Seite auswählen

Sài Gòn trong mắt người Hà Nội

Sài Gòn trong mắt tôi thật giản dị. Dù Sài Gòn hào nhoáng, hoa lệ nhưng tôi lại yêu Sài Gòn bởi những điều đơn giản, yêu sự chân tình và cởi mở của người Sài Gòn.

Khác với Hà Nội tôi có cảm giác Sài Gòn rất năng động, không bị những lớp áo lễ nghi, gia đạo quàng lên người mình, nhập cuộc rất nhanh với xu hướng thời đại mà không cần rập rình đứng sau, lặng lẽ quan sát một hồi lâu mới dám bắt đầu. Hà Nội và Sài Gòn giống như hai thái cực trái ngược nhau : Một ồn ào – một sâu lắng; Một dữ dội – một êm đềm. Tôi đã đọc được ở đâu đó rằng:

“Ở Sài Gòn không thấy có khái niệm đại gia hay đẳng cấp. Một ông chủ đi mẹc cũng vẫn ngồi vỉa hè ăn, nhậu chứ không cần phải thể hiện đẳng cấp đại gia. Những người sành điệu cũng vẫn ăn hàng cùng với những người lao động chứ không phân bì, so sánh”.

Sự sòng phẳng, thẳng thắn trong các mối quan hệ là điều mà khi sống ở Sài Gòn tôi cảm nhận rất rõ và hài lòng về nó.

Giọng của người Sài Gòn rất đáng yêu, cái đó là chẳng thể chối cãi. Nghe cứ ngọt ngọt, tròn tròn, dễ thương. Cộng thêm tính cách có cái gì đó “chơi chơi”, và sổi nổi, phải công nhận là họ phóng khoáng và “dễ chịu” hơn người Hà Nội rất nhiều.

Người Sài Gòn yêu nhau cũng lạ, không phô trương,cũng không thể hiện. Nó lạ đến mức tôi không biết dùng từ nào để diễn tả được cái “sự lạ” đó. Tôi đã từng sống ở cả hai thành phố này, nhưng thẳng thắn mà nói, sống với người Sài Gòn tôi cảm thấy “dễ chịu” hơn nhiều. Họ hiền hòa, dễ thương, hòa đồng và không khách sáo hình thức như người Hà Nội.

Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng 20 năm sinh sống ở Hà Nội tôi cũng đã yêu vẻ đẹp cổ kính của phố cổ, yêu mùi hương hoa sữa, đôi khi cũng yêu cả nét duyên thầm dịu dàng, khéo léo của con gái Hà Nội. Để đến khi sống ở đây, tôi lại bị Sài Gòn chinh phục. Dĩ nhiên, Hà Nội vẫn mang một nét rất riêng biệt khó quên giống như tình người của người Sài Gòn vậy, nó cũng rất đậm nét và chẳng thể hòa tan.

Hà Nội trong tôi rất đẹp, “đẹp” như người Sài Gòn vậy!

https://danluat.thuvienphapluat.vn/sai-gon-trong-mat-nguoi-ha-noi-162588.aspx

***

C

Cảm nhận của một người Hà Nội về người Sài Gòn

Vô tình đọc được bài cảm nhận của một người Hà Nội viết về người Sài Gòn sau một thời gian anh ta ở đây. Ban đầu anh ta thấy Sài gòn thật xô bồ, chật chội. Nhưng khi gắn bó ở đây một thời gian, anh ta yêu Sài Gòn lúc nào không hay biết.

Bài viết thật hay và đúng như những gì anh ta cảm nhận. Sài Gòn:

Tôi bước chân xuống Tân Sơn Nhất lần đầu cũng đã lâu. Đi taxi về công ty tôi – đường phố đông đúc nhưng mọi người đi có thứ tự. Những tòa nhà cao ốc be bé nằm sát nhau trên đường Nguyễn Văn T… – Nam Kỳ khiến tôi nghĩ Sài Gòn thật xô bồ, lộn xộn. Thế mà từ đó đến giờ đã yêu mất Sài Gòn và người Sài Gòn.

