Seite auswählen

USCIRF kêu gọi Mỹ vận động cho tù nhân tôn giáo ở Việt Nam

https://vietnamthoibao.org/wp-content/uploads/2020/06/VN-tu-nhan-luong-tam-HRW-2019.jpg

Đàn áp tôn giáo tại Việt Nam vẫn nghiêm trọng nên Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) kêu gọi chính phủ Mỹ tiếp tục vận động với nhà cầm quyền CSVN ở các cấp độ khác nhau, hậu thuẫn cho các tù nhân tôn giáo tại Việt Nam.

Hôm Thứ Ba, 9 Tháng Sáu, trong một bản cập nhật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam, USCIRF cho hay số tù nhân lương tâm tại Việt Nam càng ngày càng nhiều hơn trước. Bản phúc trình của tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International, AI) hồi Tháng Năm, 2019, nói nhà cầm quyền CSVN đang giam giữ 128 tù nhân lương tâm trong khi năm 2013 chỉ có 75 người. Tuy nhiên, theo một tổ chức khác, số tù nhân lương tâm tại Việt Nam năm 2019 ít nhất có 251 người so với 165 người bị giam giữ hồi năm 2017.

Trong số những tù nhân lương tâm kể trên, người ta ước tính một phần ba trong số đó bị bỏ tù vì có liên quan đến hoạt động cho tự do tôn giáo hoặc có niềm tin tôn giáo, gồm cả Công Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo. Các tù nhân tôn giáo không được nhà tù cho tiếp cận kinh sách hoặc được chăm sóc y tế đầy đủ.

Một số tù nhân tôn giáo bị kết tội chỉ vì người ta không chịu thực hành tôn giáo dưới cái dù của các tổ chức tôn giáo quốc doanh. USCIRF nêu ra trường hợp cha con ông Bùi Văn Trung, Bùi Văn Thắm, bị bỏ tù vì không chịu gia nhập tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo quốc doanh.

Trước đó, hơn hai chục thành viên của nhóm Ân Đàn Đại Đạo ở Phú Yên đã bị vu cho tội “âm mưu lật đổ” nhà cầm quyền CSVN với các bản án rất nặng nề. Nhóm này thực hành như một hệ phái Phật Giáo.

Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, USCIRF đứng ra bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyển và đưa ông vào dự án Tù Nhân Lương Tâm Tôn Giáo. Ông Truyển là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hiện đang thụ án tù 11 năm tù vì bị vu cho tội “âm mưu lật đổ” trong khi ông chỉ hoạt động nhân quyền, trong tay không một tấc sắt hoặc hô hào lật cái gì.

Trong bản tường trình cập nhật, USCIRF nêu trường hợp Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Ngài là tù nhân tôn giáo nổi tiếng nhất tại Việt Nam bị nhà cầm quyền CSVN nhốt tại chùa Thanh Minh Thiền Viện từ năm 2003 cho đến năm 2018 thì bị trục xuất về quê nhà tại miền Bắc. Ngài trốn về Nam, ở trong chùa Từ Hiếu tại Sài Gòn cho đến khi qua đời ngày 22 Tháng Hai, 2020. Tang lễ của ngài đã bị nhà cầm quyền CSVN tìm cách cản trở.

Nhà cầm quyền CSVN luôn luôn chối không hề có tù nhân lương tâm, tù chính trị hay tù tôn giáo tại Việt Nam. Người bị bỏ tù thì bị tước đoạt luôn quyền sống đạo trong nhà tù dù luật lệ nói ngược lại. USCIRF nêu trường hợp thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, một tín đồ Công Giáo đã tuyệt thực gần một tháng vì ông không được gặp một vị linh mục để xưng tội rước lễ trong mùa Phục Sinh.

Ông Lê Đình Lượng, một tù nhân gốc Công Giáo bị kết án 20 năm tù cũng bị cấm không cho tiếp cận thánh kinh, không cho phép gặp linh mục để xưng tội, rước lễ tại nhà tù Ba Sao, tỉnh Nam Hà.

USCIRF kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục vận động ở mọi cấp bậc với nhà cầm quyền CSVN cho các tù nhân lương tâm nói chung và tù nhân tôn giáo. Ủy hội còn khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ mở rộng chương trình huấn luyện cho nhà cầm quyền CSVN, gồm cả cai tù, về “tự do tôn giáo.”

Ngày 10 Tháng Năm, 2020, trong bản phúc trình thường niên, USCIRF đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách “Các nước cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo vì Hà Nội vẫn vi phạm quyền tự do tôn giáo một cách có hệ thống, trầm trọng.

