Seite auswählen

Tác giả: Winston Lord

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

1-5-2020

Lời Người Dich: Các điểm thoả thuận chính trong Hiệp Định Paris là ngưng mọi cuộc giao tranh, Hoa Kỳ rút quân trong vòng 60 ngày; QĐNDVN được ở lại miền Nam; Hà Nội trao trả các tù binh Hoa Kỳ; VNCH và MTGPMN hoạt động trên lãnh thổ của mình; khu phi quân sự là một lằn ranh tạm thời và không được quốc tế công nhận theo luật quốc tế.

Nhìn chung, CSBV và MTGPMN có ba thắng lợi: Một là, toàn bộ binh sĩ Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam; hai là công nhận sự hiện diện của 140.000 quân của QĐNDVN ở miền Nam và chính phủ “ma” MTGPMN; ba là quy chế khu phi quân sự sẽ không đuợc luật quốc tế công nhận và không ai can thiệp khi vi phạm.

VNCH phải chịu thất bại nặng nề, vì không có tiếng nói chính thức trong hội nghị. Hai mục tiêu duy trì binh sĩ Hoa Kỳ để tiếp tục hỗ trợ QLVNCH chiến đấu và trục xuất binh sĩ CSBV ra khỏi miền Nam đều không có kết quả.

Hoa Kỳ thắng lợi vì mang binh sĩ hồi hương, một lối thóat trong danh dự của Nixon mà Kennedy và Johnson không đạt được. Hà Nội phải công nhận VNCH là một thực thể chính trị để đối thoại, phải từ bỏ yêu sách một chính phủ liên hiệp không có chính quyền Thiệu tham gia.

Ngoài ra, trong cùng lúc, khi bang giao với Liên Xô và Trung Quốc cải thiện, Hoa kỳ làm giảm đi các áp lực quốc tế và quốc nội trong cách giải quyết vấn đề Việt Nam.

Trong mật ước với Hà Nội, Nixon hứa sẽ viện trợ tái thiết cho CSBV và sẽ không hành quân trên lãnh thổ Lào và Campuchia. Nixon lo âu về mật ước với Tổng thống Thiệu trong việc tiếp tục ủng hộ cho VNCH, vì QĐNDVN còn đóng tại miền Nam là một đe doạ lớn và việc tiếp tục ném bom miền Bắc là khó khả thi.

Sau khi người lính cuối cùng rời khỏi Việt Nam và Hà Nội trao trả 580 tù binh, Hoa Kỳ không còn lý do để tiếp tục ủng hộ cho VNCH. Dù CSBV có nhiều vi phạm Hiệp Định, nhưng công luận không còn quan tâm. Trong giai đoạn này, hai khái niệm chính yếu cho Hoa Kỳ là Hoà bình và Danh dự.

Kissinger không quan tâm đến vận mệnh tương lai của miền Nam, tiên đoán sẽ có một khoảng cách thích hợp cho việc đình chiến và sự sụp đổ của VNCH. “Nếu có may mắn, chế độ Sài Gòn chỉ sống sót được trong vòng một năm rưỡi”. Thật ra, Kissinger đã bị Lê Đức Thọ lừa đảo toàn diện. Dù tiên đoán Hà Nội không tôn trọng Hiệp Định, Kissinger không chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn hậu quả tàn khốc. Đây là câu hỏi quan trọng cần Kissinger biện minh. Trong các cuộc thảo luận về sau và ngay trong bài phỏng vấn dưới đây, Kissinger tiếp tục đổ trách nhiệm cho quyền định đoạt số phận của người miền Nam, Nixon trong vụ Watergate và Quốc hội không tiếp tục viện trợ.

Hầu hết người miền Nam nguyền rủa Kissinger là một kẻ cơ hội vì đem Hiệp Định làm một món quà triều cống cho Trung Quốc, đây là sự hạ mình đầy sĩ nhục đã vượt quá giá trị sống còn của người miền Nam, một tác hại nghiêm trọng về mặt đạo đức.

Khi Kissinger né tránh trách nhiệm đạo đức cá nhân, không muốn biện minh cho những sai lầm trong Hiệp Định, những tội ác của ông tại Việt Nam là vô đạo đức, ghê tởm, khó quên, không thể tha thứ.

Trong những năm gần đây, báo chí và công luận thế giới biết nhiều chi tiết hơn về những gì mà Kissinger đã làm trong Hiệp Định. Tại Việt Nam, thế hệ tham chiến lần lượt ra đi và thế hệ trẻ không quan tâm xem lại Hiệp Định, sự căm giận về những tội ác của Kissinger chìm trong quên lãng.

***

Sự đồng thuận chung quyết đã vượt qua mọi ước vọng và yêu sách của giới phản chiến. Kể từ đó, có hai khẩu hiệu đòi hỏi cứng rắn vẫn còn: Hoà ước là đã muộn màng. Nixon và Kissinger có thể đã đạt được kết quả sớm hơn. Hiệp định là đạo đức giả vì cả hai đã biết là sẽ thất bại sau một khoảng thời gian nhất định.

Nói một cách khác, lẽ ra cả hai nên thực hiện thỏa thuận sớm hơn là vì không bao giờ đạt đuợc tốt hơn.

