Các trường đại học tại Đức đã bắt đầu tiến hành tẩy chay các Viện Khổng Tử được Đảng Cộng Sản Trung Hoa (ĐCSTH) hậu thuẫn.
Các viện này hoạt động như một phương tiện tuyên truyền cho chính quyền cộng sản, bị nhận định là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác tại châu Âu.
Nghị sĩ Renata Alt: Trung cộng đang can thiệp vào các cơ sở giáo dục của Đức (Ảnh qua Listal)
Những nguy hại đến từ các Viện Khổng Tử
Theo báo cáo từ các hãng tin truyền thông, Đại học Hamburg tại Đức sẽ chấm dứt hợp đồng với Viện Khổng Tử vào cuối năm 2020. Trường đại học cho hay, nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do mối nguy “ảnh hưởng chính trị và rò rỉ thông tin”.
Đại học Bonn cũng đang xem xét lại việc liên kết với Viện Khổng Tử. Năm 2016, Đại học Heinrich Heine Dusseldorf đã chấm dứt quan hệ đối tác với Viện Khổng Tử vì những mối quan ngại tương tự.
Tháng 2/2020, Đại học Tự do Berlin (FU) đã bị chỉ trích nặng nề, sau khi có thông tin cho rằng trường đã ký kết hợp đồng với một cơ quan Trung cộng, đồng ý tuân thủ theo luật pháp Trung cộng để đổi lấy điều kiện là , trường sẽ nhận được hàng trăm nghìn Euro để tiến hành chương trình đào tạo Giáo sư cho giáo viên Trung cộng.
Bản hợp đồng trị giá 500.000 Euro trong thời hạn 5 năm sẽ tiến hành đào tạo khoảng 20 giáo viên mỗi năm.
Hợp đồng cho phép phía Trung cộng chấm dứt tài trợ, nếu trong quá trình hợp tác xuất hiện yếu tố mâu thuẫn với luật pháp Trung cộng. Điều khoản như vậy cũng đồng nghĩa với việc, tất cả các cuộc thảo luận về vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, cuộc đàn áp của người Duy Ngô Nhĩ,… đều bị cấm kị trong khuôn viên trường học. Và nếu những chủ đề này được thảo luận, chúng sẽ được “xóa ngay” nhằm hạn chế cho việc đổ lỗi lên ĐCSTH.
Theo Inside Higher Ed, Renata Alt – một nghị sĩ liên bang của Đảng Dân chủ Tự do đã chia sẻ trên Twitter: “Sự can thiệp của Trung cộng vào trường ĐH Tự do Berlin đã thể hiện rõ, cách Trung cộng lên kế hoạch ‘hợp tác’ ’với các cơ sở giáo dục của chúng ta. Độc lập khoa học là một trong những quyền tự do quan trọng nhất, và bắt buộc phải được đảm bảo”.
Tại châu Âu, các quốc gia như Thụy Điển và Bỉ đều đã có những động thái mạnh mẽ chống lại các Viện Khổng Tử. Chính quyền Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng tại đất nước vào tháng 4 vừa qua, trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cắt đứt hoàn toàn quan hệ với tổ chức được ĐCSTH hậu thuẫn.
Do phản ứng quốc tế ngày càng tăng, Bộ Giáo dục Trung cộng được cho rằng đang xem xét đổi tên các Viện Khổng Tử thành “Trung tâm Hợp tác và Trao đổi Ngôn ngữ MOE”. Nhưng việc sửa đổi tên không đơn thuần có thể thay đổi được tương lai ngày càng ảm đạm của các viện, giống như câu nói “a rose by any other name” (‘bông hồng vẫn là bông hồng’, ý chỉ tên gọi không phải yếu tố quan trọng để đánh giá mà bản chất, phẩm chất mới là điều cốt lõi)…
Đến khi nào ĐCSTH còn đứng sau các Viện Khổng Tử, thì những cơ quan này vẫn sẽ phải hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế. Hầu hết các quốc gia phương Tây đang cảnh giác về tầm ảnh hưởng của ĐCSTH đến quốc gia.
Phái bộ ngoại giao
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã phân loại những Viện Khổng Tử vào nhóm các phái bộ ngoại giao. Ngoại trưởng Hoa Kỳ – Mike Pompeo nhận định: Những cơ quan này là một thực thể tuyên truyền “chiến dịch toàn cầu và gây ảnh hưởng xấu” của chính quyền Bắc Kinh đối với các cơ sở giáo dục tại Mỹ. Đưa ra lý do cho việc phân loại này, chính phủ khẳng định các Viện Khổng Tử đều thuộc sở hữu hoặc kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ nước ngoài.
Từ thời điểm này, những cá nhân đang làm việc tại các Viện Khổng Tử sẽ phải đăng ký, và tuân thủ theo các hạn chế thường được đề ra đối với các phái bộ ngoại giao.
Viện Khổng Tử tại Washington sẽ được yêu cầu gửi báo cáo cho chính phủ Hoa Kỳ, giải trình về nguồn tài trợ của họ, và các thông tin chi tiết khác như chương trình giảng dạy, lực lượng nhân sự,… Theo ước tính, có đến 65 Viện Khổng Tử nằm trong các cơ sở giáo dục tại Mỹ. Và ngày càng có nhiều trường đại học quyết định chấm dứt mối quan hệ với tổ chức này.
Việt Anh (Theo VT)
Tinhhoa.net (24.08.2020)