Seite auswählen

Một góc nhìn người Việt từ Florida trước thảo luận truyền hình Trump-Biden

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí

Vài ngày trước tranh luận truyền hình đầu tiên của các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ vào ngày 29/09 giờ miền Đông Hoa Kỳ, các vấn đề hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải đối mặt đã được nêu ra.´´

Chụp lại hình ảnh, Một căn nhà bị bão tàn phá ở Hoa Kỳ: Vấn đề kinh tế sẽ là chuyện hai ứng viên Trump và Biden phải tranh luận.

Sau cuộc tranh luận lần đầu giữa ứng viên đảng Cộng hòa, đương kim tổng thống Donald Trump và ứng viên của đảng Dân chủ tối 29/09 ở Cleveland, Ohio, hai ông sẽ còn đối mặt thêm hai lần nữa, vào ngày 15/10 ở Miami, Florida và 22/10 ở Nashville, Tennessee.

Hai ứng viên phó tổng thống, đương kim phó tổng thống Mike Pence và thượng nghị sĩ Kamala Harris cũng sẽ có cuộc tranh luận truyền hình ngày 7/10 ở Salt Lake City, Utah.

Các cuộc tranh luận này đều được tổ chức vào 21:00-22:30 giờ miền Đông Hoa Kỳ (02:00-03:30GMT).

Các vấn đề được nêu ra là ‘thành tích’ của các ứng viên Donald Trump và Joe Biden, vai trò của Tối cao Pháp viện Liên bang, Covid-19, bạo loạn chủng tộc và kinh tế.

TS Phạm Đỗ Chí, thành viên của Nhóm TAPA (Vietnamese Americans for “Trump As President Again”) ủng hộ TT Donald Trump, trả lời BBC vì sao ông nghĩ ông Trump là ứng viên xứng đáng hơn ông Joe Biden:

BBC News Tiếng Việt:Thưa tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, trước khi đi vào các vấn đề lớn liên quan đến cuộc tranh luận đầu giữa hai ứng viên tổng thống, xin ông mô tả không khí tại Florida, nơi ông đang sống hiện ra sao?

Chỉ còn gần 5 tuần là đến ngày bầu cử trọng đại của nước Mỹ, tôi nhận thấy không khí nóng hực hẳn lên trong những cuộc tranh luận cá nhân hay trên các phương tiện truyền thông. Nhưng điểm đặc biệt nhất là vắng bóng các “signs” quảng cáo của hai ứng cử viên Tổng thống ở trên các bãi cỏ trước nhà, như trong các mùa tranh cử trước đây. Tôi thấy có thể giải thích là do không khí bạo loạn thiếu an ninh của nhiều thành phố Mỹ hiện nay, dân chúng cảm thấy cần “kín đáo” hơn về quan điểm chính trị, “pro” (ủng hộ) hay “against” (chống lại) các ứng cử viên năm nay.

Cũng xin kể luôn rằng nhân cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống đầu tiên này, chúng tôi tóm tắt một số vấn đề quan trọng đang được đặt ra, theo quan điểm của của tôi và các cộng sự từ TAPA, tổ chức đã và đang đứng ra làm các hoạt động ủng hộ cho ông Donald Trump, thì có bốn điểm chính theo thứ hạng ưu tiên:

Một là luật pháp và trật tự phải được thiết lập lại với bốn năm nữa của TT Trump.

Hai là nền kinh tế PHẢI được lãnh đạo bởi TT Trump để thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay và thất nghiệp nặng nề do đại dịch gây ra.

Ba là về chính sách đối ngoại: Hoa Kỳ phải mạnh mẽ và quả quyết trở lại, để đảo ngược sự hung hăng của Trung cộng (TC) trong các vấn đề kinh tế (qua vấn đề thương mại không công bằng) và các hoạt động quân sự ở Biển Đông, đặc biệt đáng chú ý với việc chống lại Việt Nam, Đài Loan và Phi Luật Tân.

Tương tự như vậy, hiện nay chúng tôi đã có nhận thức đầy đủ và mạnh mẽ chống lại sự “xâm lăng” từng bước của chủ nghĩa xã hội trong xã hội Mỹ, đặc biệt là trong giới trẻ.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TAPA. Chụp lại hình ảnh,Có nhiều người Mỹ gốc Á ủng hộ ông Trump.

Chính sách của TT Trump nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung cộng cộng sản trên khắp châu Á: công khai lên án chủ nghĩa xã hội, bày tỏ sự thân thiện với Đài Loan, ủng hộ mạnh mẽ nền dân chủ ở Hong Kong, và phủ nhận yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung cộng ở Biển Đông, làm vươn lên hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Châu Á, những bạn bè và những người thân của chúng tôi.

