Seite auswählen

Bài giới thiệu

Uyên Hạnh

Mỗi năm đến ngày 30 Tháng Tư chúng ta luôn hồi tưởng đến những câu chuyện đau thương đã xảy ra cho gia đình bà con bạn bè ngày chúng ta bỏ nước ra đi, về thời gian ta đã nhỏ biết bao nhiêu là nước mắt khóc cho những người ở lại bị đày đọa trong ngục tù và đói khát thời gian sau đó. Theo với thời gian chúng ta đã có dịp nói cho nhau nghe nỗi đau của nhau nhiều hơn là cơ hội đi sâu vào các lãnh vực khác, để biết được rằng chúng ta không vô vọng, không lẻ loi trong hành trình tìm tự do của chúng ta sau ngày 30/4/1975.

Đã có nhiều quốc gia trên thế giới, nơi đó chính quyền và người dân dõi mắt trông theo bước chân người tị nạn Việt Nam, để rồi với nỗi xót xa đồng cảm họ đã hăng hái dấn thân và dang rộng vòng tay đón nhận những người tị nạn Việt Nam lem luốc đói khát khô gầy sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên biển cả, dưới cái nóng hừng hực như thiêu như đốt của mặt trời trong những ngày sau Tháng Tư Đen, hoặc sau những tháng ngày ngóng đợi trong các trại tị nạn. Khoahocnet xin mời qúy độc giả đọc bài Tiểu luân “Hoạt động cho người Tỵ nạn: Việc thu nhận thuyền nhân Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức” của Giáo sư Frank Bösch. Ông hiện đang giảng dạy môn Lịch sử Đức và Châu Âu Thế kỷ 20 tại Đại Học Potsdam. Giáo sư Frank Bösch cũng là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sử Hiện Đại tại Đức Quốc.

Bài Tiểu luận dài khoảng 30 trang được chuyển dịch từ Tiếng Đức sang Tiếng Việt. Đi lần vào những trang viết của bài tiểu luân nầy chúng ta thấy rõ những nỗ lực rất tích cực của người dân Đức cho việc khởi động chương trình cứu vớt thuyền nhân Việt Nam. Họ đã thấy rõ được người dân Việt đã phải trải qua bao đớn đau cay nghiệt và oan khiên ngay sau khi Cộng Sản Việt Nam đặt bước chân ma quỷ dày xéo Miền Nam Việt Nam vào Ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Ngày mà hàng hàng lớp lớp người dân Việt vội vàng hốt hoảng buông bỏ nhà cửa tài sản ruộng vườn dứt áo ra đi, rời xa Quê Mẹ.

Bài tiểu luận dựa trên hồ sơ lưu trữ của các bộ, các tổ chức và các đại sứ quán ở Đông Dương, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội Vụ, Quốc Hội Đức, các ủy ban của các đảng phái chính trị trong chính quyền Đức Quốc, các cơ quan truyền thông chính mạch, song song với tài liệu từ các tổ chức cứu vớt và cứu trợ thuyền nhân Việt Nam. Cũng như qua các cuộc nói chuyện với nhân chứng, điển hình phải kể đến vị ân nhân khả kính của Người Việt tị nạn tại Đức, ông Rupert Neudeck. Ông là người sáng lập Cap Anamur – Komitee Cap Anamur/Deutsche Notärzte e.V. (Ủy ban Cap Anamur/Bác sĩ cấp cứu Đức). Tổ chức nầy đã vớt tổng cộng 10.375 thuyền nhân Việt Nam trên 226 chiếc thuyền và đưa họ sang Đức định cư. Những tổ chức dân sự được nói đến trong bài tiểu luận là những tổ chức đã tranh đấu kêu gọi và kiên nhẫn trong việc cứu người tị nạn Việt Nam.

Buông bỏ tất cả để vượt thoát ra đi với hai bàn tay trắng, chúng ta không thấy được mình sẽ về đâu, chỉ biết rằng sống với Cộng Sản Việt Nam là sống trong địa ngục trần gian, làm thân con người trong số phận oan nghiệt khổ đau không lối thoát. Năm tháng sẽ dài đăng đẳng tối đen, cuộc đời mình coi như bỏ đi, thế hệ con cháu mình sẽ cũng đen tối và không lối thoát dưới sự cai trị tàn độc của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thoát thân chạy trốn khỏi ách cai trị bất nhân của Đảng Cộng Sản Việt Nam chúng ta nhìn lại và thấy rằng quyết định ngày đó thật sự vô cùng sáng suốt. Lòng can đảm và trách nhiệm đem lại một đời sống có tự do dân chủ và nhân quyền cho con mình đã tạo sức chịu đựng và sự hy sinh vô bờ của những người mẹ, quyết tâm mãnh liệt của những người cha. Kết quả đã cho thấy một thế hệ trẻ của hàng con cháu chúng ta bây giờ đã thành công và thành nhân, nhờ được giáo dục bởi gia đình đầy ắp tình người, tình quê hương dân tộc, trọng nhân quyền và đầy bác ái. Nhờ được giáo dục ở một xã hội văn minh tự do và dân chủ, đầy tình nhân loại và con cháu chúng ta đã thành công.

Theo dõi bước chân đi tìm cái sống trong cái chết, vẻ kinh hoàng và nét khủng hoảng cùng bước chân thất thểu của người tị nạn Việt Nam trong thời điểm từ 1975, khi Cộng Sản Việt Nam cưỡng chiếm Miền Nam Nước Việt, người dân bỏ xứ ra đi rời xa Quê Mẹ mà không thấy trước được sẽ đi về đâu, chỉ ôm ấp niềm tin các quốc gia có tự do nhân quyền sẽ cứu giúp chúng ta. Chính quyền và người dân nhiều quốc gia trên thế giới đã với tình nhân loại biến niềm hy vọng của người tị nạn Việt Nam thành sự thật. Họ đã dang rộng vòng tay đón lấy chúng ta, nuôi dưỡng bảo bọc chúng ta. Xin mời đọc bài tiểu luận của Giáo sư Frank Bösch để thấy những vận động và nỗ lực song hành với nỗi khổ, niềm hy vọng mong manh, ước mong xa vời của chúng ta. Để thấy rằng thế giới thấy rõ mặt thật của đảng Cộng Sản Việt Nam qua những nỗ lực cứu vớt người tị nạn Việt Nam trong các chuyến vượt thoát đầy hiểm nguy.

Chúng ta không đơn hành trên con đường tìm tự do dân chủ. Đọc bài Tiểu Luận nầy, chúng ta thấy rõ phản ứng và công luận quốc tế về cuộc bỏ nước ra đi của chúng ta, khi Cộng Sản tràn vào Miền Nam và cai trị nhân dân ta.

Ước mơ đầu tiên của chúng ta ngày bỏ nước ra đi trốn ách cộng sản là đến được bến bờ tự do. Ước mơ thứ nhất đã thực hiện được. Ước mơ thứ hai trong phần đời còn lại là xây đựng một Việt Nam có tự do dân chủ và nhân quyền. Chúng ta đã nỗ lực nuôi dưỡng lửa nhân quyền và chúng ta biết rằng ngày đó sẽ đến. Phản ứng của người dân trước cái chết của Lê Đức Anh. “Sự kiện” sống/chết của Nguyễn Phú Trọng hiện nay đã cho chúng ta câu trả lời.

Xin mời đọc bài tiểu luận để thấy và để tri ân tình người rộng lớn của người dân từ các quốc gia tự do trên thế giới. Một thứ tình người, tình nhân loại Cộng Sản Việt Nam không bao giờ biết đến!

UYÊN HẠNH

30/4/2019

Nguồn: Khoahocnet

Hoạt động cho người Tỵ nạn

 

Việc thu nhận “thuyền nhân” Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức

 

Tài liệu lịch sử của tạp chí “Nghiên Cứu Lịch Sử Hiện Đại” (Zeithistorische Forschungen)

 

https://zeithistorische-forschungen.de/1-2017/id=5447

 

Tác giả: Frank Bösch

 Bản gốc PDF

Bản tiếng Anh

Phỏng dịch: Phương Tôn

 

***

 

1. Chính phủ liên bang bị áp lực, đối lập thúc đẩy

 

2. Nhà báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc cứu giúp

 

3. “Cap Anamur” và Hoạt động Xã hội Đoàn kết-Vietnam

 

4. Từ trại tị nạn đến thu nhận: Con đường chạy trốn và con đường hợp pháp

 

5. Giới hạn của sự sẵn sàng thu nhận

 

6. Tổng kết và viễn cảnh

 

 

 

TÓM TẮT (ABSTRACT)

 

Tại Cộng hòa Liên bang Đức vào cuối những năm 1970, đã mở ra những hoạt động giúp đỡ cho những người tị nạn từ Việt Nam. Trong khi cho đến lúc đó, Tây Đức hầu như không nhận bất kỳ người tị nạn nào có xuất xứ ngoài châu Âu, giờ đây hàng chục ngàn “thuyền nhân” đã tìm thấy sự che chở, bảo vệ như “những người tị nạn hạn ngạch” (Kontingentflüchtlinge), họ được cứu vớt trên đường vượt biển và được đưa vào các trại tị nạn ở Á châu rồi được đưa bằng máy bay sang Tây Đức. Bài tiểu luận phân tích vai trò của các Tổ chức Dân sự (TCDS), các đảng chính trị, truyền thông và bộ máy chính quyền. Ban đầu, đặc biệt là dưới áp lực của quần chúng và quốc tế, chính phủ Xã hộ Tự do đã thay đổi quan điểm để chuyển sang chấp nhận người tị nạn Đông Dương. Tuy nhiên sau đó, các hoạt động của TCDS và của chính phủ lại bổ sung cho nhau. Áp lực cộng đồng được tạo ra, đặc biệt do các chiến dịch truyền thông và từ các sáng kiến của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chủ trương mạnh mẽ tiếp nhận người tị nạn. Trong đó, một vai trò quan trọng là “Thuyền nhân” Việt Nam được xem có mối liên hệ mật thiết với lịch sử sau chiến tranh của Đức. Bài tiểu luận còn cho thấy các kỹ thuật tiếp nhận người tị nạn và các hình thức viện trợ nhân đạo mới đã xuất hiện như thế nào, có thể được hiểu tất cả là kết quả của sự thay đổi xã hội và bộ máy nhà nước. Tuy nhiên cuối cùng, việc thu nhận người tị nạn bị chậm lại và xem như bị chấm dứt do sự xuất hiện các tiếng nói bài ngoại vào đầu thập niên 1980.

 

***

 

Chú thích

 

Trong ba thập kỷ đầu tiên sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, chỉ có một vài người tị nạn có gốc ngoài châu Âu đến Cộng hòa Liên bang Đức. Điều này đã thay đổi kể từ 1978/79. Hình ảnh những chiếc thuyền vượt biển đầy ngập người ở Đông Nam Á giống với những hình ảnh hiện nay ở vùng Địa Trung Hải, đã thúc đẩy sự tham gia dưới nhiều hình thức những người trong các giới chính trị, truyền thông và xã hội. Chỉ trong vài năm, Cộng hòa Liên bang đã chào đón khoảng 30.000 người tị nạn từ Đông Nam Á, sau đó là các cuộc đoàn tụ gia đình. Những người này được phép vào Đức với tư cách là “những người tị nạn theo hạn ngạch” (Kontingentflüchtlinge) trong chương trình thu nhận không theo yêu cầu đòi hỏi về quy chế tị nạn và phần lớn các phí tổn được chính phủ chi trả. Trong lúc người di cư trước đây được coi là những “thợ khách” (Gastarbeiter) tạm thời, nay chính phủ lại tài trợ rộng rãi cho các chương trình hội nhập, vì dự tính những người này sẽ không quay trở lại quê hương của họ. Nhiều người Đức đã hỗ trợ bằng cách quyên góp và giúp đỡ tận tình những người tị nạn từ Đông Nam Á. Tuy nhiên, đồng thời, nỗi sợ hãi đối với người ngoại quốc và những “người tị nạn kinh tế” đã gia tăng trong phần lớn người dân Đức từ năm 1980 trở đi. Ở giai đoạn này, câu hỏi là Cộng hòa Liên bang sẽ mở cửa đến mức nào cho những người tị nạn xuất xứ ngoài châu Âu.

 

Bài tiểu luận này phân tích quan điểm bấy giờ khi phải đối mặt với một số lượng lớn người tị nạn đến bất ngờ, và theo quan điểm ngày nay, để có được động lực mạnh mẽ giúp đứng lên để giúp đỡ “thuyền nhân” (Boat People) Việt Nam. Xem xét vai trò của các Tổ chức Dân sự (TCDS -Zivilgesellschaft), bộ máy quan liêu chính quyền (staatliche Bürokratie), các đảng chính trị, các phương tiện truyền thông và cách họ tương tác với sự tiếp nhận cụ thể người tị nạn. Thứ nhất, cho thấy, ngay từ đầu, trên hết, dưới áp lực công luận đã khiến chính phủ Xã hội Tự do [Liên minh giữa đảng Dân chủ Xã hội-SPD và Dân chủ Tự do-FDP. Chính phủ đặt dưới sự lãnh đạo của Helmut Schimdt SPD (1918–2015) làm thủ tướng và Hans-Dietrich Genscher FDP (1927–2016) làm Bộ trưởng Ngoại giao. Chính phủ Liên minh Xã hôi Tự do kéo dài từ 16.12.1976 đến 4.11.1980 – Chú thích của người dịch] chấp nhận người tị nạn Đông Dương, rồi sau đó được các TCDS và chính phủ bổ sung thêm. Lập luận thứ hai là áp lực cộng đồng, đặc biệt xuất hiện nhờ vào các chiến dịch truyền thông và qua các sáng kiến của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) ủng hộ mạnh mẽ việc thu nhận người tị nạn. Theo luận điểm thứ ba, một vai trò quan trọng từng được đưa ra là “Thuyền nhân” có mối liên hệ mật thiết với lịch sử sau chiến tranh của Đức – đặc biệt là việc trục xuất người Đức vào cuối Thế chiến thứ hai. Thứ tư, bài tiểu luận cho thấy các kỹ thuật tiếp nhận người tị nạn và các dạng mới về viện trợ nhân đạo đã xuất hiện như thế nào để có thể được hiểu là sự thay đổi TCDS và quan liêu cửa quyền.

 

“Đoàn kết với Việt Nam” (Vietnam-Solidarität) cho đến nay, cũng trong các nghiên cứu, có liên quan với phong trào “68”[1]. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có một vài nghiên cứu đề cập đến Mỹ và Đông Á đã hỗ trợ cho người Việt Nam (tỵ nạn) sau khi chiến tranh kết thúc ở đó (1975). Việc thu nhận “Thuyền nhân” của Liên bang Đức hầu như không được nghiên cứu[2]. Ngay cả những nghiên cứu lớn về chính sách người ngoại quốc của Đức hoặc lịch sử di cư cũng ít nhắc đến việc tiếp nhận người tị nạn từ Đông Dương[3]. Gần đây, có hai bài tiểu luận về cách tiếp cận ban đầu liên quan đến sự tham gia nhân đạo của Cap Anamur và sự cạnh tranh giữa Cap Anamur với Hội Hồng Thập Tự Đức (DRC), nhưng cũng nhắc ít hơn đến sự thu nhận người tị nạn[4]. Căn bản tiểu luận của tôi, một mặt dựa trên các hồ sơ lưu trữ của các bộ, đảng, tổ chức và chính quyền có liên quan (như các đại sứ quán ở Đông Dương, Bộ Ngoại giao, Thủ tướng, Bộ Nội vụ, Quốc hội Đức và các ủy ban của các đảng), mặt khác, gồm các tài liệu của các tổ chức cứu trợ (đặc biệt “Cap Anamur”), các nguồn truyền thông và các cuộc nói chuyện với các nhân chứng, bao gồm cả Rupert Neudeck[5], người sáng lập “Cap Anamur” đã qua đời vào tháng 5 năm 2016.

