SBS – Quan chức Phú Yên bị đề nghị chế tài sau vụ xung đột ở Thánh Thất Cao Đài Hiếu Xương
BPSOS đưa thêm các quan chức lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào danh sách đề nghị Hoa kỳ chế tài sau một vụ xung đột bị cho là có tính chất vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng tại Thánh Thất Cao Đài Hiếu Xương (Thánh Thất Phú Lâm) ở tỉnh này.
Vụ xung đột tại Thánh Thất Hiếu Xương
Sáng ngày 18/6/2020, một nhóm khoảng 60 người thuộc chi phái 1997 trá danh Cao Đài do nhà nước dựng lên cùng với công an thường phục đến Thánh thất Hiếu Xương (hay còn gọi là Thánh thất Phú Lâm) tại thành phố Tuy Hòa tỉnh Phú Yên đang do các tín đồ Cao Đài chân truyền cai quản để giành quyền điều hành nơi này.
Nhóm người này đọc huấn lịnh của người đứng đầu chi phái 1997 ông Nguyễn Thành Tám đòi quyền cai quản Thánh Thất Phú Lâm, đồng thời nhiều lần tìm cách xông vào Thánh thất, nhưng người đứng đầu Thánh Thất Chánh trị sự Nguyễn Hà, cùng các tín hữu của Thánh thất này và khoảng 100 tín đồ Cao Đài chân truyền khác đổ về từ các vùng lân cận đã quyết tâm bảo vệ Thánh Thất.
Nhận định của BPSOS
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch BPSOS nhận định:
“Đây là hành vi vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng chính Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo của Việt Nam và Điều 18 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị.”
Cũng theo ông Nguyễn Đình Thắng:
“Huấn Lịnh của Ông Nguyễn Thành Tám và các thuộc quyền của ông ta chỉ có hiệu lực trong nội bộ Chi Phái 1997, không thể áp đặt lên tín đồ thuộc một tôn giáo khác.”
Phản ứng của BPSOS
– Báo động Bộ Ngoại giao Hoa kỳ
Giám đốc điều hành Nguyễn Đình Thắng đã báo động với Hoa Kỳ về sự việc tại Thánh Thất Phú Lâm trong buổi họp thưởng kỳ với Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Sam Brownback và Bà Gayle Manchin, tân Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF).
Ông nói:
“Tuần qua đã có một diễn tiến hết sức đáng quan ngại liên quan đến Đạo Cao Đài. Đó là một động thái nổi bật theo hướng sai.
“Trước hết là thông tin bối cảnh. Năm 1978 Mặt Trận Tổ Quốc, cánh tay nối dài của Đảng Cộng Sản, cáo buộc nhiều lãnh đạo của Đạo Cao Đài là “phản động” và trục xuất họ khỏi Toà Thánh của họ, mà hệ quả thực tiễn là xoá sổ Hội Thánh Cao Đài.
“Năm 1997, Đảng Cộng Sản tạo ra một chi phái Cao Đài mới. Kể từ đó chính quyền Việt Nam đã hỗ trợ chi phái này để chiếm lĩnh khoảng 300 thánh thất của Đạo Cao Đài, kể cả Toà Thánh Tây Ninh. Việc chiếm lĩnh này thường đi kèm với sự ép uổng, bắt buộc hoặc bạo lực và có sự can dự của công an.
“Nhờ sự quan tâm và áp lực quốc tế, trong 2 năm qua chi phái này đã đình chỉ nỗ lực đánh chiếm nốt khoảng 15 thánh thất vẫn còn thuộc quyền quản trị của các tín đồ Cao Đài chơn truyền. Đáng tiếc, việc đình chỉ này đã chấm dứt vào tuần rồi ̣(qua vụ xung đột tại Thánh Thất Hiếu Xương”.
Ông cũng yêu cầu Bộ Ngoại Giao và USCIRF “gửi thông điệp rõ ràng và kiên quyết đến chính quyền Việt Nam rằng việc đang xảy ra ở Tỉnh Phú Yên là vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng và tuyệt nhiên không thể chấp nhận.”
Đề nghị chế tài
Do chính quyền Tỉnh Phú Yên có nhiều thành tích vi phạm tự do tôn giáo ̣(trong số 28 người Việt được USCIRF liệt kê trong danh sách nạn nhân bị đàn áp tôn giáo, có đến 22 người thuộc Tỉnh Phú Yên) nên BPSOS cũng đang đưa 7 quan chức lãnh đạo tỉnh Phú Yên vào danh sách đề nghị Hoa kỳ chế tài theo Luật Tự do Tôn giáo Quốc tế IRFA.
