Seite auswählen

Đồng Tâm: Liên Hiệp Châu Âu phản đối Việt Nam về hai bản án tử hình

Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm nghe phán quyết của Tòa Án Nhân Dân Hà Nội ngày 14/09/2020. via REUTERS – Doan Tan/VNA

Trong một thông cáo đưa ra tại Bruxelles hôm qua, 18/09/2020, phát ngôn viên về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh của Liên Hiệp Châu Âu Nabila Massrali phản đối việc tòa tuyên bố tử hình hai người trong phiên xử vụ Đồng Tâm.

Hôm 14/09 vừa qua, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tuyên án tử hình hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, vì hai người này bị cáo buộc đã gây ra cái chết của 3 công an trong cuộc tấn công của hàng ngàn công an vào xã Đồng Tâm rạng sáng ngày 09/01/2020. Lê Đình Công và Lê Đình Chức là hai con trai của ông Lê Đình Kình, người đứng đầu nhóm khiếu kiện đất đai, bị bắn chết trong cuộc tấn công.

Tổng cộng 29 dân làng đã bị đưa ra xét xử. Ngoài 2 người bị tuyên án tử hình, 4 bị cáo khác cũng đã bị tuyên án nặng nề về tội « Giết người », trong đó có Lê Đình Doanh (cháu nội cụ Lê Đình Kình) lãnh án tù chung thân.  23 bị cáo còn lại bị tuyên án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam đều về tội « Chống người thi hành công vụ ».

Trong thông cáo, được dịch sang tiếng Việt và đăng lại trên trang mạng của Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam, phát ngôn viên Nabila Massrali cho biết Liên Hiệp Châu Âu « phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người. »

Phát ngôn viên về các vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định : « Ngày càng có sự đồng thuận cao trên thế giới phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình. Liên Hiệp Châu Âu  hối thúc Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ. »

Bản thông cáo của phát ngôn viên Liên Hiệp Châu Âu còn lưu ý rằng các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa « làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này ». Bản thông cáo nhắc lại là Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam đã ký kết. »

RFI (19.09.2020)

EU lên tiếng quan ngại về phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm

Bốn ngày sau khi phiên tuyên án vụ Đồng Tâm kết thúc, ngày 18/9, Liên minh châu Âu (EU) ra thông cáo phát ngôn về phiên tòa, trong đó cho biết: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này”.

Thông cáo ngày 18/9 của Liên minh châu Âu (EU) về bản án trong phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâ. (Ảnh chụp màn hình/eeas.europa.eu)

Thông cáo đăng trên trang web https://eeas.europa.eu ngày 18/9 lấy việc tôn trọng quyền được sống và quyền được xét xử công bằng của con người làm chủ đạo.

Nhắc lại bản án ngày 14/9/2020 do TAND TP Hà Nội tuyên, Người phát ngôn của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định các bị cáo bị tuyên án tử hình vì liên quan đến cuộc đối đầu giữa người dân và lực lượng an ninh tại xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020.

“Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu. Hình phạt tử hình là tàn nhẫn và vô nhân đạo, và việc bãi bỏ hình phạt này là cần thiết để bảo vệ quyền được sống của mỗi người”, thông cáo viết.

EU cho biết ngày càng có sự đồng thuận cao trên thế giới phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình. EU hối thúc Việt Nam thông qua việc tạm hoãn áp dụng án tử hình, coi đây là một bước đầu tiên hướng tới việc bãi bỏ.

Người phát ngôn của EU cũng đặt ra băn khoăn đối với phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm. Thông cáo cho biết: “Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này.

EU nhắc lại việc Việt Nam đã ký kết cam kết tôn trọng và thúc đẩy các quyền của con người trước quốc tế, như một ràng buộc về nghĩa vụ mà Việt Nam cần phải thực hiện.

“EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.” – thông cáo viết.

Hôm 16/1/2020, trang VOA Việt ngữ đăng tin cho biết bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của EU về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, đã nói vào ngày 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội “đã trực tiếp nêu vấn đề với ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại và sự dè dặt về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh”.

“Việc sử dụng bạo lực đối với dân thường đã dẫn tới tổn thất đáng lên án về nhân mạng”, bà Battu-Henriksson nói, đồng thời “xin gửi lời chia buồn tới các gia đình và bạn bè của các nạn nhân”.

Tại cuộc Đối thoại thường niên về nhân quyền diễn ra vào ngày 19/2/2020, Việt Nam và EU khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.

Tờ The Diplomat ngày 15/9/2020 đã đưa tin về phán quyết vụ Đồng Tâm hôm 14/9, đồng thời dẫn lời của nhà nghiên cứu chính trị Carl Thayer (ĐH New South Wales, Australia) mô tả cuộc đột kích Đồng Tâm và kết quả xét xử là “đỉnh điểm của 40 năm vấn đề” về phân phối đất đai.

