Seite auswählen

Thắng Đỗ, thành viên của PIVOT

17-6-2020

Chỉ một bài viết sai lệch (dường như cố tình) đã gây ra bao nhiêu hiểu lầm trong cộng đổng người Việt. Báo Washington Times (một tờ báo với nhiều tai tiếng như ghi ở cuối bài) đã loan tin vào ngày 4 tháng 7, 2019 rằng Joe Biden, khi còn là thượng nghị sĩ vào năm 1975, đã chống việc cho người tị nạn Việt Nam vào nước Mỹ. Chúng tôi đã tra cứu tận gốc xem tin này xuất phát từ đâu và khám phá rằng điều này hoàn toàn sai.

Bài viết của tờ báo trên chỉ dựa vào nguồn tin duy nhất, đó là một bản tường trình của buổi họp tại Nhà Trắng vào ngày 14/4/1975. Những nhân vật chính tham gia buổi họp này là Tổng thống Ford, Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, Tướng Brent Scowcroft, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia và Ủy ban Quốc ngoại Thượng viện gồm các Thượng nghị sĩ Sparkman (DC), Case (CH), Percy (CH), Javits (CH), Baker (CH), Church (DC), Biden (DC), Symington (DC), Mansfield (DC), Scott (CH), Glenn (DC). Danh sách các thượng nghị sĩ chỉ ghi tên những ai phát biểu trong bản tường trình và có thể không đầy đủ.

Bản tường trình này là tài liệu được lưu giữ ở Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford. Người đọc có thể đọc nguyên bản tiếng Anh ở đây.

Bài viết sai lệch trên tờ Washington Times có thể đọc ở đây. (Bản tiếng Việt có thể đọc ở cuối bài.)

Chúng tôi xin tóm lược diễn tiến của buổi họp cũng như trích và dịch nguyên văn những đoạn đối thoại có liên hệ đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, nay là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 11 năm nay.

Phần đầu của buổi họp, họ bàn về tình hình quân sự đen tối của Nam Việt Nam, số tiền viện trợ cần thiết để tăng cường cho quân đội VNCH, di tản người Mỹ và những người Việt liên hệ. Vài thượng nghị sĩ phát biểu ý kiến của mình, kể cả Biden.

TNS Baker (CH) nói quan tâm chính phải là rút công dân Mỹ ra, còn những việc khác là phụ. TNS Javits (CH) nói sẽ chấp thuận tiền để mang người ra (không nói rõ chỉ người Mỹ hay luôn cả người Việt). TNS Church (DC) nói sẽ chấp thuận tiền để rút người Mỹ ra, còn người Việt thì phức tạp hơn. Rút người Việt ra sẽ đòi hỏi mang quân đội Mỹ trở lại. Biden (DC) nói nguyên văn như sau:

Biden: “What concerns us is that a week ago Habib told us we would be formulating a plan. A week has gone by and nothing has happened. We should focus on getting them out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN are totally different.”

Dịch: “Việc chúng tôi lo ngại là tuần trước, Habib (Thứ trưởng Ngoại giao) nói sẽ có kế hoạch. Một tuần sau, vẫn chưa thấy gì cả. Chúng ta phải tập trung nỗ lực đưa họ ra. Đưa người Việt ra và viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam là hai việc hoàn toàn khác”.

Kissinger nói về những khó khăn của việc di tản người Việt. Biden đáp lại:

Biden: “I feel put upon in being presented an all or nothing number. I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I am not sure I can vote for an amount to put American troops in for one to six months to get the Vietnamese out. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out.”

Dịch: “Tôi cảm thấy bị áp lực với một tình huống một là lựa hết, hai là từ chối hết. Tôi không muốn bỏ phiếu để chấp thuận tất cả hay không chấp thuận gì cả. Tôi không chắc tôi có thể hỗ trợ việc mang quân đội Mỹ trở lại từ 1 đến 6 tháng để rút người Việt ra. Tôi sẽ ủng hộ bất cứ số tiền nào để đưa người Mỹ ra. Tôi không muốn lẫn lộn chuyện này với việc đưa người Việt ra.”

Sau đó họ bàn về trách nhiệm của Hoa kỳ trong Hiệp định Paris 1973 và số tiền cần thiết.

Biden: “I don’t want to commit myself to any precise number. How much money depends on how many we try to get out.”

Dịch: “Tôi không muốn buộc mình vào bất cứ con số nào. Số tiền tùy thuộc vào chúng ta dự định mang bao nhiêu người ra.”

Dựa trên toàn bài tường trình, không có bất cứ chỗ nào ông Biden nói ông chống người tị nạn Việt Nam.  Cuộc đối thoại phản ảnh sự mệt mỏi của các thượng nghị sĩ cả hai đảng. Không ai chống việc di tản người Việt, nhưng quan tâm chính của cả hai đảng là di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam bằng mọi giá. Đây chỉ là bối cảnh rất đáng buồn của tình hình chính trị nước Mỹ nói chung chứ không riêng gì bất cứ nhân vật nào vào những ngày đau thương cuối cùng của VNCH.