Biện pháp này cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với những quan chức đứng sau các hành vi đàn áp tôn giáo, và áp dụng cả cho vợ, chồng, con của họ; nếu những người này đang ở Hoa Kỳ thì bị trục xuất.
Bên cạnh đó, 16 quan chức khác cũng đang bị BPSOS đề nghị chế tài theo Luật IRFA vì đàn áp tôn giáo nghiêm trọng.
Ngoài ra BPSOS vẫn tiếp tục lập hồ sơ chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu (Global Magnitsky Act). Luật này cấm nhập cảnh đối với đương sự và cùng lúc đóng băng tài sản của họ ở Hoa Kỳ, nếu có, nhưng không áp dụng cho thân nhân trực hệ.
Tầm quan trọng của các báo cáo vi phạm tự do tôn giáo
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết trong hai năm qua BPSOS đã nộp khoảng 100 bản báo cáo về các vụ vi phạm tự do tôn giáo cho Bộ Ngoại Giao và USCIRF để hỗ trợ cho các đề nghị chế tài theo Luật IRFA.
“Các bản báo cáo này đã đóng góp cho bản phúc trình thường niên của cả 2 cơ quan này, mới đây nhất là bản phúc trình năm 2020 do USCIRF công bố ngày 28 tháng 4, bản phúc trình đặc biệt về tù nhân lương tâm do USCIRF công bố ngày 9 tháng 6, và bản phúc trình thường niên về tình trạng tự do tôn giáo do Bộ Ngoại Giao công bố ngày 10 tháng 6.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, “các báo cáo dồn dập với nội dung tương đồng này cho thấy chính quyền Hoa Kỳ đang quan tâm đặc biệt đến tình trạng đàn áp tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam mặc dù chính quyền Việt Nam tìm cách che mắt quốc tế qua các hình thức đàn áp tinh vi hơn trước đây.”
Kêu gọi cung cấp thông tin về nạn nhân tự do tôn giáo
Do Quốc hội Hoa kỳ muốn dùng danh sách những nạn nhân bị vi phạm tự do tôn giáo như một thước đo về tình trạng đàn áp tôn giáo ở một số quốc gia bị xem là vi phạm quyền tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới, trong đó có Việt Nam, BPSOS kêu gọi những ai có thông tin về các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo hãy cung cấp tại đâyđể BPSOS chuyển thêm vào danh sách của USCIRF.
VNTB (02.07.2020)
Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam ra mắt
Hình minh họa. Công nhân công ty Chí Hùng ở Bình Dương đình công hôm 28/5/2020 Photo: RFA
Vào ngày 1 tháng 7, Ban Điều Hành Nghiệp Đoàn Độc lập Việt Nam phát đi thông cáo báo chí ra mắt tổ chức có tên Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Thông cáo báo chí nêu rõ ‘Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam là một tổ chức gồm những người xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau, với mục tiêu thành lập các Nghiệp đoàn tự do. Chúng tôi hy vọng sẽ đồng hành với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động một cách hữu hiệu, nâng cao đời sống công nhân nhằm có được sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp đồng thời giúp cho người lao động Việt Nam được hưởng quyền lợi như ở các quốc gia khác trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương -CPTPP và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh Châu Âu- Việt Nam- EVFTA.’
Thông cáo báo chí kêu gọi công nhân trong các doanh nghiệp, người lao động tự do thuộc các ngành nghề lao động khác cũng như những lao động trí thức hãy gia nhập đội ngũ Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam. Nghiệp đoàn này sẽ hướng dẫn thành lập những nghiệp đoàn cho ngành nghề của người lao động tại các cơ sở để cùng bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Thông cáo báo chí ra mắt Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam nhắc lại cho đến nay Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác trên thế giới; trong đó có hai FTA thế hệ mới là CPTPP và EVFTA. Một trong những điều khoản quan trọng trong cả hai hiệp định thương mại tự do này là Việt Nam phải tôn trọng quyền của người lao động, đặc biệt quyền được thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tổ chức đại diện người lao động là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.
Thông cáo báo chí dẫn thực tế cho thấy chỉ những Nghiệp đoàn thật sự độc lập, không lệ thuộc bất cứ đảng phái nào, không bị doanh nghiệp nào chi phối mới dám đứng lên và tập trung vào việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Sự cạnh tranh giữa các tổ chức đại diện người lao động sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp cùng được hưởng lợi ích kinh tế một cách công bằng.
