Seite auswählen

Khủng hoảng Corina ở Bắc Âu

 

Học sinh học như bình thường ở trong lớp, thậm chí mùa trượt tuyết vẫn tiếp tục: Ở Thụy Điển, cuộc sống phần lớn là bình thường mặc dù số lượng corona tăng nhanh. Lựa chọn này tốt không?

Von Dietmar Pieper

Vũ Ngọc Chi dịch từ  Schweden wählt den Sonderweg

28.03.2020

 

“Trò chơi mạo hiểm với sức khỏe của dân chúng”

Anh ta mô tả, đó “chỉ là ấn tượng cá nhân”, Christensen rất coi trọng điều này, bởi vì sau tất cả, anh ta không phải là bác sĩ y khoa. Anh là người Mỹ gốc Thụy Điển-Đan Mạch dạy báo chí tại Đại học Stockholm. Tuy nhiên, ấn tượng của anh khiến anh nghi ngờ liệu chiến lược của Thụy Điển trong việc đối phó với đại dịch corona là đúng. Anh ta nói, hiện giờ có thể đang diễn ra “một trò chơi mạo hiểm với sức khỏe của dân chúng”.

Trong khi hầu hết mọi nơi ở Châu Âu mọi người phải chịu những hạn chế lớn, thì người Thụy Điển lại đi một con đường khác. Họ muốn duy trì mọi thứ như bình thường nếu có thể được, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng. Người Anh và Hà Lan, những người đã cùng ý tưởng với  những người Bắc Âu này cho đến vài ngày trước, đã quay đầu lại và giờ đã giảm đáng kể cuộc sống công cộng.

Ở Thụy Điển, vẫn giống như trước cuộc khủng hoảng Corona: các trung tâm giữ trẻ mở cửa, học sinh đến lớp 9 tiếp tục ngồi học cùng nhau trong lớp và được phép chơi đùa trên sân chơi và sân thể thao. Cha mẹ của chúng mặc dù được yêu cầu hãy làm việc tại nhà nếu có thể được  và không đến thăm người thân cao tuổi, nhưng đây chỉ là những lời khuyên tốt – giống như lời khuyên không nên thực hiện các chuyến đi du lịch không cần thiết và tránh tụ tập đông người.

Giọng điệu của các chính trị gia và chính quyền chỉ nghiêm khắc hơn đối với người già tuổi hơn và những người có vấn đề về sức khỏe: họ nên ở trong nhà. Cho học sinh trung học và đại học thì có lối học trực tuyến.

Thụy Điển khác xa với lối giới nghiêm như ở Ý, Pháp hoặc Tây Ban Nha. Trong khi ở Đức và các quốc gia khác, nhiều nhất hai người bên ngoài gia đình có thể gần gũi thể chất với nhau, ở đất nước Bắc Âu này có một giới hạn hào phóng – từ Chủ nhật trở đi, giới hạn là 50 người, ít hơn so với 500 người trước đó. Nhiều rạp hát vì vậy đã có những buổi trình diễn tới 499 khán giả  tham dự chương trình. Tuy nhiên, sau các cuộc biểu tình côngcộng, các buổi biểu diễn này đã bị hủy bỏ, các rạp hát hiện đã đóng cửa.

Các luật lệ khác được ban hành trong tuần này quy định rằng khách phải ngồi ở bàn trong tất cả các nhà hàng và quán bar, vì vậy các bữa tiệc của câu lạc bộ và ngồi dai dẳng trong quán bar đã là quá khứ.

Nhưng chính phủ ở Stockholm vẫn tuân thủ nguyên tắc của họ: Đầy lòng tin cậy họ trông nhờ vào công dân Thụy Điển biết trách nhiệm.

Thủ tướng Dân chủ Xã hội Stefan Löfven nhận được nhiều sự đồng thuận cho chính sách  của mình. Theo một cuộc khảo sát dân ý, 56 phần trăm người Thụy Điển tin rằng đất nước của họ sẽ xử lý cuộc khủng hoảng tốt hoặc rất tốt. Tối chủ nhật tuần trước, Löfven lần đầu tiên nói chuyện trước công dân của mình trong một bài phát biểu trên truyền hình, 80% đã ca ngợi ông sau đó.

