Đinh Yên Thảo
50 năm trước, ngày 29 tháng 10 năm 1969, tin nhắn điện tử đầu tiên được chuyển qua mạng, đánh dấu sự bứt phá về phương tiện thông tin liên lạc và khởi đầu cho một thời đại thông tin đầy hữu dụng cho nhân loại. Nếu tin nhắn từ đại học UCLA phát đến Viện Nghiên Cứu Stanford tại California đã mất hơn một tiếng đồng hồ để đến nơi thì người ta có thể hình dung internet đã phát triển thần kỳ thế nào với những cuộc trò chuyện thu hình xuyên lục địa được nối kết tức thời như hiện nay. Mời các bạn cùng chuyên mục chào mừng sinh nhật internet và điểm lược vài cột mốc quan trọng trong nửa thế kỷ qua.
1969: Tin nhắn qua mạng đầu tiên
Cuối thập niên 60, chỉ có bốn đại học Mỹ là UCLA, Stanford, UC Santa Barbara và Ðại Học Utah có các hệ thống máy tính kích cỡ bằng căn phòng dùng nối kết thực nghiệm qua mạng ARPANET thuộc Bộ Quốc Phòng và tiền thân của internet. ARPANET được thiết kế trong mục đích giúp các nhà nghiên cứu và quân đội có thể nối kết, giao tiếp, trao đổi và chia sẻ thông tin với các hệ thống máy điện toán khác từ xa vì lúc bấy giờ máy điện toán vẫn cồng kềnh và đắt tiền.
Ðêm 29 tháng 10 năm 1969, giáo sư Leonard Kleinrock cùng một sinh viên cộng sự đã phát tin nhắn vỏn vẹn chữ “LOGIN” đến Stanford nhưng hệ thống đã bị đứng máy ngay lập tức. Chỉ hai chữ “LO” được phát và đến nơi sau một tiếng đồng hồ nhưng đó là một khoảnh khắc lịch sử khi những nhà sáng chế và nghiên cứu biết rằng việc nối kết qua mạng đã thành công.
1971: E-mail đầu tiên được gởi đi
Nghiên cứu và thực nghiệm gởi e-mail đã bắt đầu từ sau khi tin nhắn đầu tiên được gởi đi. Năm 1971, Ray Tomlinson, một kỹ sư điện toán tốt nghiệp tại MIT và làm việc cho một hãng thầu thuộc chương trình thiết kế hệ thống ARPANET của Bộ Quốc Phòng đã lập trình và chuyển được thành công bức điện thư e-mail đầu tiên giữa hai máy điện toán trong cùng phòng làm việc của mình.
Sự thành công của Tomlinson đã được nhanh chóng cải đổi và áp dụng trên hệ thống ARPANET, đưa đến sự thành hình và phát triển một phương tiện thông tin liên lạc mới mẻ. Ray Tomlinson được ghi nhận là người đầu tiên phát minh và gởi đi email nhưng phổ biến hơn là ký hiệu @ ông đã dùng cho e-mail đang sử dụng cho đến nay.
1990: Trang mạng webpage đầu tiên ra đời
Hơn hai chục năm sau khi hệ thống internet ra đời, đến năm 1990 trang mạng đầu tiên mới được trình làng vào tháng 8 năm 1990 trên máy điện toán thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Hạch Tâm Châu Âu CERN. Người phát minh và được gọi là cha đẻ của mạng nhện toàn cầu World Wide Web là khoa học gia điện toán người Anh Tim Berners-Lee.
Khi nói về internet, cũng nên nhắc về hai khoa học gia Vinton Cerf và Bob Kahn, những người đã phát minh giao thức (protocol) TCP/IP là xương sườn của internet trong khi giao diện (web browser) của Tim Berners-Lee là trang hiển thị nội dung đưa lên. Với dăm hàng chữ đơn giản ban đầu, hiện nay các trang mạng đã hiển thị đa dạng các tính năng âm thanh, hình ảnh, video với các kỹ thuật tân tiến và phức tạp để thực hiện nhiều tính năng khác nhau.
