Seite auswählen
V/v: Cuộc thi tranh luận liên quan đến bầu cử tại Hoa Kỳ
Chính trị tại Mỹ có sức ảnh hưởng toàn cầu. Do đó cuộc bầu cử tại Mỹ luôn chiếm được sự quan tâm khắp nơi trên thế giới. Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 có một số điểm đặc biệt so với những cuộc bầu cử trước. Đáng nói nhất là những phản ứng, ủng hộ hoặc chống đối, về Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, có rất nhiều các nhận xét này không phân tích và nhận định dựa trên các chính sách của chính quyền Trump trong bốn năm qua. Hiểu rằng, tâm tư tình cảm của mỗi người dành cho lãnh đạo quốc gia là quyền riêng tư chính đáng và cần được tôn trọng, nhưng nó sẽ không giúp làm sáng tỏ vấn đề nếu không có những biện luận dựa trên các dữ kiện chính đáng, khả tín và nhất là không dựa trên các cơ sở lý luận vững vàng, chặt chẽ.
Sự khác biệt trong quan điểm chính trị là điều rất tự nhiên trong mọi xã hội, dù đó là một thể chế chính trị dân chủ đa nguyên hay một chính thể độc tài độc đảng. Chỉ có điều, mọi tiếng nói khác biệt trong thể chế phi dân chủ trả cái giá rất đắt: bị trù dập, bắt bớ, tù đầy. Và đó là điều bất bình thường. Kiều Ngọc nghĩ rằng chúng ta không thể để cho sự bất bình thường này trở thành bình thường, điều mà các chế độ độc tài luôn mong muốn duy trì.
Cũng vì lý do này mà Kiều Ngọc nhận thấy đây là lúc chúng ta cần trao đổi với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, nhưng vẫn tôn trọng các luận điểm của nhau dù quan điểm trái chiều đến mấy. Và khi chúng ta làm được điều này thì nó cũng cho những người cầm quyền tại Việt Nam thấy rằng, tinh thần đối thoại, thảo luận, tranh luận để thuyết phục nhau và tìm giải pháp tốt nhất cho các vấn đề chính trị là điều họ cần tiếp thu, học hỏi, thay vì trù dập và bịt miệng những người khác chính kiến.
Trên tinh thần đó, Kiều Ngọc đã đứng ra kêu gọi đồng hương tham gia tranh luận về ba đề tài không chỉ liên quan đến chính trị nội địa của Mỹ mà còn toàn cầu. Sau một thời gian ngắn, đã có nhiều cá nhân ghi danh tham dự, biện hộ cho đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.
Đề tài đầu tiên là về chính sách ngoại giao và thương mại, có tên “Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.” Thời gian tranh luận là Chúa Nhật 27.09.20, lúc 11 giờ sáng (giờ VN).
Tất cả các bên đều phải trình bày dữ kiện xác đáng, khả tín, và các vi phạm về luật tranh luận, như miệt thị nhau trong lúc tranh luận chẳng hạn, sẽ được cảnh cáo hoặc, nặng hơn, sẽ bị chế tài với tính cách cá nhân.
Ban Giám khảo gồm có 4 người: trạng sư Úc Edward Stratton-Smith, cựu đại sứ Ấn Độ Ashok Sajjanhar, nghệ sĩ diễn viên Hollywood Emily Marie Palmer, và luật sư Úc Nguyễn Văn Thân.
Kiều Ngọc mong sự tham gia thật đông đủ của người Việt và giới cơ quan truyền thông Việt Ngữ khắp nơi.
Kính chào và hẹn gặp tại buổi tranh luận đầu tiên vào Chủ Nhật 27 tháng 9 năm 2020 qua Facebook live stream “Teresa Trần Kiều Ngọc”.
Teresa Trần Kiều Ngọc
Trưởng Ban Tổ Chức
Adelaide 23/09/20
………
Đề tài và thời gian thi tranh luận
First Debate: Foreign/Trade policy
Tranh luận vòng 1: Chính sách Ngoại giao/Thương mại
“The Trump administration can contain the rise of China.”
“Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.”
Thời gian – Chúa Nhật 27.09.20, 11 giờ sáng (giờ VN).
***
Second Debate: Domestic policy
Tranh luận vòng 2: Chính sách Đối nội
“President Trump has made America great again in his first term, as promised.”
“Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong nhiệm kỳ đầu, như đã hứa.”
Thời gian – Chúa Nhật 4.10.20, 11 giờ sáng (giờ VN).
***
Third Debate: Foreign policy
Tranh luận vòng 3: Chính sách Đối ngoại
“The Republican foreign policy has both strengthened home front and led abroad.”
“Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng hòa đã củng cố sức mạnh quốc gia và lãnh đạo ngoài nước.”
Thời gian: Chúa Nhật 11.10.20, 11 giờ sáng (giờ VN).
Bild könnte enthalten: 1 Person, steht und Nahaufnahme
 