Bài báo dẫn ý kiến của TS Toan Le (chuyên ngành Luật và Thuế Kinh doanh, Đại học Monash, Australia) cho biết Luật Đất đai được Việt Nam thông qua vào năm 1993, cấp quyền sử dụng đất cho các cá nhân, nhưng cũng cho phép Chính phủ lấy đất vì mục đích “lợi ích công cộng”. Điều này sau đó được mở rộng ra bao gồm “mục đích phát triển kinh tế” và “mục đích phát triển kinh tế xã hội” được xác định một cách mơ hồ. Kết quả là những bất đồng về bồi thường ngày càng gia tăng dẫn đến tranh chấp kéo dài.

Theo The Diplomat, các phán quyết ngày 14/9 cho thấy quyết tâm của nhà cầm quyền trong việc dập tắt mọi khuấy động của tình trạng bất ổn của nông dân, nhưng đồng thời ghi nhận sự gia tăng các tranh chấp đất đai đặt ra một thách thức đặc biệt gai góc đối với chính quyền này.

Điều 14 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị

1. Mọi người đều bình đẳng trước các tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự. Báo chí và công chúng có thể không được phép tham dự toàn bộ hoặc một phần của phiên tòa vì lý do đạo đức, trật tự công cộng hoặc an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hoặc vì lợi ích cuộc sống riêng tư của các bên tham gia tố tụng, hoặc trong chừng mực cần thiết, theo ý kiến của toà án, trong những hoàn cảnh đặc biệt mà việc xét xử công khai có thể làm phương hại đến lợi ích của công lý. Tuy nhiên mọi phán quyết trong vụ án hình sự hoặc vụ kiện dân sự phải được tuyên công khai, trừ trường hợp vì lợi ích của người chưa thành niên hay vụ việc liên quan đến những tranh chấp hôn nhân hoặc quyền giám hộ trẻ em.

2. Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật.

3. Trong quá trình xét xử về một tội hình sự, mọi người đều có quyền được hưởng một cách đầy đủ và hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây:

a) Được thông báo không chậm trễ và chi tiết bằng một ngôn ngữ mà người đó hiểu về bản chất và lý do buộc tội mình;
b) Có đủ thời gian và điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn;
c) Được xét xử mà không bị trì hoãn một cách vô lý;
d) Được có mặt trong khi xét xử và được tự bào chữa hoặc thông qua sự trợ giúp pháp lý theo sự lựa chọn của mình; được thông báo về quyền này nếu chưa có sự trợ giúp pháp lý; và được nhận sự trợ giúp pháp lý theo chỉ định trong trường hợp lợi ích của công lý đòi hỏi và không phải trả tiền cho sự trợ giúp đó nếu không có đủ điều kiện trả;
e) Được thẩm vấn hoặc yêu cầu thẩm vấn những nhân chứng buộc tội mình, và được mời người làm chứng gỡ tội cho mình tới phiên toà và thẩm vấn họ tại toà với những điều kiện tương tự như đối với những người làm chứng buộc tội mình;
f) Được có phiên dịch miễn phí nếu không hiểu hoặc không nói được ngôn ngữ sử dụng trong phiên toà;
g) Không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội.

4. Tố tụng áp dụng đối với những người chưa thành niên phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ.

5. Bất cứ người nào bị kết án là phạm tội đều có quyền yêu cầu tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật.

6. Khi một người bị kết án về một tội hình sự bởi một quyết định chung thẩm và sau đó bản án bị huỷ bỏ, hoặc người đó được tha trên cơ sở tình tiết mới hoặc phát hiện mới cho thấy rõ ràng có sự xét xử oan, thì người đã phải chịu hình phạt theo bản án trên, theo luật, có quyền yêu cầu được bồi thường, trừ trường hợp cơ quan tố tụng chứng minh rằng việc sự thật không được làm sáng tỏ tại thời điểm đó hoàn toàn hoặc một phần là do lỗi của người bị kết án gây ra.

7. Không ai bị đưa ra xét xử hoặc bị trừng phạt lần thứ hai về cùng một tội phạm mà người đó đã bị kết án hoặc đã được tuyên trắng án phù hợp với pháp luật và thủ tục tố tụng hình sự của mỗi nước.

Xuân Tường Trithucvn (19.09.2020)

LHQ công bố báo cáo các trường hợp bị chính quyền hăm doạ và trả thù tại Việt Nam

Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

LHQ vừa công bố bản báo cáo năm 2020 về các hồ sơ bị chính quyền hăm doạ và trả thù tại Việt Nam, theo đó có ít nhất 16 trường hợp liên quan đến việc chính quyền giam cầm, thu giữ giấy tờ tùy thân, thẩm vấn hoặc theo dõi từ năm 2019 tới nay.

