„Lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, một chính phủ tiểu bang thách thức Hiến pháp Úc, thách thức chính phủ liên bang, thách thức chính đảng của họ và thách thức người dân“
Nguyễn Quang Duy
Bản quyền hình ảnhNGUYEN QUANG DUY
Chiều Chủ Nhật ngày 7/6/2020, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ tiểu bang Victoria ký Bản Ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược “Vành đai, Con đường”.
Cuộc biểu tình diễn ra trước Quốc hội Victoria với sự tham dự của đại diện các sắc tộc Trung Hoa lục địa, Đài Loan, Tây Tạng, Uighur, Hong Kong và một số người Úc.
Ông Nguyễn Văn Bon, Chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang và Victoria phát biểu tại sự kiện này, nói rằng:
“Cộng đồng đã nhiều lần thông tin đến đồng bào những sai lầm của Chính phủ tiểu bang Victoria, hôm nay luật cho phép chúng ta biểu tình giữ khoảng cách 1,5 m, chúng ta sẽ liên tục biểu tình cho đến khi nào quan điểm của chúng ta được Thủ hiến Daniel Andrews lắng nghe.”
‘Vành đai – Con đường sang tận Úc’
Vào tháng 10/2018, Thủ hiến Victoria Daniel Andrews âm thầm ký một biên bản ghi nhớ với Bắc Kinh đồng ý tham gia chiến lược “Vành đai, Con đường”.
Phía Trung cộng đề nghị ông Andrews giữ bí mật việc ký kết và ông đã nghe theo, vài tuần sau câu chuyện bị tiết lộ buộc ông phải công bố biên bản ghi nhớ.
Bản quyền hình ảnhNGUYEN QUANG DUY
Ông Andrews cho biết đây chỉ là bản ghi nhớ giữa hai chính phủ, không mang tính pháp lý.
Chính phủ Victoria là chính phủ tiểu bang duy nhất tại Úc đã ký kết tham gia “Vành đai, Con đường” đi ngược với chủ trương của Chính phủ Liên bang là cần thận trọng với các khoản đầu tư của Trung cộng và ngăn những cuộc đấu thầu của Bắc Kinh liên quan đến mạng 5G cũng như mạng lưới điện của Úc.
Cả chính phủ và đảng đối lập ở cấp liên bang đều lên tiếng phản đối việc chính phủ Victoria ký kết với Trung cộng. Theo Hiến pháp Úc chỉ có liên bang mới có quyền ký kết với các chính phủ nước ngoài.
Đầu tư tạo công ăn việc làm…
Đến tháng 10/2019, Chính phủ Victoria Daniel Andrews lại âm thầm ký Bản bổ túc, nhưng đến nay vẫn chưa công bố cho Bộ Ngoại giao và Thương mại biết về các hợp đồng đã ký kết.
Vào cuối tháng 5/2020, bị báo chí chất vấn, Thủ hiến Andrews xác nhận các hợp đồng lẽ ra đã bắt đầu từ cuối tháng 3/2020 nhưng vì đại dịch nên không thể tiến hành.
Nay tình hình đã tốt hơn nên hai bên tiếp tục thảo luận về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và thương mãi tạo công ăn việc làm cho tiểu bang Victoria.
Bản quyền hình ảnhNGUYEN QUANG DUY
Chính phủ liên bang, đảng đối lập tại tiểu bang Victoria và giới truyền thông liên tục đòi hỏi Thủ hiến Daniel Andrews cho công bố các hợp đồng đã ký với Trung cộng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Lãnh đạo đối lập, ông Michael O’Brien, tuyên bố sẽ hủy bỏ mọi thoả thuận “Vành đai, Con đường” nếu ông đắc cử trong lần tranh cử sắp tới năm 2022.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Úc, một chính phủ tiểu bang thách thức Hiến pháp Úc, thách thức chính phủ liên bang, thách thức chính đảng của họ và thách thức người dân đứng về phía ngoại bang, Trung cộng, đây là một trường hợp không thể xem thường.