1995: Amazon ra đời
Kể từ sau khi Tim Berners-Lee phát minh World Wide Web, internet bắt đầu bùng nổ, kéo theo là nhu cầu giao dịch thương mại qua internet (e-commerce). Từ một nhân viên quản trị cấp cao của một hãng tài chính tại New York, chàng thanh niên 30 tuổi là Jeff Bezos đã lập một hãng bán sách qua mạng từ garage của mình tại Seattle, Washington, rồi trở thành tỉ phú giàu có nhất nhì thế giới và số nhân viên dưới quyền vào khoảng 650 ngàn người.
Amazon lần lượt bán thêm băng nhạc, phim ảnh. Rồi đến áo quần, giày dép, hàng điện tử, đồ gia dụng. Rồi bất cứ thứ gì cùng vô số dịch vụ cùng các kỹ thuật cao và các thương phẩm điện tử do chính Amazon chế tạo như hiện nay. Sự ra đời và phát triển của Amazon đã thay đổi kỹ nghệ bán lẻ cùng cách thức mua sắm hàng hóa của cả thế giới. Khoảng 40 % lượng mua sắm qua mạng là từ Amazon.
Giáo sư Leonard Kleinrock với tin nhắn đầu tiên – nguồn twitter
1997: Mobile Internet
Có thể xem việc phát triển của các thế hệ kỹ thuật trong truyền thông đã đi theo cùng với sự phát triển internet để đáp ứng được nhu cầu nối kết. Khoảng đầu năm 1997, Nokia 9000 Communicator 2G xuất hiện và được xem là điện thoại đa năng đầu tiên có thể nối kết internet qua màn hình LCD khá khai sơ với giá khoảng 1,600 đô la. Ðến 2001 thì Ericsson mới trình làng điện thoại T68 màn hình màu với giao diện (web browser) khá đơn giản. Theo sau là các điện thoại như PalmOne, BlackBerry…
Năm 2007, Apple trình làng iPhone đầu tiên (iPhone 1 hay iPhone 2G), xem như một cuộc cách mạng về điện thoại đa năng có màn hình cảm ứng (touch screen) và được bình chọn là Phát Minh Trong Năm. Lần lượt thay đổi kiểu dáng và đặc tính kỹ thuật, cho đến nay với thế hệ iPhone 11 vừa trình làng thì điện thoại đa năng đã đi một bước rất xa chỉ trong khoảng một thập niên qua và là phương tiện chính yếu để người sử dụng nối kết vào internet.
1998: Google ra đời
Tháng 9 năm 1998, Google chính thức ra đời trong garage tại Menlo Park, California do hai sinh viên ban tiến sĩ trẻ tuổi tại đại học Stanford là Larry Page và Sergey Brin thành lập sau vài năm nghiên cứu thành công công cụ tìm kiếm qua internet được đặt tên là Google.
Từng ra giá bán Google với giá chỉ một triệu đô la vào năm 1999 nhưng bị từ chối, Google đã từng bước phát triển thành trang mạng được sử dụng nhiều nhất thế giới hiện nay và nằm trong bốn tập đoàn kỹ thuật lớn của thế giới (Big Four) cùng với Amazon, Apple và Facebook. Google tái tổ chức sau khi mua lại nhiều công ty khác và hiện nằm dưới hãng chính có tên là Alphabet Inc, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ internet liên quan đến quảng cáo, lưu trữ dữ liệu, cương liệu và nhu liệu…
2004: Facebook ra đời
Ở tuổi 18, Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook đã khước từ lời chào mời béo bở của AOL và Microsoft với giá một triệu đô la cho ứng dụng nghe nhạc được anh phát minh và về đầu quân cho các hãng này để tiếp tục việc học tại Harvard. Mark bỏ học và tạo dựng nên một “đế chế” có hàng tỉ “thần dân” cùng gia sản khoảng 74 tỉ đô la ở tuổi 35 hiện nay.
