp sát gần quần đảo Trường Sa, khu vực vẫn đang xảy tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoài tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, nơi đây cũng có các đảo đảo do Trung cộng tích cực cải tạo, xây dựng và triển khai các hoạt động quân sự hóa. Tuy nhiên, với Washington, đây là khu vực thuộc vùng tự do thực hiện các chiến dịch tuần tra, hoạt động tự do hàng hải. Được biết, đây là hoạt động FONOP, chuyến xuất hành đầu tiên năm 2020 của tàu chiến Mỹ đến Biển Đông.

Người phát ngôn của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ, Joe Keiley xác nhận, tàu chiến ven bờ USS Montgomery, chiến hạm với khả năng tác chiến tiên tiến và uy lực đã thực hiện nhiệm vụ tuần hành, khẳng định quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phát ngôn viên của Hạm đội 7 nhấn mạnh lập trường của Washington rằng, Hoa Kỳ giữ vững và duy trì quyền tự do hàng hải như một nguyên tắc tiêu chỉ hoạt động, và các sứ mệnh, nhiệm vụ đều được tiến hành hòa bình và không thiên vị hay chống lại bất kỳ quốc gia cụ thể nào tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

“Những hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông là một phần trong danh sách nhiệm vụ thường nhật của lực lượng Hải quân và quân sự Hoa Kỳ trong toàn khu vực”, người phát ngôn của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ Joe Keiley khẳng định.

Vì sao Mỹ không để yên cho Trung cộng độc chiếm Biển Đông?

Bắc Kinh vẫn liên tục “là bá chủ” khi đã tuyên bố chủ quyền tới gần 90% diện tích Biển Đông, mặc dù Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei đều có các yêu sách chủ quyền chồng lấn ở vùng biển đảo, nơi lực lượng hải quân Trung cộng, Mỹ, Nhật Bản và một số đơn vị Hải quân các quốc gia Đông Nam Á thường xuyên hoạt động.

“Qua lại không gây hại” là một khái niệm được sử dụng trong Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982) về việc cho phép tàu thuyền nước ngoài qua lại trong vùng lãnh hải của một quốc gia hay vùng lãnh thổ có chủ quyền, với một số hạn chế nhất định về quyền của các tàu thuyền đó.

Theo đó, các nước không cần cung cấp thông tin, báo cáo hoặc xin phép trước khi đưa tàu thuyền di chuyển theo quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải theo luật quốc tế.

Với quan điểm và chiến lược, quyết không để Trung cộng độc chiếm Biển Đông, đợt tuần tra tự do hàng hải (FONOP) mới nhất của Hải quân Mỹ được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc trên tuyến đường biển chiến lược và khi Trung cộng vẫn đang vật lộn với vụ dịch  bệnh viêm phổi Vũ Hán do coronavirus gây nên, số người chết lên tới 106 vào sáng 28.1.

Theo Japan Times, Hải quân Hoa Kỳ liên tục “chọc giận, trêu tức” Trung cộng khi thường xuyên tiến hành hoạt động tự do hàng hải FONOP bằng việc điều tàu chiến áp sát một số đảo mà Trung cộng chiếm đóng trên Biển Đông, bao gồm các đảo nhỏ nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp, xây dựng và tiến hành quân sự hóa.

Washington khẳng định rằng tự do hàng hải và quyền tự do tiếp cận vùng lãnh thổ tranh chấp là rất quan trọng đối với quy định di chuyển trên tuyến đường biển quốc tế. Bên cạnh đợt FONOP tại khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ còn gia tăng các hoạt động tại Biển Đông và các khu vực khác ở Tây Thái Bình Dương. Điển hình như việc ngày 26.1, Hải quân Hoa Kỳ thông báo khẳng định đã đưa 2 máy bay trinh sát không người lái (UAV) số hiệu MQ-4C Triton đầu tiên đến đảo Guam, mà theo quan điểm của Lầu Năm Góc là để hỗ trợ các hoạt động tuần tra, giám sát.