Đó là một sự xuất hiện rất Thụy Điển, tiết lộ rất nhiều về tâm lý của đa số trong nước. “Xã hội của chúng ta rất mạnh,” Löfven nói. “Cách duy nhất” trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh là “giải quyết khủng hoảng như một xã hội mà mọi người đều có trách nhiệm với bản thân, cho người khác và cho đất nước chúng ta”.

Quyết định vẫn tiếp tục mùa trượt tuyết bất chấp khủng hoảng corona cũng phù hợp với mô hình này. Thụy Điển là quốc gia duy nhất ở châu Âu nơi các sườn dốc trượt tuyết vẫn mở cửa.

Các khu nghỉ mát trượt tuyết trong nước vẫn đầy người, đặc biệt là vào lễ Phục sinh, nhưng năm nay các công ty du lịch tính là sẽ có ít khách hơn. Có những hạn chế trong việc sử dụng gondolas kín, và mọi người trong xe buýt đi trượt tuyết nên giữ khoảng cách với nhau. Với các nước láng giềng Phần Lan và Na Uy, mùa này thường kéo dài đến tháng Năm, đã kết thúc do đại dịch.

 

Tại sao mọi việc sẽ sớm trở nên tốt đẹp hơn? ” Cảm giác trong ruột cho tôi biết điều đó “

Johan Giesecke từ Viện Stockholm Karolinska cho rằng việc giữ cho các sườn dốc vẫn hoạt động là đúng đắn, ông khuyến nghị đồng bào của mình ra nhiều trong không khí trong lành và tập thể dục. Giáo sư danh dự tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới về các bệnh truyền nhiễm và là nhà dịch tễ học nhà nước đứng đầu ở Thụy Điển từ năm 1995 đến 2005.

Giesecke tin rằng tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm đáng kể vào đầu tháng Năm. Điều gì làm cho ông ta chắc chắn như  vậy? ” Cảm giác trong ruột cho tôi biết điều đó “, ông ta trả lời câu hỏi trong một email. “Đây là đại dịch thứ năm trong cuộc đời chuyên nghiệp của tôi: AIDS 1982, bệnh bò điên năm 1991, Sars 2003, cúm lợn 2009 và giờ là Covid-19.”

Ông không lo lắng việc Thụy Điển có thể đã đi sai hướng: “Vâng, chúng tôi đang đi trên một con đường đặc biệt”, Giesecke giải thích, nhưng họ không có vấn đề, mà là những nước khác. “Ở hầu hết các nước EU, các chính trị gia cảm thấy cần phải thể hiện sức mạnh và họ đã đưa ra một loạt các hạn chế chỉ dựa vào một cơ sở khoa học rất ít ỏi.”

Người kế nhiệm Gieseckes, Anders Tegnell cũng lập luận tương tự. Người đứng đầu việc chống dịch bệnh của Thụy Điển hiện đang có mặt khắp mọi nơi ở nước này, và ông xuất hiện tại các cuộc họp báo gần như mỗi ngày. “Hiện tại chúng tôi có một tình hình ổn định ở Thụy Điển,” ông nói tại một buổi nói chuyện vào thứ Tư.

Việc các đường cong corona cũng tăng theo cấp số nhân ở quốc gia Bắc Âu này dường như không khiến ông lo lắng. Theo điểm số của Đại học Johns Hopkins, có 3069 ca nhiễm ở Thụy Điển, 105 người chết vì Covid-19. Giống như Giesecke, Tegnell mang đến cho đồng bào của mình hy vọng rằng các bệnh do virus sẽ giảm vào mùa xuân và mùa hè – vì thời tiết tốt hơn, điều tồi tệ nhất sẽ ở sau lưng họ.

Tegnell hiện là người có ảnh hưởng nhất ở Thụy Điển. Ông không có một chức vụ dân cử, nhưng làm việc cho một cơ quan, Cơ quan Y tế Công cộng. Là một nhà dịch tễ học của chính quyền,  ông đưa ra các hướng dẫn theo đó chính phủ hành động. Người đàn ông 63 tuổi gầy gò thích mặc áo lạnh dài tay rộng lùng thùng  trong các buổi nói chuyện, thói quen của ông nhấn mạnh sự cố chấp của nhà khoa học, người cũng nói ra những sự thật khó nghe.