Người Sài Gòn có vài món ăn quen, món đặc biệt nhất là Cơm Tấm. Sáng Cơm Tấm, tối đêm Cơm Tấm. Lâu đi nhậu về là lại thèm một dĩa cơm sườn bì chả, ghé vào vỉa hè, ăn rồi mới leo lên giường ngủ được.

Người Sài gòn sáng cafe ăn sáng vỉa hè, cafe nhạt, kèm theo bình trà và vài ba tờ báo ngồi dưới những hàng cây cao nhìn dòng người qua lại. Đồ ăn sáng Sài Gòn cũng đơn giản, bánh canh, hủ tíu, phở Bắc, phở Hoa, món nào vỉa hè cũng ngon, ngu nhất là ghé vào mấy quán trong nhà, có thương hiệu vì mắc chết mẹ

Người Sài Gòn không có khái niệm đại gia hay đẳng cấp. Một ông chủ đi mẹc cũng vẫn ngồi vỉa hè ăn, nhậu chứ không cần phải thể hiện đẳng cấp đại gia. Những chàng trai, cô gái sành điệu vẫn ăn hàng cùng với những người lao động chứ không phân bì. Miễn là đủ tiền để trả không có người ta đánh cho nhừ xương.

Người Sài Gòn có món nhậu, vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, có tiền cũng nhậu, hết tiền càng phải nhậu. Giầu thì uống rượu Tây, bình dân thì Ken, Sài Gòn đỏ, Tiger (chỉ dành cho những ông già tầm 60 -bữa nào kể cho nghe ), nghèo thì Ngọc Dương, Chuối Hột và vài trái xoài.

Người Sài Gòn không nhậu trưa, chỉ có nhậu từ tối – đêm – sáng. Dân nhậu có câu “Tình thương mến thương”, thấy bàn bên cạnh có anh chàng nói chuyện vui, sang cụng cái, bàn bên kia có cô bé dễ thương đi một mình sang cụng một cái. Cụng qua cụng lại một lúc lại sắp vài bàn vào làm một. Zô là zô là zô là zô. Nhiều người cứ nghĩ rằng nhậu nhẹt ở Sài Gòn là bê tha – người Sài Gòn không thế. Nhậu là chia sẻ, là giải tỏa những gì còn đọng trong ngày, có chút hơi men uống vào cho quên. Sáng dậy lại hòa mình vào cuộc sống và quên đi những chuyện cũ.

Người Sài Gòn yêu nhau cũng lạ, không cần phô trương, thương là đến với nhau. Quen nhau từ bàn nhậu, quen nhau ở quán cafe, quen nhau trong thang máy…cứ thích là thích thôi. Người ta thương nhau, về với nhau là để thế giới bớt đi hai người cô đơn (thế mà anh vẫn cô đơn thế này ) Yêu Gái Sài Gòn không cần phải tỏ tình, cứ rủ đi cafe vài bữa, cho nắm tay, đi xem phim cho thơm, thế là thành bà xã…Tình yêu cũng có hợp tan, nếu hết thương nhau thì lại nhậu, cafe, xem phim…và thêm một mối tình mới.

***

Người Hà Nội ở Sài Gòn(*)

Hồng Phúc

Em ở Sài Gòn mới ra à? Vầng!

Em đi công tác à? Không, em về thăm nhà.

Sao lại vào trong ấy? Dạ, đi làm ạ.

Trong đấy lương cao hơn à? Lương bao nhiêu? Hay em vào đấy lấy chồng? Thế đã có con chưa?…

Những ai vào sống ở Sài Gòn, một ngày về lại Hà Nội có lẽ cũng đã từng gặp một anh lái taxi và bị hỏi chuyện như tôi, và họ nhận ra ngay sự khác biệt. Người Sài Gòn sẽ thấy cách giao tiếp như “hỏi cung” ấy thật kỳ quặc, vì họ đã quen với văn hóa tôn trọng tự do cá nhân. Ngay cả tôi sau mấy năm ở Sài Gòn, khi về lại quê nhà cũng thấy kém thoải mái vì đã quen với những dịch vụ chuyên nghiệp hơn ở Sài Gòn, nơi hầu hết người ta đi làm việc là lo làm việc, không quen thói tọc mạch, nhiều chuyện.