***

Vài dòng về tờ báo Washington Times và tại sao họ lại viết một bài với tin thất thiệt như thế. Tờ báo do ông Sun Myung Moon, người Hàn Quốc đã tự nhận mình là ‘đấng cứu thế’ và sáng lập một tôn giáo mới tên Giáo Hội Thống Nhất. Ông đã từng ở tù nhiều lần do trốn thuế, và có quan hệ mật thiết với nhiều nhà độc tài trên thế giới, kể cả Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên. Ông và tờ Washington Times đã từng công khai mạnh mẽ ủng hộ Tổng thống Donald Trump.

Nguồn: Tiếng Dân

Ông Joe Biden từng ngăn cản người tị nạn Việt Nam đến Mỹ năm 1975

 

TRITHUCVNWashington Examiner

Ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2020 và hiện là người ủng hộ nhập cư quy mô lớn, đã từng cố gắng ngăn chặn việc sơ tán hàng vạn người tị nạn miền Nam Việt Nam đến Mỹ trong những năm 75 của thế kỷ trước.

 

Với tư cách là một Thượng Nghị sĩ khi đó, ông Joe Biden đã kiên quyết rằng Mỹ “không có nghĩa vụ, đạo đức hay điều gì khác để phải sơ tán các công dân nước ngoài,” theo tờ Washington Examiner.

Gần 30 năm sau, quan điểm này dường như đã thay đổi khi đề cập đến các phiên dịch người Iraq và Afghanistan từng làm việc với Mỹ. “Chúng ta nợ những người này,” cố vấn chính sách hàng đầu của Joe Biden khi đó – ông Tony Blinken nói vào năm 2012. “Chúng ta có một món nợ đối với những người này. Họ đã đặt đặt cược mạng sống khi làm việc cho Hoa Kỳ.”

Năm 2015, ông Biden nói rằng việc ngăn người tị nạn Syria đến Mỹ sẽ là một thắng lợi cho ISIS và đã tweet vào năm 2017 rằng “chúng ta phải bảo vệ, ủng hộ và chào đón những người tị nạn” để giữ lời hứa của Mỹ.

Trở lại với cuộc chiến tranh Việt Nam vào mùa xuân năm 1975, Tổng thống Gerald Ford và chính phủ Mỹ đã thực hiện sơ tán hàng ngàn gia đình miền Nam Việt Nam, những người đã hỗ trợ Hoa Kỳ trong suốt thời gian trước đó.

Tuy nhiên, tiếng nói hàng đầu tại Thượng viện phản đối nỗ lực giải cứu này khi đó chính là Thượng Nghị sĩ Joe Biden. Ông Biden đã kiên quyết rằng “Hoa Kỳ không có nghĩa vụ phải sơ tán 1 hoặc 100.001 người miền Nam Việt Nam nào.”

Vào tháng 4 năm 1975, ông Ford đã lập luận rằng bởi những người lính Mỹ cuối cùng đã được đưa ra khỏi Việt Nam, Mỹ cũng nên sơ tán những người miền Nam Việt Nam đã từng giúp đỡ Mỹ. 

“Hòa Kỳ có truyền thống lâu đời về việc mở cửa cho người nhập cư của tất cả các quốc gia … Và chúng ta luôn là một quốc gia nhân đạo,” ông Ford nói. “Một số người miền Nam Việt Nam xứng đáng có cơ hội được sống trong tự do.”

Nhưng ông Biden đã phản đối và kêu gọi một cuộc họp giữa Tổng thống và Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện nhằm bác bỏ ý định của ông Ford. Ngoại Trưởng khi đó là Henry Kissinger đã chủ trì cuộc họp, nói với các Thượng Nghị sĩ rằng “Tổng số những người đang gặp nguy hiểm tại Việt Nam là trên một triệu, trong đó có khoảng 174.000 người nằm trong danh sách “tuyệt đối không thể bỏ mặc.” 

Ông Biden nói rằng những đồng minh của Mỹ không nên được giải cứu: “Chúng ta chỉ nên tập trung đưa những người lính Mỹ ra. Việc đưa người Việt Nam ra và trợ giúp quân sự cho chính phủ miền Nam Việt Nam là hoàn toàn khác.”

Ông Kissinger nói rằng “có những người Việt Nam mà chúng ta phải có trách nhiệm đối với họ,” nhưng ông Biden đáp lại: “Tôi sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ số tiền nào để đưa người Mỹ ra. Tôi không muốn trộn lẫn điều đó với việc đưa người Việt Nam ra.”

