Seite auswählen

„Nhận diện giáo dục Hà Nội từ 1975 về trước qua sự đối chiếu bước đầu với giáo dục Sài Gòn.“

Vương Trí Nhàn

Tôi vốn là người làm nghề nghiên cứu văn học.Trong cái nghề thuộc loại công tác tư tưởng này, những năm trước 1975, tôi chỉ được phép đọc các sách báo miền Bắc, còn sách vở miền Nam bị coi như thứ quốc cấm.

Có điều, không phải chỉ là sự tò mò, mà chính lương tâm nghề nghiệp buộc tôi không thể bằng lòng với cách làm như vậy.

Tôi cho rằng, muốn hiểu cặn kẽ văn học hiện đại, phải hiểu văn học cổ điển; muốn hiểu văn học VN phải hiểu văn học thế giới. Thế thì để hiểu văn học miền Bắc làm sao lại lảng tránh việc nghiên cứu văn học miền Nam được.

Đối với giáo dục cũng vậy. Từ sau 30-4-1975, tôi vẫn sống ở Hà Nội. Sự tiếp xúc với giáo dục miền Nam (dưới đây viết là GDMN), chỉ dừng ở mức sơ sài bề ngoài.

Tuy nhiên, do việc tìm hiểu chính nền giáo dục miền Bắc (GDMB) ở tôi lâu nay kéo dài trong bế tắc, trong khoảng mươi năm gần đây tôi tìm thấy ở GDMN một điểm đối chiếu.

Học sinh bậc Tiểu Học tại miền Nam thời trước.

Lúc cảm nhận được phần nào sự khác biệt giữa hai nền giáo dục Bắc-Nam 1954-1975 cũng là lúc tôi hiểu thêm về nền giáo dục mà từ đó tôi lớn lên và nay tìm cách xét đoán. Tôi không chỉ muốn nêu một số đặc điểm mà còn muốn xếp loại nền giáo dục tôi đã hấp thụ.

Bài viết này có thể được đọc theo chủ đề khác đi một chút: Nhận diện giáo dục Hà Nội từ 1975 về trước qua sự đối chiếu bước đầu với giáo dục Sài Gòn.

KHÁC BIỆT NGAY TỪ HOÀN CẢNH HÌNH THÀNH

Chỗ khác nhau giữa GDMN và GDMB xuất phát trước tiên từ hoàn cảnh xã hội mỗi nền giáo dục đó được đặt vào, từ đó mà nó lớn lên là cái điểm đích mà nó hướng tới phục vụ.

Ngay từ những năm 1948 – 50, nền giáo dục tự phát trước tiên đã hình thành ở các vùng hồi trước gọi là vùng tự do; không chỉ Việt Bắc, những vùng tự do này tồn tại ở cả Nam bộ, rồi nam và trung Trung bộ, rồi tập trung và có ý nghĩa nhất với tương lai giáo dục là những quan niệm, những cách hình thành, các trường sở… về sau.

Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh. Nhờ có tinh thần yêu nước và những bài bản đã học được trong các nhà trường Pháp thuộc, nên ban đầu, nền giáo dục này có tạo được một số hiệu quả nào đó.

Việc kéo nhau lên Việt Bắc lúc đầu ai cũng nghĩ là chỉ một hai năm. Sống tạm bợ ít ngày cần gì. Nhưng rồi đường lối trường kỳ kháng chiến tiếp thu được từ Trung Quốc được quán triệt khiến mọi mặt hoạt động được đặt lại trong đó có công tác giáo dục. Làm theo ý chí hơn khả năng thực tế. Quan niệm giáo dục chưa hình thành cũng phải làm.

Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng.

Trong khi ở khu vực kháng chiến hình thành nền giáo dục như trên thì, ngay từ trước 1954, một nền giáo dục do người Pháp mở từ trước cũng đã tồn tại ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, và rõ nhất là ở Sài Gòn, và sau này chuyển giao, phát triển trở thành giáo dục miền Nam.

Đối tượng của những so sánh đối chiếu dưới đây là hai thực thể quá khác nhau, còn phải nghiên cứu công phu, ý kiến của chúng tôi chỉ mới là những phác thảo sơ bộ.

CHUẨN VÀ PHI CHUẨN

Đáng lẽ khi hòa bình lập lại những người kháng chiến đã trở về Hà Nội cái tinh thần giáo dục phi tiêu chuẩn hôm qua cần phải vượt qua, thì – như một thói quen và kết quả của một hiểu biết thiển cận – nó lại ăn sâu vào mọi mặt, chi phối cách hình thành và những định hướng lớn của GDMB

Nói quá lên thì có thể bảo, như một cơ thể, GDMB thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng.

Phương châm ở đây là làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm – rồi để yên lòng nhau, sẽ viện ra đủ lý lẽ để chống chế, để lấp liếm và xa hơn nữa, sẵn sàng tự ca tụng.

Ví dụ một trường đại học trước tiên phải có đủ bộ phận giảng viên đảm nhiệm việc giảng dạy theo những quy định quốc tế. Ở các nước gọi là đang phát triển, một trường đại học chỉ được thành lập khi có một bộ phận nòng cốt là những giáo sư đã học tập ở những Sorbonne, Oxford hoặc những trường tương tự… trở về.

Đâu người ta cũng hướng tới những yêu cầu này để noi theo, nay chưa làm được thì mai làm. GDMN cũng theo, GDMB thì không.

Trên danh nghĩa đại học VN cũng có những người gọi là giáo sư hay tiến sĩ đấy, nhưng đó là ta phong với nhau để làm việc, chứ thực tế thấp hơn hẳn chuẩn mực quốc tế “một cái đầu”.

Rộng hơn câu chuyện giáo viên là chuyện cơ sở vật chất và không khí học thuật của một trường đại học.

Rồi rộng hơn câu chuyện của riêng ngành đại học là chuyện của mọi cấp học.

Tính phi chuẩn bao trùm trong mọi lĩnh vực, từ trường sở, sách giáo khoa, cách cho điểm, cách tổ chức thi cử…, cho tới chất lượng dạy và học.

Sau mấy chục năm chiến tranh, cái sự làm lấy được làm theo ý chí đã thành chuẩn mực duy nhất, nó chi phối tất cả, khiến giáo dục VN có cách tồn tại, cách vận hành riêng chẳng giống ai. Các trường mới lập ra phải theo trường cũ, sau giải phóng (30.4.1975) thì miền Bắc buộc miền Nam phải theo.