Và bốn là an ninh biên giới: đây cũng là một vấn đề quan trọng vì chính quyền Biden sẽ dung túng cho người nhập cư bất hợp pháp, và các chi tiêu lớn cho giới này thông qua các chương trình “entitlements” ở các tiểu bang miền Tây, để sau này dễ mua thêm phiếu bầu ở cấp quốc gia và địa phương, như đã thấy trong những năm qua và có thể xảy ra qua các cuộc bầu cử sắp tới.

BBC News Tiếng Việt: Cuộc sống và kinh nghiệm của một người Mỹ gốc Á tại Hoa Kỳ có được khả quan hơn không kể từ khi ông Trump trở thành tổng thống?

Cuộc sống của người Mỹ gốc Á châu đã được cải thiện đáng kể dưới thời TT Trump với một nền kinh tế mạnh, cung cấp nhiều cơ hội kinh doanh và việc làm trước khi cơn đại dịch xảy ra. Và chúng tôi đặt hy vọng cùng niềm tin mạnh mẽ rằng chỉ với những chính sách đã tuyên bố của TT Trump mới có thể giúp tất cả chúng ta thoát khỏi cuộc suy thoái hiện tại một cách nhanh chóng.

Ngược lại, một chính quyền Biden với việc cổ xúy tăng thuế má, đặc biệt là đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ kéo dài suy thoái này lâu hơn cho đến năm 2021 và xa hơn nữa.

Cá nhân chúng tôi, gồm công việc và đời sống kinh tế, được khả quan hơn dưới thời TT Trump trong ba năm rưỡi vừa qua. Quan trọng nhất, chúng tôi cảm thấy yên tâm với lương hưu của mình nhờ thị trường chứng khoán Mỹ đã lên mạnh mẽ và có dấu hiệu ổn định nếu TT Trump được tiếp tục trong nhiệm kỳ tới.

Xin chỉ đơn giản tóm tắt rằng đối với Người Mỹ gốc Á, nếu không phải là đúng cho cả Người Mỹ bản xứ, phương châm chính (“Moto”) cho cuộc bầu cử này là: Việc Làm và Lương Hưu. Bạn nên suy nghĩ lại, nếu bạn đã từng nghĩ đến việc thay đổi quan điểm, để ủng hộ cho ứng cử viên Biden.

BBC News Tiếng Việt: Ông nghĩ sao về những chỉ trích rằng ông Trump “bất xứng”, vì sự điều hành quốc gia, các phát biểu bất ổn về dịch Covid-19, về chủng tộc mà phe phê phán ông ấy nói là chỉ đổ dầu vào lửa cho tình hình xung khắc chủng tộc ở Mỹ?

Chúng tôi nghĩ rằng đây là một ngộ nhận to lớn gây ra bởi giới truyền thông thiên tả ở Hoa Kỳ từ ngày đầu của nhiệm kỳ TT Trump. Họ đã phủ nhận hoàn toàn các thành công to lớn của CP Trump cho nền kinh tế tăng trưởng cao (3%-4%), nạn thất nghiệp thấp kỷ lục (3.5% vào tháng 2/2020) trước đại dịch, đã giúp cho xã hội tương đối ổn định với công ăn việc làm cho các nhóm thiểu số v.v…

Khi nạn dịch COVID-19 bắt đầu vào tháng 1/2020, do sự dấu diếm nguồn gốc và các tin tức sai lệch (disinformation) của Trung cộng, Tổng thống Trump đã ra các quyết định mạnh mẽ ngăn chặn lập tức các chuyến bay từ TC, và sau đó từ Âu châu, bất chấp những phản đối ban đầu từ chính ông Biden và các lãnh tụ Đảng Dân chủ khác. Các chỉ trích về tuyên bố ban đầu của TT Trump, làm nhẹ bớt tình hình nguy hiểm của nạn dịch, là bất công. Vì ở cương vị một nhà lãnh đạo, ông không thể gây “panic” (hoảng loạn) có thể làm xáo trộn thị trường chứng khoán và nền kinh tế một cách vô ích và quá sớm.

Một thời gian ngắn sau, lúc nạn dịch đã được hiểu rõ hơn, Chính phủ Trump đã nhanh chóng quyết định các biện pháp ngăn chặn, như sản xuất các dụng cụ y tế phòng chống, xét nghiệm và chữa trị, mà khó một chính phủ Dân chủ tại chức có thể bì kịp. Không cần phải nói thêm, triển vọng gần về các loại vắc-xin phòng ngừa bệnh dưới sự thúc đẩy tích cực của Chính phủ Trump sẽ giúp ích cho tiến trình này.

Chỉ trích là TT Trump đã “đổ dầu vào lửa” cho những tuyên bố về xung khắc chủng tộc lại càng bất công hơm nữa bởi nhóm truyền thông thiên tả. Các bạo loạn liên tiếp xảy ra từ cái chết đáng tiếc của một người da màu không phải do lỗi của ông. Thái độ cương quyết lập lại trật tự và những tuyên bố cứng rắn trong vấn đề này của Tổng thống Trump dần được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ. Chính ông Biden cũng nhận ra và đã phải thay đổi lập trường, từ khuyến khích biểu tình ban đầu đến kêu gọi chấm dứt bạo động.

