Seite auswählen

AI và FLD: VN siết tự do ngôn luận và tấn công mạng tạo mối nguy cho nhân quyền

Tổ chức nhân quyền 'Ân xá quốc tế' dẫn chứng trường hợp ông Trương Duy Nhất trong báo cáo năm 2019

Bản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGESImage captionTổ chức nhân quyền ‘Ân xá quốc tế’ dẫn chứng trường hợp ông Trương Duy Nhất trong báo cáo năm 2019

Việt Nam lại bị chỉ trích đích danh trong báo cáo năm 2019 của tổ chức nhân quyền ‘Amnesty International’ (Ân xá quốc tế).

Ân xá quốc tế nêu bật vấn đề quyền tự do ngôn luận, tù nhân lương tâm, bị chết trong khi bị giam giữ hay việc lạm dụng tình dục với phụ nữ và trẻ em gái.

Trong khi đó báo cáo công bố trung tuần tháng 1 của ‘Front Line Defenders’ thì nhận đình rằng, việc các nhà hoạt động nhân quyền bị tấn công trên mạng là những thách thức với các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.

Ân xá quốc tế: VN siết tự do ngôn luận

Báo cáo “Quyền con người khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Nhìn lại năm 2019” được tổ chức nhân quyền Ân xá quốc tế công bố hôm 30/1 tại Bangkok, Thái lan, nêu ra một loạt các vấn đề có liên quan đến nhân quyền tại Việt Nam gồm việc gia tăng số lượng các lương tâm tù nhân; đàn áp quyền con người căn bản; ban hành luật an ninh mạng; các nhà hoạt động nhân quyền bị quấy rối, đe dọa…

Liên quan đến tự do ngôn luận, báo cáo cho hay, trong năm 2019, chính quyền đã bắt và truy tố ít nhất 23 người.

Hầu hết những người này chỉ thể hiện quan điểm của họ liên quan đến những vấn đề như tham nhũng, môi trường và nhân quyềnv và sử dụng Facebook như một nền tảng để thể hiện các quyền trên. Có người trong họ sau đó đã bị kết án tù lên đến 11 năm.

Theo Ân xá quốc tế, chính quyền cũng đàn áp Nhà xuất bản Tự do, nơi ấn hành những cuốn sách thể hiện những quan điểm không ‘vừa ý’ chính quyền.

Theo tổ chức này, an ninh Việt Nam đã tra hỏi ít nhất 100 người trên toàn quốc do nghi ngờ có liên quan đến Nhà xuất bản nói trên.

Về vấn đề tù nhân lương tâm, báo cáo của Ân xá quốc tế cho rằng, việc đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa và sau đó, tiến hành các vụ bắt giữ đã dẫn đến gia tăng số lượng tù nhân lương tâm của Việt Nam.

Theo đó, đến tháng 5, tại Việt Nam có 118 tù nhân. Một vài tù nhân lương tâm đã được thả tự do sau thời gian thụ án, nhưng bù lại, số tù nhân lương tâm bị bắt cao hơn.

Báo cáo viết rằng, các thành viên gia đình và các nhóm nhân quyền cho thấy, trong năm 2019, tù nhân lương tâm tiếp tục chịu đựng nhiều hình thức đối xử tệ hại trong tù, kể cả biệt giam, không được tiếp cận với dịch vụ y tế, bị lạm dụng tinh thần và thể chất…

Nhiều giám thị trại giam còn khuyến khích các tù nhân bị giam giữ vì các tội hình sự khác hăm dọa, hành hung tù nhân lương tâm. Thậm chí, thành viên gia đình hai tù nhân lương tâm còn nói rằng, thân nhân của họ bị dọa giết.

Sau khi bị kết án, tù nhân lương tâm thường bị chuyển đến các cơ sở giam giữ xa địa phương nơi gia đình họ đang sống, khiến các thành viên gia đình khó khăn nếu muốn đến thăm họ.

Báo cáo cũng viện dẫn trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất.

Ông Nhất đã mất tích tại Bangkok, Thái Lan, khi đang tìm cách xin tị nạn tại đây. Các nhân chứng nói rằng, vụ mất tích của ông Nhất liên quan đến lực lượng an ninh Việt Nam. Sau đó, chính quyền thừa nhận đang giam giữ ông Nhất ở Hà Nội với cáo buộc tham nhũng.

