Henry Nguyễn, một người ủng hộ Biden, cảm thấy rất khó trao đổi về chính trị với cha mẹ mình khi họ nói sẽ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 tới.
Theo kết quả khảo sát do 3 tổ chức về người Mỹ gốc Á thực hiện, được công bố hôm 15/9, tiến hành trên 1.569 cử tri Mỹ gốc Hoa, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Phi Luật Tân, 54% người được hỏi dự định bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, trong khi chỉ 30% ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, người gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất ủng hộ Trump nhiều hơn Biden. Trong số những cử tri gốc Việt đã đăng ký đi bầu, gần một nửa ủng hộ Trump, 1/3 nghiêng về Biden. Đây cũng là nhóm gốc Á duy nhất trong khảo sát thiên về đảng Cộng hòa so với Dân chủ, dù có 34% xác định mình không theo đảng phái nào.
Với Henry Nguyễn, 28 tuổi, kết quả trên là một lời nhắc nhở về sự chia rẽ ngày càng lớn giữa thế hệ trẻ người Việt có quan điểm tự do hơn với thế hệ cha mẹ có quan điểm bảo thủ.
“Thế hệ già hơn họ xuất phát từ trải nghiệm tị nạn”, Henry nói. “Họ tin vào quân đội và bạo lực vì họ bước ra từ chiến tranh”.
Các bảng hiệu tranh cử của Trump tại một trung tâm thương mại Việt Nam ở Falls Church, bang Virginia. Ảnh: Joe Nam Do/DC Mayor’s Office of Asian and Pacific Islander Affairs.
Henry, người tốt nghiệp đại học California tại Los Angeles năm 2015, sống cùng cha mẹ ở Hawthorne, Los Angeles. Dù dành nhiều thời gian đọc tin tức và tham gia các nhóm hoạt động chính trị của người Việt trên Facebook, anh cảm thấy rất khó để bàn luận về chính trị với cha mẹ mình, những người sẽ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 tới.
Henry dự định bỏ phiếu cho Biden, cho hay sự ủng hộ của ứng viên Dân chủ với người khuyết tật là một trong những lý do chính. Những giới hạn hiện nay của Đạo luật Người khuyết tật “khiến những người như tôi khó có cơ hội thực tập hoặc được thăng chức trong công việc”, anh nói.
Lớn lên, Henry cũng có quan điểm bảo thủ do ảnh hưởng từ cha mẹ. Anh chỉ thay đổi khi đã rời khỏi trường đại học. “Hồi trung học, tôi đi theo quan điểm của gia đình và khi học cấp ba, tôi chưa bao giờ thực sự bàn luận về chính trị”, Henry cho biết.
Gina Nguyễn, tân sinh viên đại học Nam California, ở Biloxi, Mississippi, cũng chỉ quan tâm tới chính trị sau khi Trump đắc cử.
“Tôi chắc chắn tin vào biến đổi khí hậu và những vấn đề như quyền của người đồng tính”, Gina nói. “Nhưng thậm chí một số vấn đề nổi cộm nhất bây giờ, như phá thai, cần sa, tôi chưa từng nghĩ tới trước năm 2016″.
Gina cho hay sự thờ ơ với chính trị của mẹ cô là lý do khiến cô chưa bao giờ nghĩ đến chính trị. Dù sang Mỹ định cư năm 1995, đây là năm đầu tiên bà đăng ký bỏ phiếu. Gina cho biết mẹ cô chỉ đăng ký sau khi nghe tin về các vụ cướp phá, bạo loạn trong phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc Black Lives Matter (BLM).
Dù Gina ủng hộ BLM và ở trong nhóm bầu cho Biden, mẹ cô lại bầu cho Trump.
“Tôi đã cố gắng nói chuyện với mẹ về vấn đề này nhưng rất khó”, Gina nói. “Nếu tôi cố gắng giải thích về quan điểm của mình, cuộc trao đổi sẽ biến thành giận dữ và bực tức, nó khiến cho mẹ bị kích động. Vì thế tôi rất sợ nói chuyện về chủ đề này”.
Alex Lưu, một nhà thơ 24 tuổi ở San Gabriel Valley, mô tả mình là “một người dân chủ trong một ngôi nhà đầy người bảo thủ”. Tuy nhiên, anh không lo lắng về việc cha mẹ bỏ phiếu cho Trump vào tháng 11 vì họ không đi bầu.
Cha mẹ của Lưu có khuynh hướng bảo thủ, nhưng họ bức xúc về cách Trump ứng phó chậm trễ với Covid-19. Họ cũng không thích việc ông gọi Covid-19 là “virus Trung cộng” hay “virus Vũ Hán”, làm gia tăng tình trạng thù ghét chống người gốc Á. Tuy nhiên, những cảm xúc này không đủ để khiến họ đi bầu.
