Seite auswählen

Điểm sách: Nguyễn Lập Duy, “Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam”, Manchester: Nhà xuất bản Đại học Manchester, 2020. 280 trang, ISBN 976-1-5261-4394-9.

Người điểm sách: Keith Taylor, Giáo sư sử học, Đại học Cornell

Xuất bản trên H-Asia, tháng 7 năm 2020.

***

“Lập luận của cuốn sách, một mặt căn cứ vào các bằng chứng lịch sử, mặt khác được xây dựng dựa trên triết học và phê bình văn hóa học. Tầm quan trọng của cuốn sách chắc chắn sẽ ngày càng được hiểu rõ hơn khi những định kiến chiến tranh dần dần phai nhạt.”

Keith Taylor

Các sĩ quan quân đội sát hại tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm vào năm 1963 và những người Mỹ chống lưng cho họ… đã tuyên truyền một quan điểm về người đàn ông này, một quan điểm sau đó đã phổ biến đến mức trở nên sáo mòn trong hầu hết các cuốn sách viết về Chiến tranh Việt Nam: ông là một bạo chúa có những tư tưởng tăm tối và ích kỷ, một người thực hiện những chính sách chuyên quyền và đàn áp, kích động những cuộc nổi dậy chống lại chính phủ của ông — ông là người tạo nên sự sụp đổ của chính mình.

Cách nhìn và quan niệm nói trên phục vụ cho mục đích của gần như tất cả mọi bên: những người cầm quyền ở miền Bắc Việt Nam, người Mỹ, và những người Nam Việt Nam cần biện minh cho quyền lực của họ bằng cách lật đổ ông.

Trong suốt hai mươi năm qua, các học giả đã công bố nhiều nghiên cứu mô tả Ngô Đình Diệm dưới một ánh sáng bớt ảm đạm hơn. Nhưng cho đến nay, tư tưởng và mục tiêu của cả người đàn ông này lẫn các nhà phê bình trong nước đối với ông vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Trong sách Cộng đồng không tưởng tượng: Chủ nghĩa đế quốc và văn hóa ở miền Nam Việt Nam, Nguyễn Lập Duy (Assiatant Professor ở University of Houston) đã xóa tan định kiến cố hữu về Ngô Đình Diệm và phát triển một phân tích về tư tưởng, mục tiêu, chính sách và các đối thủ của ông, một phân tích mới mẻ và thuyết phục, trong quá trình lật đổ những cách giải thích thịnh hành về lịch sử Việt Nam hiện đại. Ngoài ra, tác giả cũng phát triển một phân tích mới mẻ về các mối quan hệ của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam trong thời kỳ hậu – Diệm.

Cuốn sách này hẳn sẽ bị những người kiên định với bức tranh biếm họa về Ngô Đình Diệm coi thường. Đó là bức tranh biếm họa vốn được phát mãi bởi các sĩ quan quân đội lật đổ ông và kiểu vẽ đó vẫn còn tồn tại như một cái mốt trong cộng đồng những người viết về Chiến tranh Việt Nam.

Lập luận của cuốn sách, một mặt căn cứ vào các bằng chứng lịch sử, mặt khác được xây dựng dựa trên triết học và phê bình văn hóa học. Tầm quan trọng của cuốn sách chắc chắn sẽ ngày càng được hiểu rõ hơn khi những định kiến chiến tranh dần dần phai nhạt.

Những người Mỹ đã gặp Ngô Đình Diệm thường báo cáo rằng ông nói không ngừng, nhưng họ không bao giờ báo cáo những gì ông nói. Họ không lắng nghe. Bằng cách nắm lấy một cách nghiêm túc những gì Ngô Đình Diệm và người em trai Ngô Đình Nhu đã nói, Nguyễn Lập Duy mở ra một cách hiểu mới về Chiến tranh Việt Nam.