Ý tưởng tạo dựng Facebook ra đời khi Mark nhạy bén nắm bắt được nhu cầu giao tiếp xã hội của các sinh viên Harvard muốn chia sẻ những hình ảnh, thông tin liên lạc như trong các cuốn niên giám. Tháng 2 năm 2004, Facebook ra đời với tên gọi TheFacebook, tiền thân của Facebook hiện nay khi bỏ bớt “The” ngay phòng trọ trong ký túc xá Harvard do một chàng sinh viên năm thứ hai 19 tuổi cùng một nhóm bạn thực hiện. Khởi đầu chỉ riêng dành cho SV Harvard, rồi mở rộng ra khối đại học Ivy, đến toàn đại học Hoa Kỳ, xuống đến bậc trung học, đại học thế giới, Facebook nhanh chóng gia tăng số người gia nhập. Với khoảng 2.4 tỉ người sử dụng, Facebook là trang mạng xã hội lớn và có nhiều ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.
2005: YouTube ra đời
Trang mạng YouTube.com chính thức chào đời ngay trong lễ Tình Nhân tháng Hai năm 2005 để tải các thước phim lên internet và chia sẻ với những người khác. Youtube do ba kỹ sư trẻ là Chad Hurley, Steve Chen và Jawed Karim sáng lập và chỉ một năm sau, YouTube trở thành một trong những trang mạng phát triển nhanh nhất trên internet trong năm 2006 và được Time bình chọn là Nhân Vật Trong Năm. Cũng trong năm này, Google đã nhạy bén sớm nhận ra tiềm năng to lớn của YouTube nên đã mua lại với giá tiền 1.65 tỉ đô la, một thương vụ lớn hàng thứ nhì mà Google từng thực hiện lúc bấy giờ.
Hiện nay YouTube không chỉ là một phương tiện quảng cáo hữu hiệu mà người sử dụng xem đây là công cụ không thể thiếu qua các clip phim về giáo dục, huấn nghệ, giải trí, thông tin, âm nhạc, điện ảnh… miễn phí với các hàng triệu clip phim được tải lên mỗi ngày. YouTube cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ truyền hình, âm nhạc từ đôi năm qua.
2019: Internet hôm nay
Sau 50 năm phát triển, internet hôm nay đã có tốc độ người sử dụng nối mạng lần đầu nhanh nhất, mỗi ngày có trung bình khoảng hơn một triệu người lần đầu tiên có cơ hội vào internet. Theo báo cáo Global Digital 2019 thì hiện nay có khoảng 5.2 tỉ người sử dụng internet, trong đó là 3.5 tỉ người nối kết vào mạng xã hội, phần lớn qua điện thoại đa năng.
Việc mua hàng online cũng là một cuộc cách mạng trong kỹ nghệ bán lẻ và ngày càng gia tăng trong năm qua, người tiêu dùng đã mua sắm khoảng 517 tỉ đô la qua mạng chỉ riêng tại Mỹ. Có khoảng một phần tư dân số thế giới, tức khoảng 1.92 tỉ người mua sắm hàng qua mạng trong năm nay, trong đó hai phần ba là sử dụng điện thoại cầm tay để mua sắm.
Ðể hình dung chi tiết hơn về mức độ sử dụng internet hôm nay, thì theo dữ liệu được tổng hợp từ Visual Capitalists, trong một phút đồng hồ đã có 1 triệu nối kết vào Facebook, 4.5 triệu lượt xem YouTube và khoảng 41.6 triệu tin nhắn được gởi qua các ứng dụng nhắn tin như Whatsapp và Facebook Messenger, 3.8 triệu lượt tìm kiếm qua Google và hơn hết là 188 triệu e-mail được gởi đi. Và trong một phút này cũng đã có khoảng 6.7 triệu đô la được bỏ ra để mua sắm qua internet.
Cũng ghi nhận thêm rằng, cuộc cách mạng công nghệ cao tại Mỹ đã làm thay đổi cả nhân loại trong vài thập niên qua đều do những thanh niên trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi thực hiện. Ðiều gì đã giúp họ tạo ra sự thần kỳ này? Tài năng, viễn kiến cùng sự tự do, vượt thoát để đạt đến những giấc mơ vô hạn? Ðó là điều cần suy nghĩ.
Đinh Yên Thảo