 

1. Chính phủ liên bang bị áp lực, đối lập thúc đẩy

 

Trong ba thập kỷ tồn tại đầu tiên, Cộng hòa Liên bang Đức hầu như không thu nhận bất kỳ người tị nạn có xuất xứ ngoài châu Âu nào. Luật tị nạn Tây Đức tự do trong thực tế thật khó khăn, hạn chế. Số lượng đơn xin tị nạn và người được nhận vẫn còn thấp. Đến năm 1979, chỉ nhận được tổng cộng 230.000 đơn xin tị nạn (ít hơn so với những năm đầu thập niên 1990). Chỉ có 57.000 người trong số đó được chấp thuận và dưới 15.000 người tị nạn được nhập tịch[6]. Thay vào đó, hàng triệu người tị nạn Đức đã đến Cộng hòa Liên bang: Đầu tiên là những người Đức từng bị xua đuổi (Vertriebenen) đến từ các lãnh thổ Đức trước đây ở hướng Đông, sau đó là những người từ CHDC Đức (Cộng Hòa Dân Chủ Đức – DDR) và ngày càng có nhiều người Hồi hương gốc Đức rời bỏ quê hương Cộng Sản (Aussiedler) từ miền Trung Đông Âu. Ngoài ra, Cộng hòa Liên bang hào phóng cho người tị nạn vào nước sau các cuộc nổi dậy tại Hungary năm 1956 và Prague năm 1968[7]. Thêm vào đó, họ đã chấp thuận vào những năm 1970, cho những nhóm nhỏ hơn người Chile và người Argentina chạy trốn khỏi các chế độ độc tài ở đó [Chile với nhà độc tài Augusto José Ramón Pinochet Ugarte nắm chính quyền từ 11.09.1973 sau một cuộc đảo chánh và Argentina với độc tài quân phiệt Junta từ 1976 đến 1983 – Chú thích của người dịch]. Các thảo luận nhân quyền đã thúc đẩy điều này cũng như sự cần thiết phải đánh bóng một nhà nước dân chủ ở cấp độ quốc tế[8].

 

Sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam và bị quân đội miền Bắc Cộng sản chiếm đóng vào năm 1975, tại Việt Nam đã xảy ra một làn sóng người chạy trốn đầu tiên ở Đông Dương. Chính phủ Liên bang đã đáp trả bằng các biện pháp cứu trợ thể hiện ít tình đoàn kết với người Việt Nam chạy trốn hơn là cho tình đoàn kết với Mỹ. Là nơi hiện đang tiếp nhận nhiều người tị nạn Việt Nam và kêu gọi Cộng hòa Liên bang hỗ trợ cho họ – “như một vấn đề đoàn kết” (as a matter of solidarity) theo như trong nội bộ nói cùng nhau[9]. Đó là đặc tính của Cộng hòa Liên bang, mặc dù ngay lập tức họ đã lập nên chương trình viện trợ tài chính hào phóng, nhưng hầu như không người tị nạn có xuất xứ ngoài châu Âu nào được thụ hưởng. Bộ trưởng Nội vụ đã phê chuẩn tiếp nhận 3.000 người tị nạn Nam Việt Nam, nhưng chỉ có 1.000 chổ được phân phối theo các bang và số người được chọn thực sự ít hơn đáng kể[10]. Vào tháng 11 năm 1978, khi những hình ảnh về “thuyền nhân” bị chết đuối xuất hiện trên toàn thế giới, mới huy động được các chính trị gia và người dân. Trong khi đó, Mỹ đã tiếp nhận 164.000 người tị nạn Đông Dương, Pháp 43.000 và Cộng hòa Liên bang, mặc dù đã công bố, chỉ 1.300 người[11].

 

Trên căn bản vì nghĩa vụ có tham dự trực tiếp quân sự tại Việt Nam, Mỹ và Pháp chắc chắn cảm thấy có trách nhiệm đặc biệt để phải giúp đỡ. Tuy nhiên, thái độ hạn chế của Chính phủ Liên bang là đáng chú ý. Một lá thư nội bộ từ bộ máy quan liêu cấp bộ năm 1978 đã nói rõ rằng, Cộng hòa Liên bang “không phù hợp để chấp nhận số lượng lớn người tị nạn” và hạn số được phê duyệt là “ngoài giới hạn tối đa” (äußerste Grenze)[12]. Các đại diện chính phủ Xã hội Tự do cũng chia sẻ quan điểm này. Ngay cả trong các cuộc đàm phán quốc tế với các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên Hiệp Quốc vào cuối những năm 1970, Thủ tướng Helmut Schmidt và Bộ trưởng Ngoại giao, Hans-Dietrich Genscher đã nhiều lần tuyên bố rằng Cộng hòa Liên bang Đức bị “quá tải” do nhận quá nhiều di dân từ các vùng lãnh thổ phía đông của Đức trước đây, những người xin tị nạn và những người nước ngoài khác để có thể thu nhận thêm người Việt Nam[13]. Họ chỉ ra rằng vào năm 1978, chỉ riêng 58.000 người gốc Đức và 33.000 người xin tị nạn khác đã đến Cộng hòa Liên bang. Cũng trong nội các và trong các bài phát biểu trước công chúng, chính phủ đã nêu bật những con số như vậy để ngăn chặn lượng người tị nạn tiếp đến[14]. Ngoài ra, họ còn tỏ vẻ bất an vì dù có lệnh cấm tuyển dụng “thợ khách” (năm 1973) [Giai đoạn chính thu nhận “thợ khách” gồm ngưới Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha nhưng phần lớn là người Thổ, vào Cộng Hòa Liên Bang Đức xảy ra vào năm 1945 – Chú thích của người dịch], số người nước ngoài sống ở Cộng hòa Liên bang vào cuối những năm 1970 cũng vẫn tăng lên.

 

Tuy nhiên, các hình ảnh truyền thông quốc tế từ Đông Nam Á kể từ tháng 11 năm 1978 đã gây rung chuyển thái độ phòng thủ này. Những bức ảnh này tương tự như những bức ảnh mà sau này được lưu hành vào năm 2013 của những người tị nạn ở Địa Trung Hải: Những chiếc thuyền cũ kỹ đông đúc người không may bị chìm, hoặc những gia đình chen chúc trong các trại tỵ nạn. Số người tị nạn đã tăng lên đáng kể từ cuối năm 1978, đặc biệt là tại các trại ở Thái Lan, Singapore và Malaysia. Ước tính tổng cộng hơn 1,5 triệu người[15]. Nhiều người chạy trốn, trước hết từ Việt Nam vì đang bị cộng sản hóa, vì trại cải tạo hoặc nghèo đói, sau đó vì cuộc xâm lược của Trung Quốc vào Việt Nam năm 1979 và nỗi sợ chiến tranh mới. Nhiều người tị nạn từ Việt Nam là người gốc Hoa, họ phải rời khỏi đất nước vì bị phân biệt chủng tộc và kinh tế nhiều hơn sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam. Đồng thời, vào năm 1979, cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam đã dẫn đến các nhóm người khác chạy trốn khỏi đây: Người dân sợ bị Khmer Đỏ trả thù sau khi chế độ sát nhân này sụp đổ, hoặc những người muốn thoát khỏi nạn đói nghèo và chiến tranh. Tuy nhiên, trong nhận thức của công chúng, người tị nạn chủ yếu được coi là người Việt Nam.

 

 

Người tỵ nạn Việt Nam trên bong tàu vận tải “Hải Hồng”, 22 tháng 11. 1978. Trong tài liệu lưu trữ của hãng tin hình ảnh “picture alliance” bức hình được ghi dưới tên “Vietnamese Syrians” (picture alliance/AP Photo/Jeff Robbins)

 

Tình trạng cực kỳ phức tạp, kể từ cuối năm 1978 những hình ảnh truyền thông được cô đọng thành những thông điệp đơn giản. Đặc biệt là những bức ảnh của con tàu “Hải Hồng” vào tháng 11 năm 1978, được các hãng thông tấn quốc tế chia sẻ, thúc đẩy các nỗ lực cứu trợ của chính phủ, truyền thông và các nhóm Hoạt động Xã hội trên toàn thế giới. Họ cho thấy hình ảnh một con tàu cũ kỹ với 2.500 người đang trôi nỗi, không được cung cấp thực phẩm, y tế trong nhiều tuần lễ và đã bị Malaysia từ chối cho cập cảng. Nhiều quốc gia đã phản ứng trực tiếp. Canada ngay lập tức đồng ý rước về vài trăm người từ “Hải Hồng” và nhận thêm hàng chục ngàn người khác, cuối cùng có 200.000 người được nhận vào[16]. Mỹ cũng gia tăng nhận người dù vốn đã hào phóng về việc nhận người tị nạn[17]. Ở Pháp, những người trí thức, bao gồm những người sống sót từ Gulag và Holocaust cũng như chính phủ dưới thời Giscard d’Estaing nhập cuộc, ủng hộ việc tiếp nhận người tị nạn “Hải Hồng” và lập chiến dịch cứu “thuyền nhân”[18]. Vương quốc Anh, mà trước đó chỉ nhận vài trăm người tị nạn, đã tăng số lượng lên 10.000 người vào năm 1979 và thành lập các trung tâm tiếp nhận[19]. Ngược lại, Chính phủ Liên bang Đức ban đầu chỉ cung cấp cho chương trình viện trợ tị nạn của Liên Hiệp Quốc một khoản đóng góp tài chính lớn cho việc chăm sóc những người có nhu cầu thuộc tàu “Hải Hồng”[20]. Như thường lệ, Cộng hòa Liên bang chỉ muốn giúp đỡ bằng tiền chứ không muốn thu nhận người.

 

Về sau, việc hàng chục ngàn người tị nạn đã được đón vào Đức bằng máy bay Lufthansa và của quân đội là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Liên minh CDU / CSU [Liên minh giữa Dân Chủ Thiên chúa giáo-CDU và Xã hội Thiên chúa giáo tại Bayern-CSU được thành lập vào năm 1949 – Chú thích của người dịch] đã đóng một vai trò quan trọng, chính sách tị nạn sau này của họ được diễn giải theo quan điểm này. Sau khi những bức ảnh của tàu “Hải Hồng” được công bố, khối nghị viên tại quốc hội (fraktion) của họ thúc đẩy Genscher, bộ trưởng Ngoại giao để đòi tăng gói tài chính cứu trợ cho người tị nạn và bảo đảm ưu đãi cho họ được hưởng quy chế tị nạn[21]. Vào ngày 24 tháng 11 năm 1978, Thủ tướng bang Niedersachsen, Ernst Albrecht (CDU) đã thực hiện một nỗ lực ngoạn mục (đối với Đức), sau khi ngồi xem hình ảnh con tàu “Hải Hồng” trên TV cùng gia đình thân thuộc, ông ra quyết định ngay lập tức, chấp nhận đón 1000 thuyền nhân Việt Nam vào bang Niedersachsen[22]. Ngoài những người tị nạn từ “Hải Hồng” nằm trong số đó, theo yêu cầu của Genscher, còn có 450 người đã được một vài tàu vận tải Đức cứu thoát cùng lúc trên biển. Bộ trưởng Nội vụ của Albrecht, Wilfried Hasselmann một người bảo thủ, thậm chí đã bay về Á châu cùng 19 nhà báo để cùng tham gia với việc vận chuyển người được nhận từ các trại tị nạn tạo nên hiệu quả truyền thông mạnh[23]. Khi đến Cộng hòa Liên bang Đức, những người tị nạn đã được chào đón long trọng và với sự hỗ trợ truyền thông lớn của Thủ tướng Albrecht và sau đó ông cũng tự thân hành đến thăm họ trong các trại chuyển tiếp.

 

 

Wilfried Hasselmann, bộ trưởng bộ Nội vụ bang Niedersachsen với nhóm người tị nạn Việt Nam đầu tiên thuộc tàu “Hải Hồng” tại phi trường Hannover-Langenhagen, 3. tháng 12. 1978 (Museum Friedland; Foto: Dieter Haaßengier)

 

 

 

 

Hoạt động của Dân Chủ Thiên Chúa Giáo: Thủ tướng bang Niedersachsen, Ernst Albrecht (phải) và bộ trưởng Nội vụ Wilfried Hasselmann (trái) đón tiếp người tị nạn Việt Nam tại Niedersachsen, 3. tháng 12. 1978 (picture alliance/AP Photo/Helmuth Lohmann)

 

Những trình diễn như vậy gửi một tín hiệu về sự đoàn kết vượt xa những bức ảnh selfie với người tị nạn hiện đang được tranh cãi của bà Angela Merkel. Hành động độc lập của Albrecht đã cho Chính phủ Liên bang, giới truyền thông và dân chúng thấy những gì có thể làm được. Bản thân Albrecht cho đến lúc đó không có mối liên hệ cá nhân nào với Đông Nam Á. Ông biện minh cho hành động của mình là từ tình thương, đức ái Kitô giáo[24]. Trong những năm sau đó, Albrecht vẫn là chính trị gia hàng đầu, hoạt động nhiều nhất cho sự tiếp nhận hào phóng dành cho người tị nạn Việt Nam. Các chính trị gia CDU khác có thái độ ban đầu tỏ ra kém rõ ràng hơn đối với người tị nạn. Trong quốc hội và qua báo chí, CDU yêu cầu chính phủ nhanh chóng thu nhận thêm nhiều người tị nạn Đông Dương và tăng hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn ở các bang mà họ đang cầm quyền. Tương tự, các thành viên CDU kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao hỗ trợ ngoại giao và tài chính cho tàu cứu nạn Cap Anamur của Đức; những người khác kêu gọi viện trợ cho một chiến dịch cứu cấp của Pháp[25]. Chủ tịch quốc hội, Richard Stücklen (CSU) vào năm 1979 đã khẩn cầu xin thu nhận người tị nạn từ các tàu cứu nạn nước ngoài như “Île de Lumière” của Pháp[26]. Ở cấp độ châu Âu, những người bảo thủ, tự do và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trong Đảng Nhân dân châu Âu (European People’s Party – EPP) cũng kêu gọi cử những chiếc tàu vận tải ra khơi đến cứu người tị nạn[27].

 

Không dừng lại ở lời nói. Trên thực tế, các bang do CDU nắm quyền, ban đầu đã tiếp nhận nhiều “thuyền nhân” hơn. Trên hết, bang Niedersachsen do đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU cầm quyền là bang “dài hơi” hào phóng thu nhận nhiều người Việt Nam tị nạn nhất. Bang Baden-Würtemberg do Lothar Späth (CDU) lãnh đạo đã tăng gấp đôi hạn ngạch được phân bổ nhận người tị nạn vào năm 1979, cấp tiền cho một tàu cứu trợ của DRK (Hồng Thập Tự Đức) và thành lập một văn phòng điều phối cho các nhóm hoạt động tư nhân và công cộng[28]. Tương tự như vậy, các bang Schleswig-Holstein, Rheinland Pfalz và Bayern do Liên minh CDU / CSU cầm quyền đã nhanh chóng đưa thêm số người được thu nhận trên hạn ngạch như đã thỏa thuận. Các thành phố do CDU cầm quyền như Frankfurt am Main dưới thời thị trưởng Walter Wallmann đã quyết định, vào đầu năm 1979, đưa ra hạn ngạch riêng, tiếp nhận 250 “thuyền nhân”[29]. Đảng SPD (Dân chủ Xã hội) tỏ ra thận trọng hơn. Trong số các bang do SPD cầm quyền, ban đầu chỉ có bang Hessen chấp nhận người tị nạn trên hạn ngạch, sau đó là bang Nordrhein-Westfalen dưới thời Julian Rau. Các thành viên SPD tại quốc hội phàn nàn rằng những người tị nạn Việt Nam đang đến rất nhanh, trong khi 500 người tị nạn từ chế độ độc tài quân sự ở Argentina đã đến chậm hơn vì phải chờ đợi[30]. Những người tị nạn được ưa thích vì do phù hợp về ý thức hệ.