Theo Người Việt (12.06.2020)

Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trả tự do cho các nhà văn và bloggers bị bắt giữ

Nhiều tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế, hôm 11/6, gởi thư ngỏ đến chủ tịch Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, Quốc Hội Âu Châu, Ủy Ban Nhân Quyền thuộc Quốc Hội Âu Châu và các báo cáo viên đặc biệt LHQ về tự do ngôn luận, những người bảo vệ nhân quyền, trong đó yêu cầu nhà cầm quyền CSVN tuân thủ các cam kết quốc tế và trả tự do tức khắc 4 nhà văn, nhà báo độc lập bị bắt giữ gần đây và nhiều tù nhân lương tâm khác.

11 tháng Sáu, 2020

Kính gửi:

– Elisabeth Tichy-Fisslberger, Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Quyền LHQ
– David Sassoli, Chủ Tịch Quốc Hội Âu Châu

Đồng kính gửi:

– Mary LawlorDavid Kaye, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền
– David Kaye, Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Ngôn Luận
– Maria Aréna, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Âu Châu

Trong mấy tuần qua, lợi dụng trong lúc cả thế giới đang bận rộn tập trung giải quyết nạn đại dịch COVID-19, nhà nước Cộng Sản Việt Nam gia tăng đàn áp quyền tự do thông tin và ngôn luận bằng cách liên tiếp bắt giam những ký giả độc lập và các nhà tranh đấu cho nhân quyền. Sau khi bắt nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào tháng Mười Một, 2019, họ đã bắt thêm 3 bloggers nổi tiếng khác trong vòng vài ngày. Đó là các ông Trần Đức Thạch (23/04/2020), Phạm Thành (21/05/2020) và Nguyễn Tường Thụy (23/05/2020).

Phạm Chí Dũng là chủ tịch và sáng lập viên Hội Nhà Báo Độc Lập. Ông Dũng bị truy tố vi phạm điều 117 (Làm, tàng trữ các tài liệu, tuyên truyền chống phá nhà nước). Đây là một điều luật rất thường xuyên được CSVN dùng để bóp nghẹt những tiếng nói đối lập. Ông Dũng bị bắt vài ngày sau khi gửi thư đến Quốc Hội Âu Châu yêu cầu không thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam (EVFTA) vì Việt Nam vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Sau 6 tháng bị giam giữ, ông Dũng vẫn chưa được đem ra xét xử.

Nguyễn Tường Thụy là quyền chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập sau khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt. Năm 2014, ông Nguyễn Tường Thụy đã phát biểu trước Quốc Hội Hoa Kỳ để chia sẻ về những sự đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam.

Trần Đức Thạch là một nhà văn đã từng ngồi tù 3 năm, từ 2008 đến 2011. Ông là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức bị nhà nước Việt Nam đàn áp khốc liệt từ nhiều năm qua.

Phạm Chí Thành là một blogger nổi tiếng qua trang blog Bà Đầm Xòe. Năm 2019, ông Phạm Chí Thành đã xuất bản cuốn sách chỉ trích Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, Phạm Chí Thành chỉ trích những nhượng bộ của CSVN đối với Trung Quốc và mang ra ánh sáng những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng CSVN.

Tiểu sử 4 người được kèm trong phần phụ lục.

Trong dịp Kiểm Điểm Định Kỳ về Nhân Quyền (Universal Periodic Review – UPR) đầu năm 2019, đại diện nhà nước Việt Nam đã tuyên bố trước LHQ là Việt Nam không có tù nhân lương tâm và các quyền tự do con người đều được tôn trọng và phát huy. Đã đến lúc Hội Đồng Nhân Quyền LHQ yêu cầu Việt Nam phải hành động đúng theo những lời tuyên bố đó bằng cách trả tự do cho các người vừa bị bắt và các tù nhân lương tâm khác.

Vào đầu năm nay, một lần nữa nhà nước Việt Nam đã hứa hẹn nhiều với Liên Minh Âu Châu để được Quốc Hội Âu Châu thông qua Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam (EVFTA). Nhưng ngày nay, bộ mặt giả dối của họ đã được hiện rõ.

Chỉ vài tháng sau, trong lúc đại dịch vẫn đang hoành hành thì nhà nước Việt Nam đã vội vã trở tay đàn áp những người blogger ôn hòa, thay vì thực thi những điều họ đã cam kết, như thông qua Công Ứơc 87 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO (về tự do thành lập công đoàn) và thành lập các nhóm quan sát Hiệp Định EVFTA.

Trước thềm đại hội 13 của Đảng CSVN vào tháng Giêng, 2021, nhà nước Việt Nam muốn bịt miệng các tiếng nói chỉ trích. Đây là một hành động đã thường được nhìn thấy từ nhiều thập niên qua. Nhà nước Việt Nam cần phải thay đổi “truyền thống” này và mở một giai đoạn mới bằng cách trả tự do cho các tù nhân lương tâm, các ký giả độc lập và hủy bỏ các đạo luật mơ hồ như điều 109 (hoạt động nhằm lật đổ nhà nước) và 117 (tuyên truyền chống nhà nước).