Ban Điều hành Nghiệp Đoàn Độc lập Việt Nam có 5 thành viên gồm Chủ tịch Bùi Thiện Tri, Phó chủ tịch Trần Nghĩa Quân, Tổng thư ký Ben Đặng, người phụ trách tài chính Phùng Tuệ Tâm, và cố vấn Nguyễn Nguyên Bình.
RFA (01.07.2020)
Bất đồng chính kiến Việt Nam: Mưu sinh và viễn kiến
Bản quyền hình ảnhSTR/GETTY IMAGES
Trong phần hai cuộc bút đàm với BBC News Tiếng Việt hôm 29/6/2020, năm nhà hoạt động chia sẻ viễn kiến, kỳ vọng của mình về tương lai của đất nước, và bình luận về khía cạnh mưu sinh như một điều kiện sống và hoạt động mà giới này đang phải đối diện.
Nhà báo tự do Cát Linh (từ Hà Nội): Khó khăn thì vô vàn. Một người bình thường cũng đã rất khó khăn để có đủ chi tiêu qua ngày. Còn với những người tham gia các hoạt động xã hội thì họ phải hy sinh rất lớn, bỏ nhiều thời gian, ít thời gian cho gia đình, công việc có thể nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì đuổi việc, … rất nhiều yếu tố cấu thành những khó khăn này.
Bản thân là một nhà báo tự do thì tôi thấy rằng rất khó để có một chỗ ở ổn định vì luôn bị quấy nhiễu, ép chuyển nhà, công việc tự do thì thu nhập cũng thất thường… và xã hội thì nhiều người vẫn nghĩ rằng mình là một người nguy hiểm, đây là điều đáng đau lòng nhất.
Nhà hoạt động Sương Quỳnh (nhà báo độc lập từ Sài Gòn): Đúng là vấn đề mưu sinh là vấn đề khó khăn nhất cho các nhà tranh đấu. Chính vì thế nhà cầm quyền quyết triệt công việc hay làm ăn của họ. Hầu hết những người tranh đấu ở Việt Nam đều vướng mắc về vấn đề này, sự tương trợ cũng chỉ mang tính cách chia sẻ. Không như đấu tranh ở Hong Kong có đủ các tầng lớp tham gia trong đó có cả tầng lớp trung lưu và doanh nhân, tỷ phú nên họ vững vàng về vật chất. Do đó ở Việt Nam nhiều người đấu tranh tâm huyết đành lùi một bước để mưu sinh. Đó là điều khó khăn tôi cho là bậc nhất trong phong trào đấu tranh hiện giờ.
Thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung (cựu tù nhân chính trị): Cô lập kinh tế, chặt đứt nguồn mưu sinh của các nhà hoạt động luôn là một trong những biện pháp đầu tiên mà nhà cầm quyền áp dụng. Bản thân tôi khi đang thử việc trong một công ty du lịch thì cũng bị an ninh làm khó dễ nên công ty đó đã buộc phải từ chối nhận tôi vào làm. Một số công ty khác cũng phỏng vấn tôi để tuyển dụng nhưng đã từ chối khi biết tôi từng là tù nhân chính trị.
Nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình (cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản): Câu hỏi nêu đúng vấn đề nan giải của giới bất đồng chính kiến hiện nay. Đối với chế độ toàn trị, đấu tranh tức là tránh vào đâu? Việc đầu tiên họ làm là phong tỏa vấn đề công ăn việc làm, thu nhập. Vấn đề mưu sinh thường nhật là vấn đề nan giải với không ít người đấu tranh. Nhiều bạn trẻ đấu tranh đã phải dừng bước, hạn chế tham gia vì còn phải lo sự tồn tại, duy trì cuộc sống. Đây là điều rất đáng tiếc. Vì sự phức tạp của môi trường đấu tranh, và sự hạn chế nhiều mặt, chưa có tổ chức nào, hội nhóm cộng đồng nào giúp được vấn đề căn bản, thiết thân này một cách bài bản, hệ thống. Bản thân tôi có lẽ vì đấu tranh lâu năm nên có được công việc đủ duy trì sự tồn tại, nhưng muốn làm việc gì nhiều hơn cho việc đấu tranh cũng rất khó khăn về nguồn lực, rất khó.