Đây là sự thật: Ngay từ đầu, Bắc Việt bác bỏ các khuôn khổ của thoả thuận sau cùng và các đề xuất cụ thể. Họ kiên quyết là chúng ta làm sụp đổ chính phủ Sài Gòn trong khi rút quân. Cuối cùng, vào mùa thu năm 1972, trước các triển vọng nhiệm kỳ bốn năm tiếp theo của Nixon, họ bỏ qua các yêu sách chính trị và đồng thuận cho các đề nghị đầu tiên của Mỹ về một giải pháp thuần tuý quân sự.

Trong khi không mang ảo tưởng nào về mục tiêu của đối phương, chúng tôi tin rằng thông qua việc chấp hành lệnh ngưng bắn, viện trợ cho Sài Gòn, khích lệ kinh tế cho Hà Nội, yểm trợ của Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa do những quyền lợi của chính họ, Hiệp định Paris có thể sẽ được duy trì.

Nixon và Kissinger tin rằng, tất cả yếu tố này sẽ đem lại cho người miền Nam “một cơ hội hợp lý” để xây dựng tương lai, cho đến khi nào Mỹ còn mang trách nhiệm. Tuy nhiên, bởi vì Mỹ không giữ lời hứa, chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc, liệu Đồng Minh của chúng ta có khả năng sử dụng cơ hội hợp lý này không.

***

Winston Lord: Chuyện gì đã thay đổi trong khoảng thời gian từ đầu năm cho đến cuối năm 1972, khi cuối cùng Bắc Việt nhượng bộ? Cái gì đã gây cho họ làm như vậy?

Henry Kissinger: Đầu năm 1972, Hà Nội bắt đầu cuộc Tổng tấn công miền Nam, thực tế là họ đưa toàn bộ quân đội vào Nam. Hồi đó, chúng ta đã rút các đơn vị Bộ binh, chỉ còn để lại các đơn vị Không quân và Hải quân. Miền Nam phải chống lại các cuộc công kích bằng cách dựa vào quân đội của mình. Do đó, đây cũng là một thử thách cho việc Việt Nam hóa chiến tranh. Nixon cho tăng cường các lực lượng Không quân, nhất là bằng máy bay ném bom B- 52. Sự phối hợp cả hai biện pháp này đã đánh bại được cuộc tấn công của Bắc Việt và thực tế là gây tổn hại cho Bắc Việt, các căn cứ do họ chiếm đóng trong chiến tranh nay bị tái chiếm.

Vào tháng 10, họ đồng thuận các đề nghị tháng Giêng của chúng ta. Chúng tôi cho là họ suy yếu trầm trọng, sẽ không thể đánh bại miền Nam, trừ khi với một cuộc tấn công bằng tổng lực, và là Đồng Minh chúng ta sẽ kháng cự. Trong trường hợp bị tổng tấn công, chúng ta sẽ hỗ trợ miền Nam, nhưng nói chung, động lực thúc đẩy chủ yếu để bảo vệ miền Nam phải nằm trong tay người miền Nam.

Winston Lord: Vào tháng Mười, chúng tôi tạo được bước đột phá. Đối với chúng tôi, dường như là Bắc Việt đọc được một tài liệu dự báo triển vọng Nixon sẽ thắng cử và Georg McGovern thua và họ phải tiên liệu sẽ chịu thêm bốn năm nữa với con người Nixon điên loạn này.

Henry Kissinger: Để hiểu Hiệp định Paris, chúng ta cần chú ý các trình tự diễn tiến để chúng tôi đạt được các điều kiện này. Ngay từ thời gian đầu của chính quyền Nixon, chúng tôi quyết định theo một chính sách là tuần tự rút quân, tăng cường cho quân đội miền Nam, và cuối cùng, đạt đến thoả thuận là tất cả các lực lượng Mỹ triệt thóai. Người Việt sẽ có khả năng đảm nhiệm việc tự bảo vệ, ngoại trừ trường hợp bị các cuộc tổng công kích. Trong diễn tiến của các cuộc đàm phán, chúng tôi lần lượt thu ngắn khoảng cách thời gian giữa thoả thuận và rút quân, nó phù hợp với quân số mà chúng ta đã rút và sự ước lượng về khả năng của miền Nam.

Các điều kiện này bị thu hẹp liên tục. Thoạt đầu, chúng tôi ấn định khoảng thời gian cuối cùng là 16 tháng, và đầu năm 1972, dự kiến thời gian rút quân là hai tháng. Trong điều kiện cơ bản mà chúng tôi không bao giờ thay đổi là dân Việt Nam phải có một khả năng hợp lý để tự định đoạt số phận.

Có một vài cơ hội khác nhau mà chúng tôi đã nghĩ rằng, sắp đạt được thoả thuận. Thật ra, chúng tôi đã giải quyết một vài điểm phụ thuộc, ngoại trừ một vấn đề là cấu trúc chính trị của miền Nam là chưa rõ ràng. Như đã nói, vào tháng 10 năm 1972, sau khi thất bại trong cuộc tấn công của họ, do Bộ binh Việt Nam và Không quân Mỹ, trong cuộc họp vào ngày 6 tháng 10 năm 1972, Lê Đức Thọ nói rằng, ông có một đề xuất mới, chấp nhận toàn bộ đề xuất công khai của Nixon đề ra vào tháng Giêng trước đó. Theo đó, việc duy trì chính phủ Sài Gòn được tương thuận, trong thời kỳ hòa bình, miền Nam được xem như là một thực thể chính trị và trong các điều kiện này, Mỹ sẽ rút quân. Đó là bước đột phá quan trọng.

