Seite auswählen

Vụ Trương Duy Nhất và nạn bắt cóc nhà hoạt động ở Đông Nam Á

NGUỒN HÌNH ẢNH,YE AUNG THU/GETTY IMAGES. Chụp lại hình ảnh,(Ảnh minh họa)

Hiện tượng bắt cóc người bất đồng chính kiến ở các nước Đông Nam Á ‘không có dấu hiệu giảm’, ‘đặc biệt là khi chính quyền các nước độc tài cùng tồn tại cạnh nhau’, Alastair McCready, biên tập viên tạp chí Southeast Asia Globe, nhận định.

Trong bài Hoán đổi tù nhân: Vấn nạn bắt cóc nhà hoạt động tại các nước vùng Mekong, ông Alastair McCready nhắc đến trường hợp của Blogger Trương Duy Nhất:

“Vào tháng 1/2019, nhà báo kiêm blogger nổi tiếng Việt Nam, Trương Duy Nhất, đã bị bắt và lôi ra khỏi trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok. Sự biến mất của Trương Duy Nhất diễn ra trong sự im lặng thường thấy của giới chức cả Việt Nam và Thái Lan.

“Chí ít, có vẻ như mỗi chính phủ đều hài lòng nhắm mắt làm ngơ trước các hành động tội phạm của các đặc vụ nước ngoài trên đất của họ, biết rằng sẽ đến lượt họ bắt những tiếng nói chỉ trích đang ẩn náu ở nước ngoài phải im lặng,” bài báo của Alastair McCready nhận xét.

Bài viết được phổ biến trước phiên xử phúc thẩm của ông Trương Duy Nhất vài ngày.

Tác giả cũng đề cập đến 11 vụ bắt cóc nhà hoạt động khác được biết đến từ 2016 tới nay ở Thái Lan, Lào, Campuchia, trong đó nhiều người đang tỵ nạn ở nước láng giềng.

Vụ ‘bắt cóc’ Trương Duy Nhất

Tuy chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ việc ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc ở Thái Lan, các luật sư bào chữa cho ông Nhất cho BBC hay rằng ông Nhất nói ông bị hai cảnh sát Hoàng Gia Thái Lan bắt ở Bangkok, sau đó họ giao ông cho một nhóm, có khả năng là cảnh sát mật vụ Việt Nam.

Giới chức Thái Lan sau đó giao ông Nhất cho giới chức Việt Nam. Sau vài ngày bị dẫn giải, ông Nhất về tới Việt Nam – nơi giới chức địa phương được cho là “hợp thức hóa vụ việc” bằng cách biên một lệnh bắt giữ với ông Nhất, theo thông tin từ luật sư Đặng Đình Mạnh, người hiện đang hỗ trợ pháp lý cho ông Nhất.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 12/8, hai ngày trước phiên xử phúc thẩm ông Trương Duy Nhất, luật sư Đặng Đình Mạnh nói:

“Trong phiên tòa sơ thẩm, vấn đề này [ông Nhất bị bắt ở Thái Lan] đã được đặt ra dưới góc cạnh pháp lý. Bởi lẽ thế này: Ông Nhất bị bắt, sau đó mấy ngày – tôi không nhớ chính xác – giới chức Việt Nam mới hợp thức hóa việc này bằng một văn bản bắt giữ người tại trụ sở cơ quan công an một phường ở Hà Nội.

“Việc lập biên bản và bắt người như vậy khiến ông Nhất bị mất mấy ngày mà ông bị dẫn giải từ Thái Lan qua Lào về Việt Nam mà không được tính. Chúng tôi đặt ra vấn đề này trên cơ sở bảo vệ quyền lợi cho thân chủ rằng những ngày đó cũng phải được thừa nhận là thời gian ông Nhất bị mất tự do, để khi ông bị tuyên hình phạt thì lẽ ra những ngày đó phải bị trừ đi.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TTXVN. Chụp lại hình ảnh,Ông Trương Duy Nhất mặc chiếc áo sơ mi xanh do cô con gái Thục Đoan gửi tại phiên tòa 9/3

“Nhưng chúng ta cần phải biết rằng hồ sơ vụ án là do cơ quan công an lập. Trong suốt thời gian điều tra, họ giới hạn luật sư vào tham gia vụ án. Cho tới khi hồ sơ đã hoàn thành rồi, chuyển qua Viện Kiếm sát để lập cáo trạng thì luật sư mới được tiếp cận.

“Tiếng là được tiếp cận nhưng thật ra cũng rất khó khăn. Vì vậy chúng tôi không thể chứng minh được ông Nhất bị bắt ở Thái Lan. Trong khi đó là điều mà ai cũng hiểu và ai cũng biết. Tại tòa, khi chúng tôi đề cập đến việc này thì tòa nói không có chứng cứ. Nên đây là điểm chúng ta biết, chúng ta hiểu, nhưng không chứng minh được…

Luật sư Mạnh thừa nhận với BBC News Tiếng Việt rằng việc ‘bắt cóc’ các nhà hoạt động đang xảy ra ở một số quốc gia không coi trọng những quy chuẩn quốc tế như Luật Dẫn độ.

“Việc bắt tội phạm vượt biên giới quốc gia, nhiều quốc gia đã có thông lệ, và khi họ ký các điều ước thì chúng trở thành luật. Chúng ta vẫn hay nghe dưới khái niệm Luật Dẫn độ.

“Lẽ ra các quốc gia nên hành xử với nhau trên cơ sở đó và dựa trên luật pháp quốc tế. Nhưng ở đây họ muốn vượt qua những điều đó.

“Tôi cho rằng điều này hết sức nguy hiểm, áp dụng cách hành xử tùy tiện. Điều này đi ngược lại cách hành xử văn minh của loài người, trong khi chúng ta đang tiến tới hành xử theo pháp luật, trên cơ sở pháp luật,”

Mặc dù Việt Nam chưa từng thừa nhận vụ việc này, điều tra của BBC News Tiếng Việt năm 2019 cho thấy dấu vết của việc ông Nhất đi nộp đơn xin tỵ nạn ở cơ quan Cao ủy Liên Hiệp Quốc tại Bangkok và tại một khách sạn nhỏ vùng ngoại ô Thái Lan – nơi ông Nhất dường như đã lưu lại sáu ngày trước khi bị bắt.