Chúng tôi, những tổ chức xã hội dân sự ký tên dưới đây kêu gọi:

– Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu Việt Nam tạo điều kiện cho Người Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Tự Do Ngôn Luận và Báo Cáo Viên Đặc Biệt LHQ về Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền đến Việt Nam để gặp tận mặt các bloggers và nhà hoạt động;

– Quốc Hội Âu Châu tổ chức một cuộc điều trần công khai về tình hình nhân quyền tại Việt Nam với sự tham dự của những nhân chứng đến từ Việt Nam một khi các giới hạn di chuyển liên quan đến dịch Covid-19 chấm dứt;

– Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và Quốc Hội Âu Châu phải yêu cầu nhà nước CSVN tuân thủ những cam kết mà họ đã hứa hẹn và trả tự do ngay lập tức cho bốn nhà báo độc lập nói trên, cũng như tất cả tù nhân lương tâm khác hiện đang bị giam giữ như Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Đình Lượng, Nguyễn Trung Tôn, Châu Văn Khảm, Trương Duy Nhất, Nguyễn Năng Tỉnh, Nguyễn Văn Oai, Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức. Là một thành viên không thường trực của Hội Đồng An Ninh Liên Hiệp Quốc, hơn ai hết, Việt Nam cần phải làm gương và hành xử đúng với tư cách và chuẩn mực của quốc tế.

ACAT Pháp
ACAT Đức
ARTICLE 19 
Hội Bầu Bí Tương Thân
Hội Anh Em Dân Chủ
Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam (COSUNAM)
Destination Justice
English PEN
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do
Hội Nhà Báo Độc Lập (IJAVN) 
PEN America
PEN International
Phóng Viên Không Biên Giới (RSF)
Safeguard Defenders
Việt Tân
Watchdogs Unleashed

Xem thư ngỏ dạng PDF ở đây.

(11.06.2020)

Kêu gọi đưa nhà hoạt động Lê Anh Hùng ra khỏi bệnh viện tâm thần

Hình minh hoạ. Blogger Lê Anh Hùng

Hình minh hoạ. Blogger Lê Anh Hùng Photo by FB Hội Anh Em Dân Chủ

Can thiệp trả tự do cho nhà hoạt động trẻ Lê Anh Hùng, đang bị cầm giữ tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I ở Hà Nội, là điểm chính của Thư Ngỏ do một số nhà lão thành cách mạng và đảng viên lâu năm gửi đến Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Thư Ngỏ, đề ngày 8/6 có thể đọc được  trên các trang mạng xã hội trong nước, nêu rõ ông Lê Anh Hùng không mắc bệnh tâm thần mà là một nhà hoạt động trẻ, một blogger chuyên viết bài phản biện. Ông này bị lực lượng chức năng bắt giữ và sau đó bị đưa vào bệnh viện tâm thần như một người có bệnh.

Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, vốn quen biết  nhà hoạt động Lê Anh Hùng, cho hay Thư Ngỏ phát xuất từ sự quan tâm bấy lâu của những người hiểu rõ Lê Anh Hùng là ai:

Cá nhân tôi thì tôi thấy Hùng rất bình thường, nói năng nhỏ nhẹ, lịch sự. Trước đó, khi chưa bị bắt thì Lê Anh Hùng cũng hay lên sinh hoạt với các cụ này, bàn luận về tình hình đất nước rồi chia xẻ thông tin các thứ. Các cụ đều biết Lê Anh Hùng tố giác tội phạm và bị bắt mấy lần và bị truy tố. Đợt cuối cùng là ngày 5/7/2018 thì Lê Anh Hùng bị bắt tạm giam và truy tố. Thế nhưng việc khởi tố rồi sau đó không khởi tố nữa mà đưa chuyển sang bệnh viện tâm thần làm cho những người quan tâm rất  bức xúc. Các cụ cũng trong tâm trạng chung như thế”.