 
 

Phỏng vấn thành viên tham gia thi tranh luận về cuộc bầu cử Mỹ 2020.

  

Chương trình phỏng vấn thành viên tham gia thi tranh luận

Phỏng vấn thành viên tham gia thi tranh luận về cuộc bầu cử Mỹ 2020.

Gepostet von Teresa Trần Kiều Ngọc am Freitag, 25. September 2020

Chương trình thi tranh luận về cuộc bầu cử Mỹ 2020 – Chủ đề: Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

US Politics Debates – Motion: The Trump administration can contain the rise of China

Chương trình thi tranh luận livestream

Chương trình thi tranh luận về cuộc bầu cử Mỹ 2020 – Chủ đề: Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

US Politics Debates – Motion: The Trump administration can contain the rise of China

Gepostet von Teresa Trần Kiều Ngọc am Samstag, 26. September 2020

Những cuộc tranh luận cần có


Một thành viên tham gia thi tranh luận. (Hình: Trích xuất từ Facebook Teresa Trần Kiều Ngọc)

Chủ Nhật 27 tháng 9 vừa qua, người Việt trên mạng xã hội trên Internet đã xem buổi tranh luận trực tuyến với đề tài “Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc,” do luật sư Trần Kiều Ngọc, Úc Châu, điều hợp.

Đây là một trong một series gồm 3 cuộc tranh luận kéo dài trong ba tuần với ba đề tài khác nhau.

Sự lãnh đạo của tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu, gần 4 năm qua, là đề tài gây tranh cãi, tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Người đứng ra tổ chức các cuộc tranh luận này là luật sư Trần Kiều Ngọc. Nhận thấy sự phân hóa trầm trọng giữa người Việt về vấn đề này, cô Kiều Ngọc cho biết cô mong muốn tạo ra một sân chơi mà người Việt trong và ngoài nước có thể tranh luận với nhau dựa trên các dữ kiện chính đáng khả tín và những lập luận vững vàng chặt chẽ.

“Kiều Ngọc nhận thấy rằng đây là lúc chúng ta cần trao đổi với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở nhưng vẫn luôn tôn trọng các luận điểm của nhau dù quan điểm trái chiều đến mấy. Và khi chúng ta làm được điều này thì nó cũng cho những người cầm quyền tại Việt Nam thấy rằng tinh thần đối thoại, thảo luận, tranh luận để thuyết phục nhau và tìm giải pháp tốt nhất cho các vấn đề chính trị là điều họ cần tiếp thu, học hỏi, thay vì trù dập và bịt miệng những người khác chính kiến.”

Trên trang Facebook của luật sư Kiều Ngọc cũng có một thư ngỏ tiếng Anh dành cho các bạn trẻ Việt Nam tại hải ngoại. Trong bài này, cô Kiều Ngọc cho biết cô tin tưởng vào giá trị của lý lẽ và chứng cớ. Qua hoạt động này, cô muốn gửi thông điệp đến chế độ cầm quyền tại Việt Nam hiện nay rằng các quan điểm khác biệt là điều rất tự nhiên và tất nhiên, và họ không nên sợ quan điểm khác biệt; rằng, không những thế, khi tôn trọng và khai dụng nó sẽ mang đến những lợi ích thiết thực cho toàn thể dân tộc; rằng việc bắt bớ bỏ tù hàng trăm người bắt đồng chính kiến hiện nay vì tự do ngôn luận là điều vô lý và sai lầm.

Cuộc tranh luận này, cho đến khi viết bài này, được hơn một ngàn rưỡi còm và hơn 11 ngàn người theo dõi.

Theo dõi cuộc phỏng vấn của cô Kiều Ngọc với các thành viên của hai đội Cộng hòa và Dân chủ vào thứ Bảy 26 tháng 9, và cuộc tranh luận diễn ra giữa hai đội vào Chủ Nhật 27 tháng 9, tôi có một số nhận xét sau đây.