Hầu hết người ở miền Nam biết rằng có một khoảng không cá nhân nơi người khác mà họ không nên bước vào. Bởi vậy, họ hiếm khi hỏi bạn làm lương bao nhiêu, cuộc sống gia đình ra sao, vì họ hiểu đó là sự riêng tư cần thiết. Hồi mới vào Sài Gòn tôi ngỡ ngàng quá xá khi có người giới thiệu: “Đây là ông anh, bà chị xã hội của tôi”. Mãi sau này tôi mới hiểu cái “tính xã hội” trong các mối quan hệ này cực kỳ cao, bởi có khi đã nhậu với nhau cả chục lần rồi người ta vẫn chưa biết rõ ràng nhà bạn ở đâu, bạn làm nghề gì, có hoàn cảnh éo le nào hay không.

Nhóm bạn tứ xứ từ mọi miền đến Sài Gòn sinh sống của chúng tôi mỗi khi tụ tập hay đùa nhau rằng “cái bọn Bắc kỳ” nên kiểm điểm lại “ăn ở thế nào” mà hiếm khi thấy người Nam di cư ra Bắc, toàn chỉ thấy người Bắc vào Nam làm ăn. Từ hàng trăm năm nay, “vào Nam làm ăn” là cụm từ không xa lạ gì với các làng quê Bắc bộ. Tôi hỏi thăm một số người Bắc sống ở Sài Gòn, có người nói là vì họ “thích, nên chuyện chuyển vào sống ở miền Nam chỉ là vấn đề thời gian”. Nhưng số đông hơn thì thừa nhận “đùng một cái là vào”!

Ông chủ một công ty khá lớn là người “Hà Nội gốc” kể anh không định đưa cả gia đình từ Hà Nội vào Sài Gòn, vì ở Hà Nội, anh có biệt thự to đẹp, cuộc sống rất đầy đủ, thuận tiện. Rồi một lần đi gặp đối tác ở quận 7, TPHCM, hỏi giá mấy căn nhà cho vui, ai dè thấy đẹp và rẻ quá nên anh tiện tay đặt cọc luôn. Đi công tác về anh bảo vợ: “Anh mua nhà Sài Gòn rồi nhé”. Vợ anh cứ ngỡ chuyện đùa, còn anh thì bảo với vợ: “Hà Nội khó quá mà Sài Gòn thì dễ quá nên nó hút người ta tự nhiên thôi”. Cả gia đình anh bây giờ đều hài lòng, vui vẻ với ngôi nhà to đẹp ở Sài Gòn. Các cụ cũng thấy mãn nguyện vì hết đau xương khớp vào những mùa đông dài và lạnh. Các con anh thích môi trường học hành, nơi thành tích không bị thúc ép gay gắt như Hà Nội. Một chị bạn tôi chỉ mới “khảo sát tình hình” Sài Gòn có một ngày thôi đã nhất quyết mua nhà vào ở ngay. Chị tấm tắc khen cái “kiểu Sài Gòn”: “Ở đây mua hàng không bị mắng mà còn được người ta tươi cười cám ơn. Cũng là đồng tiền mà có giá trị. Trong này văn minh thật!”.

Còn biết bao lý do chưa biết hết, cũng như chẳng ai đếm đủ có bao nhiêu người Bắc đã di cư vào Nam. Chưa ai làm thống kê này nhưng chắc chắn là rất nhiều. Cứ nhìn những nhà hàng, quán ăn vị Bắc mọc lên ngày càng dày ở Sài Gòn hay giọng Bắc phổ biến ở nơi công cộng thì biết. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Sài Gòn, trong vòng 10 năm qua, mỗi năm dân số ở đô thị này tăng thêm 200.000-400.000 người, và hơn một nửa số người nhập cư đến từ Bắc và Trung bộ.