‘Vấn nạn bắt cóc nhà hoạt động tại Đông Nam Á’

Trở lại với bài viết trên Southeast Asia Globe, tác giả Alastair McCready cho rằng việc bắt các các nhà hoạt động tại các nước Đông Nam Á, “chủ yếu là do sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhân vật quyền lực, hợp tác quân sự và các chính phủ độc tài cùng tồn tại cạnh nhau”.

Bài viết liệt kê một danh sách các nhà hoạt động bị bắt mới đây tại các nước khu vực sông Mekong như Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia.

Gần đây nhất là vụ bắt cóc nhà hoạt động người Thái Wanchalearm Satsaksit – người chỉ trích chính phủ Thái Lan của cựu tướng Prayut Chan-O-Cha.

NGUỒN HÌNH ẢNH,MLADEN ANTONOV/GETTY IMAGES. Chụp lại hình ảnh,Những người ủng hộ cầm ảnh nhà hoạt động bị bắt cóc Wanchalearm Satsaksit trước cổng tòa ĐS Campuchia tại Thái Lan tháng 8/2020

Kịch bản khá giống với nhiều vụ bắt cóc khác từng được mô tả trên báo chí. Wanchalearm Satsaksit đang đi bộ gần nhà ở vùng ngoại ô Phnom Penh, Campuchia ngày 4/6/2020, thì bị đẩy lên một chiếc xe. Khi đó Wanchalearm Satsaksit đang nói chuyện với chị gái qua điện thoại. Và câu cuối mà chị gái anh nghe được từ em mình là ‘Tôi không thở được’.

Thời gian trôi qua, hi vọng tìm thấy Wanchalearm Satsaksit ‘còn sống’ ngày càng mong manh.

Năm 2016, Ittipon Sukpaen biến mất tại Lào, rồi bặt vô âm tín từ đó.

Năm 2017, Wuthipong Kachathamakul bị một nhóm nam giới vũ trang nói tiếng Thái bắt cóc bên ngoài nhà riêng tại Viêng Chăn, Lào, cùng vợ.

Năm 2019, ba nhà hoạt động Chucheep Chiwasut, Siam Theerawut và Kritsana Thapthai – bị chính quyền Việt Nam trao cho chính quyền Thái khi họ đang cố vượt biên giới sang Lào. Họ cũng bặt vô âm tín từ đó tới nay và giới chức Thái Lan phủ nhận đang giam giữ họ.

Cũng trong năm 2019, Surachai Danwattananusorn biến mất. Thi thể nhà hoạt động này hiện vẫn chưa được tìm thấy.

Cùng năm, thi thể hai phụ tá thân cận của Surachai là Chatcharn Buppawan và Kraidej Luelert được tìm thấy trôi trên sông Mekong đoạn chảy qua Vientiane, bị phanh thây và nhồi bằng bê tông.

Vào tháng 12/2019, hai người đàn ông đã tấn công Chamroeun Suon, một quan chức của Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia đối lập trước đây, bằng một khẩu súng khi ông rời một cửa hàng ở Bangkok. Ông nằm trong số 18 chính trị gia bị thủ tướng Campuchia Hun Sen gán mác “phản bội” chỉ một năm trước đó.

“Tôi là cảnh sát,” một người nói bằng tiếng Thái, trước khi nhanh chóng tiết lộ danh tính thật của mình khi bằng tiếng Khmer rằng “ông chủ yêu cầu tôi tìm anh”. Những người này đem theo một chiếc xe tải đợi cách đó không xa năm mét – nếu không phải vì cuộc tấn công vụng về này, Chamroeun sẽ đơn giản được thêm vào danh sách dài và ngày càng tăng các nạn nhân bị bắt cóc của tiểu vùng sông Mekong.

Tháng 8/2020, Od Sayavong – một thành viên của mạng lưới Tự do cho Lào, gồm những người lao động và nhà hoạt động người Lào sống lưu vong ở Thái Lan, thi thoảng vẫn tổ chức các cuộc biểu tình ở Bangkok – đã biến mất ở thủ đô Thái Lan và hiện vẫn chưa rõ tung tích.

NGUỒN HÌNH ẢNH,HWR Chụp lại hình ảnh,Nhà hoạt động người Lào Od Sayavong đã biến mất tại Bangkok khi đang tỵ nạn tại đây

Sự hợp tác giữa các chính phủ đối với những vụ bắt cóc này hầu như không thể chứng minh được, bài báo trên Southeast Asia Globe nhận định.

Với việc các nước láng giềng trong khu vực ngày càng mất an toàn cho những người bất đồng chính kiến, nhiều người hiện đang phải tìm cách trốn chạy xa hơn để đảm bảo an toàn cho họ.

Các nhà hoạt động bị ‘bắt cóc’ tại Việt Nam

Trước vụ bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất, đã có một số vụ việc tương tự khác xảy ra với các nhà hoạt động ở Việt Nam khiến một số tổ chức quốc tế phải lên tiếng.

Ca sỹ, blogger Nguyễn Tín: Năm 2018, ca sỹ, blogger Nguyễn Tín bị đánh, bắt và thả ‘một cách tàn nhẫn’, theo lời của anh với BBC News Tiếng Việt tháng 8/2018.

Nguyễn Tín được biết tới với các livestream anh hát nhạc vàng và các bài viết bày tỏ quan điểm về quyền công dân trên trang blog cá nhân. Anh từng tham gia biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và dự Luật Đặc khu vào hồi đầu tháng Sáu và bị đánh đập, bắt giam ba ngày.

Theo tường thuật của Nguyễn Tín, trong đêm nhạc mang tên ‘Sài Gòn kỷ niệm’ tại Cafe Casanova ở Sài Gòn đêm 15/8 do anh tổ chức, an ninh Việt Nam đã ập vào đánh đập khi anh đang biểu diễn, trói quặt tay ra sau, chụp túi nilon đen lên đầu và đưa anh đi.

“Họ đánh tôi một tiếng đồng hồ như vậy rồi đưa ra xe ô tô 7 chỗ, trong khi tay tôi vẫn bị trói.”