Cuốn sách “Sự thất bại cuối cùng của ông Diệm” (Diem’s Final Failure) năm 2003 của Philip E. Catton đã đánh giá lại chương trình “ấp chiến lược” của Ngô Đình Diệm, và cuốn “Đồng sàng dị mộng: Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ và Số phận miền Nam Việt Nam” (Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam) năm 2013 của Edward Miller, đã đánh giá lại mối quan hệ giữa Ngô Đình Diệm và Hoa Kỳ. Cả hai tác giả này đã giới thiệu những định hướng tư tưởng của anh em họ Ngô, chú ý nghiêm túc hơn vấn đề này so với những gì người khác đã làm. Đến Nguyễn Lập Duy, sự thấu tỏ triết học hiện đại của tác giả đã phá vỡ quan hệ đối lập nhị nguyên giữa cộng sản và tư bản trong các học thuyết Chiến tranh Lạnh, để phơi bày ý nghĩa và hàm ý của những cam kết của họ Ngô với những gì thường được gọi là Chủ nghĩa cá nhân (nhân vị), một hệ tư tưởng của thế kỷ XX chống lại cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản. Khi làm như vậy, tác giả đã làm nổi rõ bản chất của hố sâu không thể hàn gắn được giữa Ngô Đình Diệm và cả các nhà phê bình thành thị ở Việt Nam và người Mỹ.

Ngô Đình Diệm và người em trai Ngô Đình Nhu được truyền cảm hứng từ chủ nghĩa cá nhân của nhà tư tưởng người Pháp đầu thế kỷ XX Emmanuel Mounier, phê bình chủ nghĩa dân chủ tư sản là nó phục vụ cho “khái niệm tự do lầm lạc” của chủ nghĩa tư bản mà Mounier hiểu là “một hình thức phi Kitô giáo của tính hiện đại”, cái đã thay thế Kitô bằng quyền tư hữu và sở hữu của cải (trang 58).

Chủ nghĩa nhân vị nhắm đến “tự do”, nơi một Con người cá nhân (nhân vị) không tách rời khỏi cộng đồng, tránh xa cá nhân luận của tư bản chủ nghĩa, đồng thời, cộng đồng cũng không tách rời khỏi Con người cá nhân (nhân vị) như ở “chủ nghĩa tập thể của chế độ độc tài cộng sản” (tr. 80).

Đối với anh em nhà Ngô, theo Nguyễn Lập Duy, chủ nghĩa nhân vị không phải là một học thuyết chống cộng, mà là một… chủ nghĩa cộng sản chống chủ nghĩa tư bản hơn cả chủ nghĩa Marx thô tục được Đảng Cộng sản áp dụng (tr. 82).

Ông Ngô Đình Nhu chế giễu những người cộng sản miền Bắc vì họ không thực sự hiểu chủ nghĩa cộng sản là gì: họ chỉ vẫy những khẩu hiệu để giành lấy quyền lực. Đối với anh em nhà Ngô, bản chất cuộc xung đột không phải là giữa chủ nghĩa cộng sản và dân chủ, hay giữa chủ nghĩa vô sản quốc tế và chủ nghĩa dân tộc, mà đúng hơn là, một cuộc đấu giữa hai tầm nhìn khác nhau về chủ nghĩa cộng sản chống thực dân: chủ nghĩa nhân văn Stalin và chủ nghĩa nhân văn Mác xít (trang 83).

Người ta thường quên rằng, trước khi anh trai của ông trở thành thủ tướng, ông Nhu là người lãnh đạo trong phong trào công đoàn công nhân miền Nam Việt Nam, không chỉ đơn giản là một nhà tổ chức mà còn là một nhà lý luận.

