Hiếu Bá Linh biên dịch
4-12-2020
Sau khi thất cử, kế hoạch của ông Trump rút 12.000 binh lính Mỹ ra khỏi Đức có thể sẽ không thành. Quốc hội Hoa Kỳ muốn ngăn chặn việc rút quân này. Bộ Quốc phòng Mỹ trước tiên phải giải thích liệu việc rút quân có đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ hay không.
***
Hồi giữa tháng 6 năm 2020, Tổng thống Trump tuyên bố rút một số binh sĩ Mỹ ở Đức. Tổng cộng khoảng 12.000 binh sĩ sẽ được rút đi.
Washington – Trước mắt, Quốc hội Mỹ muốn ngăn chặn cuộc rút quân ồ ạt binh lính Mỹ khỏi Đức mà Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã lên kế hoạch. Điều này được thể hiện từ dự thảo Gói Ngân sách Quốc phòng của Mỹ, mà đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa đã nhất trí tại cả hai viện của Quốc hội hôm thứ Năm ngày 3/1 (giờ địa phương).
Các thành viên của Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện, vốn do đảng Cộng Hòa của Trump chiếm đa số, đã nhất trí hôm thứ Năm về Gói Ngân sách Quốc phòng dài 4.500 trang cho năm tới. Sau khi được hai viện của Quốc hội thông qua, Trump phải ký dự luật để nó có hiệu lực.
Về kế hoạch rút quân khỏi Đức, dự thảo nêu rõ ở trang 1428 rằng, Quốc hội tiếp tục đánh giá Đức là một đối tác lớn của NATO. Sự hiện diện của “khoảng 34.500 thành viên của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đóng tại Đức” có vai trò như một biện pháp răn đe quan trọng đối với hành động xâm lược quân sự và các nỗ lực bành trướng của Nga ở châu Âu.
Hồi tháng 6/2020, Tổng thống Trump đã tuyên bố rút một số binh sĩ Mỹ ở Đức và biện minh cho quyết định của mình rằng, ông thấy chi tiêu quốc phòng của Đức là quá thấp. Tổng cộng khoảng 12.000 binh sĩ sẽ được rút đi, tức là khoảng một phần ba tổng số binh sĩ đóng tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Vài tuần sau tuyên bố của Trump, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (hiện đã bị sa thải) nói rõ rằng, các kế hoạch này nên được thực hiện “càng sớm càng tốt”. Nhưng cho đến nay, việc rút quân vẫn không xảy ra. Theo kế hoạch, một nửa trong số 12.000 binh sĩ sẽ được đưa trở lại Hoa Kỳ, và 5.600 lính sẽ được chuyển đến các nước NATO khác. Các bang có căn cứ quân sự Mỹ như Baden-Württemberg, Bavaria và Rheinland-Pfalz sẽ bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do việc rút quân.
Quyền phủ quyết của Trump có thể bị bác bỏ
Trump đã đe dọa ngăn chặn ngân sách quốc phòng với quyền phủ quyết, tuy nhiên, điều này không liên quan gì đến cuộc tranh luận về việc rút quân đội Mỹ khỏi Đức, mà là tranh cãi về quy định cho các nền tảng trực tuyến (facebook, twitter, …). Vào mùa hè vừa qua, Trump cũng đe dọa sẽ phủ quyết gói ngân sách trong cuộc tranh chấp về việc có thể đổi tên các căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, quyền phủ quyết của tổng thống có thể bị bác bỏ với đa số 2/3 tại Hạ viện và Thượng viện. Gói Ngân sách Quốc phòng (NDAA) là một trong hàng loạt dự luật mà Quốc hội dự định sẽ thông qua trong năm nay. Liên tiếp 59 năm qua, ngân sách quốc phòng đều được thông qua với sự ủng hộ của lưỡng đảng.
Trump thuộc đảng Cộng Hòa, đã thua Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 11. Cho đến nay, Trump vẫn từ chối thừa nhận thất cử./.