“Xe di chuyển quanh thành phố, đến rừng cao su thì dừng lại. Họ mở cửa, đạp tôi xuống một con kênh cạn nước.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,PHAM DOAN TRANG, DUONG DAI TRIEU LAM Chụp lại hình ảnh, Nguyễn Tín, Phạm Đoan Trang nói bị công an Việt Nam đánh đêm 15/8 sau khi đi nghe đêm nhạc của Nguyễn Tín. Chiếc mũ bảo hiểm được cho là dùng để đánh bà Phạm Đoan Trang

Nguyễn Tín nói anh phải lang thang trong tình trạng thương tích vài cây số dọc đường để tìm người nhờ gọi điện thoại về gia đình vì không còn tiền và giấy tờ trong người.

Bệnh viện sau đó chẩn đoán Nguyễn Tín bị chấn thương đầu, mũi, mặt, may mắn không bị tổn thương não.

Tổ chức Ân xá Quốc tế sau đó đã yêu cầu chính phủ VN điều tra ngay cáo buộc công an đánh đập tàn nhẫn ca sĩ Nguyễn Tín và nhiều nhà hoạt động ngày 15/8, trong đó có nhà báo Phạm Đoan Trang.

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Một nhân chứng có mặt tại đêm nhạc của Nguyễn Tín, xưng tên là Bảo, nói với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại từ Sài Gòn rằng ông thấy nhiều người khác bị đánh đập tàn nhẫn, trong đó có nhà báo bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang.

Theo lời kể, bà Trang bị công an đạp xuống sàn, mặt mũi chảy máu, sau đó bị công an còng tay đưa lên xe chở đi. Bà Trang sau đó xác nhận trên Facebook cá nhân việc này. Bà Trang cho biết công an đánh vào đầu bà đến vỡ mũ bảo hiểm, chảy máu đầu. Sau đó họ chở bà đi và thả xuống một đoạn đường vắng.

Cũng trong năm 2018, bà Phạm Đoan Trang từng cáo buộc bị an ninh ‘bắt cóc’ vào ngày 24/2 khi bà trở về quê ăn Tết cùng gia đình, sau đó bị thẩm vấn trong suốt 23 giờ về cuốn Chính trị Bình Dân do bà viết. Tổ chức Phóng viên Không biên giới sau đó đã lên án chính quyền Việt Nam về vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Văn Đài từng cho BBC News Tiếng Việt biết do ông dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ, ông từng bị an ninh Việt Nam bắt cóc, đánh đập, thẩm vấn, sau đó thả xuống một bãi biển hoang vắng vào một đêm lạnh giá.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES. Chụp lại hình ảnh,Luật sư Nguyễn Văn Đài (giữa) tại phiên tòa ngày 5/4/2018

Cần làm gì?

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng những vụ ‘bắt cóc’ các nhà hoạt động thường xuyên xảy tại Việt Nam và rằng cộng đồng cần phải được biết để cùng lên án hành động này.

Ông nói: “Tôi tin rằng việc bắt giữ người không thông qua những quy chuẩn như Hiệp định dẫn độ, mà bắt tùy tiện như một hành vi bắt cóc như vậy lẽ ra không nên có và không nên khuyến khích để thực hiện.

“Trước tiên phải nhìn nhận đây là cách hành xử cấp chính quyền và không phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế. Tôi tin rằng luật pháp quốc tế phải có những chế tài nhất định, qua đó mới có thể thể chấm dứt được tình trạng bắt cóc người tùy tiện như đã xảy ra.

“Chúng tôi chưa hình dung hết các khả năng mà quốc tế có thể áp đụng đối với các quốc gia có các hoạt động bắt cóc như vậy. Nhưng tôi không loại trừ các trừng phạt trong các ký kết về thương mại, như trong việc ký kết các Hiệp định thương mại vừa qua đều có đặt ra các điều kiện cho Việt Nam cam kết nhiều vấn đề như sửa đổi luật pháp hay vấn đề nhân quyền.

“Vấn đề bắt cóc các nhà hoạt động cần được thông tin rộng rãi để mọi người đều biết và lên án, từ đó giúp cho chính quyền nhìn nhận lại, đánh giá lại các hành vi như vậy và không nên thực hiện nữa.”

BBC (13.08.2020)

Đan viện Thiên An: chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế không hành xử theo pháp luật?

 Lợi dụng sự kiện Phiến đá “Lịch sử Đồi Chịu Nạn” để đàn áp, xóa bỏ Đan viện Thiên An?

Đó là nghi vấn của các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế – Giáo xứ Thái Hà.

Khi tấc đất là đến mấy tấc vàng

Linh mục Võ Văn Giáo, người phụ trách đào tạo ở Đan viện Thiên An, vào tối ngày 11 tháng 8 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau (1):

“Nhìn chung thì không phải mục đích của họ đòi đất nữa, mà tại vì trong thời điểm này này anh em có khắc một phiến đá ghi lại tóm tắt lịch sử của cây thánh giá bị người ta hạ bệ, gọi là cây thánh giá Khổ Nạn.

Ghi tóm tắt mấy dòng đã được hơn một tuần nay rồi thì cái đó có lẽ làm cho nhà cầm quyền thấy sao sao đó, rồi họ kích động dân hay làm áp lực để mình có một cái động thái gì đó, chứ còn vấn đề đất đai chúng con có đụng đến ai đâu.

Thực tế thì người dân được Đan viện chúng con chia sẻ đất đai trước đây rất là nhiều từ năm 68, 75 được Đan viện cho đất, rồi mượn đất cách này cách khác.

Ngay cả gia đình ở bên cạnh thì Đan Viện cũng hỗ trợ đất đai làm sao có thể lấy đất của người khác được, làm sao mà Đan viện Thiên An có thể lấy đất của xã Thủy bằng được?

Nếu bà con có mất đất thật sự thì thì cứ viết đơn lên kiện chính quyền đi, có gì thì đối chất với nhau chứ làm sao có những động thái như thế”.

Báo Thừa Thiên Huế lâu nay khi đưa tin về các sự kiện liên quan tranh chấp đất đai ở khu vực Đan viện Thiên An, đều nghiêng về phía các đan sĩ nơi này đã cố tình vi phạm pháp luật về đất đai (2).