NGUỒN HÌNH ẢNH,ABC Chụp lại hình ảnh,Đang có hoạt động khuyến khích người Mỹ gốc Việt đi bầu đông và trực tiếp, thay vì gửi phiếu bầu bằng thư.

BBC News Tiếng Việt: Tình hình chung hiện ra sao, ông thấy lo ngại điều gì và định làm gì? Nhất là trước cuộc tranh luận 29/09?

Trong thời gian ngắn còn lại trước bầu cử, tình hình chung là mọi người e ngại sự gian lậu trong bầu cử có thể xảy ra, do việc Đảng Dân chủ đòi hỏi và thúc dục việc bầu bằng thư thay vì ra phòng phiếu bầu trực tiếp—nhất là trong những tiểu bang có lãnh đạo thuộc Đảng này. Diễn biến mới nhất tạo sự e ngại như chính Tổng thống Trump nói là đã tìm thấy một số phiếu bầu trước qua đường bưu điện bỏ cho ông bị vứt trong thùng rác.

Cũng trong tinh thần này, việc TT Trump đề nghị gấp rút ứng cử viên Bà Amy C. Barrett thay thế Bà Ruth B. Ginsburg vừa mất để bổ sung kịp thời cho Tối Cao Pháp Viện Mỹ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong trường hợp có khúc mắc gian lận hay chậm trễ xảy ra do đếm phiếu bằng thư gửi qua bưu điện, Tòa sẽ đóng vai trò quyết định ai là người thắng cử.

Trong phạm vi hoạt động của nhóm chúng tôi, TAPA đang tổ chức những buổi họp mặt cuối tuần, nhất là trong các tiểu bang “chiến trường” nơi có nhiều người Việt, khuyến khích người Mỹ gốc Việt đi bầu đông và trực tiếp, thay vì gửi phiếu bầu bằng thư.

BBC News Tiếng Việt: Các chính sách của TT Trump theo ông đã và đang tác động đến Việt Nam, Trung cộng ra sao? Nếu tái đắc cử ông Trump sẽ làm gì?

Về phương diện chính sách đối ngoại trong quá khứ cũng như tương lai của Hoa Kỳ, chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ nhất thái độ cứng rắn của TT Trump với TC qua việc siết chặt “Thế Cờ Vây Kinh Tế” như đã làm từ hai năm qua, cũng như các biện pháp quân sự quyết liệt ở Biển Đông từ vài tháng nay để bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng.

Việc này cũng sẽ đóng vai trò tích cực cho việc bảo toàn lãnh thổ của Việt Nam chống lại sự hung hãn bành trướng của TC, từ lâu đã công khai xây dựng bất hợp pháp các căn cứ quân sự trên lãnh hải VN, hay ngăn chặn quyền khai thác dầu khí và ngư nghiệp của Việt Nam. Sự ủng hộ của chúng tôi là tất yếu với TT Trump, vì sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quê hương xưa cũ của chúng tôi.

Chính thái độ rõ ràng này của TT Trump cũng khiến ông Biden phải thay đổi dần thái độ, mới đây cũng đã phải tuyên bố chính thức sẽ “cứng rắn với TC”, vì ông hiểu dân chúng Mỹ từ nay đã rất cương quyết đề phòng chống lại Trung cộng dù dưới bất cứ chính phủ mới nào. Từ chính sách thương mại bất công lợi dụng của Trung cộng, không tôn trọng sở hữu trí tuệ, xâm nhập an ninh mạng và các hoạt động gián điệp, hay mới đây dấu diếm hay loan truyền tin thất thiệt về đại dịch COVID-19 đã gây tổn hại nặng nề về sinh mạng và kinh tế cho Mỹ…

Tuy nhiên chúng tôi vẫn không thể chấp nhận thái độ nửa vời của ông Biden với TC, những tuyên bố mơ hồ ngây thơ với chính sách TC (kiểu đại loại như “TC là bạn tốt của Mỹ”…)…

Một chính quyền Biden sẽ thiên về Trung cộng và giúp cho Trung cộng mỗi ngày càng tăng ảnh hưởng trong đời sống của Hoa Kỳ, đó là tôi chưa đề cập đến nguy cơ của việc “mua ảnh hưởng hiện tại” của Trung cộng trong các chính trị gia và giới truyền thông Mỹ.

Nhìn xa hơn nữa, chúng tôi e ngại sự xâm nhập của Chủ nghĩa Xã hội vào đất nước Hoa Kỳ, ảnh hưởng gia tăng của Trung cộng qua các khía cạnh khác về xã hội, giáo dục và văn hoá, như bài diễn văn mới đây của Tổng thống Trump trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 75 đã nêu rõ.