Tha hương là một ngã rẽ đặc biệt của số phận, nhưng nó không xảy ra với thiểu số người Việt. Chẳng phải đến khi phát hiện ra những người Việt nhập cư trái phép vào nước Anh phải bỏ mạng trong thùng xe tải người ta mới nhận ra di cư là một điều dị thường. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều cuộc di cư lớn từ Bắc vào Nam để lại nhiều cộng đồng đồng hương tại Tây Nguyên, Nam bộ, cao nguyên Nam Trung bộ hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là các cộng đồng di cư đã thành nổi tiếng tại Sài Gòn và ở các nước Mỹ, Úc, Đức, Pháp… Có những nhà nghiên cứu từng cho rằng Việt Nam là dân tộc có “gen di chuyển” vượt trội để sinh tồn.

Tôi cũng là một người di cư ngay trên chính đất nước mình khi từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Sài Gòn từ xưa tới nay được coi là thành phố cởi mở nhất với người nhập cư, cũng là nơi nhiều người tứ phương coi như miền đất hứa. Riêng với người Bắc di cư, người ta nghe thấy những cách gọi “Bắc 75”, “Bắc 54”. Tôi còn thấy một thế hệ “Bắc 2000”. Họ là nhiều người 9x, 8x, 7x và cả 6x “tính chuyện lâu dài” với thành phố này. Họ cũng như tôi, trở thành những cá thể gồm hai mảnh ghép: Hà Nội lắng đọng và Sài Gòn sôi nổi.

Hai mảnh ghép đó thực sự khác nhau rất nhiều. Vì thế mà những người Hà Nội ở Sài Gòn ấy, mỗi lần về lại quê nhà, cảm giác bối rối vì bị khai thác thông tin kiểu như anh lái taxi nhắc ở trên khiến họ mong nhanh nhanh quay lại Sài Gòn. Nhưng ở Sài Gòn, đôi khi bị nghe từ “Bắc kỳ” cùng vẻ mặt khó chịu của ai đó thì lại chạnh lòng nhớ về Hà Nội. Cái khoảng không gian cá nhân vì thế cứ co vào giãn ra mệt nhoài mỗi lần đi về giữa hai thành phố. Một là nhà, nơi có cha mẹ, bà con, bạn bè chung thủy, một thời niên thiếu nhiều kỷ niệm; một là nơi sống và làm việc, được thấy cuộc sống rộng hơn, bầu trời rộng hơn và được là mình nhiều hơn. Một là cảm xúc và mơ mộng, một là lý trí và thực tế. Một là sương giăng phố vắng, một là nắng gió xôn xao. Một là bún riêu cua ốc, một là hủ tiếu bún bò. Một là hoa đào năm ngoái, một là mai cúc chói chang… Cả trăm lần dân xa xứ ngay trên chính quê hương mình như tôi tự hỏi: phải nghiêng về nơi nào? Thôi thì đành cứ yêu Hà Nội nhưng vẫn thích Sài Gòn.

Thích là vì cuộc sống dễ thở hơn, ra đường ít bon chen mệt mỏi hơn, ít bị để ý hơn, dịch vụ thuận tiện, con người đối xử với nhau chân phương. Nhưng thích mới chỉ là một bước trên đường để trở thành yêu, còn có thể trở thành yêu được hay không lại là chuyện khác. Thích mới là điều kiện để khởi động hành trình khám phá, tìm tòi, suy nghĩ, trăn trở và cân đong đo đếm. Nhưng khổ nỗi dù đã thích, khi thấy một bóng cây, một tiếng nhạc, một ngõ hẻm hay tiếng rao, trong lòng người Hà Nội vẫn bất chợt rung lên một nỗi nhớ.

Và, trong yêu mà có nhiều điều không thích; trong thích lại có những điều chưa thể thành yêu. Đó là cái tơ nhện đầy ngang trái của cuộc đời. Và vì cuộc đời luôn đi kèm kịch tính nên vẫn còn biết bao người đang di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn, từ Việt Nam ra nước ngoài để trở thành những người xa xứ. Mỗi ngày của chúng ta tiếp tục là một chuyến du ngoạn, khám phá, thích nghi, tương tác để giữ sáng ngọn lửa của chính mình.