Báo cáo cũng nói là trong năm 2019, có Ít nhất 11 người tại Việt Nam đã thiệt mạng trong khi đang bị giam giữ. Và chính quyền vẫn ngăn chặn các cuộc điều tra độc lập với những trường hợp tử vong như vậy.

FLD: Rủi ro với các nhà nhân quyền trên mạng

Cũng liên quan đến tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2019, đầu tháng 1/2020, báo cáo của tổ chức nhân quyền “Front Line Defenders” (FLD) đưa việc Việt Nam đưa Luật An ninh mạng vào hiệu lực trong năm 2019 như một mối nguy cho những người hoạt động về nhân quyền.

Theo tổ chức này, Luật An ninh mạng được sử dụng nhằm buộc những nhà hoạt động nhân quyền phải im lặng.

FLD cũng viện dẫn Việt Nam bên cạnh nhiều nước khác như Algeria, Bahrain, Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iraq, Jordan, Lebanon mà tổ chức này cho rằng, là những nơi mà những người hoạt động nhân quyền đối mặt với nhiều rủi ro do các tấn công trên mạng.

Các hình thức tấn công trên mạng phổ biến nhất nhắm vào họ là phỉ báng, quấy rối và truy cập trái phép vào các tài khoản mạng xã hội của họ để lấy cắp thông tin, sau đó dùng những thông tin này để phá hoại danh tiếng và sự an toàn của họ.

Ở một số nước, mà theo báo cáo này là có Việt Nam, chính quyền còn tổ chức chiến dịch khiếu nại lên các công ty truyền thông xã hội để khóa tài khoản của các nhà hoạt động nhân quyền.

FLD cho biết năm 2019, có 304 nhà hoạt động nhân quyền bị sát hại tại 31 quốc gia. Việt Nam không có tên nằm trong danh sách các quốc gia này.

VN xếp hạng thấp về dân chủ, nhân quyền

Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2019 của The Economist Intelligence Unit, công bố hôm 22/1, xếp Việt Nam thứ 136 trong tổng số 167 quốc gia được xếp hạng, với 3.08 điểm.

Với điểm số này, thứ hạng của Việt Nam về dân chủ năm 2019 có cải thiện nhẹ so với thứ hạng 139 của năm 2018, nhưng điểm số không thay đổi.

Còn theo báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền, trong năm 2019, Việt Nam đã không làm gì mấy để cải thiện hồ sơ nhân quyền vốn yếu kém của mình.

Theo báo cáo, chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế tất cả các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và quyền tự do thực hành tín ngưỡng và tôn giáo.

VN: Sai lầm về phương pháp luận

Việt Nam luôn cho rằng, việc dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.

Trong bài viết “Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam” đăng trên tờ Quân đội nhân dân, TS Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho rằng, “không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân…

“Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội”, ông Thái viết.

BBC (31.01.2020)

Trần Thị Nga nhận giải thưởng nhân quyền Engel-du Tertre

Nhà hoạt động Trần Thị Nga được tổ chức Action by Christians for the Abolition of Torture (ACAT-France) trao giải thưởng nhân quyền Engel-du Tertre. Photo ACAT.

Nhà hoạt động Trần Thị Nga được tổ chức Action by Christians for the Abolition of Torture (ACAT-France) trao giải thưởng nhân quyền Engel-du Tertre. Photo ACAT.

ACAT-France, một thành viên của Liên minh Quốc tế chống lại án tử hình và là một đối tác thân thiết của Liên minh Chống Tra tấn – Việt Nam (VN-CAT), sẽ trao giải thưởng nhân quyền Engel-du Tertre cho nhà hoạt động Trần Thị Nga, tù nhân lương tâm vừa được chính quyền Việt Nam phóng thích.

Giải thưởng này được đặt theo tên của hai phụ nữ sáng lập tổ chức ACAT-France vào năm 1974 mang tên Hélène Engel và Edith du Tertre. Buổi lễ trao giải sẽ được tổ chức ở Paris, Pháp, vào ngày 01/02/2020.

Hôm 10/01, nhà hoạt động Trần Thị Nga được chính quyền Việt Nam phóng thích với điều kiện phải sống lưu vong. Bà và gia đình đã đến tị nạn ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ.

Ngay sau khi được tổ chức ACAT-France tuyên bố trao giải thưởng, bà Trần Thị Nga cho VOA biết cảm tưởng của bà hôm 30/01:

“Giải thưởng này cho thấy sự quan tâm của mọi người, của các tổ chức quốc tế đã dành tôi nói riêng, và cho những người đấu tranh ở trong nước nói chung.