Sau đó là thời gian thương thuyết cấp bách về các điểm chi tiết của hiệp định, trong đó Bắc Việt tương nhượng nhiều điểm, bởi vì trong thời điểm này, chúng ta thắng trong trận địa chiến theo ý nghĩa là Bắc Việt không bao giờ có triển vọng đánh bại được chính phủ Sài gòn với lược lượng mà họ có tại miền Nam. Chúng tôi ý thức rằng duy trì hiệp định sẽ cực kỳ phức tạp, vì miền Nam khó kiểm soát một biên giời dài và kẻ thù thâm nhập. Thật ra, chúng tôi tin rằng hiệp định bảo đảm cho người miền Nam, những người mà sự sinh tồn chính trị của họ do chúng ta bảo vệ, sẽ duy trì về tình hình an ninh của họ trong tương lai.

Như Winston đã nói, Bắc Việt thấy rõ là họ sẽ phải chịu đựng làm việc với Nixon trong bốn năm tới. Trong từng chủ điểm, Nixon đã cho thấy rằng không chấp nhận thất bại.

Winston Lord: Như vậy, Bắc Việt thay đổi quan điểm vì hai lý do, một mặt là vì họ bị đánh bại trên trân địa chiến, và mặt khác, họ thấy rõ là Nixon sẽ tái đắc cử.

Henry Kissinger: Họ nóng lòng hơn để cho chiến tranh kết thúc trước cuộc tái tranh cử, vì họ nghĩ rằng, trong bốn năm sau sẽ không có thay đổi. Mặt khác, chúng tôi cũng bị áp lực kết thúc chiến tranh, vì chúng tôi biết rằng dù Nixon thắng cử, Quốc hội sẽ do đảng Dân chủ chiếm đa số và đề tài trọng tâm của Quốc hội là cắt giảm các chuẩn chi cho Việt Nam.

Winston Lord: Cuối cùng, trong mọi trường hợp, chúng ta đạt được thoả thuận chung quyết, nó tốt đẹp hơn những gì mà phần lớn giới phê bình cho là khả thi. Ông có thể vạch ra các nét chính về những điều khoản của hòa ước này?

Henry Kissinger: Các đề xuất làm khai thông của chúng tôi, mà cuối cùng trở thành nội dung chính của hòa ước, bị các phương tiện truyền thông chế giễu là hoàn toàn không thành tựu và là một bằng chứng cho sự kiên quyết theo đuổi chiến tranh của Nixon. Thật ra, như tôi đã mô tả, nhờ vào tiến trình đàm phán, chúng tôi đạt được những điều kiện tốt hơn là hy vọng. Sự khác biệt giữa những đề xuất vào tháng 5 năm 1971 của chúng tôi và những gì mà cuối cùng đạt được hầu hết là về mặt hình thức.

Hà Nội tương nhượng trong điểm chính là, chính quyền Sài Gòn tồn tại và không thay đổi do kết quả của đàm phán. Mỗi sự thay đổi như vậy, cho dù như thế nào đi nữa, phải thể hiện ý chí của dân tộc Việt Nam. Chính phủ đang tồn tại sẽ tiếp tục nhiệm vụ như đã là và sẽ là một thành phần chính yếu trong việc thực thi hòa ước. Đó là sự nhượng bộ chính.

Mùa thu năm 1972, lần đầu tiên, chúng tôi có một lợi thế phân tích. Trước kia, Hà Nội luôn nhận định một cách rất chính xác là dân Mỹ thiếu tinh thần kiên trì, nó đã buộc chúng tôi phải triệt thoái. Do đó, họ có bốn năm dài chỉ lo đàm phán, để nhằm kéo dài cuộc chiến, cho đến khi nào họ có thể tự quyết định kết thúc chiến tranh bằng một cuộc tổng tiến công.

Sau đó, Mỹ bày tỏ lòng kiên định nhiều hơn là Bắc Việt chờ đợi. Đột nhiên, họ lo sợ rằng những gì sẽ xảy ra khi Nixon tái thắng cử. Đầu tháng 9, họ lo cho việc thoả thuận một thời biểu chấm dứt chiến tranh, dù trước đó, các áp lực của họ là hoàn toàn đối nghịch. Chúng tôi có ưu thế trong ý nghĩa là họ sợ Nixon tái đắc cử.

Chúng tôi biết rằng, ngay cả khi tái đắc cử, Nixon cũng mất đa số trong Quốc hội, khi tất cả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Quốc hội bỏ phiếu quyết định cho chúng ta kết thúc chiến tranh, cho dù việc gì sẽ xảy ra và Nixon sẽ làm như vậy. Do đó, cả hai phía cố gắng kết thúc chiến tranh trước cuộc bầu cử. Nhưng trong thời điểm này, ưu thế tranh cử của Nixon quá to lớn đến độ mà các lý do nội chính không còn là vấn đề cần thiết.

Winston Lord: Ngoài ra, Tổng thống không thoả thuận một hòa ước không hoàn chỉnh chỉ nhằm để tái đắc cử. Hơn thế nữa, ông không cần việc này. Đúng, giới phản chiến cho là ông sẽ đồng ý với tất cả mọi điều kiện để cho ông được tái đắc cử. Đúng như vậy.

Henry Kissinger: Trước hết, Nixon không quan tâm đến các chi tiết. Trong lúc đàm phán, Nixon không ra các lệnh chi tiết cho tôi. Khi thoả thuận đạt được, chúng tôi cho Bắc Việt biết là Nixon còn phải phê duyệt văn bản và ông đã đồng thuận. Nhưng ông đã đồng ý nét đại cương của bản văn khi chúng tôi bắt đầu. Đó chính là cách mà Nixon và tôi hợp tác. Chúng tôi đồng thuận trên các nguyên tắc, Nixon không đề ra các suy đoán riêng cho từng động thái trong tiến trình. Cuối cùng, dĩ nhiên, ông hành xử vai trò của một Tổng thống cho việc chấp thuận chung quyết.

