Seite auswählen

Khi nạn phân biệt chủng tộc chống lại người Á châu gia tăng trên khắp nước Mỹ do đại dịch COVID-19, tên của Amanda Nguyễn lại xuất hiện. Nhân vật này, người Mỹ gốc Việt, từng được đề cử Nobel Hòa bình, gắn liền với các hoạt động chống phân biệt chủng tộc và bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân bị bạo lực tình dục.

 

Amanda Nguyễn, 28 tuổi, sinh ra ở Corona, California, cựu sinh viên Đại học Harvard. Năm 22 tuổi, Amanda bị tấn công tình dục và sau đó gặp nhiều khó khăn trong việc đòi công lý. Amanda nộp bằng chứng cho nhà chức trách Massachusetts thông qua bộ dụng cụ điều tra vụ cưỡng hiếp hay bộ bằng chứng pháp y tấn công tình dục (rape kit). Theo luật Massachusetts, Amanda có tới 15 năm để quyết định có nên theo vụ kiện hay không. Tuy nhiên, khi ở bệnh viện, cô lại nhận được một tờ giấy thông báo nếu cô không có “yêu cầu gia hạn” theo luật, chính quyền tiểu bang có thể hủy rape kit của cô trong sáu tháng. Luật này khiến cô khổ sở để nộp đơn yêu cầu gia hạn vì tờ giấy thông báo không giải thích nộp như thế nào, đồng thời việc tìm lại rape kit cũng gặp nhiều khó khăn.

Cô bắt đầu tìm hiểu luật pháp ở các tiểu bang khác. Cô lập danh sách hơn 20 quyền những người bị tấn công tình dục được hưởng ở nhiều tiểu bang và thấy rằng mức độ bảo vệ khác nhau rất nhiều. Cô còn phát hiện không tiểu bang nào có luật bảo đảm giữ lại rape kit cho đến khi thời hiệu khởi kiện hết hạn. Trong một lần trả lời phỏng vấn tạp chí Culture Magazine, Amanda cho biết: “Quyền lợi của tôi bị đe dọa và không ai biết đến sự bất công này. Thời gian đầu tôi chỉ đơn giản là chia sẻ câu chuyện của mình với bất cứ ai muốn lắng nghe, từ tài xế Uber đến sinh viên thực tập tại Quốc hội. Tôi đã làm điều này cho đến khi ai đó nhìn nhận câu chuyện của tôi là một điều nghiêm túc và đáng quan tâm. Chúng tôi đã dành 12 giờ một ngày lang thang ở trụ sở Quốc hội, đến từng nhà và cố gắng gặp gỡ từng thành viên Quốc hội. Chúng tôi không có bất cứ sự hỗ trợ nào ở những ngày đầu tiên như vậy”.

Ảnh: Kate Warren

 

Cuối cùng, Amanda quyết định, như lời cô nói: “Tôi nhận ra mình có một lựa chọn. Tôi có thể chấp nhận bất công này hoặc viết lại luật. Vì vậy tôi đã viết lại luật”. Amanda thành lập Rise, tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh đòi các quyền dân sự cho nạn nhân bị bạo lực tình dục. Cô và các cộng sự ở Rise đã viết dự luật về quyền của những người sống sót trong cuộc tấn công tình dục, trong đó vạch ra những quyền hợp pháp cho các nạn nhân, bao gồm việc bảo đảm rape kit được lưu giữ cho đến hết thời hiệu khởi kiện.

