Seite auswählen

Chùa Liên Trì, một cơ sở của Giáo hội Phật giáo VIệt Nam Thống nhất trong nước, đã bị chính quyền giải tỏa

Bất chấp đàn áp của chính quyền trong nước và chia rẽ nội bộ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ‘vẫn sẽ tìm mọi cách để duy trì hoạt động âm thầm’ để chờ đợi khi điều kiện chín muồi sẽ phục hưng hoạt động, các vị lãnh đạo của Giáo hội ở hải ngoại nói VOA.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời ở miền Nam vào năm 1964 với mục đích thống nhất các hệ phái Phật giáo ở Việt Nam. Sau khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Giáo hội bị tịch thu các cơ sở và không được chính quyền mới chiếu cố. Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền của Đảng Cộng sản bảo trợ ra đời vào năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất càng bị chính quyền tìm mọi cách đàn áp và triệt tiêu.

Kể từ khi ra đời, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã trải qua năm đời Tăng thống là các vị Hòa thượng: Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nhiên, Thích Đôn Hậu, Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội, đã viên tịch hồi tháng 2 năm nay, để trống vị trí Tăng thống cho đến nay.

Trong hoàn cảnh không còn lãnh đạo tinh thần và tiếp tục bị đàn áp, tương lai của Giáo hội có lịch sử hơn 50 năm này sẽ ra sao?

‘Vẫn tồn tại dưới mọi hình thức’

Trao đổi với VOA, Hòa thượng Thích Huyền Việt ở Houston, bang Texas, chủ tịch Văn phòng 2 Viện Hóa đạo đồng thời là chủ tịch văn phòng điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ, cho biết Giáo hội hiện giờ vẫn ‘duy trì hoạt động trong nước’ và ‘vẫn tồn tại theo hiến chương’.

Hiến chương quy định Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động theo mô hình lưỡng viện là Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo.

“Cách nay không lâu, Viện Hóa đạo đã cung thỉnh 10 vị tôn túc gồm 7 vị trong nước, 3 vị hải ngoại vào Hội đồng Giáo phẩm Trung ương thuộc Viện Tăng thống,” Hòa thượng Thích Huyền Việt cho biết.

Theo lời ông, cố Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ có ủy quyền cho Hòa thượng Thích Tâm Liên, Viện trưởng Viện Hóa đạo đương nhiệm và là trụ trì chùa Long Quang, Huế, quyền xử lý mọi sự vụ của Viện Tăng Thống sau khi Ngài viên tịch.

Do đó, Giáo hội trong nước hiện nay vẫn có người lãnh đạo và xử lý sự vụ của lưỡng viện trong khi ở hải ngoại vẫn còn Văn phòng 2 Viện Hóa đạo, Hòa thượng Thích Huyền Việt giải thích.

Về ngôi vị Đệ Lục Tăng thống, ông nói rằng ‘phải tuân theo Hiến chương của Giáo hội’, tức là chư tăng, các vị tôn túc, hội đồng lưỡng viện, các vị cư sĩ, các vị huynh trưởng ‘có trách nhiệm chọn và cung thỉnh trong một kỳ đại hội’.

Sau khi Đức Đệ Tứ Tăng thống Thích Huyền Quang viên tịch hồi năm 2008, Hòa thượng Quảng Độ đã xử lý thường vụ Viện Tăng thống cho đến kỳ đại hội vào năm 2011 thì chính thức được suy tôn làm Đệ ngũ Tăng thống.

Giáo hội gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng cho dù có bao nhiêu sự khó khăn, bao nhiêu sự trù dập thì chúng tôi vẫn tồn tại dưới mọi hình thức,” Hòa thượng Thích Huyền Việt khẳng định.

“Như Đức Đệ ngũ Tăng thống đã nói là phải giữ cái nền của Giáo hội Thống nhất để chờ đến sau khi Việt Nam chuyển đổi sang dân chủ rồi thì ai đó sẽ xây lên ngôi nhà,” ông nói thêm. “Cho nên tăng ni, tín đồ, cư sĩ của Giáo hội vẫn kiên trì hoạt động của Giáo hội.”

