Seite auswählen

„Prix Voltaire là giải thưởng ghi nhận sự can đảm trong việc giữ vững quyền tự do xuất bản, tự do thông tin của các nhà xuất bản và cá nhân trên thế giới, đặc biệt ở những nơi mà hoạt động xuất bản phải đối mặt với kiểm duyệt và áp bức, hay việc thực hành các quyền này có thể gây rủi ro, nguy hiểm.“

Hình minh hoạ. Sách của Nhà xuât bản Tự do

Hình minh hoạ. Sách của Nhà xuât bản Tự do Facebook of Nhà Xuất Bản Tự Do

Lúc 6 giờ chiều ngày 3 tháng 6 năm 2020, Hiệp hội Xuất bản Quốc tế – IPA đã công bố giải thưởng Prix Voltaire 2020 được trao cho Nhà xuất bản tự do của Việt Nam – một trong bốn nhà xuất bản vào chung kết khi vượt qua các đại diện đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Ai Cập, Đức, Argentina v.v…

Đây là một tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam không được chính quyền công nhận và bị đàn áp trong thời gian qua.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, người phát ngôn của Nhà xuất bản tự do bày tỏ cảm xúc khi biết tin tổ chức này được chọn trao giải trong 4 nhà xuất bản được đề cử trên thế giới. Bà Trang nói qua điện thoại như sau:

Nghe tin được giải thì mình và anh em Nhà xuất bản tự do rất vui mừng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện giờ – trong những cái ngày tháng rất là căng thẳng này, rất nhiều chuyện xã hội rối ren, lòng người ly tán… bao nhiêu vấn đề xã hội, bao nhiêu chuyện trên toàn thế giới hỗn loạn quá.

Thực sự, đối với tụi mình đây là một tin vui, trong bối cảnh đó thì nó lại càng vui hơn… đó là niềm vui mà bọn mình khao khát bấy lâu nay. Đó cũng là một sự khích lệ tinh thần vào thời điểm này!”

Theo Hiệp hội xuất bản quốc tế, Prix Voltaire là giải thưởng ghi nhận sự can đảm trong việc giữ vững quyền tự do xuất bản, tự do thông tin của các nhà xuất bản và cá nhân trên thế giới, đặc biệt ở những nơi mà hoạt động xuất bản phải đối mặt với kiểm duyệt và áp bức, hay việc thực hành các quyền này có thể gây rủi ro, nguy hiểm.

Năm 2011, IPA cũng đã trao giải tự do xuất bản cho nhà thơ Bùi Chát, người sáng lập nhà xuất bản Giấy Vụn.

Nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết, giải thưởng có trị giá 10 ngàn Franc Thụy Sỹ này sẽ đặt Nhà xuất bản tự do vào trong vòng nguy hiểm hơn, nhưng không phải vì thế mà những người làm công việc này sẽ bỏ cuộc. Bà nói thêm:

Thực sự, hoạt động xuất bản nó có ý nghĩa là ngoài chuyện khai dân trí nó còn là một hình thức đấu tranh, một hoạt động đấu tranh.

Nó khẳng định quyền của con người, quyền của công dân Việt Nam là quyền được viết, quyền được đọc mà không bị kiểm duyệt, không bị định hướng.

Thế cho nên rằng là khi đã xác quyết như thế cho nên nhà xuất bản vẫn còn tồn tại bất chấp những nguy hiểm, thử thách thực sự, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Cho nên rằng là được giải thì sự nguy hiểm càng tăng lên nhưng không có nghĩa rằng sẽ bỏ cuộc vì đã cam kết với nhau cái sứ mệnh đi đến cùng trên con đường nâng cao dân trí và đấu tranh vì quyền tự do xuất bản ở Việt Nam rồi.

Nhà xuất bản tự do được thành lập vào ngày 14 tháng 2 năm 2020, cho đến nay đã xuất bản được khoảng 30 đầu sách với 25 ngàn bản in và các bản sách trực tuyến.

Những cuốn sách nổi bật của nhà xuất bản này được kể đến như: Chính trị bình dân, Học chính sách công qua Luật đặc khu hay Cẩm nang nuôi tù…

Vừa qua, ông Phùng Thủy, một người giao sách cho nhà xuất bản này cáo buộc là bị công an phục kích và đưa về trụ sở Văn phòng phía Nam của Bộ Công An ở thành phố Hồ Chí Minh thẩm vấn và tra tấn.

Ông Thủy may mắn chạy thoát ngay trong đêm 8-5-2020 khi liều lĩnh xông ra khỏi cổng, lấy xe máy của cô con gái đang đậu gần đó để thoát thân.

RFA (03.06.2020)