Các vị cao tuổi, tự giới thiệu là cán bộ Tiền Khởi Nghĩa và đảng viên lâu năm, trong đó có người đã 95 tuổi như cụ Nguyễn Văn Tuyến, xác nhận đã ký vào thư gởi ông Nguyễn Phú Trọng:

Tôi là một trong những “Tiền Khởi Nghĩa”, là lớp người đã dấn thân, tham gia trong cuộc đấu tranh cách mạng này. Tôi mới ký cái văn bản ấy và mới gửi. Tôi biết Lê Anh Hùng không bị tâm thần, phải nói người này viết những bài đấu tranh khá quyết liệt, biết ngoại ngữ tốt, dám làm, dám có thái độ để rồi bị người ta ghép vào tâm thần. Tôi  nói thế để cháu biết”

Phải trân trọng một thanh niên có nhân cách lành mạnh, có ý chí đấu tranh như Lê Anh Hùng, là phát biểu của ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân Vận Trung Ương đảng cộng sản Việt Nam:

Mình có ký tên vào thư của các cán bộ lão thành, đề nghị trả tự do cho Lê Anh Hùng. Hùng là một thanh niên rất tốt, rất tĩnh táo, ôn hòa, dám tố cáo những sai trái của một số cán bộ trong chế độ này. Thế nhưng người ta muốn bao che cho những cán bộ cao cấp ấy và họ vu cho Lê Anh Hùng là người bị tâm thần.  Thực ra bọn cầm quyền muốn bao che những tội lỗi của đồng đội mới là bọn điên khùng. Lê Anh Hùng tĩnh táo, sáng suốt, chỉ muốn đất nước này không tham nhũng, không cậy quyền, không ức hiếp nhân dân. Đấy là cái suy nghĩ hết sức lành mạnh của một thanh niên đáng trân trọng đáng kính phục”.

Chúng tôi rất lo, lo họ tiêm những thứ thuốc hại đến tinh thần của Lê Anh Hùng, đấy là điều đáng báo động. Trong  miền Nam cũng có những  trường hợp đấy, ngày trước cũng có những trường hợp như vậy, họ đưa rất nhiều người vào bệnh viện tâm thần, họ vu cho là điên nhằm giảm nhẹ hành động đấu tranh của những người tử tế ấy đi. Mong rằng dư luận xã hội và dư luận quốc tế quan tâm, áp lực lãnh đạo xem xét vấn đề Lê Anh Hùng một cách cho có văn hóa”.

Thư ngỏ gửi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nhà hoạt động Lê Anh Hùng

Thư ngỏ gửi Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về nhà hoạt động Lê Anh Hùng Photo: RFA

Nhà hoạt động Lê Anh Hùng bị bắt đi bắt lại nhiều lần. Tháng 12/2009 ông bị bắt tạm giam và bị khởi tố tội “Vu khống các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà Nước” theo điều 122 Bộ Luật Hình Sự. Sau đó ông bị đưa đi giám định với kết luận bị tâm thần, dẫn đến đình chỉ điều tra vụ án ngày 23/8/2010.

Được trả tự do rồi tiếp tục gởi cả trăm đơn thư tố giác đi khắp nơi, lần này Lê Anh Hùng bị Sở Lao Động-Thương Binh- Xã Hội thành phố Hà Nội bắt đưa vào Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội trong 12 ngày.

Tháng 7/2018 Lê Anh Hùng lại bị bắt, bị khởi tố Điều 331 Bộ Luật Hình Sự với tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ chống đối Đảng và Nhà Nước”.

Từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, Lê Anh Hùng bị giám định tâm thần hai lần, sau đó bị chuyển từ nhà giam vào Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I, nơi điều trị người mắc bệnh tâm thần. Chỉ đến khi đó gia đình mới biết mà đi thăm nuôi.

Theo lời bà Trần Thị Niêm, mẹ blogger Lê Anh Hùng, nói với đài Á Châu Tự Do ngày 12/6/2019, tình trạng con bà trong bệnh viện tâm thần là suy sụp cả tinh thần lẫn thể xác, bị đè ra đổ thuốc vào miệng bắt uống. Bà Trần Thị Niêm từng gởi thư đến Công An, Viện Kiểm Sát và Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I, yêu cầu cho Lê Anh Hùng về nhà vì bị cưỡng bức điều trị như một người điên.

Một người có cùng hoàn cảnh như Lê Anh Hùng, mục sư Thân Văn Trường thuộc Hội Thánh Báp Tít Việt Nam, bị bắt năm 2003 vì tội “Tuyên truyền chống Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Sau một năm trong tù, ông bị đưa đi giám đinh pháp y rồi bị giữ thêm một năm nữa trong Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương II, nơi mà người dân trước năm 1975 gọi là Nhà Thương Điên Biên Hòa. Mục sư Thân Văn Trường thuật lại với RFA như sau:

Bị đưa vào đó gọi là điều trị bắt buộc, vào là họ chích thuốc cho ngủ li bì không biết giờ giấc. Hết 15 ngày đầu tiên đó thì chuyển qua uống thuốc, sáng một lần, tối một lần  nữa. Thuốc đó để những bệnh nhân thật không phá phách, không kích động hay nổi loạn được ”.