Phúc trình này do Hội đồng Nhân quyền LHQ thực hiện căn cứ vào Nghị quyết nhân quyền HRC 12/2 về các hoạt động của những chính phủ “có hành động đe dọa và trả đũa các cá nhân, tổ chức” chỉ vì họ hợp tác với Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Phúc trình nêu các trường hợp như vụ giam giữ tùy tiện và tịch thu giấy tờ của chuyên gia luật Trương Thị Hà; thẩm vấn và tịch thu hộ chiếu của nhà hoạt động nhân quyền Đinh Thị Phương Thảo; hay các trường hợp bị cấm xuất cảnh khi tham dự một hội nghị tôn giáo khu vực như trường hợp của bà Nguyễn Xuân Mai, ông Phạm Tấn Hoàng Hải, ông Nguyễn Văn Thiết, ông Trần Ngọc Sương và bà Lương Thị Nở.

Báo cáo Hội đồng Nhân quyền LHQ về Việt Nam 2020.

Phúc trình cũng nhắc đến việc công an thẩm vấn các tín đồ tôn giáo vừa trở về nước sau một hội nghị tự do tôn giáo ở Thái Lan năm 2019: Huỳnh Ngọc Trường (Công giáo), Nguyễn Thị Hoài Phương (Công giáo), Nguyễn Phạm Ái Thùy (Công giáo), Ngô Thị Liên (Công giáo), Hòa thượng Thích Thiện Phúc (Phật giáo), Nay Y Ni (người H’Mông theo đạo Tin lành).

Báo cáo nhắc đến trường hợp chính quyền bắt giam nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Độc lập, và bỏ tù nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển.

LHQ yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình về các trường hợp này và trong phần lớn các phản hồi, chính phủ Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Bản báo cáo trình cho Tổng Thư Ký LHQ về hăm doạ và trả thù đang được thảo luận tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trong phiên họp 45 diễn ra từ ngày 14/9 đến 6/10.

Đại sứ Quốc tế về Nhân quyền của Anh Rita French bày tỏ quan ngại về vi phạm nhân quyền Việt Nam ngày 15/9/2020. Photo UN Web TV

Hôm 15/9, Đại sứ Quốc tế về Nhân quyền của Vương quốc Anh Rita French lên tiếng tại phiên họp của Hội đồng bày tỏ lo ngại về vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Đại sứ French nói:

“Chúng tôi lo ngại về những hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp ở Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi bảo vệ các nhà báo tốt hơn và để mọi công dân có quyền truy cập vào các phương tiện truyền thông tự do, độc lập.”

Đáp lại, một đại diện của đoàn Việt Nam cho rằng những đánh giá về tình hình nhân quyền của Việt Nam như thế là “phiến diện.”

“Điều đáng tiếc là một số phái đoàn đã có những phát biểu phiến diện và thiếu chính đáng, hiểu sai về thực trạng nhân quyền ở Việt Nam.”

Đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng chính quyền có nhiều biện pháp để thực hiện chính sách nhất quán về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, bao gồm quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp.

Đại diện của Đoàn Việt Nam phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngày 15/09/2020. UN Web TV.

Phái đoàn của Hà Nội cũng nhắc lại rằng “không ai ở Việt Nam phải ngồi tù vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, và chỉ những người vi phạm pháp luật mới bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật.”

Từ Hà Nội, chuyên gia luật Trương Thị Hà, nói với VOA Tiếng Việt hôm 18/9 rằng việc LHQ chỉ ra các sai phạm sẽ tạo thêm áp lực để chính quyền Việt Nam cải thiện nhân quyền.

Bà Trương Thị Hà nói:

“LHQ nêu trường hợp của tôi là một việc cần thiết vì chỉ trong nước biết đến trường hợp của tôi thì tôi rất khó có thể đòi lại giấy tờ của tôi.

“Sự can thiệp của LHQ ít nhiều đã gây áp lực nhất định đến chính quyền Việt Nam.”

VOA (18.09.2020)

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ lên tiếng sau khi Mục sư A Đảo được trả tự do

Hình minh hoạ. Mục sư Tin lành A Đảo (trái) và tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển (phải) Photo: RFA

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) hôm 18/9 ra thông cáo báo chí ca ngợi việc Việt Nam trả tự do cho mục sư Tin lành người Thượng là A Đảo, đồng thời kêu gọi Việt Nam nên trả tự do cho một nhà họat động nhân quyền khác là ông Nguyễn Bắc Truyển.

Trong thông cáo báo chí, Uỷ viên USCIRF là ông James W. Carr viết: “Tôi vui mừng là Mục sư A Đảo đã được tự do, mặc dù tôi bày tỏ lo lắng rằng nhà tù đã cướp đi của ông ấy những năm tháng… Tôi hy vọng việc trả tự do này là dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam đang nghiêm túc trong việc cải thiện các điều kiện tự do tôn giáo và sẽ trả tự do cho các cá nhân khác bị giam giữ vì lên tiếng cho tự do tôn giáo, bao gồm ông Nguyễn Bắc Truyển”.

