Rodolphe Gozlan và Soushieta Jagadesh
Vùng Lambaréné, Gabon: đi tìm kiếm ổ virus Ebola, các nhà khoa học đang khám nghiệm các loài dơi và thu thập những mẫu sinh học sẽ được phân tích ở Trung tâm nghiên cứu y học Franceville. Jean-Jacques Lemasson/IRD, Ảnh do tác giả cung cấp
Đại dịch virus CoronaCovid-19 đang diễn ra, bắt đầu ở Vũ Hán vào cuối năm ngoái, minh họa khá rõ mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi, không chỉ đối với sức khỏe con người và động vật, mà còn đối với sự ổn định xã hội, thương mại và nền kinh tế toàn cầu.
Thế nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tần suất xuất hiện của các tác nhân truyền nhiễm mới có thể gia tăng trong những thập niên tới, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng dịch tễ học toàn cầu sắp xảy ra. Thực vậy, các hoạt động của con người đang gây ra những thay đổi sâu sắc trong việc sử dụng đất đai cũng như những biến động lớn trong sự đa dạng sinh học ở nhiều nơi trên hành tinh.
Những xáo trộn đó đang diễn ra trong một bối cảnh kết nối quốc tế ngày càng gia tăng bởi sự di chuyển của con người và các giao dịch thương mại, tất cả trên nền của sự biến đổi khí hậu.
Đó là những điều kiện tối ưu để thúc đẩy sự lây truyền của các vi sinh vật gây bệnh từ động vật sang người. Thế nhưng, theo tổ chức WHO, những bệnh phát sinh từ quá trình lây truyền đó nằm trong số những bệnh nguy hiểm nhất.
Xác định những mối đe dọa mới
Bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, virus Ebola và bệnh virus Marburg, bệnh sốt Lass, virus Corona của hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), virus Nipah và các loại bệnh gan, sốt Thung lũng Rift, Zika…
Tất cả các bệnh đó đều có điểm chung là nằm trong danh sách “Bản đồ những bệnh ưu tiên”, được WHO thành lập vào năm 2018.
Những bệnh được liệt kê ở đó được coi là các bệnh khẩn cấp cần tập trung nghiên cứu. Thực vậy, chúng tượng trưng cho một nguy cơ về sức khỏe cộng đồng trên quy mô lớn, vì tiềm năng dịch bệnh của chúng, và vì sự vắng mặt hoặc số lượng hạn chế những biện pháp điều trị và kiểm soát hiện có.
Danh sách đó cũng bao gồm một “căn bệnh X”: thuật ngữ khó hiểu này đề cập đến một căn bệnh nào đó, sẽ là thủ phạm của một dịch bệnh quốc tế với quy mô rộng lớn, được gây ra bởi một tác nhân gây bệnh hiện chưa rõ. Tổ chức WHO không nghi ngờ về khả năng xuất hiện căn bệnh đó, và vì vậy kêu gọi cộng đồng quốc tế chuẩn bị cho một kịch bản thảm khốc như vậy.
Hiện nay, phản ứng của các cơ quan y tế trước những bệnh truyền nhiễm mới nổi đó là “đón đầu đi trước”, có nghĩa là phải nhận diện những nhân tố môi trường nào có thể gây ra sự xuất hiện của nhiều bệnh mới. Điều không may là sự hiểu biết của chúng ta về cách thức làm nổi lên các mối đe dọa dịch bệnh lây nhiễm mới vẫn còn hạn chế.
Nhưng có một điều chắc chắn là các động vật có rất nhiều khả năng liên lụy đến những dịch bệnh sắp tới. Bởi vì đây là một điểm chung khác của các bệnh nằm trong danh sách được WHO thiết lập: tất cả các dịch bệnh đều có thể được phân loại là nhiễm virus từ các loài động vật.
Sự can dự khá lớn của động vật trong nhiều dịch bệnh mới
Trong bốn thập kỷ qua, hơn 70 % các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đã được chứng minh là các zoonoses, hay nói cách khác, các bệnh truyền nhiễm động vật có thể truyền sang người.