“Tình trạng điều trị bắt buộc hết sức là nguy hiểm, uống thuốc như vậy cảm giác mình không còn thật nữa, đầu óc bị tê  liệt, không làm chủ được tay chân và mắt nhìn cũng không chính xác”.

Mục sư Thân Văn Trường ra tù năm 2005 nhờ sự vận động can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt từ đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài gòn. Đầu năm 2020, ông tìm cách đi thăm blogger Lê Anh Hùng tại Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương I ở Hà Nội:

Tất nhiên họ không cho gặp mặt nhưng tôi có nhìn thấy Lê Anh Hùng. Tôi lén vẫy chào thì tôi thấy tình trạng Lê Anh Hùng cũng không khá hơn gì tôi trong tình trạng bị điều trị bắt buộc

Cuối Thư Ngỏ, các nhà cách mạng lão thành khẳng định việc tố giác tội phạm là trách nhiệm công dân, và Lê Anh Hùng đã thực hiện trách nhiệm công dân của mình. Lê Anh Hùng cũng đã có ý kiến cam kết về trách nhiệm trong việc tố giác tội phạm của mình. Việc đối xử với công dân tố giác tội phạm như đối với Lê Anh Hùng sẽ ảnh hưởng tới tinh thần, trách nhiệm công  dân của người dân và làm suy giảm uy tín của Đảng và Nhà Nước.

Vì thế, Thư Ngỏ kết luận, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng nên xem xét và can thiệp để sớm trả tự do cho nhà hoạt động Lê Anh Hùng.

RFA (11.06.2020)

Hoa Kỳ: Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các nhóm tôn giáo chưa được công nhận

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, cùng nữ phát ngôn viên Morgan Ortagus (trái), và Đại sứ Lưu động Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback, tại cuộc họp báo công bố báo cáo tự do tôn giáo hôm 10/06/2020.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, cùng nữ phát ngôn viên Morgan Ortagus (trái), và Đại sứ Lưu động Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback, tại cuộc họp báo công bố báo cáo tự do tôn giáo hôm 10/06/2020.

Hôm 10/6/2020, phúc trình thường niên năm 2019 về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng chính quyền Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các chức sắc thuộc nhóm chưa được nhà nước công nhận, đồng thời tố cáo các hành động quấy rối của Hội Cờ Đỏ, Lực lượng 47 nhằm vào các linh mục và giáo dân.

Phúc trình viết: “Các nhà lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là những người đại diện cho các nhóm không được chính thức công nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký, cho biết bị chính quyền quấy rối bằng các hình thức khác nhau – bao gồm tấn công gây thương tích, bắt giữ, truy tố, giám sát, hạn chế đi lại và tịch thu tài sản”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục sách nhiễu các tín đồ Tin lành thuộc dân tộc thiểu số, đặc biệt là các thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ; chính quyền các tỉnh Tây Bắc sách nhiễu tín đồ Tin lành người H’mong và cả tín đồ Công giáo; chính quyền tỉnh Nghệ An và Tuyên Quang sách nhiễu giáo dân Công giáo và người theo đạo Tin Lành. Báo cáo nêu rõ rằng hầu hết các vụ sách nhiễu do chính quyền cấp địa phương và cấp tỉnh gây ra.

Báo cáo ghi nhận việc một số tín đồ Tin lành đang xin tị nạn ở Thái Lan cho biết rằng các thành viên gia đình của họ còn lại ở Tây Nguyên bị chính quyền địa phương tiếp tục quấy rối trên mạng xã hội, và trong một số trường hợp, các thành viên gia đình bị đe dọa và hành hung để gây áp lực buộc những người xin tị nạn phải quay về nước nhà.

Một số mục sư lên tiếng chỉ trích chính quyền, bày tỏ lo ngại về việc đi ra nước ngoài, sợ bị chặn lại ở biên giới hoặc bị giam giữ khi trở về nước, phúc trình cho biết.

“Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom (KKF) báo cáo một số trường hợp Phật tử bị bắt, thẩm vấn và bị giam giữ chỉ vì đã truy cập vào trang web và trang Facebook của KKF”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Trong năm 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp nhận các báo cáo cho biết các linh mục và giáo dân tiếp tục “bị quấy rối bởi Hội Cờ Đỏ của chính quyền, mặc dù nhóm này đã tự giải tán vào tháng 3/2018”.

“Các nhà lãnh đạo Công giáo cũng báo cáo về sự quấy rối trên internet của Lực lượng 47, nhóm có nhiệm vụ phản bác các lời chỉ trích chính phủ trên phương tiện truyền thông xã hội, lấy tên theo một đơn vị an ninh mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Công giáo không rõ các hành động quấy rối của nhóm này có phải do nhà nước tài trợ hay không”.