Luật đầu tư mới “an ninh quốc gia”
Thứ Sáu tuần rồi 5/6/2020, Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Ngân khố (Bộ Tài chính) Josh Frydenberg của Liên bang tuyên bố sẽ cải tổ sâu rộng luật đầu tư ngoại quốc nhằm ngăn chận các trường hợp ảnh hưởng đến “an ninh quốc gia”.
Bản quyền hình ảnhNGUYEN QUANG DUY
Ông Morrison cho biết muốn đầu tư vào Úc, các công ty ngoại quốc phải theo các điều khoản của Úc, tuân thủ các quy tắc Úc và mang lại lợi ích cho nước Úc.
Theo luật mới, Bộ trưởng Ngân khố được quyền buộc các nhà đầu tư ngoại quốc trước đây phải bán lại các đầu tư cũ, và các đầu tư mới không được tiến hành, nếu bị đánh giá sẽ tạo rủi ro cho “an ninh quốc gia”.
Luật đầu tư mới sẽ áp dụng một bài kiểm tra “an ninh quốc gia” cho tất cả các khoản đầu tư ngoại quốc có ảnh hưởng đến công nghệ, viễn thông, năng lượng, dịch vụ và đặc biệt là quốc phòng.
Phát ngôn viên của đảng đối lập phụ trách về tài chính, Jim Chalmers, đã công khai ủng hộ Luật đầu tư mới, và Dự luật sẽ được đưa ra Quốc Hội để biểu quyết thông qua vào cuối năm 2020.
Theo Luật đầu tư này, tất cả các thỏa thuận của chính phủ Victoria của Daniel Andrews sẽ bị duyệt xét và kiểm tra nếu vi phạm đến “an ninh quốc gia” sẽ bị hủy bỏ.
Theo nhóm biểu tình hôm 07/06 trước Quốc hội tiểu bang Victoria, họ lo ngại liệu chính phủ Andrews nếu mắc nợ Trung cộng “sẽ có phải bán cảng của thành phố Melbourne”, giống như năm 2015 chính phủ Bắc Úc đã phải bán cảng Darwin cho Trung cộng?
Nhiều dự án “Vành đai, Con đường” đã trở thành bẫy nợ, khi các quốc gia không đủ khả năng trả lại các khoản vay của họ cho Trung cộng. Năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao một cảng biển lớn cho Bắc Kinh, những người biểu tình cho biết.
Bản quyền hình ảnhNGUYEN QUANG DUY
Cũng tin từ Úc cho hay, vì Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra về căn nguyên dịch Covid-19 từ Vũ Hán nên Bắc Kinh đã trả đũa, tuyên bố ngừng mua thịt bò từ bốn công ty thịt của Úc, đánh thuế 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc và đe dọa ngừng nhập khẩu than, quặng sắt, rượu vang của Úc.
Mới tuần trước, hôm thứ Sáu 5/6/2020, Trung cộng khuyến cáo người dân không du lịch Úc, không cho con cái sang du học Úc với lý do nước Úc “kỳ thị người Á châu”.
Người viết bài này tin tưởng rằng Úc là một quốc gia coi trọng các giá trị dân chủ, chính phủ phải liêm chính và minh bạch mọi chính sách, mọi việc làm, vì thế chính phủ Victoria không thể có chính sách làm ăn riêng với Trung cộng, ngược lại các giá trị và quyền lợi chung của nước Úc.
Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Úc
BBC (08.06.2020)
***
Bài đọc thêm:
Âm mưu nham hiểm của Trung cộng với kinh tế Thế Giới
Bắc Kinh tìm cách mới để len sâu vào những nước dè chừng với tiền của Trung cộng. Thé giới cần cảnh giác kẻo mắc mưu lớn của chúng, kể các các nước giàu như Úc.
Victoria, bang đóng góp nhiều thứ 2 vào nền kinh tế Australia, có kế hoạch tham gia và Sáng kiến Vành đai & Con đường, bất chấp quan hệ đang căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh.
