Seite auswählen

Nhà cầm quyền Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội đảng vào năm tới, đây là những cuộc đàn áp nhằm dập tắt tiếng nói của những người can đảm chỉ ra những sai lầm, những tội ác cũng như những yêu cầu của người dân Việt Nam đối với một chế độ độc tài và tham nhũng hiện nay.

Bắt bớ bùng phát trước đại hội đảng CS lần thứ 13

https://www.rfavietnam.com/files/u4361/Untitled-1.jpg

(Từ trái qua: Phùng Thủy, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thành)

Rất nhiều vụ bắt giữ và kết án tù từ việc sinh hoạt trên các trang mạng từ đầu năm 2020, như đối với trường hợp Chung Hoàng Chương (Cần Thơ), Phan Công Hải (Nghệ An), Đinh Văn Phú (Dak Nông), Đinh Thị Thu Thủy (Hậu Giang), Nguyễn Văn Nghiêm (Hòa Bình)… trước đó, cũng có những trường hợp như ông Lê Văn Sinh (Ninh Bình), Trần Đình Sang (Yên Bái)… Không khi xã hội Việt Nam căng như dây đàn. Luật An ninh mạng đang phát tác như một ung nhọt, làm thối nát cuộc sống bình thường của 90 triệu dân, thì ngay sau đó, nhân ngày thành lập đảng Cộng sản Việt Nam, nghị định 15/2020 lại được tung ra, như một loại lưới cào, lạnh lùng và phi lý, thêm vây chặn với con người.

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/05/VN-Bat-nha-hoat-dong-Nguyen-Anh-Tuan-1.jpg

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn. (Hình: Facebook Nguyen Anh Tuan)

Sáng 22/5/2020, khắp trên các trang mạng loan nhanh tin nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bị bắt giải đi. Hình ảnh cho thấy hai nhân viên an ninh thường phục cặp tay Nguyễn Anh Tuấn dẫn đi ngay trên đường phố, vào lúc anh  đang ngồi cà phê tại quán Starbucks Legend ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội, cùng bạn bè.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, 30 tuổi, thạc sĩ Chính Sách Công tại Đại Học Việt Nhật, thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, là Facebooker theo sát diễn biến vụ tranh chấp đất giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội trong các năm qua.

Ông Tuấn được ghi nhận là một trong vài người được ông Lê Đình Kình, “thủ lĩnh” của dân Đồng Tâm tin tưởng và báo tin riêng cho đến khi ông Kình bị giết trong vụ tấn công hôm 9 Tháng Giêng.

Bên cạnh vụ Đồng Tâm, ông Tuấn được ghi nhận thường xuyên lên tiếng bảo vệ những người yếu thế như dân oan, tử tù. Trong một post hôm 20 Tháng Năm trên trang cá nhân, ông kêu gọi cư dân mạng ký tên vào một bản kiến nghị “đòi công lý cho tử tù Hồ Duy Hải.”

“Ký kiến nghị này, không chỉ là để đòi công lý cho một cá nhân mà còn giúp góp phần cải sửa nền tư pháp què quặt của nước nhà. Cũng là để giảm bớt rủi ro một ngày bản thân chúng ta hoặc người thân chúng ta trở thành nạn nhân của nó. Hãy ký, vì chính bạn,” theo Facebook Nguyen Anh Tuan.

Trước đó một ngày, blogger Phạm Thành (Bà Đầm Xòe) cũng bị bắt đi vì tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN. Trước đó, anh Phùng Thủy, một người giao sách giúp cho Nhà xuất bản Tự Do, đã bị công an tổ chức săn đuổi và bắt giữ. Sau đó, anh Thủy bị an ninh tra tấn suốt nhiều tiếng đồng hồ, với các thủ thuật vô nhân tính có thể giết hại một người có tuổi bằng cha, anh của mình, chỉ vì anh không biết là các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do ở đâu, tổ chức hoạt động thế nào.

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn hay blogger Phạm Thành đều là những người hoạt động bằng ngôn luận và hoàn toàn không phải là mối nguy của xã hội. Rất khác với nhiều biểu hiện và tội lỗi của nhiều quan chức đảng Cộng sản, cả hai người bị bắt nói trên luôn chọn đứng về lẽ phải, đứng về nhân dân – những kẻ thấp cổ bé miệng. Việc bắt giữ Nguyễn Anh Tuấn và Phạm Thành, tựa như làm vỡ òa sự căng thẳng theo dõi tình hình xã hội của người dân lâu nay.

Ông Phạm Thành là người có nhiều tác phẩm tạo tiền lệ, khẳng định quyền tự do của một công dân trong thời đại độc tài. Cò Hồn Xã Nghĩa hay Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo… Những quyển sách đó đã chứng minh sức mạnh tinh thần của ông, vượt xa những cáo trạng sắp tới đây mà nhà cầm quyền sẽ áp cho ông.

Năm 2011, Nguyễn Anh Tuấn công khai tuyên bố rằng mình đang tàng trữ những tài liệu phản biện xã hội mà nhà cầm quyền gọi tên là phản động, là thứ bị quy kết thành tội trạng. Anh thách thức nhà cầm quyền bắt anh vì điều này. Hơn nữa, việc kiên trì đòi công lý cho các nạn nhân Formosa và Đồng Tâm, khiến Tuấn luôn là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Hôm nay, việc im lặng bắt và áp giải Nguyễn Anh Tuấn ở một quán cafe, cho thấy cách thức của một hệ thống, còn thấp kém hơn cả suy nghĩ tự do của một thanh niên.

