Chiếc xe Sion của Sono Motors. (Hình: Sono Motors)
MUNICH, Đức (NV) – Từ khi còn là một học sinh trung học ở Đức năm 2012, anh Laurin Hahn đã có ý tưởng chế tạo một xe hơi điện tự sạc. Và dù không thật sự có kiến thức của một kỹ sư, anh và một người bạn thân vẫn mạnh dạn cùng nhau nghiên cứu, chế tạo chiếc xe chạy điện, có bảng thu năng lượng mặt trời đặt trên thân xe.
Bốn năm sau đó, họ có một chiếc xe kiểu mẫu, dù chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn “chạy được.” Do vậy, hai người bạn này thành lập một công ty để bán loại xe này. Ít năm sau đó, khi những nhà đầu tư chính của họ không chịu bỏ thêm tiền, hai anh quay sang kêu gọi góp vốn từ công chúng (crowdfunding), theo bản tin của Bloomberg hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Tám.
Chỉ trong hai tháng, họ nhận được 53 triệu euro ($62 triệu).
“Tôi nghĩ mình là người nhiều tham vọng, nhưng chiếc xe này sẽ giúp thế giới rất nhiều,” theo lời anh Hahn, năm nay 26 tuổi.
Công ty của họ, có tên Sono Motors, nay đang phát triển một chiếc xe bốn cửa, gắn đầy các bảng thu năng lượng mặt trời, nhưng cũng rất khó nhận ra, có khả năng chạy hơn 10 dặm (16 km), chỉ sau vài giờ để ngoài trời.
Khi chiếc xe này được đưa ra thị trường trong khoảng 18 tháng nữa, sẽ chỉ có một màu, là màu đen của các bảng thu năng lượng mặt trời.
Chiếc xe có tên Sion này được dự trù bán với giá khoảng 25,000 euro, nhằm có thể cạnh tranh với chiếc ID.3 của Volkswagen, khởi sự bán từ Tháng Bảy, với giá 35,000 euro, mắc hơn mà không thể tự sạc bình.
Chiếc xe Sion cũng có thể sạc bình điện từ nguồn điện nhà hay ở các trạm. Nhưng anh Hahn nghĩ rằng các bảng thu năng lượng mặt trời kia sẽ giúp giải quyết một mối lo ngại hàng đầu của những người dùng xe chạy điện: Đó là bị hết điện giữa đường mà không có nơi sạc.
“Bạn có thể chạy đến khi nào bình điện xe hoàn toàn cạn, để nó bên đường và nó sẽ tự sạc lại, ngay cả trong những ngày mây mù,” theo anh Hahn.
Hahn có ý tưởng chế tạo xe này từ năm 2012. Anh và người bạn tên Jona Christians mua chiếc xe cũ hiệu Renault Twingo, rồi tháo rời ra. Hai người bạn mất nhiều tháng trời cùng nhau gắn các bảng thu năng lượng lên xe. Lần đầu đẩy xe ra ngoài trời, chiếc xe của họ “bò” đi được vài thước.
Chiếc xe Volkswagen ID.3. (Hình: Volkswagen)
Hahn và Christians tiếp tục cải tiến chiếc xe. Họ cũng ghi danh vào một số lớp tại đại học để thu thập thêm kiến thức kỹ thuật. Dần dần, họ đạt được mọi tiêu chuẩn để chiếc xe của họ có thể chạy ngoài đường, có vận tốc và khoảng cách di chuyển thích hợp cho phần lớn người sử dụng xe đi làm hàng ngày.
Năm 2018, sau khi các nhà đầu tư vào dự án này không còn muốn tiếp tục bỏ thêm tiền và đề nghị họ bán giấy phép sử dụng các kỹ thuật của xe chạy điện tự sạc này.
Hahn và Christians không chịu. Họ gây quỹ từ công chúng và có được số tiền 50 triệu euro chỉ trong thời gian ngắn. Công ty nay có khoảng 100 nhân viên trong mọi phần vụ, gồm cả tiếp thị.
Họ cũng có được hỗ trợ của công ty sản xuất xe National Electric Vehicle Sweden AB, có gốc từ công ty Thụy Điển Saab, để lắp ráp xe Sion trong tương lai.
Một số phân tích gia kỹ nghệ xe bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng sống còn của xe Sion. Theo những người này, xe Sion có thể đáp ứng được nhu cầu lúc này của những người hiện không có chỗ đậu xe tại nhà để sạc bình điện mỗi tối. Tuy nhiên, khi có nhiều trạm sạc bình hơn thì sẽ ít người chú ý đến chiếc xe này.
Giáo Sư Markus Lienkamp, chuyên về kỹ thuật xe tại Technical University of Munich, gọi công ty Sono là “một câu chuyện thú vị” nhưng rồi sẽ sớm đóng cửa và bị lãng quên do không thể cạnh tranh với các đại công ty khác.
Hahn nói rằng không quan tâm đến việc có thêm các trạm sạc bình điện và cũng không lo ngại cạnh tranh vì sức mạnh của công ty Sono nằm trong “rất nhiều” bằng sáng chế mà công ty đang giữ.
Theo Người Việt