„câu hỏi quan trọng nhất mà mọi người và mọi dân tộc cần phải trả lời là khi mà chúng ta gặp những sự bất công trong cuộc sống, với tư cách là một quốc gia, ta có đủ can đảm để nhận ra chúng và dẫn lối cho sự thay đổi và tiến bộ vì lợi ích của mỗi người dân hay không?“
Cecilia Kiều Duyên
Một số thành viên nhóm NextGen. Ba chị em Kiều Trinh – Kiều Duyên – Kiều Trang ngồi ở giữa.
Trong buổi hội luận trực tuyến số 5 trong chuỗi hội luận Vận Động Cho Việt Nam do BPSOS tổ chức, rất đông người Việt ở khắp nơi bày tỏ sự thích thú, cảm phục, và niềm hy vọng cho tương lai qua sự góp mặt của các em trẻ nhóm NextGen (tạm dịch là Thế Hệ Nối Tiếp).
Dù các em được sinh ra ở hải ngoại nhưng vẫn cố gắng nói, đọc được tiếng Việt. Dĩ nhiên không được lưu loát bằng ngôn ngữ thứ nhất của các em là tiếng Anh, nhưng các em vẫn cố gắng diễn đạt để truyền tải những thông điệp của tình yêu thương, ý thức trách nhiệm đối với xã hội, và tinh thần tranh đấu để bảo vệ nhân quyền ở bất cứ nơi nào còn bất công.
Khán giả đã rất ấn tượng với các bài phát biểu của các em. Nhưng đối với riêng tôi, bài phát biểu khiến tôi rưng rưng cảm xúc nhiều nhất là bài của Kiều Duyên, tham gia từ Anh Quốc.
Bài phát biểu của em thiết tha tình nhân ái, biểu lộ trái tim thổn thức trước những cảnh đàn áp, bạo lực đối với người dân trong nước, đặc biệt là đối với trẻ em.
Mặc dù Kiều Duyên còn rất trẻ, em đang học năm thứ hai đại học, ngành Quan Hệ Quốc Tế tại Vương quốc Anh, nhưng câu hỏi của em ở cuối bài cho thấy tư tưởng trưởng thành, chín chắn, có trách nhiệm của một người trẻ tuổi mà những người lớn như chúng ta cũng cần phải tự vấn.
“Duyên có nghe về một câu hỏi là người Việt có giỏi hay không, có thông minh, hay làm ra nhiều tiền hay không? Nhưng, câu hỏi quan trọng nhất mà mọi người và mọi dân tộc cần phải trả lời là khi mà chúng ta gặp những sự bất công trong cuộc sống, với tư cách là một quốc gia, ta có đủ can đảm để nhận ra chúng và dẫn lối cho sự thay đổi và tiến bộ vì lợi ích của mỗi người dân hay không?”
Tôi thật là may mắn được là một trong số những người đầu tiên “phát hiện” ra “trái tim Việt Nam” này, đến từ một nơi xa, tận Vương Quốc Anh, và không chỉ có một mà đến ba trong cùng một gia đình: Kiều Trang – Kiều Duyên – Kiều Trinh, vào một buổi chiều hè năm ngoái khi các em cùng ba mẹ tiến đến bàn ghi danh để nhận thẻ tên tham dự trại hè NextGen được tổ chức lần đầu tiên.
Qua bài viết này, tôi cũng muốn gửi lời cám ơn đến anh chị Quang dù sống nhiều năm ở nơi không có đông người Việt Nam nhưng vẫn giữ vẹn tấm lòng hướng về đất nước. Không những anh chị đã nuôi dạy các con nói, hiểu được tiếng Việt mà còn giúp các cháu có được tấm lòng hướng thiện và trái tim nhân ái biết yêu thương người khốn cùng và ghét sự bất công. Anh chị đã hướng dẫn các cháu biết tìm hiểu về tình hình ở Việt Nam. Anh chị đã dành một kỳ nghỉ dài và tốn kém để đưa ba cháu từ Anh sang Mỹ tham dự trại hè và cùng các cháu hòa bước trong dòng người mang theo trái tim Việt Nam đến Quốc Hội Mỹ để vận động cho nhân quyền.