Washington liên tục chỉ trích Bắc Kinh vì những động thái hung hăng, bắt nạt của Trung cộng trên Biển Đông, bao gồm cả việc xây dựng các đảo nhân tạo – như chuỗi đảo thuộc quần đảo Trường Sa và xa hơn về phía bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa – nơi Bắc Kinh xây dựng cả sân bay phục vụ mục đích quân sự và hoạt động của quân đội cũng như việc Trung cộng di chuyển nhiều vũ khí tối tân ra Biển Đông.

Trong chuyến thăm Phi Luật Tân hồi tháng 11.2019 cũng như chuyến thăm đến Hà Nội gặp gỡ Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tái khẳng định hải quân Hoa Kỳ đã đang và sẽ tuần tra nhiều hơn tại Biển Đông nhằm lên án và phản đối những hành vi “cưỡng ép” hoặc “đe dọa” của bất cứ nước nào (ám chỉ Trung cộng) để đạt được lợi ích quốc tế khiến nước khác phải chịu thua thiệt.

Trên thực tế, Hoa Kỳ lo ngại những tiền đồn của Trung cộng có thể được sử dụng để hạn chế di chuyển tự do trên tuyến hàng hải chiến lược, bao gồm các tuyến đường biển quan trọng với giá trị giao thương đạt trên 3 nghìn tỷ USD thương mại toàn mỗi năm.

Trung cộng: Nâng cao năng lực chiến đấu cho Hải quân ở Biển Đông

Về phần mình, Bắc Kinh khẳng định, họ triển khai vũ khí tối tân ra các đảo nhỏ chỉ nhằm mục đích phòng thủ, nhưng một số chuyên gia cho rằng đây là một phần trong nỗ lực phối hợp để kiểm soát thực tế các vùng biển tranh chấp của Trung cộng.

Trong Sách Trắng Quốc phòng được công bố vào tháng 10 năm ngoái, Trung cộng nhấn mạnh đến một vấn đề mới, thu hút sự chú ý của giới chuyên gia quân sự cũng như các quan sát viên quốc tế, đó chính là tăng cường các đợt tập trận, chuẩn bị cho chiến tranh, tăng tinh thần, khả năng sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện quân sự trong điều kiện chiến đấu thực tế, trực tiếp cho Quân đội Giải phòng nhân dân PLA. Trong đó, chú trọng đến khả năng chiến đấu ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông.

Trong Sách Trắng Quốc phòng, Bắc Kinh nêu rõ, Quân đội Giải phóng nhân dân Trung cộng đã tổ chức nhiều đợt tuần hành hải quân ở Biển Đông và thực hiện hàng loạt các cuộc tập trận bắn đạn thật, kiểm tra khả năng chiến đấu trực tiếp của binh lính, trong khi lực lượng không quân Trung cộng đã tiến hành tuần tra kiểm soát Biển Đông cũng như đảm bảo an ninh ở Biển Hoa Đông và tăng cường hoạt động ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Theo Japan Times

Sputnik (28.01.2020)

Mỹ điều tầu chiến tuần tra « khai xuân » ở Biển Đông

Ảnh minh họa chụp ngày 04/09/2019m: Tàu chiến USS Montgomery của Hải quân Hoa Kỳ trong một cuộc tập trận hàng hải Mỹ-ASEAN.

Ảnh minh họa chụp ngày 04/09/2019m: Tàu chiến USS Montgomery của Hải quân Hoa Kỳ trong một cuộc tập trận hàng hải Mỹ-ASEAN. Alexandra SEELEY / US NAVY / AFP

Tầu khu trục USS Montgomery thuộc Hạm Đội 7 của Mỹ đã thực hiện một chuyến tuần tra gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông vào ngày 25/01/2020. Thông tin được phát ngôn viên Hạm Đội 7 Hoa Kỳ, đại úy Joe Keiley, xác nhận với trang Japan Times của Nhật Bản ngày 28/01.

