Seite auswählen
https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/720x405/p084t1nv.jpg

‘Tôi phải nộp gần 150 triệu cho môi giới trước khi sang Đài Loan’

Nguyễn Viết Ca vừa bước sang năm thứ bảy sinh sống ở Đài Loan. Anh là một lao động xuất khẩu làm việc tại nhà máy chuyên sản xuất chất lọc nước.

Anh cho biết đặt chân được đến hòn đảo này là cả một hành trình dài dở khóc dở cười của một người dân nghèo từ miền quê Nghệ An.

“Nhà tôi nghèo có chín anh chị em và bố mẹ tôi chỉ làm nông, trồng lúa, ngô khoai để ăn uống, sống qua ngày thôi, không đủ để dư hoặc là lo lắng cho con cái sau này. Tôi thì học đến năm 15 tuổi thì bỏ học để hỗ trợ bố mẹ, làm nghề nông nuôi các em ăn học,” người đàn ông 33 tuổi phân trần.

Qua lời giới thiệu của một người em họ đang làm việc Đài Loan, Nguyễn Viết Ca mạnh dạn đến nộp hồ sơ ở một công ty môi giới ở Hà Nội.

Sau đó là những chuỗi ngày “giam lỏng” trong trung tâm môi giới, chờ đợi ngày trúng tuyển.

Bị ‘giam lỏng’ trong trung tâm môi giới

Khi vừa đến nơi, Ca bị buộc phải đóng một loạt các khoản phí làm hồ sơ, khám sức khoẻ, đồng phục, thẻ gia nhập, ăn học tại trung tâm…và một khoản tiền cọc 5 triệu đồng. Tổng chi phí để đăng ký ban đầu là 500 đôla.

Không chỉ mỗi anh, công ty này có khoảng 200-300 lao động đến đăng ký xin đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Tất cả cùng sống trong một toà nhà ba tầng, với tầng hai và tầng ba lần lượt giành cho lao động nữ và nam.

Mỗi tầng có khoảng ba phòng ngủ, mỗi phòng rộng khoảng 30m2 cho khoảng 50 người lao động. Căn phòng không có đồ đạc gì khác ngoài những chiếc giường đơn hai tầng, và một nhà tắm.

Anh Nguyễn Viết Ca phải ở trung tâm môi giới suốt 3 tuần trước khi sang Đài Loan làm việc

Bản quyền hình ảnhNGUYỄN VIẾT CAImage captionAnh Nguyễn Viết Ca tại trung tâm môi giới, nơi anh phải ở suốt 3 tuần trước khi sang Đài Loan làm việc

“Giường đơn thì đáng lẽ một mình mình nằm một giường, nhưng giờ lại phải xếp lại nằm ngang ra thì mới đủ hết chừng đó người,” anh Ca tả lại.

Và đến khi tắm thì mọi người xếp hàng và có khi đến nửa đêm mới xong.

Anh Ca cho biết mỗi ngày anh phải trả 100.000 đồng cho tiền ăn uống tại căn teen của trung tâm, dù ngay bên ngoài là vô số hàng quán với đồ ăn ngon và rẻ hơn.

“Không được ra ngoài. Mỗi lần ra ngoài là phải xin phép và có tờ giấy ghi rõ giờ ra và giờ phải quay về. Nếu như quay về không đúng giờ, nặng thì có thể bị đuổi và mất số tiền cọc anh đã đóng, nhẹ thì phải đi dọn vệ sinh.”

Thực tế, việc dọn vệ sinh chiếm phần lớn thời gian ở trung tâm môi giới.

Anh Ca cho biết trung tâm có các lớp học dạy tiếng Trung, nhưng nói anh “chẳng học được gì trước khi đi sang Đài Loan”.

“Cả mấy trăm người lao động mà chỉ có 1-2 người gọi là biết tiếng Trung. Họ không phải giáo viên chuyên nghiệp.”

Anh Ca kể lại thời gian biểu hàng ngày là 7 giờ sáng ngủ dậy, phải dọn dẹp vệ sinh cả khu trung tâm, 9 giờ học sinh lên ngồi học, một người có vẻ biết chút tiếng Trung ngồi trên bục giảng nhưng nhóm người còn lại thì “ngơ ngơ ngáo ngáo chứ có học gì đâu.”

“Tôi cứ nhớ có một cái cây, lá nó cứ rơi rơi. Vừa mới ngồi được một tí giáo viên lại nói ‘Các em dọn không sạch, xuống dọn lại’,” anh Ca nói gần như dở khóc dở cười.