Ông coi ý tưởng virus corona có thể được ngăn chặn bằng cách nào đó là ảo tưởng. Ông ấy giả định trong các mùa ấm hơn, số người nhiễm bệnh sẽ ít hơn , tuy nhiên mầm bệnh sẽ trở lại vào mùa thu, ông nói trên truyền hình Thụy Điển. “Sau đó, điều quan trọng là dân số đã bị nhiễm bệnh nghiêm trọng như thế nào.” Đại dịch chỉ có thể được ngăn chặn “thông qua miễn dịch bầy đàn hoặc kết hợp miễn dịch và tiêm phòng”, “về cơ bản là điều tương tự”. Với nhiều may mắn, sẽ có được một loại vắc-xin vào năm tới, Tegnell phỏng đoán.

Ông bác bỏ mọi nghi ngờ về các chi tiết khoa học của mình: “Chúng tôi đã xem xét kỹ các quy trình ở Vũ Hán, từ đó có thông tin đáng tin cậy nhất”. Các quốc gia khác có lẽ dựa vào dữ liệu từ làn sóng ịch cúm, ít có ý nghĩa.

 

“Stockholm bây giờ là một điểm nóng việc nhiễm trùng”

Nhà quản lý bệnh viện Jouko Vanhala chỉ lắc đầu trước những tuyên bố như vậy. “Ở Thụy Điển, mọi thứ phải được chứng minh một cách khoa học trước hết đã”, ông nói, thêm vào một cách chế giễu: “Nếu không thì các chuyên gia sợ rằng Alfred Nobel sẽ lật mình lại trong mộ”.

Vanhala là giám đốc tài chính của ba bệnh viện nhà nước ở tỉnh Halland trên bờ biển phía tây Thụy Điển. Trên điện thoại, anh ta tường thuật cách anh ta đánh giá tình hình trong thời đại Corona. “Stockholm hiện là một điểm nóng về nhiễm trùng”, ông nói. “Tôi không hiểu tại sao chính quyền ở đó không ngăn cản mọi người đi du lịch.” Ở các vùng nông thôn, chẳng hạn như ở các khu vực trượt tuyết, chăm sóc y tế không tốt như ở thủ đô.

Ngay cả Stockholm cũng cần được nâng cấp nhanh chóng. Thông thường chỉ có 90 giường chăm sóc đặc biệt ở đó, quân đội hiện đang xây dựng một bệnh viện khẩn cấp trong các gian phòng hội chợ. Trong “kịch bản trường hợp xấu nhất có thể”, Cơ quan Y tế Công cộng dự kiến 250 bệnh nhân corona có thể cần giường chăm sóc đặc biệt ở thủ đô. Ở đỉnh điểm của dịch bệnh, sẽ cần tới 1.400 giường chăm sóc đặc biệt trên toàn quốc, cho đến nay chỉ có 500 giường.

Vanhala nói: “Đây thực sự là rất ít so với nhiều nước châu Âu.” Trong những năm 1990, Thụy Điển vẫn có trên 4.300 giường chăm sóc đặc biệt, nhưng sau đó đã tiết kiệm quá nhiều trong việc chăm sóc sức khỏe. Để chuẩn bị sẵn sàng cho những người nhiễm Covid-19 có thể rất đông, họ đã dựng lều điều trị trước một trong những bệnh viện ở Halland. Có thể tới một lúc nào đó, các bác sĩ phải phân chia bệnh nhân theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Người Phần Lan đã làm tốt hơn việc chiến đấu chống lại corona so với người Thụy Điển, Vanhala, người đến từ Phần Lan 40 năm trước cho biết. “Tại Helsinki, chính phủ không chấp nhận rủi ro, mà thực hiện các biện pháp cứng rắn”, ông nói.

 Các quốc gia Bắc Âu hầu như luôn tìm kiếm một chính sách chung, nhưng như ở EU, lần này mọi nước đều hành động riêng lẻ.

