Seite auswählen

Trương Đa

28-3-2020

Là một đảng viên có trách nhiệm với Đảng, tôi theo dõi những thông tin của mạng xã hội và thấy: Hầu như ủy viên Bộ Chính trị nào sắp đến Đại hội cũng bị nói này nói kia. Tuy nhiên đọc và suy ngẫm kỹ thì thấy có nhiều điều phải tính toán vì đó là những chuyện đúng mà không ai nói.

Tôi lấy làm lạ vì sao đồng chí Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an lại bị nói nhiều như vậy. Tôi dò hỏi những người có vị trí như ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Minh Triết, ông Nguyễn Tấn Dũng, tôi hỏi cả người tiền nhiệm của ông Tô Lâm là ông Lê Hồng Anh, ông Nguyễn Khánh Toàn, Lê Thế Tiệm, Nguyễn Văn Hưởng… rồi cả mấy ông đương chức như ông Trương Hòa Bình. Trừ một vài ông không chịu nhận xét vì quá nặng tình nghĩa thời An Ninh, còn hầu hết đều thừa nhận loạt bài trên mạng Dân Luận và các mạng khác như Tiếng Dân, những bài nói về Tô Lâm đều đúng cả.

Ông Phó Thủ tướng thường trực còn nói: “Nó móc từ trong ruột ra sao không đúng được?” Tổng Bí thư thì không có thì giờ đọc, các trợ lý thì coi như thông tin ngoài luồng, chỉ đọc rồi lấy chuyện đi đàm tiếu nhau, chứ không báo cáo Tổng Bí thư. Tôi tổng kết các bài này lại để Tổng Bí thư biết họ đã nói gì về Tô Lâm.

Thứ nhất là chuyện Tô Lâm dính đến các vụ án mạng, kể ra đến hàng chục vụ án. Ở đây chỉ nhắc lại 2 vụ để Tổng Bí thư xem:

 Vụ án đánh bạc nghìn tỉ của con rể anh Phạm Quang Nghị, xảy ra có đến hai năm, dưới thời Tô Lâm làm Bộ trưởng, còn khi khởi sự thì Tô Lâm là Thứ trưởng phụ trách an ninh. Lâm quen biết qua lại với Dương và ủng hộ Dương đánh bạc lấy lời chia nhau, nên khi Phú Thọ phát hiện ra nhưng Tô Lâm không cho bắt. Trước khi bị bắt 1 tuần, Dương còn đưa vợ Tô Lâm đi mua sắm thăm thú cả tuần lễ ở châu Âu, nói vậy chắc Tổng Bí thư thấy rõ quan hệ gắn bó giữa Tô Lâm và Dương. Vậy Tô Lâm không có trách nhiệm gì trong vụ án động trời này sao?

 Vụ án AVG: Tổng Bí thư biết nếu Tô Lâm không thống nhất nước cờ với Nguyễn Bắc Son và Phạm Nhật Vũ thì Tô Lâm có thể khách quan ký các văn bản cho AVG không? Bộ Công an không phải cơ quan định giá, sao lại xác định giá hợp lý (công văn số 2889/BCA-A61), vì sao việc mua bán dự án mà lại Mật – Tô Lâm nhắm mắt ký cho Mật (công văn số 418/BCA-TCAN) để cho dự án không được ai biết, không ai phản biện và giờ vì chữ Mật đó mà hàng loạt cán bộ có năng lực phải vào tù?

Vì sao Tô Lâm lại ký văn bản để AVG từ tư nhân lại phải chỉ bán cho Công ty nhà nước? Rõ ràng đây là con đường Nguyễn Bắc Son-Tô Lâm và Phạm Nhật Vũ đã vẽ ra để rút tiền nhà nước. Tô Lâm là người nổi tiếng trong các Bộ trưởng Công an về khoản ăn tiền. Vậy thì Vũ đã đưa Tô Lâm bao nhiêu? Không có đồng nào sao? Nếu không phải là 5-10 triệu đô la Mỹ thì còn lâu Nhật Vũ nhận được bản án vô lý như vậy.

Thưa Tổng Bí thư, không cần kể các vụ án khác như vụ Hà Văn Thắm, vụ Trịnh Xuân Thanh… chỉ nói 2 vụ trên cũng đáng để xem xét về Tô Lâm.

Chả nhẽ chuyện rành rành như vậy mà Tổng Bí thư và các anh các chị trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư cứ im lặng là sao?

Bây giờ tôi điểm qua các chuyện khác của Tô Lâm:

Ở Bộ Công an không ai không biết chuyện Tô Lâm giải tán 8 Tổng cục, thực ra có thể giải tán 6 Tổng cục để giảm đầu mối, bớt cồng kềnh, nhưng cái Bộ tham mưu chiến lược nhất cho Đảng là Tổng cục An ninh và cần thiết cho xã hội là Tổng cục Cảnh sát là nên giữ. Tô Lâm cho giải tán hết để mình nắm quyền đến Trưởng phòng. Bây giờ đến Trưởng phó phòng các Cục, các tỉnh đều do Bộ trưởng bổ nhiệm.

Và, ối giời ơi! Thưa Tổng Bí thư, cấp phòng thì vài tỉ, nếu là phòng kinh tế, cảnh sát giao thông thì 5 tỉ. Cấp Cục trưởng Cục phó, Giám đốc, Phó giám đốc các tỉnh chi ít cũng là 1 triệu đô la Mỹ. Thì ra việc giải tán các Tổng cục là để Tô Lâm thâu tóm quyền lực, là để ăn tiền và ăn nhiều tiền.