Cách giải thích này về tư tưởng của anh em nhà Ngô phản bác gần như tất cả những gì đã viết về họ, nhưng phải thừa nhận rằng luôn có điều gì đó thiếu sót trong nỗ lực giải thích mục đích của họ. Dù có một số tác giả đã ghi nhận rằng Chủ nghĩa cá nhân Việt Nam (chủ nghĩa nhân vị) của anh em họ Ngô đại diện cho một cái gì đó nằm giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản, nhưng chưa có ai theo đuổi ý nghĩa của dòng tư tưởng này một cách nhất quán và rõ ràng như ta thấy trong phân tích của Nguyễn Lập Duy. Phân tích này được phát triển căn cứ vào bối cảnh Chương trình Ấp chiến lược, được xây dựng vào những năm 1960-62, để chống lại cuộc nổi dậy ở nông thôn do Hà Nội chỉ đạo ở miền Nam Việt Nam, và sự đổ vỡ mối quan hệ của anh em nhà Ngô với các nhà chỉ trích ở đô thị Miền Nam Việt Nam, và với chính quyền John Kennedy.

Những người chống đối ở đô thị thường cáo buộc về sự xấu xa của Chương trình Ấp Chiến lược để chống lại Ngô Đình Diệm. Họ đánh đồng nó một cách đơn giản với Chương trình Agroville (Khu trù mật) đã bị bỏ rơi trước đó, một thử nghiệm thất bại từ năm 1959-60 nhằm chống lại sự nổi dậy của những người cộng sản, bằng cách tập trung dân cư nông thôn vào thị trấn mới. Lời buộc tội này cũng là một nội dung nổi bật trong tuyên truyền mà địch thủ của ông Diệm ở Hà Nội thực hiện. Và nó cũng được người Mỹ tung ra vì thất vọng với sự phản kháng của ông Diệm đối với định hướng của họ.

Mặt khác, những người dân nông thôn có cuộc sống bị ảnh hưởng trực tiếp nhất từ Chương trình Ấp Chiến lược được hưởng lợi từ sự gia tăng an ninh vật chất và sự thay đổi quyền lực địa phương mang tính cách mạng, từ những “người có uy vọng” của thời thuộc địa sang một thế hệ mới được bầu ra ở địa phương.

Ngay cả các sĩ quan quân đội Mỹ cũng báo cáo rằng vào năm 1962, chương trình này đã bắt đầu chống lại lực lượng nổi dậy, và Bắc Việt sau đó thừa nhận rằng nó đã bóp nghẹt hoạt động của họ ở miền Nam.

Nhưng các cuộc tấn công tuyên truyền từ nhiều phía, từ địch thủ của ông Diệm ở Hà Nội, từ những người chỉ trích Hoa Kỳ trên báo chí và Bộ Ngoại giao, và từ những người lật đổ ông và từ những người từ bỏ chương trình cuối cùng của ông, tất cả đã thành công trong việc xóa bỏ mọi ký ức về thành công của chương trình.

Mối liên hệ giữa Chủ nghĩa Cá nhân (nhân vị) và Chương trình Ấp Chiến lược đã mất đi với cái chết của anh em nhà Ngô và kiểu mô tả ác quỷ hóa chế độ họ lãnh đạo.

Chương trình Ấp Chiến lược được thiết kế không chỉ như một phản ứng đối với cuộc nổi dậy của những người cộng sản mà còn là phản ứng trước nguy cơ Mỹ can thiệp vào các vấn đề đối nội của Việt Nam. Đó cũng là một hành động loại bỏ các chính trị gia thuộc địa tụ lại ở Sài Gòn và những người liên minh với lợi ích của Mỹ. Những người lật đổ ông Diệm hiểu rằng chương trình đi ngược lại lợi ích của họ, cho dù đó là các chính trị gia thành thị, những người tự lựa chọn vị trí của mình trong chính phủ do Hoa Kỳ thống trị, hay những sĩ quan quân đội nhận ra rằng thành công của chương trình làm giảm lợi ích của họ nhờ sự can dự của quân đội Hoa Kỳ.