Tháng 7-2015, Amanda gặp thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen thảo luận về dự luật cấp liên bang. Tháng 2-2016, bà Shaheen giới thiệu dự luật này ra Quốc hội. Khoảng ba tháng sau, dự luật được Thượng viện thông qua trước khi Hạ viện có động thái tương tự vào tháng 9 và được Tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 10-2016, với tên gọi Đạo luật về quyền của những người sống sót trong cuộc tấn công tình dục.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Phụ Nữ 2019 do Forbes tổ chức (Getty Images)

 

Amanda được tạp chí Forbes vinh danh là một trong những gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật; trong khi đó, chuyên san Foreign Policy đưa cô vào danh sách Top 100 Nhà Tư Tưởng Hàng Đầu Thế Giới. Cô gái có gương mặt phúc hậu này từng làm việc tại Tòa Bạc Ốc, thực tập tại NASA, với ước mơ một ngày nào đó trở thành phi hành gia. Năm 2019, cô được đề cử giải Nobel Hòa bình. Nhưng đối với Amanda, tất cả thành tích đó chẳng có ý nghĩa gì nếu vẫn còn đó, nạn phân biệt chủng tộc – điều luôn làm cô ray rứt.

Để chống lại sự phân biệt chủng tộc, có chiều hướng gia tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, Amanda không chỉ lên tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội mà còn nhấn mạnh sự xuất sắc của người Á châu. “Tôi nghĩ sự xuất sắc của Á châu thực sự bắt nguồn từ niềm vui. Cô nói: “Điều tôi muốn nói để nhiều người Mỹ gốc Á hiểu, là thành công không nhất thiết phải làm bác sĩ, luật sư. Chọn một lĩnh vực cụ thể phù hợp với những gì chúng ta mong đợi là hạnh phúc rồi”. “Niềm vui đến từ việc có hy vọng, từ việc thức dậy mỗi ngày và thay đổi thế giới và tin tưởng… Chúng ta có quyền thay đổi luật pháp, thay đổi cộng đồng mà chúng ta đang sống. Điều đó mang lại cho tôi rất nhiều niềm vui” – Amanda nói.

Amanda Nguyễn được báo Time đưa vào danh sách “100 Next” năm 2019 (100 nhân vật đáng chú ý trong tương lai) (Bloomberg/Getty Images)

 

Những thứ khác mang lại niềm vui cho cô gái trẻ đầy năng lượng Amanda là không gian, thời trang và nghệ thuật. Khi rảnh rỗi, cô thích xem dữ liệu từ kính thiên văn với hy vọng khám phá ra một hành tinh mới. Amanda cũng yêu thích thời trang. Theo Amanda, thời trang có thể bị chỉ trích là phù phiếm. Tuy nhiên, “đó luôn là thứ tôi đam mê. Nó là nghệ thuật. Nó báo hiệu bạn muốn được nhìn thấy như thế nào. Cựu Ngoại trưởng Madeline Albright đã sử dụng thời trang để thể hiện cách bà dự đàm phán tại các cuộc họp… Quần áo đan xen vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đó là một tiện ích – thứ mà chúng ta không thể sống thiếu. Điều đó trái ngược với phù phiếm” – Amanda nói.

Tháng 10-2019, Amanda Nguyễn cùng bốn người khác được trao Giải thưởng Heinz, trị giá 250.000 USD mỗi người, cho nỗ lực bảo vệ quyền của nạn nhân sau khi bị bạo lực tình dục. Giải thưởng này được bà Teresa Heinz lập vào năm 1993, sau khi chồng bà là thượng nghị sĩ John Heinz qua đời trong một vụ rơi máy bay, với mục đích trao cho những người có đóng góp vào các lĩnh vực mà ông quan tâm. Amanda Nguyễn nhận Giải thưởng Heinz lần thứ 24 trong lĩnh vực chính sách công vì những hoạt động không ngừng nhằm tìm kiếm quyền dân sự cho những người sống sót sau khi bị tấn công tình dục, và cho việc hỗ trợ thúc đẩy sự bảo vệ cấp tiểu bang, quốc gia và quốc tế dành cho nạn nhân bị tấn công tình dục.

“Dù họ xuất thân từ đâu và giới tính là gì, mỗi người đều xứng đáng được bảo vệ phẩm giá. Chúng tôi muốn không phải là tiếng nói cho những người yếu thế mà muốn chuyển micro cho họ” – Amanda chia sẻ với tờ The Boston Globe sau khi biết mình được trao Giải thưởng Heinz.