USCIRF thúc giục chính phủ Việt Nam thực hiện các bước đảm bảo giới chức địa phương tôn trọng tự do của Mục sư A Đào và an toàn cho ông khi ông về nhà.

Mục sư A Đảo bị bắt giữ hôm 18/8/2016 khi ông về Việt Nam sau khi dự một hội nghị về tự do tôn giáo ở Đông Timor.

Toà án Nhân dân Gia Lai hôm 28/4/2017 đã tuyên án Mục sư A Đào 5 năm tù về tội nhiều lần tổ chức đưa người Thượng đi Thái Lan trái phép.

Mục sư A Đảo và tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển – người đang chịu án tù 11 năm với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền – là những người được bảo trợ bởi USCIRF trong dự án Tù nhân Tôn giáo của tổ chức này.

Trong các năm qua, USCIRF đã nhiều lần kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) vì tình trạng đàn áp tự do tôn giáo ở Việt Nam.

RFA (18.09.2020)

Tin nhân quyền: Thêm một số vụ bắt bớ

Báo Pháp  Luật TP HCM đưa tin: Lên Facebook xúc phạm lãnh đạo, 1 người bị bắt. Hôm nay, Công an tỉnh Bình Định vừa bắt tạm giam 2 tháng và khám xét nơi ở đối với ông Lê Văn Hải, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Ông Hải bị cáo buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Ông Lê Văn Hải khi bị bắt tạm giam. Ảnh: Công an Bình Định/ PLTP

Tin cho biết, “từ năm 2016  đến nay, ông Hải thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ công khai nhiều bài viết có nội dung xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương”. Nhiều năm nay, ông Hải liên tục khiếu kiện từ Trung ương đến địa phương vụ thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tại phường Nhơn Bình.

Tối nay, Công an quận Tân Phú đã bắt ông Quách Duy, chuyên viên Văn phòng UBND TP.HCM, VietNamNet đưa tin. Ông Quách Duy, cựu chuyên viên của Văn phòng UBND TP bị bắt tạm giam và khởi tố để điều tra, xử lý về hành vi “Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Nhưng thật ra: “Ông Quách Duy bị điều tra vì có một số bài viết trên trang cá nhân xúc phạm lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo cấp cao”.

Ông Quách Duy trước khi bị bắt. Ảnh: Facebook nhân vật

Trước đó, ngày 9/4/2019, ông Quách Duy đã viết bài phê phán cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng ông này liên quan đến sai phạm “đất vàng” ở đường Tôn Thất Thuyết. Đến ngày 23/5/2019, ông Quách Duy bị Sở TT&TT TP HCM phạt. Ngày 28/5/2019, ông Quách Duy cho rằng quyết định xử phạt mình là không đúng quy định pháp luật và kiện Sở TT&TT TP HCM.

Đến ngày 16/9/2019, TAND TP HCM tiến hành xử sơ thẩm và bác đơn kiện của ông Quách Duy. Ông Quách Duy không phục, tiếp tục kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm ngày 10/9/2020 tuyên y án sơ thẩm, bác đơn kháng cáo của ông Duy.

Ông Duy luôn tin tưởng đảng, gần hai năm qua, ông ủng hộ chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng, liên tục đưa tin tức, bằng chứng về các quan tham nhũng ở thành Hồ. Sau một thời gian đưa tin chống tham nhũng trên Facebook, kết quả là, hôm nay ông bị cho “nhập kho” luôn, để ông được “sáng mắt sáng lòng”.

Ở tỉnh Vĩnh Phúc: Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Đảo bị khởi tố điều tra tội vu khống, theo báo Thanh Tra. Tin cho biết, hôm nay 18/9, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Toàn để điều tra tội “Vu khống”.

Trước thềm Đại hội Đảng tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt các xã, thị trấn ở huyện Tam Đảo và cả lãnh đạo các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc và Trung ương nhận được nhiều đơn thư nặc danh tố cáo hành vi vi phạm của lãnh đạo huyện Tam Đảo. Công an tỉnh này đã lập “chuyên án đấu tranh” vì cho rằng đây là hành vi “vu khống”, vậy là có thêm cán bộ “sáng mắt sáng lòng”.

Bị can Nguyễn Mạnh Toàn bị khởi tố về tội vu khống. Ảnh: Công an Vĩnh Phúc/ Thanh Tra

GS Nguyễn Đình Cống viết về luật nhân quả trong vụ án Đồng Tâm: Nhân quả và trả nghiệp“Đã từng có và sẽ còn rất nhiều những người vì tạm thời vô minh mà theo cộng sản, dù đã hoặc chưa gây ra tội lỗi gì, nhưng đã giác ngộ được để từ bỏ, để quay về làm người lương thiện, đứng về phía nhân dân đấu tranh chống độc tài… Đối với những quan tòa xử vụ án Đồng Tâm, một việc có thể làm ngay là thú tội và nói ra cho toàn dân biết sự thật của bản án bỏ túi”.

