Seite auswählen

Diễn biến mới nhất trong vụ xử các bị cáo Đồng Tâm

Không hiểu bản chất từ “cường hào, địa chủ”

Đoàn Bảo Châu từ Hà Nội mô tả Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn của Bộ Công, “không hiểu bản chất từ cường hào, địa chủ”.

Bình luận trên Facebook cá nhân được đưa lên sau khi ông Xô được TTXVN dẫn lời nói “đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới”.

“…Trong việc này, anh [Tô Ân Xô] đã muốn dùng từ ấy để chụp mũ một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng, hoàn cảnh nhà nghèo với một hình ảnh xấu, nhưng việc này thể hiện một sự kém hiểu biết, nông nổi và thất bại trong việc truyền thông…”

Tâm lý ‘sợ hãi, bất lực’ trong giới trẻ Việt Nam

Có những ý kiến khác nhau về phiên tòa từ người Việt đang sống ở Việt Nam và tại nước ngoài. Bùi Thư của BBC News Tiếng Việt tổng hợp một số ý kiến trong bài này.

Một người nói: “Tôi cũng hình dung rằng phiên tòa sẽ có những thứ nực cười, vô thiên vô pháp nhưng tôi không ngờ nó kinh khủng như vậy: một tòa án mà bật một đoạn phim tuyên truyền có dàn dựng ngay trong phiên tòa cho cả luật sư, bị cáo nghe. Như vậy, từ những phút đầu tiên, phiên tòa này đã định sẵn bản án”.

Một người khác nhận định: “Cảm giác của tôi về cách hành xử của nhà nước sẽ khiến cho người dân Đồng Tâm nói riêng, người dân như tôi nói chung giận dữ. Nhiều người không nói ra, nhưng trong lòng họ bất an, mất lòng tin vào xã hội này. Vì hôm nay là người dân làng Đồng Tâm, đâu ai biết được ngày mai là người dân của quận này, xã kia ở Việt Nam”.

“Nhìn vào những gì đang xảy ra, tôi cảm thấy bất lực, giận dữ vì một nhóm người dân đã bị dồn đến đường cùng, họ phản kháng và cuối cùng bị ghép tội. Tôi không biết mình có thể làm gì được, càng ngày tôi cảm thấy đáng sợ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Tôi không thể nào tưởng tượng chính quyền lật lọng, tráo trở như vậy”.

 (09.09.2020)

Hai bị cáo trong vụ Đồng Tâm bị VKSND Hà Nội đề nghị tử hình

Sau 2 ngày diễn ra phiên tòa, VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên tử hình Lê Đình Công và Lê Đình Chức. 27 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.

Bị cáo Lê Đình Doanh (đứng) (cháu của ông Lê Đình Kình, con trai của ông Lê Đình Công) tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm. (Ảnh: FB Luật sư Nguyễn Văn Quynh)

Sáng 9/9, đưa ra bản luận tội với 29 bị cáo trong vụ án xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, VKSND Hà Nội đã đề nghị HĐXX tuyên tử hình 2 bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức về tội Giết người.

Cùng tội danh này, đại diện VKSND Hà Nội đề nghị tòa tuyên bị cáo Lê Đình Doanh mức án chung thân, các bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức 16-18 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Tuyển mức 14-16 năm tù.

Đáng chú ý, 19 người được cơ quan công tố đề nghị chuyển tội danh từ Giết người sang tội Chống người thi hành công vụ, nâng tổng số người bị cáo buộc tội này lên 23 người. Nhóm bị cáo này bị đề nghị mức án từ 15 tháng tù treo đến 7 năm tù giam.

Phiên xét xử sơ thẩm 29 người dân Đồng Tâm với cáo buộc Giết người và Chống người thi hành công vụ do TAND TP Hà Nội mở từ ngày 7/9, dự kiến diễn ra trong 10 ngày, đến ngày 17/9.

Theo biên bản phiên tòa do luật sư cập nhật, trong phần xét hỏi bị cáo hai ngày qua, chủ tọa đặt câu hỏi chất vấn xoay quanh vai trò và hành động của các bị cáo đối với lực lượng an ninh trong sự việc xảy ra vào rạng sáng 9/1/2020, tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Tính chất, mục đích và tính hợp pháp của cuộc vây ráp số lượng lớn lực lượng an ninh nhiều thành phần của TP Hà Nội vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1/2020 không được tòa đề cập.

LS Ngô Anh Tuấn đang tiếp cận, khảo sát đáy hố “giếng trời” hay còn gọi là “hố kỹ thuật” nằm liền kề nhà ông Lê Đình Kình, nơi được các cơ quan tố tụng TP Hà Nội xác định có 3 công an thiệt mạng do bị đốt xăng. (Ảnh: LS cung cấp)

Luật sư Luân Lê cho biết trong phiên tòa ngày 8/9, một luật sư đề nghị được hỏi đại diện Công an TP Hà Nội – trong quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được triệu tập với tư cách người tham gia tố tụng khác.

Theo ý kiến của nhóm luật sư bào chữa, đại diện Công an TP Hà Nội là chủ thể quan trọng liên can trực tiếp tới và là xuất phát của Kế hoạch số 419a về việc bảo đảm an ninh, trật tự cho việc xây dựng tường rào Miếu Môn. Bản kế hoạch này là điểm khởi đầu cho vụ việc tại Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020.