Nguồn: The NewViet

Một Hiện Tượng Người Việt

 

Một Hiện Tượng Người Việt

Ngày 26-08-2020 (GMT +7)

LƯƠNG TẠ

Sau khi đăng bài Amanda Nguyễn – cô ấy là ai vào ngày 20-8-2020, theNewViet nhận được thêm bài viết dưới đây. Tác giả Lương Tạ, một người thân với gia đình cô Amanda Nguyễn, đã thuật lại nhiều chi tiết thú vị ít được biết đến về nhân vật đặc biệt này. Bài viết cho thấy Amanda đã ảnh hưởng từ gia đình như thế nào và truyền thống giáo dục gia đình đã định hình nên một Amanda xuất sắc như đang thấy ra sao…

Một bảng thành tích ấn tượng

Amanda Nguyễn, 28 tuổi, là một hiện tượng của cộng đồng người Việt. Cô là một nhân vật trẻ gốc Việt duy nhất được đề cử giải Nobel Hòa Bình; nhận giải Heinz Award trị giá 250.000 USD; được chọn vào danh sách 100 nhân vậ̣t ảnh hưởng tương lai toàn cầu; có mặt trong danh sách 30 nhân vật xuất chúng dưới 30 tuổi; 100 nhân vật đối ngoại xuất chúng; được trao giải Nelson Mandela; giải Lãnh đạo Thế Giới; giải Phụ Nữ Trẻ, và nhiều giải thưởng vinh dự toàn quốc.

Twitter

 

Cô là người gốc Việt duy nhất soạn thảo và thúc đẩy bộ luật đặc biệt Quyền lợi của Nạn Nhân Bị Cưỡng Hiếp (Sexual Assault Survivors’ Rights Act). Bộ luật này nhận được chấp thuận toàn diện từ liên bang, trong đó có 437 dân biểu, 100 thượng nghị sĩ, và sau cùng là Tổng thống. Sau đó, cô vận động từng tiểu bang, qua 32 tiểu bang, để được chính quyền từng tiểu bang chấp thuận. Bộ luật này có ảnh hưởng hỗ trợ hơn 85 triệu người. Không ngừng ở đó, cô là nhà sáng lập và cũng là tổng giám đốc của Rise Now, một tổ chức khởi nghiệp cho những cơ quan-tổ chức quan tâm về vấn đề xã hội. Tổ chức này giúp những ai muốn đẩy vấn đề xã hội mà họ quan tâm qua những ngõ ngách phức tạp để trở thành luật. Rise Now được sự hỗ trợ tài chính của các nhân vật có khả năng tài chính nhất hành tinh, trong đó có ông Mark Zuckerberg và ông Bill Gates.

Nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới quan tâm về nhân quyền đã mời Amanda Nguyễn làm cố vấn và diễn giả về những vấn đề nhân quyền cho phụ nữ. Những nhân vật sáng giá nhất, từ các chính trị gia thượng thặng, tỉ phú, thủ tướng, hoàng gia, đến những người nổi tiếng trên màn ảnh, âm nhạc, nghệ thuật, đều muốn có sự liên hệ với cô. Cô đã được mời phỏng vấn trên các talk show nổi tiếng và là khách danh dự tham dự những sự kiện lớn như chương trình Oscar và Emmy.

Người mẹ

Amanda sinh tháng Mười năm 1991, con của chị Tăng Ngọc Lan và anh Nguyễn Minh Tú – những người bạn của tôi. Từ nhỏ, Amanda đã thể hiện một tố chất thông minh, luôn cố gắng, và có một trái tim khác người. Mẹ của cô kể lại, khi có thai cô, mẹ cô đã thổi vào bầu thai những ước vọng lớn lao cống hiến cho xã hội. Để hiểu về cô hơn, phải biết về mẹ của cô, người đã bỏ toàn vẹn cuộc đời hỗ trợ cho con gái mình, giúp hình thành nên con người của cô. Amanda lớn lên trong yêu thương và quen việc xả thân cho xã hội.

