Seite auswählen

Người gốc Việt đứng đầu lượng cử tri đi bầu sớm tổng thống Mỹ ở hạt lớn nhất của Texas

Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden vẫy cờ và biển bên ngoài một điểm bầu cử sớm tổng thống Mỹ. Số lượng cử tri họ Nguyễn dẫn đầu trong số những người dân Mỹ bỏ phiếu sớm cho kỳ bầu cử này ở hạt Harris lớn nhất của Texas.

Người gốc Việt họ Nguyễn đứng đầu về số lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tại hạt lớn nhất của tiểu bang Texas.

Theo thống kê của Houston Chronicle, cử tri có tên họ “Nguyễn” đứng đầu về số lượng người bỏ phiếu sớm ở hạt Harris ở Houston, hạt lớn thức 3 trên toàn nước Mỹ với số dân hơn 4 triệu người, vượt qua những cử tri khác có họ “Smith” hay “Williams.” Tính đến ngày 27/10, có 8,848 cử tri họ “Nguyễn” đã đi bầu sớm tại phòng phiếu của hạt Harris, đứng đầu trong số những cử tri được thống kê theo họ của Houston Chronicle. Đứng thứ 2 là số lượng cử tri họ “Smith”, 8.051, và thứ 3 là số lượng cử tri họ Williams, 7,624.

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào 3/11 nhưng số lượng cử tri Mỹ đi bầu sớm trong năm nay tăng đột biến, dự kiến sẽ đạt 100 triệu vào ngày bầu cử chính thức, một phần do đại dịch COVID-19 và một phần do việc nhiều cử tri Mỹ hơn muốn tham gia đầu phiếu trong cuộc đua của hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, của đảng Cộng hoà, và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, của đảng Dân chủ.

Thu Nguyen, một cư dân của Houston hiện là giám đốc tổ chức OCA của người Mỹ gốc Á, nói với Houston Press rằng nhiều người Mỹ gốc Việt bị thu hút đến các điểm bỏ phiếu để bầu cho ông Trump vì nhận thức rằng ông Trump là một doanh nhân thành đạt sẽ mang lại việc làm cho nước Mỹ cũng như tăng tỷ lệ việc làm hơn. Còn theo Victor Nguyen, một trong số những cử tri họ “Nguyễn” đã bỏ phiếu sớm cho kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, động lực của cộng đồng Mỹ gốc Việt, nhóm sắc dân có số lượng người theo đảng Cộng hoà nhiều nhất trong cộng đồng người gốc Á Thái Bình Dương ở Mỹ, đi bỏ phiếu cho kỳ tổng thống này xuất phát từ lòng trung thành của họ.

“Cử tri Mỹ gốc Việt, đặc biệt những thế hệ nhiều tuổi hơn, bỏ phiếu dựa trên lịch sử,” Victor Nguyen nói với Houston Press. “Họ nhìn vào việc ai phải chịu trách nhiệm cho một số hành động cụ thể – như việc Mỹ thất bại ở Việt Nam và ai là người có trách nhiệm chào đón những người tị nạn Việt tới Mỹ.”

Nhiều người Việt tin rằng Đảng Cộng hoà đã chào đón người tị nạn Việt đến Mỹ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc và rằng ứng cử viên đang tranh chức tổng thống với ông Trump, Joe Biden, là người phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Việt đến Mỹ. Để làm sáng tỏ lập trường của mình trước tranh cãi trong cộng đồng gốc Việt, ông Biden hôm 21/10 đã gửi một thông điệp đến 2 triệu người Mỹ gốc Việt, trong đó nói rằng ông “đã ủng hộ 130.000 người tị nạn Việt Nam tới Mỹ.”

Theo Houston Press, có ít nhất 49.500 người Mỹ gốc Á đã bỏ phiếu sớm ở hạt Harris tính đến 2/11, một lượng tăng gần gấp đôi so với con số cử tri Mỹ gốc Á đi bầu sớm trong nămn 2016. Và theo nhận định của Fortune, các khu vực ngoại ô của Texas, giống như nhiều khu vực khác trên toàn nước Mỹ, không còn có đa số sắc dân da trắng nữa.

