Seite auswählen

Công nhân may khẩu trang xuất khẩu tại một công ty ở tỉnh Thái Nguyên. (Hình: Linh Pham/Getty Images)

Quốc Hội CSVN sẽ họp để thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại với Liên Hiệp Âu Châu vào giữa tuần này.

Trong cuộc họp báo ngày 18 Tháng Năm vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Tiến, phó chủ nhiệm Ủy Ban Đối Ngoại của Quốc Hội CSVN, loan báo nội dung kỳ họp ngày 28 Tháng Năm sẽ có cuộc bỏ phiếu thông qua bản Hiệp Định Tự Do Thương Mại với Liên Hiệp Âu Châu (gọi tắt là EVFTA) hoàn tất thủ tục sau cùng để hiệp định có hiệu lực sau nhiều năm đàm phán.

Cùng với việc thông qua Hiệp Định EVFTA, vẫn theo ông Tiến, Quốc Hội CSVN còn biểu quyết phê chuẩn Hiệp Định Bảo Hộ Đầu Tư giữa Việt Nam và EU, Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Nhà cầm quyền CSVN đang sốt ruột thúc đẩy nền kinh tế gượng dậy sau nhiều tháng đình trệ vì phần lớn guồng máy sản xuất cho xuất cảng đã ngừng hoạt động. Hàng triệu công nhân mất việc theo lệnh cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19. Hàng ngàn công ty có thể sập luôn vì không đủ khả năng gượng lại.

Trước đó, Hội Đồng Liên Hiệp Âu Châu (EU Council) đã thông qua hiệp định khi họp tại Bruxels vào ngày 30 Tháng Ba, 2020. Sau khi Quốc Hội CSVN thông qua, hiệp định có thể có hiệu lực thi hành từ đầu mùa Hè này.

Để xoa dịu những sự chỉ trích của nhiều nghị viên và của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, bản thông báo của Hội Đồng EU nói rằng thông qua hiệp định “sẽ mở ra cơ hội cho các thương vụ mới mà còn tạo ra các khí cụ mới thúc đẩy sự thực thi các quyền tự do căn bản và quyền người lao động tại Việt Nam.”

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, CSVN đã liên tiếp bắt các nhà báo độc lập Phạm Thành, Nguyễn Tường Thụy, vu cho họ “làm tàng trữ tài liệu chống nhà nước…”

Tiệm buôn với bảng hiệu quảng cáo bán sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Trước đó, ngày 23 Tháng Tư bắt nhà thơ Trần Đức Thạch vu cho ông tội “Âm mưu lật đổ,” dù ông chỉ ngồi ở nhà tại một làng quê miền núi tỉnh Nghệ An dùng trang Facebook thỉnh thoảng bình luận dăm ba câu về thời sự. Những vụ bắt này chứng tỏ CSVN coi thường các quan tâm về nhân quyền của các nước Tây phương.

Hiệp Định EVFTA sẽ xóa bỏ gần hết (99%) hàng rào thuế quan giữa Việt Nam và EU. Trong đó, thuế quan đối với 65% hàng hóa từ Liên Âu xuất cảng sang Việt Nam sẽ bị gỡ bỏ ngay lập tức, phần còn lại sẽ được xóa bỏ dần dần theo một lộ trình kéo dài 10 năm.

Trong khi đó, 71% hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Âu Châu sẽ được gỡ bỏ hoàn toàn thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Phần còn lại sẽ được gỡ bỏ từ từ theo lộ trình 7 năm. Hiệp Định EVFTA cũng gỡ bỏ những rào cản không nằm trong phạm vi thuế quan khi hai bên giao thương với nhau, đồng thời nới lỏng hơn các điều kiện để để EU có thể tham gia khu vực dịch vụ và đấu thầu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiệp định cũng có các điều khoản bảo vệ tài sản trí tuệ, quyền người lao động và phát triển bền vững. Hiệp định đòi hỏi các bên tham gia phải cam kết áp dụng các tiêu chuẩn căn bản của nghiệp đoàn lao động quốc tế và các công ước quốc tế liên quan, thí dụ như hợp tác chống lại biến đổi khí hậu hay bảo vệ đa dạng sinh học.

Để trấn an các quan ngại của dư luận, bản thông báo của Hội Đồng EU nói rằng hiệp định cũng bao gồm cả sự kết nối pháp lý và định chế với Thỏa Hiệp Đối Tác và Hợp Tác EU-Việt Nam, cho phép có các hành động thích hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Vì điều này, người ta đợi xem EU làm được gì với những nhà báo độc lập, blogger và facebookers bị nhà cầm quyền CSVN bắt giữ từ năm ngoái đến nay. 

(TN) (kn)

Người Việt (25.05.2020)