Thứ nhất, song ngữ có thể là cơ hội cho tương lai. Chương trình tranh luận được cô Kiều Ngọc điều hợp bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt. Vì thế nên chương trình kéo dài gần 4 tiếng, bao gồm một tiếng giới thiệu thể lệ, các đội và Ban Giám Khảo, và gần 3 tiếng còn lại là cho tranh luận. Nên đã kéo dài gấp đôi thời gian. Nếu có thể rút gọn lại còn hai tiếng cho toàn chương trình thì dễ theo dõi hơn. Nhưng ngoài vấn đề thời gian thì quả thật đây là cơ hội tốt để cho nhiều người Việt, nhất là các bạn trẻ Việt Nam lớn lên tại hải ngoại cũng như các bạn tại Việt Nam hiện nay, tích cực tham gia thảo luận vào nhiều đề tài khác nhau đối với những gì họ quan tâm hay với các đề tài liên quan đến Việt Nam. Khi không có trao đổi thảo luận thì khó thể nào có sự chia sẻ, cảm thông và nối kết. Ngôn ngữ là trở ngại, nhưng khi có một thông dịch viên giỏi thì “sự thất thoát trong phiên dịch” (lost in translation) được giảm thiểu, sự thấu hiểu vấn đề và qua đó muốn trao đổi gia tăng. Ngôn ngữ, bằng tiếng Việt hay Anh, không nên là cản trở để thế hệ trẻ trong và ngoài Việt Nam cùng thảo luận với nhau. Đây quả là một cơ hội để bao nhiêu chương trình ý nghĩa tương tự trong tương lai có thể diễn ra, để các tiếng nói chân chính, tri thức và chuyên môn được phổ biến rộng rãi giữa nhiều thế hệ Việt Nam khác nhau cùng thao thức và chia sẻ chung..

Thứ hai, Ban Giám Khảo giữ vai trò trung lập. Ban Giám Khảo kỳ này đều là những người có khả năng và chuyên môn cao. Người thứ nhất là ông Ashok Sajjanha, từng là đại sứ của Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia, và đã làm việc tại các vị trí ngoại giao ở Washington DC, và nhiều nơi trên thế giới. Người thứ nhì là trạng sư Edward Stratton-Smith, gần đây ông được bổ nhiệm làm Thành viên Thường trực của Tòa án Hành chính và Dân sự Nam Úc. Người thứ ba là Nữ diễn viên, kiêm ca sĩ Mỹ, cô Emily Marie Palmer, từng theo học chuyên ngành Lãnh đạo Quốc gia tại Đại học George Wythe nhưng sau đó chọn đi theo con đường trình diễn. Và sau cùng là luật sư Nguyễn Văn Thân, từng là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang New South Wales, Úc châu, hiện là thành viên trụ cột của Ủy Ban Yểm Trợ Nhân Quyền. Trong phần góp ý với cả hai đội sau cuộc tranh luận, cả bốn vị đều chứng minh tính khách quan, chuyên môn và khả năng phân tích khéo léo của mình để giúp cho cả hai đội chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ sau.

Thứ ba, tinh thần tranh luận tích cực giữa hai bên. Tôi cho rằng đây là sự thành công lớn và cần thiết nhất hiện nay. Rất nhiều người lo lắng rằng không khéo, cuộc tranh luận trở thành tranh cãi hay, tệ hơn, sỉ vả bôi nhọ vu khống nhau. Nhiều người lo rằng sự thiếu vắng văn hóa tranh luận giữa người Việt, trong lẫn ngoài nước, sẽ khó thể nào có được tinh thần tranh luận đúng nghĩa trong bất cứ sinh hoạt nào. Những quan ngại này, tuy chính đáng, nhưng đã được giải tỏa sau khi cô Kiều Ngọc phỏng vấn hai bạn Khoa Lê và Phước Nguyễn của đội Dân chủ, và Hùng Phạm và Ái Liên của đội Cộng hòa. Qua hỏi đáp, người theo dõi cũng biết được rằng cả hai đội hiểu rõ tinh thần tranh luận giữa hai bên là thể hiện khả năng lý luận dựa trên chứng cớ mà qua đó thuyết phục Ban Giám Khảo và người quan sát các luận điểm của mình. Hai đội cho thấy sự thấu hiểu vấn đề này và mục tiêu không phải là để thắng thua mà để làm sao thuyết phục bằng biện luận của mình. Không những thế, trong suốt cuộc tranh luận vào Chủ Nhật, tuy có những lúc cũng nhiều cảm xúc và hăng say trong thái độ hoặc ngôn từ, các thành viên hai đội đều biết kiềm chế và có sự tương kính khi tranh luận.