Tạm ví một cách thô thiển: như trong khi người ta đi thì mình phải bò phải lết, vậy mà vẫn tự hào rằng mình cũng đang đi, chứ đâu có đứng yên.

KHÁC BIỆT TRONG QUAN NIỆM

Về bộ máy giáo dục

Có dịp tìm hiểu lại nền giáo dục trước 1945 và nền giáo dục ở Sài Gòn trước 1975, tôi nhận ra một sự thật – hồi đó, bản thân giáo dục là một hệ thống quyền lực. Nó có nguyên tắc tổ chức riêng và những con người riêng của nó.

Nhà thơ Chế Lan Viên có lần nói với Nguyễn Khải và Nguyễn Khải về kể lại cho tôi một nhận xét. Ông Chế bảo, ở xã hội cũ, một viên tri huyện tuy vậy vẫn phải nể nhà sư trụ trì mấy ngôi chùa lớn, hay các vị đỗ đạt cao nay không làm gì chỉ về mở trường trong vùng.

Còn các chức danh đốc học, giáo thụ, huấn đạo – các học quan tương ứng với tỉnh, phủ, huyện – là người do triều đình cử, chứ không phải do chính quyền địa phương cử, hoặc nếu địa phương cử thì triều đình cũng phải duyệt.

Tôi cảm thấy điều này được GDMN tiếp tục. Nền giáo dục ở đây do những người thành thạo chuyên môn quyết định. Còn ở miền Bắc thì hoàn toàn ngược lại.

Nhiều vị sư do địa phương phân công vào chùa hoạt động, hoặc sau khi vào chùa, lấy việc cộng tác với chính quyền làm niềm vinh dự, nghĩa là trong hệ thống sai bảo của chính quyền theo nghĩa đen.

Còn người phụ trách giáo dục các cấp hoàn toàn do Ủy ban cử sang.

Cả những hiệu trưởng cũng vậy, phải do Ủy ban thông qua.

Bộ máy tổ chức cán bộ địa phương thường hoạt động theo nguyên tắc là ai tài giỏi cho đi phụ trách các ngành chính trị kinh tế. Còn văn hóa giáo dục sẽ phân công cho những người kém thế lực và kém năng lực.

Trường Trung Học Bồ Đề Đà Nẵng (trước năm 1975).

Đánh đấm ở chiến trường hay vật lộn với sản xuất với thị trường mới khó, chứ việc quản mấy ông thầy với đám học trò ranh, ai làm chẳng được – người ta hiểu vậy.

Một người bạn già có hiểu nhiều về giáo dục ở thời Việt Nam dân chủ cộng hòa kể với tôi là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong chính phủ Liên hiệp thành lập 2-1946 là Đặng Thai Mai.

Nhưng về sau, do sinh viên trường đại học Đông dương đề xuất thắc mắc, Đặng Thai Mai chỉ tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, nên phải thay bẳng Nguyễn Văn Huyên có bằng tiến sĩ Sorbonne – Đại học số một của Pháp.

Việc chọn người tham gia chính phủ thời kỳ 1945-46 có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tôi tin chắc rằng thời ấy việc cử Bộ trưởng Bộ giáo dục buộc phải tuân theo nhiều chuẩn mực nghiêm khắc, chứ không phải à uôm hoặc phe cánh chạy chọt, như hiện nay.

Vả chăng vấn đề không phải chỉ riêng ông bộ trưởng, mà là mọi cấp quan chức của giáo dục.

Một trong những chuyện vui vui xảy ra với nền giáo dục hôm nay là chỉ thị của Bộ gíáo dục khoảng cuối 2013 cho các tỉnh, khuyên cơ quan chính quyền tỉnh nên cẩn thận và ráo riết trong việc kiểm soát các tin tức tiêu cực từ các cuộc thi. Nó là bằng chứng cho thấy giáo dục đã nát như thế nào và người ta cố tình che giấu như thế nào. Nhưng nó cũng tố cáo sự phụ thuộc hoàn toàn của nhà trường vào nhà cầm quyền. Giáo dục trở thành việc nhà của địa phương rồi, người ta cho biết cái gì thì dân được biết cái đó.

Viện Đại học Vạn Hạnh thời xưa.

Một kỷ niệm nữa có liên quan tới việc giáo dục phụ thuộc chính trị một cách thô thiển. Những năm 55 – 58, tôi học cấp II Chu Văn An. Trường ở ngay cạnh Chủ tịch phủ. Hễ có các vị quan khách nước ngoài tới thăm, xe đưa từ sân bay Gia Lâm về Ba Đình, là bọn tôi được lệnh bỏ học, ra đứng đường để hoan nghênh các vị khách quý.

Ở các địa phương việc huy động thầy trò vào các công việc gọi là công ích, là công tác chính trị của địa phương, càng phổ biến.

Người ta tự coi mình đương nhiên có quyền can thiệp vào mọi việc của nhà trường. Còn những việc như thế, làm hại đến chất lượng giáo dục ra sao, thì không ai cần biết.

Những nguyên tắc căn bản của giáo dục

Mấy năm gần đây hoạt động của GDMN được nhắc nhở nhiều trên báo chí, nhất là trên mạng. Nhờ thế, bọn tôi có thêm dịp để nghĩ lại về nền giáo dục mà đến nay ít được biết tới.

Trong một bài mang tên Nền giáo dục ở miền Nam 1954-75, một nhà giáo dục đồng thời trước đây là một quan chức trong nghề (như trên đã nói, quan chức giáo dục ở miền Nam khác hẳn quan chức miền Bắc), ông Nguyễn Thanh Liêm, đã nhắc lại những nguyên tắc căn bản của nền giáo mới là dân tộc, nhân bản, khai phóng, những nguyên tắc này đã ghi trong Hiến pháp VNCH 1967.

Đối chiếu với giáo dục miền Bắc, sơ bộ tôi thấy đại khái hai nguyên tắc đầu cũng thường được Hà Nội nhắc tới, nhưng được giải thích khác đi, và nguyên tắc thứ ba thì hoàn toàn người làm GDMB không có một ý niệm gì hết.

1. Về tính dân tộc

Ta hãy đọc lại cách giải thích của các nhà giáo miền Nam. Ở đây, bảo đảm tính dân tộc, phát triển tinh thần quốc gia của học sinh có nghĩa là giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Các nhà giáo miền Bắc, trên đại thể, cũng nói thế. Nhưng điểm nhấn thì khác. Trong cách giải thích của người làm giáo dục Hà Nội, tính dân tộc trước tiên là việc dân mình tự làm chủ lấy giáo dục của mình. Chúng tôi thường tự hào đây là một nền giáo dục riêng của người Việt, một nền giáo dục không có dây dưa gì nhiều với nền giáo dục mà thế kỷ trước, người Pháp đã mang lại. Chúng tôi làm lấy và đôi khi cố ý làm ngược với những bài bản thời thuộc địa.

