“Về vấn đề bị nhiễm virus Corona trên máy bay, môi trường này an toàn như bạn sẽ thấy.”
Đó là lời phát biểu của giám đốc điều hành hãng hàng không Southwest, ông Gary Kelly, trong chương trình “Face the Nation” trên đài truyền hình CBS.
Xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” hôm 3 Tháng Năm, ông Gary Kelly nói ông tin rằng người Mỹ an toàn khi đi máy bay trong mùa dịch COVID-19 cũng như bất cứ nơi nào khác.
“Tôi không nghĩ rủi ro trên máy bay lại cao hơn những nơi khác, và thật ra, quý vị cứ nhìn cách mà chúng tôi làm. Máy bay cũng an toàn như bất cứ môi trường nào mà bạn thấy,” ông Kelly nói.
Chúng tôi nghĩ thật quan trọng để kiểm tra lời tuyên bố này. Khi các tiểu bang bỏ luật “cư trú tại nhà” và khi Hè đến, người Mỹ sẽ nghĩ tới du lịch và tự hỏi có an toàn để đi máy bay trong mùa dịch COVID-19 hay không.
Chúng tôi liên lạc với Hàng Không Southwest để hỏi có gì chứng minh cho lời tuyên bố của ông Kelly. Một phát ngôn viên của công ty chỉ cho chúng tôi châm ngôn “Southwest Promise” – cách thức công ty áp dụng để bảo vệ nhân viên và hành khách.
Phát ngôn viên cho biết tất cả các chuyến bay đều được trang bị bộ lọc khí HEPA (High Efficiency Particulate Air – thiết bị lọc không khí đạt tiêu chuẩn), loại được dùng trong nhà thương để cung cấp khí thở sạch cho bệnh nhân.
Nhìn chung, ông Kelly nêu những điểm có giá trị về an toàn trên máy bay trong thời điểm này. Nhưng ông cũng hơi nói quá.
Vấn đề không gian
Nếu an toàn thì sao ngưòi ta bị nhiễm COVID-19 trên máy bay?
Trong bất cứ không gian nào có đông người cùng một lúc, sẽ có nguy cơ lây nhiễm qua không khí và từ những chỗ nhiều người chạm tay vào. Trên máy bay, có thể là tay vịn cửa vào phòng vệ sinh… Rất dễ dàng để hình dung nguy cơ lan rộng trong một chuyến bay dài với những hành khách cùng chuyến.
Nhiều trường hợp nghiên cứu cho thấy bệnh có lây lan trên những chuyến bay. Thí dụ năm 2003, sau một chuyến bay chung với một người có triệu chứng bệnh, 16 người thử nghiệm dương tính bệnh SARS – một loại virus cùng họ hàng với COVID-19. Virus H1N1, hay cúm heo, cũng có tài liệu chứng tỏ lây lan trên máy bay. Nghiên cứu về COVID-19 lây lan trên máy bay vẫn đang tiến hành.
Có những vấn đề cụ thể liên quan đến di chuyển bằng máy bay.
Quingyan Chen, giáo sư khoa Kỹ Sư Cơ Khí tại Đại Học Purdue, trưởng nhóm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm trên máy bay của FAA, nói đội ngũ của ông chú trọng vào những cách cụ thể mà bệnh có thể lây trên máy bay bằng tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, và hít phải những giọt bắn ra từ người bệnh.
Những giọt to bắn ra từ miệng khi thở, nói, ho, hoặc hắt hơi. Nhiều giọt to không thể bay lâu ở trên không, trong khi những giọt rất nhỏ có thể lơ lửng trong không khí nhiều giờ. Ta gọi những giọt li ti này là “aerosols” giống như những giọt phát từ bình xịt.
Dù rằng không khí trong máy bay được luân lưu không ngừng, ông Chen nói các giọt “aerosols” có thể lơ lửng từ ba đến bốn phút trước khi bị hút vào hệ thống thông gió.
Những giọt aerosols “có thể nguy hiểm thật sự. Chúng có độ lây nhiễm cao nhất,” ông Chen nói.
“Chúng có thể bay tới dãy ghế thứ bảy quanh một người bệnh trong vòng bốn phút.” Tuy nhiên, ông Chen nhanh chóng nhấn mạnh rằng nghiên cứu của ông chú trọng vào những bệnh khác lây qua không khí như cúm, lao phổi, và SARS.