Văn phòng 2 Viện Hóa đạo ở hải ngoại được thành lập theo lệnh của Đức Đệ Tứ Tăng thống Thích Huyền Quang ‘là để phòng trường hợp Hội đồng Lưỡng viện trong nước không hoạt động được thì Giáo hội vẫn có thể duy trì hoạt động trong bất cứ hoàn cảnh nào’.

‘Nội bộ khó khăn’

Vị lãnh đạo Giáo hội ở hải ngoại này nói rằng ông ‘mong tổ chức được một đại hội đúng nghĩa nhưng Đảng Cộng sản hoàn toàn không cho chúng tôi làm việc đó’.

Về điều kiện tổ chức đại hội, ông nói ‘tổ chức trong nước thì không được, còn ra hải ngoại thì dễ dàng’. Tuy nhiên ông nói rằng ‘bây giờ không ai dám nghĩ là vị nào sẽ kế tục chức Tăng thống, thời gian trôi qua thì mọi việc mới rõ dần’.

Về tình hình của Giáo hội, ông thừa nhận ‘đã nguy ngập từ lâu’. “Ngay cả khi còn sự hiện diện của các Đức Đệ Tứ, Đệ Ngũ Tăng thống mà tình cảnh đã đi từ khó khăn này sang khó khăn khác,” ông nói.

Ông cho biết Giáo hội đang gặp ‘nội ma và ngoại chướng’. Ngoại chướng là thách thức từ chính quyền trong nước, còn ‘nội ma’ là những chia rẽ trong nội bộ Giáo hội, ông giải thích.

“Trước đây có những thành phần trong Giáo hội muốn đồng hành với Giáo hội nhà nước để phục vụ, nhưng Đức Tăng thống không chấp nhận nên có sự bất hòa trong nội bộ,” ông giải thích.

“Nội bộ đang gặp khó khăn vì sự hăm dọa, dụ dỗ, gây áp lực với những người xung quanh của chính quyền. Vì lẽ đó mà nội bộ chúng tôi gặp phải sự thoái hóa,” ông nói thêm.

Ông khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Giáo hội dân lập nên ‘sẽ không trở thành công cụ của chính quyền cộng sản’ và cho rằng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ‘không có tính chính danh đại diện cho cộng đồng Phật tử Việt Nam mà chỉ là công cụ để chính quyền gìn giữ quyền cai trị của họ’.

Ông nhấn mạnh Giáo hội Thống nhất vẫn trung thành với tôn chỉ ‘Hộ Pháp, Hộ Dân, Hộ Quốc’ và mặc dù hàng giáo phẩm chính thức ‘chỉ còn số ít’ nhưng ‘từ tăng ni cho đến Phật tử vẫn còn hàng hàng lớp lớp’.

‘Không phát huy được sức mạnh’

Ông Đoàn Viết Hoạt, nguyên giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn trước năm 1975 và là nhà hoạt động dân chủ nổi bật ở hải ngoại, nói với VOA rằng tình cảnh mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang gánh chịu cũng là ‘cuộc khủng hoảng chung của tất cả mọi người Việt dưới chế độ cộng sản’.

“Dưới một chế độ mà tất cả những quyền tự do căn bản của con người đều không có thì nói chi đến tự do tôn giáo,” ông phân tích. “Dù là Giáo hội có còn hay không cũng không thể hoạt động dưới chế độ cộng sản.”

Vị giáo sư từng có giao tình với cố Hòa thượng Thích Quảng Độ khi cả hai cùng giảng dạy ở Viện Đại học Vạn Hạnh nói rằng Giáo hội hiện tại ở trong nước ‘không có điều kiện đào tạo, bồi dưỡng thế hệ tăng ni đủ tâm trí để sau này gánh vác những việc lớn trong bối cảnh bị đàn áp suốt hơn 40 năm nay’.