Đây là cách hiểu về tính dân tộc mà giới văn hóa tư tưởng đề xuất và được coi là tư tưởng chỉ đạo. Thì cũng là cách hiểu trong giáo dục.

Một khía cạnh khác trong cách hiểu về tính dân tộc của miền Bắc. Không phải là những người làm giáo dục không biết chỗ yếu kém vốn có. Để tự trấn an, người ta biện hộ rằng trong cái vẻ luộm thuộm nhếch nhác, hình như GDMB đang trở lại với nền giáo dục của ông cha ta ngày xưa thời trung đại, chỉ cốt phát huy tinh thần hiếu học của con người.

Dân tộc trong trường hợp này, dân tộc đồng nghĩa với “ta về ta tắm ao ta”, từ chối những đổi mới hiện đại.

Cũng chính là những lý do được viện dẫn khi, trong đời sống văn hóa, người ta kéo nhau trở lại với các phong tục cổ hủ và khuếch trương mê tín đến một mức độ người xưa không thể tưởng tượng.

Trong khi đó, như vừa dẫn ở trên, tính dân tộc được các nhà GDMN hiểu là phải hướng về một thứ dân tộc hiện đại.

2. Về tính nhân bản

Trên giấy tờ văn bản, chẳng bao giờ giới văn hóa giáo dục miền Bắc phủ nhận tính nhân bản, tuy là trong thực tế người ta rất ngại nói tới.

Phần thì xã hội ở đây đã xem đấu tranh giai cấp là động lực phát triển; phần nữa thì đang trong thời chiến tranh, không thể nói nhiều đến tình người, nó xâm hại ý chí chiến đấu.

Khi cần phải nói chuyện với thế giới, các nhà tư tưởng miền Bắc cũng công nhận nhân đạo chủ nghĩa là lý tưởng tốt đẹp và giáo dục phải có nhiệm vụ hướng tới.

Nhưng trong thực tế, cách lý giải nghĩa về chủ nghĩa nhân đạo thường giản đơn và cổ lỗ. Lại thường giải nghĩa rất mới: “chủ nghĩa nhân đạo cao nhất là chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu chống lại mọi áp bức bất công”.

Trong bài Đế quốc Mỹ phải là kẻ thù riêng của mỗi trái tim ta của Chế Lan Viên, người ta còn thấy những câu thơ mà có lẽ con người ở các xã hội khác không sao hiểu nổi:

Miền Nam ta ơi
Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất
Ngọn súng trường ta ơi ngọn súng rất nhân tình

Giới giáo dục miền Bắc cũng dạy theo sự chỉ đạo đó.

Cách giải thích về nhân bản của các nhà giáo miền Nam ngược hẳn. Theo tôi hiểu, nó gần với cách hiểu của phạm trù này ở các xã hội hiện đại.

Hãy thử đọc một số sách thuộc tủ sách giáo dục của nhà xuất bản cũng tên là Trẻ, in ra ở Sài Gòn khoảng mấy năm sau 1970. Lúc này, một nhóm các nhà giáo dục, có lẽ mới đi học Anh Mỹ về, lập nhóm và đã công bố nhiều tài liệu mới viết có, vừa được dịch có.

Khi bàn về mục đích giáo dục, Nguyễn Hòa Lạc viết:

Mục đích tối thượng của giáo dục là làm thế nào giúp con người đạt được nhân cách, các bản ngã đích thực của mình, hầu có thể sống trọn kiếp nhân sinh […] nghĩa là giúp họ thể hiện được con người của mình trong ý nghĩa “con người là một hiện hữu tại thế, một hữu thể có lý trí và tự do, vừa suy tư vừa hành động”.

(Lê Thanh Hoàng Dân – Trần Hữu Đức… Các vấn đề giáo dục nxb Trẻ,1970 tr 209)

Cách hiểu như thế này cố nhiên không bao giờ được đề lên như mục đích của GDMB. Với các nhà giáo Hà Nội, nhất là vào thời kỳ sau khi Hà Nội được tiếp quản từ tay người Pháp (10-1954), không làm gì có những con người chung chung. Mỗi con người đều thuộc về một giai cấp do đó họ phải sự chỉ đạo của các đảng phái đại diện giai cấp của họ. Cách hiểu của GDMN: chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Trước sau, với nền GDMB, chấp nhận nhân bản theo nghĩa hiện đại, và đặt vấn đề tôn trọng cá tính của mỗi cá nhân, bao giờ cũng là một chuyện quá phiền phức, giá có công nhận là đúng nữa thì hoàn cảnh hiện thời không cho phép người ta tuân thủ và dù có được coi là đúng đi nữa, cũng không bao giờ được ứng dụng. Mà trong thực tế, lại làm ngược.

Vào khoảng những năm 1960, có cả một cuộc vận động chống chủ nghĩa cá nhân.

Thế thì làm sao có thể tính chuyện nghiên cứu về con người cá nhân, và giúp lớp trẻ thực hiện bản thể cá nhân vốn có trong họ được!

Cái luận điểm từng được thống nhất nêu ra trong các văn bản miền Nam: Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác phải được coi là xa lạ và nếu có ai nghĩ vậy thì cần phê phán.

Chúng tôi không dẫn lại đây các văn kiện có tính chỉ đạo đối với GDMB trong đó việc đào tạo con người thành những công cụ đắc lực cho cuộc chiến đấu trước mắt được nhấn mạnh. Chỉ xin lưu ý một điểm, đó không phải là phát minh của các nhà chỉ đạo GDMB nói chung mà còn là nguyên lý chỉ đạo giáo dục ở một nước mà miền Bắc lấy làm mẫu như giáo dục Nga xô viết.

Trong cuốn Các vấn đề giáo dục thuộc tủ sách giáo dục nxb Trẻ đã nói, có một phần lớn điểm sơ lược về giáo dục nước ngoài, cả phương Đông lẫn phương Tây, chắc là do kê cứu các sách nghiên cứu của Anh Mỹ và Pháp mà viết lại. Phần viết về giáo dục Nga kết lại như sau:

Xét chung thì nền giáo dục ở Nga rất thực tiễn và khoa học, nhưng nó chỉ là thứ giáo dục một chiều, nhăm biến con người thành một công cụ sản xuất [và ở VN là chiến đấu – VTN] tới mức tối đa. Một khi con người đã trở thành công cụ của guồng máy cộng sản thì mất hết nhân tính. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng giáo dục xô viết tuy thực tiễn và hữu hiệu nhưng lại phi nhân tính. (Sđd tr. 228) Có thể mượn để nói về GDMB.