Theo thiển ý, chỉ có Tổng thống Trump mới ngăn chặn được các xu hướng này cho 4 năm tới đây trong nhiệm kỳ mới có thể của ông.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, Cựu Chuyên gia cao cấp IMF hiện sống tại Florida, Hoa Kỳ.

BBC (28.09.2020)

Tại Michigan, Tổng thống Trump chinh phục những cử tri gốc Việt từng khước từ ông

Hoàng Long, Photo: Reuters

STERLING HEIGHTS, Mich. — Ông Michael Nguyễn nhớ lại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Những thay đổi trong bốn năm qua khiến ông hối tiếc về sự lựa chọn của mình. Ông ngạc nhiên là ông đã thuyết phục vợ cùng bỏ phiếu cho ứng cử viên ấy, điều mà giờ đây ông cảm thấy là một “sai lầm.” Ông ủng hộ ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Trong căn nhà khang trang của mình ở ngoại ô phía bắc thành phố Detroit, kĩ sư điện 54 tuổi này chia sẻ những suy nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Ông không bận tâm về quá khứ nữa vì tương lai quan trọng hơn. Những gì ông chứng kiến trong gần bốn năm qua khiến ông tin tưởng vào sự lựa chọn mà ông sẽ đưa ra tại phòng phiếu vào ngày 3 tháng 11. Lần này ông sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Donald Trump.

“Kinh tế mình tin tưởng ổng, luật pháp và trật tự mình tin tưởng ổng, chống chế độ độc tài của cộng sản thế giới mình tin tưởng ổng,” ông Michael liệt kê những điều mà ông xem là quan trọng nhất khi quyết định lá phiếu. Ông nói vị Tổng thống Đảng Cộng hòa đã thực hiện được phần lớn những lời hứa lúc tranh cử, xóa tan những nghi ngờ ban đầu của ông về một ứng cử viên “nói nhiều quá không biết có làm được hay không.”

Ông Michael Nguyễn đứng trước nhà của ông trong một khu dân cư khá giả ở thành phố Sterling Heights, bang Michigan, ngày 12 tháng 9, 2020.

Tổng thống Trump đang trông cậy vào lá phiếu của những cử tri như ông Michael, những người đang góp phần tạo thành một liên minh mà ông tin là có thể giúp ông giành chiến thắng một lần nữa tại bang Michigan hệ trọng ở vùng Trung tây trong lúc chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang vào chặng cuối.

Tại những địa phương thuộc Quận Macomb, có những chỉ dấu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ông Trump. Những bảng tên liên danh tranh cử Trump-Pence nổi bật trên những bãi cỏ xanh mướt được tỉa tót chỉnh tề trong một số khu dân cư ở Sterling Heights và Warren. Chúng xuất hiện nhiều hơn những bảng tên của liên danh ứng cử viên tổng thống và phó tổng thống Đảng Dân chủ là Joe Biden và Kamala Harris dọc theo những con đường mà phóng viên VOA đi qua.

Những cuộc phỏng vấn và trò chuyện với hai chục người Mỹ gốc Việt sinh sống tại những quận giáp ranh Detroit cũng cho thấy ông Trump dường như xác lập được vị thế vững chắc trong khối cử tri gốc Việt, dù khối này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số cử tri ở Michigan. Đại đa số cho biết họ hài lòng về đường hướng của đất nước dưới sự điều hành của Tổng thống và không đắn đo về quyết định bỏ phiếu cho ông.

Gần như tất cả những người ủng hộ vẫn xem ông Trump là ‘người ngoại cuộc’ mà nước Mỹ cần có để làm xáo trộn hệ thống chính trị ở Washington. Họ tán dương sự ngang tàng không kiêng nể của ông, đề cao hành động hơn là lời nói. Họ thông cảm cho cách ông Trump ứng phó đại dịch virus corona mà họ nói là vượt ngoài tầm kiểm soát của ông. Và cũng như Tổng thống, họ bất mãn cao độ với điều mà họ cho là sự xuyên tạc của giới truyền thông khi đưa tin về ông cũng như sự cản trở của phe Dân chủ.

“Cái cách mà ông ấy điều hành mọi việc, ông ấy không bảo vệ hình ảnh của mình, ông ấy tin tưởng vào những gì mình sẽ làm, vào mục tiêu của ông ấy. Vì thế điều đó tốt cho đất nước,” một cử tri nữ gốc Việt 59 tuổi ở Clarkston nói bằng tiếng Anh, yêu cầu được ẩn danh để có thể thẳng thắn chia sẻ suy nghĩ của mình.

