Seite auswählen

EU và Việt Nam đối thoại nhân quyền thường niên 2020

Ngày 19/2, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Đối thoại thường niên về nhân quyền.

“Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và EU và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền kể từ Vòng Đối thoại trước,” EU cho biết trong một thông cáo hôm 20/2.

Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và quan tâm về các vấn đề Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

 Hai bên bày tỏ hài lòng về các hoạt động hợp tác gần đây, như dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE), các dự án về thực hiện các công ước ILO trong bối cảnh có Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).

“EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87”, thông cáo có đoạn viết.

Phía EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.

Hai bên khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Hai bên nêu quan tâm chung về vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của truyền thông, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các bên liên quan trong việc đóng góp tích cực cho xã hội, kể cả trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) và EVFTA.

EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.

“Đối thoại cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam và các nước EU là thành viên”, theo thông cáo của phía Việt Nam trên trang Baoquocte.

Hôm 18/2, một ngày trước khi diễn ra phiên Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm.

VOA (20.02.2020)

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cam kết thúc đẩy Chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền

Cuộc gặp giữa Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Daniel Kritenbrink với cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các Dân biểu Mỹ ở Orange County, California hôm 19/2/2020

Cuộc gặp giữa Đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam Daniel Kritenbrink với cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các Dân biểu Mỹ ở Orange County, California hôm 19/2/2020.  Courtesy of FB Rep. Katie Porter

Đại sứ Hoa Kỳ tai Việt Nam Daniel Kritenbrink hôm 19/2 lên tiếng khẳng định ưu tiên hàng đầu trong công việc đại sứ của ông tại Việt Nam là thúc đẩy Chính phủ Việt Nam tôn trọng nhân quyền và khẳng định đây là yếu tố trung tâm trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Tôi đảm bảo với các quý vị thay mặt cho Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và của chính phủ Hoa Kỳ là vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn là và sẽ là yếu tố trung tâm trong chính sách đối ngoại và là yếu tố trung tâm trong giao tiếp giữa Mỹ với Việt Nam”, Đại sứ Mỹ phát biểu trước đông đảo cử tọa là những người Việt và Dân biểu Hoa Kỳ tại trường đại học cộng đồng Coastline ở Orange County, tiểu bang California.

Đại sứ Kritenbrink thừa nhận trong 4 năm qua, chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, và kết án họ những án tù nhiều năm. Ông cho biết phía Đại sứ quán Hoa Kỳ thường xuyên đề cập đến vấn đề này với phía Chính phủ Việt Nam, gần như mỗi ngày.

Bên cạnh Đối thoại nhân quyền thường niên mà lần tới trong năm nay là lần thứ 24, tôi thường xuyên nêu các quan ngại trong các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Tôi đã gửi ra cho họ thông điệp là chỉ có qua những tiến bộ bền vững đạt được trong vấn đề nhân quyền, thì quan hệ đối tác Mỹ và Việt Nam mới đạt được tiềm năng vốn có”, Đại sứ Kritenbrink phát biểu.

Vấn đề bảo hộ cho công dân Mỹ tại Việt Nam cũng được nhấn mạnh trong cuộc gặp lần này. Dân biểu Hoa Kỳ Katie Porter và Đại sứ Kritenbrink cam kết sẽ làm hết sức mình để đưa Việt kiều Michael Phương Minh Nguyễn về Mỹ đoàn tụ với gia đình. Ông Michael Phương Minh Nguyễn hiện đang phải thụ án tù 12 năm với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” sau phiên tòa vào tháng 6/2019 ở TP. Hồ Chí Minh.

Cũng trong cuộc gặp cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang California lần này, Đại sứ Hoa Kỳ nhìn nhận quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ những năm qua đã có những bước tiến đáng kể, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 78 tỷ đô la. Tuy nhiên Hoa Kỳ tiếp tục chịu nhập siêu từ Việt Nam và các công ty Mỹ vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

RFA (20.02.2020)

Đại sứ Kritenbrink cam kết nhân quyền là ‘trọng tâm’ trong quan hệ Mỹ-Việt

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu trong buổi tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California, ngày 19/02/2020. Photo Chụp từ YouTube Người Việt.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu trong buổi tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California, ngày 19/02/2020. Photo Chụp từ YouTube Người Việt.