 

“Thuyền nhân” được sự ủng hộ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đi kèm với các hành động đoàn kết trong giới của họ. Hội sinh viên Dân chủ Thiên chúa giáo (RCDS) đã tổ chức một chiến dịch gây quỹ “Giúp đỡ người Việt Nam” vào năm 1979, và Hội Dân chủ Thiên chúa giáo trẻ (Junge Union – JU) vận động những chiến dịch giúp nhà ở, tìm việc làm, tìm kiếm gia đình bảo trợ cho người tị nạn Việt Nam và bán gạo để gây quỹ. Ngoài ra, JU dưới thời chủ tịch Matthias Wissmann, yêu cầu tăng gấp năm lần số người được nhận lên 50.000 và lập một “cầu không vận” với tài chánh từ quyên góp[31]. Sinh hoạt chính trị và các hoạt động xã hội đã chan lẩn, hòa hợp cùng nhau, đặc biệt là tại “văn phòng Việt Nam e.V.” (Vietnam-Büro e.V.), một hội đoàn do Elmar Pieroth và Matthias Wissmann, dân biểu của CDU thành lập vào tháng 4 năm 1979. Hiệp hội đã thu thập quyên góp, cứu giúp y tế và được xem đã thành công lớn về việc giúp tạo công ăn việc làm cho người tị nạn Việt Nam[32]. Những hoạt động như vậy không tìm thấy ở môi trường đảng Dân chủ Xã hội. Ngoài ra, khi nhìn vào các biên bản và tuyên bố của Đảng Xanh (der Grünen) cho thấy, không có dấu hiệu nào chỉ rằng họ đang lưu tâm về vấn đề thu nhận “thuyền nhân” và sự hội nhập của người tị nạn[33].

 

Có nhiều nguyên nhân để đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, trước đây không bao giờ tán thành việc tiếp nhận người tị nạn xuất xứ ngoài châu Âu, giờ đây lại rất ủng hộ người “di cư cưỡng bức” (Zwangsmigration). Điểm quyết định đầu tiên là người Việt Nam chạy trốn khỏi một chế độ cộng sản. Dân chủ Thiên chúa giáo lên án về “các lệnh nổ súng chống lại những người tị nạn trên biển hoặc trên đất liền”[34], đây là hành động có liên quan đến việc trốn thoát khỏi Cộng Hòa Dân Chủ Đức (DDR). Hình ảnh những chiếc thuyền đầy kín người, các trại tị nạn có trẻ em và phụ nữ bị hãm hiếp cũng nhắc nhở nhiều cho người theo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo về việc người Đức bị trục xuất khỏi các lãnh thổ phía đông của Đức từ năm 1945. Ngay từ năm 1975, một số người theo đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã kêu gọi giúp đỡ người Việt Nam: “Người Đức chúng ta hiểu hơn ai hết ý nghĩa của số phận người tị nạn”, theo lời của Karl Carstens nguyên chủ tịch khối CDU/ CSU (Fraktionsvorsitzende) tại quốc hội và từ đó cho rằng “lời kêu gọi giúp đỡ cho những người đau khổ ở Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang cho đến nay có thể được lắng nghe”[35]. Năm 1979, Helmut Kohl, chủ tịch khối CDU tại quốc hội cũng đòi hạn ngạch nhận người tị nạn chiếu theo kinh nghiệm trốn chạy của người Đức trước đây[36]

 

Trong cuộc tranh luận năm 1979, phát ngôn viên của những người Đức bị xua đuổi ra khỏi đất nước (Vertriebenensprecher) của CDU / CSU như Herbert Hupka và Herbert Czaja đã tố cáo tình hình ở Việt Nam và kêu gọi chính phủ Liên bang “phải lên án việc người Việt Nam bị xua đuổi này mạnh mẽ cũng giống như khi lên án việc xua đuổi hàng triệu người Đức ra khỏi nhà của họ vào năm 1945/46” (theo đòi hỏi của Hupka)[37]. Thêm vào đó, CDU / CSU có thể tự đặt mình như là người hối lỗi về mặt đạo đức nhân quyền qua vấn đề “thuyền nhân”, sau khi việc đoàn kết với (Bắc) Việt Nam đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với phong trào sinh viên và sau đó họ trở nên tả khuynh. Và rồi đảng Dân chủ Xã hội đã tự dành cho mình quyền mở ra những cuộc tranh luận về nhân quyền chống lại Nam Phi và các nước Mỹ Latinh. SPD và cánh tả cho rằng, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chỉ đoàn kết với một phía[38]. Nói chung, hoạt động của Dân chủ Thiên chúa giáo tương ứng với cải cách của CDU trong những năm 1970, mà hiện nay thường liên quan đến các hình thức hành động của phe cánh tả. Chúng bao gồm các cuộc tranh luận về chương trình của nội bộ đảng, việc mở rộng thành viên cơ sở tích cực và huy động lực lượng quần chúng. Ngoài ra, đảng này đã cố gắng chiếm giành lại các chủ đề và tranh luận công khai, những gì mà phe cánh tả đang thống trị[39]. Cuối cùng, điều quan trọng là người Việt Nam và người Đông Á được coi là cần cù và có học thức tương đối. Tuy nhiên, đối với những người tị nạn từ Châu Phi hoặc Afghanistan, không có được sự đoàn kết hoặc tiếp nhận nào được phát triển, ngay cả khi họ cũng chạy trốn khỏi chủ nghĩa cộng sản và dù các phương tiện truyền thông riêng lẻ cũng đưa ra hình ảnh của các nạn nhân.

 

Chính phủ liên bang đã bị thúc đẩy không chỉ riêng từ phía đối lập và các bang riêng lẻ, mà còn từ các liên minh quốc tế bạn. Do đó, vào cuối năm 1978, Ngoại trưởng Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi chính phủ liên bang cho phép nhiều người Việt Nam vào Đức hơn nữa[40]. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi gia tăng mạnh hơn con số người tị nạn được thu nhận vào Cộng hòa Liên bang. Ngay trong một cuộc họp tại Geneva vào ngày 11 tháng 12 năm 1978, theo lời mời của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), đã tìm cách tăng hạn ngạch nhận người tị nạn. Trong các cuộc thảo luận với 34 phái đoàn chính phủ, bao gồm cả Việt Nam, mức độ thu nhận tương đối thấp của Cộng hòa Liên bang đã trở nên rõ ràng trên phạm vi quốc tế[41]

 

Xung lực thúc đẩy đặc biệt là hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Đông Dương vào hai ngày 20-21 tháng 7 năm 1979 đã diễn ra tại Geneva nhằm đạt thêm số lượng người được thu nhận. Trước đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (UNO) Kurt Waldheim gửi đến Cộng hòa Liên bang yêu cầu, nâng cao hạn ngạch thu nhận ít nhất 10.000 người tị nạn. Các viên chức quan liêu của chính phủ Tây Đức cố gắng tìm cách để ngăn chặn điều này và ghi rõ trong các tài liệu để chuẩn bị hội nghị với nhiều tham chiếu cho thấy, Đức hiện đang có nhiều người gốc Đức và người xin tị nạn, nên tối đa chỉ dành cho 4.000 chổ[42]. Tuy nhiên, trong hội nghị, UNO đã thành công để tăng con số đòi hỏi từ 125.000 (tháng Năm, 1979) lên 260.000 người. Trong bối cảnh này, Chính phủ Liên bang đã đồng ý thu nhận tổng số 10.000 người tị nạn và hứa sẽ tăng viện trợ nhân đạo lên 32 triệu Đức Mã-DM[43]. Ngược lại, Mỹ chấp nhận nhận mỗi tháng 14.000 người tị nạn từ Đông Dương. Việt Nam đã thực sự hứa hẹn, trong thời gian ngắn trước đó, với UNHCR, tất cả mọi người được phép rời khỏi đất nước nếu không phải là những người đang chịu nghĩa vụ quân sự, tội phạm, “những người giữ bí mật an ninh hoặc làm việc tại các vị trí quan trọng hiện không thể thay thế được”[44]. Những lời hứa hẹn này không được thực hiện để rồi các cuộc chạy trốn bất hợp pháp tiếp tục tăng. Bằng phương tiện hợp pháp trong hai năm tiếp sau đó, chỉ có duy nhất khoảng 400 người Việt đến Cộng hòa Liên bang theo chương trình Đoàn tụ Gia đình[45]. Hiệp ước quốc tế qua đó, không thể ngăn chận được những cuộc liều mình nguy hiểm phần lớn bằng đường biển.

 

2. Nhà báo đóng vai trò quan trọng trong cuộc cứu nạn

 

Các chính trị gia và các hoạt động cứu giúp đầu tiên thường xuyên đi cùng với các nhà báo, những nhà báo này sau đó đi độc lập đến các trại tị nạn. Các tường trình với hình ảnh rõ ràng của họ theo truyền thống tham gia vào chính trị của báo chí trong cuộc chiến tranh Việt Nam và Biafra [nội chiến Nigeria từ 1967 đến 1970 giữa người theo Thiên chúa giáo ở miền Nam và người theo Hồi giáo ở phía Bắc – Chú thích của người dịch], tìm cách vận động các chính trị gia và người dân để giúp đỡ người tị nạn[46]. Các nhiếp ảnh gia của các hảng thông tấn thực hiện những bức ảnh đầu tiên của “Hải Hồng” gây ảnh hưởng mạnh là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp như Eddie Adams, người đã chụp những bức ảnh mang tính biểu tượng trong chiến tranh Việt Nam, hay Alain Dejean, người miêu tả gần như toàn bộ cuộc cách mạng của Khomeini ở Iran. Ảnh hóa (Visualisierung) những con tàu bị đắm đặc biệt phù hợp với ngôn ngữ hình ảnh (Bildsprache) vượt lên tính cách đảng phái. Những người tị nạn trên biển dường như là những người vô quốc tịch và vô biên giới và do đó họ bị tách ra khỏi nền tảng ý thức hệ của cuộc chiến tranh Việt Nam và Campuchia. Thực tế có nhiều người tị nạn là trẻ em nên đã dấy lên nhu cầu hành động phi đảng phái. Thuật ngữ “thuyền nhân” nhấn mạnh đến việc ảnh hóa không lời (Dekontextualisierung) này, ở đây không thể phân biệt rõ, liệu họ là những người bị Cộng Sản truy đuổi hay là do các con buôn người Tàu-Việt hoặc do Khmer đỏ. Danh hiệu “thuyền nhân” tách phân ra khỏi các thuật ngữ ngày càng tiêu cực như “người tị nạn”, hoặc “người nước ngoài” và cho thấy motiv chạy trốn[47].

 

 

Các nhà báo đã đồng hành cùng các hoạt động cứu nạn và quảng bá bằng những hình ảnh và báo cáo đầy ấn tượng về các hoạt động của “Cap Anamur”.(từ: stern, 16.10.1980,Tr.. 20-29, ở đây Tr. 22f. Foto: Klaus Meyer-Andersen)

 

Đáng chú ý là sự tham gia hoạt động cộng đồng công dân tuyệt vời của chính các nhà báo. Đặc biệt là các cộng tác viên của tạp chí “ZEIT”. Lúc đầu, tờ tuần báo ở Hamburg, giống như các phương tiện truyền thông khác, đã đưa tin mang tính “đoàn kết” về sự khốn khổ trên thuyền và trong các trại tị nạn. Tiếp đến, biên tập viên Josef Joffe đã đi vào trại trên đảo Pulau Bidong của Malaysia, nơi chứa đầy ắp 40.000 người và sau đó gửi báo cáo chi tiết tới Thủ tướng Liên bang Schmidt để thúc dục ông can thiệp. Ông ta ra đi “như một phóng viên, nhưng trở về lại là một đảng viên (Parteigänger)”[48].

 

Tiếp sau đó, “ZEIT” [trụ sở đầu nảo của tạp chí đóng tại thành phố cảng Hamburg – Chú thích của người dịch] đã phát triển sáng kiến của riêng mình để, theo cách riêng, đưa được 250 người tị nạn sang Cộng hòa Liên bang ngoài hạn ngạch thu nhận của Đức. Thành phố Hamburg ngay lập tức hứa nhận bổ sung thêm, nếu tờ báo quyên góp được để đảm nhận tài chánh cho các khóa học tiếng Đức và người chăm sóc. Dưới tiêu đề “Giúp đỡ người tị nạn”, Marion Gräfin Dönhoff bà chủ báo đã vận động cực kỳ thành công cho hoạt động này. Ở đây, một lần nữa cho thấy có liên quan đến việc xua đuổi người Đức trước đây[49]. Chỉ trong hai tháng đầu tiên, “ZEIT” đã quyên góp được gần 2,2 triệu DM, số tiền này được họ đã sử dụng cho các chi phí như vé máy bay, thuốc men và một bệnh viện cứu khẩn ở Việt Nam, cho người giúp đỡ, cho các thiết bị ban đầu ở Hamburg và tăng tiền trợ cấp xã hội[50]. Cùng với các cộng tác viên của tờ báo và nhân viên Hồng Thập Tự, “ZEIT” cuối cùng đã đưa 274 người đến Đức bằng một chiếc máy bay của quân đội và một chiếc máy bay chuyên chở hành khách tới Hamburg và tài trợ cho nhân viên xã hội cho những nhóm người tị nạn khác[51]. “ZEIT” qua đó tạo ra các sự kiện và giữ độc quyền tường trình.

 

Qua đó, công ty truyền thông đã tổ chức và bằng tiền quyên góp đã trả tiền cho các nhiệm vụ chính trị, những công việc thực ra thuộc nhà nước phải đảm nhiệm. Đồng thời cũng đã thúc đẩy các chính trị gia hành động tương tự. Điều này chỉ có thể đạt được qua sự hợp tác giữa các phương tiện truyền thông, các TCDS, bộ máy hành chánh của thành phố và bộ Ngoại giao, nơi tổ chức xuất nhập cảnh. Qua các chiến dịch truyền thông, hoạt động của các TCDS và sự tham gia của cộng đồng đã tăng lên. Các công ty và thị trưởng đã cung cấp việc làm cho người Việt Nam sau sự kiện này, công nhân và nhạc sĩ tặng tiền thu nhập hàng ngày và nhiều gia đình đã nhận trẻ làm con nuôi. Ngoài việc quyên góp quần áo, còn có những hoạt động từ thiện, và “ZEIT” báo cáo rằng, những người Đức bị xua đuổi hiện đang mời người Việt Nam đến ăn uống[52]. Ở các thành phố khác, các bài tường trình của các phương tiện truyền thông cũng dẫn đến những phản ứng tương tự. Sau khi tờ “Kölner Stadtanzeiger” báo cáo về 34 người tị nạn Đông Dương vừa mới đến thành phố, đã có ngay ngoài nhiều khoản quyên góp bằng tiền và hiện vật, 44 đơn xin nhận con nuôi, 26 lời mời tài trợ, 35 lời mời làm việc và 25 giới thiệu cho thuê nhà[53].