Tuy nhiên, đề nghị của luật sư không được chủ tọa chấp nhận, cho rằng Công an TP Hà Nội không tham gia tố tụng vì không liên quan nên đề nghị luật sư không hỏi.

Sau phần luận tội của viện kiểm sát sẽ tới phần luật sư trình bày luận cứ bào chữa.

Trithucvn.net (09.09.2020)

Đồng Tâm: Kêu gọi khẩn cấp bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu

Hình minh hoạ. Ông Bùi Viết Hiểu tại Toà án Nhân dân TP. Hà Nội hôm 7/9/2020 TTXVN

Vào ngày 7 tháng 9, 6 tổ chức xã hội dân sự độc lập và hơn 50 người dân quan tâm đến vụ này ký tên vào Đơn Yêu cầu Khẩn cấp gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam, yêu cầu bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu nhân phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm đang diễn ra từ ngày 7/9.

Đơn nêu lại Kiến nghị của các luật sư tham gia bào chữa gửi đề ngày 3 tháng 9. Theo đó, một trong những người bị đưa ra xét xử, cụ Bùi Viết Hiểu, khai với luật sư về việc chứng kiến một cảnh sát bắn chết cụ Lê Đình Kình từ phía trước. Lời khai này phù hợp với dấu vết 2 viên đạn xuyên từ ngực ra lưng. Và lời khai này hoàn toàn ngược với kết luận điều tra là cụ Kình bị bắn từ sau lưng. Bản thân ông Bùi Viết Hiểu cũng bị bắn nhưng may mắn sống sót.

Đơn Yêu cầu Khẩn cấp nêu ra 5 điểm trong đó có điểm phải bảo vệ nhân chứng Bùi Viết Hiểu, chuyển ông đến nơi giam giữ khác không do công an quản lý.

Đơn yêu cầu tạm ngừng vụ xử và Quốc hội cử người giám sát toàn bộ quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Ngoài ra không để Bộ Công an điều tra vì chính bộ này phê duyệt chiến dịch Đồng Tâm nên không thể khách quan. Một yêu cầu nữa là phải làm rõ cái chết của cụ Lê Đình Kình theo những đơn tố cáo, hoặc phải mở một vụ án độc lập về việc sát hại cụ Lê Đình Kình và mưu sát không thành ông Bùi Viết Hiểu.

Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm bị cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ dự kiến kéo dài 10 ngày.

Đây là những người bị bắt giữ sau vụ hàng ngàn công an tấn công và xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1 vừa qua liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ đụng độ đã khiến 4 người thiệt mạng gồm 3 công an và một dân thường là ông Lê Đình Kình.

RFA (08.09.2020)

Mở đầu vụ xử Đồng Tâm: Phiên toà sẽ “có án rất nặng”?

NGUỒN HÌNH ẢNH,TTXVN Chụp lại hình ảnh, Phiên tòa xử 29 người Đồng Tâm ngày 7/9/2020

Vụ xét xử sơ thẩm liên quan biến cố bố ráp, tập kích Đồng Tâm khai mạc ngày 07/9/2020 đang là tâm điểm chú ý của công luận trong và ngoài Việt Nam quan tâm vụ việc này.

Hôm thứ Hai, 07/9, một số nhà quan sát thời sự cho BBC News Tiếng Việt biết tâm điểm quan tâm của công luận xung quanh phiên xử sơ thẩm này là gì và có điều gì đáng lưu ý.

Từ Hà Nội, blogger, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an nói với BBC:

“Mọi người quan tâm nhất việc phiên tòa tổ chức theo cách gì và có dấu hiệu gì thể hiện bình đẳng và đúng pháp luật trong việc xét xử hay không.

“Ví dụ như là người dân có được đến nghe, rồi tham dự hay không hoặc là thân nhân của những bị cáo có được vào trong tòa một cách bình thường hay không. Đương nhiên buổi đầu, người ta có thể cũng quan tâm đến thủ tục phiên tòa như thế nào.”

“Đó là những điều mà tôi thấy dư luận rất chú ý, nhưng đặc biệt tôi thấy báo chí có vẻ không hào hứng trong chuyện đưa tin một vụ án rất lớn như thế này và có vẻ như các báo chí tránh né.”

“Cái đó tôi nghĩ là một dấu hiệu mà người cầm quyền phải lưu tâm. Tôi biết tâm lý các nhà báo, họ thấy rằng đưa tin vụ này rất là khó.”

“Nếu lâu nay, từ khi xảy ra vụ việc (09/1/2020) đến giờ thì đương nhiên là họ lấy thông tin hết từ Bộ Công an, nhưng bây giờ khi đã diễn ra phiên tòa, bắt buộc họ phải thể hiện thông tin mà họ nắm bắt được ở phiên tòa.”

“Và ít ra họ phải thể hiện một chút chính kiến trong đó, mà như thế, tôi đoán họ rất có thể sẽ không đi theo đúng chỉ đạo ở trên và có thể họ phải tự hiểu là phải nên đưa như thế nào, thì cái này họ rất là giằng xé.”

“Nếu như họ đưa theo phong cách từ tháng 01/2020 cho đến bây giờ, thì có thể họ sẽ phải đối mặt với dư luận, công chúng đánh giá rất ghê và trong nội bộ của họ, tôi tin rằng là họ không dễ thống nhất theo kiểu mà cứ đưa tin theo cách lâu nay mà Bộ Công an thông tin gì, cáo trạng đưa thông tin gì, thì cứ đưa như thế, họ không thể làm như thế được.”