Một khảo sát của Pew đưa ra hồi tháng 5 vừa qua cho thấy người gốc Á, trong đó có Việt Nam, là nhóm thiểu số phát triển nhanh nhất trong số lượng cử tri hợp pháp ở Mỹ. Số lượng người Mỹ gốc Á được hợp pháp đi bầu tăng hơn 2 lần, với mức tăng 139%, trong 10 năm qua, và khảo sát của Pew dự báo hơn 11 triệu người Mỹ gốc Á sẽ đi bầu trong năm nay. Số lượng cử tri Mỹ bỏ phiếu sớm đã đạt hơn 95 triệu tính đến ngày 2/11 và là con số kỷ lục trong một thập kỷ qua, khi đã vượt mức cử tri đi bầu sớm của năm 2016 và chiếm hơn 2/3 tổng số người đi bầu trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 4 năm.

VOA (03.11.2020)

***

Chat với cử tri Mỹ trước giờ G: “Tôi không dám để lộ là mình ủng hộ ông Trump. Tôi sợ hàng xóm tức giận…”

Dịch bệnh, các cuộc bạo loạn liên quan đến mâu thuẫn sắc tộc liên tiếp xảy ra khiến mùa bầu cử Tổng thống năm 2020 trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Đại dịch Covid “quét”qua nước Mỹ đã làm đảo lộn không chỉ cuộc sống của người dân mà còn tác động đến khả năng chiến thắng trong cuộc đua đến Nhà Trắng năm nay.

Mike B., hạt Kitsap, bang Washington cho biết, ở hạt Kitsap, mọi người đã bỏ phiếu qua thư từ vài tuần trước. Năm nay, tình hình cuộc bầu cử khó đoán định hơn 4 năm trước. Đại dịch Covid đã làm thay đổi khả năng thắng cử của ông Trump. “Nếu như không có Covid, thì ông Trump chắc chắn giành phần thắng”, Mike nhận định.

Cá nhân Mike, chứng kiến ông Trump sau khi khỏi Covid và vứt phăng khẩu trang ra thì định không đi bỏ phiếu. “Nhưng nâng lên đặt xuống, nhận thấy đảng Dân chủ không có ứng viên thực sự nổi bật nên tôi vẫn tiếp tục bầu cho Trump”, Mike nói.

Trao đổi với chúng tôi, Oanh Nguyen, người Việt sinh sống lâu năm tại tiểu bang Kentucky, cho biết, càng gần đến ngày bầu cử, không khí càng trở nên căng thẳng. Đặc biệt là năm nay, khi dịch bệnh và các cuộc bạo loạn đã nổi lên ở khắp các tiểu bang trong nhiều tuần qua vì vấn đề phân biệt sắc tộc và nhiều mâu thuẫn khác. Người dân quanh khu tôi sống treo rất nhiều băng rôn còn các kênh truyền hình cũng hay đưa tin cập nhật về bầu cử và phát biểu của 2 ứng cử viên, chị Oanh mô tả.

Trần Nguyễn Thanh Thảo, hiện đang sống ở thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana cho biết, dù là bang nhà của Phó Tổng thống Pence, tức là bang ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng đa phần là ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ Biden.

Trước sân nhà, nhiều người để biển ủng hộ Biden – Harris và mặc áo thun, đeo khẩu trang in hình Biden – Harris màu xanh. Ngoài Thảo, em trai và ông bà nội cũng đã bỏ phiếu sớm cho Biden.

Người dân ở thành phố Indianapolis đi bỏ phiếu sớm nhé. Ảnh do Nguyễn Trần Thanh Thảo cung cấp.

“Ông Biden có đề xuất những ý kiến hay mà tôi rất quan tâm như là tăng mức lương cơ bản lên 15USD/giờ, Bảo hiểm Y tế toàn dân (Universal Healthcare), Kiểm soát súng chặt chẽ hơn và sẽ tái nhập Hiệp ước chống biến đối khí hậu”, Thảo lý giải.

Mùa bầu cử năm nay, một phần do dịch bệnh và nước Mỹ bị chia rẽ hơn bao giờ hết, nên mọi người càng tích cực đi bầu sớm và chia sẻ quan điểm cá nhân về chính trị, Thảo cho biết.

Chị Đan Tâm, chuyên viên ngành kế toán tại bang Texas, cho biết có thể cảm nhận được “sức nóng” của cuộc bầu cử ở nhiều nơi quanh khu mình sống. “Có nhiều biển hiệu sáng tạo ủng hộ hai ứng viên. Thậm chí khi tới một quán bún bò Huế, tôi cũng bắt gặp một đôi vợ chồng mặc áo hay đội mũ, thậm chí đeo khẩu trang in hình ông Trump.