Các hãng máy bay vẫn duy trì rằng có ít bằng chứng cho thấy lây nhiễm COVID-19 trên máy bay và hệ thống thông gió của họ hiệu nghiệm 99.9%, lọc bỏ các hạt vi mô. Cũng có những nghiên cứu cho thấy tầm bay aerosols giới hạn hơn, chỉ hai ghế ngang, một hàng ghế trước và một hàng ghế sau chỗ người khách bị bệnh.
Hiêp Hội Vận Chuyển Hàng Không Quốc Tế, đại diện cho 290 hãng máy bay từ 120 quốc gia, có gửi cho chúng tôi chi tiết buổi thuyết trình ngày 5 Tháng Năm của môt nhóm tư vấn y khoa. Họ nêu lên ba cuộc “nghiên cứu” – hai lá thư nghiên cứu trong tạp chí y khoa và một bản tin- chỉ ra rằng có ít hoặc không có lây nhiễm COVID-19 trên máy bay có hành khách bị virus Corona.
Tuy nhiên, một trong hai lá thư có đề cập tới một người bay từ Trung Phi Châu đến Pháp và “có thể bị lây nhiễm từ trên máy bay.”
Nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy không khác biệt bao nhiêu khi quý vị ở trong một tòa nhà như chúng ta đang ngồi tại đây hôm nay, người đứng đầu FAA Steve Dickinson nói trong buổi điều trần trước Quốc Hội hồi Tháng Ba về phẩm chất không khí.
Nhưng có những cân nhắc quan trọng về không gian. Máy bay có không gian nhỏ và kín, làm cho giãn cách xã hội khó khăn.
Ông Kelly, thành viên hội đồng quản trị Airlines for America (Hàng Không Nước Mỹ), một tập đoàn công nghệ riêng, nói rằng “kỹ nghệ hàng không đang có những bước chủ động đáng kể để bảo vệ hành khách và nhân viên,” bao gồm yêu cầu hành khách và nhân viên mang khẩu trang, áp dụng phương thức vệ sinh mạnh mẽ và cho hành khách lên tàu từ phía đuôi máy bay ra phía trước và giảm bớt phục vụ thức ăn, nước uống.
Mật độ rủi ro
Những điều đó có đủ để biện minh lời tuyên bố của ông Kelly rằng máy bay an toàn như bất cứ môi trường nào khác? Không hẳn như thế.
Mấu chốt của vấn đề là quý vị có thể quyết định khoảng cách không gian bao nhiêu giữa mình và người khác trong những nơi khác máy bay, Karen Hoffmann, chủ tịch vừa qua của Hiệp Hội Chuyên Gia Kiểm Soát Bệnh Truyền Nhiễm và Dịch Tễ (Association for Professionals in Infection Control and Epidemiology) nhận định.
“Có những điều ta có thể và không thể làm trên máy bay,” Hoffmann nói. “Nếu ở nhà. ta có thể không cho ai vào nhà. Trong tiệm thực phẩm, ta có thể đi cách xa những người khác.”
Ông Chen đồng ý: “Trong văn phòng, bạn có nhiều chỗ cách xa nhau và giữ khoảng cách xã hội,” ông nói, “Nhưng trên máy bay, bạn không thể giữ khoảng cách xã hội, vì như thế hãng máy bay không thể kiếm lời.”
Vậy thì rủi ro lây nhiễm bệnh trên máy bay như thế nào so với những phương tiện di chuyển phổ biến khác?
“So với khung cảnh chật chội kém thông hơi như tàu điện hay xe buýt, rủi ro lây bệnh trên máy bay nói chung thấp hơn – mặc dù vẫn có rủi ro lây nhiễm từ người ngồi cùng hàng ghế nếu họ bị bệnh,” Rachel Vreeman viết trong một điện thư.
Bà là giám đốc của Arnhold Institute for Global Health at Mount Sinai’s Icahn School of Medicine (Học Viện Arnhold Cho Sức Khỏe Toàn Cầu tại Trường Y Khoa Mount Sinai Icahn).
Nhưng nghiên cứu về so sánh này đã có trước COVID-19 và quy định giãn cách xã hội.
Thời gian trung bình của hành khách đi máy bay dài hơn thời gian dùng phương tiện chuyên chở công cộng có thể làm cho việc đi máy bay kém an toàn hơn, Vreeman nói thêm.
Với tất cả những yếu tố này, tuyên bố của ông Kelly sẽ được cân nhắc rõ ràng hơn.
Đi máy bay có một hành khách nhiễm bệnh sẽ an toàn hơn ở nhà khi chỉ tiếp xúc với một người lạ duy nhất để lấy hộp thức ăn giao trên bậc cửa? Rõ ràng là không.
Nếu vậy, đi nghỉ Hè thì sao?