Hội đồng xét xử tỏ ra ‘cầu thị’?

Từ thành phố Hanau, CHLB Đức, Luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Văn Đài nói với BBC:

“Về phía hành nghề luật sư, tôi chú ý đến những gì mà Hội đồng xét xử sẽ đáp ứng theo đúng các kiến nghị mà các luật sư đã gửi cho Hội đồng xét xử trước đó.

“Đọc lại những tin tức xung quanh phiên tòa, tôi thấy nghe chừng Hội đồng xét xử cũng tỏ ra cầu thị, các luật sư đã đề nghị triệu tập một số nhân chứng, trong đó có bà Dư Thị Thành (vợ ông Lê Đình Kình), thì Hội đồng xét xử nói rằng là nếu như trong quá trình thẩm vấn mà thấy cần thiết, thì sẽ triệu tập bà Dư Thị Thành.

“Thứ hai là các luật sư đề nghị trả lại hồ sơ để điều tra lại từ đầu, thì Hội đồng xét xử cũng nói là trong quá trình xét xử vụ án mà thấy rằng cần thiết phải dừng phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát, hoặc là cho cơ quan điều tra điều tra lại, thì họ cũng sẽ chấp nhận.

“Thì đây là một điều lạ vì trước đây, đối với các vụ án trước, các luật sư có đề nghị thì thường Hội đồng xét xử bác ngay từ đầu, thẳng thừng luôn, nhưng lần này họ có nói là sẽ chờ đợi.

“Nhưng tôi hy vọng là nếu như với số lượng luật sư như vậy và có quá nhiều vi phạm trong quá trình tố tụng mà các luật sư đã chỉ ra thì hy vọng vụ án sẽ tạm đình chỉ lại để chuyển trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra điều tra lại.

“Và tôi hy vọng là trong quá trình thẩm vấn, chờ đợi những lời khai của những người được mô tả là có hành vi trực tiếp liên quan ‘cái chết’ của ba người cảnh sát thì nó sẽ phơi bày ra, hy vọng là báo chí sẽ đưa tin trung thực những lời khai của các bị cáo đó trước tòa.”

Tiếp tục cứng rắn với dân?

Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá quân đội nhân dân Việt Nam nói với BBC:

“Tôi nghĩ là phiên tòa này kết quả của nó sẽ rất là đáng buồn cho nhân dân, nhất là đáng buồn cho bàn con ở trong Đồng Tâm.

“Không biết là có án ‘tử hình’ hay không, nhưng một khi đã gán cho người ta là ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’, thì chắc là án rất là nặng.

“Thế còn nếu mà họ cố tình kết những án như thế thì tôi nghĩ là trước kia niềm tin của nhân dân đối với nhà nước, đối với lãnh đạo đã rất là thấp rồi, thế mà bây giờ cứ đưa ra vụ này và làm đến mức độ như thế này, thì tôi nghĩ chắc là niềm tin đó xuống con số âm mất.”

“Tôi nghĩ là họ vẫn cứ dựa vào cường quyền, bạo lực ‘bịt miệng’ để mà rồi họ đàn áp, thì Đại hội 13 của ĐCS của họ cũng sắp diễn ra, nhưng mà ngay trong nội bộ của họ cũng vẫn cứ mâu thuẫn, rồi tranh đoạt nhiều thứ lắm.

“Thế thì bây giờ dân rất là hoang mang, nhưng có lẽ chẳng ai làm gì được họ, nhà cầm quyền cả, họ cứ muốn thế nào thì họ làm, thì không biết đến ngày nào đó thì hoặc là mất nước, hoặc là sẽ có một cuộc mà nó giống như cái lò-xo nó bật lên.

“Mà bật lên thì tôi rất sợ là nó sẽ thành ra một cuộc vô chính phủ, rồi nó loạn lạc cả lên, nên rất là lo ngại. Chứ còn bây giờ tôi cảm giác như là họ vẫn cương quyết dùng bạo lực để họ cai trị đất nước, chứ không có cái gì thay đổi cả.

Mô hình quản lý xung đột thế nào?

Cũng từ Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, một nhà nghiên cứu và giảng dạy đại học bình luận với BBC về phiên xử và vụ án:

“Tôi thấy về mô hình quản lý xung đột hiện đại, thì người ta phải quản lý ngay từ khi nó diễn ra rủi ro có thể xảy ra xung đột.

“Thực ra để loại trừ xung đột, thì thế giới đều có hai cách mà cách đầu tiên thì là cách mà người ta sẽ dùng bạo lực và cách thứ hai là cách quản lý hiện đại bây giờ, tức là bắt đầu quản lý từ lúc mà có thể gặp rủi ro.

“Xong sau đó, nếu như có rủi ro, thì người ta phải thực hiện những bước như tất cả những ai trên thế giới đều biết trong đó có nói hết toàn bộ sự thực để lấy lại niềm tin, nhưng cái đó chúng ta biết là sẽ không bao giờ xảy ra ở Việt Nam.

“Tất cả những người quản lý xung đột đều nói như chúng ta đều biết là cái đấy sẽ không xảy ra ở Việt Nam, cho nên 100% các lần xung đột mà tôi nhìn thấy, thì nếu như mà xét và liên quan đến vấn đề chính trị, thì bao giờ cũng kết thúc bằng cách quản lý bạo lực.