Do đó, ông cho rằng Giáo hội Thống nhất chỉ có thể phục hoạt cùng với ‘sự phục hưng của đất nước Việt Nam, tức là sự hồi sinh sau chế độ cộng sản’ mặc dù hiện nay ‘các thành viên, Phật tử của Giáo hội vẫn tiếp tục hoạt động để mà tồn tại kể cả trong nước lẫn hải ngoại’.

“Nếu Giáo hội không thể hoạt động một cách tự do, độc lập thì không thể phát huy hết sức mạnh của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng,” ông phân tích thêm. “Thời cộng sản, thời Pháp thuộc cũng như thời kỳ chia đôi đất nước đều không phải là thời kỳ phát huy hết sức mạnh của Phật giáo, của dân tộc như thời kỳ nhà Lý, nhà Trần.”

Mặc dù không gặp lại Hòa thượng Thích Quảng Độ kể từ tháng 10 năm 1976, Giáo sư Hoạt cho rằng ước nguyện của cố Đại lão Hòa thượng là ‘phục hưng Giáo hội Thống nhất’.

Ngài lãnh đạo Giáo hội dựa trên đức độ, sự hy sinh của Ngài, nó làm cho tất cả mọi người đều hướng về chứ mọi sinh hoạt bình thường của một Giáo hội khó mà có được,” ông nói.

Về tương lai của Giáo hội, vị giáo sư này bày tỏ mong muốn giống như Hòa thượng Thích Huyền Việt là ‘tổ chức được một đại hội suy cử ra một vị Tăng thống tiếp nối’.

Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến tranh cãi nội bộ của Giáo hội là vì ‘hoàn cảnh không gặp nhau thường xuyên, không gặp nhau bình thường’. “Trong tình trạng bất bình thường thì rất dễ hiểu lầm nhau. Có khi việc rất nhỏ mà thành ra việc rất lớn,” ông giải thích.

“Ngay cả Thầy Quảng Độ khi còn sống cũng đâu có đi đâu được (vì bị quản thúc). Ngay cả muốn triệu tập một buổi họp với Viện trưởng Viện Hóa đạo cũng đâu có làm được.”

Ông nói ông ‘buồn trước thực trạng của Giáo hội trong cái buồn chung của người Việt vì Phật giáo với dân tộc không thể tách rời vì đã song hành cùng nhau suốt mấy ngàn năm’.

Ông cho rằng hàng giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong nước ‘điều kiện không cho phép phát triển’ còn ở hải ngoại ‘dù có những vị tăng rất tốt, rất giỏi, giữ được phẩm chất Việt Nam nhưng vẫn phải hòa vào đời sống sở tại’.

‘Hoạt động như thường’

Về phần mình, Phật tử-Bác sỹ Trần Quốc Hưng, pháp danh Minh Phúc, hiện sinh sống ở Dallas, Texas, nói với VOA rằng ông vẫn tiếp tục công việc của mình từ trước đến nay trong Giáo hội.

Ông Hưng hiện là tổng thư ký Hội đồng điều hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ.

“Từ trước đến nay hoạt động của chúng tôi vẫn được duy trì trong hai lĩnh vực: Quý thầy làm việc hoằng pháp độ sinh, còn những hàng Phật tử chúng tôi giúp vận động cho tự do tôn giáo ở trong nước,” bác sĩ Hưng nói với VOA.

Theo lời ông thì sau khi Đức Tăng thống Thích Quảng Độ viên tịch vẫn còn Hòa thượng Thích Tâm Liên, Viện trưởng Viện Hóa đạo, lãnh đạo mọi hoạt động của Giáo hội và Giáo hội ‘vẫn phải sinh hoạt như trước vì chính quyền cộng sản không một ngày nào ngưng đàn áp.’

“Chúng tôi vẫn tiếp tục vận động cho tư cách pháp lý của Giáo hội ở trong nước,” ông nói và cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của Giáo hội là ‘chính sách đàn áp của chính quyền’.

VOA (21.07.2020)