Về các chiêu trò tra tấn để ép cung, nhà hoạt động Đặng Bích Phượng cho biết“Chị Nguyên Bình kể, ngày xưa ông Tạ Đình Đề bị bắt, nó cho ông vào thùng phuy, đổ nước ngập đến cổ, phơi ra nắng, hoặc cho ông vào thùng phuy rỗng, đậy nắp lại rồi gõ búa vào thùng… cuối cùng ông không chịu nổi, phải nhận tội cho đến khi ra tòa mới phản cung, và quan trọng là nhờ bà chánh án Phùng Lê Trân xét xử công minh, không chịu để công an ép bà”.

BTV Tiếng Dân (Tiếng Dân, 18.09.2020)

TỔNG THƯ KÝ LHQ LÊN ÁN VIỆT NAM VI PHẠM NHÂN QUYỀN

Ngoc Anh Rolland

Tổng Thư Ký LHQ lên tiếng về nhà nước Việt Nam hăm doạ và trả thù người báo cáo vi phạm nhân quyền

Hôm nay, Tổng Thư Ký LHQ công bố bản báo cáo năm 2020 về các hồ sơ bị chính quyền hăm doạ và trả thù vì đã báo cáo vi phạm nhân quyền cho LHQ. Việt Nam và China có cùng số hồ sơ cao nhất trong tất cả các quốc gia: 16.

Đọc bản báo cáo tại đây:
https://www.ohchr.org/…/Issu…/Reprisals/Pages/Reporting.aspx

Theo thống kê từ bản báo cáo, ủy ban về các thủ tục đặc biệt của Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đã liên lạc với 21 nhà nước về các cá nhân bị đe doạ hay bị trả thù, Hội Đồng Nhân Quyền LHQ đã theo dõi các hồ sơ kéo dài nhiều năm với 12 nhà nước, và ủy ban về các định chế nhân quyền LHQ đã lên tiếng với 8 nhà nước. Việt Nam là đối tượng của cả 3 cách lên tiếng đặc biệt trên của LHQ.

Trong bản báo cáo, Tổng Thư Ký LHQ cho biết là nhà nước Việt Nam đã phủ nhận tất cả các vụ việc được nêu ra, lập luận rằng thông tin của LHQ “dựa trên những nguồn không kiểm chứng.”

“LHQ và quốc tế nói chung không lạ lẫm gì với cách trả lời này từ phía nhà nước Việt Nam – nó không mang giá trị nào cả” Ts. Nguyễn Đình Thắng (Giám đốc điều hành, Chủ tịch BPSOS) nhận định. “Ngược lại, bản báo cáo của Tổng Thư Ký LHQ có giá trị và uy tín đáng kể trên trường quốc tế và sẽ được chúng tôi sử dụng trong công cuộc quốc tế vận.”

Bản báo cáo của Tổng Thư Ký LHQ về hăm doạ và trả thù sẽ được thảo luận tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trong phiên họp diễn ra từ ngày 14 tháng 9 đến 6 tháng 10.

Năm 2019, Việt Nam đứng trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu về số hồ sơ bị báo cáo bởi Tổng Thư Ký LHQ; năm nay Việt Nam đã đứng đầu bảng cùng với China. 

(17.09.2020)

Nhân quyền: Chính phủ VN phải giải trình trước LHQ về ‘đe dọa công dân’

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP

Chính phủ Việt Nam đã bị buộc phải lên tiếng về nhiều trường hợp công dân của họ được nêu tên trong báo cáo thường niên về các hoạt động của những chính phủ “có hành động đe dọa và trả đũa các cá nhân, tổ chức” chỉ vì họ hợp tác với Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Báo cáo thường niên năm 2020 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tiết lộ ít nhất 16 người đã bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, thu giữ giấy tờ tùy thân, xét hỏi hoặc theo dõi chặt chẽ từ năm 2019 tới nay.

Các vụ an ninh Việt Nam giữ người trở về tới cửa khẩu để xét hỏi mà không có luật sư hỗ trợ cũng được Liên Hiệp Quốc nêu khá chi tiết.

Đây là báo cáo được trình lên Tổng thư ký LHQ, gồm các bằng chứng thu thập được và lời giải trình của chính phủ Việt Nam, bên cạnh các chính phủ khác trong năm nay, trong hoạt động của LHQ căn cứ vào Nghị quyết nhân quyền HRC 12/2.