Theo tuankhanh’s blog

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị bắt

nguyenhuuvinh 

Sáng ngày 23/5/2020, Công an Sài Gòn kết hợp Công an Hà Nội đã ập vào nhà ông Nguyễn Tường Thụy tại Nhà A2, chung cư 54 Hạ Đình, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân, Hà Nội bắt ông và đồng thời lục soát gia đình ông.

Bà Nguyễn Thị Lân, vợ ông Thụy cho biết: Công an ập vào nhà với số lượng rất lớn, đồng thời bao vây cả khu vực xung quanh nơi gia đình ông đang ở với bán kính cả trăm mét.

https://jbnguyenhuuvinh1962.files.wordpress.com/2020/05/nguye1bb85n-tc6b0e1bb9dng-the1bba5y.jpg?resize=438%2C438

Việc vây bắt, khám xét đã diễn ra với nhiều chiêu trò gian lận, lừa dối gia đình ông khi yêu cầu sự hợp tác của gia đình.

Công an đã khống chế gia đình ông lục soát lấy đi máy tính, điện thoại và một số giấy tờ cá nhân của ông và gia đình, kể cả sổ khám bệnh và những đồ dùng riêng của ông. Trong khi đó, khi dẫn giải ông đi, công an không cho ông mang theo đồ dùng cá nhân.

Công an thông báo rằng ông Thụy sẽ bị di lý vào Sài Gòn vì bị khởi tố với các khoản trong các điều 113,119,165 ,41 của Bộ luật Hình Sự.

Rất có thể, việc bắt bớ này là do công an Sài Gòn mở rộng vụ án sau khi bắt ông Phạm Chí Dũng – Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ông Thụy hiện là Phó Chủ tịch Hội.

Ông Nguyễn Tường Thụy là cựu chiến binh, từng tham gia Quân đội và đã nghỉ hưu. Những năm gần đây, ông tham gia nhiều phong trào chống lại sự cai trị độc tài, tham nhũng của chế độ cộng sản. Ông là người đã tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược cũng như nhiều phong trào khác nhau.

Chính vì vậy, ông luôn bị sách nhiễu, canh gác và quản chế tại nhà liên tục trong nhiều dịp, nhất là những khi có sự kiện thời sự xã hội nào đó. Việc canh gác, ngăn chặn ông Thụy diễn ra nhiều năm nay bất chấp luật pháp và trái với tất cả mọi văn bản về quyền con người, quyền tự do đi lại, hội họp và lập hội của công dân.

Như vậy, chỉ trong một tháng, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành bắt ba người thuộc những người cầm bút cất tiếng nói cho tự do, dân chủ và dân quyền tại Việt Nam, đồng thời là ba người có tinh thần dân tộc, quyết không chịu chấp nhận sự nô dịch bành trướng của chủ nghĩa Đại Hán.

Trần Đức Thạch, quê Nghệ An, là cựu quân nhân, đã là cựu từ nhân lương tâm, bị bắt ngày 23/4/2020 với cáo buộc tội “Lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ông Phạm Thành, cựu cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả những cuốn sách như “Hậu Chí Phèo”, “Cò Hồn Xã Nghĩa” và mới đây là cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”.

Hiện nay, theo lề lối báo chí độc tài, các báo chí chưa đưa tin về việc bắt bớ ông Phạm Thành và ông Nguyễn Tường Thụy. Thông thường, những việc bắt bớ các đối tượng chính trị, báo chí Việt Nam chỉ được đưa tin theo báo Công an và viết bài theo tài liệu chỉ định cũng như chỉ thị của Công an đưa ra.

Việc nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp những tiếng nói vì sự thật, vì công lý và vì lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc đã cho thấy thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng hung dữ đối với người dân trong nước.

Nhà cầm quyền Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội đảng vào năm tới, đây là những cuộc đàn áp nhằm dập tắt tiếng nói của những người can đảm chỉ ra những sai lầm, những tội ác cũng như những yêu cầu của người dân Việt Nam đối với một chế độ độc tài và tham nhũng hiện nay.

Việc bắt bớ, đàn áp liên tục diễn ra trước các kỳ đại hội đảng cộng sản, cũng là để nhằm rảnh tay thi thố những chiêu trò trước xã hội mà không bị chỉ trích.

Những năm gần đây, việc đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến, những người có tiếng nói độc lập đã diễn ra ngày càng gắt gao và khắc nghiệt bởi nhà cầm quyền Việt Nam.

Điều này do nhiều yếu tố tác động.

Trước hết là hệ thống chính quyền ngày càng mục ruỗng, tham nhũng và nội bộ lục đục, phe phái đánh nhau tranh giành quyền lợi ngày càng khốc liệt. Để yên bề theo đuổi những mưu đồ phe nhóm khác nhau, nhà cầm quyền CSVN quyết tâm diệt những tiếng nói độc lập nhằm để rảnh tay thanh trừng nội bộ.

Mặt khác, những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động bất lợi cho phong trào dân chủ trong nước. Sự quan tâm đến quyền con người từ các nước dân chủ ngày càng bị coi nhẹ. Do không có những chế tài rõ ràng, nhà cầm quyền Việt Nam đã không ngần ngại trấn áp những người đấu tranh.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà cả thế giới đang hết sức bận rộn với việc chống lại Virus Vũ Hán, nhà cầm quyền Hà Nội càng rảnh tay đàn áp người dân mình.

J.B Nguyễn Hữu Vinh (23.05.2020)