Những gì mà chúng tôi đạt được trong cuộc đàm phán này, các phong trào hòa hình cho chúng tôi biết, đây là chuyện không thể có trong hai năm. Chúng ta hãy nhìn thành tích này. Trong các cuộc đàm phán chung quyết, chúng ta đã không có bất cứ các nhượng bộ quan trọng nào.

Winston Lord: Cho đến tháng 10 năm 1972, ông đã đạt được mục tiêu của ông trong các cuộc đàm phán. Đâu là các đặc điểm chính của Hiệp định Paris? Tại sao ông cho rằng nó thành công? Tại sao ông nghĩ cuối cùng nó không thành công?

Henry Kissinger: Vâng, chúng tôi nghĩ là chúng tôi đã đạt được mục tiêu chính. Ông hãy nhớ lại những gì tôi đã chỉ ra. Chúng ta giải quyết được ít nhiều cho mức độ rút quân Mỹ. Nhưng các mục tiêu chính mà tất cả các cuộc đàm phán trước đây đã thất bại là Hà Nội kiên quyết rằng, trước khi mọi diễn tiến hòa bình có thể khởi động, kể cả ngay trước khi họ nói chuyện vấn đề phóng thích các tù binh Mỹ, chính quyền Sài Gòn phải sụp đổ. Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn là điều kiện tiên quyết trong các điều kiện khác đối với các nhà thương thuyết của Hà Nội. Trong cuộc họp tháng Mười, họ đã thay đổi việc này.

Winston Lord: Khi ông đạt được thoả thuận sau cùng, ông có tự tin là là thoả thuận này sẽ thành công?

Henry Kissinger: Ông hãy để cho tôi giải thích các điều khoản của Hiệp định tháng Giêng năm 1973 là gì. Có một cuộc ngưng bắn và cấm chỉ việc xâm nhập. Sau đó, chỉ có việc miền Nam nhận được tân trang thay thế cho các vũ khí đã có sẵn trong nước bị thiệt hại hay phá hủy. Một toán thanh tra của Liên Hiệp Quốc kiểm soát việc thi hành này. Tình trạng quân bình không thể bị đảo ngược chỉ trừ khi là do việc thâm nhập bất hợp pháp.

Chúng tôi tin rằng, do các điều khoản này, miền Nam sẽ có thể chống lại bất cứ lực lượng quân sự nào còn lại trong nước. Và chúng tôi sẽ hỗ trợ cho họ trong trường hợp tổng tấn công, có nghĩa là, một sự vi phạm tất cả các điều khoản chính yếu.

Ngoài ra, còn có một cơ chế quốc tế kiểm soát việc du nhập các trang bị mới cho Việt Nam chỉ được thực thi thông qua các điểm kiểm soát của Liên Hiệp Quốc chấp thuận. Các điều khoản này áp dụng cho cả hai phía. Cùng lúc, chúng tôi chấp thuận nguyên tắc là Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế cho Bắc Việt, chúng tôi quan niệm rằng đây là các phương tiện kiểm soát cho việc duy trì hiệp định. Thật ra, Nixon gởi tôi tới Hà Nội vào tháng 2 năm 1973 để thương thuyết một phần chi tiết trong toàn bộ chương trình viện trợ kinh tế.

Winston Lord: Viện trợ cũng mở rộng ra cho Nam Việt Nam, Lào và Cambodia.

Henry Kissinger: Vâng. Mọi điều khoản trong hiệp định cũng áp dụng cho Lào và Cambodia. Bắc Việt quan niệm rằng các lực lượng Cộng sản tại Lào và Cambodia là tự trị và không thể luôn bảo đảm rằng các đơn vị này sẽ tuân theo các mong muốn ưu tiên của Hà Nội. Sau đó, chúng tôi phát hiện rằng, có lẽ là việc nào nếu đúng cho trường hợp Cambodia, thì hoàn toàn không có nghĩa là đúng cho Lào.

Ngoài ra, các viện trợ kinh tế xem như là động lực khích lệ cho Bộ Chính trị Hà Nội, mang lại việc tái thiết kinh tế cho họ, thay vì phá huỷ hiệp ước. Chúng tôi hy vọng việc này cùng với nhiều yếu tố khác, thí dụ như nếu Trung Quốc và Liên Xô cùng quan tâm đến việc kềm chế Bắc Việt, viện trợ Mỹ sẽ đóng góp trong việc duy trì hiệp định.

Ngoài ra, trong thời gian này, chúng tôi thu thập thêm kinh nghiệm để nhận ra rằng tình trạng căng thẳng Nga-Hoa là cực kỳ nghiêm trọng và trong mọi trường hợp, Trung Quốc không muốn huy động thêm quân sự cho Đông Dương. Chúng tôi quan niệm rằng, tất cả các yếu tố này sẽ đưa đến một kết quả hợp lý để chúng tôi đạt mục tiêu kết thúc chiến tranh mà ba chính phủ Mỹ của hai đảng đã theo đuổi, bằng cách chúng tôi tạo một cơ hội sống sót cho một chính phủ đồng minh mà họ đã dựa vào chúng ta. Đó là mục tiêu chính của chúng tôi.