Tôi đã liên lạc riêng với cô Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm các suy nghĩ của cô xoay quanh các cuộc tranh luận này. Tôi hỏi làm cách nào cô tổ chức được một buổi sinh hoạt ý nghĩa để tạo tiền lệ cho các sinh hoạt lành mạnh như thế trong tương lai? Cô cho biết phương án thực hiện của cô dựa trên ba điều căn bản. Một, luật lệ tranh luận rõ ràng, từ hình thức đến quy trình tranh luận đến thời gian mỗi bên có được, từ phần mở đầu, kiểm tra (cross examine), phản biện (rebuttal) và kết luận, đều được trình bày rõ ràng cho các đội. Hai, cô cho biết hai bên cần nộp cho Ban Tổ Chức mọi chứng cớ hai bên sử dụng trong tranh luận để kiểm tra, để bảo đảm nó không phải là tin giả hay dữ liệu không khả tín; ngoài ra, Ban Tổ Chức cho biết nếu mạ lỵ, vu khống diễn ra, dù hình thức nhẹ nhất, cũng bị cảnh báo, và nếu vi phạm ba lần thì người đó sẽ bị loại khỏi vòng thi. Ba, luật lệ và quy trình rõ ràng cũng chưa đủ. Cô cho rằng đề cao lẽ phải, lương thiện, thành thật nhưng thuyết phục trong tranh luận là yếu tố mà cô nhắm đến. Và cô tin rằng thế hệ trẻ hôm nay, hay nói chung bất cứ ai muốn, đều có thể học hỏi và trau dồi tinh thần này để cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề, và nhìn thấy nhiều khía cạnh của vấn đề, chứ không độc quyền cho mình là chân lý sự thật, rồi đi bóp nghẹt tiếng nói của người khác.

Có lẽ trong tương lai tôi sẽ mời cô Kiều Ngọc dành một cuộc trò chuyện riêng về các vấn đề này và các dự án cô đang có trong thời gian tới.

Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi hai cuộc tranh luận còn lại, có thể vào Facebook của cô Kiều Ngọc để biết thêm.​

Nguồn: VOA

Nhắc nhở về chương trình thi tranh luận 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 4/10/20 (giờ VN).

 

Nhắc về chương trình thi tranh luận 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 4/10/20 (giờ VN).

Gepostet von Teresa Trần Kiều Ngọc am Samstag, 3. Oktober 2020

Chương trình thi tranh luận vòng thứ hai

***

Second Debate: Domestic policy
Tranh luận vòng 2: Chính sách Đối nội

“President Trump has made America great again in his first term, as promised.”
“Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong nhiệm kỳ đầu, như đã hứa.”

