3.12.2020
Về quan hệ Âu – Mỹ, Le Monde có bài bình luận đáng chú ý của nhà báo Sylvie Kauffmann mang tựa đề « Thoát khỏi cái bẫy của lập trường tự trị chiến lược ».
Vào lúc Hoa Kỳ đang chuẩn bị sang trang nhiệm kỳ Donald Trump, với chính quyền Joe Biden sẵn sàng nối lại quan hệ mật thiết với các đồng minh châu Âu, về phần châu Âu cũng cần phải sẵn sàng. Nhà báo Le Monde thuật lại những thay đổi lớn trong lập trường châu Âu nhằm tái thúc đẩy quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Thay đổi lớn trước hết dựa trên việc vượt qua các bất đồng giữa Pháp và Đức, hai trụ cột của Liêu Âu, xung quanh khái niệm về « tự trị chiến lược ». Bất đồng từ một tháng nay làm đau đầu giới chuyên gia về địa chính trị châu Âu.
Theo tác giả, có một sự sa lầy vô ích trong cuộc tranh luận về sự « tự trị chiến lược », bởi đây là một khái niệm có thể được hiểu theo các hàm nghĩa hết sức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Sử gia Justin Vaisse cho biết khái niệm « tự trị chiến lược » xuất hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, với thất bại của Paris và Luân Đôn. Bài học mà chính quyền Pháp rút ra vào thời điểm đó là phải độc lập về quốc phòng, không phụ thuộc vào thế lực nào. Trong khi đó, Anh Quốc duy trì quan điểm cần đến sự bảo trợ của sức mạnh Mỹ. Khái niệm « tự trị chiến lược » đã được Hội Đồng Châu Âu nhất trí thông qua vào năm 2013, với sự đồng thuận của Anh, và một lần nữa vào năm 2016.
Sử gia Justin Vaisse, nay là người đứng đầu Diễn đàn Hòa bình Paris, kể lại các nỗ lực của Pháp để đưa quan niệm « tự trị chiến lược » vào trong Chiến lược tổng thể của Liên Âu. Ngày 24/06/2016, Chiến lược này được nhất trí thông qua. Tuy nhiên, sự kiện quan trọng này đã bị chìm đi, bởi ngay ngày hôm trước, một biến cố gây chấn động : Nước Anh quyết định rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, sau cuộc trưng cầu dân ý 23/06/2016.
Năm tháng sau đó, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Rồi sáu tháng sau, Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp. Hai lãnh đạo Mỹ và Pháp đều đã đặt vấn đề « tự trị chiến lược của châu Âu » trở lại lịch trình, tuy mỗi bên có một chủ ý rất khác nhau : Trump với chủ nghĩa đơn phương, nước Mỹ trên hết, còn Macron, kế thừa truyền thống « duy ý chí », muốn khẳng định sự độc lập của châu Âu.
Tuy nhiên, chiến thắng của Joe Biden khiến sự khác biệt trong lập trường trong vấn đề này giữa Pháp và Đức, trở nên nổi bật. Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, trong một phát biểu mới đây, cho rằng quan điểm « tự trị chiến lược » của Pháp là « ảo tưởng ». Quan điểm bị Paris phản bác. Quan hệ mật thiết Đức – Mỹ khiến Berlin lo ngại một lập trường quá độc lập của Pháp. Khả năng phát triển quốc phòng châu Âu trong những năm tới cũng bị hạn chế rất nhiều, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các quốc gia Liên Âu đã quyết định cắt giảm ngân sách quân sự 50% trong 7 năm tới.
Mục lục
Tham vọng Trung Quốc: Đối thủ chung của Âu – Mỹ
Berlin có quan điểm gần với Luân Đôn hơn Paris trong những vấn đề liên quan đến khối NATO, theo ông Robin Niblett, giám đốc trung tâm tư vấn Anh Chatham House. Trong những năm gần đây, các chính trị gia Đức muốn thúc đẩy khái niệm « chủ quyền » châu Âu. Giám đốc Chatham House lưu ý khái niệm « chủ quyền châu Âu » liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ quốc phòng. Một lĩnh vực chủ đạo khác là khí hậu, với các vấn đề thuế các-bon, các tiêu chuẩn môi trường, các tiêu chuẩn trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Thay vì tập trung phát triển « tự trị chiến lược » về quân sự, định hướng ưu tiên hiện nay của Liên Âu và NATO là tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược mới với Hoa Kỳ, sau 4 năm khủng hoảng dưới thời Donald Trump. Báo Anh Financial Times dẫn lại một tài liệu của Ủy Ban Châu Âu mới thảo ra, đề xuất cùng với Washington lập ra một « không gian công nghệ xuyên Đại Tây Dương », có thể trở thành « rường cột cho một liên minh rộng lớn hơn của các nền dân chủ ».
Trung Quốc chính là đối thủ chủ yếu của kế hoạch này. Theo nhà báo Le Monde, không nên sa lầy trong các mục tiêu quá khứ, như mưu toan thương thuyết về các thỏa thuận tự do mậu dịch mới, chẳng hứa hẹn điều gì. Đứng ở hàng đầu trong các thách thức của thế kỷ 21 là quyết tâm của Bắc Kinh giành vị trí hàng đầu về công nghệ. Châu Âu và Hoa Kỳ cần phải vượt qua nhiều khác biệt sâu sắc để đoàn kết lại, nếu muốn bảo vệ được quyền lực chi phối trong trận chiến lớn này.
Hiện tại một cơ sở tư vấn khác, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), cũng đang soạn thảo các đề xuất mà châu Âu có thể bàn với tân chính quyền Mỹ. Báo cáo của ECFR đưa ra một kế hoạch hành động nhằm hướng đến « thay đổi, chứ không phải phục hồi », trong đó nói rất ít đến vấn đề « tự trị chiến lược », mà đề cập nhiều hơn đến quan hệ « đối tác ». /.