 

Những điều đó cho thấy, các bộ phận của xã hội đã thể hiện một nền văn hóa chào đón trong khi lại ít thấy hơn ở Chính phủ Liên bang. Ngoài sự tương đồng với việc người Đức bị xua đuổi và mối đe dọa của cộng sản, cùng lúc còn có chương trình phát hình của Đức về loạt phim Mỹ “Holocaust” vào tháng 1 năm 1979 đã đóng một vai trò trong việc này. Những hình ảnh các nạn nhân đầy cảm xúc giúp đặt lại đề tài giải quyết vấn đề viện trợ đã một lần bị bỏ qua. Trên bình diện quốc tế, Holocaust bấy giờ đã trở thành một biện luận chính trị mang tính lịch sử trong việc giúp đỡ người tị nạn Đông Dương. Đã có những lời nói về “Người Do Thái ở phương Đông”, “Người Do Thái ở Châu Á”, “Tiêu diệt hoàn toàn”[54]. Một nữ sinh trung học 15 tuổi đã viết một lá thư cho chính phủ: “Sự khốn khổ của người tị nạn Việt Nam giống như Holocaust. […] Không ai mở miệng trong thời đại Hitler và nếu mở miệng, người đó đã bị giết bằng hơi ngạt. Không ai có thể giúp họ. Nhưng bây giờ người ta phải giúp đỡ”[55]. Các nghị viên CDU của “Văn phòng Việt Nam” chắc chắn đã sử dụng các số liệu phóng đại: “Ở yên, không làm gì khiến chúng ta đồng lõa với một Holocaust mới, bởi vì trong lúc này, ước tính 2.000 người mỗi ngày bị chết đuối”[56]. Hành động cho “thuyền nhân” xem như là sự đền bù cho những vụ giết người (bấy giờ được thảo luận đồng thời) Do Thái tại châu Âu trong chế độ Đức quốc xã. Đặc biệt là ở Pháp, cũng có nhiều người sống sót sau thảm sát Holocaust, cũng đang hoạt động cho người tị nạn. Nhà hoạt động hàng đầu Bernard Kouchner, xuất thân từ một gia đình người Do Thái gốc Đức và Joelle Eisenberg, một phụ nữ Do Thái đã trốn thoát Đức quốc xã, đã giúp đỡ ở Việt Nam với tư cách là một bác sĩ[57].

 

 

Tạp chí “Der Spiegel” đòi hỏi sự giúp đỡ quyết liệt hơn cho người tị nạn Việt Nam: “Họ không có đất để đến nữa” (từ: Spiegel, 25.6.1979, S. 116 [Foto], S. 124 [Zitat])

 

3. “Cap Anamur” và Hoạt động Xã hội Đòan kết-Việt Nam

 

Sự giúp đỡ cho “thuyền nhân”, theo một nghĩa nào đó, là một sự đảo ngược của tình đoàn kết Việt Nam theo tả phái trong thập niên 1960. Các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, như chúng ta biết, đã chính trị hóa phong trào sinh viên và thiết lập tình đoàn kết với các nạn nhân của chiến tranh do Hoa Kỳ dẫn dắt, vượt xa phong trào “68”. Tuy nhiên, với chiến thắng của miền Bắc Cộng sản, sự quan tâm của cánh tả dành cho Việt Nam đã giảm khi giấc mơ của cuộc cách mạng tan tành trước thực tế của một nhà nước đậm dấu ấn tham nhũng, trại tù và nghèo đói. Làn sóng người tị nạn buộc cánh tả phải đối đầu với một Việt Nam thực sự. Những người đứng đầu phong trào phản chiến của Hoa Kỳ đã có những phản ứng khác nhau: Một bức thư ngỏ của nữ ca sĩ Joan Baez đã tố cáo các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam do vấn đề người tị nạn, đã không được nhiều “đồng chí” một thời của bà hưởng ứng, và Jane Fonda còn lên án Joan Baez là người của CIA[58]. Ngược lại, đã có sự tham gia rộng rãi ở Pháp, nơi nhiều trí thức như Michel Foucault và Jean-Paul Sartre cũng như những người cánh tả như Daniel Cohn-Bendit và André Glucksmann ủng hộ các biện pháp cứu trợ dựa theo các bức ảnh của “Hải Hồng”[59]. Cùng với một vài chính trị gia riêng lẻ, họ ủng hộ ủy ban “Un bateau pour le Vietnam” (một con tàu cho Vietnam), ra khơi để cứu người tị nạn và lo lắng săn sóc với các bác sĩ tình nguyện. Chỉ có duy nhất đảng Cộng sản tránh không tham gia.

 

Sáng kiến quan trọng nhất của Đức là do nhà báo Rupert Neudeck, biên tập viên của đài phát thanh Cologne, lập nên hội “Một con tàu cho Việt Nam” (A ship for Vietnam), là một bản sao trực tiếp từ chiến dịch hành động của Pháp và thực sự được coi là một dự án châu Âu. Neudeck cũng thành công trong việc thu nhận được vô số khoản quyên góp nhỏ và sự hỗ trợ rộng rãi trong quần chúng để thuê một con tàu vận tải lớn rồi cải biến phù hợp để ra khơi cứu giúp người tị nạn. Đây là con tàu Cap Anamur nổi tiếng. Cho đến năm 1982, “Cap Anamur” đã cứu được 9.507 “thuyền nhân” trên biển, đa số những người này sau đó được đưa vào Cộng hòa Liên bang. Hơn 888 người đã được cứu vào năm 1986 (với con tàu kế tiếp “Cap Anamur II”[60]. Khoảng 35.000 người cũng được các bác sĩ và y tá tình nguyện chăm sóc y tế trên tàu.

 

Đáng kể, Neudeck (1939-2016) không xuất thân từ phong trào “68” [Phong trào sinh viên Tây Đức vào những năm 1960 là một phong trào chính trị xã hội cánh tả ở Cộng hòa Liên bang Đức và Tây Berlin. Nó được phát triển song song với các cuộc biểu tình của sinh viên ở Mỹ và Tây Âu – Chú thích của người dịch]. Bị gián đoạn việc học vào những năm cuối thập niên 1950 và nhận bằng tiến sĩ Triết học năm 1972 với luận án “Đạo đức chính trị với Jean-Paul Sartre và Albert Camus”, ông không hoạt động trong phong trào chống chiến tranh hoặc các nhóm chính trị hoạt động tích cực. Thay vào đó, ông là một nhà báo đậm phong cách Công giáo, bị xúc động mạnh với những hình ảnh truyền thông về những người tị nạn chết trên biển. Thực tế là bản thân ông đã phải chạy trốn cùng gia đình từ Danzig khi mới 6 tuổi và suýt nữa thì đắm mình theo chiếc tàu “Wilhelm Gustloff” [Tàu Wilhelm Gustloff là một tàu du lịch của tổ chức Quốc xã Đức “Kraft durch Freude”, được sử dụng trong đệ nhị thế chiến như một con tàu bệnh viện, vận chuyển quân đội và nơi trú ngụ của Hải quân Đức quốc xã. Tàu bị tàu ngầm Liên Xô S-13 dùng thủy lôi bắn chìm ngoài khơi bờ biển Pommern – Chú thích của người dịch], những điều đó đã thúc đẩy ông quyết định tham gia tích cực vào các vấn đề tị nạn[61].

 

Sự đoàn kết qua “Một con tàu cho Việt Nam” có khác biệt rõ rệt với các nhóm cánh tả “Thế giới thứ ba” thời bấy giờ. Đầu tiên, nó có một nền tảng phi đảng phái. Trong số những người ủng hộ gây hiệu quả truyền thông không chỉ có nhiều trí thức cánh tả như Heinrich Böll, Alfred Biolek, Dieter Hildebrandt hay Rudi Dutschke, mà còn cả các chính trị gia và nhà báo Dân chủ Thiên chúa giáo như Norbert Blüm, Richard Stücklen, Franz Alt. Ngay cả cũng không có một sự cách biệt rõ ràng với chính trị truyền thống. Thay vào đó, điểm nỗi bật là sự bỏ qua những hậu ý chính trị mà chỉ dành cho “tình nhân loại triệt để” (radikalen Humanität – Neudeck), nhằm thúc đẩy hành động để cứu giúp cuộc sống của con người[62].

 

Thứ hai, “Một con tàu cho Việt Nam” là một tổ chức với bộ máy điều hành “gọn nhẹ”. Nó không dựa trên các nhóm cơ bản trong các thành phố đại học, cũng không có một bộ máy chuyên nghiệp như Greenpeace. Nó chỉ hành động trong phòng khách của cặp vợ chồng Neudeck trong một ngôi nhà dãy tại Troisdorf gần Cologne / Bonn. Neudeck thường một mình nhanh chóng đưa ra quyết định, do đó chớm nảy sinh bất đồng với các bộ phận trong hội đồng quản trị. Neudeck thường có khuynh hướng chống lại hệ thống quan liêu, nên đã đi quá xa đến mức ông chỉ lên kế hoạch hành động một mình (một cách tự nguyện) ngay cả sau giờ làm việc, một mình tranh cãi với các chính trị gia hoặc khi tuyển chọn bác sĩ[63].

 

Thứ ba, tổ chức từ thiện nhỏ này đã neo sâu rộng trong xã hội. Nó sử dụng các phương tiện truyền thông của nền văn hóa đại chúng cho mục đích của mình và qua đó thúc đẩy được sự tham gia của quần chúng. Như, những quả bóng đá với chữ ký của các cầu thủ của tất cả các hội bóng chuyên nghiệp hạng Liên bang được bán đấu giá lấy tiền cho “Cap Anamur”. Các nhạc sĩ như Udo Jürgens đã tổ chức các buổi hòa nhạc cho “Cap Anamur” trên truyền hình, gánh xiếc Roncalli cho trẻ em tị nạn người Việt Nam lên hát, và hãng nhạc EMI [từng một thời là một trong bốn Major-Labels lớn nhất thế giới. Từ 2011 phần lớn các bộ phận của EMI được Universal Music Group mua lại – Chú thích của người dịch] đã phát hành một đĩa nhạc với các sao nhạc pop của Đức như Heino, Roy Black và Howard Carpendale, mỗi đĩa nhạc bán ra được dành 2DM cho “Cap Anamur”. Các hành động vì thế gieo sâu rộng rãi trong xã hội tiêu dùng rộng lớn hơn so với các nhóm Thế giới thứ ba ngồi ngập ngụa trong các căn phòng đầy khói thuốc. Do đó, họ đã đại diện cho một xu hướng đang nổi lên, cùng lúc với phong trào chống chế độ phân biệt chủng tộc (Apartheid) của phương Tây[65].

 

 

Trợ giúp người tị nạn và văn hóa đại chúng: Đĩa nhạc từ thiện “Schlager Rendezvous”

 

Thứ tư, hợp tác chặt chẽ với các phương tiện thông tin đại chúng là rất quan trọng cho sự thành công của “Cap Anamur. Bác sĩ cứu khẩn Đức e.V.” (Cap Anamur. Deutsche Not-Ärzte e.V.), tên hiệp hội mới, được nhanh chóng đổi tên từ “Một con tàu cho Việt Nam” (Ein Schiff für Vietnam). Là một nhà báo, Neudeck biết cách sử dụng các phương tiện truyền thông thật logic. Ngay từ cuộc họp báo đầu tiên, ông đã tổ chức cùng với Heinrich Böll, để tạo sự chú ý. Các nhà báo đã có mặt trên hầu hết các chuyến tàu “Cap Anamur” đi cứu nạn, và các bác sĩ tình nguyện trên tàu cũng đã báo cáo về cho những tờ báo địa phương của họ. Những người tị nạn được cứu mặc áo phông (T-shirt) với hàng chữ “Cap Anamur”, như một hình ảnh chứng minh cho các nhà tài trợ[66].

 

Bước đột phá về sự quyên góp là do chương trình truyền hình tạp chí “Report” trên đài ARD của Franz Alt vào ngày 24 tháng 7 năm 1979: Sau khi một phóng sự thật chi tiết về hoạt động còn khá xa lạ của “Một con tàu cho Việt Nam”, ông đã đưa ra – dù chưa có sự chấp thuận trước đó của vị giám đốc chương trình – một tài khoản quyên góp. Chỉ trong một thời gian ngắn, tài khoản nhận được khoảng 2,2 triệu DM, để lần đầu tiên con tàu được ra khơi hoạt động[67]. Ngoài ra, trong những năm tiếp theo, Franz Alt vẫn là một nhà quảng bá công cộng quan trọng, ví dụ như với các bài báo và quyên góp trên tờ báo “BILD”. Các nhà xuất bản báo chí như Gruner + Jahr hoặc Springer (trong “Hörzu”) cũng đồng ý cung cấp quảng cáo miễn phí trong một khoảng thời gian dài. Ở đó, có bửc ảnh của một đứa bé gây xúc động: “Cứ mỗi phút, một người tị nạn từ Việt Nam bị chết. […] Hàng trăm ngàn trẻ em, phụ nữ và nam giới đã bị chết đuối hoặc bị chết đói”[68]Vào đầu tháng 11 năm 1979, tổ chức từ thiện nhận được một số tiền lớn bất ngờ 6,8 triệu DM[69]. “Phước tiền” (Geldsegen) làm cho các hoạt động cứu trợ của “Cap Anamur” được kéo dài hơn. Từ năm 1980, hiệp hội cũng đã giúp đỡ các khu vực khác ở Châu Á và Châu Phi – và đến ngày nay giúp trong các khu vực khủng hoảng, do khủng bố, trốn chạy và nạn đói gây nên.

 

Các hoạt động cứu nạn này đã gây tranh cãi trong môi trường cánh tả. Một vài trí thức cánh tả từng phản đối hành động của Mỹ ở Việt Nam, đã bác bỏ. Nhà văn Peter Weiss kịch liệt phản đối về “sự phỉ báng dành cho chính phủ Việt Nam” và biện minh cho tình trạng tại đó bằng cách nói: “Để bảo vệ cuộc sống của 50 triệu người, hàng chục ngàn người gây nguy hiểm cho quốc gia phải bị giam giữ”[70]Ngay cả nhà thần học Helmut Gollwitzer, người đã tham gia chống chiến tranh Việt Nam, tương đối hóa tình hình và cho rằng đó là cuộc chạy trốn “của giới thượng lưu và thương nhân người Hoa”[71]Trong khi tờ “taz” ủng hộ hoạt động của “Cap Anamur”, thì tạp chí cánh tả “konkret” đã lên tiếng: “Nhiều người trong số các thuyền nhân là những kẻ buôn lậu, ma cô và cộng tác viên của Mỹ lấy tiền mua vé để đổi lấy bến bờ mới”[72]konkret” dùng đúng gần như từng chữ, theo kiểu SED [Sozialistische Einheitspartei Deutschlands – Đảng Xã hội Thống nhất Đức hay nói ngắn gọn theo cách người Việt là Đảng Cộng Sản Đông Đức – Chú thích của người dịch] đã sử dụng trên tờ “Neuen Deutschland“[73]. Heinrich Böll, người hoạt động cho người tị nạn, với ý nghĩa hoạt động nhân đạo vượt trên đảng phái, phản bác điều này, cho rằng: “Tôi cũng sẽ cứu một tên ma cô bị chết đuối. […] Thậm chí tôi cũng có thể kéo Eichmann, tên giết người hàng loạt lên khỏi mặt nước”[74]. [Otto Adolf Eichmann từng là sỹ quan mật vụ SS – Đức quốc xã, kẻ cùng chịu trách nhiệm cho 6 triệu người bị giết chết trên toàn Âu châu – Chú thích của người dịch]

 

Đồng thời, các hoạt động cứu nạn này cũng khác biệt rõ ràng với các hoạt động của các tổ chức cứu trợ đã vững vàng như Hội Hồng Thập Tự Đức (DRC). Vì vậy đã dẫn đến các chạm trán lớn. Một mặt, DRC đã chống lại các hội nhỏ được thành lập một cách tự phát như “Tàu cho Việt Nam”, được đặc trưng bởi “các hoạt động không đủ tiêu chuẩn”, “báo cáo không rõ ràng” và “thiếu sẵn sàng phối hợp” và thậm chí đồng chịu trách nhiệm về dòng người tị nạn, theo lời chủ tịch của DRC[75]. Ngược lại, Neudeck cho rằng, DRK là một “tổ chức tham lam và quan liêu”, mặc dù được sự ủng hộ mạnh của chính phủ nhưng lại không tham gia vào bất kỳ nỗ lực cứu nạn thực sự nào[76]. Bởi vì con tàu “Flora” của DRK do nhà nước tài trợ, cũng đang hoạt động ở Biển Đông nhưng tự giới hạn trong các chuyến đi cung cấp lương thực và trợ giúp y tế theo chọn lọc. “Cap Anamur” ngược lại, đã giải cứu một cách có hệ thống những người tị nạn trên mặt biển, đôi khi thậm chí tìm kiếm họ bằng trực thăng.