Củng cố và mở rộng cơ sở ủng hộ

Nếu như chiến lược giành chiến thắng năm 2016 của ông Trump chú trọng vào những lời hứa hẹn mang tính dân túy để thu hút lá phiếu của cử tri thuộc tầng lớp lao động, chiến lược năm 2020 xoáy mạnh vào thông điệp “giữ lời hứa” để củng cố sự ủng hộ nòng cốt và thuyết phục thêm những cử tri từng bỏ phiếu cho người khác bốn năm về trước.

Những tấm bảng thể hiện sự ủng hộ liên danh tranh cử Trump-Pence trong một số khu dân ở Warren và Sterling Heights, Michigan

Chiến lược đó được phía ông Trump tin là có thể giúp đem lại chiến thắng mang tính quyết định tại các bang chiến trường hệ trọng, nơi mà khuynh hướng ủng hộ dao động giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa qua từng chu kì bầu cử và các ứng cử viên tổng thống cạnh tranh quyết liệt trong những cuộc đua sít sao.

Tại Michigan, ông Trump gây sốc khi đánh bại bà Clinton trong cuộc đua năm 2016 với cách biệt chỉ 0,2%, thấp nhất về tổng số phiếu bầu phổ thông trong số 50 bang của Mỹ. Chiến thắng này làm sụp đổ một phần “Bức tường Xanh” của phe Dân chủ thống trị hai thập niên ở vùng Trung tây và đóng góp 16 phiếu Đại cử tri vào chiến thắng Cử tri Đoàn của ông.

Quận Macomb, địa hạt đông dân thứ ba của Michigan và có nhiều cư dân gốc Việt sinh sống, được các chuyên gia phân tích bầu cử nhận định là nơi đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong chiến thắng bất ngờ của ông Trump ở Michigan. Ông vượt qua bà Clinton với cách biệt 48.348 phiếu ở quận này; trên toàn bang ông nhỉnh hơn đối thủ Đảng Dân chủ chỉ 10.704 phiếu.

“Với cách biệt quá sít sao vào năm 2016, cả hai chiến dịch tranh cử sẽ tìm cách thu hút phiếu bầu từ mọi ngóc ngách của bang và từ mọi cộng đồng mà họ có thể trong năm 2020,” David Dulio, Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Oakland ở thành phố Rochester, nói. “Nếu Tổng thống Trump cải thiện tỉ lệ ủng hộ của mình với bất cứ nhóm nào thì điều đó sẽ giúp ông ấy.”

Chưa rõ liệu phiếu bầu của một nhóm cử tri như cử tri gốc Việt có giúp ấn định chiến thắng cho ông Trump hay không và điều này chỉ có thể biết được khi tất cả phiếu được đếm, Giáo sư Dulio nói thêm.

Ông Trump dường như đã mở rộng đáng kể sự ủng hộ dành cho ông trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Một cuộc khảo sát ý kiến cử tri gốc Á do ba tổ chức AAPI Data, Asian Americans Advancing Justice, và APIAVote công bố vào giữa tháng 9 cho thấy người Việt dẫn đầu các nhóm sắc dân có quan điểm tích cực về Tổng thống, với 53% cho biết “rất có thiện cảm” và “ít nhiều có thiện cảm.”

48% người gốc Việt được hỏi ý kiến trong cuộc khảo sát này nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, cao nhất trong số các nhóm sắc dân gốc Á, trong khi 36% nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Biden và 16% không biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Kết quả này gần như là sự đảo ngược so với kết quả của một cuộc khảo sát người Mỹ gốc Á toàn quốc sau cuộc bầu cử năm 2016, trong đó 61% cử tri người Việt nói họ bỏ phiếu cho bà Clinton trong khi 34% nói họ bỏ phiếu cho ông Trump.

Trong một tiệm phở ở thành phố Madison Heights, ông Lâm Nguyễn hào hứng kể lại trải nghiệm của ông đi dự một buổi vận động tranh cử của ông Trump ở Quận Saginaw vài ngày trước. Đó là lần đầu tiên ông tham dự một cuộc tập hợp chính trị của một ứng cử viên tổng thống. Không khí cổ động tưng bừng và lối nói chuyện bình dân của ông Trump nhắc ông nhớ vì sao ông ủng hộ vị tổng thống này: sự khác biệt.

“Ông bà già xưa nói, ‘Lời thật hay bị mất lòng.’ Tôi nghĩ cá tính của ông Trump thật sự cũng rất là hay đối với một vị tổng thống, có sao nói vậy, không sợ mích lòng ai,” ông nhận định. “Đó là một tổng thống mạnh mẽ.”

Ông Lâm, 51 tuổi, cư dân ở Rochester, cho biết ông từng bỏ phiếu cho bà Clinton và cựu Tổng thống Barack Obama. Ông nói ông dành sự ủng hộ cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay vì ông thấy Tổng thống “hứa rất nhiều và làm được rất nhiều,” đặc biệt là những chính sách mà ông tin là giúp ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc mà những tổng thống tiền nhiệm không làm được.