Người Đan Mạch là một trong những người châu Âu đầu tiên đóng cửa biên giới của họ cho những người đến từ các quốc gia khác. Thủ tướng Mette Frederiksen, một nhà dân chủ xã hội như đồng nghiệp Stockholm của bà, Löfven, cảnh báo đồng bào của bàkhông được đi nghỉ ở các khu nghỉ mát trượt tuyết Thụy Điển và nói: “Nếu chúng ta phải chờ bằng chứng dứt khoát để chiến đấu với Corona, thì đó là niềm tin vững chắc của tôi rằng sẽ quá muộn”.

 

Thụy Điển ‘một mình một kiểu’ chống Covid-19

 

27/3/2020

VNExpress

Trẻ em Thụy Điển tiếp tục đến trường, hàng quán vẫn mở cửa, nhiều người đổ xô tới công viên tận hưởng nắng xuân giữa “bão Covid-19”.

Bất chấp số ca nhiễm nCoV gia tăng và ngày càng nhiều ý kiến bất bình của các nhà dịch tễ học, các chuyên gia y tế của chính phủ Thụy Điển ngày 25/3 vẫn bảo vệ quan điểm không phong tỏa đất nước và đóng cửa nền kinh tế, như cách hầu hết thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã làm trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ander Tegnell, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của chính phủ Thụy Điển, cho rằng chiến lược chống Covid-19 “một mình một kiểu” này của Stockholm cho thấy cách thức hoạt động độc lập của các cơ quan chính phủ như Cục Y tế Công cộng, cũng như sự miễn cưỡng của các chính trị gia trong việc khước từ khuyến nghị từ các chuyên gia.

Người dân Thụy Điển vẫn tập trung tại một nhà hàng ở Stockholm hôm 26/3. Ảnh: Reuters.

Người dân Thụy Điển vẫn tập trung tại một nhà hàng ở Stockholm hôm 26/3. Ảnh: Reuters.

“Vị trí chuyên gia của tôi có vẻ không có thực quyền, nhưng các cơ quan ở Thụy Điển làm việc với nhau theo một thể thống nhất. Đây không phải là những quyết định tôi tự đưa ra trong văn phòng nhỏ của mình”, Tegnell nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng bản thân sẽ hứng chỉ trích nếu tỷ lệ nhiễm nCoV tăng nhanh và Thụy Điển đối mặt với hoàn cảnh tương tự Italy hay Tây Ban Nha.

“Dĩ nhiên, tôi và cơ quan sẽ bị đổ lỗi. Tôi cũng ý thức được điều đó. Nhưng tôi còn cảm thấy tệ hơn nếu đưa ra nhiều quyết định cho những thứ không chắc chắn và những điều sai lầm. Thay vào đó, chúng tôi muốn đưa ra những quyết sách mà mình chắc chắn hơn nhiều”, ông nói.

Trong khi hai quốc gia láng giềng là Na Uy và Đan Mạch đã ra lệnh đóng cửa tất cả trường học và cấm tụ tập trên 10 người để ngăn Covid-19, cuộc sống ở Thụy Điển hầu như không thay đổi.

Chính phủ chỉ cấm những sự kiện trên 500 người tham dự, khuyến nghị người hay vào quán rượu và nhà hàng nên ngồi bàn riêng thay vì ngồi ở quầy, đồng thời khuyên mọi người chỉ sử dụng phương tiện công cộng trong trường hợp thực sự cần thiết. Những người bị ốm và có triệu chứng giống như nhiễm nCoV chỉ cần đợi thêm hai ngày sau khi khỏe lại để tiếp tục đi làm hoặc đi học.

Những lời khuyên này không thay đổi ngay cả khi số ca nhiễm nCoV ở Stockholm tăng vọt trong những ngày gần đây, khiến Giám đốc Sở Y tế thành phố Björn Eriksson kêu gọi mọi người giúp đỡ để ngăn dịch lây lan.

“Bão đang xuất hiện ở đây. Chúng tôi không biết nó đã xuất hiện trong bao lâu nhưng chắc chắn nó sẽ ngày càng tệ hơn”, Eriksson nói và thêm rằng có 18 bệnh nhân đã chết ở khu vực này trong 24 giờ qua, gấp đôi số người chết được cập nhật hàng ngày.

Nhiều người dân Thụy Điển có những phản ứng trái chiều về chiến lược chống dịch kiểu “ngược đường” của chính phủ.