TSKH Nguyễn Quang A: Cộng sản ở mọi nơi luôn đánh vào cái dạ dày của các nhà hoạt động và tạo cho họ nhiều khó khăn về mưu sinh, nhưng thời nay có ngàn vạn cách để né cú đòn đó của nhà cầm quyền. Người Việt Nam chí ít cũng đã đòi lại được một số quyền kinh tế và về phương diện này các nhà hoạt động thời nay có thuận lợi hơn các vị tiền bối rất rất nhiều.
Chuyển động trước Đại hội 13?
Bản quyền hình ảnhAFP/GETTY IMAGES
BBC: Đã đang có sự chuyển động nào đáng nói, đáng ghi nhận nhất trong lòng các giới này và tương lai, viễn kiến sẽ ra sao, so với các thế hệ cũ, bối cảnh cũ, sẽ có xu hướng, tính mới nào, đặc biệt trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 thì ra sao?
Nhà báo tự do Cát Linh: Việt Nam đã thay đổi . Trong quá trình hội nhập với thế giới và để được bắt tay với thế giới thì dù muốn hay không, Việt Nam phải thay đổi. Điều đáng ghi nhận là nhiều người dân cũng đã hiểu được các mặt trái, phải của xã hội. Còn tinh thần xã hội, tinh thần để lên tiếng lên án những cái xấu thì cần thêm nhiều sự dũng cảm. Bên cạnh đó một số những chính trị gia không ngại phản biện trước các diễn đàn.
Đối với Việt Nam, chúng ta cần thời gian và mọi thứ sẽ thay đổi để Việt Nam có một Việt Nam rất riêng. Và nhắc lại là chúng ta không thể vội vàng. Đưa một quốc gia trở nên hùng mạnh thì cần trách nhiệm, nhận thức của tất cả mọi công dân.
Đại hội sắp tới sẽ có những sự thay đổi, trật tự mới trong hàng ngũ chính trường sẽ được sắp xếp lại. Nhưng để ảnh hưởng đến những vấn đề của xã hội thì cần phải quan sát thêm vì hiện tại chúng ta chưa biết ai sẽ lên và ai sẽ xuống.
Bà Sương Quỳnh: Những chuyển động đáng nói là càng ngày càng nhiều người dân đã thức tỉnh và nhìn nhận ra rõ nét hiện trạng đất nước bây giờ. Đó là nhờ mạng xã hội đã nỗ lực trong hàng chục năm qua dù những người đóng góp nhiều người phải trả giá bằng tù tội hay bị quản thúc, theo dõi gắt gao tại nhà.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Theo tôi, trước thềm Đại hội ĐCSVN lần thứ 13 thì phong trào dân chủ – xã hội dân sự sẽ đi xuống vì cuộc đàn áp đang khốc liệt. Rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt thời gian gần đây, kể cả những người thuộc diện sức khỏe yếu, độ tuổi “thất thập cổ lai hy”. Tuy nhiên, trước sự hung hăng bành trướng của cộng sản Trung Quốc trên biển Đông và trên toàn thế giới, các quốc gia dân chủ, văn minh và các quốc gia bị dính “bẫy nợ” đã nhận thức rõ ràng mối nguy hiểm của chế độ cộng sản Trung Quốc, sự tranh đấu, cạnh tranh khốc liệt giữa các cường quốc này sẽ tác động rất lớn đến cục diện chính trường Việt Nam với thuận lợi thuộc về những người dân chủ. Tác động của hậu Thế chiến II giữa hai phe Đồng minh và phát xít đã định hình nên Việt Nam hiện tại và bây giờ lịch sử sẽ lặp lại. Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia dân chủ và Trung Cộng độc tài sẽ định hình chính trị Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Chuyển động đáng nói, đáng ghi nhận nhất trong lòng các giới này, đó là họ nhận thức được cuộc đấu tranh rất khó khăn, gian khổ và nan giải sau một thời gian đàn áp khắc nghiệt của nhà cầm quyền. Khi họ nhận thức được thực tế, đúng và sát thì sẽ đưa ra những chương trình, kế hoạch và công việc phù hợp hơn, dẫn tới hiệu quả hơn và giảm bớt các tổn thất.