Các vụ việc và con người cụ thể

Theo nguyên văn báo cáo này, các trường hợp cụ thể ở Việt Nam gồm có:

Trương Thị Hà: Luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam

Vụ bắt giữ tùy tiện Trương Thị Hà xảy ra vào 26/3/2020, có vẻ là để trả đũa việc cô hợp tác với LHQ đối với hợp tác của bà với LHQ. Tháng 11/2019, Hà đã tham gia một hội thảo do Báo cáo viên Đặc biệt tổ chức – chủ đề về quyền tự do hội họp và hiệp hội hòa bình ở Geneva, nơi cô bày tỏ nỗi sợ hãi bị trả thù và sau đó tham gia với LHQ trong vài tháng tới.

Vào ngày 25/3/2020, Trương Thị Hà dự định trở lại Việt Nam, sau khi làm việc tại LHQ, và dự định sẽ qua biên giới trên bộ tại Cửa khẩu Cha Lo, Dân Hoá để vào Việt Nam. Do Covid-19, cô được cho là đã bị cách ly cùng nhiều người Việt Nam khác trong hai tuần tại một khu tập trung ở Quảng Bình. Tại đây, cô bị chính quyền tịch thu chứng minh thư, bằng lái xe và hộ chiếu, cùng đồ dùng cá nhân. Cô được thả vào ngày 13/4/2020 mà không được trả lại các vật này.

Đinh Thị Phương Thảo: Nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và ủng hộ dân chủ, từng tham gia VOICE, một tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Bà Thảo rời Việt Nam năm 2016 nhưng vẫn tiếp tục vận động thúc đẩy nhân quyền trong nước, tham gia với nhiều cơ chế nhân quyền của LHQ.

Ngày 15/11/2019, bà Thảo về Việt Nam lần đầu kể từ năm 2016. Khi đến sân bay quốc tế Hà Nội, các cán bộ an ninh của Bộ Công an đã bắt và giam giữ bà trong phòng xét hỏi tám tiếng mà không được gặp luật sư và không thể liên lạc với các thành viên trong gia đình.

Bà được thả sau ngày hôm mà không bị buộc tội. Tuy nhiên, giới chức tịch thu hộ chiếu của bà. Bà Thảo cũng bị cản trở trong việc xuất cảnh, trở về nơi cư trú, và trong việc tiếp tục công tác nhân quyền. Bà Thảo phải đối mặt với một chiến dịch tấn công online, được cho là của giới dư luận viên ủng hộ chính phủ thực hiện.

Bà Nguyễn Xuân Mai, ông Phạm Tấn Hoàng Hải, ông Nguyễn Văn Thiết, ông Trần Ngọc Sương và bà Lương Thị Nở:

Họ từng tham gia các hội nghị quốc tế thường niên ở Bangkok về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Đông Nam Á năm 2018. Họ bị cấm bay đến Bangkok từ ngày 28/10 – 1/11/2019, theo lệnh của Bộ Công an hoặc cơ quan công an địa phương. Ông Nguyễn Anh Phụng, người ban đầu dự định tham dự hội nghị, được cho là đã bị thẩm vấn tại nhà để biết thêm thông tin về hội nghị và cuối cùng ông đã không tham dự.

Huỳnh Ngọc Trường (Công giáo), Nguyễn Thị Hoài Phương (Công giáo), Nguyễn Phạm Ái Thùy (Công giáo), Ngô Thị Liên (Công giáo), Venerable Thích Thiện Phúc (Phật giáo), Nay Y Ni (người H’Mông theo Công giáo): Dự hội nghị về tự do tôn giáo năm 2019 tại Bangkok. Trong hội nghị, họ tham dự một khóa đào tạo do Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền (OHCHR) tổ chức, về cách gửi khiếu nại theo các thủ tục đặc biệt.

Ngày 6/11/2019, khi trở lại sân bay quốc tế Đà Nẵng, ông Huỳnh Ngọc Trường, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, bà Nguyễn Phạm Ái Thủy, bà Ngô Thị Liên và Đại đức Thích Thiện Phúc đã bị các nhân viên an ninh thẩm vấn riêng về việc họ tham gia hội nghị, bị hỏi nội dung hội nghị là gì, những người tổ chức và những người tham gia là ai, ai tài trợ cho họ đi và họ đã chia sẻ và đã làm gì tại hội nghị.

Ông Nay Y Ni được cho là đã bị thẩm vấn vào ngày 8-9/11 2019 khi trở về từ Bangkok, và chính quyền khám xét phòng của ông vào ngày 13/11/2019. Sau đó, vào ngày 18/11/2019, ông mất việc tại bệnh viện Bình Dương.