“Tôi nghĩ nó hơi vô trách nhiệm. Họ nên làm nhiều hơn thế”, một phụ huynh đón con gái ở cổng trường Västra Skolan tại Malmö nói về cách làm trái ngược của Thụy Điển so với quê hương Đan Mạch của anh.

Anh cũng phàn nàn rằng nhiều đứa trẻ có bố mẹ bị ốm, có triệu chứng giống nhiễm nCoV, vẫn được cho phép vào lớp, miễn là bản thân chúng không có triệu chứng bệnh.

“Tôi nghĩ họ đã quá xem nhẹ nó. Hầu như mọi nơi vẫn mở cửa và tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Mọi người đều thấy lo lắng về nó”, Rosaline Abugiche nói khi tới trường đón con gái Ellen Ruth. 

Nhưng một số phụ huynh lại cảm thấy thoải mái hơn. “Tôi nghĩ Thụy Điển và Anh là số ít quốc gia có cái nhìn thực sự khách quan về toàn bộ sự việc, nhưng Anh sau đó đã sợ hãi và đóng cửa đất nước”, Johan Heander, một phụ huynh, cho hay. 

Thụy Điển quyết định không đóng cửa trường học bởi ở đất nước này, chuyện cha mẹ ở nhà trông con là điều chưa từng có. Giới chức y tế tin rằng động thái này sẽ khiến đất nước mất đi ít nhất 1/4 lực lượng lao động và thậm chí là một tỷ lệ cao hơn trong lĩnh vực y tế. Đóng cửa trường học cũng sẽ khiến nhiều đứa trẻ đi chơi bên ngoài, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người cao tuổi. Nếu ông bà được nhờ trông cháu, họ thậm chí còn đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. 

Tegnell tranh luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của biện pháp phong tỏa đang được thực hiện khắp châu Âu.

“Họ chỉ nghiên cứu về cúm, nhưng cúm rất khác và ngay cả khi phải đóng cửa vì cúm, biện pháp này cũng nên được thực hiện ở giai đoạn sau. Hơn nữa, bạn không thể đóng cửa trường học trong một thời gian dài. Nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về sức khỏe. Do đó, nếu có phải đóng cửa trường học, bạn nên làm điều đó vào thời điểm quan trọng nhất”, Tegnell nói.

Ông cũng lưu ý rằng, không giống Tây Ban Nha và Italy, các gia đình nhiều thế hệ sống chung rất hiếm thấy ở Thụy Điển, nên nước này sẽ dễ dàng cách ly những người già dễ bị tổn thương nhất. 

“Chúng tôi có sự phân biệt thế hệ rất rõ ràng ở Thụy Điển và đây chắc chắn là điều khá khác biệt so với các quốc gia châu Âu còn lại. Người già chỉ gặp gỡ người già và thanh niên chỉ tiếp xúc với người đồng trang lứa. Tôi nghĩ điều đó mang tới cho chúng tôi cơ hội tốt hơn để bảo vệ những người cao tuổi”, ông nói. 

Nhưng giới chuyên gia lại bất đồng quan điểm về cách chống Covid-19. Ngày 10/3, một nhóm bác sĩ cùng nhà nghiên cứu đã đăng bài viết trên tờ báo y khoa hàng đầu Thụy Điển để cảnh báo về “tác động khủng khiếp” có thể xảy ra với nền y tế nước này nếu không có những hành động quyết liệt hơn.

Nhân viên y tế trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Karolinska, Stockholm. Ảnh: Claudio Bresciani.

Nhân viên y tế trong phòng điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Karolinska, Stockholm. Ảnh: Claudio Bresciani.

Hôm 24/3, hơn 2.000 nhà nghiên cứu và giáo sư đại học nổi tiếng đã gửi một bức thư kiến nghị tới chính phủ để kêu gọi đưa ra biện pháp ngăn dịch mạnh tay hơn.

“Tôi có cảm giác rằng họ muốn để cho dịch lây lan tự nhiên để tạo miễn dịch cộng đồng, nhưng đó là biện pháp đáng sợ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người”, Olle Kämp, giáo sư tại Học viện Karolinska, đại học y hàng đầu Thụy Điển và là một trong số tác giả của bức thư, cho biết.