Tổng thống Trump phát biểu trước những người ủng hộ trong một buổi tập hợp vận động tranh cử tại Sân bay Quốc tế MBS ở Freeland, Michigan, ngày 10 tháng 9, 2020.

Chống chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội và Trung Quốc là những thông điệp khơi gợi sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, nơi hàng trăm ngàn người tị nạn rời bỏ Việt Nam đến định cư khi phe cộng sản kiểm soát Sài Gòn vào năm 1975. Quá khứ vẫn phủ bóng lên tâm thức chính trị của nhiều người và là một động lực mạnh mẽ thôi thúc họ đi đến phòng phiếu.

Bà Nguyễn Mạch Thắng, 73 tuổi, cư dân ở Hazel Park, mô tả cuộc bầu cử năm nay là sự lựa chọn giữa ‘chính nghĩa và gian tà.’ Bà kinh hãi trước điều mà bà xem là sự trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ với những nhân vật cánh tả cấp tiến thu hút đông đảo người ủng hộ, một số đã công khai ủng hộ ông Biden. Nó khơi lên trong bà những kí ức “đau đớn nhất” của gia đình bà ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1950.

“Bác của tôi là bà Nguyễn Thị Năm đã bị cộng sản tố khổ và bị bắn,” bà nói, nhắc tới địa chủ đầu tiên bị hành quyết trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất. “Bác tôi hi sinh đủ mọi thứ hết để nuôi [cán bộ Việt Minh]… Hồ Chí Minh cũng rất là thân cận với bác tôi. Gia đình tôi nói là bà chị thương yêu nhất của Hồ Chí Minh mà rốt cục về sau bị tố khổ đầu tiên hết.”

Quá khứ vẫn ám ảnh tương lai, bà tin ông Trump là sự lựa chọn đạo đức duy nhất trong cuộc bầu cử này và nước Mỹ “coi như xong” nếu như ông Biden đắc cử. “Cộng sản đối với tôi không thể nào đội trời chung được, nói thật là tôi chấp nhận chiến đấu cho tới cùng,” bà khẳng định.

Ban vận động tranh cử Trump đã sớm nhận ra sự ủng hộ to lớn của người Việt đối với Tổng thống và đang đầu tư vào những nỗ lực nhằm giúp củng cố và tăng cường vị thế của ông trong khối cử tri này. Một quan chức cao cấp của ban vận động nói với VOA “hàng ngàn tình nguyện viên người Việt” đang nỗ lực vận động cử tri bằng cách giúp họ đăng kí bầu cử, gõ cửa từng nhà và gọi điện thoại.

“Chúng tôi cũng tổ chức những buổi tập huấn Trump Victory Leadership Initiative (Sáng kiến Lãnh đạo Chiến thắng của Trump) và các buổi gặp gỡ bằng tiếng Việt,” quan chức này nói.

Ban vận động Trump cũng đang liên kết ông Biden, người có lập trường chính trị ôn hòa, với các chính trị gia cánh tả nổi bật của Mỹ trong một thông điệp xoáy mạnh vào tâm lý chống chủ nghĩa xã hội nơi nhiều cử tri gốc Việt.

“Joe Biden đang hợp sức với những người theo chủ nghĩa xã hội có tiếng như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu [Alexandra Ocasio-Cortez] để tạo nên một chủ trương cấp tiến mà sẽ tăng thuế thêm 4 ngàn tỉ đôla, giết chết công ăn việc làm với chính sách Green New Deal viển vông, và đe dọa sự phục hồi kinh tế của chúng ta sau đại dịch,” Courtney Parella, phó thư ký báo chí quốc gia của ban vận động Trump, nói trong một phát biểu gửi cho VOA qua email.

“Người Mỹ gốc Việt hiểu rõ những nguy hại của chủ nghĩa xã hội và tầm quan trọng của thương mại tự do, và họ biết rằng Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo duy nhất sẽ bảo vệ các quyền tự do của chúng ta và bảo đảm rằng mỗi một người trong chúng ta đều có cơ hội theo đuổi Giấc mơ Mỹ.”

Ban vận động Biden không hồi đáp những yêu cầu của VOA bình luận về phát biểu của ban vận động Trump.

Gió ngược chiều ở Michigan

Dù cơ sở ủng hộ của ông Trump ở Michigan vẫn vững mạnh và việc ông chiếm được cảm tình của một số cử tri từng bỏ phiếu cho bà Clinton là tín hiệu tích cực cho cơ may tái đắc cử, song có phần chắc ban vận động của ông sẽ phải nỗ lực hơn nữa để lặp lại chiến thắng sít sao như hồi năm 2016 vì lợi thế đang thuộc về ông Biden vào thời điểm này trong cuộc đua ở Michigan.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi EPIC-MRA công bố vào tuần trước cho thấy ông Biden dẫn trước ông Trump với tỉ lệ 48%-40% với phạm vi sai số cộng trừ 4 điểm phần trăm. Cách biệt 8 điểm phần trăm này, dù đáng kể, đã sụt xuống từ mức 11 điểm vào tháng 7 và 16 điểm mà ông Biden đạt được vào tháng 6, một dấu hiệu cho thấy cuộc đua ở Michigan vẫn mang tính cạnh tranh, theo báo Detroit Free Press.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử ở Warren, Michigan, ngày 9 tháng 9, 2020.