Mẹ và ông bà của Amanda Nguyễn trên cánh đồng lúa ở Bạc Liêu (Facebook nhân vật)

 

Sẽ là không ngoa nếu nói chị Ngọc Lan là một phụ nữ phi thường. Chị có nét đẹp dịu dàng nhưng có lòng từ tâm mãnh liệt. Chị quên mình lo cho người thân và xã hội, dù cực khổ cỡ nào. Có những câu chuyện chị trải qua, tưởng như chị là hình ảnh thu nhỏ của mẹ Teresa.  Chị sinh ra ở một làng nhỏ thuộc Bạc Liêu. Bình thường, con gái quê thời đó lấy chồng sớm và lo công việc đồng áng, nhà cửa. Riêng chị, xong tú tài, chị xin cha mẹ lên Sài Gòn để học luật. Khi học ở Đại Học Vạn Hạnh, ngoài công việc kiếm tiền học và thậm chí còn dành dụm gửi về nhà, chị tham gia hoạt động xã hội khi có thời gian, nhất là chăm sóc trẻ mồ côi và đi vòng Sài Gòn đưa các em bụi đời về. Sau này, nhiều em nhỏ được đưa ra khỏi Việt Nam năm 1975 trong chương trình Operation Baby Lift nổi tiếng. Chị kể cho tôi những câu chuyện cảm động về các em mồ côi tìm lại chị cảm ơn sau này. Mỗi câu chuyện là một bài học đẹp cho đời.

Những ngày đi học

Khi mới sinh ra, Amanda không khóc, dường như cháu thể hiện sự can đảm nhìn cuộc đời bằng con mắt tò mò. Sau này, cô cho thấy lòng can đảm và ý chí trong suốt hành trình đời mình. Thời tiểu học, cô đã tỏ ra thiên năng về tiếp xúc với công chúng. Từ lớp một, cô đã mạnh dạn phát biểu trước đám đông và đảm nhận nhiều chức vụ lãnh đạo trong học đường. Cô tham gia rất nhiều các công tác thiện nguyện. Theo lời cô, cô tình nguyện để có thêm kinh nghiệm đời, giúp đỡ và hiểu hơn con người cần gì, để sau này cô nâng tầm giúp đỡ nhiều hơn, từ những việc trong nhà, rồi bệnh viện, văn phòng chính trị, đến môi trường học đường. Cô từng gây quỹ cho hội Ung Thư Việt Mỹ của Bác sĩ Bích Liên. Sau này, cô sử dụng rất hiệu quả trải nghiệm xã hội khi còn học sinh của mình.

Amada Nguyễn và bạn trong FBLA lúc còn trung học (Facebook nhân vật)

 

Khi vào trung học, Amanda nắm nhiều chức vụ trong tổ chức Lãnh Đạo Thương mại Tương Lai. Cô được bầu làm chủ tịch Hội lãnh đạo thương mãi tương lai toàn California (FBLA) nhiệm kỳ 2008-2009. FBLA là tổ chức toàn cầu lớn nhất và ảnh hưởng nhất cho học sinh giỏi theo ngành thương mãi. Sự kiện được bầu chọn làm chủ tịch FBLA của bang lớn nhất nước Mỹ khi mới 16 tuổi đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo, kiến thức, và trưởng thành của Amanda như thế nào.

Amanda tốt nghiệp thủ khoa trung học tại trường Centennial, Corona, California năm 2009. Hầu hết trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, UCLA, Berkeley, UPenn… đều mong đợi cô vào. Cuối cùng, cô chọn Harvard – với hai môn, chính trị học và vật lý thiên văn. Đây là trường cô hằng mơ ước. Trong phòng cô, có một tấm bảng đen nhỏ. Cô đã ghi lên bảng lời nhắc nhở rằng mình phải làm cho được để vào Harvard. Mỗi sáng thức dậy, cô đều nhìn bảng đó để tự nhắc nhở. Trong thời gian học Harvard, Amanda tỏ ra xuất sắc và đa năng trong học hành, sáng tạo, và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu ấn tượng. Cô tạo tên tuổi mình trong lịch sử Harvard, khi kiến tạo ra một lớp học về nô lệ thời nay, một sự kiện chưa từng có. Bài văn của cô được chọn đăng trong quyển 50 bài văn thi vào đại học của Harvard. Năm 19 tuổi, cô chọn đi Bangladesh, một đất nước nghèo khổ mà ngay cả phòng vệ sinh cũng không có. Amanda phải ra đồng, giúp đỡ những phụ nữ không có tiếng nói. Tại đó, cô đã tranh đấu trong hiểm nguy, vượt qua được lệ tục và ngôn ngữ địa phương để đưa ra toà án một người đã giết một cô gái Bangladesh sau khi nạn nhân bị cưỡng hiếp.