Nói một cách đơn giản nhất, những bệnh này bao gồm một vật chủ duy nhất và một tác nhân truyền nhiễm duy nhất. Tuy nhiên, thường thì có sự can dự của nhiều loài động vật, điều đó có nghĩa là những thay đổi về sự đa dạng sinh học có tiềm năng làm thay đổi những rủi ro tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm này gắn với động vật và thực vật.
Như vậy, người ta có thể nghĩ rằng sự đa dạng sinh học tượng trưng cho một sự đe dọa: vì nó chứa nhiều mầm bệnh tiềm ẩn, nó làm tăng nguy cơ xuất hiện những bệnh mới.
Tuy nhiên, thật kỳ lạ, sự đa dạng sinh học cũng đóng vai trò bảo vệ trước sự xuất hiện của các tác nhân truyền nhiễm. Thật vậy, sự tồn tại của một sự đa dạng lớn các loài vật chủ có thể hạn chế sự lây truyền dịch bệnh, bởi hiệu ứng pha loãng hoặc hiệu ứng đệm.
Sự hủy hoại hệ đa dạng sinh học làm gia tăng sự lây truyền các tác nhân mầm bệnh
Nếu tất cả các loài có tác động tương tự lên việc lây truyền các tác nhân truyền nhiễm, thì người ta có thể tin rằng một sự suy giảm sự đa dạng sinh học sẽ dẫn đến một sự suy giảm tương tự sự lây truyền mầm bệnh. Tuy nhiên, ở đây hoàn toàn không phải vậy: trong những năm gần đây, các nghiên cứu đã chỉ ra, theo một cách phù hợp, rằng sự hủy hoại hệ đa dạng sinh học có xu hướng làm tăng lên sự lây truyền các mầm bệnh, và tần suất của các bệnh liên kết với chúng.
Xu hướng này đã được chứng minh ở một số lượng lớn các hệ sinh thái, với nhiều loại vật chủ-tác nhân và phương thức lây truyền rất khác nhau. Làm thế nào để giải thích tình hình này? Sự hủy hoại hệ đa dạng sinh học có thể làm thay đổi sự lây truyền dịch bệnh theo nhiều cách:
1) Bằng cách thay đổi sự phong phú của vật chủ hoặc vectơ. Trong một số trường hợp, một sự đa dạng lớn hơn các vật chủ có thể làm gia tăng sự lây truyền của các tác nhân, bằng cách làm gia tăng sự phong phú của vectơ;
2) Bằng cách thay đổi hành vi của vật chủ, vectơ hoặc ký sinh trùng. Về nguyên tắc, một sự đa dạng lớn hơn có thể gây ảnh hưởng đến hành vi của vật chủ, thứ có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau, cho dù đó là sự gia tăng lây truyền hay sự thay đổi quá trình tiến hóa của các động lực độc hại hoặc các đường lây truyền. Ví dụ, trong một cộng đồng đa dạng hơn, loài giun ký sinh là thủ phạm của bệnh giun đũa (một căn bệnh ảnh hưởng đến hơn 200 triệu người trên thế giới) có nhiều khả năng gặp lại nhau ở một vật chủ trung gian không thỏa đáng. Điều này có thể làm giảm xác suất lây truyền sang người trong tương lai từ 25 đến 99%;
3) Bằng cách thay đổi điều kiện [sống] của vật chủ hoặc vectơ. Trong một số trường hợp, trong các vật chủ có tính đa dạng di truyền cao, có thể làm giảm thiểu sự lây nhiễm, thậm chí dễ gây ra những kháng thể, thứ làm hạn chế sự lây truyền. Nếu tính đa dạng di truyền giảm bởi vì dân số giảm, thì khả năng xuất hiện những kháng thể cũng giảm theo.