3. Về tính khai phóng

Trong mấy chữ gọi là nguyên tắc căn bản trong các tài liệu GDMN, đối với bọn Hà Nội chúng tôi, chữ khai phóng là hơi lạ.

Mở Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng (Khai trí S.1975), thấy ghi khai phóng tức mở mang và buông thả, ý nói làm cho tốt đẹp hơn; không kìm giữ, mà trái lại, muốn giúp đỡ cho tiến xa hơn.

Thoạt đầu tôi thấy là trong một mức độ nào đó, khai phóng có vẻ gần với khái niệm hiện đại tiên tiến của miền Bắc, mấy chữ này thường dùng cả trong kinh tế lẫn giáo dục.

Về sau đặt khai phóng vào cái nền chung của các nguyên tắc căn bản của GDMN, tôi mới hiểu khai phóng gần với khái niệm cơ bản của nhân học hiện đại là tự do – và do đó quá mới mẻ với chúng tôi.

Trong cuốn Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới, do tổ chức Unesco bảo trợ biên soạn và chi phí xuất bản (bản dịch tiếng Việt của nxb Thế giới, H. 2004), phần viết về Thái Nguyên Bồi (1868-1940), có đoạn dẫn lại mấy ý của vị Hiệu trưởng sáng lập Đại học Bắc Kinh có liên quan tới phương hướng phát triển giáo dục của nước Trung Hoa thế kỷ XX.

Chúng ta phải được tự do tư tưởng và tự do ngôn luận và không để cho một trường phái triết học hay bất kỳ một loại hình tôn giáo nào giam hãm tư tưởng chúng ta. Trái lại chúng ta phải hướng tới những tư tưởng cao cả mang tính nhân loại, những tư tưởng sẽ tồn tại mãi, bất kể không gian và thời gian. Đó là nền giáo dục xứng đáng với tên gọi nền giáo dục toàn cầu.(sđ d tr138)

Giáo dục giúp cho thế hệ trẻ có cơ hội phát triển trí lực và hoàn thiện tính cách cá nhân, đóng góp cho nền văn minh nhân loại. Bởi vậy giáo dục không hể trở thành công cụ đặc biệt giúp cho những kẻ muốn thao túng xã hội theo đuổi những mục đích xấu xa. Việc dạy dỗ tại nhà trường phải hoàn tòan trao cho các nhà giáo độc lập không bị ảnh hưởng bởi bất cứ đảng phái chính trị hay tôn giáo nào (sđd tr 143).

Tinh thần khai phóng như vậy đã trở thành một khía cạnh chủ yếu của quan niệm nhân bản như trên đã nói.

Tinh thần khai phóng này cũng chi phối cách các nhà GDMN hiểu khác đi về tính dân tộc, so với nội dung được GDMB chấp nhận.

Các nhà GDMN từng hào hứng nói về xu thế hội nhập đến rất sớm của mình. Cách nói của Nguyễn Thanh Liêm:

Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới. Đó là theo tinh thần khai phóng vừa nói.

Với GDMB, nói dân tộc là để từ chối khai phóng. Còn với GDMN, chính là cần khai phóng thì mới giải quyết vấn đề dân tộc một cách triệt để.

Nhìn theo cách nào thì khai phóng mà các nhà giáo dục ở Sài Gòn đã nói cũng bao hàm một ý nghĩa mà GDMB không thể chấp nhận được. Thậm chí phải nói là GDMB đã làm ngược lại.

Hẳn là không xa sự thật lắm nếu kết luận trong khi giáo dục thế giới và GDMN là khai phóng thì GDMB là khép kín. Trong khi GDMB chỉ hướng tới các mục đích trước mắt – một tinh thần thiển cận sát mặt đất-, thì tinh thần khai phóng mà GDMN muốn xây dựng bao giờ cũng giúp cho người ta hướng tới tương lai.

Trong cuốn Các vấn đề giáo dục đã nói, ở tr 204 tập I, tôi còn thấy các tác giả dẫn lại một câu của Kant: Mục đích của giáo dục là huấn luyện trẻ không phải chỉ nhằm vào sự thành công của chúng trong tình trạng xã hội hiện tại mà nhằm một tình trạng có thể tốt đẹp hơn, hợp với một quan niệm lý tưởng của nhân loại (sđd tr 204).

GDMN nhằm vào những mục đích như thế mà GDMB thì không.

ĐOẠN KẾT

Giống như xã hội nơi đây, sự phát triển giáo dục ở miền Bắc đi theo một cái mạch phải nói là không bình thường.

Nếu GDMN tiếp nối cái mạch giáo dục của nhiều nước trên thế giới và trực tiếp là nền giáo dục VN trước 1945 thì GDMB, xét theo cả chặng đường dài năm sáu chục năm, trong khi cố tìm cốt cách riêng của mình, hóa ra lại chẳng tuân theo quy luật nào cả.

Nếu GDMN được triển khai theo một đường hướng khoa học của thế giới hiện đại thì GDMB lại có những khía cạnh như trở lại thời tiền hiện đại.

Cần nói thêm là trong khi phải làm giáo dục một cách mò mẫm, những người làm giáo dục ở miền Bắc trước 1975 đã luôn luôn tự nhủ rằng chúng ta đang làm một cuộc cách mạng trong giáo dục và giáo dục ta đang là một nền giáo dục tiên tiến.

Đó là một ý nguyện chính đáng.

Trong chiến tranh, Hà Nội hoàn toàn khép kín. Muốn thì cũng muốn lắm, nhưng trong hoàn cảnh đóng cửa cách ly với thế giới, làm gì có chuyện hội nhập theo đúng nghĩa của nó.

Cuộc sống trì trệ kéo dài

Đối chiếu với những điều bọn tôi được dạy bảo từ nhà trường phổ thông và sau này từng coi là phương hướng suy nghĩ, với các tài liệu mới đọc được, càng thấy trong khi khác biệt với GDMN, thì GDMB cũng khác nhiều so với thế giới. Đủ hiểu tại sao sau khi đào tạo trong nước, ra tiếp xúc với xã hội hiện đại, cánh học sinh sinh viên miền Bắc bọn tôi thường ú ớ, lạc lõng, trong khi những người được GDMN đào tạo thì hội nhập rất tự nhiên và hiệu quả.

Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng là chỉ đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học. Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong nước, những bài bản của miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ ra thoát.

 Vương Trí Nhàn

Bài đã đăng trên tạp chí NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN số 7-8 (114-115).2014, số chuyên đề GIÁO DỤC MIỀN NAM VIỆT NAM (1954- 1975)

Đăng lại bổ sung ảnh minh họa và chú thích.

***

Bài đọc thêm:

Nền giáo dục miền Nam trước 1975 (trích lược)

Nguyễn Thanh Liêm

GS.TS. Nguyễn Thanh Liêm nguyên là Hiệu trưởng Petrus Ký – Sài Gòn, Chánh Thanh Tra trưởng ban soạn đề thi của Bộ Giáo Dục trong những năm 1965-1967, Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Dưới đây là trích lược một phần tài liệu của ông về giáo dục miền Nam trước năm 1975.

Trước khi bị Pháp đô hộ, nền giáo dục ở Việt Nam là nền giáo dục cũ của Nho gia, gọi nôm na là “cái học của nhà Nho” như nhiều người thường nói. Nền giáo dục cũ này chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Hoa, từ chương trình, sách vở, lối học đến cách thức thi cử. Tổ chức giáo dục xưa được Đào Duy Anh ghi lại như sau trong quyển Việt Nam Văn Hóa Sử Cương:

“Ở mỗi huyện có quan Huấn đạo, mỗi phủ có quan Giáo thụ, dạy Tứ Thư Ngũ Kinh cho học trò khá. Ở mỗi tỉnh có quan Đốc học dạy các sinh đồ cao đẳng. Ở Kinh đô có trường Quốc tử giám. Các vị học quan kể trên đều ở dưới quyền giám đốc của bộ Lễ hoặc bộ Học. Trong dân gian thì xưa nay việc học vẫn hoàn toàn tự do. Thầy học thì có thầy khóa, thầy đồ, thầy tú dạy trẻ con, cho đến bậc đại khoa không xuất chính, hay các quan trí sĩ, có người dạy đến trăm nghìn học trò.”

Trường học thì phần lớn là nhà riêng của ông thầy, hoặc ở chùa hay ở đình, miễu trong làng. Giáo dục có thể xem như là công việc của nhà Nho hơn là của quốc gia, không thuộc một cơ quan công quyền với sự tài trợ và kiểm soát đôn đốc của chính phủ. Không có một hệ thống tổ chức qui mô của một nền giáo dục quốc gia gồm đủ cơ sở và nhân viên giảng huấn và điều hành từ trung ương đến địa phương, từ cấp thấp (như tiểu học) lên cấp cao (như đại học).

Cảnh thầy đồ dạy học của Việt Nam xưa (Ảnh: wiki)

Chương trình học thì gồm có mấy quyển Tam Tự Kinh, Sơ Học Vấn Tân, Ấu Học Ngũ Ngôn Thi, Dương Tiết và Minh Tâm Bửu Giám ở cấp vở lòng, xong rồi lên trên thì học Bắc sử (tức sử Tàu) và Tứ Thư Ngũ Kinh. Tất cả những sách này là sách gối đầu giường của Nho gia, chú trọng hầu hết vào triết lý, luân lý, đạo đức chứ không có một ý niệm khoa học kỹ thuật nào chen vào.

Phương pháp giảng dạy thì phần lớn như Đào Duy Anh tả: “thầy thì cứ nhắm mắt mà giảng chữ nào nghĩa nấy chỉ sợ sai mất nghĩa của Tống Nho.” Phương pháp học hỏi thì hoàn toàn dựa vào sự học thuộc lòng thu gọn vào trong công thức “sôi kinh nấu sử” tức là học tới học lui mãi cho đến khi nào thuộc nằm lòng Tứ Thư Ngũ Kinh và Bắc sử. Người đi học thực tập nhiều nhất là viết chữ cho thật đẹp như “phụng múa rồng bay”, làm thơ, làm phú, kinh nghĩa, văn sách, chế chiếu, biểu, câu đối, cho thật nhanh, thật khéo và thật chỉnh, dùng được càng nhiều điển tích càng hay để có thể đậu được các kỳ thi do triều đình tổ chức. (Có ba kỳ thi: thi Hương tổ chức ở một số địa phương để lấy Tú Tài; thi Hội và thi Đình tổ chúc ở trung ương để lấy Cử Nhân và Tiến Sĩ).

Tất cả các kỳ thi đều là thi tuyển và chỉ nhắm vào một kỹ năng của thí sinh là làm văn làm thơ dưới nhiều dạng như thơ đường luật, kinh nghĩa, văn sách, v.v.. Thường thì ba năm mới có một khoa thi, và đi thi là cả một vấn đề khổ nhọc cho sĩ tử vì trường thi ở xa, đường giao thông khó khăn, phương tiện giao thông còn rất thiếu kém. Thi đậu được thì có thể ra làm quan, không thì lui về làm thầy đồ thầy khóa, “tiến vi quan, thối vi sư” vậy.

[…]

Giới sĩ phu là giới sát cạnh nhà vua, giúp vua trị nước, thuộc hàng ngũ lãnh đạo quốc gia, là bậc thầy trong xã hội, đóng vai dẫn đầu, điều khiển, hướng dẫn dân chúng trong mọi sinh hoạt bảo vệ và phát triển đất nước. Nước giàu dân mạnh hay suy nhược đói nghèo, trách nhiệm ở giới lãnh đạo, ở Kẻ Sĩ, nhà Nho. Lớp trí thức Nho sĩ cũng như cái học cũ của Nho gia ngự trị trong xã hội Việt Nam từ thời Lý Trần cho đến khi có sự xâm chiếm và đô hộ của người Pháp hồi cuối thế kỷ XIX trong Nam và đầu thế kỷ XX ở miền Bắc và Miền Trung. Riêng trong Nam thì vì Nam Kỳ Lục Tỉnh chỉ mới được thành hình trọn vẹn từ giữa thế kỷ XVIII cho nên sự giáo dục ở đây chưa được tổ chức rộng rãi, chưa có cội rễ ăn sâu vào lòng đất như ở chốn ngàn năm văn vật của Thăng Long – Hà Nội.