Tô Lâm còn giải tán các cơ sở thường trực phía Nam. Một lô cơ ngơi trị giá hàng nghìn tỉ giờ là nhà hoang của các oan hồn. Các Bộ phía Nam chạy xấc bấc xang bang mới có chỗ để hợp lý gia đình. Anh nào, chị nào không tiền thì chịu lưu đày khốn khổ hoặc phải xin ra khỏi ngành. Cái nguy là: miền Nam là điểm nóng về an ninh, trật tự xã hội, là đầu tàu kinh tế. Bây giờ bỏ trống trận địa, nhất nhất phải là Hà Nội vô, không sâu sát. Việc thả lỏng vô trách nhiệm ấy để làm gì? khó hiểu.

Bây giờ tâm trạng sĩ quan hời hợt, không làm việc, cán bộ ngồi chơi xơi nước. Nhân dịp này Tô Lâm đã Hưng Yên hóa Bộ Công an: 30 cán bộ Hưng Yên lên tướng và lên chức. Hai thứ trưởng mới đều không đủ tuổi cơ cấu Trung ương là người Hưng Yên được đưa lên. Giám đốc Công an Phú Thọ, người chủ trì vụ án đánh bạc ngàn tỉ của Dương bị đẩy lên làm Giám đốc Sơn La. Phạm Trường Giang, Giám đốc Hải Dương, một cánh hẩu của Tô Lâm được lắp lên Phú Thọ – vụ án nghỉn tỉ giai đoạn II coi như khép lại.

Chuyện giải tán và luân chuyển là việc động trời, sĩ quan từ cấp tá trở lên đều biết. Vậy mà Bộ chính trị sao không biết. Tổng Bí thư là Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương coi chừng bị dính chưởng quan liêu với Tô Lâm đây. Tô Lâm giỏi luồn lọt lắm, người đương chức, kẻ về hưu cao cấp đều được Tô Lâm săn sóc, Tô Lâm từng khoe: Tổng Bí thư từng nói “không ai hơn Tô Lâm” và hứa sẽ “đưa vào vị trí chủ chốt”. Ông Ba Dũng thì tiến cử Tô Lâm làm Chủ tịch nước (?).

Trên các trang mạng trong 3 năm qua cũng đã từng nêu về năng lực của Tô Lâm. Thử xem một số vụ lớn đã xảy ra mà các trang báo mạng đã nêu thì thấy rõ năng lực Tô Lâm.

– Vụ giàn khoan 981, năm 2014 các Công ty nhà máy ở Bình Dương bị đập phá với cớ phản đối Trung Quốc – Tô Lâm im lặng thả nổi.

– Vụ Formasa năm 2017, Nghệ An, Hà Tĩnh biểu tình, Quốc lộ 1 tắt nghẽn cả tháng trời, dân bắt bớ khống chế cán bộ, Tô Lâm bất lực.

– Năm 2018, vụ phản đối Đặc khu, biểu tình cả nước, Bình Thuận bị kẻ xấu xông vào đập phá Tỉnh ủy, ủy ban, đốt xe, đốt nhà, bắt Công an, lột súng, lột áo giáp Công an. Tô Lâm không chỉ đạo xử lý kịp thời. Phó Giám đốc Công an Bình Thuận phụ trách an ninh là Lê Việt Thắng (người của Tô Lâm chuyển vào) đã để bạo loạn, không xử lý được nhưng không bị kỷ luật. Ngược lại, Tô Lâm đưa lên làm Giám đốc, bị Tỉnh ủy phản đối. Tô Lâm phải đưa về làm Giám đốc Công an Bạc Liêu vừa được lòng với bố của Thắng, vừa ẳm gọn một cục đô la.

– Năm 2019, vụ Đồng Tâm là điển hình về sự yếu kém của Tô Lâm. Một việc đơn giản như vậy xảy ra kéo dài đến 2 năm, không phương án giải quyết, cuối cùng duyệt kế hoạch nổ súng nửa đêm để tiêu diệt ông Lê Đình Kình để 3 Công an chết oan mạng. Rõ ràng chiến thuật sai, vô cùng non kém. Với trình độ đó mà Tô Lâm dám xưng mình là Giáo sư an ninh ư! Nhà khoa học, nhà giáo được phong Giáo sư phải lăn lộn trong khoa học, phải giảng dạy, phải nghiên cứu, có công trình. Tô Lâm không lên bục giảng, chỉ nói chuyện vài buổi rồi cho lính viết một vài cuốn sách, vậy mà chễm chệ chức danh Giáo sư an ninh. Thật xót xa thay cho đội ngũ thầy cô giáo ngành an ninh.

Mới đây trên mạng nêu rõ người viết luận án Tiến sĩ cho Tô Lâm là Thượng tá Nguyễn Xuân Thao, vừa được Tô Lâm trả ơn cho giữ chức Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai.

Thưa Tổng Bí thư, ông biết ngành công an quan trọng như thế nào rồi. “Tề gia trị quốc” hai vế đều phải được xem, đừng vì thương Tô Lâm như con, như cháu, mà quên cái tối thượng của đất nước.

Tiếng Dân