“Còn nếu trong trường hợp mà những chuyện gọi là ‘râu ria’ có thể nhượng bộ được, thì người ta sẽ dùng một cách dân túy, thì trường hợp như là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khi đó, xuống Đồng Tâm, theo tôi là ông muốn dùng cách dân túy.

“Đấy là một trường hợp hiếm hoi, nhưng sau đó chúng ta không biết tại làm sao mà cách đó không được tiếp tục và chúng ta thấy ngay ngay cả cách quản lý rủi ro xung đột của ông Chung cũng không phải là cách quản lý theo quan điểm hiện đại, tức là theo quy trình từ gốc rễ của rủi ro – người ta đã không làm như vậy.

“Cho nên không chỉ nói riêng phiên xử này, không riêng Đồng Tâm, mà nếu một lúc nào đó chính quyền học được cách quản lý rủi ro xung đột một cách bài bản hơn, thì để cho những cái bi kịch như Đồng Tâm, như thế này, nó sẽ không tiếp tục xảy ra nữa.”

Quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi một cuộc phỏng vấn, bình luận trên Facebook của BBC News Tiếng Việt hôm 09/7/2020 về phiên tòa sơ thẩm khai mạc xét xử vụ án ‘giết người’ làm chết ‘ba công an’ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội vào hôm 09/1.

https://www.facebook.com/BBCnewsVietnamese/videos/623822198273404

BBC (08.09.2020)

HRW và giới luật sư lên tiếng về vi phạm tố tụng trong phiên tòa Đồng Tâm

Các bị cáo trong vụ án Đồng tâm tại phiên tòa ở Hà Nội. Photo Nhan Dan.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) bày tỏ quan ngại về vi phạm thủ tục tố tụng trong phiên xử Đồng Tâm, cùng lúc giới luật sư tiếp tục lên tiếng về quyền bào chữa cho các bị cáo trong vụ án gây nhiều tranh cãi.

Tổ chức HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép các nhà quan sát quốc tế độc lập, gồm cả giới ngoại giao, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự theo dõi phiên toà xử 29 công dân Đồng Tâm trong các ngày 07-16 tháng 9 về cáo buộc “giết người” và “chống người thi hành công vụ.”

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW nói lực lượng an ninh Việt Nam cần chấm dứt việc sách nhiễu và theo dõi thân nhân của các bị cáo.

Ông Phil Robertson viết trên Twitter rằng có đến 10 người bị tạm giữ bên ngoài phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020. Photo Twitter Phil Robertson.

Trong phát biểu của mình ngày 7/9, ông Robertson nói rằng HRW rất lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng dành cho 29 người dân Đồng Tâm đang bị xét xử.

“Nạn tra tấn và bức cung vốn vẫn phổ biến trong các trại giam của công an trong khi khái niệm tòa án độc lập còn xa vời, và các bản án được đảng Cộng sản định sẵn là các đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam,” ông Robertson cho biết trong thông cáo.

Ông cũng nói quyền gặp luật sư của các bị cáo cực kỳ bị hạn chế và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thẩm vấn, lấy cung và điều tra xong. Ông nói: “Còn có rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ tấn công vào xã Đồng Tâm.”

Ông Robertson nói chính quyền Việt Nam đang gấp rút kết tội các bị cáo, và mọi người có thể thấy rõ là Hà Nội muốn trừng phạt các bị cáo bằng các bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.

Chiều ngày 8/9, Luật sư Lê Văn Luân, một trong 13 luật sư bào chữa cho 29 bị cáo, cho biết trên Facebook rằng ông vừa làm đơn đề nghị được tiếp cận chứng cứ mà tòa đề cập. Luật sư viết: “Những chứng cứ này các luật sư đã không được tiếp cận và không được liệt kê trong danh sách các vật chứng trong tài liệu vụ án.”

Trước đó, chiều 7/9, nhóm luật sư bào chữa đã gửi đơn khiếu nại đến chánh án yêu cầu được tiếp xúc thân chủ của mình trong thời gian diễn ra phiên tòa, sau khi Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố rằng việc tiếp xúc như vậy “là không cần thiết.”

Mô tả phiên tòa hôm 7/9, Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong 13 luật sư bào chữa, viết trên Facebook: “Phòng xử chiếm khoảng 50% là cảnh sát tư pháp, an ninh; không có người nhà các bị cáo nào được vào tham dự phiên tòa, và cũng không có người dân thường nào được vào phòng xử án.”

Luật sư Lê Văn Hòa nêu nhận định: “Phiên tòa Đồng Tâm vi phạm tố tụng nghiêm trọng thì không hy vọng có bản án khách quan.”

Truyền thông Việt Nam hôm 8/9 loan tin rằng nhiều bị cáo vụ Đồng Tâm “hối lỗi, mong được khoan hồng.” Báo Dân Trí tường thuật: “các bị cáo đều thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, bày tỏ sự ăn năn, hối cải, mong được hưởng sự khoan hồng.”

Hôm 6/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô của Bộ Công an, đã lên án cụ Lê Đình Kình, người dân Đồng Tâm thiệt mạng trong vụ đối đầu ngày 9/1/2020, là “cường hào địa chủ mới.”