“Trình trạng những tù nhân lương tâm, tù chính trị, bất đồng chính kiến bị tra tấn, ép cung trong tù, không chỉ riêng mình tôi mà rất nhiều người bị.”

Bà Nga cho biết đây là một vinh dự không những cho riêng bà mà còn là sự khích lệ cho giới đấu tranh nhân quyền người Việt nói chung vì đây là lần đầu tiên sau 6 năm từ ngày được hình thành, giải này được trao tặng cho một nhà hoạt động đến từ khu vực châu Á.

Mỹ hoan nghênh việc Hà Nội phóng thích bà Trần Thị Nga

Bà Nga cho biết thêm:

“Tôi không có tội và không chấp nhận việc nhận tội theo ý của nhà cầm quyền Việt Nam.

“Họ dùng mọi hình thức để tra tấn tinh thần, sức khỏe, để đe dọa tính mạng của tôi, kể cả khi tôi chưa bị bắt vào tù. Khi vào tù, tôi lại tiếp tục bị các hành vi đó, khiến cho thể xác và tinh thần của những người tù như tôi bị khủng hoảng rất nhiều.”

Bà Nga cho VOA biết vì nhiều lý do bà không thể đến Paris vào ngày 01/02 để nhận giải thưởng này, nhưng đã thu xếp cử người đại diện để nhận thay.

ACAT-France, có tên đầy đủ là tổ chức Hành động của các Kitô hữu nhằm xóa bỏ tra tấn, là một tổ chức liên hiệp các hội thánh Kitô đấu tranh chống tra tấn và tử hình trên toàn thế giới và bảo vệ quyền tị nạn.

VOA (30.01.2020)

Giải thưởng nhân quyền mới cho cựu tù nhân lương tâm Trần Thị Nga

Bà Trần Thị Nga được tổ chức ACAT-France tặng giải nhân quyền Engel-Du-Tertre

Bà Trần Thị Nga được tổ chức ACAT-France tặng giải nhân quyền Engel-Du-Tertre  Courtesy of ACAT-France

Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga, cựu tù nhân lương tâm vừa đến Mỹ hôm 10/1/2020, được tổ chức ACAT-France Liên Minh Quốc Tế Chống Án Tử Hình tặng giải nhân quyền Engel- Du Tertre.

Đây là giải thưởng  mang tên 2 phụ nữ sáng lập ACAT-France năm 1974, bà Hélène Engel và bà Edith du Tertre.

Ngoài tư cách thành viên của Liên Minh Quốc Tế Chống Án Tử Hình, ACAT France  cũng là một tổ chức thân cận với VN-CAT Liên Minh Chống Tra Tấn- Việt Nam.

Lễ trao giải nhân quyền Engel-Du Tertre sẽ diễn ra ngày 1/2/2020 tại Paris, Pháp.

Từ thành phố Atlanta, bang Georgia, bà Trần Thị Nga bày tỏ lòng cảm kích khi hay tin mình được trao tặng giải Engel-Du Tertre là giải thưởng nhắm vào những người đã và đang kêu gọi nhân quyền, chống án tử hình và chống tra tấn như bà từng tranh đấu:

“Nga rất vui mừng khi được thông báo về  giải của bên ACAT-France trao tặng cho Nga về vấn đề đấu tranh nhân quyền của Nga. Khi đấu tranh chỉ làm tất cả những gì mà bản thân mình có thể làm được để giúp chính bản thân Nga, con cái của Nga cũng như những nạn nhân ở Việt Nam đang bị bách hại thôi. Nga không hề nghĩ công cuộc đấu tranh của mình đã được ghi nhận như thế này, đặc biệt các tổ chức quốc tế”.

“Nga cũng kêu gọi mọi người trong và ngoài Việt Nam tiếp tục đồng hành, tiếp tục giúp đỡ các tù nhân lương tâm trong ngục tù của nhà cầm quyền cộng sản, cũng như giúp đỡ 3 người tù bị án tử hình oan là Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh vì họ không phạm tội, họ không thể nào phải chịu cảnh bị cùm, bị xiềng xích, sống như con vật. Mong mọi người tiếp tục đồng hành để những tù nhân lương tâm ở Việt Nam cũng được trả tự do như Nga. Quan trọng nhất là được có quyền sống tự do chân thật”.