Mặc dù vậy, sự có mặt của dịch Covid-19 đã có tác động không nhỏ đến thói quen bầu cử của nhiều người. Chị Trang Doan, hiện đang học tập và làm việc tại thành phố St. Louis, tiểu bang Missouri, cho biết, năm nay, người dân phải hạn chế tập trung do e ngại lây nhiễm COVID-19, do đó các hoạt động vận động không rầm rộ như những năm trước. Mọi người thực hiện giãn cách xã hội nên rất hạn chế ra ngoài. Tuy vậy, nhìn chung người dân vẫn mua các sản phẩm thể hiện sự ủng hộ đối với các ứng cử viên họ thích và chuyển hướng vận động trên mạng xã hội.

Mọi người vận động nhau đi bầu cử rất nhiều, chụp ảnh check-in với thông điệp “I voted” (Tôi đã bỏ phiếu). Nhiều người sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ đi lại miễn phí cho các cử tri muốn tới điểm bỏ phiếu. Các mạng xã hội đưa tin rất nhiều về bầu cử, ví dụ Instagram, Snapchat có cả hiệu ứng xanh-đỏ, đại diện cho màu sắc tương ứng của 2 đảng.

Bạn bè tôi nhiều người không muốn ông Trump tái đắc cử dù họ cũng không quá thích ông Biden. Một bộ phận người dân vì không thích cả hai nên chọn không bỏ phiếu hoặc bầu cho một đảng thứ 3. Vì vậy, tôi nghĩ kết quả cuộc bầu cử lần này rất khó đoán trước”, Trang nói.

Chị Trà My, chuyên viên tài chính tại thành phố Salt Lake, bang Utah, cho biết, các công ty của Mỹ cũng như nhiều công ty khác rất chú trọng gửi thông tin nội bộ động viên nhân viên bầu cử. 2020 là một năm nhiều biến động với nước Mỹ, vì vậy tinh thần và trách nhiệm của người dân về chính trị và xã hội cao hơn bao giờ hết. Họ có nhiều cách thể hiện quan điểm của mình, kể cả việc hoá trang thành tổng thống đi đầy đường.

Năm 2016, một số người ủng hộ đảng Dân chủ không bầu cho ai cả vì họ không thích bà Clinton. Nhưng sau 4 năm, vì bất đồng với cách ông Trump vận hành nên mọi người chuyển sang bầu cho ông Biden, dù chưa chắc đã ủng hộ ông. Đó cũng có thể là lý do năm nay có nhiều người đi bầu hơn 2016, chị Nhung Nguyễn, hiện sống tại một trong những bang “chiến trường” là Pennsylvania, cho biết.

Ben Quick, người dân tại Illinois cho biết, ông có thể cảm nhận được không khí căng thẳng hơn so với cuộc bầu cử cách đây 4 năm.

Bang Illinois, nơi ông ở là một bang thuộc phe bảo thủ, rất nhiều người ủng hộ Tổng thống Trump. Những người ủng hộ ông Trump lái những chiếc xe tải lớn đi vòng quanh, với súng, cờ và băng rôn ủng hộ ở đằng sau. “Họ đều không đeo khẩu trang. Họ thậm chí còn không tin rằng Covid là có thật”, Ben nói.

Cũng theo lời Ben, ở các bang khác như thành phố Tucson, bang Arizona, gần đến ngày bầu cử, những người ủng hộ ông Trump liên tục diễu hành xung quanh khu phố. Điều này chưa từng xảy ra trước đó. “Tôi cảm thấy nó giống như một lời đe dọa. Tôi băn khoăn không hiểu họ sẽ phản ứng thế nào khi ông Trump thua. Tôi thật sự lo lắng”, người đàn ông trung niên này bày tỏ với chúng tôi.

Cũng đã có một số cuộc cãi vã căng thẳng giữa người ủng hộ của 2 phe. Cá nhân Ben ủng hộ cho ứng viên Biden của đảng Dân chủ, dù ông thừa nhận rằng, ông không hoàn toàn thích Biden. “Những người ủng hộ Biden không phải tất cả đều thích Biden. Tôi vốn ủng hộ Bernie Sanders nhưng tôi lo lắng về tình hình nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, vì vậy, tôi bỏ phiếu cho Biden”, Ben giải thích.

Trong khi đó, một cử tri sống tại bang “xanh” – có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ – nhưng bỏ phiếu cho Trump lại có cách lý giải cho sự lựa chọn của mình.

“Năm 2008, tôi đã rất kỳ vọng và bỏ phiếu cho Obama nhưng hóa ra ông ấy lại là nỗi thất vọng lớn với tôi. Ông ấy không thực hiện những điều ông ấy đã hứa. Khi Obama bắt đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông ấy nói sẽ ngừng cuộc chiến ở Iraq và một số nơi khác, sẽ đóng cửa nhà tù Guantanamo vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ. Nhưng ông ấy không làm như vậy, thay vào đó, ông ấy phát động cuộc chiến ở Libya, Syria. Ông ấy cũng không đóng cửa Guantanamo”, A., một nam thanh niên Mỹ ủng hộ ông Trump nhưng sống ở thành phố Los Angeles, California cho hay.