Trong bài báo “Không thừa nhận việc Đan viện Thiên An đòi hơn 107 ha đất và rừng thông” đăng trên Thừa Thiên Huế Online, số phát hành ngày 06/07/2017, viết rằng: “Dù đã có quyết định của Tổng Thanh tra Nhà nước về xác định nguồn gốc hơn 107 ha đất và rừng thông đồi Thiên An ở xã Thủy Bằng (Hương Thủy) nhưng Đan viện Thiên An cho rằng đó là đất của mình. Từ đó, đan viện nhiều lần tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép, sử dụng sai mục đích nhiều diện tích đất ở đồi Thiên An do Nhà nước quản lý”.

Bài báo có những đoạn trích lời dẫn trực tiếp: “Chúng tôi đã mua từng lô đất nhỏ bắt đầu từ năm 1940 đến năm 1959 với tổng thể hơn 107 ha và chúng tôi đã làm tờ trích lục đất. Đến năm 1995, Nhà nước đo vẽ lại rồi cho rằng đất của Nhà nước”, Đan sĩ Cao Đức Lợi (người của Đan viện Thiên An) đưa ra lý do.

Đan sĩ Cao Đức Lợi và Đan sĩ Võ Văn Giáo cho rằng, Đan viện Thiên An căn cứ vào tờ sao bản đồ do Ty Điền địa Thừa Thiên cấp ngày 17/5/1969, với tổng diện tích hơn 107 ha. Các giấy tờ liên quan đến diện tích hơn 107 ha đất mà phía Đan viện Thiên An đưa ra để chứng minh là phần đất của mình hầu hết đều là bản photo.

Bài báo có đoạn xác định thực tế là sau năm 1975, chính quyền từ miền Bắc vào đây đã quốc hữu hóa nhiều tài sản bất động sản, và giờ thì không có chuyện ‘trả lại’:

“Ngày 5/3/1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có Nghị định số 01/NĐ-75 nêu rõ về chính sách ruộng đất; Quyết định số 31/QĐ-76 về việc quản lý sử dụng ruộng đất, tiếp đến là Quyết định số 188/CP ngày 25/9/1976 quy định về chính sách xóa bỏ triệt để tàn tích chiếm hữu ruộng đất và các hình thức bóc lột thực dân phong kiến ở miền Nam Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước có Hiến pháp năm 1980, 1992, 2013, Luật Đất đai năm 1988, 1993, 2003,  2013 và các văn bản pháp luật khác về đất đai của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tất cả các văn bản trên đều quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý” (3).

Chính quyền đã không ứng xử theo luật?

Giả dụ như tất cả các bài báo liên quan đến sự kiện tranh chấp đất đai ở Đan viện Thiên An là ‘đúng’, thì cái sai lớn nhất ở đây lại không phải từ các vị đan sĩ, mà là chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ nhất, Luật tổ chức chính quyền địa phương, ở Điều 5 “Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương”, ghi:

“1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Hiện đại, minh bạch, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân. 3. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. 4. Ủy ban nhân dân hoạt động theo chế độ tập thể Ủy ban nhân dân kết hợp với trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân”.

Như vậy, chủ tịch Ủy ban nhân dân là đại diện quyền lực chung của nhà nước tại địa phương.

Thứ hai, một khi chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế được trao quyền lực đại diện nhà nước tại địa phương, thì phải có bổn phận thực thi Luật tín ngưỡng, tôn giáo – cụ thể trong trường hợp Đan viện Thiên An, là:

“1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân. 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo” – Trích Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Thứ ba, nếu tuân thủ theo Điều 3, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục phải thực thi phận sự cho đại diện quyền lực nhà nước tại địa phương trong vụ việc đất đai Đan viện Thiên An, theo các nội dung luật định nêu ở Luật tín ngưỡng, tôn giáo:

“Điều 56. Việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo

1. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên tổ chức; quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được hình thành theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng là tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng.

4. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn tài sản bằng quyền sử dụng đất thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tiếp nhận và quản lý các khoản tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài; việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Điều 57. Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo

Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 58. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo

1. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thực hiện như quy định của pháp luật về xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ xây dựng trong đô thị, trung tâm cụm xã, trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng.

3. Việc tu bổ, phục hồi cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng; việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phụ trợ thuộc các cơ sở này thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật về xây dựng”.

Các nội dung tại Điều 56, 57, 58 kể trên phải được chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế làm căn cứ pháp luật để xét giải quyết các yêu cầu mà những đan sĩ ở Đan viện Thiên An đề đạt. Nếu việc giải quyết này vẫn còn lấn cấn về các văn bản pháp lý liên quan, thì mọi chuyện cần đến các bước tố tụng dân sự ở cấp tòa án.

Thứ tư, theo tin tức đăng trên RFA và nhiều tài khoản cá nhân mạng xã hội facebook, thì chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đang chọn giải pháp dùng áp lực số đông mang tên ‘quần chúng’ để nhằm ‘lấy thịt đè người’, đưa đến ngờ vực về quyền lực nhóm của chính quyền địa phương đã cố tình bất chấp pháp luật, hòng chiếm bằng được các tài sản bất động sản, vốn là tài sản hợp pháp trước tháng 4-1975 của Đan viện Thiên An.

Pháp luật hình sự có điều khoản liên quan đến hành vi nói trên của chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” được quy định tại Điều 116 Bộ Luật hình sự 2015, có hiệu lực ngày 01/01/2018.

_________________

Chú thích:

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/so-called-spontaneous-groups-have-come-to-thien-an-monastery-in-hue-for-land-claims-08112020073201.html

(2) https://baothuathienhue.vn/phai-tren-tinh-than-thuong-ton-phap-luat-a43984.html; https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-can-thien-chi-hop-tac-a44070.html; https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-xay-dung-cac-cong-trinh-khong-phep-mot-cach-he-thong-a44121.html; https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html; https://baothuathienhue.vn/nguoi-dan-kim-son-buc-xuc-voi-viec-lam-cua-dan-vien-thien-an-a52858.html; https://baothuathienhue.vn/dan-vien-thien-an-thieu-ton-trong-phap-luat-a63896.html; https://baothuathienhue.vn/tu-si-dan-vien-thien-an-cua-ha-rung-thong-trai-phep-a77314.html

(3) https://baothuathienhue.vn/khong-thua-nhan-viec-dan-vien-thien-an-doi-hon-107-ha-dat-va-rung-thong-a44163.html

Theo VNTB (13.08.2020)

Tín đồ PGHH bị đàn áp, tra tấn trong trại giam, gia đình kêu cứu

Cư sĩ PGHH – An Giang Bùi Văn Thâm.  Files photos

Gia đình Tù Nhân Lương Tâm, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm, thông báo nguy cơ thân nhân của họ bị đàn áp, và kể cả bị tra tấn trong trại giam.