TTXVN dẫn lời ông Xô nói: “Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới.””

VOA (08.09.2020)

Vụ Đồng Tâm: Đã đến lúc nhà nước VN làm ‘cách mạng lại’ về đất đai?

Nguồn hình ảnh, EPA Các lãnh đạo Việt Nam họp Quốc hội ngày 20/5

Theo dõi phiên sơ thẩm về vụ án ‘giết người’ và ‘chống người thi hành công vụ’ mà chính quyền cáo buộc và đang xét xử 29 bị cáo ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội trong sự kiện ngày 09/1/2020, kinh tế gia Bùi Kiến Thành cho rằng phiên tòa này dù có các bản án nặng nề được đưa ra sau cùng sẽ không giải quyết được căn nguyên vấn đề.

Các vấn đề tranh chấp, xung đột đất đai nảy sinh từ gốc rễ lớn hơn, chuyên gia kinh tế này nói và đảng cộng sản, nhà nước, chính quyền ngày nay, và kể cả tới đây trong Đại hội 13, cần tiến hành một cuộc cách mạng về cải tổ luật pháp về sở hữu, đất đai, ruộng đất để trả lại quyền sở hữu cho người dân ở Việt Nam.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 08/9/2020 từ thành phố Hội An của Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành nói:

“Đây là một vấn đề căn bản về quyền sở hữu đất đai cho người dân ở Việt Nam. Tại vì ông cha ta từ nghìn năm nay, hay là ít nhất cũng là từ khi Lê Thánh Tông vào miền Nam cùng với bao nhiêu người để mở mang bờ cõi, thì đất là đất của nhân dân, nhà vua công nhận những đất khai hoang ra là được nhân dân làm chủ.

“Từ hàng trăm năm, hay bao nghìn năm như thế, thế nhưng bỗng nhiên năm 1975, nhà nước mới ở Việt Nam ra đạo luật bảo rằng đất thuộc sở hữu toàn dân nhưng do nhà nước thống nhất quản lý. Những câu chữ đó là những thuật ngữ mà theo tôi là sự chiếm đoạt hoàn toàn quyền sở hữu của nhân dân trên đất đai. Đó là một việc mà tôi thấy là không hợp lý đối với nhân tình, thế thái và đối với cả lịch sử.”

Luật pháp có dân chủ và thấu tình, đạt lý?

Và chuyên gia kinh tế từng tư vấn chính sách hội nhập quốc tế và phát triển cho chính phủ và nhà nước Việt Nam trong nhiều thập niên trước đây, nói tiếp:

“”Và chuyện như thế sẽ dẫn tới bao nhiêu chuyện khác, ví dụ cụ thể như ở Đồng Tâm vừa rồi nói là đất ở Đồng Tâm từ năm 1980 là đất của quốc phòng, nhưng hồi trước đó thì thế nào? Ai cho quốc phòng, quân đội đất ấy?

“Phải có một cơ quan nào tự nhiên lấy đất của nhân dân rồi cho quốc phòng, rồi sau đó quốc phòng bảo rằng đó là đất của quốc phòng, nhưng câu hỏi đặt ra là muộn nhất trước năm 1980 thì nó như thế nào?

“Vì vậy tôi nghĩ về vấn đề dân chủ, về vấn đề quyền sở hữu tư nhân và vấn đề sở hữu đất đai ở Việt Nam càng phải nghiên cứu lại, tôi thấy luật đất đai của Việt Nam, kể cả luật trưng dụng, cưỡng chế v.v… liên quan đến đó, phi dân chủ và thực sự là phi nhân nghĩa đối với đồng bào, đối với đất nước, đối với ông bà, Tổ tiên.

“Cho nên không phải riêng gì chuyện ở Đồng Tâm, còn nhiều nơi khác, trong đó có Thủ Thiêm v.v… và bao nhiêu chuyện khác, bây giờ nhà nước tự nhiên cho mình quyền cấp cho người này quyền sử dụng đất này, cấp cho người kia quyền sử dụng đất kia, quyền sở hữu này nọ, câu hỏi đặt ra là anh lấy quyền gì để anh cấp như vậy?

“Phải chăng ở đây có ai đó nhân danh và chiếm đoạt quyền quản lý được dân phúc quyết, thừa nhận dân chủ, rồi anh biến anh thành chủ đất của đất đai của nhân dân, như thế là không được.

“Vì thế, tôi nhắc lại không riêng gì vấn đề Đồng Tâm, mà toàn đất nước Việt Nam hiện nay đang có vấn đề phi lý ấy, do đó tôi khuyên các vị có chức, có quyền nhanh chóng nghiên cứu lại để hoàn trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai, ruộng đất cho người dân, quyền sở hữu này áp dụng cho toàn dân.

“Chứ không thể nào dùng thuật ngữ là đất đai là sở hữu của toàn dân do nhà nước đứng ra thống nhất quản lý được, quản lý kiểu gì mà anh lấy đất đai, ruộng đất, ao chuôm của người ta, anh làm đủ thứ chuyện, rồi anh cho phong sở hữu cho người kia, trao sở hữu cho người nọ…, như thế là không được, theo tôi.”

Các bản án nặng có giải quyết căn cốt vấn đề?