Phúc trình cho biết chính quyền Việt Nam tiếp tục quấy rối các cộng đồng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (UBCV) thông qua việc cưỡng chế các ngôi chùa và các cơ sở tôn giáo của họ và ép các thành viên của UBCV phải gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý.

Ông Trump ký lệnh thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế, trong đó có VN

Ngoài ra, phúc trình cho biết các quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ thường xuyên nêu quan ngại về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam với một loạt các quan chức chính phủ và lãnh đạo Đảng, bao gồm cả Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tôn giáo Trung ương, và các cơ quan khác tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, và các tỉnh thành khác.

Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi về phúc trình tự do tôn giáo 2019 của Hoa Kỳ. Vào tháng 7 năm ngoái, Bộ Ngoại Việt Nam cho rằng báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 2018 “đánh giá không khách quan do những thông tin sai lệch về Việt Nam”.

Diễn đàn Facebook

VOA (11.06.2020)

Gia đình nhà hoạt động Châu Văn Khảm lo ngại số phận ông trong tù

Bản quyền hình ảnhPETITION AT CHANGE.ORGImage captionÔng Châu Văn Khảm

Gia đình ông Châu Văn Khảm, nhà hoạt động người Úc gốc Việt 70 tuổi, nói rằng bản án 12 năm tù là một án tử hình với ông, và sợ rằng họ sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa, theo The Guardian.

Ông Khảm là một thành viên đảng Việt Tân về Việt Nam năm 2019 bị bắt, và bị kết án 12 năm tù về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.

Giới ủng hộ nhân quyền, luật sư và gia đình ông Châu Văn Khảm, nói rằng những cáo buộc chống lại ông là vô căn cứ và có động cơ chính trị, rằng phiên tòa xét xử ông cùng 5 bị cáo khác chỉ kéo dài một ngày là không công bằng, và vấn đề sức khỏe khiến ông khó mà sống sót trong lao tù.

Bà Trương Quỳnh Trang, vợ ông Khảm nói với The Guardian: “Xin vui lòng … mang ông ấy trở lại, mang ông ấy trở lại với tôi.”

Bà Trang cũng nói rằng ông Khảm là một người làm việc rất chăm chỉ, và ông không phạm tội ‘khủng bố’, và rằng ông xứng đáng được chính phủ Úc giúp đỡ.

Con trai ông Khảm là Daniel Châu nói với The Guardian rằng sức khỏe cha mình đã xuống dốc nghiêm trọng trong thời gian ngồi tù, và rằng việc ông bị biệt giam khiến gia đình càng lo ngại về sự sống còn của ông.

“Chúng tôi đã không thể nói chuyện trực tiếp với bố từ khi ông bị bắt vào 15/1. Tôi đã thấy ảnh ông trong phiên tòa, trông ông rất xanh xao. Mặc dù những người giam giữ ông nói là ông được điều trị, nhưng gương mặt ông trong phiên tòa cho thấy ông không khỏe chút nào.”

Bà Trang và luật sư người Úc Dan Phương Nguyen đã tới Canberra trong tuần này để gặp gỡ các nghị sĩ và đại diện của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc. Bà Trang nói bà biết ơn sự quan tâm của chính phủ Úc tới trường hợp của chồng bà, và mong chính phủ Úc có thể mang lại một bước đột phá.

Bà Trang cũng nói gia đình bà sẽ chấp nhận lệnh trục xuất ông ngay lập tức và cam kết ông Khảm sẽ không bao giờ quay lại Việt Nam, để đổi lấy sự tự do của ông.

Trong nhà tù tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Khảm chỉ được phép gặp một người họ hàng, em gái ông – sống ở Việt Nam – hai lần kể từ khi bị bắt. Cháu gái ông Khảm bay từ Úc sang Việt Nam để dự phiên xét xử đã bị từ chối không được thăm ông trong tù và cũng không được vào phòng xử án, theo The Guardian.

Ông Khảm sinh ra ở Việt Nam và phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975. Sau chiến tranh, ông Khảm từng bị đưa đi trại cải tạo trong ba năm, trước khi ông vượt biên tới Úc bằng tàu thủy năm 1983.

Ở Sydney, ông Khảm trở thành thợ làm bánh trong nhiều thập kỷ. Khi về hưu, ông Khảm trồng thanh long trong vườn để bán cho chợ địa phương, đồng thời trở thành nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.

Ông cũng trở thành một thành viên tích cực của đảng Việt Tân tại Úc.

Ông Khảm mới chỉ gia nhập Việt Tân vào năm 2010, nhưng đã trở thành người tổ chức chính các cuộc biểu tình ủng hộ cải cách và dân chủ hóa ở Việt Nam.