Hiện giờ còn quá sớm để nói đại dịch sẽ diễn tiến thế nào. Thụy Điển đã phát hiện 2.840 ca nhiễm, trong đó có 77 ca tử vong, xếp thứ 21 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên thế giới. Riêng thủ đô Stockholm đã ghi nhận 66 người chết, tương tương 6,5 ca tử vong trên một triệu dân, tính đến ngày 25/3.

Hệ thống y tế Thụy Điển đến nay mới bắt đầu cảm nhận tình hình căng thẳng ở Stockholm. Nếu tình hình diễn tiến nghiêm trọng hơn, quân đội Thụy Điển sẽ triển khai bệnh viện dã chiến tại một trung tâm hội nghị lớn nhất thành phố.

Tegnell thừa nhận chiến lược của ông không phải không có rủi ro. “Chúng tôi chỉ cố gắng làm chậm tốc độ của Covid-19 bởi dịch bệnh này sẽ không thể biến mất. Nó sẽ quay lại dù bạn kiểm soát nó. Như Hàn Quốc cũng thừa nhận họ tin rằng nó sẽ trở lại. Ngăn chặn sự lây nhiễm hoàn toàn thậm chí có thể phản tác dụng, bởi bạn đang dồn nén nguy cơ lây nhiễm và một khi cánh cổng mở ra, nó có thể dẫn tới một kết cục nghiêm trọng hơn rất nhiều”, Tegnell nói.

Cảnh báo 5 triệu người Thụy Điển có thể nhiễm nCoV

 

3/4/2020

Giáo sư Tom Britton cảnh báo nửa dân số Thụy Điển sẽ nhiễm nCoV cho tới cuối tháng 4, khi quốc gia này “một mình một kiểu” chống Covid-19.
“Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến mức có thể khiến một nửa dân số Thụy Điển bị nhiễm vào cuối tháng này. Sau đó nó sẽ lây lan không thể kiểm soát và chỉ có thể chậm lại một chút vào cuối tháng 5 khi 2/3 dân số đã mắc bệnh”, Tom Britton, giáo sư tại Đại học Stockholm và là người chuyên nghiên cứu về mô hình hóa cách lan truyền bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng, đưa ra cảnh báo trên đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT hôm 1/4.

Người dân Thụy Điển tản bộ dưới tán hoa anh đào ở thủ đô Stockholm. Ảnh: AFP.

Người dân Thụy Điển tản bộ dưới tán hoa anh đào ở thủ đô Stockholm. Ảnh: AFP.

Hơn 2.000 bác sĩ, nhà khoa học và giáo sư ở Thụy Điển đã cùng ký bản kiến nghị kêu gọi chính phủ đưa ra những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm khắc và mạnh tay hơn.

“Chúng ta chưa xét nghiệm, theo dõi và cách ly đủ. Chúng ta vẫn để nCoV thoải mái lây lan ngoài kia và chúng đang dẫn chúng ta đến thảm họa”, giáo sư Cecilia Söderberg-Nauclér, chuyên gia về virus tại Viện Karolinska, nhận định.

Thụy Điển, quốc gia hơn 10 triệu dân, hiện đứng ở vị trí 19 trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn cầu, với gần 5.600 ca nhiễm và 308 người tử vong. Sau khi chứng kiến số người nhiễm và chết vì nCoV tăng mạnh, cùng nhiều cảnh báo từ các chuyên gia, chính phủ Thụy Điển cuối cùng cũng quyết định đóng cửa tất cả khu trượt tuyết và khuyến nghị người già ở nhà để đảm bảo an toàn.

Thủ tướng Stefan Lofven cũng siết chặt thêm nhiều quy định khác, như hạn chế tụ tập quá 50 người thay vì mức 500 người trước đó. Chính quyền của ông cũng ban hành hướng dẫn cho công dân như tránh đi lại trong giờ cao điểm, không tới thăm người thân dịp lễ Phục sinh và người già nên tránh tới cửa hàng. Họ cũng yêu cầu không tổ chức các sự kiện thể thao như đá bóng.

Cho đến nay, Thụy Điển vẫn từ chối thực hiện nhiều biện pháp chống dịch quyết  liệt như các nước láng giềng và nhiều quốc gia ở châu Âu khác. Cuộc sống ở đất nước này dường như vẫn diễn ra như bình thường, khi siêu thị, nhà hàng, quán bar vẫn mở cửa hoạt động. Không có lệnh phong tỏa nào được ban bố dù số ca nhiễm bệnh của quốc gia này vẫn đang tăng lên từng ngày.