Trước câu hỏi như trong vụ Đồng Tâm đang được chính quyền đem ra xét xử, liệu các bản án được tuyên, các phán quyết cuối cùng mà dù có nặng nề đến mấy với các bị cáo là người dân, nông dân địa phương, thì có thể giải quyết được rốt ráo, căn cốt vấn đề xung đột và tranh cấp nóng bỏng về sở hữu đất đai như đã đang diễn ra lâu nay ở Việt Nam hay không, ông Bùi Kiến Thành đáp:

“Nó không giải quyết được vấn đề gì cả. Tại vì nhà nước ăn cướp quyền sở hữu đất đai của nhân dân, rồi bây giờ người ta uất ức, bức xúc vì không được giải quyết, người ta có hành động đấu tranh, thì các hành động bạo lực như vừa rồi có khác gì phong kiến, tư bản ở đâu đó trước kia mang quân, đem lính tới để mà chiếm đoạt đất đai là tài sản của nhân dân?

“Cho nên, theo tôi vấn đề đó là phải bình tĩnh để suy nghĩ, những cuộc đấu tranh của nhân dân như ở Đồng Tâm diễn ra, thì nhà nước, chính quyền càng phải suy nghĩ về nguồn gốc của quyền sở hữu từ thời ông bà, tổ tiên của người ta như thế nào? Chứ không phải là phạt tù hay phạt nặng đi nữa mà như thế là xong.

“Theo tôi cách làm đó chưa giải quyết và sẽ không giải quyết được vấn đề đó trong toàn đất nước Việt Nam này cả.”

Trước câu hỏi cần nhà nước, chính quyền ưu tiên làm gì, sửa đổi gì trong chính sách, luật pháp và đường lối để giải quyết rốt ráo vấn đề được đặt ra nói trên và tránh để xảy ra những vụ việc gây xung đột như ở Đồng Tâm ở Hà Nội hay tranh cãi như ở Thủ Thiêm và nhiều nơi khác, kinh tế gia từ Hội An nói:

“Theo tôi, phải sửa căn bản luật đất đai, phải hủy bỏ luật đất đai hiện nay đi và công nhận quyền sở hữu đất đai là của nhân dân và do nhân dân tự quản lý, chứ không phải là nhà nước giành quyền đó từ tay nhân dân mà quản lý đất đai của họ, tức là của dân, như bấy nay.

“Anh nói là anh quản lý nhưng anh đi vào anh lấy của dân rồi anh phân cho người này, cấp quyền cho người nọ, thu hồi, cưỡng chế, trưng thu, trung dụng giao lại cho người khác v.v…, rõ ràng như thế chính cách thức đó là nguyên nhân gây ra tranh cãi, khiếu nại, đấu tranh, bạo động… và là cớ để nhà nước từ đó sử dụng bạo lực mà ra chứ không phải là tinh thần của luật pháp và quyền lực thực sự của pháp quyền, của luật pháp.

“Nhân đây tôi cũng nói thêm là trên thế giới cũng có những lúc mà chính quyền, nhà nước chấp nhận quyền bạo động mà người ta gọi là luật về nổi dậy chính nghĩa, hay được biết đến là “insurrection law”. Sau cách mạng Pháp, người ta công nhận quyền bạo động của nhân dân Pháp. Nhưng mà nhà nước Việt Nam bây giờ không công nhận quyền đó.

“Cho nên đây là những vấn đề căn bản mà Việt Nam cần phải xem lại và tôi kiến nghị các vị có chức, có quyền trong Quốc hội, cũng như trong chính phủ phải nghiên cứu kỹ vấn đề luật sử của Việt Nam đem luật Hồng Đức của Lê Thánh Tông ra mà nghiên cứu để có vấn đề cơ sở luật pháp về đất đai từ từ thời tổ tiên, ông bà để lại, chứ không thể nào đột nhiên ra một loạt luật pháp, chủ trương, chính sách như từ 1975 đến nay rồi chiếm đoạt của nhân dân như thế.”

Nguồn hình ảnh, Reuters Việt Nam ngày 25/5

Làm cách mạng về luật pháp và tính khả thi?

Khi được hỏi liệu đề nghị trên có khả thi không, nhất là ngay trong ban lãnh đạo đảng, nhà nước và Quối hội Việt Nam hiện nay cũng có những ý kiến nói đã, đang có những nhóm lợi ích, hay những nhóm lũng đoạn chính sách có thế lực rất mạnh mà chính nội bộ đảng và nhà nước cũng phải thừa nhận, ông Bùi Kiến Thành nói:

“Tôi thấy rằng, kể cả tới đây chỉ còn một số tháng thì tới Đại hội 13 của đảng CSVN, vấn đề ở đây là vẫn phải làm, vẫn phải tiến hành.

“Còn khả thi hay không thì phải nhìn vào trách nhiệm của những người mà phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân..

“Anh đã từng nói là có thể làm cách mạng để cướp chính quyền thành công trong Cách mạng tháng Tám, anh làm được cách mạng để lật đổ chế độ phong kiến hay thực dân của Pháp đi, mà khi đó anh tuyên bố làm cách mạng để đưa lại một đất nước dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thì tại làm sao mà anh lại không thể làm cách mạng để sửa đổi luật mà nhiều người cho là bất hợp pháp, bất hợp lý như thế được?

“Thật sự, luật đất đai của nhà nước Việt Nam hiện nay theo tôi là một luật bất hợp pháp, chứ không phải chỉ là vấn đề dừng ở bất hợp hiến.