Ngày 14/11/2019, trong bối cảnh người dân Giáo xứ Cồn Dầu bị trục xuất theo lệnh ban hành năm 2011, nhiều công an đã bao vây nhà ông Huỳnh Ngọc Trường và bà Nguyễn Thị Hoài Phương. Lo sợ đây là đòn trả thù vì đã tham gia hội nghị năm 2019 ở Bangkok, họ chạy đến biên giới Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị và định chạy sang Lào. Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Trường đã bị công an tạm giữ và thẩm vấn trước khi vượt biên. Khi được một cảnh sát đưa đến một khách sạn gần đó để nghỉ qua đêm, ông đã bị một nhóm nam giới đánh ngất xỉu và chỉ dừng tay khi có cảnh sát can thiệp. Vào ngày 30 /11/2019, ông Huỳnh Ngọc Trường một lần nữa bị bắt ở cửa khẩu Mộc Bài khi ông đang trên một xe khách chạy tới biên giới Campuchia. Ông bị thẩm vấn trong mười hai giờ về các hoạt động của ông nhằm bảo vệ tự do tôn giáo của giáo dân và về hội nghị năm 2019 tại Bangkok.

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP

Phạm Chí Dũng: Nhà báo tự do, nhà hoạt động sau khi ông bị ngăn cản không cho đến Geneva vào tháng 2/2014 để tham gia một sự kiện bên lề sự kiện Đánh giá định kỳ toàn cầu về Việt Nam.

Ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng bị bắt và bị đưa về nhà để khám xét sau khi ông công khai bày tỏ quan ngại về nhân quyền, sau chuyến thăm của phái đoàn Ủy ban Nghị viện Châu Âu về Thương mại (INTA) vào tháng 11/2019 tới Việt Nam.

Cảnh sát đã buộc ông đăng nhập vào máy tính của mình và in các tài liệu có thể liên quan đến việc vận động của ông. Ông Phạm Chí Dũng bị cho là bị tạm giữ theo Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam về tội “làm, tàng trữ hoặc phổ biến thông tin, tài liệu, tư liệu, vật phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, với khung phạt tù từ 10 – 20 năm.

Nguyễn Bắc Truyển: Nhà hoạt động. Trường hợp của ông Truyển đã được đưa vào báo cáo năm 2019 và 2016 của Tổng thư ký LHQ về cáo buộc ông bị bắt và giam giữ sau chuyến thăm năm 2014 của Báo cáo viên đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng trong nước.

Theo thông tin mà OHCHR nhận được vào tháng 5/2020, ông Nguyễn Bắc Truyển tiếp tục thụ án 11 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ Nhà nước”, cách quê nhà ông 1.600 km, nơi được người thân và luật sư tư vấn pháp luật bị hạn chế đến thăm.

Gia đình nhiều lần yêu cầu chuyển ông đến TP.HCM nhưng đều bị từ chối. Kể từ khi bị bắt vào tháng 7/2017, ông Nguyễn Bắc Truyển được cho là đã không được khám sức khỏe đúng cách, hạn chế đồ ăn và thiết bị tư y tế, tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi. Một bản kiến nghị ngày 18/1/2020 gửi Ban giám thị trại giam An Điềm yêu cầu kiểm tra y tế cho ông được cho là vẫn chưa được trả lời.

Chính phủ Việt Nam phản hồi thế nào?

Ngày 13/7/2020, Chính phủ Việt Nam đã trả lời chi tiết nguyên văn công hàm liên quan đến báo cáo mới đây của Ủy ban Nhân quyền LHQ.

Về Trương Thị Hà, chính phủ Việt Nam nói rằng trong thời gian cách ly bắt buộc, Hà được đối xử như những người khác; các quyền của cô được tôn trọng, bao gồm việc được theo dõi sức khỏe, giữ liên lạc với gia đình, đăng và chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình của cô trên Facebook,được cung cấp chỗ ở và ăn uống đầy đủ. Hiện tại, rương Thị Hà đang tự do và không phải là đối tượng bị tạm giữ, khởi tố hình sự. Vào ngày 19/6/2020, Nhóm công tác về các vụ mất tích do cưỡng chế hoặc không tự nguyện đã quyết định xem xét làm rõ vụ việc.

Về Đinh Thị Phương Thảo: Ngày 18/3/2020, chính phủ Việt Nam phản hồi rằng các cáo buộc nói trên là không chính xác, chủ yếu lấy từ các nguồn tin không có căn cứ và không phản ánh bản chất của vụ việc. Chính phủ Việt Nam thông tin rằng, năm 2015, bà Đinh Thị Phương Thảo bị phạt hành chính về tội xúi giục người dân gây rối trật tự xã hội. Và rằng năm 2019, khi nhập cảnh, bà Thảo bị công an thẩm vấn về hoạt động liên quan đến ‘nhóm khủng bố’ Việt Tân, chứ không phải vì sự hợp tác của bà với LHQ. Chính phủ Việt Nam cũng nói rằng họ không tịch thu hộ chiếu của bà Thảo.