(*) “Người Hà Nội” là cách gọi chung những người đang sống ở Hà Nội mà di chuyển vào Sài Gòn. “Người Sài Gòn” chỉ người miền Nam nói chung đang sống tại Sài Gòn. Tác giả không có hàm ý phân biệt vùng miền trong bài viết.

https://www.thesaigontimes.vn/298975/nguoi-ha-noi-o-sai-gon.html

***

Khác biệt… “sương sương” về Hà Nội và Sài Gòn

Ta cứ tạm dẹp cái sự đẹp đẽ mộng mơ mang tính vĩ mô mà loài người cứ nâng niu nào thì Hà Nội thơ mộng Sài Gòn hào nhoáng, mà tập trung vào sự khác biệt “sương sương” rất mang tính… cà khịa này. Ấy vậy mà ngẫm lại 1 lúc, kiểu gì cũng thấy đúng.

Thật quá thiển cận khi cứ gạch ra những đầu dòng để phân biệt sự khác biệt về phong cách sống giữa 2 miền Nam Bắc. Và chẳng cần phải quá đầu tư quan sát, cũng dễ dàng nhìn thấy một bên phóng khoáng hào sảng, một bên tinh tế lại có phần mực thước thì rõ ràng sự khác biệt nó lắm nhiêu khê, dài dòng kể lể. Nhưng ở đây, trong phạm vi của bài viết, thôi ta cứ tạm dẹp cái sự đẹp đẽ mộng mơ mang tính vĩ mô mà loài người cứ nâng niu nào thì Hà Nội thơ mộng Sài Gòn hào nhoáng, mà tập trung vào sự khác biệt “sương sương” rất mang tính… cà khịa này. Ấy vậy mà ngẫm lại 1 lúc, kiểu gì cũng thấy đúng.

Có 4 câu chuyện phiếm, xin hầu độc giả. Mà đã là chuyện phiếm, thì hay dở thế nào ta cứ dẹp sang một bên đi nhỉ!

1

Hà Nội. Tối thứ 6, trước cửa quán nước ép nghe đâu dân chơi mở, toàn dân chơi đến ủng hộ. Dân chơi đóng cả cành LV hoa văn mới nhất, đi đôi giày Hermes bóng lộn tay đeo Hublot full kim, tay cầm Vertu đỗ xe xịch trước cửa. Một anh khác, kéo cửa con Mec xuống, vẫy cánh tay xăm kín quát chú bé nhân viên: “Mày xi nhan cho anh lùi vào đi, đứng đấy làm cái đ… gì thế?”. Các anh đỗ xe xong, ùa vào bàn giơ đồng hồ chào nhau, thảo luận về khách bùng họ và gái bay phòng náo nhiệt cả mặt tiền quán.

Sài Gòn, 16h chiều ở quán cafe trên đường Hàn Thuyên, 1 chú Ferrari màu đỏ trờ tới. Anh lái xe đen nhẻm bước xuống gọi nước, như đang chờ đợi ai. 10 phút sau, chiếc Grab xe máy chở một anh quần đùi áo phông dép tông chả hiệu gì sất, tay đeo đồng hồ đo nhịp tim đang tháo quai mũ bảo hiểm bước xuống chào anh đen nhẻm, giọng vui vẻ: “Ba Khiêm tới rồi hả mày? Xe ổn chưa, giao luôn chiều nay hen?”. Anh đen nhẻm đứng lên, tay bắt mặt mừng: “Dạ, anh Hai. Em gửi anh chìa khoá ạ, anh chạy có vấn đề gì nói tụi em qua liền”.

Hoá ra, anh quần đùi áo phông trông cùi bắp kia mua tạm cái xe màu đỏ mà gara nhà đang thiếu. Anh đen nhẻm là chủ salon nức tiếng bên quận 2, giao xe qua. Nhà anh quần đùi áo phông bên khu Him Lam, quận 7, nhảy con Grab bike qua vội vì cầu Kênh Tẻ giờ này hay kẹt. Bảo vệ quán cafe thủng thẳng: “Ổng toàn chạy Grab qua đây cafe, còn dàn xe nhà ổng, đậu dọc khúc Hàn Thuyên này chắc không đủ chỗ”. Lát sau, bác tài xế gia đình cũng đứng tuổi tới chạy con Ferrari về quận 7, anh quần đùi áo phông vẫn ngồi đàm đạo về xe với anh đen nhẻm.