“Cho nên, việc ấy là điều mà anh, tức là nhà nước, chình quyền, cần phải làm. Còn khi làm như thế nào thì tất nhiên là gặp khó khăn, trở ngại rồi, gặp chống đối của các nhóm lợi ích, lũng đoạn của các nhóm lũng đoạn chính sách v.v… là bình thường, nhưng bổn phận của những người quản lý, lãnh đạo nhà nước, nếu xưng là do dân, của dân, vì dân, thì bổn phận của lãnh đạo đất nước là phải làm cái gì mà hợp tình, hợp lý cho dân.

“Chứ không phải là để tồn tại mãi mãi một cái luật mà nó bất hợp lý như thế được,” kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói với BBC News Tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 08/9/2020 từ Hội An.

BBC (08.09.2020)

Việt Nam bắt đầu xét xử vụ Đồng Tâm

Đơn khiếu nại của các luật sư trong ngày đầu xét xử vụ Đồng Tâm.

Việt Nam hôm 7/9 đã đưa các bị cáo là dân làng Đồng Tâm ra xét xử ở Hà Nội trong phiên tòa dự kiến kéo dài 10 ngày.

Trong số 29 bị cáo, 25 người bị truy tố tội “Giết người” với khung hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình. 4 người bị cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Ông Đặng Đình Mạnh, một trong các luật sư bào chữa, viết trên Facebook rằng “buổi làm việc đầu tiên của phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm là những tranh đấu của các luật sư về vô số các vấn đề thuộc về thủ tục tố tụng”.

Ông Mạnh cũng đăng ảnh “đơn khiếu nại” gửi chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội về “hành vi tố tụng trái pháp luật của thẩm phán chủ tọa phiên tòa”, trong đó viết rằng “lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa đã ngăn cản các luật sư tiếp xúc với các bị cáo do mình bào chữa” và “yêu cầu thẩm phán Chủ tọa phiên tòa [ông Trương Việt Toàn] cùng HĐXX [Hội đồng Xét xử] phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa”.

Một luật sư khác, ông Lê Văn Luân, cũng viết trên mạng xã hội lớn nhất thế giới về “tiền lệ” mà ông nói là “chưa từng gặp trong các phiên toà trước đây” này.

Hiện chưa rõ ngay, chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội phản ứng và giải quyết yêu cầu này như thế nào.

Vụ tranh chấp đất đai giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền kéo dài và rơi vào thế bế tắc trong nhiều năm.

Sự việc lên tới đỉnh điểm năm 2017 với vụ dân làng bắt giữ nhiều cảnh sát cơ động, khiến ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó, phải về Đồng Tâm đối thoại và viết bản cam kết, trong đó có đoạn “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”, trước khi “các con tin” được thả.

Mới nhất là vụ bố ráp lúc rạng sáng hồi đầu năm nay, làm ông Lê Đình Kình, người được coi là “thủ lĩnh tinh thần” của dân làng Đồng Tâm, và 3 công an tử vong trong các diễn biến hiện vẫn gây tranh cãi.

Theo báo điện tử VnExpress, Chủ tọa Trương Việt Toàn đã bác bỏ đề nghị triệu tập Chủ tịch Nguyễn Đức Chung của các luật sư vì cho rằng lãnh đạo TP Hà Nội, vốn bị “khởi tố” và “bắt tạm giam” một vài ngày trước trong một vụ án khác, “không liên quan trực tiếp”.

Tin cho hay, ông Toàn cũng “không chấp nhận đề nghị mời người thân các bị cáo tới theo dõi xét xử” vì cho rằng “29 bị cáo đều đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, không cần người giám hộ”.

Hình ảnh được truyền thông trong nước đăng tải cho thấy nhiều chốt kiểm soát đã được lập bên ngoài nơi xét xử, với sự hiện diện đông đảo của lực lượng an ninh.

Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh Virginie Battu-Henriksson hồi giữa tháng Một từng nói với VOA tiếng Việt rằng tổ chức này “quan ngại” về hành động “dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng” ở Đồng Tâm.

“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”, bà Battu-Henriksson nói thêm, đồng thời bày tỏ kỳ vọng rằng “chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng các quyền cơ bản của người dân về việc hội họp và thể hiện quan điểm ôn hòa mà không phải đối mặt với bất kỳ đe dọa hay việc sử dụng vũ lực nào”.

VOA (07.09.2020)

Các luật sư phản đối việc Chủ tọa không cho tiếp xúc các bị cáo trong phiên tòa Đồng Tâm

Phiên toà xét xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020. nhandan.com.vn

Ngay trong giờ nghỉ trưa của phiên tòa Đồng Tâm ngày thứ nhất, 10 luật sư bào chữa cho những người dân đã ngay lập tức làm đơn gửi Chánh án TAND Thành phố Hà Nội để khiếu nại đối với hành vi tố tụng trái pháp luật của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Cụ thể các luật sư cho rằng, ông Chánh án đã công khai tuyên bố như sau;

Các Luật sư đã có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã có thời gian tiếp túc với các bị cáo trước khi xét xử trong trại giam, vì vậy việc tiếp xúc giữa Luật sư với bị cáo tại phiên tòa là không cần thiết.”

Theo các luật sư, hành vi này của Thẩm phán chủ tọa đã vi phạm nghiêm trọng nội dung khoản 4 Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự và xâm phạm đến quyền bào chữa của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo.