Ông Bùi Văn Thâm bị tuyên án 6 năm tù với tội “gây rối trật tự công cộng”, và tội “chống người thi hành công vụ” vào tháng 6 năm 2016, sau khi gia đình tổ chức lễ giỗ bị công an ngăn cản không cho tín đồ đến dự lễ.

Bà Bùi Kim Thoa, người chị của tín đồ Bùi Văn Thâm từ huyện An Phú, tỉnh An Giang, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào ngày 12/8:

“Em của em cũng gặp nhiều khó khăn tại trại giam Xuyên Mộc, mà không có thể thông tin đầy đủ cho gia đình được vì trại kiểm duyệt. Không được thăm nuôi từ tháng 10/2019 đến nay. Không nhận cơm, từ tháng 10/2019 đến nay. Việc cung cấp 6 kg thức ăn và tiền ký gửi qua đường bưu điện mỗi tháng bị gián đoạn trong thời gian COVID-19”.

Gia đình ông Thâm cho rằng ông Thâm bị đàn áp vì bảo vệ cho quyền tự do tôn giáo. Ngay từ ban đầu, tại Trại giam Thạnh Hòa, nơi ông đang bị giam giữ, họ nói ông Thâm đã bị “trả thù” vì tinh thần bất khuất.

Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung Courtesy FB Đạo Tràng Út Trung

“Về sự tra tấn tại Trại giam Thạnh Hòa, thì sự tra tấn trải ra với em của em, nó từ chối không chấp nhận lao động cưỡng bức ở Trại giam Thạnh Hòa, từ ngày 16/8/2018 đến ngày 31/8/2018, thì em của em bị cán bộ Trại giam Thạnh Hòa còng chân, không cho ăn trưa, bắt tiêu tiểu tại chỗ, sau đó đi biệt giam, cồng chân 10 ngày. Rồi em của em phản đối, em tuyệt thực, do đó là công an mới chuyển em sang Trại giam Xuyên Mộc vào ngày 1/9/2018.”

Bà Kim Thoa cho biết, gia đình đã lập tức làm đơn tố cáo hành vị cưỡng bức và vô nhân đạo này, không những vì nó vi phạm luật Việt Nam, mà cả công ước quốc tế. Năm 2013, Việt Nam đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách (gọi tắt là UNCAT).

Thế nhưng trong suốt 1 năm rưỡi gửi 10 đơn tố cáo đến nhiều nơi, từ Cục Quản lý Trại Giam Thạnh Hòa đến Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao, đến Bộ Công an, gia đình không được giải quyết hoặc trả lời thỏa đáng.

“Mới đây ngày 22/6/2020 gia đình em nhận thư của cơ quan Cục Quản lý Trại giam C10, từ chối không thụ lý đơn tố cáo, và cấm cũng không cho tố cáo khiếu nại tiếp”,bà Kim Thoa cho hay.

“Các đơn của em cũng bị đùn đẩy vô trách nhiệm, từ Cục Quản lý Trại giam C10, đến các cơ quan khác. Cục Quản lý Trại giam đã không trả lời cho gia đình em gần 1 năm rưỡi, cuối cùng gia đình em mới phải khiếu nại 2 lần lên Trưởng Bộ Công an, thì mới được C10 trả lời là đóng hồ sơ.”

Ông Bùi Văn Thâm, là một trong 6 người thuộc Đạo tràng Út Trung của Phật Giáo Hòa Hảo độc lập, bị tuyên án vào đầu năm 2018, trong đó có ông Bùi Văn Trung, người bố của ông Thâm, là người tự thành lập Đạo tràng Út Trung và từ chối gia nhập Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo của chính quyền lập ra.

Đây cũng không phải là lần đầu hai cha con bị giam tù. Ông Thâm đã chiu 2 năm rưỡi tù, còn ông Trung vừa được thả chỉ 7 tháng trước đó, sau khi mãn án 4 năm tù, cũng vì cáo buộc “chống người thi hành công vụ”.

Trường hợp của tín đồ PGHH này được nêu trong báo cáo mới nhất về Việt Nam vào tháng 6 năm nay của Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF).

Ủy viên James Carr nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ông Bùi Văn Thâm và Bùi Văn Trung bị chính quyền bắt và kết án vì họ không chịu đăng ký đạo tràng.

“Ông Trung từ chối đăng ký đạo tràng, và năm 2012 bị bắt, rồi bị kết án 4 năm tù. Rồi, rất lạ là năm 2017, công an lập ra một trạm kiểm soát gần nhà ông để ngăn chặn gia đình, con trai ông đến dự lễ giỗ của mẹ ông Trung. Khi gia đình phản đối, thì họ bị bắt. Cả hai cha con bị tuyên án 6 năm tù, thân nhân khác bị kết án nhẹ hơn. Thật sự tôi không thể tin rằng, Việt Nam yếu kém đến nỗi  thấy bị đe dọa chỉ vì một người không muốn đăng ký đạo tràng của mình”.

Ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc điều hành tổ chức Mạng Lưới Bảo Vệ Nhân Quyền VETO!, gần đây cũng nhận định về bản án 2018 của ông Thâm:

“Ông Thâm bị tù vì cản trở nhân viên công ngăn cản trái pháp luật nhữngn tín đồ PGHH đến tham dự lễ giỗ ở đạo tràng của ông năm 2017. Tòa cho rằng ông đánh công an, dù là người công an đã khai tại tòa là ông không bị ông Thâm đánh công an. Do đó ông Thâm không chấp nhận bản án, mà tòa không chứng minh được tội của ông.”

Qua hai đợt thân nhân bị giam tù, bà Kim Thoa chia sẻ, gia đình thấy rõ nguy cơ đàn áp đối với những tù nhân lương tâm, và họ lo ngại về việc không có một cơ chế nào để bảo vệ cho tù nhân:

“Trong quá khứ và hiện tại, em cũng đã nghe nhiều lời kể lại của những tù nhân tôn giáo, và tù nhân lương tâm, cùng gia đình thân nhân em đi tù lần trước đi tù về, cũng có nói trong thời gian bị giam giữ, họ rất dễ bị tra tấn, như là bỏ đói, cùm, biệt giam, kỷ luật. Rồi bộ công an cùng các Viện Kiểm Sát đã bao che cho hành vi phạm pháp.