Tại cuộc gặp với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Nam California hôm 19/2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cam kết rằng vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tiếp tục là “ưu tiên trọng tâm” trong mối quan hệ với Việt Nam, đồng thời hứa rằng sẽ cố gắng đưa công dân Hoa Kỳ Michael Nguyễn, người đang bị cầm tù ở Việt Nam, sớm về nước.

“Cá nhân tôi xin cam kết với quý vị với tư cách là đại diện cho Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, rằng nhân quyền và tự do tôn giáo tiếp tục và sẽ tiếp tục là ưu tiên trọng tâm, là cốt lõi trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam”, Đại sứ Kritenbrink nói trong bài phát biểu được văn phòng của Dân biểu Harley Rouda tường thuật trực tiếp trên Facebook hôm 19/2.

Nhân quyền và tự do tôn giáo tiếp tục và sẽ tiếp tục là ưu tiên trọng tâm, là cốt lõi trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam.

Đại sứ Daniel Kritenbrink


Nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng việc chính quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ, xử phạt trong bốn năm qua đối với các nhà hoạt động ôn hòa là “một điều đáng quan tâm” mà hầu như mỗi ngày ông đều nêu vấn đề này với phía Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (thứ hai, từ trái) và các dân biểu tại cuộc gặp với cộng đồng gốc Việt ở Nam California, sáng ngày 19/02/2020. Photo Twitter Sergio Contreras

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (thứ hai, từ trái) và các dân biểu tại cuộc gặp với cộng đồng gốc Việt ở Nam California, sáng ngày 19/02/2020. Photo Twitter Sergio Contreras

Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh:

“Chúng tôi đương nhiên sẽ bảo vệ lợi ích của công dân Hoa Kỳ sinh sống tại Việt Nam, bao gồm cả trường hợp của công dân Mỹ Michael Nguyễn, hiện đang bị cầm tù. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đưa ông Michael Nguyễn về nước”.

Trước đó, hôm 18/2, ông Kritenbrink đã gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của cộng đồng người Việt tại thành phố San Jose. Cuộc gặp được các dân biểu liên bang tổ chức.

Bà Jane Do Bui, người tham dự cuộc tiếp xúc với Đại sứ Kritenbrink, cho VOA biết chi tiết:

“Có rất nhiều người lên đặt câu hỏi và trọng tâm của họ là xoay quanh vấn đề nhân quyền, cũng như các vấn đề về thương mại, Biển Đông, bệnh dịch corona…”

“Có nhiều người đặt vấn đề về vụ Đồng Tâm. Trong phát biểu của nhà ngoại giao thì họ không cho biết chi tiết về những việc làm của họ nhưng nói rằng họ theo dõi sát sao vụ Đồng Tâm và hy vọng là sẽ có những cuộc nói chuyện trong ôn hòa”.

“Có hai người nói về tình hình tôn giáo của người thiểu số. Họ nói về tình hình đàn áp tôn giáo và người thiểu số H’Mong hiện đang sống ở Việt Nam bị bức hại, gần như không được công nhận quyền công dân”.

Ông Daniel Kritebrink cởi mở và có nhiều chú tâm đặc biệt về vấn đề nhân quyền hơn những người tiền nhiệm của ông.

Bà Jane Do Bui

“Cũng có một người trong Hội Nhà báo Độc lập nêu trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng vừa bị bắt”.

“Về riêng tôi, tôi có đưa một danh sách tám tù nhân tôn giáo cho ông Đại sứ và Dân biểu Zoe Lofgren để họ can thiệp vì những người này chỉ đơn thuần hoạt động cho tôn giáo, đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển”.

Đại sứ Daniel Kritenbrink trao đổi với người dân ở San Jose, California, ngày 18/02/2020. Photo Jane JB

Đại sứ Daniel Kritenbrink trao đổi với người dân ở San Jose, California, ngày 18/02/2020. Photo Jane JB

Bà Jane Do Bui nhận định rằng ông Kritenbrink thật sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam hơn hẳn những người tiền nhiệm:

“Qua nhiều cuộc gặp gỡ với nhiều vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam trước đây, tôi có nhận xét rằng ông Daniel Kritebrink cởi mở và có nhiều chú tâm đặc biệt về vấn đề nhân quyền hơn những người tiền nhiệm của ông”.

VOA (20.02.2020)

HRW: Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á

Phil Robertson - Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á

Phil Robertson – Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á  AFP

RFA có buổi phỏng vấn với ông Phil Robertson, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Á Châu về tờ trình gửi Liên minh Châu Âu về Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam.