Website chuyên phân tích bầu cử phi đảng phái FiveThirtyEight tính toán tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Biden và ông Trump ở Michigan theo thứ tự là 49,7% và 42,9% tính đến ngày 26 tháng 9. Tỉ lệ này là trung bình kết quả tổng hợp từ hơn 90 cuộc khảo sát ý kiến được thực hiện kể từ tháng 1 năm 2019 khi chiến dịch vận động bầu cử sơ bộ của phe Dân chủ bắt đầu cho tới nay.

“Nếu chúng ta tin những cuộc khảo sát này là đúng, vị thế của Tổng thống hiện thời không như ông ấy mong muốn,” giáo sư David Dulio nhận xét. “Ông ấy không có được sự ủng hộ của đa số người dân Michigan đối với thành tích điều hành đất nước của ông ấy và ông ấy đang thua sút ông Biden trong hầu hết các cuộc khảo sát.”

Giáo sư Dulio nói một trở ngại to lớn cho chiến thắng lần nữa của ông Trump ở Michigan là những cử tri sinh sống ở những vùng ngoại thành, đặc biệt là phụ nữ. Những cử tri này bỏ phiếu cho ông Trump vào năm 2016 nhiều hơn dự kiến, ông nói, nhưng từ bỏ Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kì năm 2018. Cuộc bầu cử đó chứng kiến một “làn sóng xanh” quét qua khắp cả nước và đưa phe Dân chủ lên nắm quyền kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ.

Nhà quan sát chính trị này lưu ý sự thua sút của Trump không có nghĩa là ông đã “chìm xuồng” ở Michigan và liệu ông có giành lại được một số cử tri này hay không là “câu hỏi còn để ngỏ.”

“Ban vận động Trump có phần chắc sẽ tìm cách xác định những khu vực và những khối cử tri mà họ cần cải thiện về tổng số phiếu bầu năm 2016 để bù đắp tổn thất ở những nơi khác,” ông nói.

Tổn thất của ông Trump đang giúp ông Biden đắc lợi trong thành phần cử tri mà bà Clinton để vụt khỏi tầm tay bốn năm trước mà cuối cùng có thể ấn định chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ tại Michigan. Đó là những cử tri như ông Dương Đức Vĩnh.

Kĩ sư điện 62 tuổi này cho biết ông là người theo Đảng Cộng hòa và luôn bỏ phiếu cho các ứng cử viên đảng này trong các cuộc bầu cử tổng thống. Ông nói ông gần như vứt lá phiếu của mình vào năm 2016 vì ông không thể bỏ phiếu cho ông Trump mà cũng không muốn dành sự ủng hộ cho bà Clinton. Năm nay ông nói “dứt khoát” sẽ bầu cho ông Biden vì tức giận về sự “không thành thật” của ông Trump trong cách ứng phó đại dịch Covid-19.

“Mới vừa rồi ai cũng nghe cái tape ông Trump trả lời ông Bob Woodward, rõ ràng thay đổi 180 độ với những gì ông ấy nói trên tivi trước giờ,” ông Vĩnh, cư dân Macomb Township, nhắc tới những đoạn ghi âm phỏng vấn với kí giả huyền thoại mà trong đó Tổng thống thừa nhận mức độ nghiêm trọng của virus corona từ tháng 2, trái ngược với những tuyên bố công khai của ông.

“Không phải là ông ấy chỉ trấn an người ta mà ông ấy còn muốn đổ tội cho các tiểu bang Dân chủ… Khi mà ông ấy nói ‘Liberate Michigan’ là ông ấy nói cái gì khi mà thực tế ông ấy biết rõ vấn đề virus là chuyện có thật?” ông Vĩnh nói, nhắc tới lời kêu gọi của ông Trump “giải phóng Michigan” khỏi những hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus vào tháng 4.

Ông Tô Văn Minh, một cư dân ở Warren, nói ông đang cân nhắc bỏ phiếu trắng. Ông không có cảm tình lắm với ông Biden vì cho rằng ứng cử viên Đảng Dân chủ “quá già yếu” và “lập trường không rõ nét.” Nhưng vị Tổng thống Đảng Cộng hòa làm ông đặc biệt khó chịu về phong cách lãnh đạo và lối hành xử mà ông nói không phù hợp với chức vụ mà ông đang nắm giữ.