“Năm 1948 Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhất quyết thông qua quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng cho mỗi con người. Thế nhưng vẫn còn 2-3 chục quốc gia chưa hoàn toàn có quyền đó, và tôi rất lấy làm tiếc là Việt Nam là một trong những quốc gia đó.” – Ủy viên James Carr, USCIRF

“Từ những lý do trên, em cho rằng là cái sự tra tấn là một mối nguy cơ thường trực đối với tù nhân. Họ không nhận sự bảo vệ từ các cơ quan hành chính và tư pháp.”

Ủy viên Jim Carr nói USCIRF sẽ tiếp tục đề nghị đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) và ông cho rằng tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam rất tồi tệ.

“Năm 1948 Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã nhất quyết thông qua quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng cho mỗi con người. Thế nhưng vẫn còn 2-3 chục quốc gia chưa hoàn toàn có quyền đó, và tôi rất lấy làm tiếc là Việt Nam là một trong những quốc gia đó.”

Đối với những gia đình TNLT, họ không có con đường nào khác để bảo vệ, che chở cho thân nhân của họ.

Bà Bùi Kim Thoa nói bà chỉ ước mong, những TNLT của Việt Nam được có tự do, được đối xử nhân đạo. Đối với người em, Bùi Văn Thâm, bà nói:

“Ý muốn của em, rất là mong muốn, là thăm em của em.”

RFA (12.08.2020)

Người dân bị thu hồi đất ở Cần Thơ tự sát vì ‘án oan’ trước ngày đi tù

Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên đang được chữa trị. (Hình: Pháp Luật TP.SÀI GÒN)

Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên, 30 tuổi, đang được chữa trị tại Bệnh viện Đa Khoa thành phố Cần Thơ sau khi uống thuốc trừ sâu tự tử vì bất bình với bản án 9 tháng tù, hôm 13 Tháng Tám.

Trước đó, theo tờ Pháp Luật TP.SÀI GÒN, Tòa Án Nhân Dân thành phố Cần Thơ hôm 27 Tháng Bảy đã bác kháng cáo xin hưởng án treo của ông Kiên về cáo buộc “Cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Báo Zing dẫn cáo trạng cho hay, năm 2017, Ủy Ban Nhân Dân huyện Thới Lai ban hành quyết định thu hồi 3,000 mét vuông đất của ông Nguyễn Hoàng Việt, bố ông Kiên, ở ấp Thới Thuận B, để “xây dựng khu đô thị mới”.

Ông Việt có đơn khiếu nại, không đồng ý với mức tiền “hỗ trợ” của chính quyền. Sau đó, huyện ra quyết định cưỡng chế, thu hồi diện tích đất nêu trên.

Công Ty Cổ Phần Cadif hợp đồng với Công Ty Cổ Phần Hưng Thịnh Phát san lấp mặt bằng, đường giao thông thoát nước… Công ty này xây dựng nhà kho chứa vật tư trên diện tích đất của nhà bố con ông Việt bị thu hồi.

Hồi cuối Tháng Ba, ông Kiên yêu cầu tháo dỡ nhà kho ra khỏi phần đất mà gia đình ông đang khiếu kiện. Sau đó, ông lái máy xúc kéo sập nhà kho. Theo giám định của nhà chức trách, vụ kéo sập nhà kho gây thiệt hại 29 triệu đồng ($1,255).

Ông Kiên được cho tại ngoại và theo lịch thì ngày 13 Tháng Tám, ông phải đến trình diện tại công an huyện Thới Lai để chấp hành bản án 9 tháng tù.

Liên quan vụ này, tờ Tuổi Trẻ hôm 1 Tháng Bảy dẫn lời ông Dương Tấn Hiển, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Cần Thơ: “Việc xác định vị trí thu hồi đất thực hiện dự án khu đô thị mới huyện Thới Lai là sai cả hệ thống. Chính quyền cam kết sẽ sửa sai, đảm bảo quyền lợi của người dân.”

Cụ thể, dự án này ban đầu được quy hoạch, thu hồi đất tại ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, nhưng đến khi thực hiện thu hồi đất thì nhà chức trách tiến hành ở ấp Thới Thuận B.

Ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên tại phiên tòa. (Hình: Pháp Luật TP.SÀI GÒN)

Trước vụ của ông Kiên, hồi cuối Tháng Năm, dư luận rúng động trước tin ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử ngay tại tòa án tỉnh Bình Phước để phản đối bản án 3 năm tù do liên quan một vụ tai nạn giao thông.

Theo báo Pháp Luật TP.SÀI GÒN, trước khi quyết định chọn cái chết, ông Phước “đã nhiều lần kêu oan và đề nghị tòa tuyên ông không phạm tội nhưng không thành”.

Đầu Tháng Sáu, Tòa Án Nhân Dân Cấp Cao tại Sài Gòn đã hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, giao cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Phước điều tra lại do vụ án “có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng”.

Luật Sư Phùng Thanh Sơn bình luận trên trang cá nhân: “Không đâu công lý đắt đỏ như ở Việt Nam. Phải trả giá bằng cả tính mạng mới mong có công lý! Hết nhảy lầu ở Bình Phước, Sài Gòn, giờ đến tự tử bằng thuốc trừ sâu ở Cần Thơ!” 

Người Việt (12.08.2020)

Phạt ca sĩ Duy Mạnh: Tự do ngôn luận có bị đe dọa?

Cơ quan chức năng TP.SÀI GÒN đã phạt ca sĩ Duy Mạnh 7,5 triệu đồng về phát ngôn trên mạng. Nhiều người ủng hộ việc xử phạt, trong khi một số khác phản đối, viện dẫn quyền tự do ngôn luận.

Truyền thông Việt Nam đưa tin, ngày 7/8, Sở Thông tin và Truyền thông TP SÀI GÒN đã xử phạt hành chính ông Nguyễn Duy Mạnh, tức ca sĩ Duy Mạnh, 7,5 triệu đồng “vì những phát ngôn phản cảm trên trang Facebook cá nhân”.