Sau khi trở về Anh Quốc không lâu, anh Quang lại lái xe đưa ba cháu vượt chặng đường xa đến Luân Đôn để tham sự buổi hội nghị do tổ chức bảo vệ quyền tự do tôn giáo có tên là “Ki Tô Hữu Đoàn Kết Toàn Cầu” tổ chức. Từ ngày đó các cháu đã có thêm niềm cảm hứng để tiếp tục tham gia các sinh hoạt với những bạn khác trong nhóm NextGen, xây dựng tình thân, giữ lửa trong tim, chung tay làm những công việc ý nghĩa để bảo vệ nhân quyền, hỗ trợ người tị nạn, thân nhân các nhà hoạt động và tù nhân lương tâm trong nước.
Tôi may mắn được làm người nhân chứng thầm lặng theo dõi sự lớn mạnh của NextGen và sự trưởng thành về mọi mặt của các thành viên trong nhóm, trong đó có những em lặng lẽ trong “hậu trường” ít khi xuất hiện trong các sự kiện nhưng nếu không có sự đóng góp quan trọng của những “chiến sĩ thầm lặng” này thì NextGen sẽ khó có thể tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.
Và tôi mong ước ở đâu đó ngoài kia còn rất nhiều những bậc cha mẹ sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng qua các sinh hoạt nhiều ý nghĩa của các em NextGen để bắt đầu từ những câu chuyện trong gia đình có thể hướng dẫn cho con em về lý tưởng và ý thức trách nhiệm xã hội. Hãy tin tôi đi. Con em của chúng ta giỏi hơn chúng ta nhiều lắm. Hãy là cây cầu để đưa các em đến vùng trời của khai phóng, tự do, nhân bản. Chúng ta rồi cũng già và một ngày nào đó sẽ đi về cõi không. Tiền của chúng ta tích tụ được có thể giúp cho con em sắm được những tiện nghi vật chất nhưng chưa chắc đã đem lại hạnh phúc và sự thỏa mãn về tinh thần. Hãy gieo một hạt mầm hôm nay để mai sau khi con em chúng ta nhìn lại bản thân chúng có thể tự hào về một cuộc đời có mục đích, có ý nghĩa.
Xin giới thiệu đến các bạn toàn văn bài phát biểu của Cecilia Kiều Duyên. Kiều Duyên đang trình bày bản tham luận trực tuyến từ phòng học trong nhà ở Anh Quốc.
***
Duyên thân chào tất cả đồng bào trong và ngoài nước,
Ngày hôm nay Duyên, đại diện cho nhóm NEXTGEN, vinh hạnh được tham gia cùng mọi người trên chặng đường vận động cho nhân quyền của mỗi người Việt Nam.
NextGen là một nhóm thanh thiếu niên đấu tranh cho sự công bằng trong xã hội và quyền con người, đặc biệt là tại Việt Nam. Nhóm nhấn mạnh việc làm sao để người dân Việt Nam không để nỗi sợ chính quyền ngăn cản bản thân và gia đình sống quyền con người, và khuyến khích người dân yêu cầu chính phủ phải trả giá cho những điều sai trái, và sự vô trách nghiệm mà họ đã gây ra cho nhân dân. Cụ thể hơn, nhóm Duyên huấn luyện để giúp các bạn trẻ hiểu biết và sống đúng với quyền và phẩm giá con người và trở nên những lãnh đạo tại các cộng đồng địa phương để lan rộng sự hiểu biết và sự khao khát được sống với nhân quyền.