Vì vậy, năm 2016, tôi đã bầu cho ông Trump, và năm nay vẫn như vậy. Tôi ủng hộ chính sách đối ngoại của ông Trump, việc rút khỏi các cuộc chiến vô nghĩa và chính sách giảm thuế. Tôi không ủng hộ bức tường biên giới nhưng tôi ủng hộ việc trục xuất những người nhập cư phạm tội”.

Tôi sống ở California, vì vậy tôi không dám bộc lộ việc mình ủng hộ ông Trump. Tôi e ngại rằng hàng xóm sẽ tức giận và trở nên quá khích, họ có thể phá xe hoặc tài sản của tôi. Ở chỗ làm cũng vậy, có một áp lực xã hội từ những người đồng nghiệp đối với tôi. Trong vườn nhà, tôi cũng không dám treo cờ hay các biểu ngữ ủng hộ ông Trump”, A. kể.

Ở bang “xanh”, nếu bạn nói về việc ủng hộ Trump, bạn sẽ gặp điều không hay, A. nói, lý giải cho việc tránh sử dụng tên thật.

Cũng là một cử tri bỏ phiếu cho Trump mặc dù sống ở bang “xanh”, Mike B. cho rằng, truyền thông có phần không công bằng với ông Trump. “Chính sách giảm thuế của ông Trump có lợi, chứng khoán luôn xanh nên chúng tôi ủng hộ. Trước khi ông Trump cầm quyền, chúng tôi phải nộp thuế 25%, nhưng khi ông Trump lên chỉ còn 22%”.

Hiện giờ đảng Dân chủ đang đề xuất Bidencare nhưng điều này cho thấy sự cũ kỹ trong chính sách của ông Biden, hầu như là sự sao chép của Obama, Mike nói thêm.

Công Phong, một người Việt sống tại bang California cho biết, mọi người diễu hành để bày tỏ quan điểm rất nhiều. Người Việt ở đây chủ yếu ủng hộ ông Trump, hôm 1/11 có diễu hành ở San Joe, dưới quận Cam còn nhiều nữa. “California là bang ủng hộ Dân chủ nên có nhà cứ treo cờ Trump thì bị người khác đến xé. Chuyện này xảy ra rất nhiều lần rồi”, Phong cho hay.

Tình hình căng thẳng và chia rẽ của nước Mỹ dường như là điều mà ai cũng có thể cảm nhận và lo lắng. Surai Paneru – một công dân Mỹ sinh sống tại thành phố San Francisco, bang California – lo ngại rằng có khả năng nhiều cuộc biểu tình sẽ nổ ra ngay trong đêm bầu cử. Một số báo đã đưa tin về việc doanh nghiệp địa phương phải che chắn cửa sổ để đề phòng bạo động và nổi loạn.

Đây là thời điểm nước Mỹ chứng kiến sự chia rẽ về việc ai là người sẽ đảm nhận chức Tổng thống nhiệm kỳ tới. Sự khác biệt và chia rẽ thể hiện rõ rệt giữa các nhóm cử tri. Chị Oanh Nguyen cho biết, mẹ chị là fan của tổng thống Trump, lần nào gặp cũng kêu gọi vợ chồng chị bỏ phiếu cho ông Trump, không những vậy còn tỏ ra không đồng ý nếu biết có người bầu cho ông Biden. Dù ai đắc cử Tổng thống, mâu thuẫn cũng có thể nổ ra, chị Oanh lo lắng. Hiện tại, nhiều tiểu bang đang có dự định sau khi bầu cử xong sẽ cho đóng cửa nhiều cửa hàng và cơ quan 2 tuần vì sợ bạo loạn.

Chị Đan Tâm thì cho biết, tại công ty chị, việc giám đốc điều hành (CEO) công khai ủng hộ ông Biden đã khiến nhiều người bức xúc và bỏ việc. “Do đó, tôi cho rằng chính trị là một vấn đề nóng hổi, nhạy cảm và cá nhân tôi luôn giữ quan điểm trung lập, tôn trọng kết quả cuối cùng cho dù người dân Mỹ bầu ai lên làm Tổng thống đi chăng nữa”, chị Tâm chia sẻ.

Theo Soha (03.11.2020)