RFA: Liên quan đến việc Tờ trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) gửi Liên minh Châu Âu về Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, HRW đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam cần được đề cập—1) Những người đang bị tù hoặc tạm giam vì lý do chính trị; 2) Tình trạng đàn áp các quyền tự do ngôn luận, nhóm họp, lập hội và đi lại; 3) Ngăn chặn quyền tự do thông tin; Đàn áp quyền tự do tôn giáo; 5) Nạn bạo hành của công an. Ông có thể giải thích vì sao chọn ra những ưu tiên này?

Trên thực tế, khi nhìn xung quanh khu vực Đông nam Á, thì rõ ràng Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất kỳ quốc gia nào khác.-Phil Robertson

Phil Robertson: Việt Nam có một lịch sử về đàn áp về nhân quyền. Điều chúng tôi muốn kêu gọi EU là yêu cầu Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền và dùng đó làm điều kiện cải thiện mối quan hệ giữa hai bên. Chúng tôi liên tục kêu gọi trì hoãn hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam, nhưng đáng tiếc rằng điều đó đã không xảy ra vào tuần vừa rồi khi Nghị viện Châu Âu quyết định phê chuẩn thỏa thuận đó.

Chúng tôi nghĩ rằng những ưu tiên mà chúng tôi đặt ra trong tờ trình đến EU phản ánh thực tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; Việt Nam giam cầm một số lượng tù nhân chính trị đáng hãi hùng. Trên thực tế, khi nhìn xung quanh khu vực Đông nam Á, thì rõ ràng Việt Nam có nhiều tù nhân chính trị hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Khi nói đến sự đàn áp tự do ngôn luận, điều chúng tôi thấy là những tấn công trực tuyến nhắm vào các nhà hoạt động, những người tổ chức các cuộc gặp công khai thường bị côn đồ đánh đập. Đó là vấn đề về lập hội và những hạn chế trong việc thành lập các tổ chức nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền.

Khi xem xét luật an ninh mạng thì chúng ta thấy có sự kiểm soát quyền tự do thông tin. Hơn thế nữa, còn có sự đàn áp quyền tự do tôn giáo. Tất cả những điều này đều là những ưu tiên cần được đề cập và giải quyết.

Và tất nhiên, còn có nạn bạo hành của công an Việt Nam khi chúng ta thấy là họ dùng sử dụng biện pháp tra tấn có hệ thống họ bắt giữ người.

RFA: Những điều khoản 109, 116, 117, 118 và 331 đã được sử dụng để giam cầm người dân vì đã biểu tình trong hòa bình, lập hội, có bất đồng chính kiến với chính phủ, và liên quan đến các hoạt động tôn giáo. Vì sao HRW cần Việt Nam sửa đổi những điều khoản này?

Phil Robertson: Đây là những quy định họ tự gọi là luật an ninh quốc gia mà chính phủ Việt Nam liên tục sử dụng để trừng phạt người dân khi họ thực hiện quyền dân sự và chính trị của mình và những người lên tiếng bất bình trước những hành động của chính phủ, như về tham nhũng. Họ sử dụng tiếng nói của họ để yêu cầu cải cách luật pháp và đây không phải là những hành động vi phạm luật hình sự.

Trên thực tế, việc hình sự hóa những vấn đề này rõ ràng đi ngược lại nghĩa vụ của Việt Nam vốn là một quốc gia đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Việt Nam tự tuyên bố rằng họ không hề lạm dụng quyền con người, vì những hành động của họ điều dựa theo luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên, theo cơ bản mà nói thì bộ luật Việt Nam không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, vì vậy Việt Nam cần sửa đổi luật lệ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế đã được thông qua. Hoặc Việt Nam phải hủy bỏ những điều luật ấy, bởi sự tàn nhẫn của nó thì không thể sửa đổi. Những điều luật đó phải được đưa ra khỏi bộ luật hoàn toàn.

RFA: Về trường hợp của Phạm Chí Dũng, một nhà báo Việt Nam bị giam giữ và buộc tội vì đã đề cập với Nghị viện châu Âu về vấn đề nhân quyền Việt Nam, phải chăng có ranh giới nào giữa việc lên tiếng chống lại chính phủ với hội đồng quốc tế và vi phạm an ninh quốc gia?

