Seite auswählen
28.3.2020
Hồi nhỏ, lũ nhóc chúng tôi thuờng chơi trò đố nhau. Có một câu đố hơi vớ vẫn: “Nếu bị đắm tàu, dạt vào đảo hoang, phân nửa đảo chứa nước mưa, nửa còn lại chứa toàn kẹo, tụi bay sẽ chọn sống bên nào?” Biết chỉ là câu đố vui, vậy mà đám nhóc tụi tôi cũng suy nghĩ lung cho câu trả lời. Thèm kẹo, nhưng chúng tôi vẫn chọn sống ở phần chứa nuớc mưa vì nó giúp duy trì sự sống.
Hổm rày dịch bịnh ghé thăm khắp nơi. Mọi nguời bị đặt vào tình huống “đắm tàu, dạt vào hoang đảo” như trong trò chơi khi xưa của chúng tôi. Ai nấy vơ bèo vạt tép mua bất cứ thứ gì mà họ nghĩ rằng sẽ giúp họ tồn tại trên hoang đảo trong thời gian dài. Tức cuời là khi dân Âu Mỹ tròn mắt nhìn đám Á Châu vét sạch thức ăn trong siêu thị, thì dân “ăn gạo/mì” lại kinh ngạc khi đám “ăn bánh mì” cuống cuồng gom giấy vệ sinh!
Nhìn cảnh dân Mỹ, Úc đánh nhau giành mấy cuộn giấy mới thấy là họ thực sự hoảng với viễn cảnh “hôm nay không giấy / no toillet paper today”. Có mấy tay tuy hoảng nhưng vẫn giữ đuợc óc hài huớc, đăng lên những giải pháp thay thế như dùng lá organic, thậm chí đề nghị dùng cùi bắp!
Giải pháp thay thế
Phản ứng đầu tiên của tôi khi thấy mấy hình biếm đó là bật cuời, nhưng rất nhanh sau đó tôi đã comment trong status của bạn mình rằng: “Cùi bắp hả? Tui xài qua hồi đi Kinh tế mới rồi, checked in!” Nếu không có vụ khủng hoảng giấy vệ sinh này, chắc tôi cũng chẳng có dịp để nhớ lại cái thời bỗng dưng phải “đi cầu không giấý chùi” của gia đình mình.
Sau tháng 4 năm 1975, Ba tôi đưa một nửa gia đình đi Kinh tế mới (“KTM”). KTM là gì và vì sao phải đi KTM, ai muốn biết thì hỏi sau ha. Giờ thì để tôi kể về cách dân KTM lo chuyện đại sự (đi ị) rồi lo chuyện hậu sự (làm vệ sinh) ra sao để thấy những viễn cảnh dân Mỹ, Úc vẽ ra khi thiếu toilet paper đều đã đuợc dân KTM tụi tôi áp dụng từ 45 năm truớc rồi, lêu lêu!
Truớc hết xin nói về cái toilet. Nhà tôi ở Sài gòn dùng xí xổm. Khi đến vùng KTM, vốn khéo tay, Ba tôi cũng làm một cái xí xổm rất tuơm tất và kín đáo so với mấy nhà hàng xóm. Ông cũng đào hầm phân, gác ván lên đó, nhưng ông phủ đất lên ván nên phần thành phẩm làm ra sau đại sự đuợc “khuất mắt trông coi”, phần này taọ nên sự khác biệt với toilet khác ở KTM. Ngoài ra, ông gò tôn thành ống tròn để kê bàn tọa lên hơi giống xí bệt, nhìn toilet sang hẳn lên. Toilet cũng có vách nứa, mái tranh giống như một ngôi nhà nhỏ, nằm tách biệt khỏi khu nhà ở.
Tôi đã từng dùng thử toilet của hàng xóm KTM, mấy tấm ván che hầm phân kê thưa, cách nhau cả bàn tay, khi hành sự, tôi rất sợ dòm xuống vì cứ tuởng tuợng bị lọt tỏm xuống đó, sẽ ngập ngụa trong phân và giòi! Tóm lại, mấy toilet vùng KTM ít có cái nào tuơm tất như cái Ba tôi “xây”.
Phần hậu sự thì cũng vẫn dùng giấy. Giấy là sách báo mang từ Sài gòn xuống. Khi vào toilet, tôi thuờng thấy giấy đã xé sẵn, đuợc xỏ qua cọng kẽm, cột ở nẹp tre bên vách nứa. Đi xong chỉ việc giựt một tờ giấy mà dùng.
Thời kỳ đầu, Má tôi vẫn thuờng tiếp tế mọi thứ lên KTM nhưng sau thưa dần vì phải lo nuôi đám con còn ăn học ở Sài gòn. Các cuốn sách truyện cứ bị xé dần để treo ở vách nứa toilet. Sách truyện biến mất dần, chỉ có 2 cuốn Việt Văn Độc Bản lớp 10 và lớp 11 là vẫn luôn ở đầu giường của Ba tôi. Mùa Hè, khi lên KTM phụ làm rẫy, tôi đọc hết 2 cuốn này nên biết về thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, cuộc bút chiến Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị từ khi mới 10 tuổi.