“Lúc đầu ổng lên ổng kêu gọi người ta tới giúp thì nói ai cũng ‘the best of the best’ hết, tới chừng bất đồng ý kiến thì sa thải mạt sát quá trời, nhất là mấy ông đại tướng, trung tướng mấy chục năm trong quân ngũ,” cựu chiến binh 74 tuổi từng tham gia Không quân Việt Nam Cộng Hòa nói. “Tôi không đồng ý vì dù sao đó cũng là thuộc cấp của mình, không thích thì cho nghỉ, vậy thôi, chứ đừng có mạt sát người ta.”

Ông nói nếu ông Trump tái đắc cử thì ông hi vọng Tổng thống sẽ nỗ lực hòa hợp quốc gia để hàn gắn những chia rẽ mà ông nói là “quá nhiều chưa từng có.”

Nhưng đối với những người ủng hộ nòng cốt, họ muốn ông phải cứng rắn hơn nữa trong nỗ lực của ông làm đảo lộn guồng máy chính trị Washington. Các cử tri gốc Việt nói chuyện với VOA bày tỏ sự ủng hộ đối với khẩu hiệu “Drain the swamp” (tát cạn đầm lầy) của ông Trump cũng như đối đầu quyết liệt hơn với phe Dân chủ trong Quốc hội và giới truyền thông mà họ nói là “chống phá” ông.

“Trong khi đất nước đang gặp khủng hoảng [virus corona] mà họ lại đưa Tổng thống ra đòi impeach,” ông Đinh Thái Hoàng, 60 tuổi ở Sterling Heights, bày tỏ bất bình về việc Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát thông qua các điều khoản luận tội ông Trump vào tháng 12 năm ngoái. Ông Trump cuối cùng được Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát xử trắng án vào đầu tháng 2 năm nay.

“Ai là người chịu trách nhiệm những lúc đó? Những người đó sẽ hoàn toàn phải đưa ra ánh sáng,” ông nói.

Tổng thống Trump giơ tờ báo The Washington Post với bản tin trang nhất về việc ông được xử trắng án trong phiên xét xử luận tội ở Thượng viện, khi ông phát biểu về sự kiện này trong Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, ngày 6 tháng 2, 2020.

Chúa, Trump và lá phiếu

Một chiều Chủ nhật giữa tháng 9, hơn một chục tín hữu người Việt tề tựu tại nhà của một vị mục sư ở Warren để tham gia một buổi thờ phượng. Nhà thờ của họ, Hội Thánh Tin lành Giám lý Phục hưng, vẫn chưa mở cửa trở lại vì những hạn chế tụ tập đông người. Đại dịch đã khiến cuộc sống của nhiều người trở nên bấp bênh và hơn lúc nào hết họ tìm kiếm sự an ủi nơi niềm tin tôn giáo.

“Cho chúng con có được một ông tổng thống có lòng kính sợ Đức Chúa Trời được đắc cử rồi từ đó có thể điều hành đất nước này theo ý của Ngài,” ông Peter Đào, 52 tuổi ở Sterling Heights, thay mặt Hội Thánh dâng lời cầu nguyện. Ông nói với phóng viên VOA sau buổi thờ phượng rằng ông thấy Tổng thống Trump chính là người như vậy và đó là lý do ông sẽ bỏ phiếu cho ông Trump, người mà ông đã khước từ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Bên bàn ăn trưa sau buổi thờ phượng, anh Trần Duy Thành bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng gần như tuyệt đối dành cho ông Trump. Anh cho xem những hình ảnh mà anh tự thiết kế để tôn vinh ông, một số cho thấy ông xuất hiện cùng Chúa Giêsu. Anh kể anh từng lái xe một mạch mười mấy tiếng từ Michigan đến Washington để xem những người ủng hộ chúc mừng sinh nhật ông vào tháng 6 rồi lái về để kịp đi làm ngày hôm sau.

Nhưng anh không thể bỏ phiếu cho Tổng thống. Anh không phải là công dân Mỹ và anh không biết đến bao giờ ước mơ này sẽ thành hiện thực. “Đợt này cũng buồn vì giấy tờ trục trặc,” nhân viên tiệm làm móng 34 tuổi người Nghệ An chia sẻ.

“Tổng thống Trump là một tổng thống tốt,” anh nói. “Em hi vọng ông ấy thắng.”

Những buổi tụ tập ăn uống ngoài trời sau khi thờ phượng đã trở nên quen thuộc với các tín hữu trong những tuần qua. Nó như một cuộc họp mặt gia đình đầm ấm mỗi dịp cuối tuần, quy tụ các thành viên từ cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Nhưng không như một số cuộc họp mặt gia đình khác nơi mà vấn đề chính trị là điều cấm kị, đề tài bầu cử tổng thống khiến cuộc trò chuyện thêm phần rôm rả. Không có sự bất đồng ý kiến và không ai tranh cãi với ai.

Tất cả họ đều nói sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump.

VOA (27.09.2020)