Tính ra thì Nho học chỉ có được chừng một thế kỷ ngự trị ở Phương Nam. Mãi đến năm 1826 Miền Nam mới có vị Tiến Sĩ đầu tiên theo lối học xưa là cụ Phan Thanh Giản. Nhưng nền học vấn cổ truyền của Nho gia này ở Miền Nam chỉ mới có chừng trăm năm thì bị sụp đổ hẳn bởi sự thất bại, suy vong của triều Nguyễn trước sức mạnh quân sự và nền văn minh khoa học kỹ thuật Âu Tây. Khi nền cai trị của chính quyền đô hộ Pháp được thiết lập xong thì cái học nhà Nho cũng bị xóa bỏ để nhường chỗ cho cái học mới hay Tây Học.

[…]

Cái học mới này (tân học) diễn ra ở Miền Nam trước nhất vào cuối thế kỷ XIX sau khi người Pháp đặt xong nền đô hộ ở đây. Nền giáo dục mới này lấy giáo dục Pháp làm khuôn mẫu, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Trường học gồm có các trường công do chính phủ xây cất, đài thọ chi phí và kiểm soát, và một số trường tư của Thiên Chúa giáo hoặc của tư nhân.

Hệ thống giáo dục mới này được thiết lập nhằm hai mục tiêu:

(1) mục tiêu thực tiễn là đào tạo một số người biết tiếng Pháp, chữ Quốc Ngữ, và có chút kiến thức về văn minh Tây phương để làm công chức ở ngạch trật thấp phục vụ cho chính phủ thuộc địa, và

(2) mục tiêu lý tưởng là đồng hóa người bản xứ biến họ thành những người Pháp về phương diện văn hóa.

Một số nhà trí thức Pháp tự cho họ cái sứ mạng cao cả là đem văn minh khoa học Âu Tây phổ biến khắp nơi. Đó là sứ mạng văn minh hóa (“mission civilisatrice”) tức là đi khai hóa các nước chậm tiến, kém văn minh, kém mở mang.

Người đầu tiên thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa (cultural assimilation) đó ở Miền Nam là Thống Đốc Le Myre de Vilers. Ông là người dân sự đầu tiên được cử sang làm Thống Đốc Nam Kỳ từ năm 1879 đến 1892. Các ông thống đốc trước ông đều là những người bên quân đội, nhất là bên hải quân. Để thực hiện sứ mạng văn minh hóa dân bản xứ, ông cho mở rất nhiều trường ở mỗi làng và mỗi tổng cho cấp sơ và tiểu học. Tuy nhiên vì thiếu hụt ngân sách và không đủ giáo chức cho nên nhiều trường chỉ được mở ra rồi liền sau đó lại đóng cửa thôi.

Sang đầu thế kỷ XX chế độ giáo dục mới mới được thiết lập ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ sau một vài sửa đổi theo quyết định của Toàn Quyền Paul Beau hồi 1906-07. Theo quyết định này thì một hội đồng cải tổ giáo dục được thành lập để đem chữ Quốc Ngữ, chữ Pháp và nền tân học vào chương trình học và chế độ khoa cử mới. Các thầy đồ, thầy khóa ở xã thôn, các quan giáo huấn, đốc học ở phủ, huyện, tỉnh, phải dạy thêm chữ Quốc Ngữ cho học trò ngoài việc dạy chữ Hán như trước.

Các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều có có chút đổi mới từ 1909. Bài luận chữ Quốc Ngữ và bài dịch Pháp văn ra Việt văn được thêm vào các kỳ thi nhưng chỉ là môn phụ và có tính cách tự nguyện chớ không bắt buộc. Trong kỳ thi Hội và thi Đình năm 1910 có thêm bài thi cách trí, địa dư nước nhà, sử Thái Tây, nhân vật nước nhà và thời sự. Đặc biệt là bài thi được chấm điểm theo lối mới của Pháp với thang điểm từ 0 đến 20. Triều đình tựa trên thang điểm đó mà định làm 6 hạng trúng tuyển: Trạng Nguyên (20 điểm), Bảng Nhỡn (18-19 điểm), Thám Hoa (16-17 điểm), đệ nhị giáp Tiến Sĩ (từ 12 đến 15 điểm), Đồng Tiến Sĩ (từ 10 đến 12 điểm), và Phó Bảng (từ 7 đến 9 điểm).

Song song với việc thành lập hội đồng cải cách giáo dục, một trường sư phạm cũng sẽ được thiết lập để đào tạo giáo viên tiểu học người Việt. Ngoài ra, trong mục đích tuyên truyền, Toàn Quyền Paul Beau cũng cho mở một trường đại học hồi năm 1907 ở Hà Nội để thu phục nhân tâm (sau khi chính quyền cho đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục và bắt giam một số nhà cách mạng). Nhưng đại học chỉ được mở ra mà không hoạt động, phải đến năm 1918, dưới thời Toàn Quyền Albert Sarraut, trường mới thật sự mở cửa. Trước đó một năm, năm 1917, chánh quyền thuộc địa đã cho ban hành một hệ thống giáo dục mới có qui củ, thống nhất trên toàn quốc, về tất cả các phương diện tổ chức hành chánh, chương trình học, qui chế giáo chưc, và tổ chức thi cử. Đến đây cái học cũ trên toàn quốc hoàn toàn lui vào bóng tối nhường chỗ cho giáo dục mới.

Người sốt sắng thực hiện mục tiêu văn minh hóa người Việt Nam là Le Myre de Vilers. Để thực hiện sứ mạng văn minh hóa người Việt ông cho mở rất nhiều trường học, từ trường sơ cấp ở làng đến trường tiểu học ở quận và tỉnh, và đặc biệt nhất là một trường trung học (collège) ở Nam Kỳ. Đây là trường trung học đầu tiên và vào cuối thế kỷ XIX đây là trường trung học duy nhất cho cả Miền Nam. Trường chỉ có hai năm học và mang tên là Collège de MỹTho. Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1958) đã từng học ở trường này. Sang thế kỷ XX trường có đủ bốn năm học và được đổi tên là Collège Le Myre de Vilers, do một số giáo sư của trường đề nghị để ghi nhớ ông Thống Đốc dân sự đầu tiên đã mở ra trường này và cũng để ghi nhớ công lao của ông đối với việc phát triển nền giáo dục mới ở Nam Kỳ. Đến giữa thập niên 1950 trường được phát triển thêm, có các lớp đệ nhị cấp đủ để trở thành trường trung học đệ nhị cấp. Trường được đổi thành Lycée và mang tên một danh nhân Miền Nam Việt Nam: cụ Đồ Chiểu. Danh xưng Lycée Nguyễn Đình Chiểu rồi Trung Học Nguyễn Đình Chiểu ra đời từ đó và còn mãi đến bây giờ.