 

Cap Anamur đã hành động mà không có sự trợ giúp của chính phủ và hợp pháp hóa hoạt động của họ với sứ mệnh của nhà tài trợ. Tuy nhiên, họ cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính phủ qua việc thu nhận và cấp nhập cảnh cho người tị nạn. Lúc đầu, mối quan hệ của họ với bộ máy quan liêu của chính phủ vẫn còn mang tính hợp tác, sau đó ngày càng đối đầu với nhau. Khi “Cap Anamur” ra khơi dưới lá cờ Liên bang Đức, Cộng hòa Liên bang, trên nguyên tắc có nghĩa vụ phải chấp nhận những người tị nạn bị đắm tàu được “Cap Anamur” vớt. Tương ứng, “Cap Anamur” phải liên tục gửi báo cáo cho Bộ Ngoại giao về con số người trên tàu sẽ bay tới Cộng hòa Liên bang. Neudeck đã phát động chiến dịch cứu trợ của mình mà không có bất kỳ kiến ​​thức nào trước đó và tỏ ra khá thực dụng khi lách tránh các quy tắc quan liêu. Ngay khi tàu khởi hành từ Nhật Bản, ông đã phá vỡ các quy định pháp lý để rồi bị giữ lại tại Singapore[77]. Ngoài ra, các khiếu nại từ các nước láng giềng chồng chất trong các Tòa đại sứ. Singapore và Malaysia cuối cùng đã từ chối cấp giấy phép cho Cap Anamur cập cảng và đổ lỗi cho tàu cứu nạn tạo cho ngày càng nhiều người chạy trốn khỏi Việt Nam. Điều này, và đặc biệt là một chuyến chở gạo cứu trợ được Cap Anamur tài trợ đến Việt Nam, dẫn đến căng thẳng ngoại giao, khi các nước láng giềng ASEAN đánh giá các hành động này là sự giúp đỡ chính thức của Tây Đức cho Việt Nam[78].

 

Bộ Ngoại giao (AA) đã có nhiều cuộc đàm đạo căng thẳng với Neudeck[79]. Tuy nhiên, đầu tiên, một khi có sự trợ giúp của AA , người tị nạn mới được tiếp nhận, đặc biệt là Genscher (Bộ trưởng ngoại giao) từ lâu đã đồng tình với “Cap Anamur” – có lẽ vì sợ phản ứng tiêu cựu của báo chí. AA quy định các thủ tục và các chuyến bay đưa “Thuyền nhân” vào Đức và trong gần ba năm đã gia tăng dần dần số chổ dành cho người tị nạn trên các tỉnh, thành phố. Dù căng thẳng nhưng người ta có thể nói về một sự kết hợp trợ giúp giữa hệ thống hành chánh quan liêu và sự tham gia của xã hội công dân.

 

4. Từ trại đến thu nhận: Con đường chạy trốn và con đường hợp pháp

 

Chính phủ liên bang Xã hội Tự do đã được nhiều bên thúc đẩy để tăng dần hạn ngạch nhận người tị nạn Đông Dương – từ các nhóm truyền thông và các TCDS, từ đối lập chính trị và liên minh quốc tế bạn. Việc một người tị nạn từ Việt Nam được đến Cộng hòa Liên bang hay không, phụ thuộc vào các quy tắc hành chánh quan liêu (bürokratischen Regel), quyết định của từng giới chức chịu trách nhiệm (Akteur) và sự ngẫu nhiên (Zufällen). Tại Việt Nam, gần như tất cả những người tị nạn đã trả khoảng 3.000 đô la cho người tổ chức giúp chạy trốn (Fluchthelfer) và các quan chức tham nhũng để được đưa đến các trại chuyển tiếp đầy ắp người ở các quốc gia láng giềng[80]. Việc trốn thoát đến đó có vô số rủi ro. Có bao nhiêu người chết đuối trên đượng vượt biển đến nay vẫn còn không rõ ràng; một số nghiên cứu nhắc đến con số có sáu chữ số, thực tế con số ít nhất là năm chữ số[81]. Ngày càng có nhiều thuyền bị cướp biển tấn công, phụ nữ bị hãm hiếp. Trong trường hợp chống lại thường bị chúng giết chết. Khi những người tị nạn đến được các trại, hành trình để đi tiếp đến một quốc gia nhất định nào đó, khi đó có thể lèo lái được một khi họ có thể chứng minh có người thân đang ở đó hoặc khi còn ở Việt Nam họ đã từng làm việc cho đất nước này. Điều này đúng trong nhiều trường hợp đối với Mỹ và Pháp, nhưng ban đầu hầu như không dành cho Cộng hòa Liên bang. Còn nếu không, họ phải đợi những hạn ngạch thu nhận người được các nước phân phối. Một lần nữa, những người tị nạn chỉ có thể có một ảnh hưởng hạn chế trong việc lựa chọn quê hương mới của họ.

 

Thủ tục thu nhận người của Cộng hòa Liên bang đặc biệt phức tạp, vì lợi ích của Liên bang và các tiểu bang phải được phù hợp. Nếu một tàu Đức như “Cap Anamur” muốn cứu một số người tị nạn và chuyển họ đến Cộng hòa Liên bang, họ phải báo cáo điều này cho các Tòa đại sứ tương ứng của bộ Ngoại giao, sau đó bộ thông báo cho bộ Nội vụ Liên bang (BMI). Bộ này phải quay xuống hỏi các chính quyền tiểu bang để yêu cầu tăng hạn ngạch nhận người. Câu trả lời từ các tiểu bang cuối cùng được gửi trả lui đến bộ Nội vụ và đến bô Ngoại giao[82]. Sau đó, phải có sự chấp thuận của một số bộ liên bang có liên quan đến tài chính. Tất cả điều này có thể mất nhiều thời gian. Một giải pháp nên có, nói chung là tăng hạn ngạch cho người tị nạn từ Đông Dương để tránh những yêu cầu riêng lẻ như vậy. Tuy nhiên, chính phủ liên bang và phần lớn các tiểu bang đã không chấp nhận những đề nghị như vậy.

 

Ban đầu, Chính phủ Liên bang lập ba tiêu chí căn bản để thu nhận người: Đoàn tụ với người thân trong gia đình, đã có sẵn liên hệ với Cộng hòa Liên bang như từng làm việc cho Tòa đại sứ hoặc cho các công ty Đức và được cứu bằng tàu có cờ Đức[83]. Trong cả ba trường hợp, số người tị nạn rất khó dự toán. Vì lý do này, nhiều tiểu bang và chính phủ liên bang đã giữ lại một số hạn ngạch trong thời gian dài, dù đã hứa hẹn từ lâu, để có thể bổ sung chúng cho những trường hợp đoàn tụ gia đình. Do đó, vào tháng 9 năm 1979, khoảng một phần ba số chổ (4.500) đã không được sử dụng, hai năm sau, hơn 2.000 trong số 28.129 chổ hạn ngạch đã bị bỏ trống[84]. Số lượng chổ hạn ngạch được tăng lên nhờ vào tàu Cap Anamur cứu cấp và do các báo cáo từ các phương tiện truyền thông về các trại tị nạn ngập đầy người.

 

Tương tự khó dự toán trước là với những con tàu bị đắm. Luật hàng hải quốc tế đã mở một cửa ải cho việc tiếp nhận thuyền nhân vào Cộng hòa Liên bang. Vì một thuyền trưởng có nghĩa vụ phải cứu, chăm sóc và đưa người bị nạn vào nơi trú ẩn an toàn gần nhất một khi tính mạng của họ bị đe dọa nguy hiểm trên biển. Mặc dù điều này không dẫn đến quyền được thu nhận vào quốc gia chủ sở hữu của tàu cứu nạn, nhưng về mặt đạo đức có vẻ khó hợp lý để một chiếc tàu Đức đã cứu người lại quay trở lại giao họ cho Việt Nam, nơi họ bị đe dọa trừng phạt. Khi các nước láng giềng ngày càng từ chối tiếp nhận người và trên những chiếc tàu vận chuyển hàng hóa có người tị nạn phải cần thời gian di chuyển dài hơn nên nẩy sinh chi phí lớn, làm họ không muốn cứu người bị nạn nữa. Chính phủ Liên bang thừa nhận vào cuối mùa hè năm 1978, sẵn sàng thu nhận người tị nạn được tàu treo cờ Đức cứu, nếu không có quốc gia nào khác đồng ý tiếp nhận. Điều này đã được tái khẳng định tại Hội nghị tị nạn Geneva vào tháng 7 năm 1979 và các nước công nghiệp phương Tây khác cũng khẳng định cách tiếp nhận này.[85]. Tuy nhiên, trên các tàu Đức mang cờ của các quốc gia khác như Panama (để tiết kiệm tiền lương và thuế), việc thu nhận phải được điều đình riêng lẻ.

 

Cũng phức tạp là sự phân phối những người tị nạn được tàu Đức cứu. Thông thường, họ thích đến Mỹ hoặc Pháp, nơi người thân của họ sinh sống, rào cản ngôn ngữ thấp hơn và một cộng đồng người Việt đã tồn tại tại đó. Trên tàu và trong các trại, các thông dịch viên phải thương lượng những ai muốn hoặc được phép di cư sang nước nào. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn, khi các nước láng giềng ở châu Á ngày càng đòi hỏi phải có xác nhận chắc chắn rằng, Cộng hòa Liên bang hoặc một quốc gia khác sẽ thực sự nhận người tị nạn, trước khi họ được phép rời tàu để vào các trại chuyển tiếp của họ. Những câu hỏi phức tạp như vậy chỉ có thể được giải quyết với sự hỗ trợ của các Tòa Đại sứ Đức tại chỗ.

 

Câu hỏi về việc người tị nạn gặp hiểm nguy khẩn cấp trên biển thực sự hay không, rất khó trả lời và quyết định là do thuyền trưởng. Thường thì những chiếc thuyền vẫn còn chạy được và sự hiểm nguy khẩn trên biển có thể dự đoán được hơn là cấp tính (akut). Ở đây, những người tị nạn cũng có thể ảnh hưởng tích cực đến sự tiếp nhận của họ: họ vẫy cờ với chữ SOS và một số tàu Đức báo cáo rằng những người tị nạn đã tự đánh chìm thuyền của họ bên cạnh tàu để buộc phải được cứu. Những người khác báo cáo rằng họ đã kéo một chiếc thuyền hai lần, nhưng họ vẫn liên tục chạy đến một giàn khoan dầu của Đức ngoài khơi Việt Nam, chỉ để được “cứu”[86]. Ngoài ra, cuộc cứu người tị nạn cũng xảy ra xung đột với lực lượng an ninh Việt Nam: Khi hai tàu Đức “Nordertor” và “Alexanderturm” vào tháng 7 năm 1979 kéo một chiếc thuyền vượt biển đến Singapore, họ bị một tàu hải quân Việt Nam bắn trước mũi tàu, để đòi hoàn giao con thuyền của người vượt biên mặc dù tàu nằm ngoài hải phận Việt Nam[87]. Tất cả điều này có nghĩa là việc giải cứu người tị nạn được nhiều thuyền trưởng cảm thấy như một gánh nặng và từ đó xảy ra cáo buộc, những chiếc thuyền vượt biên bị các tàu buôn làm ngơ một cách có hệ thống.

 

Những người tị nạn có lời hứa chấp nhận được nhận vào một nước thứ ba sau khi được cứu, được gửi đến các trại chuyển tiếp thuộc thẩm quyền của quốc gia này và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Tại đây, họ được phép ở lại ba tháng đến khi rời khỏi đất nước, đôi khi sáu tháng đến khi nước thứ ba đưa họ về nước. Vì thời gian tạm trú ngày càng kéo dài hơn, điều này dẫn đến xung đột giữa các quốc gia chuyển tiếp và các Tòa đại sứ Đức[88]. Trong khi Hoa Kỳ và Pháp đưa người tị nạn ra khỏi các trại để đưa về nước một cách có hệ thống, Cộng hòa Liên bang lại thường nhận người được cứu trên biển, điều này hợp pháp hóa việc nhập cảnh của họ. Tính theo con số tuyệt đối, Cộng hòa Liên bang thu nhận nhiều người tị nạn Đông Dương hơn các nước châu Âu khác; tuy nhiên, so về dân số, các nước láng giềng nhỏ như Bỉ và Hà Lan đã thu nhận nhiều người hơn.

 

Việc lựa chọn những người tị nạn từ các trại vào năm 1979 xảy ra từng bước. Một số tiểu bang ban đầu muốn tự mình chọn “người tị nạn” và bày tỏ mong muốn về trình độ giáo dục và tuổi tác[89]. Cuối cùng, họ chấp nhận rằng các đại diện của các Tòa đại sứ và các tổ chức viện trợ của Đức, một mặt phần lớn nhắm đến đến những người tị nạn được đào tạo kém nhưng ở trong trại lâu hơn và mặt khác là những người được đào tạo nghề tốt[90]. Nói chung, vào năm 1979, nguyên tắc chọn người tị nạn: nhắm đến độ tuổi, trình độ học vấn và thời gian chờ đợi, để nhằm cải thiện cơ hội hội nhập về sau. Để chăm sóc cho người tị nạn trong các trung tâm tiếp nhận, Cộng hòa Liên bang đã tăng đáng kể quỹ cứu trợ nhân đạo ở nước ngoài vào năm 1979: tổng cộng từ 23 triệu DM lên 64 triệu DM. Phần lớn nhất của quỹ cứu trợ dành cho các tổ chức quốc tế như Hội Hồng Thập Tự và Tổ chức cứu đói thế giới (Welthungerhilfe), Ủy viên Tị nạn LHQ (UN-Flüchtlingskommissar)Diakonische Werk của Hội Thánh Tin Lành và Hiệp hội Caritas của Công giáo[91]. Qua đó cho thấy, chính sách này chỉ nhắm vào các tổ chức lớn, trong khi các sáng kiến tổ chức xã hội nhỏ hơn như “Cap Anamur” không nhận được sự hỗ trợ nào.