1. Chào mừng và điểm danh thành viên hai đội và Ban giám khảo (“BGK) – 5 phút
2. Đại diện đội CH giới thiệu lập trường của đội – 2 phút (3 phút nếu Anh & Việt)
3. Đại diện đội DC giới thiệu lập trường của đội – 2 phút (3 phút nếu Anh & Việt)
4. Đại diện 1 (“ĐD1”) CH thuyết trình lập luận ủng hộ chủ đề – 6 phút (10 phút nếu Anh & Việt)
5. ĐD1 DC chất vấn ĐD1 CH – 2 phút (3 phút nếu Anh & Việt)
6. ĐD1 DC thuyết trình lập luận chống chủ đề – 6 phút (10 phút nếu Anh & Việt)
7. ĐD2 CH chất vấn ĐD1 DC – 2 phút (3 phút nếu anh & Việt)
8. ĐD2 DC phản biện các lập luận thuyết trình của ĐD1 CH 4 phút – (6 phút nếu Anh và Việt)
9. ĐD1 CH chất vấn ĐD2 DC – 2 phút (3 phút nếu Anh & Việt)
10. ĐD2 CH phản biện lập luận thuyết trình của ĐD1 DC – 4 phút (6 phút nếu Anh và Việt)
11. ĐD2 đội DC chất vấn ĐD2 CH – 2 phút (3 phút nếu Anh & Việt)
Chuẩn bị – 3 phút
12. ĐD1 DC xây dựng thêm chiến lược tấn công vào lập luận thuyết trình của đối lập ở phần đầu và kế đến, xây dựng lại lập luận của phần mình được mạnh hơn (xin lưu ý, không được mở ra những lập luận mới ngoài những gì đã trình bày từ đầu) – 4 phút (6 phút nếu Anh và Việt)
13. ĐD1 CH dựng thêm chiến lược tấn công vào lập luận thuyết trình của đối lập ở phần đầu và kế đến, xây dựng lại lập luận của phần mình được mạnh hơn. (Xin lưu ý, không được mở ra những lập luận mới ngoài những gì đã trình bày từ đầu) – 4 phút (6 phút nếu Anh và Việt)
Chuẩn bị – 3 phút
15. ĐD DC đúc kết và tóm tắt các lập luận chính của mình và nêu lý do vì sao BGK nên đồng ý chống lại chủ đề dựa trên những lập luận vững chắc của đội mình đã đề ra – 3 phút (5 phút nếu Anh & Việt)
16. ĐD CH đúc kết và tóm tắt các lập luận chính của mình và nêu lý do vì sao BGK nên đồng ý ủng hộ chủ đề dựa trên những lập luận vững chắc của đội mình đã đề ra – 3 phút (5 phút nếu Anh & Việt)

(Xem Video trên Facebook Trần Kiều Ngọc)

Về xây dựng văn hóa tranh luận

Luật sư Trần Kiều Ngọc và nhà hoạt động Hong Kong, Joshua Wong, hồi 2019.

Chủ Nhật 18 tháng 10 vừa qua, chương trình tranh luận cuối cùng của chuỗi tranh luận dài 3 kỳ, do luật sư Trần Kiều Ngọc tổ chức, đã kết thúc [*].

Điều ngạc nhiên là tất cả các thành viên của hai đội, tuy tranh luận rất hăng say và nhiệt huyết trong khi tranh luận xảy ra, nhưng sau khi kết quả công bố thì ai cũng cảm thấy hài lòng với tinh thần tương kính thể hiện cho nhau. Các thành viên tranh luận cho biết họ học hỏi được nhau qua quan điểm của phía bên kia, và cũng công nhận là có những góc nhìn họ không nhìn ra trong lúc chuẩn bị và trình bày biện luận của mình.

Nhân cơ hội này, tôi đã liên lạc với luật sư Trần Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm suy nghĩ và tâm tư của cô trước, trong và sau 3 buổi tranh luận này.

Phạm Phú Khải: Trong ba tuần qua, Kiều Ngọc đã bỏ nhiều công sức để tổ chức các buổi tranh luận này. Giờ thì đã xong. Kiều Ngọc cảm thấy công sức của mình bỏ ra có đáng không? Tại sao?

Trần Kiều Ngọc: Cảm ơn anh đã cho Kiều Ngọc có cơ hội để chia sẻ về cuộc thi tranh luận này. Thưa anh, việc chuẩn bị cho một chương trình thi tranh luận online như thế này quả là rất khác với cách tổ chức “live” ngoài đời mà Kiều Ngọc đã từng làm qua. Đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, nên thời gian chuẩn bị kỹ thuật, cách thức thi như thế nào cũng đòi hỏi Kiều Ngọc bỏ ra khá nhiều thì giờ nghiên cứu và phối hợp cùng các vị trong ban giám khảo và thành viên của hai đội. Thời gian cam kết liên lỉ suốt 6 tuần trời kể từ khi chuẩn bị cho đến kết thúc cũng hơi căng và mệt mỏi. Tuy nhiên, kết quả đạt được thì Kiều Ngọc cảm thấy rất vui mừng và xứng đáng.

Phạm Phú Khải: Kiều Ngọc chắc có vài mục tiêu khi tổ chức các tranh luận này. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Kiều Ngọc là gì? Và Kiều Ngọc có nghĩ mình đã đạt được nó không?