[…]

Giáo dục, hiểu theo nghĩa xã hội, là cách thức xã hội hóa (socializing) con người. Giáo dục có nhiệm vụ dạy cho con người biết cách sống trong xã hội, biết nền văn hóa mà con người được sinh ra trong đó để sống cho thích hợp. Cách ăn uống, lễ phép, cách đối xử, các nghề nghiệp sinh sống, phong tục tập quán, v.v.. tất cả đều có trong xã hội đương thời và nhiệm vụ của giáo dục (từ giáo dục trong gia đình đến giáo dục ngoài xã hội) là tập luyện cho con người thích nghi vào trong xã hội văn hóa đó.

Tuy nhiên trong ba bậc học (tiểu học, trung học, và đại học) ở học đường, mỗi bậc có cách xã hội hóa khác nhau. Ở tiểu học giáo dục nhằm xã hội hóa con người ở mức độ cơ bản, nghĩa là người ta chỉ dạy những cái cần thiết căn bản của xã hội. Ở bậc trung học sự xã hội hóa nhắm vào việc thích nghi con người vào tình trạng văn hóa mà người ta muốn có. Thường khi người ta (các nhà làm chính trị, những nhà lãnh đạo) muốn có xã hội thế nào thì người ta nhắm vào lớp người vào trung học để đào luyện họ trở thành những công dân kiểu mẫu cho xã hội người ta muốn có. Những người này sẽ được xã hội hóa để bảo tồn những gì đã có. Ở bậc đại học sự xã hội hóa bớt đi rất nhiều tính cách uốn nắn mà thường có tính cách khơi động nhiều hơn. Người lên đại học phải mở rộng sự hiểu biết của mình để đón nhận những mới lạ để có thể hướng xã hội đến những sửa đổi, tiến triển, hiện đại nhiều hơn là bảo tồn những gì đã có sẵn từ trước. Các trường trung học của chúng ta cũng đóng vai trò xã hội hóa học sinh giống như bao nhiêu trường trung học khác trên thế giới. Việc xã hội hóa ở đây là thích nghi con người vào trong xã hội Miền Nam nước Việt vào giữa thế kỷ XX.

Vào cuối thế kỷ XIX Nam Kỳ có khoảng một triệu rưỡi dân số, nhưng chỉ có khoảng 5 ngàn học sinh cho tất cả từ sơ cấp đến tiểu học. Tỷ lệ người đi học tuy thấp so với sĩ số mà ta có sau này dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, nhưng so với thời đại các nhà Nho thì đây là con số khá lớn. Số đông này là số được hấp thụ giáo dục mới. Họ sẽ là lớp người dùng chữ Quốc Ngữ thay chữ Nôm và chữ Hán, họ cũng là những người biết chút ít tiếng Pháp và một số kiến thức khoa học phổ thông có thể xem như là giới trí thức tân học ở thời kỳ chuyển tiếp này. Đó là tình trạng giáo dục ở Miền Nam.

đến năm 1917 chính quyền thuộc địa mới có một hệ thống giáo dục thống nhất cho cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Hệ thống giáo dục mới này – gọi là Giáo Dục thời Pháp thuộc – gồm có ba bậc: Tiểu học, Trung học, và Đại học. Bậc Tiểu học được chia làm hai cấp:

(1) cấp Sơ học gồm các lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin) hay lớp Năm hoặc lớp Chót, lớp Dự Bị (Cours Preparatoire) hay lớp Tư, và lớp Sơ Đẳng (Cours Elementaire) hay lớp Ba,

(2) cấp Tiểu học gồm có lớp Nhì Một Năm (Cours Moyen Première Année), lớp Nhì Hai Năm (Cours Moyen Deusième Année) và Lớp Nhất (Cours Supérieur).

Mỗi làng có một trường sơ cấp. Ở tổng lớn hay ở quận (đông dân) có thể có trường tiểu học nếu có đông học sinh. Tại mỗi tỉnh lỵ có một trường tiểu học lớn (có nhiều lớp cho mỗi cấp lớp), như trường Nam Tiểu học Mỹ Tho chẳng hạn có được 5 lớp Nhất, 1 lớp Tiếp Liên (Cours des Certifiés) hồi thập niên 1940.

Học xong lớp Ba, tức là hết Sơ cấp, học sinh phải thi tuyển vào lớp Nhì Một Năm để học tiếp bậc Tiểu học, và khi xong lớp Nhất (hết bậc Tiểu học) học sinh lại phải thi lấy bằng Sơ Tiểu tiếng Pháp viết tắt là bằng CEPCI (tức là Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise). Đậu xong bằng này học sinh mới được dự kỳ thi tuyển vào năm Thứ Nhất trường Trung học.

Bậc Trung học cũng chia làm hai cấp:

Cấp thứ nhất gọi là Cao Đẳng Tiểu Học (Enseignement Primaire Superieur, cũng như trung học đệ nhất cấp sau này) gồm có bốn lớp: Năm Thứ Nhất (Première Année), Năm Thứ Nhì (Deuxième Année), Năm Thứ Ba (Troisième Année) và Năm Thứ Tư (Quatrième Année). Học xong Năm Thứ Tư học sinh thi lấy bằng Thành Chung hay DEPSI (Diplôme d’Études Primaire Superieur Indochinois). Những ai muốn thi lấy bằng cấp Pháp thì có thể thi bằng Brevet Premier Cycle hay Brevet Elementaire.

Cấp thứ hai là ban Tú Tài gồm các lớp Second (như Đệ Tam hay lớp 10 sau này), Première (như Đệ Nhị hay lớp 11) và lớp Terminale (như Đệ Nhất hay lớp 12). Xong lớp Première (Đệ Nhị hay lớp 11) học sinh phải thi Tú Tài I (Baccalauréat Première Partie), đậu được Tú Tài I mới được vào học lớp Đệ Nhất hay lớp 12. Học hết lớp 12 học sinh phải thi lấy bằng Tú Tài II (Baccalauréat Deuxième Partie). Khi lên lớp Terminale (lớp 12) học sinh phải chọn một trong ba ban chính sau đây: (1) ban Triết (Philosophie), (2) ban Khoa Học Thực Nghiệm (Sciences Expérimentales), và (3) ban Toán (Mathématiques Élémentaires)… Học hết lớp 12 học sinh phải thi lấy bằng Tú Tài II (Baccalauréat Deuxième Partie) về một trong các ban nói trên. Bằng Tú Tài II thường được gọi tắt là Bac. Philo. (Tú Tài II ban Triết), Bac. Math. (Tú Tài II ban Toán) v.v..