Ông Ford đã tức giận với phản ứng của ông Biden, tin rằng việc không sơ tán những người miền Nam Việt Nam là sự phản bội đối với các giá trị Mỹ: “Chúng ta đã mở cửa cho người Hungary … Truyền thống của chúng ta là chào đón những người bị áp bức. Tôi không nghĩ những người này nên bị đối xử khác biệt với bất kỳ người nào khác – người Hungary, người Cuba, người Do Thái từ Liên Xô.”

Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện với kết quả bỏ phiếu 14 trên 3 đã đề nghị Thượng viện thông qua dự luật. Ông Biden là một trong ba Thượng Nghị sĩ đã bỏ phiếu chống. Cuối cùng, dự luật cũng được toàn bộ Thượng viện thông qua với kết quả bỏ phiếu 46-17, ông Biden một lần nữa bỏ phiếu chống.

Khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30/4/1975, vẫn có hàng trăm ngàn người miền nam Việt Nam đã không thể chạy ra nước ngoài và bị đưa đến các trại cải tạo. 

Bà Julia Taft, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm liên ngành về tái định cư người tị nạn Đông Dương vào năm 1975, đã nói với NPR vào năm 2007 rằng những người tị nạn nên được giúp đỡ. “Ý tôi là họ đã làm việc với chúng ta,” bà nói. “Họ là những người phiên dịch. Họ là những nhân viên. Họ là một phần của quân đội miền Nam Việt Nam, vốn là đồng minh của chúng ta và là những nạn nhân nói chung của toàn bộ sự hỗn loạn này.”

Bất chấp sự phản đối của ông Biden và các lãnh đạo Đảng Dân chủ khác vào lúc đó, quân đội Mỹ đã sơ tán hơn 130.000 người tị nạn Việt Nam ngay trước khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, và hàng trăm ngàn người khác đã được tái định cư tại Hòa Kỳ trong những năm sau đó.

Một trong những người tị nạn này là ông Phạm Quang, người đã viết một cuốn tự truyện năm 2010 với tên gọi “Ý thức Trách nhiệm : Hành trình của chúng tôi từ Việt Nam đến Mỹ”, kể về việc ông chạy khỏi Việt Nam đến Mỹ vào năm 1975 khi mới 10 tuổi cùng với mẹ và ba chị em gái của mình ở các độ tuổi 11, 6 và 2. Cha của ông, một thành viên của quân đội miền Nam Việt Nam, đã không đi cùng họ và đã phải trải qua hơn một thập kỷ trong trại cải tạo trước khi đến Mỹ vào năm 1992.

Khi nói với tờ Washington Examiner, ông Phạm đã ca ngợi ông Ford vì đã cứu những người tị nạn Việt Nam như gia đình ông và chỉ trích những đảng viên Đảng Dân chủ như ông Biden vì đã cố gắng ngăn cản điều này. Ông Phạm nói rằng “Khi chúng tôi cần giúp đỡ, tôi nhớ ai đã giúp chúng tôi và ai đã không.”

Ông Phạm sau đó đã gia nhập Thủy quân lục chiến và phục vụ trong cuộc chiến Vùng Vịnh lần thứ nhất, nói rằng “Những người tị nạn Việt Nam từ năm 1975 đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của những người Mỹ sống gần các trại tị nạn và các cựu chiến binh Mỹ, những người cảm thấy họ có món nợ để giúp đỡ chúng tôi. Và tôi rất biết ơn về điều đó.”

“Khi bạn nhìn vào những người ủng hộ lớn nhất cho những người tị nạn Việt Nam, chắc chắn không phải là Thượng nghị sĩ Biden,” ông Phạm nói. “Sự cởi mở không đến từ Đảng Dân chủ.”

Nhắc đến ông Biden, ông Phạm nói, “Bạn phải nhìn đến chính sách đối ngoại và chủ nghĩa nhân đạo. Cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt Nam là một vấn đề lớn vào năm 1975. Ngay cả khi bạn chống lại cuộc chiến, tại sao bạn không ủng hộ những người tị nạn? Tại sao bạn không ủng hộ những gia đình, những người phụ nữ và những trẻ em đang cố gắng trốn thoát?”

“Nếu chúng ta tham gia vào các cuộc chiến tranh, sẽ có những người tị nạn … Do đó chúng ta cần nghĩ đến trách nhiệm đạo đức của mình đối với những người không phải người Mỹ, đặc biệt đối với các đồng minh của chúng ta,” ông Phạm nói.  

Khi được hỏi liệu ông có nghĩ rằng có công bằng không khi đánh giá ông Biden dựa trên những hành động của ông ấy từ năm 1975, ông Phạm trả lời, “là một người tham gia tranh cử Tổng thống, đó là một phần trong hồ sơ của ông ấy, cũng giống như mọi thứ khác.”

Theo Washington Examiner – Gia Huy biên dịch