Đóng góp khoảng 25% GDP Australia, Victoria là bang quan trọng thứ 2 của đất nước cả về dân số và kinh tế, chỉ sau New South Wales. Nhưng bất chấp quan hệ khá căng thẳng giữa Australia và Trung cộng vào thời điểm này, chính quyền bang Victoria cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch trở thành một phần của Sáng kiến Vành đai & Con đường của Bắc Kinh.
Điều này làm dấy lên những lo ngại ở Canberra về việc dòng tiền của Trung cộng sẽ giúp tài trợ cho các dự án có khả năng đe doạ tới an ninh quốc gia của Australia.
Tuy nhiên, thủ hiến bang Victoria, ông Daniel Andrews, gần đây vẫn tuyên bố rằng việc hợp tác với Trung cộng là “tấm hộ chiếu cho xuất khẩu”, sẽ giúp tạo ra việc làm để hồi phục nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19.
Các toà nhà của chính quyền bang Victoria ở Melbourne được chiếu màu đỏ để thể hiện sự chia sẻ với Trung cộng trong giai đoạn đầu dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Zuma Press.
Canberra một đằng, Victoria một nẻo
Thoả thuận này đang khoét sâu khoảng cách giữa chính quyền bang Victoria và chính quyền trung ương ở Canberra – nơi cái nhìn về Bắc Kinh có phần đi xuống với những chỉ trích về cách Trung cộng xử lý sự bùng phát của virus corona. Nhiều nhà lập pháp đang kêu gọi chính phủ tận dụng thời điểm này tái cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc của Australia vào Trung cộng.
Theo thoả thuận, chính quyền bang Victoria sẽ hợp tác với Bắc Kinh trong các dự án cơ sở hạ tầng, công nghệ sinh học, sản xuất kỹ thuật cao và đổi mới công nghệ. Melbourne, thủ phủ của bang, là nơi có nhiều công ty khởi nghiệp về công nghệ sinh học và chăm sóc sức khoẻ của Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết ông không ủng hộ việc bang Victoria quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai & Con đường, và “thường thì các bang cần phải tôn trọng và công nhận vai trò của chính phủ liên bang trong việc hoạch định chính sách đối ngoại”. Victoria đã không tham khảo chính quyền Canberra khi ký kết thoả thuận khung với Bắc Kinh vào tháng 10 năm ngoái, và bộ phận đối ngoại của chính phủ chỉ được thông báo vào ngày ký thoả thuận, một quan chức chia sẻ với WSJ.
Ông Clive Hamilton, chuyên gia về Trung cộng tại Đại học Charles Sturt ở Canberra, cho rằng chiến lược của Bắc Kinh là “dùng nông thôn bao vây thành thị”, và Trung cộng đang tăng cường sức ảnh hưởng ở thủ phủ của các bang, qua đó gây áp lực lên chính quyền trung ương.
Chính sách cứng rắn với Trung cộng của Washington cũng khiến cho chính quyền nhiều bang của Mỹ đang tìm cách để tạo kênh liên lạc thay thế với Trung cộng mà không thông qua chính phủ Mỹ. Ví dụ cho việc này là một hội nghị được tổ chức hồi tháng 5/2019 ở Lexington, bang Kentucky, trong đó quan chức địa phương của các bang Kentucky, Tennessee, Michigan và Colorado đã trao đổi với các quan chức cấp tỉnh của Trung cộng.
Căng thẳng bắt đầu gia tăng giữa Canberra và Bắc Kinh từ năm 2018, sau khi chính quyền Australia siết chặt luật phản gián và chống can thiệp nước ngoài, cũng như cấm các công ty công nghệ Trung cộng như ZTE và Huawei tham gia cung cấp hạ tầng cho hệ thống mạng di động 5G – đứng về phía Mỹ trong vấn đề và cảnh giác với gián điệp mạng từ Bắc Kinh.
Chính quyền của Thủ tướng Scott Morrison đang đứng về phía Mỹ trong việc thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, bất chấp việc Trung cộng là đối tác thương mại số 1 của Australia. Ảnh: Shutterstock.