Theo anh, thời gian mỗi người bị “giam” ở đó không giống nhau, có người đã ở một vài tuần, có người thậm chí đã ở 6 tháng vẫn chưa trúng tuyển.

Ở lâu như vậy nhưng nhiều người không dám bỏ đi vì điều đó có nghĩ họ sẽ mất khoản tiền cọc 5 triệu đóng tại công ty.

Lý do, theo anh hiểu, là vì lo sợ lao động tham gia đăng ký tuyển dụng ở nhiều môi giới khác nhau, các công ty môi giới hạn chế việc đi lại và bắt tất cả phải đóng 5 triệu tiền cọc.

“Nhưng người Việt mình, 5-7 triệu nó lớn lắm, nó là cả tháng lương, cho nên không ai lỡ bõ, cứ nghĩ thôi thì cố gắng.”

Nghĩ vậy, anh Ca chấp nhận sống một cuộc sống gần như bị “giam lỏng” trong các trung tâm môi giới.

Ba tuần sau khi vào trung tâm, Ca nhận được đơn trúng tuyển nhưng công ty môi giới nói anh cần đóng thêm 1500 đôla. Anh gọi điện gia đình động viên được bố mẹ và anh trai cùng cắm sổ đỏ nhà lên ngân hàng để đóng cho môi giới.

Nhưng khoản tiền đó vẫn chưa phải là tất cả, gia đình anh sau đó tiếp tục phải chạy vạy và thu xếp thêm tiền, khiến tổng chi phí để đi xuất khẩu lao động Đài Loan lên đến 6300 USD.

Tuy nhiên, anh không hề nhận được bất kỳ hoá đơn nào khi đóng các khoản phí này.

Kết cục, để được sang Đài Loan lao động, anh Ca đã mất 2 tháng và hơn 146 triệu đồng. Nhưng mọi thứ sau đó lại càng không như anh nghĩ.

‘Công việc không giống như trong hợp đồng’

Sau khi sang đến Đài Loan, anh Ca nhận ra công việc ghi trong hợp đồng chỉ mất 1-2 tiếng để hoàn thành, và phần lớn thời gian còn lại anh phải làm những công việc khác không liên quan mà chủ yêu cầu.

https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/720x405/p084t2vw.jpg

‘Tôi không muốn người Việt sang Đài Loan làm việc’

Đặc biệt, các lao động nước ngoài như anh thường bị giao những công việc vất vả và độc hại hơn.

“Có đợt công ty lấy một loại hàng yêu cầu tôi làm. Mà mùi nó rất là độc hại. Đêm về ngủ tôi rất khó thở. Tôi đành phản đối lên công ty, bảo ‘Cái này tôi không làm được. Tôi về.”

Phía công ty sau đó liên hệ với bên môi giới, nhưng theo lời anh Ca, thay vì trao đổi với chủ tìm cách cải thiện môi trường làm việc cho anh thì môi giới nói:

“Giờ không làm à? Không làm thì đi về. Nhưng chỉ trả lại cho anh 2000 đôla thôi,” anh Ca thuật lại.

“Tôi nghĩ mình đi mất 6300 đôla mà giờ về có được 2000 đôla mà mới qua đây làm được mấy tháng, lấy đâu ra tiền để mà trả nợ?

“Thế là tôi yêu cầu ‘Tôi sẽ làm ở lại làm nhưng các ông phải xử lý cho tốt, sửa lại cho tốt. Còn không thì người Đài Loan phải vào làm, thì tôi mới làm. Sau đó thì công ty sửa máy móc và tôi làm từ đó đến giờ.”

Khi đó đi biểu tình, mình nghĩ không biết là đi công an nó có bắt hay không. Đi thì mới thấy là ồ, công an họ dàn hàng, sắp xếp đường cho người lao động đi biểu tình. Trời, cảm thấy nó sướng mà nó thích. Từ đó là nghiện luôn!Nguyễn Viết Ca, nói về trải nghiệm lần đầu đi biểu tình ở Đài Loan

Hàng tháng, anh Ca phải đóng cho môi giới bên Đài Loan một khoản phí 1500-1800 Đài tệ, tuy nhiên lại không nhận được sự hỗ trợ thích đáng.

Trong thời điểm sức khoẻ bị ảnh hưởng vì làm việc với hoá chất độc hại, anh Ca nói anh đề nghị môi giới đi anh đi khám bệnh nhưng nhận được câu trả lời “công ty hôm nay kín lịch rồi, ba ngày nữa sẽ đưa đi khám.”

Và khi anh gặp chủ, đặt vấn đề cải thiện môi trường làm việc, phía môi giới không chủ động đề ra giải pháp mà chỉ nói “về thì chỉ trả 2000 đô” như một cách để ràng buộc những lao động nghèo đang gánh trên vai những khoản nợ khồng lồ.