Phạm Chí Dũng nên được cảm ơn thay vì bị cầm tù.-Phil Robertson

Phil Robertson: Vấn đề ở đây là chính phủ Việt Nam có thể quy bất cứ lời nói hoặc hành động của cá nhân nào vào việc vi phạm pháp luật và đưa nó vào luật hình sự. Trong trường hợp này, ông ấy đã kêu gọi Liên Minh châu Âu gây sức ép đòi hỏi cải thiện về nhân quyền đối với Việt Nam trong hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam. Ông ấy nên được cảm ơn thay vì bị cầm tù.

Trên thực tế, trước hành động giam cầm đối với ông Dũng của chính phủ Việt Nam, người đứng đầu Nghị viện Châu Âu đã viết thư cho Việt Nam yêu cầu cho một lời giải thích và cũng yêu cầu trả tự do cho ông ấy. Tuy nhiên, phản hồi của Việt Nam lại rất xúc phạm. Điều đó đáng lẽ cũng đủ khiến cho EU xem xét lại, nhưng thật đáng tiếc, một số quốc gia trong EU chỉ quan tâm đến việc kinh doanh thay vì phải đứng lên vì quyền con người.

RFA: Còn về việc yêu cầu sửa đổi điều khoản 74 và 173 cho phép quyền được hỗ trợ pháp lý cho tất cả những người bị giam giữ thì sao?

Người dân cần có quyền được đại diện bởi luật sư ngay khi bị bắt giam và được tiếp cận với gia đình mình để nhìn thấy tình trạng bị giam giữ thế nào.-Phil Robertson

Phil Robertson: Cách hành xử của Việt Nam đối với các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia là không cho phép người bị bắt giam có quyền được luật sư hỗ trợ. Cơ bản mà nói thì hành động đó đã vi phạm quyền được xét xử công bằng và minh bạch. Tòa án Việt Nam hoàn toàn bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Việt Nam, nên quyết định kết tội đã được đưa ra trước khi bị cáo ra tòa. Ở mức tối thiểu nhất, họ nên có quyền được đại diện bởi luật sư ngay lúc bị bắt giam. Những gì chúng ta thấy được là những tù nhân thường bị công an Việt Nam tra tấn; họ bị đánh đập và bạo hành ép buộc thú nhận tội.

Toàn bộ quá trình điều tra được hoàn thành trước khi luật sư thậm chí có cơ hội tiếp cận họ. Những gì chúng ta đã thấy, hết lần này đến lần khác, là các nhà hoạt động xã hội liên tiếp bị công an Việt Nam tra tấn. Họ đã bị đánh đập và bắt thú nhận rằng họ đã làm điều gì đó vi phạm pháp luật. Nếu họ được tiếp cận với luật sư và gia đình mình ngay khi bị bắt, thì tình trạng trong khi bị giam giữ của họ sẽ được kiểm chứng. Điều đó có thể sẽ giúp làm giảm các trường hợp bị tra tấn bởi công an và chính quyền.

RFA: Ông có nghĩ rằng bộ Luật Lao động vừa được sửa đổi gần đây đáp ứng các điều kiện tiên quyết được đưa ra trong các thỏa thuận thương mại với EU không?

Phil Robertson: Tôi nghĩ rằng việc sửa đổi bộ Luật Lao động là bước đầu tiên, nhưng Chính phủ Việt Nam đang có ý đồ. Một mặt thì bảo sẽ cho phép thành lập công đoàn tự do theo dự luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng trên thực tế, ý đồ của Chính phủ Việt Nam là buộc các công đoàn phải xin chính quyền để được cấp phép thành lập. Theo tôi, Việt Nam phải có một quyết định thiết thực để cho phép người lao động thành lập công đoàn riêng, được tự do lựa chọn công đoàn và có quyền quyết định sự liên kết giữa công đoàn mình với bất kỳ tổ chức hay liên đoàn lao động nào khác.

Thêm nữa, phải cho phép người lao động được đặt ra các thỏa thuận hoặc đình công nếu cần thiết. Đây là những điều khoản cơ bản về luật lao động, nhưng lại không được đề cập đến trong lần cải cách bộ Luật Lao động của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nói rằng họ đang mở cửa, nhưng thực tế cho thấy họ vẫn luôn bảo thủ, kiểm soát tình hình.

