„Con hổ dụ các con báo, cáo, mèo – mỗi con mang một miếng mồi đến để góp ăn chung. Con mèo nghĩ đến miếng thịt to của con hổ nên mang mồi của mình đến. Nhưng con mèo không biết rằng con hổ đánh đuổi tất cả để dành lấy toàn bộ các miếng mồi.“
Nguyễn Ngọc Chu
Ngày 15/11/2020 15 quốc gia, sau hơn 6 năm đàm phán, đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo hình thức trực tuyến. Đó là các nước Việt Nam, Brunei, Campuchia, Nam Dương (Indonesia), Lào, Mã Lai, Miến Điện (Myanmar), Phi Luật Tân, Tân Gia Ba (Singapore), Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan và Trung cộng.
Có không ít người đã vội mừng vì thị trường 2,2 tỷ dân với GDP khoảng 26 200 tỷ USD sẽ mở ra “một chân trời mới’. Có người còn vội đánh giá rằng đây là “thoả thuận thương mại lớn nhất thế giới”, “khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới”!
Khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới không chỉ đơn thuần xác định bởi hai tiêu chuẩn là dân số và tổng GDP. Chất lượng của thị trường mới là tiêu chuẩn áp đảo (dominant). Mở ra một cái chợ, quan trọng nhất là ai đến chợ và chợ bán gì.
TẠI SAO ẤN ĐỘ RỜI BỎ RCEPT?
Ngày 04/11/2019, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Ấn Độ và Hội nghị Thượng đỉnh RCEP diễn ra ở Bangkok, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chính thức tuyên bố Ấn Độ rút khỏi RCEP.
Nguyên nhân thì không chỉ một. Nhưng nguyên nhân chính là Trung cộng. Không phải là Trung cộng lấn chiếm biên giới Ấn Độ. Mà là Ấn Độ sẽ trở thành miếng mồi thị trường của Trung cộng.
Là bởi vì khi gia nhập RCEP thì hàng hoá Trung cộng sẽ tràn ngập thị trường Ấn Độ mà hang hoá Ấn Độ không thể xâm nhập thị trường Trung cộng. Ấn Độ không phải là quốc gia có công nghệ cao như Nhật Bản để Trung cộng mở cửa mong muốn ăn cắp, copy làm hàng nhái – ít nhất là trong thời gian đầu, sau đó rũ bỏ và đóng cửa mặt hàng công nghệ cao đã bị nội địa hoá. Nhật Bản ý thức được điều đó. Nhưng Nhật Bản sẽ có công nghệ mới mà Trung cộng có thể thèm muốn để tiếp tục hé cửa cho vào. Nhưng Ấn Độ thì không. Còn nữa, là ngoài mặt thì tuân thủ hiệp ước tự do thương mại, nhưng ngầm bên trong Trung cộng sẽ tìm cách cản đường. Và hàng hoá Ấn Độ sẽ rất khó thâm nhập thị trường Trung cộng.
Thương mại tự do là để đi bán hàng hoá mình sang nước khác. Nay hang hoá mình không sang được thị trường của người mà hàng hoá của người lại tràn ngập thị trường của mình thì tham gia thị trường tự do làm gì? Đó chính là nguyên nhân số 1 làm Ấn Độ phải rút ra khỏi RCEP.
Một nước lớn với dân số 1tỷ 380 triệu người, sắp vượt Trung cộng, mà Ấn Độ còn sợ Trung cộng nuốt chửng thì các nước bé như Việt Nam chả thấm vào đâu.
Có người sẽ bảo vệ, rằng điều đó không thể xẩy ra. Vì Hiệp định sòng phẳng cho tất cả các bên ký kết. Thế là quên mất lý lẽ của kẻ mạnh, quên mất đường chữ U.
VỚI VIỆT NAM thì EVFTA CÓ LỢI HƠN RCEPT
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Câu tục ngữ của cha ông dạy thật quá đúng cho chúng ta trong tham gia bàn cờ quốc tế.
Chẳng có RCEP thì Việt Nam cũng đã bị Trung cộng “đàn áp” thị trường. Nhập siêu từ Trung cộng năm sau lớn hơn năm trước với mức độ rợn người. Năm 2019 nhập siêu từ Trung cộng tăng 40,1% so với năm 2018 và đạt con số 33,8 tỷ USD. Đó là chưa nói hàng buôn lậu qua biên giới. Càng chưa nói đến hàng Trung cộng dán mác hàng Việt nam tại thị trường Việt Nam, cũng như xuất sang Mỹ và các nước khác. Nếu tính đủ, con số sẽ không dưới 50 tỷ USD. Việc ra đời RCEP, không ngi ngờ gì nữa, thị trường Việt Nam càng bị Trung cộng thâu tóm.
Đừng ví Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc. Để từ đó kết luận rằng Nhật Bản và Hàn Quốc thấy lợi ích của RCEP nên đã tham gia. Như đã đề cập trong phần Ấn Độ ở trên, Nhật Bản và Hàn Quốc có công nghệ tân tiến để đối trọng với Trung cộng – buộc Trung cộng phải chấp nhận chia sẻ thị trường. Việt Nam không có vị thế như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việt Nam phải chú trọng vào thị trường châu Âu. EVFTA là rất quan trọng và rất có lợi cho Việt Nam. Năng lực xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Thay vì dàn trải thì phải dồn chủ lực cho thị trường chính. Với EVFTA Việt Nam học được công nghệ và đáp ứng được chuẩn mực châu Âu. Tự Việt Nam bước lên đẳng cấp mới. Gần đèn thì rạng.
Thị trường 2 tỷ 200 triệu dân, tuy là rất lớn, nhưng không phải để cho Việt Nam. Thí dụ ngụ ngôn sau có lẽ phần nào giải thích được lý do vì sao.
Con hổ dụ các con báo, cáo, mèo – mỗi con mang một miếng mồi đến để góp ăn chung. Con mèo nghĩ đến miếng thịt to của con hổ nên mang mồi của mình đến. Nhưng con mèo không biết rằng con hổ đánh đuổi tất cả để dành lấy toàn bộ các miếng mồi.
Con hổ Bengal Ấn Độ mà còn phải tháo chạy khỏi RCEP thì xin đừng quá lạc quan. Thị trường 500 triệu dân của EVFTA mới là điều thực tế.
Lại tự răn bằng câu tục ngữ của cha ông: ‘Ngày lắm mối, tối nằm không’!
Nguyễn Ngọc Chu
Thesaigonpost (16.11.2020)