Mọi chuyện khác hẳn khi đi làm rẫy. Rẫy là mảnh đất thoai thoải dọc sườn đồi chuyên trồng hoa màu như bắp, đậu xanh, đậu phộng, v.v…Giữa rẫy, Ba tôi làm một cái lều tranh để trú mưa và canh hoa màu khi sắp thu hoạch để tránh bị ăn trộm. Trong lều có một giường ghép bằng nứa đập dập, có chiếc kiềng 3 chân và chiếc ống thổi lửa.
Những lúc trời mưa, ngồi bó gối trên chõng nhìn ra ngoài trời, ngó mưa rớt từng dòng xuôi theo giọt tranh thật đẹp. Sẽ thú hơn nếu có mấy trái bắp luộc mới bẻ ở cây cạnh lều hoặc mấy củ đậu phộng vừa nhổ nguyên bụi, chỉ kịp giũ qua đất đỏ rồi bỏ vào nồi luộc. Dân làm rẫy tin rằng bắp mới hái, nếu gánh qua con suối duới chân đồi, luộc ăn sẽ nhạt hẳn đi. Chẳng biết đúng không, nhưng quả thực ăn bắp tại rẫy bao giờ cũng ngon hơn ăn bắp ở nhà.
Ăn đủ rồi, giờ xin trở lại với sự khác nhau của việc làm đại sự và hậu sự ở rẫy và ở nhà. Ở rẫy không ai làm toilet cả. Nhà nào cũng có một toilet to bằng nguyên….cái rẫy ông hàng xóm Mỗi lần có nhu cầu, tôi chỉ cần vác cây cuốc chạy sang rẫy bên cạnh của Ông Toại, chui vào đám bắp, vung cuốc bổ xuống đất một nhát, chưa đủ sâu thì làm thêm 2 hoặc 3 nhát. Sau đó thì hạ cuốc, ngồi xuống, ung dung trút bầu tâm sự xuống cái toilet vừa tạo. Ai đã từng làm đại sự ở rẫy mới thực sự hiểu câu nói của nguời xưa: “Nhất Quận công, nhì ỉa đồng”. Ta nói, gió lùa tứ bề, quả thực mát trời ông địa!
Chọn chỗ để cuốc toilet cũng là một vấn đề. Chui sâu vào đám bắp thì sợ ma, ngồi ven rẫy thì dễ bị bắt gặp khi hành sự. Tôi vốn sợ ma nên ít dám vào sâu. Có lần đang trút bầu tâm sự thì nghe tiếng chân từ rẫy bên kia. Quýnh quáng chưa biết sao thì Chú Tuân, người phi công trốn cải tạo, bước ngang. Chú lắc đầu bảo: “Ẩu quá!” Con nhỏ 10 tuổi chỉ còn có nước độn thổ!
Giờ tới phần hậu sự. Ở rẫy thì không có giấy. Thường thì khi vác cuốc, tôi cũng phải quơ vài lá khoai mì để lo hậu sự. Có hôm vội quá, không kịp bẻ lá khoai mì, tôi dùng luôn vỏ trái bắp, chẳng mịn tí nào! Dùng lá khoai mì cũng dễ có tai nạn, nhiều khi mạnh tay chút, lá bị rách, “thành phẩm” sẽ bị dính vào tay. Mà hồi đó rẫy ở trên đồi, xa nguồn nước, làm gì có chuyện rửa tay sau khi lo hậu sự. Nghĩ lại, cảm thấy kinh dị quá đi!
Còn cùi bắp hả? tôi chẳng nhớ đã dùng thử trong trường hợp nào, nhưng nói chung lá khoai mì là ổn nhất. Khoai mì lúc nào cũng được trồng để làm hàng rào phân ranh đất giữa rẫy của 2 nhà nên không bao giờ lo thiếu toilet leaves, đã vậy, lá khoai mì cũng mịn nữa.
KTM là một vùng ký ức đã ngủ yên của tôi, thế nhưng chỉ cần có ai khều nhẹ là nó cựa quậy trỗi lên từng mảng, có vui có buồn, phần lớn là mảng đời tủi cực, vất vả, cô đơn của Ba tôi ở đó. Ai đó đã nói: cái gì không giết đuợc bạn, sẽ làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn! Với những gì đã trải qua ở KTM, giờ nhìn mấy bạn Tây cuống cuồng với toilet paper, tôi chỉ cuời ruồi, phẩy tay buông đúng một chữ “Muỗi!”

 

Corona đến, giá trị vài thứ đã đổi thay