Lãnh đạo Cục Nghệ thuật Biểu diễn sau đó tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát ca sĩ này để “khuyến cáo với các địa phương, đơn vị trong việc cho phép biểu diễn các chương trình nghệ thuật có sự tham gia của Duy Mạnh…”

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt từ Đài Loan, luật gia, nhà báo, Tổng biên tập Luật khoa Tạp chí Trịnh Hữu Long bình luận: “Việc công chúng kêu gọi cơ quan nhà nước vào cuộc xử phạt Duy Mạnh, cấm anh ta biểu diễn là một sự ủng hộ của công chúng dành cho chế độ kiểm duyệt, chế độ đàn áp quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu diễn”.

‘Phản cảm và phản quốc’

Ca sĩ Duy Mạnh nổi tiếng từ gần 20 năm qua với các ca khúc Kiếp Đỏ Đen, Ta Đâu Có Say, Tình Em Là Đại Dương,… Trên các mạng xã hội, anh này còn được biết đến là người hay có các phát ngôn “dung tục”, đặc biệt là các bình luận công kích giới bất đồng chính kiến.

Sự vụ mới nhất khiến Duy Mạnh bị phạt liên quan đến các phát ngôn trên mạng Facebook, trong đó có bình luận đại ý rằng Trung cộng chỉ chiếm hai đảo không có người của Việt Nam chứ không chiếm đất nước để phải nuôi 90 triệu dân. Nhiều công dân mạng phản ứng, cho rằng phát ngôn này phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên mạng xã hội Facebook, một người tên Ngọc Vũ bình luận: “Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa bị giặc Tàu ăn cướp và chiếm đóng, nhà nước đã mất bao công sức tìm đủ cách để lấy lại… Chúng ta phải có trách nhiệm và nghĩa vụ sát cánh cùng chính phủ đi đòi lại bằng được…”. Từ đó, Ngọc Vũ cho rằng bình luận của Duy Mạnh là “kêu gọi và cổ xúy cho giới trẻ sống vô trách nhiệm với tổ quốc, với đồng bào”.

Báo Sạch, một trang Facebook có khoảng 100.000 người theo dõi, khi đưa tin về việc Duy Mạnh bị cơ quan chức năng mời làm việc đã dùng từ “phản quốc” để nói về phát ngôn của ca sĩ gốc Hải Phòng.

Sau khi dư luận xôn xao trên các mạng xã hội, cơ quan chức năng đã vào cuộc, dẫn tới quyết định phạt hành chính nói trên. Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP SÀI GÒN, sau khi thông báo việc xử phạt đã nói thêm rằng “Duy Mạnh thừa nhận những ngôn từ sử dụng trên Facebook là không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục”.

Chụp lại hình ảnh,Báo Sạch, một trang Facebook có khoảng 100.000 người theo dõi đã dùng từ “phản quốc” để nói về phát ngôn của ca sĩ gốc Hải Phòng.

Một trong những điểm đáng lưu ý, đó là những phát ngôn “trái thuần phong mỹ tục” của Duy Mạnh đã có từ nhiều năm, nhưng đến nay cơ quan chức năng mới phạt. Có thể hiểu rằng việc xử phạt này được đưa ra do áp lực dư luận.

Có nhiều luồng dư luận sau vụ ca sĩ Duy Mạnh bị xử phạt. Một số ủng hộ quyết định xử phạt mà theo họ là “góp phần làm sạch môi trường mạng”. Một số khác ủng hộ phạt do Duy Mạnh thường có phát ngôn tấn công cá nhân, kì thị giới tính, đặc biệt là tấn công các nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến.

Trên trang Facebook cá nhân, người dùng Thuc Pham Awake viết: “Về trường hợp bộ 4T xử ca sĩ DM, mình cho là anh em đấu tranh dân chủ nên nhìn sự việc này như là chiến thuật ‘dùng vũ khí địch đánh địch’. Nếu xem cuộc đấu tranh vì tự do nói chung và tự do ngôn luận nói riêng như một cuộc chiến, thì anh em đấu tranh đương nhiên phải có vũ khí chính của mình, song lúc này lúc khác anh em vẫn phải sử dụng vũ khí địch để đánh địch…”

“Nói thêm một chút là mình thấy cách vận động, gây sức ép để chính quyền dùng luật của họ phạt bọn bưng bô là rất hay vì đấy là một cách nêu bật lên cái sự gậy ông đập lưng ông, và cũng làm phân hóa nội bộ phe bưng bô”, ông Thuc Pham Awake viết tiếp.

Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, một nhà bình luận về chính trị – xã hội, viết trên Facebook cá nhân rằng ông “ủng hộ việc pháp luật xử lý các hành vi xúc phạm tổ chức cá nhân, vi phạm các chuẩn mực đạo đức hết sức cơ bản, kiểu như ca sĩ Duy Mạnh, dù anh này phát ngôn với nội dung thuần túy ‘dân sự’ kiểu như bình phẩm về gái, về cơ quan sinh dục, hành vi giao hợp… hay có liên quan đến chính trị như vấn đề biển đảo”.

‘Không nên tự bắn vào chân mình’

Dù có nhiều ý kiến ủng hộ việc phạt Duy Mạnh, không ít người cũng cho rằng việc sử dụng quyền lực nhà nước trong trường hợp này sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà báo Trịnh Hữu Long bày tỏ: “Điều trước tiên, cá nhân tôi cho rằng phát ngôn của Duy Mạnh xúc phạm danh dự người khác là phản cảm”.

Ông Long cho rằng về mặt pháp lý‎, Sở Thông tin và Truyền thông TP SÀI GÒN có thẩm quyền xử lý những phát ngôn như thế trên cơ sở là phát ngôn của ca sĩ Duy Mạnh trái với thuần phong mỹ tục, ở đây theo được hiểu nôm na là chửi tục.

Nhưng ông Long cũng lưu ý quyết định xử phạt của cơ quan chức năng không đụng đến việc Duy Mạnh xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cô Ngọc Vũ hay những người tham gia trao đổi với Duy Mạnh.

“Về mặt áp dụng pháp luật, theo quan sát của tôi, đây không phải là lần đầu Duy Mạnh công khai xúc phạm danh dự người khác trên trang Facebook cá nhân và cũng không phải là người duy nhất xúc phạm người khác trên mạng”, ông Long nói.

Nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định việc xử phạt ca sĩ Duy Mạnh lần này có tính chất dân túy. “Họ thấy có làn sóng dư luận đủ lớn đang kêu gọi họ xử phạt và đây là cơ hội để ghi điểm, chứng tỏ với công chúng. Đồng thời, đây cũng là hình thức củng cố địa vị của cơ quan nhà nước cũng như chế độ kiểm duyệt”, ông phân tích thêm.

Chụp lại hình ảnh,Ca sĩ Duy Mạnh làm việc với Sở Thông tin – Truyền thông TP SÀI GÒN chiều 7/8.

Là nhà hoạt động nhân quyền nhiều năm, ông Long cho rằng việc công chúng kêu gọi các cơ quan nhà nước xử phạt Duy Mạnh, cấm anh ta biểu diễn là một sự ủng hộ dành cho chế độ kiểm duyệt, chế độ đàn áp quyền tự do ngôn luận.

“Tôi cho rằng đây là hành vi lấy dây buộc mình, tự bắn vào chân mình. Đây là những cơ quan đã, đang và sẽ cấm đoán tùy tiện đối với bất kỳ công dân nào và điều này đã diễn ra nhiều năm qua. Vụ việc này, vô hình trung, rất nhiều công dân đã trao cho các cơ quan này tính chính danh mà họ đang thèm khát”, ông Long lý giải và nêu quan điểm: “Điều này cũng thể hiện tâm lý cậy nhờ cửa quan, nhờ họ trả thù giúp cho mình. Đây là văn hóa chính trị mà tôi không ủng hộ”.

“Việc cơ quan hành pháp định đoạt thế nào là ngôn luận tốt hay xấu sẽ dẫn đến việc lạm dụng, diễn giải quyền lực của mình theo hướng rộng ra. Đó là lý do các cơ quan hành pháp, đặc biệt các cơ quan kiểm duyệt, chấp pháp như công an thường xuyên lạm dụng pháp luật”.

“Bản thân pháp luật Việt Nam vốn tùy tiện, xâm phạm mạnh mẽ quyền con người rồi. Trong quá trình thực thi pháp luật, những cơ quan chấp pháp còn tùy tiện và mở rộng quyền lực của mình hơn nữa. Thực tế, những nước dân chủ cũng có xu hướng này nhưng họ có cơ chế để ràng buộc các cơ quan hành pháp lại”.

Trong bối cảnh Việt Nam, nhà nước đã sử dụng luật pháp để trừng phạt người bất đồng chính kiến, dập tắt các tiếng nói chỉ trích chính quyền của công dân.

Do đó, theo ông Long, việc nhờ đến các cơ quan này để trừng phạt “cũng tương tự việc trao cho họ thanh kiếm để họ đâm chính chúng ta. Đồng thời, nó giúp cho các cơ quan này có thêm lý do để mở rộng quyền hành của mình”.

Giải pháp nào?

Có ý kiến khác nhau về phương pháp xử lý, nhưng dư luận nhìn chung đồng tình ở một điểm: phát ngôn kiểu như Duy Mạnh là “không chấp nhận được”, là “phản cảm”. Vậy cơ chế nào để xử lý?

Nhà báo Trịnh Hữu Long đưa ra gợi ý: “Thay vì đề nghị cơ quan hành chính xử phạt thì thực hiện kiện dân sự. Người nào thấy bị xúc phạm thì lên tiếng, tìm đến tòa án dân sự để kiện, chứ không có cơ quan nhà nước nào tự ý suy đoán rằng phát ngôn này là có tính xúc phạm và dựa trên suy đoán đó để xử phạt công dân”.

“Quan trọng, trước tòa, nguyên đơn và bị đơn ngang hàng nhau. Còn Sở Thông tin và Truyền thông TP SÀI GÒN và Duy Mạnh là hai bên không bình đẳng, một bên ở địa vị áp chế, bên còn lại ở thế tuân thủ. Nó mang tính cưỡng chế từ phía cơ quan hành pháp và có tính bắt buộc phải thi hành”, ông Long lưu ý.

Nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định rằng việc người dân viện đến tòa để đòi quyền lợi hay bảo vệ mình là thể hiện tinh thần chính trị chủ động của người dân.

“Dân chủ, suy cho cùng, là việc người dân tích cực tham gia vào tiến trình pháp l‎ý, bảo vệ quyền lợi chính mình và cộng đồng. Việc chúng ta dựa vào pháp l‎ý, tòa án sẽ tốt hơn nhiều so với việc kêu gọi một ông quan nào đó đưa ra quyết định xử phạt nhanh chóng để trả thù giúp mình. Văn hóa cậy nhờ cửa quan là văn hóa chính trị thụ động”.

“Trong bối cảnh Việt Nam, chúng ta không nên trao thêm quyền cho những cơ quan kiểm duyệt (Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT) và cơ quan đàn áp người dân (Bộ Công an)”.

“Củng cố quyền lực của cơ quan tư pháp không nguy hiểm bằng trao cơ quan hành pháp thêm quyền lực vì cơ quan tư pháp thường đóng vai trò là dây hãm các cơ quan hành pháp, lập pháp. Bằng cách phân tán quyền lực, chúng ta có thể loại bỏ dần cơ chế kiểm duyệt hiện nay. Văn hóa chính trị Việt Nam cần sẵn sàng cho việc đứng lên tự đòi quyền lực của mình. Đây cũng là hướng chúng ta cần hành xử trong vụ Duy Mạnh”, ông đề xuất.

Ở một khía cạnh khác, nhà báo Trịnh Hữu Long gợi ý rằng công chúng có thể kêu gọi tẩy chay: “Duy Mạnh sẽ hứng chịu hậu quả nhãn tiền về những hành vi của mình. Việc chúng ta lên tiếng phản đối cái xấu là rất tốt, kêu gọi tẩy chay nó là cực kỳ tốt và kêu gọi cộng đồng tẩy chay là quá tốt. Một nền dân chủ lành mạnh luôn cần sự tham gia tích cực như vậy của người dân”, ông Long kết luận.

Nhiều quan điểm khác nhau đã được đưa ra quanh vụ xử phạt ca sĩ Duy Mạnh, trong đó có những ý kiến đối nhau cho thấy vụ việc đã khơi lên tranh luận về vấn đề dân chủ, về quyền công dân và quyền lực của nhà nước.

Theo BBC (12.08.2020)