Anh cho biết anh mất một năm rưỡi làm lụng để trả hết nợ, còn một năm rưỡi còn lại của hợp đồng là khoản tiền anh lãi anh kiếm ra được. Nhưng thời điểm đó, Đài Loan vẫn còn quy định buộc lao động nước ngoài phải trở về nước sau 3 năm.

Anh Ca đành trở về Việt Nam rồi làm lại thủ tục đi lao động lại từ đầu, với khoản phí lần này “khiêm tốn” hơn, 3500 đôla, điều này có nghĩa gia đình anh không phải đi vay ngân hàng nữa.

‘Đi biểu tình mà nghiện luôn!’

Sinh sống và làm việc ở Đài Loan gần 7 năm, anh Ca bắt đầu để ý để các cuộc biểu tình kêu gọi phản đối môi giới.

Anh Nguyễn Viết Ca, giờ là Phó Hội trưởng Công hội Di công Việt Nam tại Đài Loan tại một cuộc biểu tình phản đối môi giới hồi tháng 5/2019

Bản quyền hình ảnhNGUYỄN VIẾT CAImage captionAnh Nguyễn Viết Ca, giờ là Phó Hội trưởng Công hội Di công Việt Nam tại Đài Loan tại một cuộc biểu tình phản đối môi giới hồi tháng 5/2019

“Một hôm Chủ nhật, trời thì mưa, tôi đang ở nhà thì thấy trên Facebook, người Việt ở Đài Loan đi biểu tình. Tôi không hiểu sao lại có người làm chuyện tốt như vậy? Họ đội áo mưa đi biểu tình. Mà trời thì mưa tầm tã! “

Đến năm 2015, anh chính thức tham gia các cuộc biểu tình của các lao động nước ngoài phản đối hình thức xuất khẩu lao động thông qua môi giới.

“Ở Việt Nam, nói đến biểu tình là một sự hoang mang đúng không? Sẽ phạm vào tội Gây rối mất trật tự công cộng. Việt Nam không có luật biểu tình.”

Và Đài Loan chính là nơi anh Ca lần đầu tiên làm điều đó.

“Nó thú vị lắm. Nó lạ lắm! Khi đó đi biểu tình, mình nghĩ không biết là đi công an nó có bắt hay không. Đi thì mới thấy là ồ, công an họ dàn hàng, sắp xếp đường cho người lao động đi biểu tình. Trời, cảm thấy nó sướng mà nó thích. Từ đó là nghiện luôn!”

Tuy nhiên, không phải lao động Việt nào cũng suy nghĩ như anh.

“Ở Việt Nam sang đây mà nếu họ vẫn cứ nhốt mình một cái cánh cửa thì họ sẽ không thấy được cái ánh sáng đó. Cho nên sẽ có rất, rất nhiều người học được về cái cách sống cách ứng xử của đất nước dân chủ này, nhưng cũng có rất nhiều người chưa có học được.”

“Chúng đi vận động từ Bắc xuống Trung, nhưng kết quả thì khá là khiêm tốn.”

‘Tôi không muốn người Việt sang Đài làm việc’

Anh Nguyễn Viết Ca là một người lao động xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Nghệ An.

Bản quyền hình ảnhNGUYỄN VIẾT CAImage captionAnh Nguyễn Viết Ca là một người lao động Việt ở Đài Loan xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở Nghệ An.

Khi được hỏi về kinh nghiệm lời khuyên cho những lao động Việt tương lai tại Đài Loan, anh Ca trải lòng: “Thật sự thì tôi không muốn người Việt mình sang Đài Loan làm việc.”

“Nếu có thể thì hãy đi những nước khác như Hàn và Nhật. Bởi vì sang đây bị gò ép, đối xử bất công, làm thì đa phần là để đóng cho môi giới cả.”

Còn tốt nhất, theo anh Ca, là người lao động nên tìm kiếm cơ hội việc làm ở Việt Nam và đấu tranh cho quyền lợi của người lao động tại nước nhà.

“Bây giờ Việt Nam mở cái cửa là lập công đoàn độc lập. Nếu mà chính phủ đã biết quan tâm đến quyền lợi của người lao động như vậy thì mình cố gắng học hỏi.

“Kể cả Đài Loan, để mà họ có được y tế, an sinh xã hội, kể cả chính trị tốt được như thế này là cũng từ đấu tranh mà ra cả.”

Thùy Linh (linh.nguyen@bbc.co.uk)

BBC (27.02.2020)