Đích đến của quyền tự do thành lập công đoàn cho người lao động Việt Nam vẫn còn rất xa.-Phil Robertson

RFA: Vậy chúng ta cần phải làm gì để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trước khi thỏa thuận thương mại đi vào hiệu lực?

Phil Robertson: Luật Lao động cần tiếp tục được cải cách, vì lần sửa đổi vừa rồi không có hiệu quả.  Chính phủ Việt Nam cần biết rằng, đúng là họ đã đi được một quãng đường, nhưng đích đến của quyền tự do thành lập công đoàn cho người lao động Việt Nam vẫn còn rất xa.

RFA: Ông có nghĩ Luật An ninh mạng ở Việt Nam được thông qua vào năm ngoái vẫn còn đáng quan ngại?

Phil Robertson: Dĩ nhiên rồi! Luật An ninh mạng thông qua được Chính phủ Việt Nam dùng để đàn áp các nhà hoạt động xã hội và gây áp lực với các công ty như Facebook. Facebook đã bị chỉ trích rất nhiều khi gỡ bỏ nội dung tại Việt Nam, nhưng đó là do họ liên tục chịu áp lực từ chính quyền Việt Nam. Họ phải tuân thủ các lệnh của chính phủ Việt Nam. Thực tế mà nói thì những nội dung bị gỡ bỏ không hề vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng do Facebook đặt ra, nhưng chính phủ lại cho rằng những nội dung này vi phạm luật an ninh quốc gia hoặc trái với lịch sử Việt Nam, hoặc bôi nhọ hình ảnh của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Chính phủ Việt Nam viết ra một bộ luật mập mờ chủ yếu để cấm những nội dung như vậy.

RFA: Theo ông, luật này cần được sửa đổi thế nào để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế?

Phil Robertson: Không hề có cam kết sửa đổi luật an ninh mạng từ chính phủ Việt Nam. Theo cơ bản, phần lớn của bộ luật này cần được bãi bỏ, nhất là khi nói về nội dung bị cấm, như nội dung chống lại đảng, chính phủ, hay hình ảnh của các nhà lãnh đạo. Người dân cần được quyền tự do lên tiếng phê phán chính phủ. Chính phủ Việt Nam nên đổi tên luật này thành luật kiểm soát mạng thay vì là luật an ninh mạng.

RFA: Việt Nam cần phải làm gì để chấm dứt nạn bạo hành của công an?

Chính người dân là cấp trên của công an, chứ không phải Đảng. Việt Nam cần phải có một cuộc cải cách bộ ngành công an từ trên xuống dưới để có thể đưa những hành vi như thế này ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.-Phil Robertson

Phil Robertson: Như tôi đã đề cập trước đó, trước hết người dân cần có quyền được đại diện bởi luật sư ngay khi bị bắt giam và được tiếp cận với gia đình mình để nhìn thấy tình trạng bị giam giữ thế nào. Luật sư và gia đình cần được cho phép vào thăm những lần sau đó để tiếp tục theo dõi tình hình. Thêm nữa là cần phải đưa những công an đã tra tấn tù nhân ra pháp luật, vì đã có quá nhiều tình trạng công an đánh đập và tra tấn tù nhân. Đặc biệt, có nhiều trường hợp đã chết khi bị giam giữ bởi công an. Những công an tham gia đánh đập và gây ra cái chết của các nạn nhân phải bị trừng phạt chứ không phải được chuyển đi nơi khác hoặc đưa ra khỏi ngành.

Thực tế cho thấy, công an Việt Nam tự biết họ không phải lo sợ trách nhiệm khi tra tấn tù nhân, dù đó là tù nhân chính trị hay thường dân. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có đưa ra một báo cáo năm 2014 đề cập đến nhiều trường hợp tra tấn chết người của công an Việt Nam do vi phạm giao thông hay một vi phạm nhỏ nào khác. Có một thanh niên khoảng 21 hoặc 22 tuổi, khỏe mạnh nhưng lại chết trong trại giam sau khi bị bắt. Chính quyền sau đó đưa ra những lý do rất khó tin như suy gan hay bệnh tim, nhưng trong thực tế thì họ đã bị đánh đến chết.

Phải chấm dứt những hành động như vậy. Chính người dân là cấp trên của công an, chứ không phải Đảng. Việt Nam cần phải có một cuộc cải cách bộ ngành công an từ trên xuống dưới để có thể đưa những hành vi như thế này ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

RFA: HRW đã rất tích cực trong việc kêu gọi cải thiện thành tích nhân quyền từ chính quyền Hà Nội, nhưng trong thực tế những kêu gọi đó đã bị lờ đi. HRW sẽ làm gì để giúp đòi hỏi quyền cho người dân Việt Nam cũng như ở những nơi khác?