Rõ ràng là các máy bay có rủi ro lây lan những bệnh như COVID-19, nhất là khi ngồi gần một người có bệnh. Và mọi người không thể áp dụng giãn cách xã hội trên máy bay như ở những nơi khác.
Mặc dù có những rủi ro như thế, có nên di chuyển bằng máy bay bây giờ không?
Nhìn chung, ông Chen nói tương đối an toàn nếu mỗi hành khách và nhân viên phi hành đoàn mang khẩu trang. Ông ấy cũng đề nghị hành khách lau bề mặt những chỗ xung quanh và rửa tay, nhưng ông nói dù vậy vẫn còn có rủi ro.
Tháng Tư vừa qua, nghiệp đoàn đại diện phi công và tiếp viên máy bay gởi thơ cho Sở Giao Thông Vận Tải, Sở Y Tế và Dịch Vụ Dân Sinh, Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc với chi tiết những rủi ro mà nhân viên hãng máy bay phải đối mặt, cũng như số những ca nhiễm bệnh và cả những tử vong mà họ phải gánh chịu, và thúc đẩy có thêm biện pháp bảo vệ.
Sau đó không lâu, đa số hãng máy bay lớn ở Mỹ, gồm có JetBlue, Frontier, American, Delta và United thông báo họ yêu cầu hành khách mang khẩu trang trong suốt hành trình ghi tên, lên tàu, khi ở trên máy bay và xuống máy bay. Southwest ra thông cáo với điều lệ tương tự bắt đầu từ 11 Tháng Năm.
Hoffmann nói rằng để có chuyến bay an toàn, tuân thủ luật lệ giãn cách xã hội là rất quan trọng, như bỏ trống ghế để hành khách ngồi xa nhau.
“Có thể nào duy trì mức độ giãn cách trên máy bay không?” bà ấy hỏi, “Tôi đặt nghi vấn đây có phải điều khả thi không?”
Delta bắt đầu bỏ trống ghế giữa. Vài công ty khác bỏ trống ghế gần nơi tiếp viên ngồi. United không cho hành khách chọn chỗ ngồi gần nhau hoặc ghế giữa. Southwest và JetBlue sẽ giới hạn số hành khách để đảm bảo có đủ khoảng cách.
Vreeman chỉ ra rằng, mặc dù vậy, có những lúc trên máy bay hoặc trong phi trường giữ khoảng cách thỏa đáng giữa các hành khách là điều khó có thể.
“Khi có người đi từ lối đi vào phòng vệ sinh, thí dụ vậy, ta có thể bị kẹt ở vị thế rất gần – và do đó tăng rủi ro cho cả hai,” bà viết.
Trong khi các hãng máy bay thông báo tăng nỗ lực vệ sinh và khử trùng máy bay và hủy bỏ hoặc giảm thiểu dịch vụ ăn uống, vẫn có rủi ro.
“Mỗi khi ta tháo khẩu trang hoặc bỏ gì đó vào miệng, rủi ro lây bệnh sẽ cao hơn,” bà Vreeman viết.
Và Vreeman biện luận, chúng ta vẫn còn trong giai đoạn ngăn chặn dịch bệnh, có nghĩa là di chuyển từ máy bay này sang máy bay khác là một rủi ro cho sức khỏe công cộng.
“Ngay lúc này, rất có thể ai đó bị nhiễm vi rút lây lan rất nhanh này ngồi ở cùng máy bay với bạn – hoặc bạn có thể mang nó trong người bạn đến một địa điểm mới,” bà viết.
Luật lệ của chúng tôi
Giám Đốc Điều Hành Southwest nói trong một phỏng vấn truyền hình rằng rủi ro lây bệnh trên máy bay không cao hơn nơi nào khác và “an toàn như bất cứ môi trường nào mà bạn tìm thấy.”
Nghiên cứu cho thấy hệ thống thông gió mạnh mẽ trên máy bay có lọc được những phân tử vi khuẩn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vẫn có mức độ rủi ro về lây bệnh truyền nhiễm, nhất là khi bạn ngồi gần người có bệnh.
Tuyên bố của ông Kelly có một yếu tố sự thật nói về lọc khí và những bước kỹ nghệ hàng không làm để giảm thiểu rủi ro, nhưng ông ấy đã đi hơi quá, đã loại ra những mảnh thông tin quan trọng và bối cảnh xung quanh.
Chúng tôi đánh giá tuyên bố này “nói chung là sai.”
(*) Bài này do Kaiser Health News, một chương trình biên tập độc lập của Kaiser Family Foundation, xuất bản.
Nguồn:Người Việt