Trần Kiều Ngọc: Dạ vâng. Khi nhận thấy những tháng gần đây, người Việt khắp nơi bị chia rẽ trầm trọng về cuộc bầu cử Mỹ, khiến Kiều Ngọc rất quan tâm và e ngại. Điều quan trọng mà Kiều Ngọc mong muốn là làm sao có thể góp phần vào việc giúp người Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ trong nước, làm quen với những sinh hoạt dân chủ. Giúp họ gần gũi với văn hóa tranh luận và tư duy phản biện trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Khi chúng ta theo dõi ba cuộc thi và đặc biệt là vòng 3, người xem có thể cảm nhận các cuộc tranh luận được diễn ra rất sôi nổi mà vẫn giữ được sự ôn hòa. Các thành viên đều thể hiện tinh thần tôn trọng luật chơi và những quan điểm khác mình.

Phạm Phú Khải: Phản ứng của các tham dự viên tranh luận của hai đội như thế nào về 3 buổi tranh luận? Và về kết quả khi được Ban Giám Khảo công bố?

Trần Kiều Ngọc: Ngay sau khi kết quả được công bố thì cả hai đội đều có đại diện chia sẻ cảm tưởng của mình. Cả hai đội đã bày tỏ sự hài lòng và công bằng của kết quả của Ban Giám khảo. Cả hai đội có chia sẻ lời cảm ơn đến Ban tổ chức đã tạo cơ hội cho các thành viên học hỏi cũng như được trình bày quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Các thành viên tham dự cũng đặc biệt khen ngợi chương trình đã được tổ chức một cách công tâm và chuyên nghiệp.

Phạm Phú Khải: Ban Giám Khảo có những cảm nghĩ hay chia sẻ nào đáng nhớ trong 3 buổi tranh luận này, thưa Kiều Ngọc?

Trần Kiều Ngọc: Thưa anh, Kiều Ngọc nhận thấy có ba điểm mà trong cả ba cuộc thi tranh luận, Ban giám khảo thường hay nhấn mạnh. Điểm thứ nhất mà Ban giám khảo hay nhắc đến và khuyến khích hai đội là việc nghiên cứu kỹ lưỡng những nguồn khả tín để các lập luận của họ đem lại tính thuyết phục cao hơn. Kế đến là Ban giám khảo hay dò xét và đưa ra những nhận định liên quan đến tinh thần làm việc nhóm của hai đội. Đặc biệt điểm thứ ba, là Ban giám khảo luôn đề cao và khen ngợi tinh thần tranh luận ôn hòa của các thành viên tham gia.

Phạm Phú Khải: Số người theo dõi 3 buổi tranh luận này, tựu chung họ có hài lòng với tinh thần tranh luận hay cách tổ chức này không Kiều Ngọc?

Trần Kiều Ngọc: Lướt qua các bình luận một cách tổng quát thì Kiều Ngọc nhận thấy, ngoài vô số các lời bình về nội dung tranh luận, thì người theo dõi có những góp ý như: “Một chương trình hay đáng xem”, “một live show rất dễ thương” hay “… Hy vọng Ban tổ chức sẽ tiếp tục có những chương trình hữu ích như vậy trong trương lai”. Như vậy, thì Kiều Ngọc nghĩ rằng, phần đông người xem cảm thấy rất hài lòng với tinh thần tranh luận và cách thức tổ chức.

Phạm Phú Khải: Trước khi tổ chức, được biết có người khuyên Kiều Ngọc không nên thực hiện vì người Việt chưa sẵn sàng tranh luận, mà chỉ “giỏi” tranh cãi. Nhưng Kiều Ngọc vẫn thực hiện. Vậy trong thời gian tổ chức và sau khi đã tổ chức xong, Kiều Ngọc có nghĩ rằng quyết định thực hiện của mình là đúng và cần thiết không?

Trần Kiều Ngọc: Dạ đúng thế. Có một số người khuyên Kiều Ngọc không nên lý tưởng hóa về tinh thần tranh luận của người Việt. Vì không khéo, cuộc thi tranh luận sẽ trở thành một “bãi chiến trường” không những không đạt được kết quả gì mà còn gây thêm sự chia rẽ hơn nữa. Nhưng trong suốt thời gian tổ chức và ngay cho đến giờ phút này, Kiều Ngọc vẫn cảm thấy quyết định thực hiện chương trình là rất cần thiết và đúng đắn. Với Kiều Ngọc, cho dù bản thân có thôi đặt niềm tin ở chính mình đi chăng nữa thì Kiều Ngọc vẫn sẽ không bao giờ ngưng hết hy vọng vào con người. Đặc biệt là con người Việt Nam, dù chúng ta có nằm trong bất cứ hoàn cảnh tốt xấu nào đi chăng nữa. Chính niềm tin và hy vọng cho tương lai Việt Nam, đã giúp cho Kiều Ngọc tự tin với mọi dự định và con đường mình chọn.