Cả 2 anh, vừa đen nhẻm vừa quần đùi áo phông Uniqlo, 1 dàn siêu xe cất nhà, thi thoảng lôi ra đọ cho vui với mấy anh em đam mê tốc độ, hoặc cho bạn mượn đám cưới.

2

Khách hàng từ Hà Nội: Người quen, tin tưởng nhau. Chị hào sảng: Em phải làm cho chị plan hoành tráng hơn bên X, kỹ càng hơn bên Y , xịn hơn bên Z. Làm xong thì gửi cả báo giá chị duyệt luôn nhé. Bỏ hết việc đi tập trung làm cho chị thôi.

Tôi khi làm xong: Alo alo chị ơi, em gửi hơn 1 tháng rồi mà sao không thấy bên chị phản hồi ạ? Alo alo mất sóng à chị ơi?

2 tháng sau, thấy nhãn hàng của chị khai trương đúng theo plan tôi gửi, bài viết giật title chỉ khác có dấu phẩy nhưng content thì chán hơn cả con cháu học mẫu giáo soạn. Tôi thương chị, chắc chị cũng đắn đo lắm khi nhảy chất xám của những agency như tôi, như bên khác và các bên khác nữa.

Khách hàng Sài Gòn: Người lạ, lần đầu hợp tác. Ngoài khoản chi phí trong hợp đồng đã nêu, công ty đối tác ngỏ ý chuyển thêm 1 khoản phát sinh tính vào Phụ lục thưởng vì muốn agency chu toàn cho dự án của công ty anh.

Ngại ngần không muốn nhận, anh bảo “Đừng ngại. Bên em giúp anh hoàn thành sớm tiến độ và hiệu quả nhé!”. Khoản phát sinh này như một phần thưởng treo trên đầu, nó khiến mình chỉ còn một cách duy nhất: Làm thật tốt! Thầm nghĩ quả là cái đầu của một cao nhân, chút phát sinh không đáng là bao, nhưng đẩy hiệu quả lên 100 lần. Lần hợp tác ấy thành công hơn mong đợi, rất nhiều sáng tạo trong công nghệ và nội dung, là ưu ái về cái gọi là Niềm tin, cho đối tác đặc biệt này.

3

Hồi chưa bước chân vào mảnh đất này, tôi hay há hốc miệng ngồi nghe một đàn anh vung ra những chiêu trò hay ho khi sống ở Sài Gòn. Anh tự hào về độ “quái” của dân Hà Nội khi làm ăn ở Sài Gòn, rằng người Sài Gòn lành lắm, vô tư và nhẹ dạ. Làm ăn với người Sài Gòn dễ thắng, vì họ có sao làm vậy, trong khi với cái đầu quái của anh, cái miệng hay nổ của anh, 1 phải bằng 10 bằng 20 chứ đâu đơn giản 1 là 1, 2 là 2 như trong này.

Tài năng không nhiều nhưng nhờ chịu khó luồn lách, anh xin được một chân trong công ty truyền thông lớn, nhờ cái sự quái mà anh hay kể, thì ngoài chức vụ kha khá hiện có, anh tự nhận mình là cánh tay phải đắc lực của tổng giám đốc để câu kéo các dự án khác. Anh lập 1 công ty con để xé lẻ hợp đồng chính của công ty mẹ, và nhận hàng tá job dưới danh nghĩa công ty mẹ. Tổng giám đốc chẳng biết anh là thằng nào, nhưng anh ra ngoài “chém” là thư ký, cánh tay phải để lấy quan hệ. Suốt 1 năm xé dự án của công ty ra ngoài kiếm thêm, anh chuẩn bị mua được căn hộ quận 4 và trở thành tấm gương đổi đời sau khi vào Sài Gòn lập nghiệp của đàn em thơ đang há mồm thần tượng. Thì hôm trước tôi lại nghe về anh, nghe đâu anh đã bị đích danh Tổng giám đốc đuổi thẳng cổ sau khi biết chuyện anh làm ảnh hưởng đến uy tín công ty.