Amanda Nguyen tại Viện mồ côi Wema Children’s Centre (Facebook nhân vật)

 

Amanda cũng là người đồng sáng lập Viện mồ côi Wema tại Kenya, châu Phi, trong thời gian cô tình nguyện làm công tác xã hội ở đó. Cô thực tập khoa học tại NASA với nhiệm vụ theo dõi những vật thể lạ gần Trái đất. Cô còn dùng mạng xã hội để lôi kéo sự ủng hộ của tuổi trẻ cho NASA. Cô được chọn là cộng tác viên tại Harvard-Smithsonian khoa học không gian và sau đó trở thành trưởng nhóm sinh viên thực tập trong Tòa Bạch Ốc. Đặc biệt, cô được chọn thực tập ở Morgan Stanley, một công ty tài chính nổi tiếng, dù cô không học về tài chính. Năm 2013, cô ra trường. Năm đó, một sự kiện khủng khiếp xảy ra cho cuộc đời cô, và nó là dấu rẽ cho cả cuộc đời. Vì nhiều chi tiết, xin hẹn kỳ sau.

“I have to live!”

Cô có một tình yêu vô biên và biết ơn đối với cha mẹ. Để không quên nguồn gốc Việt Nam, cô tự trau dồi tiếng Việt. Mẹ cô còn nhớ rõ hôm đó là ngày 6-9-2011. Cha mẹ được cô mời thăm Tòa Bạch Ốc, nơi cô được nhận làm sinh viên thực tập. Khi ra đón ba mẹ, bỗng nhiên cô nói cha mẹ chờ một chút. Thế rồi cô chạy vào trong, và lát sau, trao cho cha mẹ bức thư viết bằng tiếng Việt. Lá thư bày tỏ lòng cảm ơn cha mẹ. Đoạn cuối ghi: “Không ngày nào mà con không cảm ơn Chúa đã ban phước cho con. Không có người nào hạnh phúc bằng con mỗi khi con làm ba mẹ hãnh diện. Con yêu ba mẹ rất nhiều. Amanda”.

Amada Nguyễn đạt được thành công kỳ diệu nhờ nhiều yếu tố. Tầm nhìn sâu rộng, say mê công việc, nhiệt tâm bảo vệ sự công bằng, luôn trau dồi bản thân để đạt được ước mơ, nhưng quan trọng hơn hết, đó là ý chí cô cực cao để vượt qua trở ngại và giới hạn con người bình thường. Ngoài ra, không thể không kể sự hỗ trợ toàn diện của cha mẹ cô, những người đã xây dựng nền tảng bản chất và ý chí dấn thân xã hội cho cô.

Nhờ nỗ lực và cọ xát cuộc đời sớm qua các hoạt động thiện nguyện và hoạt động ngoài trường lớp, Amanda đã trưởng thành hơn hẳn những bạn cùng trang lứa. Không một khoảng thời gian nào trôi qua mà cô bỏ phí. Khi 16 tuổi, cô bị bệnh rối mạch tim (Superventricular Tachycardia) và tưởng chừng phải chết. Cô phải ngồi xe lăn nhiều tháng trời. Tuy nhiên, không vì thế mà cô buông bỏ con đường của mình. Trước khi gây mê thực hiện ca mổ tim cho cô, bác sĩ hỏi cô muốn nói gì. Cô nói với giọng cương quyết và bừng lên lạc quan: “I have to live – Tôi phải sống”!

Nam California, August 25

Nguồn: The NewViet