Seite auswählen
  • 13 tháng 3 2020
Thú tội trên truyền hìnhSAFEGUARD DEFENDERS Một số nhân vật từng thú tội trên truyền hình Việt Nam

Báo cáo của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders cho rằng, có khả năng Việt Nam học cách thức thú tội trên truyền hình từ Trung Quốc.

Báo cáo này dài 44 trang bằng tiếng Anh, công bố ngày 11/3, do Safeguard Defenders thực hiện, là khảo sát đầu tiên về tình trạng thú tội trên truyền hình ở Việt Nam.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 12/3, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders), đơn vị cộng tác với Safeguard Defenders, cho hay:

“Qua khảo sát này, tôi có muốn điều muốn chia sẻ với những người bất đồng chính kiến hoặc giới hoạt động ở Việt Nam.”

“Đối với những người có nguy cơ bị bắt giữ, thì nên làm một video clip về hoạt động của mình. Trong video này, nên nói rằng nếu sau này bị bắt và xuất hiện video mình thú tội thì đó là do bị ép buộc. Do đó, nên làm video này để gửi cho những người tin cẩn, nếu sau này có bị cưỡng ép lên truyền hình thì người tin cẩn này có thể tung video ra như một minh chứng tố cáo việc công an ép thú tội.”

21 người thú tội trên TV Việt Nam

Bản báo cáo ghi nhận 21 trường hợp bị ép thú tội trên truyền hình Việt Nam trước khi bị đưa ra xét xử, từ năm 2007, “nhưng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều”, bao gồm từ nông dân đến luật sư có tên tuổi và quan chức cao cấp trong chính phủ.

Trong số này, Safeguard Defenders xem xét 16 trường hợp mà họ tìm thấy các đoạn video ghi lại lời thú tội trên truyền hình.

Trường hợp đầu tiên được ghi nhận là luật sư Nguyễn Văn Đài và nhà hoạt động Lê Thị Công Nhân, năm 2007.

Trường hợp ghi nhận mới đây nhất, năm 2020, là ba con trai của ông Lê Đình Kình (ở Đồng Tâm) gồm Lê Đình Công, Lê Đình Quang, Lê Đình Doanh; và con gái nuôi ông Kình là bà Bùi Thị Nối.

Một số trường hợp có tên tuổi khác từng bị bắt thú tội trên truyền hình phải kể đến là luật sư Lê Công Định (2009), Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (2017), William Nguyễn (2018), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí VN Trịnh Xuân Thanh (2017).

Vi phạm pháp luật Việt Nam

Theo báo cáo, có hàng loạt điều khoản trong các bộ luật của Việt Nam quy định rằng, việc buộc thú tội trên truyền hình là một hình thức ép cung và bị cấm bởi luật pháp Việt Nam.

Theo đó, điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự và điều 374 Bộ luật Hình sự quy định: người phạm tội ép cung trong hoạt động tố tụng có thể bị phạt từ 6 tháng đến 36 tháng tù giam.

Án tù có thể lên tới 7 năm nếu phạm tội này nhiều hơn một lần, hoặc thực hiện các hành vi tra tấn để lấy lời khai; và lên tới 20 năm tù nếu các lời thú tội bị ép buộc này dẫn tới kết quả là bản án oan sai cho người vô tội, theo báo cáo của Safeguard Defenders.

Trong lần trao đổi với BBC hôm 17/1, ông Vũ Quốc Ngữ cũng cho hay: “Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng Hình sự (năm 2015) cũng có một số điều khoản bảo vệ nghi phạm. Như Điều 13 nói về suy đoán vô tội.

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật,

“Hoặc Điều 60: Bị can có quyền “Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội,” ông Ngữ cho hay.

Ngoài ra, việc bắt ‘thú tội trên truyền hình’ còn vi phạm các công ước về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.

Chẳng hạn, điều 11 của Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát: “Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.”

Kêu gọi VN chấm dứt ‘thú tội trên truyền hình’

Safeguard Defenders cho rằng, việc phát sóng trên truyền hình quốc gia các lời thú tội cho thấy, Việt Nam đang học theo Trung Quốc – nơi cũng thực hiện thú tội trên truyền hình – để phục vụ mục đích chính trị; và rằng đây là việc làm hết sức sai trái.

Safeguard Defenders cho biết, mục đích của báo cáo này là nhằm thu hút sự chú ý của dư luận và quốc tế vào khuynh hướng này và kêu gọi Hà Nội chấm dứt ngay hành động lạm quyền bất hợp pháp này.

BBC