Bị ra khỏi công ty trong nhục nhã, anh có xin vào vài dự án khác nhưng ở đâu anh cũng bị tránh như tránh tà. Hoá ra Sài Gòn rộng thế, nhưng thị trường cũng nhỏ. Càng nhỏ hơn khi cái phốt anh chém, anh nổ nó cứ lan như nước mặc dù không 1 status nhắc đến tên anh, không một cuộc điện thoại ồn ào về anh. Lạ thay, cái cách bài trừ tẩy chay của dân Sài Gòn mà anh vẫn coi là “lành lắm, nhẹ dạ, dễ lừa lắm” – nó cứ âm thầm như nước chảy, mà lại ướt sạch mới đau.

Anh thì vẫn là một tấm gương nức nở trong lòng những đứa đang lập nghiệp ở Sài Gòn như chúng tôi. Dưng mà, chúng tôi nhắc nhở nhau là, ở Sài Gòn ấy, đừng khôn lỏi, đừng coi thường người ở đây bằng mấy chiêu trò rởm đời, và hãy tin rằng không nền tảng nào được xây dựng trên thứ gọi là “quái” cả. Họ biết cả đấy trời ơi! Và mất uy tín một lần, thì sau chắc chắn chơi một mình!

Anh đúng là giờ chơi 1 mình thật, 1 mình một thị trường chợ vùng ven, nơi vợ anh mở sạp quần áo trẻ con ở đấy.

4

Cái người viết bài này cũng là dạng nhõn mười mấy năm lê la đủ mấy chốn đèn xập xình, thôi thì biết từ hồi dân chơi nào Hennessy vsop, nào XO, Ballantine… cho đến chai Vodka Belvedere phát sáng, rồi thì đến văn hoá bắn Dom, ACE ngắm thiên hạ cầm quả bóng nhún nhảy. Đủ cả. Tuy so với các bậc đại thụ thì hèn mọn thôi, nhưng mà để dàn ra cho bạn đọc thì cũng là có ít chữ.

Thị trường bar Hà Nội đang bước vào thời kỳ khá huy hoàng sau gần 10 năm ngủ gục và xếp sau ánh sáng của Sài Gòn hoa lệ. Hàng loạt quán bar, lounge mới mở, mang 1 luồng gió mới pha lẫn chút nghệ thuật, sự chất chát và cả chút chạm trổ của dân xã hội khiến văn hoá nightlife trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Không chỉ thị trường Hà Nội sôi động, sự lấn chiếm của những con người làm 9life Hà Nội vào lãnh địa Sài Gòn – vốn rất cởi mở với những sự kinh doanh và khuyến khích cạnh tranh, đã tạo thành hẳn một trào lưu chơi bar, đi bar style Hà Nội trên đất Sài Gòn. Điều này rất mới, và đã thành công ở một mặt nào đó trong khoảng năm 2017-2019. Những cơn gió mang chất Hà Nội như Kasho, bây giờ là Atmos đã tạo thành cú gờm thực sự đối với dân nightlife Sài thành, vốn an toàn trong cái kén chục năm nay tự tin dẫn đầu về văn hoá đêm.

Về thị trường, có lẽ nên đề cập trong một bài viết khác để độc giả hiểu tường tận hơn. Còn trong phạm vi bài viết này, chúng ta quay trở lại với sự khác biệt “sương sương” giữa phong cách đi chơi, mục đích tận hưởng cuộc vui. Chưa chắc đã đúng hẳn, nhưng tin rằng sẽ có người đập tay đánh đét vào đùi, chợt nhận ra, à, quen quen, gặp rồi, thấy rồi đây!

Tối thứ 6, Ngọc cùng 3 cô bạn đang làm tóc ở tiệm bàn nhau tối nay rủ anh nào đi bar để trả tiền. Ngọc bảo, phải “bắn Dom” (thuật ngữ dân chơi cho những chai Champagne Dom Perignon giá niêm yết trên bar tầm 10 triệu trở lên) để còn chụp ảnh check in. Loại Champagne thường, combo 7 triệu 3 chai thì quá thường so với độ hot và xinh của nàng, còn whisky thì chỉ làm mất mặt. Tuy sành uống thế, nhưng chưa bao giờ cô phải trả tiền cho bữa rượu của mình, luôn có 1 hoặc vài hiệp sĩ thí mạng, lon ton lên thanh toán cái bill tầm 60-70 triệu. Ngọc bảo, con gái đi chơi mà tự trả tiền thì nhục, nhưng vẫn phải sang chảnh chứ.