Phạm Phú Khải: Kiều Ngọc có dự tính tiếp tục các chương trình tranh luận như thế trong tương lai gần không? Hay các chương trình với nội dung và hình thức khác?

Trần Kiều Ngọc: Dạ thưa chắc chắn là có ạ. Cuộc thi tranh luận về chính trị Mỹ là sự khởi điểm cho mục tiêu lâu dài. Kiều Ngọc mong muốn tiếp tục tạo ra những sinh hoạt nhân văn, thể hiện và đề cao tinh thần tôn trọng sự khác biệt và tư duy phản biện trong cộng đồng chúng ta. Dự tính trong tương lai, Kiều Ngọc sẽ tổ chức thêm những cuộc thi tương tự về nhiều đề tài khác nhau như giáo dục, chính trị và văn hóa Việt.

Phạm Phú Khải: Kiều Ngọc có điều gì muốn nhắn gửi đến các tranh luận viên, ban giám khảo và những người theo dõi chương trình này trong những tuần qua?

Trần Kiều Ngọc: Kiều Ngọc rất biết ơn đến các thành viên đã nhận lời tham gia chương trình. Chương trình đã không thể nào thành công nếu như không có các bạn tự nguyện cống hiến thời gian, công sức, tận tụy tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu. Đây là điều khiến Kiều Ngọc cảm động và vui mừng nhất.

Riêng Ban giám khảo thì Kiều Ngọc luôn cảm kích tinh thần hy sinh phục vụ của bốn vị. Từ cựu đại sứ Ấn Độ, Ashok Sajjanhar, tài tử Emily Marie Palmer, trạng sư Edward Stratton-Smith cho đến luật sư Nguyễn Văn Thân, họ đều là những người có lý tưởng phục vụ và luôn hỗ trợ cho những hoạt động hữu ích trong xã hội. Đặc biệt lần này, ba vị giám khảo ngoại quốc rất quý mến cộng đồng người Việt, khiến Kiều Ngọc rất vui và lấy làm hãnh diện. Với tinh thần toàn cầu và rộng mở, Kiều Ngọc cũng mong muốn được cống hiến trong khả năng có thể đến các cộng đồng sắc tộc khác, như là cách người ngoại quốc đã đối xử tử tế với người Việt chúng ta.

Sau cùng thì Kiều Ngọc xin cảm ơn đến tất cả những người đã theo dõi chương trình. Nhờ cô anh chị em quan tâm và theo dõi chương trình đều đặn, đã tạo thêm động lực cho Ban tổ chức, các thành viên tham gia và ban giám khảo nhận thấy việc làm của mình thêm phần ý nghĩa và chính đáng để thực hiện. Xin anh chị em giúp phổ biến chương trình này thật rộng rãi, để tinh thần tranh luận tích cực trong cộng đồng chúng ta được lan tỏa khắp nơi. Kiều Ngọc xin chân thành cảm ơn.

Phạm Phú Khải: Cảm ơn Kiều Ngọc đã dành cho cuộc trò chuyện ngắn này.

Trần Kiều Ngọc: Xin cảm ơn anh và quý độc giả của VOA đã cho Kiều Ngọc cơ hội chia sẻ những điều trên và xin kính chúc tất cả nhiều sức khỏe và bình an.

Tài liệu tham khảo:

(*) Chương trình thi tranh luận về cuộc bầu cử TT Mỹ 2020.

Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi ba cuộc tranh luận, có thể vào Facebook của cô Kiều Ngọc hoặc Youtube để biết thêm.

Chủ đề 1 vào ngày 27/0 /2020: “Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc” (US Politics Debate 1 – Motion: The Trump administration can contain the rise of China)

Chủ đề 2 vào ngày 4/10/2020: “Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong nhiệm kỳ đầu, như đã hứa” (President Trump has made America great again in his first term, as promised)

Chủ đề 3 vào ngày 18/10/2020: “Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng hòa đã củng cố sức mạnh quốc gia và lãnh đạo ngoài nước” (The Republican Policy has strengthened home front and led abroad.