TSKH Nguyễn Quang A: Cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ không bao giờ chấm dứt, ngay cả ở các nền dân chủ tiên tiến. Lơi là một chút là thấy hậu quả ngay. Chính vì thế nó là một quá trình liên tục phải được duy trì nuôi dưỡng, nhắc lại (vì chứng quên là bản chất của con người). Tôi không thích kiểu so với các thế hệ trước, nó là quá trình liên tục nên phải dựa vào quá khứ (cả hay để phát huy và tránh cái dở) nhưng phải tỉnh táo vì thế giới luôn thay đổi, chỉ dựa vào kinh nghiệm cũ không ổn, phải học từ các nơi khác nhưng không nên sao chép (copy) mà phải làm cho hợp với hôm nay. Đại hội 13 của ĐCSVN chỉ là một chặng, tìm mọi cách (kể cả gây sức ép cho đến thuyết phục với các giải pháp đề xuất đa dạng). Cuộc đấu tranh này diễn ra trên nhiều mặt trận, cần nhiều đội quân khác nhau với các phương pháp và đối sách khác nhau.
Đủ năng lực và sẵn sàng?
BBC: Nếu ngay ngày mai có sự thay đổi điều kiện chính trị, thể chế ở đất nước, liệu các giới trên (bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động) đã sẵn sàng và có đủ khả năng, năng lực để bước ra tham chính, chấp chính, lãnh đạo, quản trị đất nước hay chưa, vì sao và thế nào?
Nhà báo tự do Cát Linh: Tôi nghĩ rằng việc tham chính, quản trị đất nước là vị trí của những người được người dân lựa chọn. Những người bất đồng chính kiến chỉ bày tỏ ý kiến của họ trước một ý kiến khác. Bất đồng chính kiến, thúc đẩy xã hội minh bạch, phát triển… không có nghĩa là họ muốn tham chính, muốn làm chính trị.
Bà Sương Quỳnh: Nếu có sự biến đổi và chính quyền thuộc về nhân dân thì tôi tin có nhiều người thực tài sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo đất nước từ nước ngoài lẫn trong nước. Thực ra ngay trong bộ máy nhà nước hiện giờ tôi cũng tin có những người tài giỏi nhưng họ bị khống chế vì cơ chế nên họ không thể dùng tổng lực làm việc hữu hiệu. Nhưng nếu cơ chế thay đổi có thể họ sẽ phát huy được năng lực của mình, những người này nếu chứng tỏ uy tín sẽ được bầu vào bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, để chế độ dân chủ thực thi như các nước văn minh thì Việt Nam còn phải trải qua nhiều năm để chọn được một lãnh đạo hoàn chỉnh đủ tài đức, khi đã có một bộ hiến pháp và pháp luật hoàn chỉnh để tuân thủ. Để chọn được lãnh đạo tài đức thì trình độ nhận thức, hiểu biết và ý thức của người dân phải gần được như người dân Hong Kong hiện giờ.
Th.S Nguyễn Tiến Trung: Nếu ngày mai có sự thay đổi ngay lập tức thể chế chính trị tại Việt Nam, tôi tin rằng các tổ chức, cá nhân dân chủ đã sẵn sàng bước ra tranh cử vào các vị trí dân cử. Nên nhớ rằng phong trào dân chủ đã có quá trình phát triển rất lâu dài tại Việt Nam chứ không phải mới đây. Có rất nhiều chính đảng, cá nhân trong và ngoài nước đã và đang âm thầm chuẩn bị cho vấn đề Hiến pháp mới, bầu cử hậu cộng sản. Nhờ vào mạng xã hội, Internet, cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trình độ dân trí ở Việt Nam đã cao hơn trước rất nhiều.
Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, chỉ sau 15 năm, nhờ vào thời cơ Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3/1945 đã có thể lên nắm quyền vào tháng 8/1945. Đảng này chỉ có vỏn vẹn 5 tháng được hoạt động công khai nhưng đã lật đổ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim để “cướp chính quyền”.
Hiện tại, thời cơ chắc chắn sẽ đến, nhưng tôi vẫn luôn mong mỏi tiến trình dân chủ hóa này sẽ diễn ra ôn hòa, trong tình tự dân tộc, vì sự phát triển tốt nhất của đất nước để xây dựng một nền dân chủ thực sự.
TSKH Nguyễn Quang A: Đừng mong đợi sự thay đổi hay điều kiện, hãy góp phần tạo ra sự thay đổi và các điều kiện đó! Vì cuộc đấu tranh là lâu dài gian khổ nên chưa thể mong có thay đổi “lớn lao” trong thời gian ngắn nếu chúng ta không hành động mà chỉ mong ước hay than phiền, nhưng có thể xây dựng một số yếu tố của xã hội dân chủ, tự do ngay trong lòng chế độ độc tài (đó là cách tích cực, không có nó thì cả ngàn năm nữa cũng không có dân chủ và tự do).
