Seite auswählen
 

Ảnh: Verdict.co.uk.

Deborah Tannen, giáo sư ngôn ngữ học của Đại học Georgetown, dự báo rằng thay vì có cảm giác an toàn trong đám đông, giờ đây chúng ta có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi không bị ai vây quanh, đặc biệt là những người lạ mặt không quen biết. Với những cuộc hội họp gặp mặt, thay cho câu hỏi xưa nay “có nên gặp qua mạng không”, chúng ta sẽ chất vấn ngược lại “có lý do gì để phải gặp mặt trực tiếp không”, nhằm tránh tối đa nguy cơ bị lây nhiễm. Chúng ta có thể sẽ bỏ động tác bắt tay xã giao hay bớt thói quen tự chạm lên mặt. Nhiều người có thể sẽ hình thành thói quen rửa tay liên tục mọi lúc mọi nơi.

Các tương tác gián tiếp qua mạng sẽ tăng lên. Những người không được tiếp cận với internet sẽ càng gặp nhiều bất lợi. Tannen cho rằng các tương tác trực tuyến tạo ra nghịch lý: chúng ta ở xa nhau nhưng kết nối nhiều hơn, và việc kết nối với những người ở xa đó khiến chúng ta cảm giác yên tâm hơn – an toàn khi không phải ở gần người khác.

Con người vẫn có thể tạo ra những tương tác ý nghĩa trên thế giới ảo, như chia sẻ của Sherry Turkle, giáo sư ngành nghiên cứu xã hội về khoa học và công nghệ tại Đại học MIT.

Khi xã hội thực hiện cách ly, mỗi cá nhân đều có thể sử dụng thời gian của mình để suy nghĩ và góp phần tạo dựng nên những cộng đồng mới. Turkle dẫn chứng những trường hợp, như bậc thầy cello Yo-Yo Ma mỗi ngày chia sẻ trên mạng một bài trình diễn nhạc phẩm mà ông yêu thích, diva nhạc kịch Laura Benanti khuyến khích các học sinh đăng những phần trình diễn nhạc kịch để mọi người cùng thưởng thức, các doanh nhân dành thời gian để nghe ý tưởng thuyết trình dự án mới, những thầy dạy yoga mở các lớp học trực tuyến miễn phí. Mỗi người đều tự hỏi “tôi có thể đóng góp gì” và “người khác đang cần gì”. Với lựa chọn “cho đi và cảm thông” (generosity and empathy) đó, con người phá vỡ mọi giới hạn khoảng cách đặt ra.

Sự cảm thông giúp chúng ta nhận ra các vấn đề mà người khác phải đối diện.

Ai-Jen Poo, giám đốc của Liên minh Công nhân Trong nước (National Domestic Workers Alliance) chỉ ra rằng cơn đại dịch corona đã làm phát lộ ra những lỗ hổng lớn trong hệ thống dịch vụ chăm sóc của nước Mỹ. Khi người thân bị bệnh và những đứa trẻ bỗng nhiên buộc phải ở nhà vô thời hạn, nhiều người buộc phải đứng giữa ngã ba đường: chọn gia đình, chọn an toàn sức khỏe, hay chọn mất việc không có tiền chạy ăn từng bữa. Hàng triệu người Mỹ vẫn không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế, không được chi trả lương nghỉ bệnh, lại không tìm ra được lựa chọn thay thế chăm sóc con em của mình ngoài trường học.

Ai-Jen Poo cho rằng các dịch vụ chăm sóc luôn là trách nhiệm chia sẻ của toàn dân, nhưng các chính sách (của Mỹ) vẫn chưa hỗ trợ đầy đủ các trách nhiệm đó. Cuộc khủng hoảng từ đại dịch lần này nên là động lực tạo sự ủng hộ dành cho những thay đổi chính sách, tăng cường khả năng chăm sóc người dân, đặc biệt là nhóm người ở địa vị thấp của xã hội.

Eric Klinenberg, giáo sư xã hội học tại Đại học New York chia sẻ nhận định trên. Ông tin rằng đại dịch này sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn số phận của tất cả mọi người trong xã hội đều gắn liền với nhau. Ví dụ như một nhà hàng không trả lương nghỉ bệnh cho nhân viên, nhân viên sẽ buộc phải đi làm khi mang mầm bệnh trong người. Khi mua cái bánh burger rẻ tiền từ nhà hàng đó, chúng ta vô tình rước bệnh vào mình.

Các chính sách trả lương nghỉ bệnh, bảo hiểm thất nghiệp, xóa nợ của sinh viên hay nợ dịch vụ chăm sóc y tế… xưa nay đều bị giới cầm quyền Mỹ phản đối vì cho rằng nó phi thực tế. Vậy nhưng như nhà làm phim Astra Taylor chỉ ra, khi khủng hoảng xuất hiện, chính quyền dễ dàng và nhanh chóng thực hiện ngay những thay đổi “phi thực tế” đó để giải cứu nền kinh tế.