Mối quan hệ xấu đi thêm vào tháng 5 vừa qua, sau khi các quan chức Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus corona. Bắc Kinh đáp trả bằng việc tăng thuế đối với lúa mạch Australia, cũng như đe doạ tảy chay các sản phẩm thịt và rượu của nước này, cũng như hạn chế khách du lịch và sinh viên đến Australia.
Bắc Kinh phủ nhật động thái này là việc gây sức ép kinh tế, nhưng một số nghị sĩ và chuyên gia an ninh cho rằng bang Victoria nên dừng kế hoạch này, vì cần sự đánh giá lại khi môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng.
“Trung cộng muốn can thiệp sâu hơn vào Australia”
“Các hoạt động trong kế hoạch Vành đai & Con đường của chính quyền bang Victoria đơn giản là không còn phù hợp với tình hình kinh tế và quốc tế mới, bao gồm xu hướng cưỡng ép công khai mà Bắc Kinh đang thực hiện với Canberra trong thương mại và quan hệ chính phủ“, ông Michael Shoebridge, cựu quan chức tình báo quốc phòng hàng đầu của Australia, nhận định.
“Việc các lãnh đạo chính trị ở Victoria ủng hộ sự liên kết với Bắc Kinh về cơ sở hạ tầng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung cộng đang tạo ảnh hưởng ở Australia – trong bối cảnh mà sự đoàn kết quốc gia là cần thiết để đối phó với nhà nước Trung cộng“, ông Shoebridge nói thêm.
Một số nhà lập pháp Australia cho rằng chương trình Vành đai & Con đường sẽ làm tăng nguy cơ can thiệp nước ngoài. Ông Peter Dutton, bộ trưởng nội vụ Australia cho rằng bang Victoria cần phải giải thích tại sao họ là bang duy nhất trên cả nước tham gia vào sáng kiến của Bắc Kinh.
Đáp lại, Thủ hiến Andrews cho biết câu trả lời là vì chính quyền bang muốn tạo ra công ăn việc làm cho người dân. “Tôi sẽ không đi đến từng nơi trong số hàng trăm cơ sở kinh doanh, những nơi đã gửi hàng hoá tới Trung cộng nhiều hơn bao giờ hết, và nói rằng họ không nên làm thế”, ông Andrews trả lời các phóng viên.
Nhiều quốc gia, bao gồm Pháp, Canada, Australia và Ấn Độ cũng như Nhật Bản đang tăng cường siết chặt quy định về sở hữu nước ngoài trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, do lo ngoại các thực thể nước ngoài tìm cách kiểm soát các tài sản chiến lược bị mất giá.
Tổng cục Tín hiệu Australia, cơ quan phòng thủ không gian mạng hàng đầu của nước này, gần đây đã cảnh báo rằng các tác nhân với ý đồ xấu đang nhắm vào những tổ chức và các cơ sở nghiên cứu y tế để tìm kiếm và chiếm đoạt thông tin, cũng như những sở hữu trí tuệ liên quan đến việc phát triển vaccine và phương pháp điều trị – vốn đang là mối quan tâm của toàn cầu vào lúc này.
Ông Shoebridge, giám đốc phụ trách quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng mặc dù các công trình cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai & Con đường của Trung cộng tưởng chừng chỉ bao gồm bê tông và thép, nhiều dự án được “gắn với công nghệ kỹ thuật số”.
Trung cộng quảng bá Sáng kiến Vành đai & Con đường như một cách để liên kết chặt chẽ với nền kinh tế các nước trên khắp châu Á, châu Phi châu Âu, Trung Đông và châu Mỹ Latin, chủ yếu thông qua các cơ sở hạ tầng.
“Họ muốn có một mối quan hệ sâu hơn và can thiệp nhiều hơn. Công nghệ sinh học là một phần trong tầm nhìn của quân đội Trung cộng để trở thành một thế lực quân sự trong tương lai. Nếu nói những thứ này chỉ là khoa học và hoạt động dân sự là đã hiểu sai về nhà nước Trung cộng, và bề rộng của các hoạt động trong kế hoạch Vành đai & Con đường”, ông Shoebridge nói.