Anh em nhà Ngô, không kém gì các nhà lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội, hiểu rõ tầm quan trọng của dân cư nông thôn; nhưng thay vì khủng bố nông dân để buộc phải vâng phục như những nhà cộng sản có nguồn gốc đô thị ở Bắc Việt đã làm trong cải cách ruộng đất 1953-56, họ lại nhắm tới mục đích thúc đẩy một cuộc cách mạng bất bạo động ở vùng nông thôn miền Nam, để tạo ra một xã hội nông thôn tự chủ hiện đại, có thể chống lại được cả sự thống trị về kinh tế và chính trị của cả lực lượng nổi dậy do Hà Nội chỉ huy và của cả giới tinh hoa đô thị đến từ “thế giới tự do”.

Không có gì khó trả lời đối với câu hỏi tại sao những người chỉ trích gay gắt nhất anh em nhà Ngô lại là những người đô thị: những tàn dư ở cả khối dân sự và quân sự của chế độ thuộc địa do Pháp đào tạo, tầng lớp doanh nhân liên minh với lợi ích kinh tế Mỹ, các nhà sư chính trị Phật giáo, và các phóng viên Mỹ — đối với tất cả những người này, Chủ nghĩa Nhân vị là một rào cản đối với ảnh hưởng của họ.

Từ quan điểm của anh em họ Ngô, những người này đại diện cho một bộ phận thiểu số thành thị có lợi ích trái ngược với việc trao quyền cho dân cư nông thôn và phi tập trung hóa cả cấu trúc của chính phủ và cuộc chiến chống lại cuộc nổi dậy do Hà Nội chỉ đạo.

Mặt khác, yêu cầu của người Mỹ phải “dân chủ hóa” bằng cách đưa tầng lớp thượng lưu thành thị vào bộ máy hành chính trung ương sẽ đè bẹp cuộc cách mạng xã hội ở nông thôn mà anh em nhà Ngô nỗ lực thực hiện, như một cách để tạo ra một chính thể dựa trên nông thôn phi tập trung hơn, và có khả năng chống lại cuộc nổi dậy do Hà Nội chỉ đạo.

Theo Nguyễn Lập Duy, liên minh giữa Hoa Kỳ và tầng lớp doanh nhân đô thị đang phát triển vào giữa những năm 1950 bởi Chương trình Nhập cảng Thương phẩm (Commodity Import Program), một kế hoạch theo đó các quỹ của Mỹ được chuyển cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời tạo ra một xã hội đô thị phụ thuộc vào hàng tiêu dùng Mỹ. Anh em nhà Ngô vướng vào mâu thuẫn giữa một bên là cần sự trợ giúp của Mỹ với một bên là niềm tin cho rằng tác động lâu dài của việc đó sẽ tạo ra một cơ cấu chính trị và kinh tế thuộc địa đi ngược lại lợi ích của đại đa số người dân miền Nam Việt Nam.

Hy vọng duy nhất của họ là định hướng lại nền tảng kinh tế và chính trị của chính phủ sao cho tách khỏi các đô thị và hướng về nông thôn, trước khi bị choáng ngợp bởi sự can dự ngày càng tăng của Mỹ vào đất nước họ. Thực tế sau đó đã chứng minh rằng niềm hy vọng này của họ chỉ là vô vọng.

Lập luận lớn thứ hai trong cuốn sách Nguyễn Lập Duy là về thời kỳ hậu – Ngô Đình Diệm, bàn về các kết quả kinh tế, văn hóa và chiến lược mà sự lên ngôi của ông thầy Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn tạo ra.

Cái nhìn sâu sắc chủ chốt của tác giả ở điểm này liên quan đến ý tưởng chiến tranh cục bộ của Lyndon Johnson, trong đó phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của chiến lược quảng bá trong đời sống văn hóa Mỹ và tác động của nó đối với nền kinh tế và văn hóa miền Nam Việt Nam, cũng như nhận thức của người Mỹ về chiến tranh. Cách tiếp cận chiến tranh cục bộ được xây dựng dựa trên mục tiêu “xây dựng hình ảnh như là một chiếc lược toàn cầu”. Cuộc chiến tiêu hao xảy ra sau đó là một “hình thức cưỡng bách ngoạn mục không có sức mạnh chính trị thực sự, sử dụng ưu thế to lớn về phương tiện bạo lực, nhưng không xây dựng bất kỳ một kế hoạch nào để chiếm ưu thế (tr. 168).