Winston Lord: Hiệp ước đã bị phê bình, vì có các băng ghi âm tìm ra, cho rằng ông có nói đến “một khoảng thời gian hợp lý“. Ông có thể giải thích việc này có nghĩa là gì?

Henry Kissinger: Trước tiên, chúng ta phải nhớ là, có nhiều cuộn băng thu âm các cuộc thảo luận của chúng tôi, và khi nó đưa ra cho công chúng, thường là không bao giờ nói rõ là nó nằm trong bối cảnh nào. Có các cuộc trao đổi với người Hoa, với nhân viên của tôi, với Nixon. Các đề tải chủ yếu làm cho chúng tôi quan tâm là Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ miền Nam trong thời gian vô hạn định không? Bất kể đến việc chính quyền của họ có tham nhũng hoặc có hiệu năng trong việc điều hành hay không?

Quan điểm của chúng tôi là muốn tạo một cơ hội sống còn hợp lý cho người miền Nam. Những gì mà chúng tôi cho là “hợp lý”, chúng tôi không bao giờ định nghĩa một cách chính xác. Chúng tôi không bao giờ sử dụng nó như một cái mưu kế để thoái thác, để miền Bắc chiến thắng miền Nam mà chúng tôi không bị bẩn tay. Chúng tôi quan tâm là có một cơ hội sống còn đích thức cho người miền Nam. Chúng tôi sẽ giúp họ xây dựng quân đội và viện trợ kinh tế. Chúng tôi cũng lưu tâm đến một tình trạng tương tự như Nam Hàn phát triển sau chiến tranh Triều Tiên.

Hiện nay, chúng tôi không bao giờ đề cập chính thức là trong bao nhiêu năm, chúng tôi chỉ ngồi bên nhau và nói là: “Hãy để chúng ta đưa ra một thỏa thuận rằng họ có thể bị lật đổ dễ dàng, và chúng ta sẽ đánh lừa công luận Mỹ“. Khi nói về chữ “hợp lý”, chúng tôi muốn nói là chúng tôi tự tin và có thể nói cho dân Mỹ là chúng ta tạo cho Việt Nam có một cơ hội thực sự. Chúng tôi nghĩ chúng ta đã đạt được, việc này thường đuợc trình bày như là một loại chuyện lừa đảo. Chúng tôi đã chiến đấu trong nhiều năm để bảo vệ danh dự cho chính sách ngoại giao của Mỹ và chính nghĩa cho tự do. Chuyện này còn nhiều hơn là chuyện liên quan đến Việt Nam.

Khi ông theo dõi thế giới trong năm 1969, Liên Xô vừa chiếm Tiệp Khắc, và sau đó hơn 40 sư đoàn Liên Xô đóng quân ờ biên giới Trung Quốc. Chúng tôi lo sợ một cuộc tấn công trước mắt tại Trung Quốc, nó sẽ làm đảo ngược hoàn toàn tình trạng quân bình quốc tế. Chúng tôi muốn một hiệp ước bảo vệ uy tín của chúng tôi như là trụ cột chính gìn giữ cho nền hòa bình thế giới.

Winston Lord: Nhưng chuyện gì đã thất bại? Ông đã tạo những động lực khích lệ cho miền Bắc để họ tôn trọng hiệp ước, cũng giống như cho miền Nam, Lào và Cambodia?

Henry Kissinger: Đó là một bi kịch đất nước mà chúng ta chưa vượt qua. Trong những năm của thập niên 1950 khi tôi còn là sinh viên ban Cao học, 90% của trường Harvard là nằm trong tay đảng Dân chủ, tình trạng còn duy trì và có lẽ tăng lên. Nhưng khi xuất hiện các thành viên nội các thuộc đảng Cộng hoà từ trường Harvard, họ được vô cùng trân trọng. Trong những cuộc thảo luận chính trị tại Mỹ trong thập niên 1950 và 1960, chuyện quan tâm là tính cách phù hợp trong các chính sách chính trị. Đến một lúc nào đó trong những năm của thập niên 1960, những cuộc thảo luận chính trị này biến dạng thành các đề tài thuộc về các động lực của giới lãnh đạo và sự phù hợp về đạo đức nội tại của họ.

Vấn đề trở thành thời thượng khi cáo buộc tổng thống và các thành viên trong nội các là đại biểu cho một hệ thống vô đạo đức, để chống lại thì những cuộc biểu tình bạo động đủ các loại, không chỉ coi là được phép mà còn là cần thiết. Khuynh hướng này nhằm dập tắt các quan điểm đối lập, nó trở thành một quan điểm chiếm ưu thế. Tổng thống Johnson không thể xuất hiện công khai, chỉ nói chuyện tại các căn cứ quân sự, để cho các cơ sở tình báo lo các biện pháp bảo vệ an ninh. Trong khi đàm phán, vấn đề quan trọng tại Mỹ là chúng tôi không khởi động các cuộc thảo luận mà dân chúng quan tâm đến các vấn đề chính trong cuộc chiến. Trong các cuộc thảo luận trong công chúng, Nixon được xem như là một tên gian ác thay thế cho Johnson, hiếu chiến muốn kéo dài cuộc chiến.