Điều này cũng thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán theo nội dung điều 6: “Sự công bằng bình đẳng” và 1e khoản 2 điều 10 “Thẩm phán không được gây khó khăn cho người tham gia tố tụng” đã nêu tại Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm Phán.

10 luật sư bao gồm các vị Lê Văn Luân, Đặng Đình Mạnh, Ngô Anh Tuấn, Trương Chí Công, Ngô Ngọc Trai, Nguyễn Văn Miếng, Bùi Hải Quảng, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Hà Luân và Phạm Lệ Quyên đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết các yêu cầu như sau:

Yêu cầu thẩm phán chủ tọa phiên tòa ông Trương Việt toàn cùng hội đồng xét xử phải đảm bảo ngay lập tức quyền tiếp xúc giữa bị cáo và luật sư bào chữa trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa.

Phiên tòa mặc dù còn chỗ trống và rất nhiều người mặc thường phục ngồi dự phía sau nhưng không có thân nhân nào của 29 người bị đưa ra xét xử được tham dự.

Một số người dân Đồng Tâm cho biết các nhà xe đã từ chối chở họ đến phiên tòa và họ đã phải đi bộ từ xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức để đến tòa nhưng không được cho vào.

RFA (07.09.2020)

Nhân quyền Quốc tế: Phiên toà Đồng Tâm là án bỏ túi

Phiên toà xử những người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/9/2020  TTXVN

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) hôm 7/9 lên tiếng quan ngại về phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm diễn ra vào cùng ngày vì cho rằng phiên toà không độc lập và kết quả là án bỏ túi.

29 người dân Đồng Tâm bị bắt giữ sau vụ hàng ngàn cảnh sát tấn công và xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, rạng sáng ngày 9/1/2020 liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Vụ tấn công đã khiến 4 người thiệt mạng bao gồm một người dân là ông Lê Đình Kình và 3 cảnh sát.

29 người bị bắt giữ với các cáo buộc tội giết người và chống người thi hành công vụ.

HRW nhận định: “Có những quan ngại chính liên quan đến thủ tục tố tụng và quyền được có một phiên toà công bằng đối với 29 người dân liên quan đến vụ Đồng Tâm. Việc sử dụng tra tấn và ép cung là điều thường xảy ra đối với những người bị công an bắt giữ ở Việt Nam. Các phiên toà không độc lập và kết quả đã được định sẵn bởi đảng cộng sản cầm quyền là thương hiệu của hệ thống được gọi là pháp lý ở Việt Nam”.

Theo HRW, những người dân bị bắt giữ bị hạn chế gặp luật sư trong khi có quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời về vụ tấn công của cảnh sát vào Đồng Tâm và sẽ không bao giờ được trả lời khi Hà Nội vội vã kết tội những người dân.

HRW lo ngại những người dân Đồng Tâm sẽ phải chịu những bản án nặng nề để cảnh báo những người dân khác không thách thức giới chức nhà nước trong tương lai.

Theo truyền thông trong nước, trong số 29 bị cáo ở phiên toà tới, 25 người bị cáo buộc tội giết người với khung hình phạt từ 12 năm tù đến tử hình, 4 người bị cáo buộc tội chống người thi hành công vụ với án tù từ 2 đến 7 năm.

Ngay trước phiên toà một ngày, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, phát ngôn nhân Bộ Công an đã trả lời báo Chính Phủ, theo đó, ông Xô tiếp tục khẳng định những người dân Đồng Tâm đã phạm tội khi tấn công vào cảnh sát được điều đến Đồng Tâm để canh gác khu đất tranh chấp. Ông Xô nói rằng những người dân Đồng Tâm đứng đầu là cụ Lê Đình Kình, một đảng viên kỳ cựu, là bất mãn, lôi kéo người dân tham gia “Tổ đồng thuận” để chống đối chính quyền.

Hơn thế nữa, ngươi đại diện Bộ Công an cáo buộc cụ Lê Đình Kình là một loại “cường hào địa chủ mới”, hậu quả của sự thái hoá biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Vụ việc Đồng Tâm đã khiến nhiều tổ chức quốc tế quan tâm. Vì vậy, HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam cho các nhà quan sát quốc tế và các nhà ngoại giao cùng các tổ chức phi chính phủ được phép vào quan sát phiên toà, đồng thời “chấm dứt việc sách nhiễu cũng như theo dõi người thân những người bị xét xử”.

Tham gia bào chữa cho các bị cáo có 33 luật sư, bao gồm 15 người do gia đình các bị cáo mời và 18 người do toà chỉ định, theo thông tin từ truyền thông trong nước. Dự kiến phiên toà sẽ kéo dài 10 ngày.

Theo ghi nhận từ báo chí trong nước, từ sáng sớm, hàng trăm cảnh sát lập nhiều chốt bảo vệ quanh Toà án Nhân dân Hà Nội, trong bán kính khoảng 2 km. Chỉ người nào có giấy của toà án mới được mời vào.

Khoảng 1 tuần trước phiên toà, một số người thân của các bị cáo và luật sư cho Đài Á Châu Tự Do biết gia đình các bị cáo vẫn chưa được gặp họ và cũng không nhận được giấy mời tham dự toà dù phiên toà được nói là diễn ra công khai.

RFA (08.09.2020)