Seite auswählen

Julie Steenhuysen, translation and synthesis by Kalynh Ng.

(Translated from Reuters article Scientists just beginning to understand the many health problems caused by COVID-19. )

http://hon-viet.co.uk/YTaChamSocBenhNhanCovid19.jpg

FILE PHOTO: Một nhân viên y tế chăm sóc một bệnh nhân bị nhiễm bệnh coronavirus (COVID-19), bên trong Phòng Săn Sóc Đặc Biệt của bệnh viện lâm sàng của Đại học Chile ở Santiago, Chile, ngày 18 tháng 6 năm 2020. REUTERS / Ivan Alvarado / File ảnh

CHICAGO (Reuters) – Theo các bác sĩ và các khoa học gia về bệnh truyền nhiễm nhận định, khoa học gia trên thế giới chỉ mới bắt đầu nắm bắt được những phần lớn liên quan đến sức khỏe con người do coronavirus gây ra. Trong những phần đó, có những cái có thể gây ảnh hưởng đến người bệnh và cả hệ thống y tế trong tương lai.

Bên cạnh các vấn đề về hô hấp khiến bệnh nhân khó thở, virus gây ra COVID-19 còn tấn công nhiều hệ thống cơ quan nội tạng. Với một số trường hợp, cơ thể người bệnh sẽ bị tàn phá nặng nề.

Bác sĩ Eric Topol, chuyên về tim mạch, Giám đốc của Scripps Research Translational Institute ở La Jolla, California nói:

“Chúng tôi từng nghĩ rằng đây chỉ là một loại virus gây ra suy hô hấp. Nhưng hóa ra, nó tàn phá vào tuyến tụy, tàn phá tim, làm suy gan, thận và các cơ quan khác. Chúng tôi đã quá chủ quan vào thời điểm đầu của bệnh dịch.”

Ngoài suy hô hấp, bệnh nhân nhiễm COVID-19 còn có thể bị rối loạn đông máu (Blood clotting disorders) có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhiều hệ thống nội tạng bị gây viêm (inflammation). COVID-19 cũng có thể gây ra các biến chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt và mất vị giác hoặc mùi vị.

Điều đáng nói, cho dù có những người bị nhiễm COVID-19 được chữa khỏi nhưng để cơ thể có thể hồi phục lại sức khỏe là một quá trình không nhanh chút nào. Chưa kể, nó sẽ rất tốn kém và cơ thể chúng ta không còn hoàn hảo như trước. Những điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

Tiến sĩ Sadiya Khan, bác sĩ tim mạch ở vùng Tây Bắc Chicago cho biết các triệu chứng của COVID-19 rất đa dạng. Người có tiền sử bệnh tim sẽ gặp nguy hiểm nhiều hơn khi không may dương tính với COVID-19. Điều ngạc nhiên, virus này lại ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể người, thay vì chỉ là phổi.

Bác sĩ Khan tin rằng những người được chữa trị khỏi COVID-19 sẽ phải tốn một khoản tiền không hề nhỏ.

‘Cậu bé triệu đô’

Hãy nhớ câu chuyện của Michael Flor, cư dân của Seattle, bệnh nhân COVID-19 có thời gian nhập viện lâu nhất, được gọi đùa là “cậu bé kỳ diệu” dù ông đã 70 tuổi, theo truyền thông cho biết. Sau khi ông rời viện, ông nổi tiếng với cái tên “cậu bé triệu đô.”

Ông Floy, người mà “thần chết” đã đứng sát bên giường bệnh. Một y tá trực ca đêm đã gọi điện thoại cho ông nói lời cuối cùng với vợ và con cháu của ông. Nhưng, không phải là thần chết mà là thần may mắn đã bên cạnh ông. Ông đã được xuất viện và đang dưỡng bệnh tại nhà ở West Seattle.

Tuy nhiên, sau đó, nhận được hóa đơn chữa trị, dài 181 trang, lời đầu tiên ông thốt ra là “Holy s***!”