Ở một diễn biến khác, Tùng nhận được tin nhắn của Ngọc hỏi “Tối nay đi uống hem? Em buồn quá!”. Tùng sốt vó bảo bạn “Đi chơi không? Tối nay tao phải chén được con này, nó có mấy con bạn ngon đấy, anh em dưa góp mỗi đứa 10 củ, lên Z nghe nhạc tí. Yên tâm rượu chúng nó chả uống đâu, gọi để được đứng bàn Vip chụp ảnh cho đẹp thôi, cất đi lấy thẻ hôm sau lên tiếp”.

Dũng , bạn của Tùng giật mình, bảo mới tạch lô tối nay, mày ứng đi mai tao lấy tạm bát họ chỗ ông Nam. Vậy là anh Nam ngày mai lại có thêm 1 khách mới, bốc họ bắn Dom cho sang. Tối nay, Tùng có ấm chén được hay không thì chưa biết, nhưng rượu thì không uống rồi đó, và Ngọc cùng các cô bạn đã ăn nguyên 1 status với 5 chai Dom xanh sáng rực một góc ảnh.

Tùng bấm máy gọi điện book bàn. Quản lý nghe xong, hào hứng chat group: “Khách bắn Dom nhé, cho lấy bàn Vip 1 nhé!”, không quên quay sang bảo bạn “Lom dom gọi rượu bình thường thì chỉ cho đứng khu 2 thôi, hôm nay chắc sĩ gái”.

Cũng là một tối cuối tuần, quán bar XX ở Sài Gòn kín đặc khách. Jess Phương, cô gái Việt kiều đang chán vì chia tay bồ, rủ mấy cô bạn đi uống giải sầu. Vừa lên quán, quản lý vui vẻ đưa khách quen vào bàn Vip, không cần hỏi uống rượu gì vì các cô thường gọi combo 3 chai champagne Belaire, vừa đủ và tiết kiệm. Cuộc vui diễn ra nhanh chóng, vô tư và thoải mái. Xung quanh khu Vip, người thì gọi loại thượng hạng Ace of spades Champagne gold (25 triệu/chai), bàn thì Dom, bàn lại chỉ combo 3 chai 8 triệu như Jess. Nhưng không một ai nhìn sang xem bàn khác “bắn” chai gì. Họ mải tận hưởng cuộc vui ở bàn mình.

Trong góc quán, anh Phong đang ngồi nhâm nhi ly whisky với bạn làm ăn. Hôm nay, hiếm lắm bảo vệ mới thấy chiếc Rolls Royce chở anh qua, bình thường anh hay di chuyển bằng taxi để thoải mái nhậu, tài xế đỡ phải chờ tới đêm. Anh bảo khẽ với quản lý: “Đừng lôi mấy chai ACE với Dom còn thừa ra nhé, hôm nay anh uống whisky”. Chủ quán đứng kế bên cười xoà, tánh anh vẫn vậy, sợ màu mè, hình ảnh.

Ngồi trong góc giống anh Phong cũng có vài anh mặc quần đùi đang nhâm nhi whisky, bàn chuyện làm ăn với đối tác đâu có mấy khúc bất động sản ở Nguyễn Huệ thôi.

Khoảng 1h sáng, Jess và bạn sau một trận quẩy hết nấc, xả hết stress rồi, các cô kêu thanh toán bill. Bill share đều cho từng cô, không ai phải bao ai, không ai kêu trai lên trả tiền. Tất cả vui vẻ đi về, khoác vai bá cổ nhau hẹn weekend tuần tới lại hết nấc.

https://kenh14.vn/khac-biet-suong-suong-ve-ha-noi-va-sai-gon-20191010003147483.chn