Năm 2019, ông Khảm muốn về Việt Nam để gặp một số người ủng hộ dân chủ tại đây nhưng bị chính phủ Việt Nam từ chối visa. Sau đó ông mang theo một số tài liệu và vào Việt Nam qua Campuchia.

Ông Khảm đã gặp được một số nhà hoạt động ở Việt Nam, những người được cho là đang bị chính phủ theo dõi chặt chẽ.

Sau khi bị bắt, thoạt đầu ông Khảm bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền, sau đó thì giảm đi một chút, thành tội ‘khủng bố chống lại chính quyền nhân dân’.

Khung hình phạt nhất cho cả hai tội danh này đều là tử hình, nhưng tù nhiều năm vẫn là hình thức phổ biến nhất.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế và mở cửa cho mạng xã hội, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì kiểm soát chặt thông tin và không nương tay với các chỉ trích chính trị trong và ngoài Việt Nam, bài báo của The Guardian bình luận.

Chính phủ Việt Nam mô tả Việt Tân là ‘tổ chức khủng bố’ trong khi Liên Hiệp Quốc mô tả đây là ‘tổ chức hòa bình ủng hộ cải cách dân chủ’.

Bộ Công an Việt Nam cho biết trong một tuyên bố rằng ông Khảm giữ một vị trí cấp cao trong đảng Việt Tâm tại New South Wales, và đã ‘tài trợ cho khủng bố’, đồng thời tuyển thành viên mới cho phong trào này.

“Đây là một trường hợp vi phạm an ninh quốc gia rất nghiêm trọng do những nhân vật chủ chốt của Việt Tân khởi xướng,” công tố viên nói tại phiên tòa.

Trong một bức thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne, kêu gọi chính phủ Úc hành động mạnh mẽ hơn nữa vì quyền lợi của ông Khảm, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Úc Elaine Pearson chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong phiên tòa và bản án kết tội ông Khảm.

Bị bắt vào tháng 1/2019, ông Khảm không được phép gặp luật sư cho đến tháng Mười. Tất cả các cuộc họp của ông với các quan chức lãnh sự đã được ghi lại và được thực hiện với sự có mặt của giám thị trại giam và các quan chức chính phủ khác, Pearson viết. Không có bằng chứng nào được đưa ra trong các tài liệu của tòa án, hoặc trong phiên tòa xét xử ông, về bất kỳ kế hoạch nào của ông Khảm để tham gia vào các hoạt động bạo lực, lật đổ hoặc khủng bố.

Ngoài ra, phiên tòa xử ông Khảm cùng 5 bị cáo khác diễn ra trong vòng chỉ bốn tiếng rưỡi, chỉ đủ thời gian để đọc tên bị cáo và tội danh bị truy tố, không đủ thời gian để nghe trình bày chứng cứ và bào chữa. Và cả hội đồng xét xử đều là thành viên ĐCS Việt Nam, theo tường thuật của The Guardian.

Luật sư của ông Châu Văn Khảm tại Việt Nam, Nguyễn Văn Miếng, nói rằng tại phiên tòa, ông Khảm bày tỏ lòng yêu nước và rằng ông ‘không hề có y’ định khủng bố’.

“Công tố viên lấy việc ông Khảm là thành viên đảng Việt Tân để buộc ông tội khủng bố. Mức án tù cho tù nhân chính trị ngày càng nặng,” ông Miếng nói.

Ông Khảm đã có đơn kháng án, nhưng ông chưa hề được gặp luật sư để chuẩn bị cho việc này.

Trong khi đó, khả năng của chính phủ Úc trong việc hỗ trợ các công dân Úc bị bắt ở nước ngoài thường hạn chế, theo The Guardian.

Có mặt tại Hà Nội vào tháng 8/2019, thủ tướng Úc Morrison đã được hỏi trực tiếp về trường hợp của ông Châu, và của chính phủ Úc.

“Người Úc cần tuân thủ luật pháp của các quốc gia mà họ thăm viếng,” ông nói. “Họ không thể vào một quốc gia khác mà không tuân thủ luật pháp nơi đó, nhưng chúng tôi sẽ luôn tìm cách hỗ trợ công dân của mình trong những hoàn cảnh khó khăn này.”

Vụ bắt giữ ông Khảm diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với các mối quan hệ của Úc ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh mối quan hệ Úc- Trung Quốc căng thẳng kéo dài, với ý thức rằng ảnh hưởng và năng lực của Hoa Kỳ giảm dần trên khắp Châu Á Thái Bình Dương, Úc đang tìm cách củng cố mối quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là các đồng minh như Việt Nam, The Guardian bình luận.