Con số ông nhìn thấy là $1,122,501.04, gần 1 triệu USD.

Lẽ ra vui mừng, thì cảm giác của ông là “Tôi cảm thấy tội lỗi vì sự sống sót của mình.”

Sức khỏe vĩnh viễn không hồi phục như xưa

Những bệnh nhân COVID-19 nào ở trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) hoặc phải dùng máy thở trong nhiều tuần sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi chức năng, lấy lại khả năng vận động và sức mạnh cho cơ thể.

“Cứ một ngày bạn nằm viện thì bạn sẽ mất bảy ngày để phục hồi sức khỏe. Tỉ lệ này càng cao hơn khi độ tuổi người bệnh càng cao. Đáng sợ là bạn sẽ không bao gờ trở lại một thể trạng như xưa,” bác sĩ Khan nói.

Trước đây, hầu hết các bệnh viện đều tập trung chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm nặng với COVID-19. Nhưng giờ đây các bác sĩ ngày càng tăng cường sự chú ý đến những bệnh nhân chưa đủ “nặng” để cần phải nhập viện, nhưng lại phải chịu các triệu chứng nhiễm bệnh trong nhiều tháng sau đó.

“Nhiều nghiên cứu đang được hiện để tìm hiểu về những ảnh hưởng lâu dài của việc lây nhiễm.” Ông Jay Butler, Phó khoa bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.

Theo ông Butler, chúng ta đã nghe rất nhiều về những người nhiễm COVID-19 có biểu hiện khó thở, mệt mỏi kéo dài, nhưng rất khó để nói những triệu chứng đó kéo dài trong bao lâu. (Theo Reuters)

Bác sĩ Helen Salisbury của trường Đại học Oxford viết trong Tạp chí Y khoa hôm thứ Ba 23-6 rằng trung bình cứ 10 người hồi phục thì có một người vẫn bị các triệu chứng kéo dài.

“Mặc dù kết quả X-rays ngực của các bệnh nhân của tôi cho thấy đã bình thường, không còn dấu hiệu viêm nhiễm, nhưng tình trạng họ vẫn không thể trở lại bình thường,” bác sĩ Salisbury viết.

“Nếu trước đây bạn chạy 5km, ba lần/tuần và bây giờ cảm thấy khó thở sau một lần đi cầu thang, hoặc nếu bạn ho không ngừng và quá mệt mỏi để trở lại làm việc, thì e là bạn có thể không bao giờ lấy lại được sức khỏe trước đây. Nó hoàn toàn là sự thật,” theo nội dung bác sĩ Salisbury viết trong tạp chí Y khoa.

Đáng sợ hơn, sau khi nghiên cứu các tài liệu khoa học mới nhất, Bác sĩ Igor Koralnik, trưởng khoa Truyền nhiễm thần kinh tại Northwestern Medicine phát hiện, một nửa số bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 bị biến chứng. Đó là biểu hiện chóng mặt, giảm tập trung, ít tỉnh táo, rối loạn mùi và vị giác, hay co giật, đột quỵ và dễ đau cơ.

Những phát hiện của Bác sĩ Koralnik được công bố trên Annals of Neurology. Ông cũng bắt đầu xây dựng một phòng khám ngoại trú cho bệnh nhân COVID-19 để nghiên cứu những vấn đề thần kinh họ gặp phải chỉ là tạm thời hay vĩnh viễn.

Trên tất cả, COVID-19 có sự tương đồng với HIV, loại virus gây ra bệnh AIDS đến nay chưa có thuốc chữa. Đó chính là: cái chết. Những năm gần đây, chúng tôi tập trung rất nhiều vào các biến chứng của tim mạch của những người nhiễm HIV còn sống,” Bác sĩ Khan nhận định.

Julie Steenhuysen (26.06.2020)

Translation and synthesis by Kalynh Ng.