Về các cá nhân tham dự hội nghị quốc tế thường niên năm 2019 tại Bangkok về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam cho hay rằng các cơ quan hữu quan không “đe dọa” hoặc “sách nhiễu” vì họ tham dự hội thảo hoặc hội nghị quốc tế. Và rằng rằng thông tin nói “các thành viên của các cộng đồng tôn giáo độc lập và những người bảo vệ nhân quyền” đã phải đối mặt với các hành vi đe dọa và trả thù, dưới các hình thức đe dọa, quấy rối, hạn chế đi lại, giám sát và hành động bạo lực trước và sau khi tham dự quốc tế thường niên 2019 hội nghị ở Bangkok về tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, là sai sự thật.

Về ông Phạm Chí Dũng: Ngày 18/3/2020, chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng các cáo buộc là không chính xác, lấy từ những nguồn không có căn cứ và không phản ánh bản chất của vụ việc. Chính phủ Việt Nam đã cung cấp thông tin liên quan đến việc ông Phạm Chí Dũng bị giam giữ, bao gồm cơ sở pháp lý cho việc bắt giữ ông, quyền được tư vấn pháp lý và thăm hỏi gia đình, cũng như các điều kiện giam giữ ông.

Vào ngày 13 /7/2020, Chính phủ Việt Nam trả lời chi tiết nguyên văn công hàm liên quan đến báo cáo này, theo đó bác bỏ các cáo buộc liên quan đến ông Phạm Chí Dũng, và nói rằng vào tháng 8/2019, cơ quan công an bắt đầu điều tra hoạt động tạo, lưu trữ và phát tán thông tin, tài liệu, tư liệu chống lại Nhà nước của ông Dũng. Ngày 18/11/2019, cơ quan công an khởi tố vụ án hình sự, ra lệnh tạm giữ, khám xét đối với ông theo Điều 117 BLHS và việc bắt, tạm giam, khám xét nhà được thực hiện đúng quy trình tố tụng hình sự.

Về ông Nguyễn Bắc Truyển, ngày 26/6/2019, chính phủ Việt Nam đã cung cấp thông tin cho Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền LHQ (OHCHR) rằng ông Nguyễn Bắc Truyển đã tham gia thành lập tổ chức nhằm lật đổ chính phủ; và rằng ông bị kết án là do ông phạm pháp chứ không phải vì bị trả thù sau chuyến thăm năm 2014 của Báo cáo viên Nhân viên LHQ. Chính phủ VN cho biết ông Truyền bị giam tại trại giam An Điền, sức khỏe bình thường, được chăm sóc sức khỏe, gia đình được vào thăm và gửi thư. Chính phủ VN tuyên bố rằng sẽ không xem xét yêu cầu chuyển trại giam cho ông.

Tháng 2/2020, đại diện Phái đoàn EU đã đến thăm ông Truyền để hỏi thăm sức khỏe và tình trạng của ông trong tù. Chính phủ Việt Nam cho biết kể đó, do đại dịch COVID-19, các trại giam, bao gồm cả trại giam của ông Truyền, đã từ chối không cho gia đình thăm nom, nhưng các tù nhân vẫn có thể nhận các gói đồ gửi hàng tháng từ gia đình của họ. Các hạn chế này nay đã được dỡ bỏ, theo chính phủ Việt Nam.

Khác biệt cách nhìn

Theo trang của OHCHR, các chính phủ, trong đó có chính phủ Việt Nam được yêu cầu chấm dứt mọi hành vi được định nghĩa là đe dọa (intimidation), và trả thù (reprisal) nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền, hoạt động cộng đồng, luật sư, nhà báo…và thậm chí cả quan chức chính quyền chỉ vì hoạt động của họ trong hợp tác với LHQ trong lĩnh vực nhân quyền. Các nạn nhân có thể gồm cả thân quyết, gia đình, bạn bè hoặc bất cứ ai có liên hệ với họ.

Trong chủ đề nhân quyền giữa chính quyền VN và cộng đồng quốc tế còn có đối thoại nhân quyền giữa Việt Nam và Liên hiệp châu Âu.

Chính phủ Việt Nam luôn nói họ hoan nghênh các cuộc đối thoại nhân quyền nhưng thường xuyên đưa vấn đề an ninh quốc gia và nhu cầu xử lý “các nhóm chống đối”.

Cùng lúc, chính phủ VN luôn nói họ đã đạt rất nhiều thành tưđc trong việc xây dựng “nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp; các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, dân sự, chính trị” và luôn sẵn sàng đối thoại về “vấn đề quyền con người tại các diễn đàn và cơ chế đa phương và một số đề xuất hợp tác cụ thể”.

Phía các nhà hoạt động nhân quyền thì cho rằng hệ thống chính trị độc đảng tại Việt Nam và việc thiếu vắng cơ chế tam quyền phân lập, sự thực rằng không có truyền thông tư nhân và độc lập, khiến cho các vấn đề nhân quyền không được đưa tin, xử lý đúng chuẩn quốc tế.

BBC (17.09.2020)