Trong khi đó, con trai ông Khảm đã phát động một thỉnh nguyện thư trên Facebook cá nhân, kêu gọi chính phủ Úc can thiệp ngay lập tức để bảo vệ công dân của mình.

Chính quyền Việt Nam nói gì?

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGESImage captionÔng Châu Văn Khảm (trái) – Người Úc gốc Việt là một thành viên của tổ chức Việt Tân

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó Phát ngôn Ngô Toàn Thắng cuối năm 2019 đã có trả lời chính thức báo giới trong nước về phiên tòa xử ông Châu Văn Khảm diễn ra ngày 11/11/2019.

Ông Thắng nói phiên xử ông Khảm và “đồng phạm thuộc thành viên tổ chức khủng bố Việt Tân đã diễn ra công khai, minh bạch, theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật Việt Nam, bảo đảm đầy đủ các quyền của các bị cáo. Đại diện Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP HCM đã được giải thích rõ khi theo dõi phiên toà”, theo tường thuật của Người Lao Động.

Ông Thắng cũng nói rằng Việt Tân là “tổ chức khủng bố, đã nhiều lần đưa người và vũ khí xâm nhập Việt Nam với mục đích phá hoại, gây bạo động, kích động hận thù dân tộc và gây bất ổn xã hội” và thời gian gần đây có các hoạt động nhằm “lật đổ” chính quyền Việt Nam.

Tường thuật về phiên tòa ngày 11/11/2019, báo Thanh Niên cho hay ông Khảm bị kết án 12 năm tù về tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự 2015 và sẽ bị trục xuất ngay khỏi Việt Nam sau khi mãn hạn tù.

Tờ này nói ông Khảm hoạt động theo chỉ đạo của chủ mưu là ông Đỗ Hoàng Điềm (56 tuổi, quốc tịch Mỹ). Ông Khảm nhập cảnh vào Campuchia hồi tháng 1/2019, sau đó sử dụng chứng minh nhân dân mang tên Chung Chính Phi “để xâm nhập bất hợp pháp vào Việt Nam” nhằm “lôi kéo, kết nạp” thêm các thành viên cho Việt Tân với mục đích “kích động biểu tình, chống phá nhà nước”.

Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN, trong một bài viết ngày 18/11/2019, nói rằng sau phiên tòa, “một số kẻ trong tổ chức khủng bố “Việt tân” lập tức la lối om sòm, vừa vu cáo Nhà nước Việt Nam, vừa đòi “trả tự do ngay lập tức” cho Châu Văn Khảm”, và nêu tên ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, và dân biểu Chris Hayes của Úc.

Truyền thông Việt Nam dường như không đưa thêm thông tin gì mới về tình trạng của ông Khảm từ sau phiên tòa tới nay.

BBC (11.06.2020)

Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo

Tin từ Hoa Thịnh Đốn: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đàn áp tự do tôn giáo trong năm 2019 cho dù Hiến pháp Việt Nam quy định tôn trọng quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của người dân.

Trong báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế được công bố vào sáng ngày 10/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ trích chế độ cộng sản Việt Nam tìm cách đàn áp tự do tôn giáo, đặc biệt nhắm vào các nhóm tôn giáo không được chính quyền thừa nhận, dưới nhiều hình thức như sách nhiễu, đánh đập, bắt giữ, truy tố, theo dõi, cấm đi lại hoặc tịch thu tài sản và đất đai của người thực hành quyền tự do tôn giáo.

Theo báo cáo, việc sách nhiễu và đàn áp tôn giáo diễn ra ở một số địa phương như: Cao nguyên Trung phần, vùng người theo đạo Thiên chúa của người H’mong ở vùng núi phía Bắc, và những tỉnh có nhiều người theo Tin lành và Công giáo như Nghệ An và Tuyên Quang.

Cụ thể, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã khiến khoảng từ 250 đến 300 người Thượng ở Tây Nguyên phải chạy lánh nạn sang Campuchia và Thái Lan kể từ năm 2017 trở lại đây, theo thống kê của Chính phủ Hoa Kỳ.

Báo cáo cũng nêu trường hợp giảng viên cao đẳng Nguyễn Năng Tĩnh thuộc Giáo phận Vinh bị kết án 11 năm tù giam chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận, và nhiều người thuộc các nhóm  tôn giáo độc lập như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Cao Đài và Hoà Hảo cũng bị đàn áp.

Theo thống kê trong báo cáo, hiện Việt Nam có khoảng hơn 97 triệu dân với khoảng 26.4% dân số là những người đang thực hành các hoạt động tín ngưỡng được ghi danh. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính 90% dân số Việt Nam theo một đức tin truyền thống nào đó bao gồm cả dạng được ghi danh với nhà nước và dạng không ghi danh.

Theo SBTN (11.06.2020)