Người ta chờ đợi rằng trong một thế giới hậu đại dịch, những thay đổi tức thời và tạm thời ở trên sẽ dẫn đến những biến chuyển lâu dài và thật sự. Đó là một trong những cách để giải quyết sự bất bình đẳng ngày càng lớn trong xã hội.

Khoảng cách bất bình đẳng này không chỉ là giữa số ít 1% và số đông 99% còn lại như người ta hay nhắc đến. Ở nước Mỹ, theo giáo sư Theda Skocpol, chuyên ngành nhà nước và xã hội học tại Đại học Harvard, khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm 20% đầu và phần còn lại của xã hội cũng ngày càng bị nới rộng dưới ảnh hưởng của đại dịch. Trong khi nhóm đầu này có đầy đủ phương tiện để thoải mái vượt qua khủng hoảng dịch bệnh thì 80% dân số còn lại sẽ phải chật vật xoay xở để tìm cách tồn tại.

Vấn đề bất bình đẳng này nếu không được giải quyết sẽ bùng lên cháy mạnh trong những đợt khủng hoảng tiếp theo, thậm chí nó có thể chính là mồi lửa khởi phát cho những khủng hoảng trong tương lai.

Luật Khoa

Dự báo hậu COVID-19: Chính quyền lớn hơn

 

 

Ảnh: history.com.

Bài viết này nằm trong chuỗi bài dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 tới cuộc sống của con người.


Trái với suy nghĩ thông thường, các thảm họa không hoàn toàn là chuyện xấu đối với chính quyền, nhất là những chính quyền đang chật vật. Trong nhiều trường hợp, nó là cú hích để vực dậy vai trò của chính quyền và người lãnh đạo trong mắt nhân dân.

Vì thế không lạ chút nào khi mặc dù nhận nhiều chỉ trích về quá trình xử lý cơn đại dịch (xem thường mức độ nghiêm trọng, công tác chuẩn bị yếu kém, không chủ động cho xét nghiệm đại trà sớm, quan tâm đến các chỉ số kinh tế nhiều hơn là mạng người…), kết quả khảo sát mới nhất lại cho thấy số lượng người dân Mỹ đồng tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tăng cao hơn so với vài tuần trước.

Trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, mức độ ủng hộ của người dân dành cho lãnh đạo đều tăng cao khi đất nước đối diện với các cuộc khủng hoảng: chỉ số ủng hộ của “Bush con” lên đến 90% ngay sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, của “Bush cha” tăng khi chiến tranh Vùng Vịnh xảy ra, của Ronald Reagan tăng sau khi bị ám sát hụt…

Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là hiệu ứng “quần tụ quanh lá cờ” (rally-around-the-flag): khi đối diện với khủng hoảng, người dân có xu hướng đoàn kết lại quanh lãnh đạo/ chính quyền.

Margaret O’Mara, giáo sư sử học tại Đại học Washington, nhận định đại dịch corona lần này khiến người dân cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của chính quyền hơn xa mức bình thường. Người dân theo dõi tin tức cập nhật hàng ngày từ các cán bộ y tế, nghe theo hướng dẫn từ quan chức, tìm kiếm sự giúp đỡ và gửi gắm hy vọng vào các nhà lãnh đạo. Họ nhìn thấy vai trò cực kỳ quan trọng của “ông nhà nước” (big government) trong khủng hoảng. Margaret O’Mara cho rằng người dân không chỉ cần nhiều hơn vai trò của “ông nhà nước” để vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng, họ sẽ còn cần chính quyền với vai trò lớn và khôn ngoan hơn ngay cả sau khi đại dịch đã qua.

Lilliana Mason, phó giáo sư về ngành chính trị và nhà nước tại Đại học Maryland cũng có cùng dự báo. Bà cho rằng ấn tượng xấu về vai trò của chính quyền trong xã hội sẽ không còn tồn tại khi đại dịch kết thúc. Cuộc khủng hoảng này là minh chứng trên toàn cầu rằng một chính quyền làm được việc (a functioning government) là thứ tối cần thiết để xây dựng một xã hội khỏe mạnh.

Đối với những thể chế độc tài, nơi các khái niệm “tổ quốc”, “nhà nước”, “đảng cầm quyền” và “lãnh đạo” xưa nay đều bị nhập làm một, khi đối diện với nỗi sợ hãi dịch bệnh, người dân lại càng có xu hướng quần tụ dưới bóng chính quyền hơn.