Trong bối cảnh này, sự hủy hoại hệ đa dạng sinh học đang diễn ra là điều đáng lo ngại hơn cả. Hiện nay, người ta ước tính, ví dụ, có ít nhất 10.000 đến 20.000 loài sinh vật nước ngọt đã biến mất hoặc có nguy cơ biến mất. Tỷ lệ suy giảm thấy được hiện nay cạnh tranh với tỷ lệ suy giảm các cuộc khủng hoảng lớn trong quá khứ, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng đánh dấu sự chuyển đổi giữa thế Pleistocene và thế Holocene, cách nay 12.000 năm, đi kèm với sự biến mất các loài động vật lớn, trong đó có voi ma mút nhiều lông là một trong những đại diện biểu tượng.
Nhưng sự hủy hoại hệ đa dạng sinh học không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến sự xuất hiện của nhiều bệnh mới.
Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người
Chính sự chuyển dịch của dấu ấn địa lý các mầm bệnh và/hoặc vật chủ mà chúng lây nhiễm, đã dẫn đến sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm mới. Về mặt này, sự khó lường ngày càng tăng giữa nền khí hậu thế giới với các tương tác giữa con người-động vật-hệ sinh thái ở địa phương, ngày càng gần nhau hơn ở một số nơi trên hành tinh, đóng vai trò chính trong việc làm xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới ở trong các cộng đồng con người.
Ví dụ, tình trạng thời tiết tăng nhiệt độ trung bình có một tác động đáng kể đến tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, do một virus được truyền từ các loài bọ ve, cũng như tác động đến độ dài sinh sống của virus Zika, được truyền từ các loài muỗi ở các vùng cận nhiệt đới và ôn đới.
Việc tiêu thụ thịt rừng và buôn bán động vật, xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về protein động vật, cũng gây ra những thay đổi quan trọng trong sự tiếp xúc giữa con người với động vật. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dịch SARS và Ebola liên quan trực tiếp đến việc tiêu thụ thịt rừng bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh sốt Lass và các bệnh do virus Marburg và Ebola gây ra phát triển mạnh ở Tây Phi và Trung Phi, nơi tỷ lệ tiêu thụ thịt rừng nhiều gấp bốn lần so với Amazon, một nơi có hệ đa dạng sinh học phong phú hơn.
Một rủi ro khác là sự mở rộng của ngành nông nghiệp và chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của dân số loài người, con người đã chinh phục nhiều không gian mới, bằng cách phá rừng và khai hoang. Thế nhưng, chúng ta biết rằng việc tái phân bổ đất đai này có thể kích hoạt sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm, bằng cách tạo điều kiện cho những sinh vật cho đến nay hiếm khi gặp phải tiếp xúc với môi trường con người. Ví dụ, ở các đảo Sumatra, sự di trú của loài dơi ăn quả, do nạn phá rừng và cháy rừng, đã dẫn đến sự xuất hiện của bệnh Nipah ở các nhà chăn nuôi và công nhân các lò mổ ở Malaysia.
Xuất hiện nhiều bệnh mới là điều không tránh khỏi
Mối quan hệ giữa hệ đa dạng sinh học của các loài vật chủ và hệ đa dạng sinh học của các loài ký sinh trùng và vi trùng mầm bệnh là rất phức tạp. Khi thay đổi cấu trúc các cộng đồng, tất cả những thay đổi môi trường đó có nguy cơ dẫn đến một sự thay đổi các sơ đồ dịch tễ học hiện hành.
Trong bối cảnh này, các quần thể người có thể tự tiếp xúc với một động vật mang virus có khả năng gây nhiễm virus cho họ. Như vậy có thể diễn ra một chu kỳ nhiễm virus. Chu kỳ này bắt đầu với những trường hợp lây truyền lẻ tẻ từ động vật sang người, được gọi là “người tiếp xúc virus” (“virus chatter”). Sau đó, khi các chu kỳ càng nhân lên, thì sự lây truyền từ người sang người trở nên điều không tránh khỏi.
Một khi dịch bệnh đã bắt đầu, thì tốc độ phản ứng là điều cần thiết. Ngoài các biện pháp chăm sóc y tế cần thiết, khi thiếu thời gian để tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học thích hợp, thì các phương pháp mô hình hóa toán học có thể giúp ích rất nhiều trong việc đánh giá nhanh hiệu quả phòng ngừa và dự đoán diễn biến của bệnh.