 

Những chuyến chuyển người tị nạn sang Đức được Chính phủ Liên bang tổ chức và tài trợ. Bộ Ngoại giao lo các thủ tục nhập cư và các chuyến bay. Ban đầu, một số chính trị gia đã bay cùng các nhóm người tị nạn hoặc đón họ tại sân bay để cùng hòa mình trên “sân khấu” (Szenen). Sau khi đến, những người tị nạn được đưa đến các trại chuyển tiếp như Friedland ở Niedersachsen hoặc Bergkamen ở Nordrhine-Westfalen, ở đây họ được các tổ chức từ thiện chăm sóc. Việc chuyển tiếp đến nơi cư trú về sau diễn ra có nhắm đến các mối liên hệ gia đình của họ ở Cộng hòa Liên bang[92]. Khi họ được nhận vào các thành phố địa phương, các phòng sở xã hội (Sozialamt) chịu gánh nặng lo tìm nhà ở và trang thiết bị trong nhà, đây là những thứ mà phòng xã hội thường rất thành công trong việc thu hút quyên góp (từ người dân địa phương).

 

Ở đây cũng cho thấy, sự hợp tác giữa bộ máy hành chánh (quan liêu – Bürokratie) và sự tham gia của cộng đồng xã hội mang tính quyết định. Một ví dụ: Tại Westerstede ở phía tây bắc bang Niedersachsen muốn nhận 20 đến 30 người Việt Nam. Tuy nhiên, vì thành phố chỉ được chính phủ tiểu bang trả tiền cho một thông dịch viên khi có 50 người Việt trở lên, do đó họ đã tăng tương ứng số người Việt được thu nhận. Trưởng phòng xã hội sau đó đã tổ chức quyên góp cùng với người dân địa phương, hiện vật quyên góp được nhiều không kể xiết và người tị nạn được giúp đỡ để ổn định cuộc sống hàng ngày: “Các bà nội trợ giúp đỡ những phụ nữ làm quen với những vật dụng thật xa lạ đối với những người đến từ vùng Viễn Đông – Treo móc màng cửa”, một nữ nhà báo đã từng quan sát kể lại[93]. Mỗi gia đình Việt Nam ở bang Niedersachsen được thành phố phát một khoản tiền 1.000 DM (chỉ một lần đầu) và 1.200 DM hàng tháng, theo đó tiền thuê nhà đã được khấu trừ. Những người tị nạn được phép đi làm việc chỉ sau nửa năm. Đồng thời, tất cả các bang mở ngay lập tức các khóa học ngôn ngữ toàn diện, bắt buộc. Qua đó, Cộng hòa Liên bang Đức đã thúc đẩy sự hội nhập của người tị nạn Đông Dương nhiều hơn các quốc gia khác.

 

Các chi phí nảy sinh cho hội nhập ngôn ngữ và xã hội là rất đáng kể. Chỉ riêng việc mở rộng các khóa học ngôn ngữ cho 13.000 người tị nạn Đông Dương, riêng năm 1979, ước tính từ 176 đến 200 triệu DM, tiếp sau là gần 30 triệu DM mỗi năm[94]. Tính ra, chi phí hội nhập là khoảng 15.000 DM cho mỗi người tị nạn trong năm đầu tiên, ở mức 2.300 DM trong những năm tiếp theo. Trong trường hợp tăng hạn ngạch nhận người, khi đó các bộ của liên bang đã phải xuất thêm một số tiền lớn hơn. Đầu năm 1981, họ tính toán rằng sẽ có thêm 5.000 người tị nạn với chi phí 100 triệu DM, trong đó 5 triệu DM cho vận chuyển, 68 triệu DM cho hỗ trợ học tiếng, 25 triệu DM cho giúp đỡ hội nhập và 1 triệu DM cho khoản vay sinh viên đi học (Bafög)[95]. Điều này cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù có nhiều lo ngại, Chính phủ Liên bang ủng hộ mạnh mẽ sự hội nhập của người Việt Nam. Trái ngược với sự tiếp nhận tạm thời của những người di cư khác, như trường hợp của các “thợ khách”, vì mọi người cho rằng, người tị nạn Đông Dương sẽ ở lại vĩnh viễn.

 

Để nhận được các lợi ích xã hội đầy đủ, những người tị nạn Đông Dương đầu tiên phải làm thủ tục xin tị nạn, mặc dù điều này thực sự không cần thiết trong khuôn khổ thu nhận hạn ngạch (Kontingentaufnahme). Tuy nhiên, thuật ngữ “người tị nạn hạn ngạch” (Kontingentflüchtling) không phải là một tình trạng pháp lý rõ ràng cho chính quyền. Do đó, vào ngày 29 tháng 8 năm 1979, Nội các Liên bang đã thông qua “Chương trình của Chính phủ Liên bang dành cho người tị nạn nước ngoài” để hợp nhất họ với những người xin tị nạn được công nhận (anerkannten Asylbewerber). “Thuyền nhân” đã được cấp giấy phép lao động tạm thời trong năm năm, rồi có thể được gia hạn và sau tám năm trở nên vĩnh viễn. Họ cũng nhận được Bafög, giúp hội nhập vào cuộc sống nghề nghiệp cũng như các biện pháp hỗ trợ và cố vấn xã hội[96]. Bộ Nội vụ Liên bang lập luận rằng “bất cứ ai là người tị nạn hạn ngạch, đó là một quyết định chính trị của Liên bang và các tiểu bang. Trong những điều kiện nhất định, người dân từ các khu vực xung đột được thu nhận như là người tị nạn hạn ngạch”[97]. Điều này nhấn mạnh rằng những người tị nạn từ Đông Dương được ưu đãi so với những người xin tị nạn khác.

 

5. Giới hạn của sự sẵn sàng thu nhận

 

 

 

 

Trang bìa tạp chí SPIEGEL 25/1980.
trang 32 ghi rằng (S. 32):
“Tây Đức bị một làn sóng người ngoại quốc tràn ngập, phải cần có các trại tập trung cho những người xin tị nạn hoặc thậm chí cần đến các thẩm phán biên phòng để giải quyết ngắn gọn? Việc lạm dụng các điều khoản tị nạn đã thúc đẩy cuộc tranh luận về ảnh hưởng xấu của người nước ngoài và đe dọa một bảo đảm hiến pháp, là một trong những điều tốt nhất của hệ thống pháp luật của Đức.

 

Cuối năm 1980, sau gần hai năm, tình đoàn kết sâu rộng ban đầu với người tị nạn Việt Nam bắt đầu nghiên ngã. Điều này được thấy không chỉ qua các triệu chứng mệt mỏi thông thường xảy ra với các hoạt động cứu trợ.Trong khi một số người tiếp tục cứu người khỏi những chiếc thuyền đầy ắp người, thì lại có những người khác giờ đã phát hiện ra một lời hùng biện “Chiếc thuyền đã đầy” (Das Boot ist voll) [Lập luận chống người ngoại quốc này cũng tương tự như lập luận của Donald Trump, Tổng thống Mỹ hiện nay khi ông ta cho rằng, ‘nước Mỹ hiện nay đã đầy rồi’ – Chú thích của người dịch]. Điều này ban đầu là do số lượng người xin tị nạn tăng lên nhanh vào năm 1980 và được tiếp sức qua những cuộc tranh luận về ảnh hưởng xấu của người nước ngoài (Überfremdung). Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp gia tăng trong quá trình khủng hoảng kinh tế vào năm 1980 đã dẫn đến tâm lý bài ngoại ngày càng tăng. Đặc biệt lần đầu tiên, CSU (Christlich-Soziale Union in Bayern – Đảng Xã hội – Thiên chúa giáo tại Bayern) đưa ra thuật ngữ “tị nạn kinh tế”. Ngoài ra, Cộng hòa Liên bang đã nhận thức được rằng mặc dù số “thợ khách” đã dừng vào năm 1973 nhưng số người di cư theo diện đoàn tụ gia đình đã tăng lên và sẽ còn kéo dài. Theo các cuộc khảo sát, trong một vài năm, người dân cho rằng, “người ngoại quốc” nên trở về quê hương[98]. Nhiều chính trị gia CDU ngày càng theo lý thuyết nam châm (Magnettheorie), theo đó sự trợ giúp tích cực, như giúp “Cap Anamur” hoạt động, làm tăng con số người tị nạn. Các phương tiện truyền thông thường xuyên đề cập rằng nhiều người Việt Nam đang chạy trốn vì lý do kinh tế, điều đó làm giảm tình đoàn kết[99]. Vào năm 1981, hầu hết tất cả các tiểu bang đã từ chối nhận thêm người tị nạn từ tàu “Cap Anamur” vì các trại chuyển tiếp của họ đã quá đầy với những người xin tị nạn.

So với “thợ khách” người Thổ Nhĩ Kỳ, người Việt Nam chỉ là một nhóm nhỏ, nhưng sự thu nhận họ được quảng bá mạnh trên phương tiện truyền thông đại chúng. Tương ứng, họ gặp phải sự thù ghét của nhóm “Cánh hữu mới” (Neuen Rechten), được hình thành từ trong các nhóm thể thao quân sự và mạng lưới chính trị[100]. Ngay trong năm 1980, hai người Việt Nam đã đến Tây Đức với “Cap Anamur” và “ZEIT” bị giết chết do nhóm cực hữu đốt nhà. Hai thủ phạm thuộc Tân Quốc Xã Đức “Nhóm hành động Đức” (Deutschen Aktionsgruppe), tổ chức này cũng đã thực hiện các cuộc tấn công vào một cuộc triển lãm về Auschwitz ở Esslingen, và tấn công nơi tạm trú của người Ethiopia ở Lörrach và một trại chuyển tiếp ở Zirndorf[101].

Trong chính phủ liên bang Xã hội Tự do, chiến lược về chính sách di cư kép đã thắng thế: Một mặt, chính phủ thúc đẩy sự hội nhập lâu dài của người ngoại quốc, mặt khác, quyết định trợ giúp những người di cư trở về lại quê hương và phân định rõ ràng để chống lại những người nhập cư mới. Trong Biên bản nội các ngày 11 tháng 11 năm 1981 ghi rằng: “Thủ tướng Liên bang [Schmidt] trong cuộc thảo luận chỉ ra rõ ràng rằng, Cộng hòa Liên bang Đức không và sẽ không phải là một quốc gia nhập cư. Giờ đây đã có một số khu vực tại các thành phố lớn có tỷ lệ người ngoại quốc từ 20% đến 30%. Điều này, cũng không phù hợp với lợi ích của mục đích hội nhập “[102]. Những quốc gia tiếp nhận tạm thời tại châu Á và các quốc gia thu nhận khác, như Cộng hòa Liên bang, đã đưa ra các quy định hạn chế khắc nghiệt hơn, do đó số người tị nạn đã giảm trong năm 1981/82, như bộ Ngoại giao hài lòng khẳng định[103]. Đồng thời, Cộng hòa Liên bang phải dung túng thêm những “người tị nạn nhân đạo” (De-facto-Flüchtling), những người đã bị từ chối quyền tị nạn nhưng không bị đưa trở lại khu vực khủng hoảng tại quê hương vì lý do nhân đạo[104].

Sự thay đổi tâm trạng (Stimmung) này cũng dẫn đến hậu quả đối với việc tiếp nhận người tị nạn Đông Dương. Vào ngày 5 tháng 6 năm 1981, Chính phủ Liên bang đã đồng ý với các Thủ tướng tiểu bang về các quy định để ngăn chặn việc thu nhận người tị nạn tiếp theo từ “Cap Anamur”[105]. Nội các Liên bang sau đó đã ban hành một quy định chung rằng, “từ ngày 15 tháng 6 năm 1981 cho đến khi có thông báo mới, chính phủ sẽ ngừng chấp nhận thu nhận người được vớt từ những con tàu treo cờ Đức có nhiệm vụ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn có hệ thống”[106]. Vào đầu tháng 3 năm 1982, các thủ tướng tiểu bang, cuối cùng cũng đã quyết định rằng những người tị nạn gặp nạn khẩn cấp trên biển sẽ chỉ được nhận nếu các bang đồng tình cung cấp một hạn ngạch nhận người tương ứng. Chỉ có duy nhất bang Niedersachsen vẫn bền chí với những cuộc thu nhận đặc biệt[107]. Ngoài ra, các Thủ tướng đã đồng ý vào tháng 10 năm 1981 tại Bad Kreuznach, không nhận thêm người tị nạn Đông Dương nào khác, ngoại trừ các cuộc đoàn tụ gia đình[108].

 

Khi “Cap Anamur” trở về tại cảng Hamburger, 27. Juli 1982(picture-alliance/Sven Simon)

 


Từ những quyết định này, sự thay đổi tâm trạng công chúng và các quỹ quyên góp ngày càng giảm sút dẫn đến sự kết thúc tạm thời các hoạt động của “Cap Anamur”. Vào ngày 11 tháng 6 năm 1982, Neudeck cuối cùng đã nói với chính phủ liên bang rằng ông sẽ dừng cuộc giải cứu trên biển và con tàu với 285 người tị nạn hiện diện trên tàu trở về lại Hamburg là chuyến cuối cùng. Mặc dù những người tị nạn này không còn được nhận

 

chổ theo hạn ngạch ở bất kỳ nơi nào, nhưng ít nhất ngay lập tức họ được hưởng quyền tị nạn – một lần nữa chính phủ lại sợ các báo cáo truyền thông tiêu cực[109]. Một lần nữa, bang Niedersachsen đã hào phóng chào đón “Thuyền nhân”, trong khi bang Bayern từ chối, nói rằng sau cuộc nổi dậy ở Hungary năm 1956 và CSSR (Tiệp Khắc) năm 1968, họ đã nhận 6.000 người nhiều hơn so với hạn ngạch được quy định trước[110]. Trên thực tế, Bayern hiện đang có 11.000 chổ theo hạn ngạch đề xuất.

 

Người ta không thể nói về sự thống nhất hoặc thậm chí là sự hỗ trợ lâu dài cho “Thuyền nhân” của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). Neudeck đã cố gắng trong những năm sau đó một cách vô vọng với chính phủ mới Tự do Thiên chúa giáo [Liên minh giữa CDU/CSU và FDP dưới sự điều khiển của Thủ tướng Helmut Kohl từ 1982 đến 1998. Ông là người giữ chức vụ Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Đức- chú thích của người dịch] để giành được sự ủng hộ cho những chiến dịch cứu nạn tiếp theo. Giống như Đảng Dân chủ Xã hội trước đây, chính phủ của Kohl đã đề cập đến gánh nặng lớn của người nước ngoài, người hồi hương (Aussiedler), người tị nạn từ CHDC Đức (DDR) và từ Đông Âu[111]. Chỉ có bang Niedersachsen dưới thời Ernst Albrecht cho thấy ông sẵn sàng thu nhận nhiều người tị nạn hơn, nhưng đã gặp phải sự chống đối của Bộ Nội vụ Liên bang[112]. Ngược lại, các phương tiện truyền thông từ lâu đã tìm thấy các đề tài khác. Khi một con tàu mới có tên “Cap Anamur II” được hạ thủy năm 1986 và cứu 888 người tị nạn ngoài Biển Đông trong khuôn khổ hợp tác giữa Đức và Pháp (xem ảnh bìa hình dưới), các nhà báo hầu như không còn quan tâm đến nữa. Một lần nữa, chính các bang Niedersachsen, Baden-Würtemberg và Nordrhine-Westfalen đã cung cấp vài trăm chổ trong khi Saarland dưới quyền của Oskar Lafontaine (SPD) chỉ cấp sáu chổ và bang Bayern không được một chổ[113]. Chế độ liên bang (Föderalismus) tạo cơ hội và cũng ngăn chặn sự thu nhận người tị nạn như nhau.