Thật ra, khi ông xem các văn kiện, ông sẽ thấy chính quyền Nixon rõ ràng là hầu như chấp nhận tất cả các đề xuất đã làm phân hóa đảng Dân chủ trong năm 1968. Chúng tôi hỗ trợ ít nhiều cho một chiến lược hòa bình của Hubert Humphrey, ứng viên tổng thống, trong Đại hội đảng năm 1968. Năm 1968, đảng Dân chủ không chủ trương Mỹ đơn phương rút quân. Nhưng trong từng bước, các yêu sách của giới đối lập trong nước Mỹ lên cao điểm đến độ cuối cùng họ đồng loạt yêu cầu Mỹ đơn phương rút quân và phóng thích các tù binh của chúng ta.

Kết thúc chiến tranh chỉ duy nhất là để chỉ có việc nhận được các tù binh phóng thích, vấn đề trở thành một trò hề cho các việc diễn ra, những gì chính phủ Truman khởi động, Kennedy tăng cường, Johnson tăng tốc và Nixon tiếp tục.

Winston Lord: Ngoài ra, giới phản chiến không chỉ muốn rút quân đơn phương để được phóng thích tù binh, mà thật ra làm sụp đổ chính phủ Sài Gòn khi chúng ta ra đi.

Henry Kissinger: Vâng. Khi chúng ta đạt thoả thuận vượt quá mọi mong đợi. Chúng tôi nghĩ Quốc hội sẽ ủng hộ để duy trì hiệp định. Chúng tôi không biết liệu là việc này có thể khả thi hay không. Nhưng vụ Watergate chôn vùi uy tín của Tổng thống đến độ mà các quan điểm cực đoan trong Quốc hội thắng thế. Hiệp định có hiệu lực vào tháng Giêng năm 1973. Và đến tháng Sáu năm 1973, chuyện rõ ràng là Bắc Việt vi phạm trầm trọng. Chúng tôi yêu cầu Lê Đức Thọ đến Paris gặp một lần nữa để duyệt xét các vi phạm. Nhưng trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng Sáu năm 1973, Quốc hội đề ra hằng loạt biện pháp cấm đoán việc sử dụng các lực lương quân sự Mỹ trong hoặc gần Đông Dương.

Vì vậy, chúng tôi mất khả năng thi hành hiệp định. Ngoài ra, có một cuộc tấn công toàn diện vào các phương tiện chuẩn chi khả thi khác để cho phía người miền Nam không bao giờ có một chính phủ đủ khả năng sinh tồn như chúng ta có thể kỳ vọng như trước các tình hình của cuối năm 1972. Cuối cùng, Quốc hội ra lệnh cấm chúng tôi tham chiến, cấm sử dụng các lực lượng quân sự Mỹ trong và gần Việt Nam và chấm dứt mọi viện trợ cho Cambodia để chúng ta rút lui. Sau đó là kết thúc của vấn đề.

Winston Lord: Thí dụ như Quốc hội không phải chỉ cấm ném bom mà còn cắt giảm viện trợ quân sự.

Henry Kissinger: Quốc hội không những chấm dứt hoàn toàn viện trợ quân sự cho Cambodia, mà còn giới hạn viện trợ quân sự cho Sài Gòn một cách nghiêm trọng. Cho đến năm 1973, họ có các kế họach chung quyết. Có một thoả thuận ngầm giữa Nghị sĩ John C. Stenis, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện, và Tỗng thống Nixon, là năm 1975 Quốc hội sẽ thuận chi một ngân sách bổ sung để bù đắp các khiếm khuyết trong việc chuẩn chi trước đây. Năm 1975, Nixon từ chức và cuối cùng Quốc hội từ chối các chuẩn chi này. Do đó, miền Nam phải bớt phần các kho đạn dược để có thể còn sử dụng trong trường hợp có các cuộc tiến công sau cùng.

Winston Lord: Như vậy, cuối cùng, chúng ta không tuân thủ các điều khoản của Hiệp định. Ông cảm thấy như thế nào?

Henry Kissinger: Quốc hội đặt chúng tôi vào trong một vị thế không thể thi hành Hiệp định.

Winston Lord: Dù điểm yếu của quân đội miền Nam là gì đi nữa, đó cũng là một thất bại về tâm lý khi họ không nhận thêm bất cứ quân viện nào, chưa kể đến các thất bại vật chất, gây ảnh hưởng chủ yếu.

Henry Kissinger: Ý nghĩ cho rằng lãnh dạo một chính sách đối ngoại dựa trên uy tín của Mỹ, hiện nay, theo quan điểm thông thường, chỉ làm cho bị chế nhạo. Nhưng đó là một yếu tố chính trong chiến tranh Việt Nam, là vì các đồng minh tiềm năng hay thực tế và các dân tộc bị đe doạ phải ước lượng tương lai của mình khi dựa vào thành quả của Mỹ tại Việt Nam.

Winston Lord: Trong khi ông cố duy trì Hoà ước cho Việt Nam, Quốc hội làm việc này theo các hành động riêng. Hai việc này có tác động khác không?

Henry Kissinger: Hiện nay, khi các nước được bảo chứng bởi các lời hứa hẹn của Mỹ hay các liên minh, họ có thể không cỏn tin tưởng nơi Mỹ. Như vậy, các lực lượng trong các nước nghĩ đến việc sụp đổ các định chế hiện hữu mà họ nghĩ rằng được bảo vệ bởi các các mối quan hệ thân hữu liên minh với Mỹ, họ đã bạo dạn hơn khi gia tăng các áp lực của họ.

____

Nguyên tác: Breakthrough and the Paris Accords, Chapter VII, pp. 75-87 in: Kissinger on Kissinger

Winston Lord là Trợ lý đặc biệt cho Cố vấn An ninh Quốc gia (1970-1973), Giám đốc Nhân viên Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao (1973-1977), Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (1977-1985), Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc (1985-1989), và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao (1993-1997).

