Seite auswählen

1/3/2020

Tôi sinh ra tại Tiền Giang, nhưng chẳng biết gì về nơi mình chào đời, cho đến ngày trở lại sau 50 năm sống ở nước ngoài.

Năm 2008, khi đang giảng dạy tại Mỹ, tôi nhận chương trình nghiên cứu giảng viên. Cứ mỗi sáu năm dạy học, giảng viên sẽ được nghỉ sáu tháng hoặc nguyên năm để trau dồi thêm kiến thức qua các dự án nghiên cứu. Tôi được tài trợ nghiên cứu về văn hóa lưu vực Mekong và những vấn đề liên quan đến địa chính trị của vùng Đông Nam Á.

Trong vòng sáu tháng, những chuyến thực địa dọc theo dòng Mekong đưa tôi qua Vân Nam, châu tự trị Tây Song Bản NạpLào, vùng Tam giác vàng, Thái Lan, Campuchia, những phụ lưu của Mekong như Serepok, Sekong và Sesan, quan sát nhiều nhánh sông xuyên ngang đồng bằng sông Cửu Long. Những chuyến đi đã cho tôi cái nhìn xác thực về dòng sông cũng như người bản xứ.

Mekong là dòng chảy dài nhất Đông Nam Á, xuyên qua sáu quốc gia, Việt Nam ở cuối nguồn. Sông có đa dạng sinh học thứ nhì thế giới, chỉ sau sông Amazon. Thế nhưng dòng sông đang bị lạm dụng, nguồn nước bị chặn ở thượng nguồn. Những con đập khổng lồ đã biến Mekong thành một chuỗi những hồ nước dài hàng trăm cây số tại Vân Nam, Trung Quốc. Tiếp đó, Lào  cộng tác với Trung Quốc và Thái Lan xây thêm những đập nước trên dòng chính, trên đường biến thành cục pin sản xuất điện cho toàn vùng.

Từ năm 2015, sau khi nghỉ dạy tại Đại học San Francisco và về hưu, tôi tiếp tục muốn nghiên cứu về lưu vực của dòng sông này. Tôi cộng tác với Đại học Khoa họa xã hội và nhân văn TP HCM trong vai trò nghiên cứu viên. Niềm vui quý giá nhất với tôi là tuần nào cũng được đi một tỉnh, huyện hay xã, học được các khái niệm bản địa, hiểu thêm văn hoá và bề dày lịch sử của nơi tôi sinh ra.

Vài tuần nay, tôi gặp những tổ chức, chuyên gia gắn bó với đồng bằng. Họ nói về việc vùng đất bị xâm nhập mặn, thiệt hại về kinh tế có thể cao hơn mọi năm, nguồn nước bi suy thoái khiến sạt lở, thiếu nước, mùa màng có nguy cơ thất bát. Những viện nghiên cứu như Lowy, Mekong Commons, International Rivers và Ủy ban Sông Mekong đều đưa ra cảnh báo, kêu gọi tiết kiệm nước hay những đề xuất thay đổi lối canh tác để chúng ta có thể áp dụng những phương án thích nghi. Nếu tình trạng khô hạn, xâm mặn, sụt lún tiếp tục kéo dài thì kinh tế đồng bằng tiếp tục bị đe dọa trầm trọng. Như một hệ quả, phần lớn người dân địa phương đã và đang phải mưu tìm sinh nhai ở nơi khác.

Bằng kinh nghiệm sống và những thách thức hiện hữu, tôi cho rằng ta có thể nghĩ đến một kế hoạch với ba tầm nhìn: ngắn, trung và dài hạn.

Đầu tiên là một chiến lược ngắn hạn từ 2 đến 5 năm áp dụng mô hình nông nghiệp thuận thiên, linh hoạt uyển chuyển, tập trung vào sự tham gia của dân cư. Những nông dân từng trải, với thói quen bản địa và kinh nghiệm sống chung với sự thay đổi thời tiết và nguồn nước hiện đang áp dụng mô hình nông nghiệp thuận thiên ở vài nơi.

Ở Cồn Chim, ấp Hoà Minh, tỉnh Trà Vinh, chúng tôi đang hỗ trợ nông dân làm dự án “Con tôm ôm cây lúa”. Với hỗ trợ của chính quyền địa phương, một nhóm chuyên gia hợp tác với nông dân trên một cù lao. Nếu khí hậu biến đổi và lượng nước từ thượng nguồn không đảm bảo, các chuyên gia đưa ra một mô hình linh hoạt. Nếu nguồn nước bị xâm mặn, nước lợ nhiều, nông dân sẽ chuyển qua nuôi tôm; còn nếu nguồn nước ngọt đầy đủ thì lúa sẽ thay thế tôm. Nông dân sẽ được trang bị kiến thức để tham gia vào ngành du lịch, cung cấp cho du khách những đặc sản của vùng, trải nghiệm bếp núc, câu cua hay làm bánh với khuyến cáo không rác thải. Nông nghiệp ghép với du lịch xanh và chậm bước đầu đã mang đến kết qủa rất khả quan cho những hộ dân sống trên cù lao này. Tôi cho rằng mô hình có thể áp dụng cho toàn vùng đồng bằng.

Thứ hai, trong chiến lược trung hạn, từ ba tới 10 năm, tôi nghĩ rằng một Trung tâm nghiên cứu Mekong học cho Việt Nam là điều then chốt. Ngành khoa học này sẽ liên kết với các đại học Đông Nam Á và thế giới, đào luyện những chuyên gia thông thạo và am hiểu về lưu vực Mekong trong mô hình phát triển bền vững, đề xuất hành động cho Chính phủ.

Thứ ba, nhìn xa hơn nữa, trong tầm nhìn trên 10 năm, bắt đầu ngay từ bây giờ, nỗ lực đi đến một Hiệp định ứng xử cho toàn lưu vực với sáu quốc gia đang chia sẻ nguồn nước giống như Hiệp định khai thác và phát triển lưu vực sông Rhine ở Châu Âu là chìa khóa của vấn đề.

Và hơn hết, ta đều biết nguyên nhân quan trọng của khó khăn hiện nay với đồng bằng là do những đập nước thượng nguồn tham lam và ích kỷ. Nhiều người vẫn hô hào rằng những cộng đồng thuộc lưu vực sông Mekong cùng uống chung một dòng nước. Nhưng nói suông không đủ. Nếu bản thân những người đại diện cho đất nước chúng ta không dám lên tiếng mạnh mẽ và cùng hành động để kêu gọi, thúc đẩy ra đời một hiệp định quốc tế được tôn trọng bằng tầm nhìn xa và những kiến thức khoa học thì không ai cứu đồng bằng. Nếu không tạo ra một nguyên tắc ứng xử chung văn minh, nhất quán, liệu có còn dòng nước chung mà uống mãi được không?

Chung Hoàng Chương

VNExpress