“Lần duy nhất họ đi bầu là cho Bill Clinton, vì cha tôi thích cách ông ấy điều hành nền kinh tế khi đó“, Lưu nói. “Do vị thế của tầng lớp trung lưu chúng tôi, họ nghĩ rằng bất kỳ điều gì xảy ra sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến mình trừ khi liên quan đến thuế”.
2/3 cử tri Mỹ gốc Việt cho biết họ xem công việc và nền kinh tế là vấn đề “cực kỳ quan trọng” trong cuộc bầu cử sắp tới. Tỷ lệ này cao hơn tất cả các nhóm còn lại trong khảo sát.
Giống Gina, Lưu sẽ bỏ phiếu cho Biden, dù anh sẽ bầu cho bất kỳ ứng viên nào của đảng Dân chủ. Lưu đánh giá cao các ứng viên ủng hộ cải cách nhà tù, dành nhiều ngân sách hơn cho giáo dục và ủng hộ người da màu. Lưu cũng từng lớn lên với tư tưởng bảo thủ do ảnh hưởng của cha mẹ.
“Cha tôi là người đứng đầu gia đình và các nhóm bạn của ông ấy, vì vậy, rất nhiều điều ông ấy nói, mọi người luôn đồng ý”, Lưu cho hay.
Quan điểm của anh đã thay đổi vào năm cuối trung học, khi lần đầu tiên biểu diễn tại các cuộc thi thơ và nghe về trải nghiệm của những người da màu khác.
“Đó là khi tôi đạt được sự đồng cảm với người khác, tầng lớp khác và cuộc đấu tranh của họ“, Lưu nói. “Tôi và bạn bè không thảo luận về chính trị ở trường”.
Việc thiếu các cuộc thảo luận chính trị là một vấn đề phổ biến trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn tuổi, Joe Nam Do, nhà tổ chức cộng đồng của Văn phòng các vấn đề Châu Á và Đảo Thái Bình Dương của thị trưởng Washington, nói.
“Thật không may, tôi nghĩ rằng rất nhiều người Mỹ gốc Việt thờ ơ và sẽ không bỏ phiếu”, Do nói. “Tôi nghĩ rằng điều này phản ánh những gì bạn thấy rất nhiều ở nước Mỹ: sự nhiệt tình về phía Trump, sự ủng hộ ảm đạm đối với một Biden không truyền được cảm hứng”.
Do cho rằng nhiều cử tri gốc Việt ủng hộ Trump đơn giản chỉ vì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của ông, điều mà Gina cũng nhận thấy ở mẹ cô. Quan hệ với Trung Quốc dường như là một trong những vấn đề quan trọng nhất với các cử tri gốc Việt lớn tuổi.
Trong cuộc khảo sát trên, 1/3 người gốc Việt cho rằng chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á là một vấn đề “cực kỳ quan trọng”, tỷ lệ cao nhất trong số các nhóm gốc Á.
Gina và Henry nhấn mạnh rằng ảnh hưởng từ bạn bè và mạng xã hội đã thúc đẩy chủ nghĩa bảo thủ của người Việt. Trong khi mẹ của Gina thảo luận các vấn đề hiện nay với bạn bè tại chùa của bà, thì cha mẹ của Henry tìm hiểu về chính trị qua các video ủng hộ Trump trên YouTube. Vì cha mẹ anh không được học đại học, họ phát triển quan điểm tiêu cực về vấn đề nhập cư chỉ dựa trên những kênh thông tin kiểu này.
Lưu cho rằng sự thiếu tiếp cận cử tri là một lý do khác khiến cha mẹ anh thờ ơ với bầu cử tổng thống. Khoảng một nửa số người khảo sát cho hay họ đã không được đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hòa liên hệ gì trong năm qua.
“Cha mẹ tôi nghĩ miễn là chúng tôi biết tự chăm sóc bản thân, chúng tôi sẽ ổn. Đất nước này sẽ vận hành như nó vốn có và chúng tôi chỉ cần ổn thôi“, Lưu nói. “Tôi cảm thấy các chính trị gia đã không làm hết sức để nâng cao nhận thức về những vấn đề thực sự ảnh hưởng tới chúng tôi”.
Lưu hy vọng vào một thế hệ trẻ gốc Việt năng động hơn, tích cực hơn về chính trị. “Số phận của đất nước phụ thuộc về sức mạnh của từng cá nhân chúng ta“, Lưu nói. “Tại sao lại lãng phí một thời điểm lịch sử như thế?”.
Theo VietBF