Xong Tú Tài học sinh mới được vào Đại học, và dưới thời Pháp thuộc chỉ có một đại học duy nhất ở Hà Nội cho toàn cõi Đông Dương. Một số không nhỏ học sinh Việt Nam, nhất là ở Miền Nam, sau khi xong Tú Tài thường qua Pháp học tiếp bậc đại học thay vì ra Hà Nội học.

Chương trình học trên đây chịu ảnh hưởng nặng nề của chương trình Pháp, dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Tiếng Việt chỉ được xem như một sinh ngữ phụ. Đúng ra đây chỉ là chương trình Pháp thật sự nhưng có chút sửa đổi nhỏ áp dụng cho các trường Việt Nam. Chương trình này kéo dài đến hết Thế Giới Đại Chiến Thứ Hai trên toàn cõi Việt Nam.

Sau năm 1945, sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, chương trình Việt được ban hành. Chương trình này – chương trình Hoàng Xuân Hãn – được đem ra áp dụng trước ở Bắc Việt và Trung Việt, nhưng riêng ở Miền Nam thì vì có sự trở lại của người Pháp nên chương trình Pháp vẫn còn tiếp tục. Dưới thời Pháp đô hộ giáo dục phát triển rất chậm chạp. Quyền quyết định về giáo dục cũng như chính sách giáo dục hoàn toàn nằm trong tay người Pháp. Phải đến giữa thập niên 1950, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chương trình Việt mới bắt đầu được áp dụng ở trong Nam để thay thế chương trình Pháp. Cũng từ khoảng thời gian đó, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam mới có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo quan trọng của họ. Những đóng góp của họ thật lớn lao đưa đến sự bành trướng và phát triển vô cùng mạnh mẽ của nền giáo dục quốc gia dưới thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

[…]

Triết lý giáo dục VNCH nằm trong những Nguyên Tắc Căn Bản do Bộ Giáo Dục ấn hành năm 1959 và sau đó được ghi lại trong hiến pháp 1967. Những nguyên tắc căn bản này được tóm lược như sau:

Thứ nhấtGiáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản (humanistic education). Nhân là người hay con người, bản là gốc là căn bản. Trong lãnh vực triết lý, thuyết nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong đời sống trên thế gian này. Thuyết nhân bản lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản chớ không nhắm đến linh hồn hay một cuộc đời nào khác ngoài thế giới mà loài người hiện đang sống trong đó.

Theo thuyết này, con người có giá trị đặc biệt của con người, cao cả hơn tất cả các giống sinh vật khác trên đời này. Chỉ có con người mới có văn hóa, có những hoạt động có suy tư, có sáng tạo, làm cho cuộc sống của con người tiến hóa luôn từ xưa đến giờ. Nhân bản cũng chỉ tính cách linh thiêng của con người, khác hơn mọi loài vật, “nhân linh ư vạn vật”, và con người phải được tôn trọng bởi tính linh thiêng đó. Con người tự nó là một cứu cánh chớ không phải là một phương tiện. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng không chấp nhận dùng sự khác biệt đó để đánh giácon người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc… Với triết lý nhân bản, con người có giá trị của con người như nhau, và mọi người đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

Thứ haiGiáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc (nationalistic education). Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh anh hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc Việt Nam có mặt trên thế giới này từ bao nhiêu ngàn năm trước. Dân tộc đó có tiếng nói riêng, có lịch sử riêng, có một nền văn hóa riêng của nó từ bao đời. Dân tộc tính đó trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị tan biến hay tiêu trầm trong những nền văn hóa khác.

Thứ baGiáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng kín cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

[…]

Từ những nguyên tắc căn bản trên đây, quan niệm về giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa bao gồm những tư tưởng nền tảng sau đây liên hệ tới những mục tiêu chính của giáo dục:

Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những định luật phát triển tự nhiên về vật lý và tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của mỗi cá nhân học sinh phải được lưu ý đúng mức. Cung ứng cho học sinh đầy đủ tin tức, dữ kiện, để học sinh phán đoán, lựa chọn, không che dấu tin tức hay chỉ cung cấp những tin tức chọn lọc thiếu trung thực để nhồi sọ học sinh theo một chủ trương, một hường đi định sẵn nào.

Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xăm bảo vệ tổ quốc, yêu thương giúp đở nhau trong tình đồng bào; giúp học sinh học tiếng Việt và xử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết cái đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm tự trị với sự phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp phát triển sự phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp đón nhận những giá trị văn hóa rộng rãi.

Tóm lại, mục đích của giáo dục quốc gia là giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện để trở thành những người có kỹ năng thực tiễn, có khả năng tư duy, để làm việc, sinh sống, có đạo đức, có tình người, để gây dựng hạnh phúc gia đình và hội nhập vào xã hội góp phần vào việc bảo vệ và phát triển quốc gia. Người được đi học sẽ trở thành người tốt và có ích cho chính mình, cho gia đình, và cho quốc gia dân tộc.

Giáo dục Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt giai cấp xã hội, không phân biệt tôn giáo, địa phương, chủng tộc. Giáo dục Việt Nam cố tạo những cơ hội đồng đều cho mọi người được đi học tuy nhiên không phải ai cũng có thể học được đến hết bậc đại học, hay ai cũng học đến bác sĩ, kỹ sư hoặc các ngành cao đẳng chuyên nghiệp khác. Tùy theo hoàn cảnh, tùy theo khả năng và sở thích, có người chỉ học được hết Tiểu Học, có người học hết Trung Học Đệ Nhất Cấp, hay Trung Học Đệ Nhị Cấp, có những người khác thì học đến hết bậc đại học. Nhưng dù bất cứ học đến bậc học nào, mục đích của giáo dục vẫn phải là giúp tất cả mọi người trở thành người tốt, người đã được phát triển về khả năng cũng như đạo đức, dù khả năng đó ở mức độ nào. Nếu có những người chỉ có cơ hội học hết Tiểu Học thôi, thì giáo dục vẫn có bổn phận giúp họ phát triển đến hết mức đó, và vẫn làm thế nào giúp họ trở thành người tốt với mức học Tiểu Học của họ.

Nguyễn Thanh Liêm

Đăng lại có chỉnh sửa, bổ sung ảnh minh họa và chú thích.
Theo Hocthenao.vn

(Học Thế Nào là trang mạng do GS Ngô Bảo Châu, Nhà giáo Phạm Toàn, GS Vũ Hà Văn đồng sáng lập)

Nguồn: https://trithucvn.net/van-hoa/nen-giao-duc-mien-nam-truoc-1975-trich-luoc.html