Quan hệ Âu – Mỹ thời Joe Biden sẽ khác và thú vị hơn ?
Le Monde dành mục thời luận cho chính sách ngoại giao trong tương lai của nước Mỹ dưới thời tổng thống Joe Biden với châu Âu. Đối với cây bút chuyên luận Sylvie Kauffmann, Joe Biden có thể là tổng thống Mỹ thân châu Âu nhất, nhưng có lẽ Biden sẽ không thể quan tâm đến các vấn đề của châu Âu bởi ông có quá nhiều việc phải lo.
Chuyến công du châu Âu lần gần đây nhất của Joe Biden là vào tháng 02/2019. Tại Hội nghị An ninh Munich, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thúc giục các nước châu Âu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran như Mỹ đã làm. Phát biểu sau Mike Pence, Joe Biden đã cố trấn an các quan chức châu Âu. Cựu phó tổng thống Mỹ thời Obama hứa « Rồi điều đó cũng sẽ trôi qua thôi. Chúng tôi sẽ trở lại ! » Châu Âu khi đó tỏ ra không mấy quan tâm.
Sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng đã khiến châu Âu chìm vào một cơn ác mộng chiến lược thực sự. Qua nhiều giai đoạn hoài nghi, cuối cùng châu Âu cũng nhận ra thực tế : Mỹ đã rời xa châu Âu và chỉ quan tâm đến một số chính quyền dân túy. Nhưng Joe Biden đã giữ lời hứa : Ông ấy đang trở lại. Khi nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021, Biden sẽ là tổng thống Mỹ giàu kinh nghiệm nhất về quan hệ quốc tế kể từ thời George Bush cha. Không chỉ vậy, nhìn từ châu Âu, đội ngũ lãnh đạo đối ngoại mà ông Biden công bố hôm 23/11, là « đội hình trong mơ ». Chẳng hạn, Tony Blinken, người được chọn làm lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ, lớn lên ở Paris và quen thuộc với châu Âu.
Thế nhưng liệu điều đó sẽ mang lại phép màu cho châu Âu hay chỉ là ảo ảnh ? Cây bút thời luận của Le Monde nhấn mạnh cần khẩn trương giúp những người châu Âu tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ trở lại như ban đầu, thoát ra khỏi những suy nghĩ ngây ngô đó. Các cuộc đối thoại trực tuyến mạnh mẽ trong ba tuần qua giữa các chuyên gia châu Âu và Mỹ về tương lai quan hệ đôi bên đã tiết lộ hai điều : tương lai này sẽ khác và sẽ có nhiều điều thú vị hơn.
Khác bởi vì thế giới đã thay đổi, không chỉ từ khi Trump lên nắm quyền : xu hướng bài toàn cầu hóa, sự vươn lên khẳng định của Trung Quốc, sức mạnh của công nghệ, sự trỗi dậy của các chế độ toàn trị. Ngoài ra, cũng phải nói đến hậu quả của đại dịch Covid-19.
Một số nhân vật trong chiến dịch tranh cử của phe Dân Chủ và chắc chắn nằm trong chính quyền Biden, không giấu giếm là ưu tiên hàng đầu của họ sẽ là kiểm soát được đại dịch và vực dậy nền kinh tế Mỹ. Họ ý thức được là việc dân Mỹ bị chia rẽ nặng nề sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn, họ cũng ý thức được hình ảnh nền dân chủ Mỹ đã xấu đi. Cố vấn an ninh quốc gia tương lai Jake Sullivan chủ trương chính sách đối ngoại có lợi cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Một nhân vật khác dự đoán chính quyền Biden sẽ dành 80% sức lực cho chính trị trong nước và 20% cho quan hệ đối ngoại. Trong số 20% đó, Trung Quốc sẽ chiếm phần chính. Vậy thì còn lại bao nhiêu cho các đồng minh châu Âu của Mỹ ?
Tổng thống Biden sẽ biết cách chữa lành vết thương mà Trump để lại. Ông Biden cũng sẽ đưa Washington trở lại cuộc chơi đa phương vốn rất quan trọng, trong bối cảnh thế giới đang đối đầu với những thách thức lớn về khí hậu và sức khỏe, y tế. Biden cũng sẽ tìm cách hồi sinh cuộc đấu tranh cho các giá trị dân chủ chung, vốn đã chịu nhiều tổn hại. Nhưng phần còn lại là nhiệm vụ của châu Âu. Đó chính là điều thú vị.
Châu Âu muốn tự chủ hơn chăng ? Điều đó là tốt và đúng ý chính quyền Mỹ : Phải quan tâm nhiều đến châu Á, chính quyền Biden sẽ không còn nhiều thời gian và phương tiện cho các cuộc xung đột ở cửa ngõ châu Âu : từ Balkan đến Caucase, từ không gian hậu Xô Viết đến đông Địa Trung Hải, từ châu Phi đến Trung Đông … Châu Âu cũng phải đề phòng khả năng kỳ bầu cử tổng thống trong 4 năm tới sẽ lại làm Mỹ thay đổi chính sách.
Nhà báo Sylvie Kauffmann kết luận để bảo vệ lợi ích và đảm đương trách nhiệm, châu Âu cần có những đề xuất và đặc biệt là phải vượt qua sự chia rẽ nội bộ. Cả Mỹ và châu Âu đều đang có « một cơ hội », « một cơ may độc nhất vô nhị » : Tái tạo mối quan hệ Âu-Mỹ trong một thế giới khác, kể cả bằng cách hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Chưa biết liệu Âu-Mỹ có giành được thắng lợi hay không, nhưng đó là điều nên thử !