Chiến lược của Mỹ can thiệp vào Chiến tranh Việt Nam, nói ở cấp độ có thể gọi là chiến lược, là thuyết phục các nhà lãnh đạo Hà Nội từ bỏ nỗ lực chinh phục miền Nam Việt Nam, nhắm đến mục tiêu làm họ nhụt chí bằng cách biểu diễn cảnh tượng ném bom và không vận. Họ không bao giờ xây dựng một chiến lược để thực sự chiến thắng trong cuộc chiến, mà chỉ nhắm đến mục đích làm cho địch thủ nghĩ rằng nó không thể chiến thắng.

Nhận thức của người Mỹ về cuộc chiến đã được định hình kỹ lưỡng bởi điểm nhấn này hơn là những gì xảy ra trong thực tại. Hậu quả là vào năm 1968, người dân Mỹ đã quay lưng lại với cuộc chiến vì cảnh tượng của cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân đã thuyết phục họ rằng Mỹ không thể thắng, dù thực tế Tết Mậu Thân là một thất bại lớn của Hà Nội. Sự thật không còn quan trọng nữa; quan trọng là cái cảnh tượng được kiến tạo nên.

Nguyễn Lập Duy chỉ ra rằng lối suy nghĩ này vốn đã dẫn đến sự lật đổ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 sau khi báo chí Mỹ phỉ báng ông. Sự lật đổ ông Diệm không liên quan đến tình trạng thực sự của cuộc nổi dậy mà là để tạo ra một ấn tượng công khai cho công chúng. Đó là cái mà tuyên truyền mong muốn. Một đồng minh của người Mỹ đã bị loại bỏ vì từ chối thừa nhận chủ quyền của dư luận công chúng Mỹ.

Các nhà hoạt động Phật giáo trẻ, những người tìm cách lật đổ ông, đã nắm lấy sự nhạy cảm của người Mỹ đối với kiểu thuyết phục bằng những cảnh tượng ngoạn mục. Năm 1968, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội cũng vô tình phát hiện ra điều này.

Phần thứ hai của cuốn sách sử dụng phê bình văn học để phân tích nền Đệ nhị Cộng hòa (1967-75), cho rằng tác động của chủ nghĩa tư bản tiêu dùng Mỹ là đưa các nhà văn Nam Việt Nam vào một thị trường tự do, dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng vô minh, nhắm đến mục tiêu có nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn.

Việc Nguyễn Lập Duy dựa vào quan điểm của Võ Phiến về văn học miền Nam Việt Nam dẫn đến một mâu thuẫn. Anh chấp nhận những “phê bình tinh hoa” của Võ Phiến về nền văn học này vì chúng thiếu giá trị văn học: các tác giả buộc phải viết cho độc giả bình dân “thay vì giáo dục người dân thông qua việc tạo ra các tác phẩm văn hóa cao cấp… hòa nhập với quần chúng” và họ bán rẻ khả năng nghệ thuật của mình bằng cách tạo ra các mặt hàng văn hóa bình dân cho khán giả đại chúng, những người quá lười biếng để thưởng thức nghệ thuật (trang 197).

Nguyễn Lập Duy trích dẫn Walter Benjamin và Theodor Adorno về văn học, cho rằng đó là “sự phân tâm”/ “lệch hướng” để phát triển quan điểm của Nguyễn Hiến Lê về nền văn học này như một “hình thức thỏa mãn lãng phí… hoàn toàn tách biệt với những mô thức của các tác phẩm văn học được đánh giá cao” (tr. 201).