Hãy thực thi quyền của mình được nêu long trọng trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (tức là luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia từ đầu các năm 1980), trong hiến pháp chưa được tốt lắm hiện nay (và như thế chính quyền Việt Nam phải có nghĩa vụ pháp lý để tạo điều kiện pháp lý cho nhân dân Việt Nam thực thi các quyền ấy). Mọi người dân hãy thực thi các quyền đó mà không đợi ai cho phép và phải đòi chính quyền tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho nhân dân thực thi các quyền vốn có đó của mình (đó là nghĩa vụ chính của chính quyền vì nhân dân nuôi họ để họ làm việc đó mà họ không làm được thì phải đuổi họ xuống) với phương châm “biến quyền trên giấy thành quyền thực tế”, theo tinh thần “quyền ta ta cứ làm” (chưa có luật là lỗi của quý vị; luật cản trở là vi hiến và vi phạm luật quốc tế). Từng bước một chúng ta có thể giành lại các quyền vốn có và được luật quốc tế cũng như hiến pháp quy định và đến khi giành được các quyền chính trị cơ bản (quyền lập các đảng chính trị, bầu cử tự do trong sạch và công bằng) thì dân chủ hoá thành công và quan trọng nhất với một xã hội dân sự sôi động như vậy tạo cơ sở vững chắc cho sự củng cố nền dân chủ mới một cách bền vững!
Ông Nguyễn Vũ Bình: Câu trả lời là vừa có, vừa không. Có ở khía cạnh, khi chế độ sụp đổ, việc xây dựng thể chế dân chủ là việc sẽ xảy ra và chắc chắn xảy ra. Quá trình xây dựng thể chế dân chủ và việc người dân bầu chọn ra đội ngũ lãnh đạo đất nước chắc chắn sẽ được thực hiện. Như vậy, những người trong giới bất đồng chính kiến sẽ là những người được lựa chọn và có vị trí lãnh đạo trong tương lai. Điều đó có nghĩa là giới bất đồng chính kiến lúc nào cũng sẵn sàng tham gia vào việc điều hành, lãnh đạo đất nước. Nhưng nói là đủ khả năng, năng lực cũng rất khó nói (nói không đủ khả năng, năng lực cũng không được) vì để quản trị quốc gia, lãnh đạo đất nước nhất là trong giai đoạn chuyển đổi là việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, một thể chế dân chủ được xây dựng hữu hiệu sẽ sàng lọc tốt những người có đủ khả năng để lãnh đạo đất nước. Có thể giai đoạn đầu gặp khó khăn, song Việt Nam sẽ không bao giờ thiếu những người có đủ năng lực để quản trị, lãnh đạo đất nước.
BBC (01.07.2020)
Người nhà TNLT Nguyễn Trung Tôn bị giam lỏng, sách nhiễu
Hình minh hoạ. Mục sư Nguyễn Trung Tôn FB
Ngày 30 tháng 6 năm 2020, con trai của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn là anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa cho biết mình bị lực lượng an ninh thường phục của xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá tấn công bằng dùi cui ngay trước mặt công an và cảnh sát giao thông nhưng không ai can ngăn.
Bà Nguyễn Thị Lành, vợ TNLT Nguyễn Trung Tôn kể lại, từ ngày 26-6-2020, an ninh xã Quảng Yên đến nhà bà Lành, ra lệnh miệng yêu cầu tất cả mọi người không được ra khỏi nhà trong vài ngày tới.
Tối ngày 29-6, an ninh còn dùng dây khoá, khoá cổng nhà bà Lành để ngăn không ai trốn ra khỏi nhà trong đêm.
Sáng hôm sau, bà Lành phải dùng kiềm phá khoá để ra chợ bán hàng mưu sinh. Ở chợ, có một người lạ mặt mua hàng xong rồi quay trở lại mắng bà Lành cân thiếu, gian dối.
Bà Lành trả tiền lại nhưng người khách kia không chịu, nhất quyết đòi lên công an xã giải quyết. Một lúc sau thì công an cho xe đến đưa bà Lành về công an xã.
Đến 4 giờ chiều, con trai bà là Nguyễn Trung Trọng Nghĩa lo lắng chạy bộ từ nhà lên xã tìm mẹ. Khi ra khỏi nhà thì Nghĩa bị hai người bịt mặt, dùng dùi cui đánh liên tục. Bà Lành nói qua điện thoại với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Nó đánh phủ đầu luôn. Nó mặc áo che mặt, đánh bằng dùi cui điện, đập vào đầu thằng con trai tôi. Cháu bị thương máu me.