Lord đã cộng tác với báo New York Tmes, Washington Post, Wall Street Journal, Newsweek và Foreign Affairs. Sách mới nhất là Kissinger on Kissinger Refections on Diplomacy, Grand Strategy, and Leadership. All Points Book New York, 2019.

____

Bài liên quan: Richard Nixon, Henry Kissinger và Sự Sụp Đổ Của Miền Nam (BS).

Tiếng Dân

‘Mình là ván cờ họ thí để đi ván cờ khác’- Hoàng Đức Nhã nhìn lại biến cố 30/4


Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi VNCH tại hội thảo ở trường Đại học Oregon 14-15/10/2019

45 năm sau khi Saigon thất thủ, những nhân vật từng đóng một vai trò trong giai đoạn dẫn tới biến cố lịch sử này ngày càng thưa dần… Trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn lại có ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng Trưởng Thông Tin, Dân vận và Chiêu Hồi Việt Nam Cộng Hoà. Ông Nhã, cựu Bí Thư và Tham vụ Báo chí của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhìn lại biến cố lịch sử 30/4/1975 trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ.

Hoàng Đức Nhã: “30 tháng Tư là một tổng hợp của rất nhiều yếu tố đã được cấu kết và thi hành từ bao năm, trước khi người Mỹ muốn ra khỏi cuộc chiến Việt Nam, không phải do họ thiếu năng lực mà vì lúc đó họ đổi đường hướng, muốn có những sự dàn xếp ở cấp cao với Trung Quốc, với Nga, trên cục diện địa chính trị- geopolitics.

Ông nói khi quân đội Bắc Việt tràn vào chiếm miền Nam, thì VNCH không còn súng đạn mặc dù trước đó 2 năm, chính phủ miền Nam đã ký hiệp định dựa trên lời hứa của Tổng thống Nixon, cam kết sẽ giúp VNCH tồn tại, và sẽ cung cấp vũ khí cho miền Nam theo phương thức “thay một đổi một”, nếu phía Bắc Việt vi phạm hiệp định.

Thế nhưng người Mỹ không giữ lời hứa, dẫn tới tình trạng miền Nam “không còn đủ phương tiện để chiến đấu.”

Hiệp định mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã vạn bất đắc dĩ ký dưới áp lực của Mỹ, vào tháng Giêng 1973 là một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Ông Hoàng Đức Nhã nói hai năm trước đó, người Mỹ đã có ý định rút ra khỏi Việt Nam vì Mỹ muốn mang tù binh về “để ông Nixon có thể chứng tỏ với dân là ông đã giữ lời hứa sẽ đưa con em người Mỹ về nước”.

Cựu Bí thư của Tổng thống Thiệu nói điều ‘vô cùng đáng tiếc’ là 30/4 xảy ra trong bối cảnh miền Nam đang đạt được nhiều tiến bộ.

“Lúc đó quân lực của mình đã bắt đầu mạnh, trong nước guồng máy hành chánh đã bắt đầu làm việc đúng mức, theo tôi nghĩ cộng sản họ thấy nếu để miền Nam có thì giờ thì ngày sẽ càng mạnh, lúc đó mình đã bắt đầu có dầu lửa, lúc đó đã sắp sửa xuất cảng được gạo trở lại, tất cả những yếu tố để phát triển, xây dựng đất nước đã có…”

Vụ tai tiếng Watergate

Nước Mỹ lúc bấy giờ phải đối phó với những vấn đề nội bộ đang làm lung lay chiếc ghế của Tổng Thống Nixon, liệu vụ tai tiếng Watergate có ảnh hưởng tới quyết định của người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam?

Ông Hoàng Đức Nhã nói vụ Watergate ảnh hưởng tới sự khẩn trương trong chính trị nội bộ của Mỹ, ảnh hưởng dây chuyền tới miền Nam và việc Mỹ giữ cam kết hay không vì ông Nixon lúc đó hoàn toàn phải đối phó với vụ Watergate. Ông giải thích:

“Lúc đó, quốc hội Mỹ do Đảng Dân chủ Mỹ kiểm soát rồi. Hai viện thì họ thấy cơ hội để dí ông Tổng thống Nixon và họ lựa vấn đề Watergate mà tiếp tục tấn công. Ngày mà Tối cao Pháp viện buộc ông Nixon phải giao cuộn băng đó, là ngày chính tôi thấy rõ thế nào miền Nam cũng phải chịu ảnh hưởng của chuyện này.”

Viết về ông Hoàng Đức Nhã, báo NYT mô tả ông là người đàn ông quyền lực nhất tại miền Nam, chỉ đứng sau Tổng thống Thiệu. Tờ báo nói ông Nhã cùng lúc đóng vai của 3 nhân vật quan trọng chính phủ Mỹ đương thời: cố vấn Tổng thống Kissinger, Tham vụ Báo chí Ron Spiegler, và Charles G. (Bebe) Rebozo, một người bạn tín cẩn của ông Nixon.

Ông Nhã là em họ của Tổng thống Thiệu, nhưng ông nói ông được ông Thiệu tin tưởng không phải vì có liên hệ bà con mà là nhờ ông hiểu người Mỹ, và biết phân tích tình hình.