Điều này củng cố trích dẫn của anh về sự hoài cổ của Võ Phiến đối với nền văn học được sáng tác bởi các quan lại thời tiền hiện đại và trí thức thời thực dân. Nó khiến ông thấy sự lan truyền các tác phẩm nghệ thuật “đến quần chúng” là một sự hạ thấp tiêu chuẩn và ông than thở về sự vắng mặt của các nhà văn có thể viết một cách mô phạm để nâng cao ý thức dân tộc.

Nhưng sau đó là một ví dụ về sự hấp dẫn đại chúng của kiểu văn học mới này. Nguyễn Lập Duy phân tích tiểu thuyết Z.28 của Bùi Anh Tuấn; ông tham khảo các ý tưởng của Walter Benjamin, Guy Debord, Michel Foucault, Jean Baudrillard và Carl Schmitt để giải thích rằng những cuốn tiểu thuyết này là một dạng thức phê bình về xã hội đô thị Nam Việt Nam dưới sự trỗi dậy về kinh tế và văn hóa của Mỹ.

Hơn nữa, theo Nguyễn Lập Duy, những cuốn tiểu thuyết này miêu tả Hoa Kỳ là một đồng minh độc hại, kẻ đã đã bắt giữ miền Nam Việt Nam làm con tin cho cái phong cách chiến tranh “cục bộ” (nhắm đến những cảnh tượng) ngoạn mục của nó, khiến cho đất nước không thể tồn tại được (tr. 216).

Câu hỏi được đặt ra là: những cuốn tiểu thuyết này liên quan như thế nào đến khẳng định của Võ Phiến, rằng văn học miền Nam Việt Nam không cất lên tiếng nói quan trọng nào về số phận của đất nước? Nguyễn Lập Duy cho rằng văn học miền Nam phản ánh sự vô minh của chủ nghĩa tư bản hàng hóa, đồng thời lập luận rằng một trong những tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất đã phê phán những ảnh hưởng xã hội của sự vô minh này cũng như toàn bộ dự án của Mỹ ở đất nước ông.

Điểm cụt trong phần phân tích văn học miền Nam Việt Nam có thể thiếu tính xác đáng, nhưng nó vẫn đưa ra một chủ đề đáng được quan tâm hơn: quyền tự do văn học mà các nhà văn miền Nam Việt Nam được hưởng, nó được thực hành như thế nào trong thời đại chủ nghĩa tư bản hàng hóa, và điều này có thể cho chúng ta biết gì về quá trình đô thị hóa của đất nước trong điều kiện thời chiến làm cho cuộc sống nông thôn ngày càng mong manh.

Sự nắm bắt sâu sắc của Nguyễn Lập Duy đối với vấn đề chính sách “kiến tạo hình ảnh như một chính sách toàn cầu” khiến các nhà lãnh đạo Mỹ bị lừa dối bởi chiến lược của chính họ như thế nào, là đặc biệt phù hợp với Lyndon Johnson, người đã từ bỏ sự nghiệp chính trị của mình vào năm 1968 đơn thuần do “chiến thắng ngoạn mục của kẻ thù”, như mô tả của các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ. Đây là một “bước ngoặt” không đến từ “thất bại quyết định trên chiến trường” mà là từ “sự thất bại của các nhà hoạch định, với tư cách là các chuyên gia trong vấn đề thực thi kiến tạo hình ảnh toàn cầu, để bán hình ảnh toàn năng cho khán giả mà mình nhắm đến”, cả ở Hà Nội và trong dư luận Mỹ (trang 250).

Tôi tin rằng phân tích Nguyễn Lập Duy về cơ bản là chính xác. Là một chính trị gia tài ba, Lyndon Johnson sống trong vương quốc của cảnh tượng và dư luận Mỹ, cái đã chấm dứt sự nghiệp của ông. John Kennedy cũng sống trong cõi đó, cái chấm dứt cuộc đời của Ngô Đình Diệm. Dư luận và chính trị Mỹ liên tục bối rối giữa thực tại và cảnh tượng.

Keith Taylor

Tiếng Dân (08.08.2020)