 

 

Tàu Cap Anamur II (Hình bìa của tạp chí “Zeithistorische Forschungen 2017”)

 

Rupert Neudeck và Ernst Albrecht từ lâu đã được tôn sùng như những anh hùng của người Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang và được ca ngợi trong các cuộc hội họp của “Thuyền nhân” cho đến khi họ qua đời như là những vị cha già đáng tôn thờ (Überväter). Bản thân những người tị nạn thường nói rất tích cực về sự họ được thu nhận vào Cộng hòa Liên bang[114]. So với những người di cư khác, người Việt hội nhập vào xã hội Đức rất tốt. Một nghiên cứu về người Việt ở Hamburg cho thấy, chẳng hạn, phần lớn họ có thể tự lo cho mình về tài chánh trong những năm thập niên 1990, rằng nhiều người đã có nhà riêng và nhận quốc tịch Đức[115]. Năm 2013, 64 phần trăm thiếu niên có nguồn gốc nhập cư Việt Nam học trung học Gymnasium (bao gồm cả con cái của các công nhân hợp đồng ở miền đông nước Đức), so với chỉ 42 phần trăm người Đức không có nguồn gốc di cư[116].

 

6. Tổng kết và viễn cảnh

 

Việc tiếp nhận người tị nạn Đông Dương vào cuối những năm 1970 thể hiện một sự thay đổi nhất định trong lịch sử di cư của Cộng hòa Liên bang Đức. Ở đây, có một tác dụng tích cực đến những người tị nạn ngoài châu Âu, những người được cho rằng họ sẽ ở lại đây vĩnh viễn. Sự tiếp nhận của những người tị nạn Đông Dương ban đầu được thúc đẩy từ sự đoàn kết trong quần chúng cũng như từ các nhà báo. Chính họ đã trở thành những diễn viên quyết định để đưa những người tị nạn đến Cộng hòa Liên bang. Hỗ trợ từ TCDS thúc đẩy các chính trị gia và bộ máy hành chánh quan liêu, trong một số trường hợp, chính họ đã chủ động đưa ra những sáng kiến giúp đỡ. Nỗi bật là những hoạt động vượt qua đảng phái, trên tất cả là các nhân vật dẫn dắt (Protagonist) có quan điểm bảo thủ nhân dân, cũng như khả năng hành động của từng người hoạt động là rất ấn tượng. Ký ức về việc người Đức bị trục xuất, lại thêm do loạt phim truyền hình “Holocaust” được chiếu đồng thời, đã thúc đẩy điều này. Sự đoàn kết tích cực với những người bị đàn áp vì chính trị không để bị thu hẹp trong các chính sách đạo đức của những người tự do và cánh tả. Thay vào đó, hoạt động đã thay đổi trong giai đoạn này: Thay vì cờ đỏ, nhiều người bây giờ trở nên thực tế đi theo biểu ngữ của Hội Hồng Thập Tự, và thay vì đọc những bài diễn thuyết của Kinh thánh-Mao (Lektüre der Mao-Bibel), những sự giúp đỡ cụ thể đã đạt được tầm quan trọng. Số lượng ngày càng tăng của những người phục vụ xã hội phi chính trị hoặc những người thi hành xong một “Năm xã hội tự nguyện” (Freiwilligen Sozialen Jahr) là phù hợp với điều này. Ngoài ra, “Cap Anamur” đã chứng tỏ là tiền thân quan trọng của những tổ chức phi chính phủ (NGOs) nhỏ trong thời đại Internet, được một số người tài trợ để hoạt động và giới thiệu những hoạt động tình nguyện ở nước ngoài. Bản thân hiệp hội của Neudeck đã từng tham dự tại nhiều khu vực khủng hoảng kể từ đầu những năm 1980, những nơi ít nhận được sự quan tâm của công chúng – và do đó ít được giúp đỡ hơn.

 

Việc tiếp nhận người Việt Nam cũng là một điều báo hiệu trước (Vorgeschmack) các dòng người nhập cư lớn của những người tị nạn từ các nước ngoài châu Âu, đạt cao điểm vào những năm đầu thập niên 1990, mở đầu trở lại với tấn công khủng bố, với luật tị nạn khó khăn và nỗ lực cứu trợ. Trong nhiều cách nhìn, việc đối xử với những người tị nạn từ Syria trong những năm gần đây gây lại ký ức về những “thuyền nhân” một thời. Khởi đầu vào những năm 2013/14, cũng với một làn sóng giúp đỡ của xã hội công dân và phương tiện truyền thông, với nhiều người Dân chủ Thiên chúa giáo. Như với những người tị nạn Đông Dương, người tị nạn Syria đã được đưa đến nơi an toàn bằng máy bay sau khi những hình ảnh ấn tượng được công bố, và hạn ngạch thu nhận dành cho họ cũng được tăng lên. Một lần nữa, 5.000 người tị nạn hạn ngạch Syria đầu tiên đến Hanover, bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich (CSU) đã chào đón họ[117]. Và cũng như trước đây với người Việt Nam, ban đầu người Syria được thu nhận nhiều hơn so với các sắc tộc khác, do qua truyền thông cho rằng người Syria là nạn nhân bị truy đuổi đáng tin cậy và họ được xem có kiến thức hơn và khả năng hội nhập cao hơn khi so sánh với người đến từ châu Phi. Theo làn sóng tinh thần đoàn kết đầu tiên kéo theo số lượng người xin tị nạn từ các nước khác tăng cao, dẫn đến định kiến ác cảm từ cánh hữu dân túy và chính sách di dân hạn chế. Một lần nữa, các thúc đẩy về thỏa thuận quốc tế để phân phối người tị nạn được đưa ra, nhưng sau đó lại thất bại. Cũng tương tự, trong những năm gần đây một lần nữa cho thấy cảnh người Đức chia rẻ trong việc đối phó với người lạ (Fremde), nhưng điều này cũng không thể giải quyết đơn giản với một kế hoạch-cánh tả-cánh hữu (Links-Rechts-Schemata).

 

Chú thích:

 

[1] Vgl. Claudia Olejniczak, Die Dritte-Welt-Bewegung in Deutschland. Konzeptionelle und organisatorische Strukturmerkmale einer neuen sozialen Bewegung, Wiesbaden 1999; Dorothee Weitbrecht, Aufbruch in die Dritte Welt. Der Internationalismus der Studentenbewegung von 1968 in der Bundesrepublik Deutschland, Göttingen 2012, S. 156-161.

 

[2] Den besten Überblick gibt bislang folgender kurzer Artikel: Julia Kleinschmidt, Die Aufnahme der ersten »boat people« in die Bundesrepublik, in: Deutschland Archiv Online, 26.11.2013, URL: <http://www.bpb.de/170611>. Knapp: Olaf Beuchling, Vietnamese Refugees in Western, Central, and Northern Europe since the 1970s: The Examples of France, Great Britain, and Germany, in: Klaus J. Bade u.a. (Hg.), The Encyclopedia of Migration and Minorities in Europe. From the 17th Century to the Present, Cambridge 2011, S. 730-734; ausführlicher: Court Robinson, Terms of Refuge. The Indochinese Exodus and the International Response, New York 1998; Nghia M. Vo, The Vietnamese Boat People, 1954 and 1975–1992, Jefferson 2006; zu Hongkong: Yuk Wah Chan (Hg.), The Chinese/Vietnamese Diaspora: Revisiting the Boat People, New York 2011.

 

[3] Vgl. etwa Ulrich Herbert, Geschichte der Ausländerpolitik in Deutschland. Saisonarbeiter, Zwangsarbeiter, Gastarbeiter, Flüchtlinge, München 2001; Jenny Pleinen, Die Migrationsregime Belgiens und der Bundesrepublik seit dem Zweiten Weltkrieg, Göttingen 2012.

 

[4] Vgl. Michael Vössing, Competition over Aid? The German Red Cross, the Committee Cap Anamur and the Rescue of Boat People in South East Asia, in: Johannes Paulmann (Hg.), Dilemmas of Humanitarian Aid in the Twentieth Century, Oxford 2016, S. 345-370; Patrick Merziger, The ›Radical Humanism‹ of ›Cap Anamur‹/›German Emergency Doctors‹ in the 1980s: a Turning Point for the Idea, Practice and Policy of Humanitarian Aid, in: European Review of History/Revue européenne d’histoire 23 (2016), S. 171-192.

 

[5] Vgl. dessen Selbstsicht: Rupert Neudeck, In uns allen steckt ein Flüchtling. Ein Vermächtnis, München 2016.

 

[6] Daten der Bundesregierung in: Deutscher Bundestag, Drucksache 8/4278, 20.6.1980, S. 1; Plenarprotokoll 8/217, 14.5.1980, S. 17474.

 

[7] Vgl. Patrice G. Poutrus, Zuflucht im Nachkriegsdeutschland. Politik und Praxis der Flüchtlingsaufnahme in Bundesrepublik und DDR von den späten 1940er bis zu den 1970er Jahren, in: Geschichte und Gesellschaft 35 (2009), S. 135-175.

 

[8] Auch mit Blick auf Chile: Jan Eckel, Die Ambivalenz des Guten. Menschenrechte in der internationalen Politik seit den 1940ern, Göttingen 2014, S. 592-644.

 

[9] Demarche Botschafter USA, 11.9.1975, in: Bundesarchiv/Koblenz (BA/K) B 136 16709; Vermerk Ref. 513, 26.9.1975.

 

[10] Aufstellung 7.5.1981, in: Politisches Archiv des Auswärtigen Amtes (PA AA) ZA Bd. 127380.

 

[11] Daten 1.12.1979, in: BA/K B 136 16709.

 

[12] Nestroy/AA an Bundesministerium der Finanzen, 11.3.1978, in: PA AA ZA Bd. 107397.

 

[13] Vgl. etwa Gespräch EG/ASEAN Brüssel, 21.11.1978, in: PA AA ZA Bd. 107398; Helmut Schmidt an UN-Generalsekretär Waldheim, 24.5.1979, in: PA AA ZA Bd. 110380.

 

[14] Protokoll Kabinettssitzung, 6.12.1978, Punkt B, URL: <http://www.bundesarchiv.de/cocoon/barch/0000/k/k1978k/kap1_1/kap2_50/para3_8.html>.

 

[15] Zur Aufnahme in den Nachbarländern und weltweit vgl. Supang Chantanavich/E. Bruce Reynolds (Hg.), Indochinese Refugees. Asylum and Resettlement, Bangkok 1988.

 

[16] Dara Marcus, Saving Lives. Canada and the Hai Hong, in: bout de papier 28 (2014), S. 24-27.

 

[17] Dennis Gallagher, United States and the Indochinese Refugees, in: Chantanavich/Reynolds, Indochinese Refugees (Anm. 15), S. 230-248, hier S. 231.

 

[18] Eleanor Davey, Idealism beyond Borders. The French Revolutionary Left and the Rise of Humanitarianism, 1954–1988, Cambridge 2015, S. 169; Dan Nguyen Thrieu, Indochinese Refugees in France. A Study and Some Comparison with Australia, Victoria 1982, S. 294.

 

[19] Robinson, Terms of Refuge (Anm. 2), S. 146-150.

 

[20] Genscher sagte am 16.11.1978 eine halbe Million DM besonders für »Hai Hong«-Flüchtlinge zu: Genscher an Schmidt, 30.11.1978, in: PA AA ZA Bd. 107397.

 

[21] Werner Marx (CDU/CSU-Fraktion) an Genscher, 24.11.1978, in: PA AA ZA Bd. 107397; CDU/CSU-Fraktion, Pressedienst, 24.11.1978, und Möllemann, fdk-Tagesdienst (freie demokratische korrespondenz), 23.11.1978, in: BA/K B 136 16709.

 

[22] Zur (internationalen) Aufnahme: Vermerke Ref. 513 AA, 17.11. und 30.11.1978, in: PA AA ZA Bd. 107397. Albrechts Begründung öffentlich in: [o.A.,] Vietnam-Flüchtlinge. Erlösende Tat, in: Spiegel, 4.12.1978, S. 60ff.

 

[23] Bericht MdB Köster, 5.12.1978, und Botschaft Jakarta an Verteidigungsministerium, 29.12.1978, in: PA AA ZA Bd. 107398.

 

[24] Siehe Anm. 22 sowie Ernst Albrecht, Erinnerungen, Erkenntnisse, Entscheidungen. Politik für Europa, Deutschland und Niedersachsen, Göttingen 1999, S. 55-58.

 

[25] Wissmann an Schmidt, 4.7.1981, in: BA/K B 136 16710; Rupert Neudeck (Hg.), Wie helfen wir Asien? oder »Ein Schiff für Vietnam«, Hamburg 1980, S. 84.

 

[26] AA an Stücklen, 26.7.1979, in: PA AA ZA Bd. 110383.

 

[27] AA, 20.7.1979, in: BA/K B 136 16710.

 

[28] Lothar Späth (MP BaWü) an van Well (StS AA), 31.7.1979, in: PA AA ZA Bd. 110380.

 

[29] Deutscher Bundestag, Plenarprotokoll 8/133, 26.1.1979, S. 10565.

 

[30] Ref. 213, 17.1.1979, in: BA/K B 136 16709; Deutscher Bundestag, Plenarprotokoll 8/127, 17.1.1979, S. 9933f.

 

[31] Flugblätter (etwa JU-Schreiben an Funktionsträger der JU, 11.8.1979) in: Archiv für Christlich-Demokratische Politik (ACDP) 04-007-471-4 und 07-001-532.

 

[32] Zur Arbeit des Vietnam-Büros: MdB Pinger (CDU) an AA, 16.8.1979, in: PA AA ZA Bd. 110380; Presseerklärung Vietnam-Büro, 5.7.1979, in: ACDP 04-007-471-4; Elmar Brok, Deutschland-Union-Dienst (DUD) Nr. 149, 7.8.1979, S. 4; Wolfgang Hoffmann, Im Netz der Bürokratie, in: ZEIT, 23.11.1979.

 

[33] Vorstandsprotokolle der Grünen 1979–1981, in: Archiv Grünes Gedächtnis B I.1. 543ff. Ich danke dem Archivmitarbeiter Robert Camp für eine zusätzliche Prüfung.

 

[34] So Walter Althammer, stellvertretender Vorsitzender der CDU/CSU-Fraktion; Deutscher Bundestag, Plenarprotokoll 8/161, 21.6.1979, S. 12854.

 

[35] Vgl. Scherl, CDU/CSU-Pressemitteilung, 26.3.1975; offener Brief MdB Pfeffermann an Bundeskanzler, CDU/CSU-Pressemitteilung, 1.4.1975; Karl Carstens, 8.4.1975 in der Fraktionssitzung, 9.4.1975 im Deutschen Bundestag.

 

[36] Kohl, Fraktionsprotokoll CDU, 19.6.1979, S. 3, in: ACDP VIII-001-1057/1; ebenso in CDU/CSU-Fraktion, Pressedienst, 22.6.1979.

 

[37] Deutscher Bundestag, Plenarprotokoll 8/161, 21.6.1979, S. 12850 (Hupka) und S. 12861 (Czaja).

 

[38] Vgl. ebd., S. 12852f.; Strauß, Bayerischer Landtag, 24.7.1979, in: BA/K B 136 16710.

 

[39] Vgl. Martina Steber, Die Hüter der Begriffe. Politische Sprachen des Konservativen in Großbritannien und der Bundesrepublik Deutschland, 1945–1980, Berlin 2017 (angekündigt für August).

 

[40] Außenminister Vance/USA an Genscher, 16.11.1978, und Genscher an Schmidt, 30.11.1978, in: PA AA ZA Bd. 107397.

 

[41] Bericht an AA, 12.12.1978, in: PA AA ZA Bd. 107398.

 

[42] Waldheim an Schmidt, 2.7.1979, und Vorlage AA, 3.7.1979, in: BA/K B 136 16710, und 16.7.1979, in: BA/K B 106 69007.