Đây là chuyến tuần tra đầu tiên trong năm 2020 tại Biển Đông của Hải Quân Mỹ và nằm trong khuôn khổ chiến dịch FONOP vẫn được Hải Quân Hoa Kỳ thực hiện nhằm « khẳng định các quyền và quyền tự do lưu thông hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế ».

Phát ngôn viên Hạm Đội 7, đóng tại Yokosuka (Nhật Bản), nhắc lại « các hoạt động vì tự do lưu thông ở Biển Đông nằm trong các chiến dịch thường xuyên của lực lượng quân sự Mỹ ở khắp khu vực ». Chuyến tuần tra của tầu khu trục Montgomery còn nhằm « phản đối mọi sự hạn chế về việc qua lại vô hại mà Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan áp đặt ».

Theo nhận định của Japan Times, chuyến hải trình đầu tiên trong năm 2020 ở Biển Đông được Hải Quân Mỹ tiến hành trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai cường quốc trên tuyến đường thủy chiến lược và Trung cộng đang phải chống chọi với nạn dịch virus corona mới.

Hiện Trung cộng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như dịch viêm phổi cấp Vũ Hán, cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, khủng hoảng ở Hồng Kông…, nhưng Bắc Kinh sẽ không hoàn toàn từ bỏ việc gây sức ép và gia tăng các hoạt động khiêu khích với các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông, theo nhận định của ông Collin Koh, chuyên gia về hải quân, thuộc Chương trình An ninh Hàng hải tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, ở Singapore. Nhiều chuyên gia dự đoán Biển Đông có thể sẽ trở thành điểm nóng trong năm 2020.

RFI (28.01.2020)

SIPRI : Trung cộng, nhà sản xuất vũ khí số 2 của thế giới

Tầu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh (Liaoning) ngày 11/12/2016 trên biển Bột Hải (Bohai). Ảnh minh họa.

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning) của Trung cộng ngày 11/12/2016 trên biển Bột Hải (Bohai). REUTERS/Stringer

Trong một thập niên, Trung cộng đã vươn lên thành nhà sản xuất vũ khí thứ nhì của thế giới. Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm – SIPRI công bố ngày 27/01/2020, Trung cộng đứng sau Mỹ nhưng đã qua mặt nước Nga và đứng hàng thứ 5 trong số các nhà xuất khẩu vũ khí.

Cách nay 10 năm, Trung cộng là một trong những khách hàng quan trọng nhất của Nga và Ukraina, nhưng theo ông Nan Tian, một trong những đồng tác giả bản báo cáo của viện SIPRI, giờ đây Bắc Kinh không còn “phải trông cậy vào vũ khí của các nước khác”. Lý do, “phần lớn khối lượng sản xuất của các tập đoàn Trung cộng mà tổng trị giá ước tính lên tới khoảng từ 70 đến 80 tỷ đôla, là nhằm phục vụ quân đội nước này”.

Giới chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm cũng lưu ý rằng các tập đoàn Trung cộng giữ bí mật về doanh thu nên báo cáo không cho phép phân tích thấu đáo về hồ sơ này. Dù vậy, trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017, SIPRI đã chú ý đến các tập đoàn lớn của Trung cộng trong lĩnh vực chế tạo vũ khí và nhận thấy rằng ba trong số này đã có tên trong danh sách 10 tập đoàn hàng đầu của thế giới.

Ngoài ra, các công ty Trung cộng đặc biệt hoạt động trong ba lĩnh vực: hàng không không gian, điện tử và các loại trang thiết bị quân sự sử dụng trên bộ. Trong ba lĩnh vực vừa nêu, các công ty của Trung cộng đạt đến trình độ cao để có thể xuất khẩu sang các quốc gia khác. Vẫn theo chuyên gia Nan Tian, máy bay tự hành của Trung cộng được sử dụng tại Libya và Yemen.

 RFI (27.01.2020)