Rồi có một ông công an an ninh đưa cháu về về trạm y tế để băng bó rồi về uỷ ban xã lập biên bản mời công an huyện Quảng Xương giải quyết. Con tôi đi bộ mà cũng bị đánh. Nó không có bất đồng với ai ở đồng quê này.
Sáng nay cháu đi khám, mặt bị sương tấy, chỉ uống sữa được, răng bị gãy, vai bị đánh bằng dùi cui.”
Tại đồn công an xã, Nghĩa được một cán bộ cho biết rằng sở dĩ gia đình anh bị “giam lỏng” mấy ngày vừa qua là vì ông Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Daniel J. Kritenbrink có chuyến thăm huyện Quảng Xương, Thanh Hoá vào sáng 30-6.
Buổi trưa, ông Đại sứ rời đi thì lúc 5 giờ chiều, lực lượng an ninh canh gác nhà bà Lành nhiều ngày qua cũng rút hết.
Phóng viên Đài Á châu Tự do gọi điện đến công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa để hỏi về vụ việc nhưng không có ai bắt máy.
Tù nhân lương tâm, Mục sư Nguyễn Trung Tôn là một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông và gia đình từng nhiều lần bị chính quyền sách nhiễu, tra tấn, đánh đập, bôi nhọ.
Ông bị bắt lần 2 vào tháng 7-2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và bị kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong phiên tòa diễn ra vào tháng 4 năm 2018.
RFA (01.07.2020)
Báo cáo viên đặc biệt LHQ yêu cầu Việt Nam giải trình về ‘sách nhiễu’ tự do tôn giáo và nhân quyền
Thượng Toạ Thích Thiện Phúc và Thượng Toạ Thích Vĩnh Phước cùng với Uỷ Viên Kristina Arriaga của Uỷ Hội Hoà Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, ngày 4/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh BPSOS)
Liên Hợp Quốc vừa công bố một bức thư mà hai Báo cáo viên Đặc biệt của họ gửi cho Chính phủ Việt Nam ngày 30/4/2020 về các hành vi hăm doạ, sách nhiễu và đàn áp nhiều người khi có ý định hoặc đã tham gia một hội nghị quốc tế ở Thái Lan có sự hiện diện của giới chức LHQ.
Theo bức thư được công bố hôm 29/6, Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo hay niềm tin và Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền đứng tên yêu cầu Việt Nam trả lời về các hành vi “hăm doạ, sách nhiễu, cấm xuất cảnh, theo dõi và sử dụng bạo lực đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập và những người bảo vệ nhân quyền vì họ tìm cách tham gia hoặc đã tham gia hội nghị quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin khu vực Đông Nam Á năm 2019, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan).”
Nội dung của bức thư dựa trên các báo cáo từ chính các nạn nhân, do tổ chức BPSOS có trụ sở ở Mỹ thu thập, dịch và chuyển đến các cơ quan LHQ.
Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Khu Vực Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief Conference, SEAFORB Conference) là sự kiện hàng năm được tổ chức luân phiên tại các quốc gia Đông Nam Á.
“Năm 2019 là lần thứ 5 mà BPSOS đồng tổ chức sự kiện quốc tế này và năm nào cũng xảy ra tình trạng ngăn cản, hăm doạ, sách nhiễu hay trả thù đối với một số tham dự viên đến từ Việt Nam,” Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết. “Năm 2019 tình trạng này trầm trọng hơn mọi năm.”
Các trường hợp được nêu trong bức thư của các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ bao gồm các tín đồ Cao Đài đã bị ngăn cản không cho tham dự hội nghị và các giáo dân thuộc Giáo Xứ Cồn Dầu đã bị chặn tại sân bay Đà Nẵng khi họ trở về từ Thái Lan. Bức thư, được BPSOS chia sẻ, còn đề cập đến trường hợp Thượng toạ Thích Thiện Phúc, đi cùng đoàn giáo dân Cồn Dầu, cũng bị chặn tại sân bay và bị đưa vào phòng riêng thẩm vấn về thành phần tham dự và ban tổ chức cũng như nguồn tài trợ cho chuyến đi với những câu hỏi và cáo buộc rằng họ tham gia một hội nghị phi pháp do một tổ chức phản động tổ chức để nói xấu chính quyền.