Giới chức Thụy Điển cho biết họ không phủ nhận mức độ nguy hiểm của Covid-19 nhưng tin rằng họ có thể kiểm soát được dựa vào ý thức trách nhiệm của cộng đồng, bên cạnh những khuyến nghị rửa tay thường xuyên, cách biệt cộng đồng và hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi.

“Đó là cách chúng tôi hoạt động. Tất cả hệ thống kiểm soát dịch bệnh của chúng tôi đều dựa trên nguyên tắc hành động tự nguyện. Hệ thống tiêm chủng cũng hoàn toàn tự nguyện và được bảo hiểm chi trả tới 98%”, Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu Thụy Điển, cho biết.

Thủ tướng Lofven cũng kêu gọi công dân hành động có trách nhiệm với cộng đồng nếu xuất hiện triệu chứng bệnh, khi cho rằng chính phủ không thể ban hành luật và cấm đoán mọi thứ.

“Chúng ta là người trưởng thành thì cần hành xử có trách nhiệm: không lan truyền tin đồn và gieo rắc sự hoảng loạn. Không ai cô đơn trong cuộc khủng hoảng, nhưng mỗi người đều có một trách nhiệm lớn”, ông Lofven nói.

Ông Tegnell cùng với nhóm của mình trước đó công bố những đánh giá về diễn tiến của Covid-19 ở Thụy Điển và nhận định khi dịch đạt đỉnh, Stockholm sẽ ghi nhận khoảng 250 trường hợp phải chăm sóc đặc biệt. Ông khẳng định hệ thống bệnh viện của quốc gia này có thể đối phó.

Ông cũng cho biết thêm một bệnh viện dã chiến với khoảng 600 giường bệnh sẽ được mở cửa ở phía nam thành phố Stockholm để đối phó với Covid-19, do đó hiện chưa cần áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Nhà hàng vẫn mở cửa ở thủ đô Stockholm hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Nhà hàng vẫn mở cửa ở thủ đô Stockholm hôm 27/3. Ảnh: AFP.

Tegnell từng tranh luận rằng có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của biện pháp phong tỏa đang được thực hiện khắp châu Âu.

“Họ chỉ nghiên cứu về cúm, nhưng cúm rất khác và ngay cả khi phải đóng cửa vì cúm, biện pháp này cũng nên được thực hiện ở giai đoạn sau. Hơn nữa, bạn không thể đóng cửa trường học trong một thời gian dài. Nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, không chỉ về mặt giáo dục mà còn về sức khỏe. Do đó, nếu có phải đóng cửa trường học, bạn nên làm điều đó vào thời điểm quan trọng nhất”, Tegnell nói.

Ông cũng lưu ý rằng, không giống Tây Ban Nha và Italy, các gia đình nhiều thế hệ sống chung rất hiếm thấy ở Thụy Điển, nên nước này sẽ dễ dàng cách ly những người già dễ bị tổn thương nhất.

Tuy nhiên, cách tiếp cận “một mình một kiểu” của Thụy Điển đang khiến nhiều quốc gia trên bán đảo Scandinavia, gồm Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy, cảm thấy lo ngại. Ba quốc gia này đã thực hiện các biện pháp ngăn dịch như phong tỏa, đóng cửa trường học, nơi làm việc và biên giới từ nhiều tuần trước, dù tổng số người chết của ba nước gộp lại vẫn ít hơn Thụy Điển. Cụ thể, Đan Mạch ghi nhận 123 trường hợp, trong khi Na Uy và Phần Lan báo cáo lần lượt là 50 và 19 ca tử vong.

“Chứng kiến những gì đang diễn ra ở Thụy Điển như xem một bộ phim kinh dị. Chúng tôi sợ rằng tình hình ngày càng xấu đi khi quốc gia này vẫn rất thoải mái với dịch”, Lisbeth Davidsen, nhà báo Đan Mạch nói trên mạng truyền hình TV4 của Thụy Điển hồi cuối tháng 3.

Thanh Tâm (Theo The Sun, Telegraph, NYTimes)

VNExpress