Trước đại dịch, chính quyền có khả năng huy động tổng hợp các nguồn lực để đối phó, nới lỏng luật lệ để đẩy nhanh quá trình sản xuất thuốc và vaccine (dù rằng việc đốt cháy giai đoạn này có thể gây ra nhiều hệ lụy), tổ chức và điều phối việc sản xuất những dụng cụ thiết bị y tế cấp thiết

Chuyên gia Steph Sterling tại Viện nghiên cứu Roosevelt dự báo trong tương lai, chính quyền sẽ đóng vai trò “nhà thuốc lớn” (Big Pharma), chủ động tham gia và nhận nhiều trách nhiệm hơn trong hoạt động phát triển sản xuất các loại thuốc chữa trị. Các công ty dược tư nhân sẽ chỉ ưu tiên nguồn lực phát triển vaccine và thuốc điều trị cho những đại dịch trong tương lai khi nào lợi nhuận của họ được đảm bảo. Theo ông, nếu để mặc cho các hãng dược hoạt động theo cơ chế thị trường như hiện tại sẽ là quá trễ để phản ứng lại đại dịch.

Vai trò tăng lên, nhưng dịch bệnh corona lần này đồng thời sẽ khiến chính quyền phải thay đổi cách thức hoạt động.

Phó Giáo sư Ethan Zuckerman thuộc ngành nghệ thuật và khoa học truyền thông của đại học MIT cho rằng đại dịch sẽ khiến nhiều chính quyền phải chuyển hướng sang hoạt động trực tuyến. Thay đổi này có thể tạo ra nhiều hệ quả tích cực.

Ông lấy ví dụ hoạt động của Quốc hội Mỹ. Trước nguy cơ lây nhiễm khi tụ tập đông người, các đại biểu không nên nhóm họp trực tiếp tại tòa nhà Quốc hội. Thay vào đó, mỗi đại biểu nên quay về địa phương, có cơ hội tiếp xúc gần gũi với những cử tri đã bầu ra mình, trở nên thấu hiểu và cảm thông hơn với những vấn đề bức xúc tại cơ sở. Những buổi làm việc tranh luận về chính sách sẽ được tổ chức trực tuyến. Các cuộc hội nhóm, những bữa tiệc tùng vận động hành lang (lobby) giữa các nhóm chính khách sẽ khó diễn ra hơn khi các đại biểu Quốc hội không còn tập trung tại một chỗ. Zuckerman hy vọng rằng một khi các dân biểu dành nhiều thời gian hơn cho những người đã bầu ra mình, sự phục tùng với đảng phái của họ sẽ nhường bớt chỗ cho lòng trung thành với nhân dân.

Ở Việt Nam, Quốc hội cũng đã thông báo về việc tổ chức họp trực tuyến cho các nhóm chuyên trách từ đầu tháng 4/2020. Dịch coronavirus cũng là cơ hội chính quyền đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công qua mạng, đơn giản hóa thủ tục trực tuyến, hạn chế việc người dân phải đến các cơ quan nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.

Có thể thấy đại dịch tuy là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để các chính quyền vừa đổi mới, vừa xây chắc vị thế của mình trong mắt người dân.

Luật Khoa

 

Dự báo hậu COVID-19: Bầu cử qua thư và Internet, bầu cử dài ngày

 

 

Ảnh: etvnews.com.

Khi dịch bệnh xảy ra, một trong những biện pháp kiềm chế lây lan là tránh tụ tập đông người. Trong khi đó, những dịp bầu cử là một trong những sự kiện tụ tập đông người nhất ở mọi quốc gia. Bầu cử là quyền lợi cơ bản của mỗi công dân. Làm thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi của người dân, lại vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho tất cả?

Chuyên gia Kevin R. Kosar của Viện nghiên cứu R Street cho rằng có một giải pháp dung hòa được cả hai: bầu cử qua thư (voting by mail).

Theo Kosar, hàng chục năm qua các quân nhân Mỹ làm việc ở nước ngoài đã thực hiện quyền bầu cử của mình qua thư gửi bưu điện. Một số bang tại Mỹ như Washington, Oregon và Utah đã cho phép công dân bỏ phiếu tại nhà. Ở các bang đó, những lá phiếu (ballot) được gửi tới tận nhà, và mỗi cử tri có quyền quyết định bỏ phiếu qua thư hay trực tiếp đến địa điểm bầu cử. Hầu hết các bang khác đều mặc định công dân phải bỏ phiếu trực tiếp tại điểm bầu cử, và chỉ cho phép bầu cử qua thư nếu có yêu cầu. Trong khi thẻ đăng ký (registration card) và các hướng dẫn bầu cử đã được gửi đến cử tri qua thư, việc gửi phiếu bầu đến cử tri vẫn chưa được phổ biến. Kosar dự báo rằng trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm, chính quyền các bang tại Mỹ sẽ phải tức tốc thay đổi, hiện đại hóa hệ thống bầu cử lạc hậu của mình.

