Seite auswählen

„hiệu quả 90% không có nghĩa là cứ 10 người được tiêm vaccine thì có 9 người không bị nhiễm; nó có nghĩa là nhóm được tiêm vaccine có xác suất nhiễm thấp hơn nhóm chứng 90%.“

Hôm qua là một ngày làm nô nức cư dân toàn cầu khi tập đoàn Pfizer tuyên bố rằng vaccine phòng chống SARS-Cov-2 của họ có hiệu quả 90%. Nhưng có vài người, ngay cả trong giới y khoa, hiểu sai về con số 90%. Tôi xin có đôi dòng chia sẻ và giải thích. 

Hiệu quả của vaccine được đo lường bằng chỉ số gọi là ‘Vaccine Efficacy’ (VE). Chỉ số này được tính toán như sau: 

VE = 1 – (Rx / R0)

trong đó Rx là xác suất nhiễm trong nhóm được tiêm vaccine, và R0 là xác suất nhiễm trong nhóm chứng. Nếu Rx = R0 thì VE = 0.  Theo như thông cáo báo chí thì VE = 0.90 hay 90%

Con số 90% đó thường được hiểu là cứ 10 người được tiêm, thì chỉ có 1 người bị nhiễm. Tức là vaccine ngăn ngừa nhiễm cho 9 người. Nhưng cách hiểu này sai. 

Tại sao sai? Tại vì đơn vị để xác định VE không phải là số ca nhiễm (người), mà là nguy cơ (tức xác suất) nhiễm. Con số VE = 90% có nghĩa là vaccine giảm NGUY CƠ 90% so với nhóm chứng. Nó hoàn toàn không có nghĩa là ngăn ngừa 90% SỐ CA nhiễm. 

Vậy câu hỏi kế tiếp là: nguy cơ nhiễm là bao nhiêu? 

Nghiên cứu của Pfizer đã ghi danh 43,538 tình nguyện viên [1]. Số tình nguyện viên được chia ngẫu nhiên thành 2 nhóm theo tỉ số 50:50, tức là 21769 được tiêm vaccine và 21769 trong nhóm chứng. Theo thông cáo báo chí, trong thời gian theo dõi, họ ghi nhận 94 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, có thể đoán rằng số ca nhiễm trong nhóm vaccine là 8 người, và trong nhóm chứng là 86 người. Nói cách khác, nguy cơ nhiễm trong nhóm vaccine là 0.037% và nhóm chứng là 0.395%. 

Các bạn có thể kiểm tra xem sự khác biệt trên có ý nghĩa thống kê. Nhưng ở đây tôi muốn trả lời câu hỏi: cần phải tiêm bao nhiêu người để giảm 1 ca nhiễm? Câu trả lời là khoảng 280 người. Phải tiêm cho 280 người để ngăn ngừa 1 ca nhiễm.

Tóm lại, hiệu quả 90% không có nghĩa là cứ 10 người được tiêm vaccine thì có 9 người không bị nhiễm; nó có nghĩa là nhóm được tiêm vaccine có xác suất nhiễm thấp hơn nhóm chứng 90%. Nói cách khác nữa, nếu 10,000 người tiêm vaccine thì sẽ có ~4 người bị nhiễm, còn nếu không tiêm vaccine thì số ca nhiễm sẽ là khoảng 40. Hiểu như vậy để nói thật với công chúng. 

Nhưng đây là mô hình nghiên cứu adaptive RCT [2], nên con số 90% đó có thể thay đổi trong tương lai vì nghiên cứu chưa xong. Họ vẫn phải phân tích thêm 2-3 lần nữa khi dữ liệu được thu thập theo đề cương đề ra. Con số sau cùng có thể cao hơn 90%, nhưng kinh nghiệm của tôi thì con số sau cùng lúc nào cũng thấp hơn con số ban đầu. Dù con số cao thấp ra sao thì đây cũng là một ‘đột phá’ quan trọng. 

____

PS: Nghiên cứu này được thiết kế theo mô hình ‘adaptive RCT’, hiểu nôm na theo nghĩa tiếng Việt là ‘đẽo cày giữa đường’. Nhóm nghiên cứu dự tính nhìn vào dữ liệu 5 lần; nếu kết quả mỗi lần ok họ tiếp tục, nếu không ok họ ngưng. Giống như đánh bài, mỗi lần binh, nhìn vào lá bài là con gì rồi quyết định. 🙂 Nghe thì có vẻ như trò chơi, nhưng trong thực tế thì mô hình này là từ lý thuyết trò chơi (game theory). Cái hay là mô hình adaptive này đáp ứng tiêu chuẩn y đức hơn mô hình RCT truyền thống. Các bạn có thể đọc đề cương [2] để thấy họ lý giải như thế nào.

Ts Nguyễn Tuấn

[1] https://www.pfizer.com/news/press-release/press-release-detail/pfizer-and-biontech-announce-vaccine-candidate-against

[2] https://pfe-pfizercom-d8-prod.s3.amazonaws.com/2020-11/C4591001_Clinical_Protocol_Nov2020.pdf