Phil Robertson: Đòi hỏi về nhân quyền của chúng tôi không bị phớt lờ, mà liên tiếp bị tấn công bởi chính phủ Việt Nam 24/24. Chúng tôi đã bị tấn công bởi các ấn phẩm khác nhau vào tuần trước. Thật ra, Chính phủ Việt Nam đang rất tức tối khi biết rằng chúng tôi giám sát tình hình nhân quyền nước họ rất chặt chẽ và luôn đòi hỏi phải tuân thủ theo luật quốc tế. Nếu không, chúng tôi sẽ đưa Chính phủ Việt Nam ra Hội đồng Nhân quyền và các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc. Hơn nữa, chúng tôi sẽ gây áp lực buộc Mỹ, EU và các nước có cùng lập trường phải yêu cầu Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của mình nếu muốn tiếp tục quan hệ đối tác giữa các bên.

Việt Nam là một trong những quốc gia có lịch sử lạm dụng nhân quyền tồi tệ nhất Đông Nam Á và chính phủ nước này cần phải đối mặt với lệnh trừng phạt nếu không cam kết cải thiện.

RFA (20.02.2020)

Quốc tế lên án vụ Đồng Tâm, gây sức ép lên EU trước đối thoại nhân quyền VN

Một số bạn trẻ ở Đài Loan phản đối vụ đàn áp ở Đồng Tâm tháng 1/2020

Bản quyền hình ảnhOTHERImage captionMột số bạn trẻ ở Đài Loan phản đối vụ đàn áp ở Đồng Tâm tháng 1/2020

Các tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi EU yêu cầu chính phủ VN chấm dứt đàn áp xã hội dân sự trước đối thoại dự kiến diễn ra giữa EU và VN ngày 19/2.

Liên minh Nhân quyền Quốc tế (FIDH) cùng tổ chức thành viên là Ủy ban Nhân quyền Việt Nam (VCHR) khẳng định trong thông cáo phát đi hôm 17/2 rằng EU cần tận dụng cơ hội cuộc thảo luận nhân quyền với chính phủ Việt Nam để yêu cầu chấm dứt đàn áp xã hội dân sự, trả tự do ngay lập tức những người bất đồng chính kiến hiện đang bị giam cầm.

Lên án vụ Đồng Tâm

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/720x405/p082l3dr.jpg

Đồng Tâm: ‘Đại diện sứ quán Mỹ đã trao đổi gì với tôi?’

Đề cập đến sự kiện Đồng Tâm, thông cáo của FIDH viết:

“Nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam được thực hiện trong bối cảnh tranh chấp đất đai.” Và rằng “chính quyền Việt Nam đã liên tục áp dụng cách tiếp cận độc ác và bạo lực để giải quyết các tranh chấp này”, với “ví dụ mới nhất của xu hướng này là sự cố Đồng Tâm, dẫn đến cái chết của ít nhất một thường dân vào tháng trước.”

Trong một diễn biến liên quan, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), trong thông cáo phát đi hôm 18/2, cũng thúc giục EU kêu gọi chính phủ Việt Nam “khởi động một cuộc điều tra công bằng và minh bạch về vụ đụng độ Đông Tâm ngày 9/1 và buộc những người sử dụng bạo lực phải chịu trách nhiệm”.

HRW đề nghị EU kêu gọi chính phủ Việt Nam “cho phép các nhà báo, nhà ngoại giao, cán bộ Liên Hiệp Quốc và các nhà quan sát được tiếp cận Đồng Tâm mà không bị cản trở, để đánh giá những gì đã xảy ra và theo dõi cuộc điều tra của chính phủ.”

Trước đó nữa, ngày 14/2, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, trong email trả lời BBC News Tiếng Việt, cho biết:

“Chúng tôi theo dõi sát sao tất cả các diễn biến của sự việc này và hiện đang thu thập thông tin từ nhiều nguồn để hiểu rõ hơn về các biến cố ở Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về tổn thất sinh mạng ở cả hai phía trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên tìm cách giải quyết tranh chấp một cách cởi mở, ôn hòa và minh bạch.”