Đồng tình với nhận định trên, Dale Ho, giám đốc Dự án Quyền Bầu cử (Voting Rights Project) gợi ý các giải pháp chính quyền Mỹ cần thực hiện để đảm bảo người dân không phải đắn đo lựa chọn một trong hai, hoặc quyền bầu cử hoặc an toàn sức khỏe của mình.

Theo đó, chính quyền phải gửi lá phiếu đến tận nhà cho tất cả các cử tri có quyền bầu cử, đi kèm với nó là phong bì tự niêm phong và tem dán sẵn. Các lá phiếu có dấu bưu điện gửi đi trước ngày ấn định bầu cử đều phải được xem là hợp lệ. Trong trường hợp phiếu bầu có lỗi sai hoặc trục trặc, cử tri phải được thông báo để có cơ hội chỉnh sửa. Hình thức bầu trực tiếp vẫn được duy trì cho những cử tri có nhu cầu, hoặc không thể bầu qua thư. Đơn vị tổ chức bầu cử cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực để đảm bảo khả năng xử lý lượng phiếu khổng lồ đổ về qua đường bưu điện. Hơn nữa, các bang cần bỏ quy định hạn chế về việc phải chờ đến đúng ngày bầu cử mới được phép xử lý kiểm đếm phiếu bầu.

Quy định và truyền thống về Ngày bầu cử (Election Day) cũng sẽ là một điểm cần phải thay đổi, theo Lee Drutman của Viện nghiên cứu New America.

Bên cạnh việc bỏ phiếu qua bưu điện, Drutman đề xuất giải pháp kéo dài thời gian bầu cử, từ Ngày bầu cử thành Tháng bầu cử, hay thậm chí là Các tháng bầu cử. Sự thay đổi này sẽ tiện lợi hơn cho cử tri. Họ có thể bỏ phiếu vào bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu. Dù đây là giải pháp ứng phó trong tình hình đại dịch, nhưng một khi trải nghiệm sự tiện lợi này, các công dân sẽ không muốn từ bỏ nó. Và càng tiện lợi, số lượng cử tri bỏ phiếu sẽ càng đông hơn. Các hoạt động tranh cử giành lấy sự ủng hộ của cử tri cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.

Thiết bị bỏ phiếu trực tuyến ở Estonia. Ảnh: Liu Wei/Xinhua Press/Corbis.

Joe Brotherton, chủ tịch của Democracy Live, một công ty startup cung cấp sản phẩm phiếu bầu điện tử (electronic ballots), dự đoán rằng công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai các cuộc bầu cử.

Về lâu dài, Brotherton nhận định việc cử tri bỏ phiếu qua điện thoại di động với các ứng dụng công nghệ bảo mật, minh bạch và tiết giảm chi phí có thể sẽ thành hiện thực. Còn trong tương lai gần, một hệ thống lai (hybrid), bỏ phiếu qua điện thoại thông minh với kết quả là phiếu bầu giấy để kiểm đếm, đang xuất hiện ở nhiều địa điểm bầu cử. Brotherton nhấn mạnh công nghệ này đã tồn tại và được ứng dụng từ lâu trong thực tế. Các quân nhân ở nước ngoài cùng với những người khuyết tật đã thực hiện việc bỏ phiếu từ xa qua điện thoại di động, cho ra phiếu bầu giấy để kiểm đếm trong suốt gần một thập niên qua tại Mỹ.

Nếu bầu cử trực tuyến còn xa lạ với đa số người dân Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, thì tại quốc gia nhỏ bé Estonia, nó đã trở thành hoạt động quen thuộc từ lâu.

Kể từ năm 2005, công dân Estonia tại bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể thực hiện bầu cử qua mạng. Chính phủ Estonia cho biết có 30% dân số, trong tổng số 1,3 triệu dân của nước này, sử dụng hệ thống bỏ phiếu trực tuyến. Hệ thống tiện lợi đơn giản này tiết kiệm tổng cộng 11.000 ngày làm việc trong mỗi năm diễn ra bầu cử.

Mỗi cử tri Estonia có thể bỏ phiếu qua mạng và thay đổi quyết định bao nhiêu lần tùy ý trước khi hệ thống chốt lại. Để tránh gian lận, cử tri phải xác thực danh tính (với mã số căn cước công dân). Thông tin về danh tính sẽ bị tách rời khỏi phiếu bầu để đảm bảo yếu tố ẩn danh.

Dù rằng vẫn còn nhiều lo ngại về tính an toàn bảo mật của hình thức bầu cử trực tuyến nói riêng và bầu cử từ xa nói chung, trước ảnh hưởng của dịch bệnh lây lan, sự thay đổi trong hệ thống và phương thức bầu cử có lẽ là không tránh khỏi.

Các chính quyền sẽ phải tập trung nguồn lực và kế hoạch để chuẩn bị chu đáo cho sự chuyển đổi này.

Luật Khoa