Tháng trước, NextGen đã gửi hai bản báo cáo cho Liên Hiệp Quốc về nhiều vụ vi phạm nhân quyền đối với trẻ em bởi chính quyền Việt Nam. Khi đó Duyên đã rất hoảng hốt về những tội ác kinh tởm mà công an đã phạm tới những đứa trẻ vô tội. Làm sao mà các quan chức, những người mà đáng lẽ ra phải chăm lo cho người dân, có thể xâm phạm các trẻ em về thể lý và tình dục? Làm sao mà những kẻ ấu dâm, đập phá nhà cửa, hoặc cướp đi lối mưu sinh của gia đình các em, có thể tung hoành dưới một chính quyền mà đang quảng bá hình ảnh của mình trước mặt bạn bè năm châu?
Bởi vì những kẻ áp bức nghĩ rằng nếu tiếp tục khủng bố nhân dân thì họ vì sợ hãi sẽ bỏ đi quyền con người. Bởi vì, khi ta đối mặt với sự đàn áp, dù ta là ai, nỗi sợ, nỗi lo mất đi những thứ ta trân trọng, vẫn mãi luôn hiện hữu trong ta. Tuy nhiên, khi sự sợ hãi thể hiện ra, chúng ta để kẻ khác lợi dụng và kiểm soát mình. Chính quyền dùng sự đàn áp để kiểm soát người dân như họ đã cố làm với gia đình cô Trần Thị Nga và nhiều gia đình khác, để làm cho những người còn lại lo sợ về một kết cục tương tự. Và lúc ta quỵ ngã dưới nỗi sợ ấy, sự tàn bạo của nhà cầm quyền sẽ gia tăng cùng với sự thoái hoá của quyền con người, đến mức Việt Nam không thể phát triển dưới bộ máy nhà nước hiện nay. Để ngay cả cái không khí mà người dân phải nộp thuế để hít vào cũng bị ô nhiễm trầm trọng.
Đây là những gian truân và thử thách mà rất khó để vượt qua. Nhưng điều này có thể thay đổi và nó đang bắt đầu. Những cuộc biểu tình ở Việt Nam, những ngày vận động cho nhân quyền tại hải ngoại, và việc Liên Hiệp Quốc đồng ý gặp NextGen về bản báo cáo, cho thấy rằng nhiều người Việt đã vượt qua nỗi sợ chính quyền và đang đòi lại quyền của họ.
Và sự dũng cảm ấy đã được đền đáp. Việt Nam dưới áp lực không ngừng từ quốc tế, các xã hội dân sự và người dân, đã phải trả tự do cho rất nhiều nhà hoạt động, và cách đây hai năm đã phải hoãn lại Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế.
Nhưng thành công nào cũng có cái giá của nó, để NextGen có được thông tin cho Liên Hiệp Quốc, bao nhiêu mạng người vô tội đã phải hy sinh: lãnh chịu những roi đòn, sự sỉ nhục, và thậm chí cái chết dưới tay chính quyền. Và những thành tựu ấy sẽ không là gì nếu như ta ngừng cố gắng. Nếu chúng ta ngưng yêu cầu nhà nước làm việc có trách nghiệm thì Lộc Hưng và Đồng Tâm sẽ có thêm những cái tên mới.
Duyên có nghe về một câu hỏi là người Việt có giỏi hay không, có thông minh, hay làm ra nhiều tiền hay không? Nhưng, câu hỏi quan trọng nhất mà mọi người và mọi dân tộc cần phải trả lời là khi mà chúng ta gặp những sự bất công trong cuộc sống, với tư cách là một quốc gia, ta có đủ can đảm để nhận ra chúng và dẫn lối cho sự thay đổi và tiến bộ vì lợi ích của mỗi người dân hay không?
NextGen sẽ cố gắng đấu tranh qua những buổi huấn luyện, những bản báo cáo, và những cuộc vận động cho nhân quyền. Và, nhóm cũng mong rằng mọi người Việt hãy cùng nhau vượt qua những khó khăn trước mắt để gây dựng một xã hội nơi mà quyền và phẩm giá của mỗi người được tôn trọng và bảo vệ; để “quyền phúc quyết của toàn dân” được trả lại, và để non nước Việt Nam được thái bình.
Theo VNTB (17.08.2020)