Seite auswählen

„Các nhà lập pháp Hoa Kỳ cho rằng Google đang lợi dụng vị trí số một của mình trong mảng tìm kiếm trực tuyến để chèn ép đối thủ cạnh tranh, đưa ra các quy định không công bằng. Google hiện chiếm hơn 90% hoạt động tìm kiếm qua web trên toàn cầu.“

Truyền thông đưa tin, ngày 20/10, Chính phủ Hoa Kỳ đã chính thức khởi kiện tập đoàn công nghệ Google trong một vụ kiện chống độc quyền được xem là lớn nhất trong nhiều thập niên trở lại đây.

Theo bản cáo trạng của tòa án, có 11 tiểu bang tại Hoa Kỳ (gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas) đã tham gia vụ kiện này.


Các báo The Wall Street Journal và The New York Times cho biết Bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc Google có trụ sở tại California, có những hành vi độc quyền bất hợp pháp nhằm bảo vệ vị trí độc tôn của mình trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trên mạng Internet.


Các nhà lập pháp cho rằng Google đang lợi dụng vị trí số một của mình trong mảng tìm kiếm trực tuyến để chèn ép đối thủ cạnh tranh, đưa ra các quy định không công bằng. Google hiện chiếm hơn 90% hoạt động tìm kiếm qua web trên toàn cầu.


Trong khi đó, nhiều tiểu bang khác tại Hoa Kỳ cũng dự định tiến hành vụ kiện riêng chống lại Google, hoặc tham gia cùng với Bộ Tư pháp trong năm nay. Tổng chưởng lý Ken Paxton của Texas cho biết vụ kiện có thể diễn ra vài tháng tới và không bị chậm lại vì đại dịch.


Hành động này sẽ tạo nên một trong những vụ chống độc quyền lớn nhất ở Mỹ kể từ vụ kiện kéo dài 4,5 năm giữa Microsoft, Bộ Tư pháp Mỹ và 20 bang cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Microsoft bị cáo buộc duy trì thế độc quyền hệ điều hành Windows một cách bất hợp pháp. Các bên đạt được thỏa thuận chung năm 2001.


Ngoài ra, giới chức Mỹ cũng đồng thời tiến hành các cuộc điều tra tương tự với hoạt động của các tập đoàn lớn khác như Amazon, Facebook và Apple.


Vụ kiện được cho là có thể sẽ kéo dài nhiều năm và hiện chưa rõ chính phủ Mỹ sẽ tìm kiếm giải pháp nào cho vụ kiện này. Tuy nhiên, vụ kiện này có thể buộc Google thay đổi phương thức kinh doanh hoặc phá vỡ các phân khúc thị trường của “đế chế” này.


Bộ Tư pháp Mỹ hiện chưa bình luận gì về thông tin trên, song đã lên kế hoạch họp báo vào chiều 20/10 (giờ địa phương). Google cũng chưa đưa ra bình luận gì.


Trong khi đó, một nhóm các Tổng chưởng lý do Tổng chưởng lý tiểu bang Texas đứng đầu sẽ đệ đơn kiện Google trong một vụ kiện khác sớm nhất vào tháng 11 tới, tập trung vào mảng quảng cáo kỹ thuật số. Ngoài ra, một nhóm do Tổng chưởng lý tiểu bang Colorado đứng đầu cũng đang dự tính sẽ kiện Google.


Doanh thu của Google trong năm 2019 đạt 162 tỷ USD, hơn cả nguồn thu ngân sách của Hungary.


Trong khi đó, châu Âu đã đi trước Mỹ vài năm khi áp dụng các biện pháp mạnh mẽ với các công ty công nghệ lớn, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ dữ liệu và thuế.


Tháng 3 năm ngoái, Liên minh châu Âu yêu cầu Google trả 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) vì “củng cố sự thống trị của mình” và “bảo vệ bản thân khỏi áp lực cạnh tranh” bằng cách áp đặt các điều khoản hạn chế trong hợp đồng AdSense đối với những trang web khác. Năm 2018, EU yêu cầu Google trả 4,34 tỷ euro (4,9 tỷ USD) vì đẩy các ứng dụng của hãng lên smartphone của người dùng và cản trở đối thủ cạnh tranh. Hãng cũng phải đóng khoản tiền 2,4 tỷ euro (2,7 tỷ USD) vì sử dụng công cụ tìm kiếm để hướng người dùng đến nền tảng mua sắm riêng.


Tổng cộng, tính từ 2017, Google bị EU phạt 8,2 tỷ euro (9,3 tỷ USD). Tuy nhiên, Liên minh vẫn khuyến cáo Google có thể còn đối mặt với nhiều cuộc điều tra hơn nữa, bởi “khiếu nại vẫn tiếp tục đến”.


Tổng hợp (21.10.2020)