Vẫn theo bức thư, tín đồ Tin Lành người Tây Nguyên Nay Y Ní bị gọi lên đồn công an vài ngày sau khi trở về từ hội nghị SEAFORB sau đó bị sa thải khỏi bệnh viện nơi ông làm việc. Bức thư còn nhắc tới 2 trường hợp bị cấm xuất cảnh dù không liên quan đến hội nghị SEAFORB, là Linh mục Nguyễn Đình Thục người bị cấm xuất cảnh khi lên đường sang Tokyo để chào đón Đức Giáo Hoàng trong chuyến công du Nhật Bản, và ông Trần Quốc Tiến, tín đồ Cao Đài Chân truyền, đã bị cấm xuất cảnh sang Úc để dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái. Ông Tiến từng dự hội nghị SEAFORB đầu tiên năm 2015, cũng ở Thái Lan, theo BPSOS, tổ chức đồng khởi xướng hội nghị SEAFORB.
Bức thư viết: “Những cáo buộc này, nếu đúng, sẽ không những trái ngược với những những nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam theo Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR), theo nghĩa là chúng ảnh hưởng đến các quyền được quốc tế công nhận của Việt Nam, mà còn dường như cho thấy một mô hình trả thù chống lại những người muốn tham gia và hợp tác trong các cơ chế nhân quyền của Liên Hợp Quốc hoặc các đại diện ngoại giao nước ngoài.”
Hai báo cáo viên đặc biệt của LHQ yêu cầu chính quyền Việt Nam bình luận về các cáo buộc được ghi trong bức thư và giải thích tại sao các cá nhân tham gia hội nghị quốc tế lại bị thẩm vấn, cũng như giải trình sự phù hợp của hành vi thẩm vấn này chiếu theo ICCPR. Họ còn yêu cầu các lãnh đạo Hà Nội mô tả các biện pháp đã thực hiện để bảo vệ quyền tự do tôn giáo hay niềm tin chiếu theo Điều 18 của ICCPR, cũng như cung cấp căn cứ pháp lý cho việc theo dõi, tra khảo và cấm xuất cảnh đối với tất cả những người đã tham gia hội nghị SEAFORB từ năm 2015 đến năm 2019 mà mục đích là tiếp xúc và cung cấp thông tin cho các đại diện và các cơ chế nhân quyền của LHQ.
Phúc trình thường niên năm 2019 về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 10/6 nói rằng chính quyền Việt Nam tiếp tục sách nhiễu các chức sắc thuộc nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao ở Hà Nội ngay sau đó nói rằng Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự to không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Giải thích về việc bức thư gửi ngày 30/4 và được công bố hôm 29/6, TS Thắng nói: “Theo thủ tục của LHQ, khi một quốc gia không trả lời một văn thư như vậy trong thời hạn 60 ngày thì LHQ công bố toàn bộ nội dung của văn thư.” Ông cho rằng “đó là một vết nhơ về dư luận quốc tế.”
Theo TS Thắng, các trường hợp được nêu trong bức thư kể trên có nhiều triển vọng sẽ được đưa vào bản báo cáo về hăm doạ và trả thù mà Tổng Thư Ký LHQ sẽ công bố vào tháng 9 tới đây tại buổi họp khoáng đại của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ.
VOA (30.06.2020)
Những hình ảnh đoàn người từ nhiều nơi đến chia tay Linh mục Đặng Hữu Nam tạm nghỉ mục vụ để về ở tại Tòa Giám mục Giáo phận Vinh
Bức ảnh cho thấy linh mục Đặng Hữu Nam rời khỏi giáo xứ Mỹ Khánh vì có lệnh ngưng mục vụ, tháng 6/2020.
Không chỉ một lần, tôi được nhìn thấy hình ảnh vị linh mục này đứng giữa sự yêu thương và bảo vệ của những người dân Công giáo lẫn lương giáo, chân thành đến mức xúc động.
Sẽ không có một bài học giáo khoa nào có thể đủ sống động bằng hiện thực trước mắt, về cách sống đứng về nhân dân, và đứng thẳng như linh mục Đặng Hữu Nam.
Xin chào cha, dù như thế nào, cha cũng đã sống như một người Việt Nam và là một vị chủ chăn can trường trong thời đại hôm nay.
Thắm tình mục tử vì đoàn chiên
#TNCG – Sau 12 ngày nhận thông tin “Tạm Ngừng Mục Vụ”, sáng hôm nay, linh mục Antôn Đặng Hữu Nam rời giáo xứ Mỹ Khánh trong vòng tay nhân ái và khóc thương của đoàn con cái, mà suốt hai năm qua ngài đã ân cần săn sóc, dạy bảo!
Theo Boxitvn (01.07.2020)