‘Sáu lĩnh vực VN vi phạm nhân quyền’

Về mặt tổng quan, FIDH nêu ra các quan ngại chính về nhân quyền ở Việt Nam trong sáu lĩnh vực, gồm: Leo thang đàn áp người bất đồng chính kiến; các luật về “an ninh quốc gia” mang tính đàn áp; quyền cho người lao động; tranh chấp đất đai; điều kiện vô nhân tính trong nhà tù và chết trong tù, án tử hình.

Kể từ cuộc đối thoại năm ngoái tổ chức vào ngày 4/3, chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp, quấy rối, tấn công và giam giữ những người bảo vệ nhân quyền, những người bảo vệ quyền lao động, những người bảo vệ đất đai và môi trường, các blogger, nhà báo, nhà phê bình chính phủ và những người theo tôn giáo, thông cáo viết.

Và nêu rõ: Từ ngày 5/3/2019 đến ngày 2/2/2020, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 29 nhà hoạt động nhân quyền (bao gồm ba phụ nữ) và kết án 42 người (bao gồm năm phụ nữ) với án tù lên tới 12 năm.

Chính phủ Việt Nam giải thích các cuộc đáp áp này là do những người liên quan đã vi phạm Bộ Luật hình sự 2015 vốn hình sự hóa các hoạt động bị coi là “đe dọa an ninh quốc gia”. Các điều khoản mơ hồ này, sáu trong số đó kèm theo mức án cao nhất là tử hình – không phân biệt giữa các tội phạm bạo lực và các tội do thực thi quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa.

Tù nhân chính trị cần được trả tự do ‘lập tức’

Bất đồng chính kiến

Bản quyền hình ảnh AFP

Mặc dù tham gia Công ước chống tra tấn và Các Hình phạt hay Đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp khác, Việt Nam đã thất bại trong cải thiện các điều kiện giam giữ. Các báo cáo về tra tấn, ngược đãi và tử vong trong đồn cảnh sát vẫn tiếp tục ghi nhận các vụ việc này năm 2019. Một số tù nhân đã chết năm ngoái là kết quả của các điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thậm chí có thể họ đã bị tra tấn hoặc ngược đãi, thông cáo của FIDH nhận định.

Vẫn theo FIDH, Việt Nam cũng tiếp tục áp dụng án tử hình đối với một loạt các tội không đáp ứng các tiêu chí về “tội ác nghiêm trọng nhất”, trong khi thống kê về án tử hình tiếp tục được xếp vào dạng bí mật nhà nước.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) liệt kê trong thông cáo tên những nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam giữ trái phép như kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh (bị tuyên 6 năm tù), thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh (11 năm tù), nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng (hiện chưa được xét xử)…

HRW chỉ đích danh một số trường hợp mà EU cần kêu gọi chính phủ Việt Nam “trả tự do ngay lập tức”, bao gồm nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồ Đức Hòa, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Trung Trực, Trương Minh Đức… Ba người nêu tên sau hiện đang có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, HRW nhấn mạnh.

HRW cũng thúc giục EU buộc Việt Nam phải thừa nhận công đoàn độc lập và đảm bảo rằng họ hoạt động mà không bị chính phủ can thiệp. Ngoài ra, EU cần hối thúc VN đảm bảo rằng các nhà hoạt động xã hội dân sự và học giả độc lập có thể là một phần của Nhóm tư vấn trong nước (DAGs) được Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU thừa nhận, đồng thời đảm bảo rằng họ có thể thực hiện vai trò của mình một cách tự do và không sợ bị bắt giữ hoặc đe dọa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói gì?

Ngày 14/3/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam phản hồi lại báo cáo nhân quyền hàng năm của Bộ ngoại giao của Hoa Kỳ ra một ngày trước đó.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng nói:

“Tuy đã ghi nhận những thành tựu về bảo vệ quyền con người của Việt Nam, báo cáo này vẫn còn một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác, không phản ánh đúng tình hình thực tế đang diễn ra tại Việt Nam.

“Những quyền tự do cơ bản của công dân Việt Nam được quy định rõ trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo đảm thực thi trên thực tế.”

Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn gọi Việt Nam là “nhà nước độc đoán”, và rằng bầu cử quốc hội gần nhất năm 2016 “không tự do, chẳng công bằng, mặc dù có cạnh tranh hạn chế từ các ứng viên do Đảng Cộng sản duyệt”.

BBC (20.02.2020)