“Tôi đi Mỹ học từ nhỏ, tôi biết tánh của người Mỹ khi họ áp dụng cái gì mà thấy con đường đó không trúng là họ bỏ đi, không tình cảm gì hết, mặc dù họ đã bỏ cả tỉ đôla đầu tư, không ăn thua gì cả… Tổng thống Thiệu là một ông Trung Tướng, tướng là phải nghe hết những phân tách đầy đủ rồi mới lấy quyết định. Tôi làm việc với ông ấy được ông ấy tín nhiệm ngay cả về các vấn đề không thuộc phạm vi của tôi. Là Bí thư, tôi đâu có ăn thua gì về làm ngoại giao nhưng mà tôi phân tách được, đó là lý do tại sao tôi làm một lúc 3 công việc mà tờ NYT có nhắc đến.”

Về Tiến sĩ Kissinger

…sau khi ông Kissinger đi Bắc Kinh, rồi Tổng thống Nixon đi Bắc Kinh, dàn xếp với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông… Mình là một ván cờ họ thí để họ đi một ván cờ khác.”
Ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Thông Tin, Dân vận và Chiêu Hồi VNCH

Tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống Nixon, là người đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thương lượng dẫn tới hiệp định Paris. Với các hoạt động ngoại giao ‘con thoi’ mang tính thực dụng, ông Kissinger thúc đẩy Mỹ mở cửa với Trung Quốc, làm thay đổi trật tự thế giới với những hệ quả còn kéo dài cho tới ngày nay. Có người tin rằng ông Kissinger phải chịu trách nhiệm lớn về kết cuộc của chiến tranh Việt Nam. Bí Thư của Tổng thống Thiệu nhận định:

“Đồng ý! Chính ông ấy là người thương thuyết một hiệp định rất là tai hại, ép buộc mình, không nghe, không chú ý, không quan tâm đến những ước vọng của miền Nam. Ông ấy chỉ thực thi những gì mà ông cho là trúng, mà chưa chắc gì ông Nixon đồng ý với ông ta nhưng mà vì ông Nixon bị vấn đề Watergate chi phối, ông không có thì giờ nghĩ tới. Ông Kissinger nói OK, để tôi ký cái hiệp định rồi là tôi là anh hùng rồi, tôi đem được tù binh Mỹ về rồi, chấm dứt.”

Là người trực tiếp đối đầu với Kissinger để đòi các điều kiện tốt hơn cho miền Nam, ông Hoàng Đức Nhã bị coi là một cái gai trước mắt khi Kissinger sang Việt Nam hối thúc Tổng thống Thiệu chấp nhận giải pháp “chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam” mà ông ta đã điều đình với Hà nội trong các cuộc đi đêm với Lê Đức Thọ. Trong hồi ký “The White House Years”, ông Kissinger mô tả Hoàng Đức Nhã là cao ngạo, bướng bỉnh, khó ưa, và dùng những từ ngữ nặng nề khác để nói về ông Hoàng Đức Nhã. Ông Nhã nói:

“Thực ra ông Kissinger không thích tôi là bởi vì tôi đi guốc trong bụng ông, ông là giáo sư danh tiếng mà ông thấy cái thằng nhóc con này mà tại sao nó dám chỉnh ông?”

Trong hồi ký, Kissinger phản bác chỉ trích của ông Nhã cho rằng người Mỹ chỉ mặc cả để có một “decent interval”- một thời gian đủ lâu để Mỹ có thể thoái lui ‘trong danh dự’.

“Chính cái đó là điều làm cho ông Kissinger và phía Mỹ ghét tôi. Tôi là người biết phân tách tình hình, hồi đó tôi dùng danh từ ‘một thời gian thỏa đáng’ vì những tin tức sau khi ông Kissinger đi Bắc Kinh, rồi Tổng thống Nixon đi Bắc Kinh, dàn xếp với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông… Mình là một ván cờ họ thí để họ đi một ván cờ khác.”

Lịch sử

Ông Hoàng Đức Nhã, Tham vụ báo chí và cố vấn của Tổng Thống Thiệu,bắt tay Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon Elleworth Bunker, ngày17/8/1972, trước cuộc họp giữa TT Thiệu và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry A Kissinger

Ông Hoàng Đức Nhã, Tham vụ báo chí và cố vấn của Tổng Thống Thiệu,bắt tay Đại sứ Hoa Kỳ tại Saigon Elleworth Bunker, ngày17/8/1972, trước cuộc họp giữa TT Thiệu và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry A Kissinger

Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam giờ đã thuộc về lịch sử, mà lịch sử thường nằm trong tay của bên thắng cuộc.

“Ai viết lịch sử? Người thắng cuộc thì viết theo họ nói là người miền Nam không chịu bảo vệ lãnh thổ, chuyện đó là chuyện sai lầm, giải thích là người đồng minh không giữ lời cam kết đối với miền Nam, đưa đến ngày 30/4.”

Ông Hoàng Đức Nhã rời Saigon ngày 28/4/1975 giữa lúc thành phố Saigon đang bị dội bom. Ông nghĩ gì khi ngoái nhìn quê hương lần cuối từ trên máy bay đưa ông ra nước người sống lưu vong?

“Lúc máy bay cất cánh, tôi thấy mấy quả pháo rơi vào phi trường Tân Sơn Nhứt, lúc đó tôi rất buồn, không biết ngày nào trở về… Khi tới Guam nghe ông Dương Văn Minh đầu hàng, buồn vô tận. Bấy giờ thì mình nói rằng thôi, con cái của mình lớn lên không được cái cơ hội sống như mình đã sống, không được đi những nơi, ăn những món… thành ra lúc đó rất là buồn.”

VOA