Đối với cựu tù nhân lương tâm Trần Thị Nga, giải nhân quyền Engel-Du Tertre mà bà vinh dự nhận lãnh cũng chứng tỏ cho thấy sự quan tâm của các tổ chức bảo vệ quyền con người trên thế giới. Đây là sự khích lệ quí báu để tất cả những ai quan tâm tranh đấu và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam cũng như bên ngoài thấy được là họ không đơn độc trong việc làm của mình.

“Trong qua trình ở tù thì Nga đã được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam trao giải. Nga cũng mới nhận được giải thưởng Lê Đình Lượng của Việt Tân trao, và một giải thưởng của bên tổ chức Trần Văn Bá.”

“Do điều kiện sức khỏe cũng như những vấn đề liên quan khác nên Nga không thể trực tiếp đến Pháp tham dự buổi trao giải này. Nga đã nhờ một người bạn thay mặt Nga đến đó, giúp Nga gởi lời cảm ơn và nhận giải thưởng của tổ chức ACAT-France”

Như vậy, với trường hợp Trần thị Nga, lần đầu tiên sau 6 năm hình thành giải thưởng nhân quyền, ACAT-France tuyên dương giải thưởng  cho một nhà hoạt động và một cựu tù nhân lương tâm đến từ Châu Á.

RFA (30.01.2020)

Ân Xá Quốc tế: Việt Nam gia tăng bắt bớ tù nhân lương tâm trong năm 2019

Hình minh họa. Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh (giữa) đứng trước tòa ở Bến Tre hôm 6/6/2019. Ông Ánh bị tuyên án 6 năm tù vì những bài viết trên Facebook

Hình minh họa. Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh (giữa) đứng trước tòa ở Bến Tre hôm 6/6/2019. Ông Ánh bị tuyên án 6 năm tù vì những bài viết trên Facebook  AFP

Số tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã gia tăng trong năm 2019 khi chính phủ đàn áp các quyền tự do bày tỏ ý kiến và biểu tình ôn hòa của người dân, theo báo cáo mới được công bố hôm 29/1 của tổ chức Ân Xá Quốc Tế.

Báo cáo mới tập trung vào tình hình nhân quyền ở 25 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong năm 2019.

Ân Xá Quốc Tế cho biết, tính đến tháng 5 năm 2019, Việt Nam vẫn còn giam giữ 118 tù nhân lương tâm. Mặc dù một số người đã được trả tự do trong năm sau khi mãn hạn tù nhưng lại có thêm người bị bắt giữ.

Cũng theo báo cáo, trong năm 2019, giới chức Việt Nam đã bắt bớ, truy tố ít nhất 23 người liên quan đến việc bày tỏ ý kiến của họ về các vấn đề như tham nhũng, môi trường, chính trị, nhân quyền. Phần đông họ sử dụng Facebook là nơi để bày tỏ ý kiến của mình. Họ bị tuyên án tù nhiều năm, trong đó án cao nhất được đưa ra trong năm 2019 là 11 năm tù

Ân Xá Quốc Tế cho biết nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam vẫn bị đối xử tàn tệ trong tù, không được bảo vệ sức khỏe, thậm chí giới chức nhà tù còn khuyến khích tù thường phạm đe dọa, tấn công các tù chính trị. Nhiều nhà hoạt động đã bị bắt giữ tùy tiện trong năm 2019.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng gia tăng đàn áp Nhà xuất bản Tự do, nơi thường xuất bản những cuốn sách không được chính quyền hoan nghênh. Theo Ân Xá Quốc Tế, an ninh Việt Nam đã tra hỏi ít nhất 100 người trên cả nước vì nghi ngờ có liên quan đến Nhà xuất bản Tự do. Hàng chục người bị an ninh đến nhà để khám xét và thu giữ sách.

Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế cũng cho thấy tình trạng cưỡng bức tình dục và bạo lực với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam vẫn tiếp diễn trong khi các chế tài áp dụng đối với người phạm tội chưa nghiêm.

Báo cáo mới của Ân Xá Quốc Tế công bố hôm 30/1/2020 cho thấy tình hình nhân quyền chung trong năm 2019 ở Châu Á Thái Bình Dương đang xấu đi. Giới chức chính quyền sử dụng lực lượng quá mức để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Tuy nhiên, một thế hệ mới những nhà hoạt động trẻ đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại tình trạng áp bức đang gia tăng ở Châu Á.

RFA (29.01.2020)