 

[43] Vermerk für Kabinettssitzung, 24.7.1979, in: BA/K B 136 16710.

 

[44] AA, 13.2.1979, in: PA AA ZA Bd. 110832.

 

[45] Botschaft Hanoi, 20.10.1981, in: BA/K B 136 29942.

 

[46] Lasse Heerten, A wie Auschwitz, B wie Biafra. Der Bürgerkrieg in Nigeria (1967–1970) und die Universalisierung des Holocaust, in: Zeithistorische Forschungen/Studies in Contemporary History 8 (2011), S. 394-413; Florian Hannig, Mitleid mit Biafranern in Westdeutschland. Eine Historisierung von Empathie, in: WerkstattGeschichte 68 (2015), S. 65-78.

 

[47] B. Martin Tsamenyi, The »Boat People«: Are they Refugees?, in: Human Rights Quarterly 5 (1983), S. 348-373, hier S. 348.

 

[48] Joffe an Schmidt, 13.7.1979, in: BA/K B 136 16710; Josef Joffe, Stehplatz in der Hölle, in: ZEIT, 6.7.1979; [o.A.,] Barbarei in Vietnam, in: ZEIT, 22.6.1979.

 

[49] Vgl. Marion Gräfin Dönhoff, Völkerwanderung des zwanzigsten Jahrhunderts, in: ZEIT, 27.7.1979, sowie die dann wöchentlich folgenden Berichte über die Aktion.

 

[50] Vgl. [o.A.,] Flüchtlingshilfe, in: ZEIT, 28.9.1979.

 

[51] Vgl. Marion Gräfin Dönhoff, In eine neue Heimat, in: ZEIT, 17.8.1979.

 

[52] Vgl. [o.A.,] Hilfe für Flüchtlinge aus Vietnam, in: ZEIT, 3.8.1979; Gabriele Venzky, Und nun die Halskestraße, in: ZEIT, 31.8.1979.

 

[53] Kölner Stadtanzeiger, 13.9.1979. Weitere Presseartikel in: BA/K B 106 69008.

 

[54] [O.A.,] »Die Juden des Ostens – ohne ein Israel«, in: Spiegel, 25.6.1979, S. 116-124 (das Titelzitat wurde einem »europäischen Diplomaten in Fernost« zugeschrieben); Dönhoff, Völkerwanderung (Anm. 49); [o.A.,] Kein Ruhmesblatt, in: ZEIT, 30.7.1982.

 

[55] Rede Parl. Staatssekretär BMI von Schoeler, 23.–27.9.1979, in: PA AA ZA Bd. 110381.

 

[56] Presseerklärung Vietnam-Büro, 5.7.1979, in: ACDP 04-007-471-4.

 

[57] Rupert Neudeck, Exodus aus Vietnam. Die Geschichte der »Cap Anamur« II, Bergisch Gladbach 1986, S. 65.

 

[58] Vgl. Larry Clinton Thompson, Refugee Workers in the Indochina Exodus, 1975–1982, North Carolina 2010, S. 146.

 

[59] Zur Einordnung vgl. David Drake, Intellectuals and Politics in Post-War France, New York 2016, S. 153.

 

[60] Daten nach: Vermerk Sachstand AA, 21.10.1982, in: PA AA ZA Bd. 127363, sowie Eigenangaben »Cap Anamur«.

 

[61] Diese Selbstdarstellung bestätigte sich in einem Gespräch des Verfassers mit Rupert Neudeck (10.3.2016).

 

[62] Dies unterstreicht: Merziger, The ›Radical Humanism‹ (Anm. 4).

 

[63] Gespräch mit Rupert Neudeck (10.3.2016).

 

[64] Unterlagen im Archiv Cap Anamur Köln (Ordner Presse).

 

[65] Vgl. das Themenheft »Apartheid und Anti-Apartheid – Südafrika und Westeuropa«, hg. von Knud Andresen und Detlef Siegfried, Zeithistorische Forschungen/Studies in Contemporary History 13 (2016) H. 2.

 

[66] Zeitungsausschnitt mit Flüchtlingen in Düsseldorf, in: Pressemappe Archiv Cap Anamur.

 

[67] Skript Franz Alt/Report, 7.8.1979, in: Archiv Cap Anamur. Vgl. auch Franz Alt, Vietnam-Flüchtlinge und die Schere im Kopf, in: Neudeck, Wie helfen wir Asien? (Anm. 25), S. 148.

 

[68] Archiv Cap Anamur.

 

[69] Vgl. Finanzübersicht, 20.2.1980, in: Archiv Cap Anamur.

 

[70] Peter Weiss, Noch einmal Vietnam, in: konkret 9/1979, S. 6ff.; vgl. auch: Frankfurter Rundschau, 16.8.1979.

 

[71] Helmut Gollwitzer, Teilbare Humanität?, in: Neudeck, Wie helfen wir Asien? (Anm. 25), S. 170.

 

[72] [O.A.,] Ein Schiff gegen Vietnam, in: konkret 9/1981, S. 20ff. Dazu: tageszeitung, 14.12.1981.

 

[73] Vgl. Klaus-Dieter Pflaum, Hetze mit Krokodilstränen gegen das Volk von Vietnam, in: Neues Deutschland, 5.7.1979, S. 6.

 

[74] Heinrich Böll im Interview, »Auch einen Zuhälter retten«, in: Spiegel, 19.10.1981, S. 87-92, hier S. 90.

 

[75] Vgl. Kurzprotokoll Unterausschuss humanitäre Hilfe, 13.2.1980, Deutscher Bundestag, in: Archiv Cap Anamur; vgl. zu diesem Konflikt: Vössing, Competition over Aid? (Anm. 4), S. 355f.

 

[76] Kurzprotokoll Unterausschuss humanitäre Hilfe, 27.2.1980; Rupert Neudeck, Ein Boot für Vietnam, in: ders., Wie helfen wir Asien? (Anm. 25), S. 70-145, hier S. 139.

 

[77] Konsul Loer/Cope an Neudeck, 13.10.1979, in: PA AA ZA Bd. 110383.

 

[78] Abt. 3 VS-Vermerk, Januar 1981 an AA, in: PA AA ZA Bd. 127380.

 

[79] Vorlage für Genscher zur Bewertung der »Cap Anamur« von Ministerialdirektor Gorenflos, 26.11.1980, in: Akten zur Auswärtigen Politik der Bundesrepublik Deutschland 1980, hg. im Auftrag des Auswärtigen Amts vom Institut für Zeitgeschichte, bearbeitet von Tim Geiger, Amit Das Gupta und Tim Szatkowski, München 2011, S. 1778.

 

[80] Vgl. Botschaft Hanoi an AA, 8.12.1978, in: PA AA ZA Bd. 107398.

 

[81] 50.000 schätzt: Thompson, Refugee Workers (Anm. 58), S. 169.

 

[82] Vgl. neben der entsprechenden Korrespondenz des AA und BMI: Ablaufschema 1979, in: BA/K B 136 16710.

 

[83] Sachstand AA, 28.6.1979, in: PA AA ZA Bd. 110380; Aufstellung BMI, 9.9.1981, in: BA/K B 136 29942.

 

[84] Abt. 3 AA, 19.9.1981, in: PA AA ZA Bd. 127380.

 

[85] Vgl. AA an BMI, 22.1.1981, in: PA AA ZA Bd. 127380.

 

[86] DDG Hansa/Bremen an AA, 21.6.1979, in: PA AA ZA Bd. 110383; dort weitere Berichte.

 

[87] Botschaft Hanoi und Singapur an AA, 2.7., 4.7. und 6.7.1979, Vermerk AA, 16.7.1979, in: PA AA ZA Bd. 110383.

 

[88] Sachstand AA, 26.6.1981, in: PA AA ZA Bd. 127380; Botschaft Manila an AA, 19.3. und 21.9.1982, in: PA AA ZA Bd. 127381.

 

[89] AA Dr. Heide-Bloech (Ref. 513) an Bayerisches Staatsministerium für Arbeit und Soziales, 2.1. und 9.1.1979; Botschaft Bangkok, 20.1.1979, in: PA AA ZA Bd. 110832.

 

[90] Vermerk Heide-Bloech, 18.1.1979; Hamburger/AA, 15.1.1979; Botschaft Manila an AA, 16.1.1979, in: PA AA ZA Bd. 110832.

 

[91] Vgl. Bericht der Bundesregierung über die deutsche Humanitäre Hilfe im Ausland 1978 bis 1981. Deutscher Bundestag, Drucksache 9/2364, 23.12.1982, S. 10f.

 

[92] Vgl. neben der allgemeinen Korrespondenz des BMI: Ablaufschema 1979 (Anm. 82).

 

[93] Ruth Herrmann, Zuflucht, keine Heimat, in: ZEIT, 6.7.1979, S. 7.

 

[94] Unterlagen zum Programm der Bundesregierung für ausländische Flüchtlinge, in: BA/K B 126 77251.

 

[95] Vgl. Protokoll Kabinettssitzung, 28.5.1980, Ref II C4, 28.4.1980, und II C4 an BMI, 23.1.1981, in: BA/K B 126 77251.

 

[96] Programm der Bundesregierung für ausländische Flüchtlinge (im Kabinett am 29.8.1979 verabschiedet), in: BA/K B 136 16710 und B 126 77251.

 

[97] Protokoll BMI/Landesflüchtlingsverwaltungen, 25.9.1979, in: BA/K B 126 77251.

 

[98] Vgl. hierzu Herbert, Ausländerpolitik (Anm. 3), S. 241-247, S. 262-272.

 

[99] Vgl. Süddeutsche Zeitung, 29.8.1981; Späth ist empört, in: Frankfurter Rundschau, 12.11.1981.

 

[100] Zu diesem Wandel: Gideon Botsch, Die extreme Rechte in der Bundesrepublik 1949 bis heute, Darmstadt 2012, S. 86-91.

 

[101] Vgl. G.V., Sie haben wieder Angst, in: ZEIT, 29.8.1980; Michael Schwelien, Das zweite Todesopfer, in: ZEIT, 5.9.1980; Frank Keil, Verbrannt und vergessen, in: tageszeitung (Nord/Hamburg), 22.8.2014.

 

[102] TOP 4, Kabinettsprotokoll am 11.11.1981, URL: <http://www.bundesarchiv.de/cocoon/barch/0000/k/k1981k/kap1_1/kap2_48/para3_4.html>.

 

[103] Vermerk Sachstand AA, 21.10.1982, in: PA AA ZA Bd. 127363.

 

[104] Pleinen, Migrationsregime (Anm. 3), S. 139f.

 

[105] Etwas verklausuliert: Staatssekretär Fröhlich (BMI), Deutscher Bundestag, Plenarprotokoll 9/44, 16.6.1981, S. 2494.

 

[106] Ref. 32 an Chef BK, 16.7.1981, in: BA/K B 136 16711.

 

[107] Ergebnisprotokoll Besprechung Bundeskanzleramt mit Regierungschefs der Länder, 5.3.1982, in: PA AA ZA Bd. 127363; Vermerk Sachstand AA, 21.10.1982, in: ebd.

 

[108] Beschluss Ministerpräsidentenkonferenz 28.–30.10.1981, in: BA/K B 136 29942.

 

[109] Ref. V II2 Vorlage Minister AA, 20.7.1982, in: BA/K B 106 90292; Vermerk BMI, 9.6.1982, in: BA/K B 106 127147.

 

[110] Ref. V II2 Vorlage Minister AA, 20.7.1982, in: BA/K B 106 90292.

 

[111] Vgl. Bundeskanzleramt an Länder, 27.11.1984; Ernst Albrecht an Kohl, 8.11.1983; Kohl an Albrecht, 31.1.1984; BMI an Kanzleramt, 27.12.1983, alle in: BA/K B 136 32967; Entwurf Schreiben Kohl an Ministerpräsidenten, Juni 1983, Konzept Teltschik, 23.6.1983, in: BA/K B 136 29942.

 

[112] Albrecht an Kohl, 2.7.1984; AA an BMI, 9.7.1984, in: BA/K B 136 32967.

 

[113] Neudeck, Exodus aus Vietnam (Anm. 57), S. 38, S. 58, S. 80f., S. 116.

 

[114] Vgl. etwa Ly My Cuong/Barbara Ming, Zeit der Heuschrecken. Die Geschichte eines Boatpeople-Kindes, Grevenbroich 2010.

 

[115] Olaf Beuchling, Vom Bootsflüchtling zum Bundesbürger. Migration, Integration und schulischer Erfolg in einer vietnamesischen Exilgemeinschaft, Münster 2003, S. 87, S. 109f.

 

[116] Bernhard Nauck/Birger Schnoor, Against all odds? Bildungserfolg in vietnamesischen und türkischen Familien in Deutschland, in: Kölner Zeitschrift für Soziologie und Sozialpsychologie 67 (2015), S. 633-657.

 

[117] Eva Marie Kogel/Marcel Leubecher, Erste syrische Flüchtlingsgruppe erreicht Hannover, in: Welt, 11.9.2013.

 

Nguồn bài:

 

ENGAGEMENT FÜR FLÜCHTLINGE – Die Aufnahme vietnamesischer »Boat People« in der Bundesrepublik

 

https://zeithistorische-forschungen.de/1-2017/id=5447

 

 

 

Về Tác giả:

 

Prof. Dr. Frank Bösch

 

Trung tâm Nghiên cứu Sử Hiện Đại
Am Neuen Markt 1
D-14467 Potsdam

 

 

 

Trách nhiệm / Công việc:

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sử Hiện Đại; Professor về Lịch sử Đức và châu Âu thế kỷ 20. tại đại học Potsdam; Cùng xuất bản tạp chí “Nghiên cứu sử hiện đại” (Zeithistorische Forschungen/ Studies in Contemporary History)

 

Lãnh vực nghiên cứu:

 

  • Sử hiện đại
  • Lịch sử truyền thông
  • Lịch sử văn hóa chính trị và xã hôi (politische Kultur- und Sozialgeschichte)
  • Biến động toàn cầu vào thập niên 1970er- và 1980er

 

 

 

Ấn phẩm xuất bản quan trọng:

 

Die Adenauer-CDU. Gründung, Aufstieg und Krise einer Erfolgspartei (1945–1969), Stuttgart 2001

 

Das konservative Milieu. Vereinskultur und lokale Sammlungspolitik in ost- und westdeutschen Regionen (1900–1960), Göttingen 2002

 

Öffentliche Geheimnisse. Skandale, Politik und Medien in Deutschland und Großbritannien 1880–1914München 2009

 

(Hg., mit Constantin Goschler) Public History. Darstellungen des Nationalsozialismus jenseits der Geschichtswissenschaft, Frankfurt a.M. 2009

 

Mediengeschichte. Vom asiatischen Buchdruck zum Fernsehen, Frankfurt a.M. 2011; engl. Übers.: Media and Historical Change. Germany in International Perspective, 1400–2000, Oxford 2015

 

(Hg., mit Lucian Hölscher) Jenseits der Kirche. Die Öffnung religiöser Räume seit den 1950er Jahren, Göttingen 2013

 

(Hg., mit Peter Hoeres) Außenpolitik im Medienzeitalter. Vom späten 19. Jahrhundert bis zur Gegenwart, Göttingen 2013

 

(Hg., mit Rüdiger Graf) Historical Social Research/Historische Sozialforschung 39 (2014) H. 4: The Energy Crises of the 1970s. Anticipations and Reactions in the Industrialized World

 

(Hg.) Geteilte Geschichte. Ost- und Westdeutschland 1970–2000, Göttingen 2015