Nhưng việc hiểu được sự phức tạp của các tương tác giữa một ổ dịch tự nhiên, tác nhân mầm bệnh và (các) vật chủ trung gian vẫn là một thách thức lớn khi phải có các biện pháp can thiệp nhanh để ngăn chặn sự lây truyền bệnh. Ví dụ về COVID-19, một lần nữa, minh họa điều này: đã hơn hai tháng, sau những ca nhiễm virus đầu tiên, chúng ta vẫn còn đang xác định những mắc xích động vật khác nhau trong chuỗi truyền bệnh.
Giới thiệu tác giả
Giáo sư Rodolphe E. Gozlan, Giám đốc nghiên cứu, Viện nghiên cứu phát triển (IRD)
Sau những nghiên cứu về sinh học biển tại Đại học Aix Marseille và một luận án ở Vương quốc Anh về bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng, R. E. Gozlan đã tham gia Hội đồng nghiên cứu môi trường tự nhiên (NERC) ở miền nam nước Anh ở Trung tâm Sinh thái và Thủy văn (CEH) của Dorset. Năm 2007, ông đã thành lập một phòng thí nghiệm sinh thái và bảo tồn tại Đại học Bournemouth, nơi ông tập trung nghiên cứu các loài xâm lấn và các tác động sinh thái liên kết.
Năm 2012, ông trở về Pháp đảm nhận vị trí giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu phát triển (https://www.ird.fr/). Ở đó, ông mở rộng lĩnh vực nghiên cứu của mình đến tác động của những thay đổi sự đa dạng sinh học lên sự xuất hiện của các mầm bệnh ở người, đặc biệt là bệnh loét Buruli.
Ông đã làm việc cho Ủy ban châu Âu với tư cách là chuyên gia về những vấn đề sử dụng các loài phi bản địa trong nuôi trồng thủy sản, và ông đóng góp với tư cách là báo cáo viên cho các hội đồng liên chính phủ về sự đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái (http://www.ipbes.net/) cho Châu Âu và Trung Á. Các nghiên cứu của ông đã được đăng trên nhiều tạp chí quốc tế bao gồm, trong số nhiều tạp chí tạp chí khác, Nature [Thiên nhiên], Science [Khoa học], Frontiers in Microbiology [Biên giới trong Vi sinh học]. Phát hiện của ông vào năm 2005 về mối liên hệ giữa tác nhân hoa thị [rosette] và cá đục châu Á được chọn là một trong số 4 nghiên cứu tốt nhất của NERC.
Nghiên cứu sinh, Viện nghiên cứu phát triển (IRD)
Soushieta Jagadesh đang theo học tiến sĩ về các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Viện nghiên cứu phát triển bền vững (IRD) ở Pháp. Là một nghiên cứu sinh đam mê các bệnh nhiễm trùng mới nổi, Soushieta nghiên cứu cách tiếp cận sinh học để phân tích sự xuất hiện trên toàn cầu của các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt tại vùng lãnh thổ nhiệt đới của Pháp ở Amazon, Guiana thuộc Pháp. Với những thay đổi môi trường nhanh chóng do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, cô cũng thăm dò tác động của nó lên sự xuất hiện của dịch bệnh thông qua phương pháp mô hình hóa toán học. Là một nhà dịch tễ học đam mê tại hiện trường, Soushieta đã tiếp xúc với những người sống sót sau dịch Ebola ở Sierra Leone như một phần của luận án thạc sĩ của cô, và đã tham gia vào việc lấy mẫu môi trường sống dưới nước ở Guiana thuộc Pháp.
Tuyên bố khai trình
Rodolphe Gozlan đã nhận những khoản tài trợ công từ Đại học Guyana và Labex CEBA trong 5 năm qua.
Soushieta Jagadesh đã nhận những khoản tài trợ từ Đại học Guyana.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch