Vũ Thị Phương Anh
6-12-2020
Xem Cùng học logic (1) – Vì sao nhiều người Việt không tin vào sự chiến thắng của Biden?
Trước hết, xin chú thích bức ảnh đứa bé hỏi mẹ khi nghe mẹ kể chuyện Cô bé Lọ Lem: “Vì sao cỗ xe, đôi tuấn mã, người hầu và quần áo đẹp đều hiện trở lại nguyên hình là quả bí, chuột nhắt và giẻ rách, mà đôi giày pha lê thì lại còn nguyên hả mẹ?“
Bức ảnh trên lấy trong một cuốn sách dạy logic của phương Tây. Nó cho thấy suy luận hợp lý trước hết là một khả năng bẩm sinh mà ngay cả trẻ em cũng đã có sẵn.
Giờ chúng ta thử tưởng tượng một em bé VN cũng nghe mẹ kể chuyện Cô Bé Lọ Lem và cũng đặt câu hỏi tương tự như vậy. Chuyện gì sẽ xảy ra nhỉ?
Tôi nghĩ chỉ có hai khả năng như sau:
1. Không có em bé Việt Nam nào đặt câu hỏi như vậy cả. Vì cách dạy trẻ em của Việt Nam là áp đặt ngay từ những ngày đầu tiên, trước khi các cháu kịp suy nghĩ.
Cha mẹ sẽ dạy cho con học thuộc lòng câu chuyện và sẽ khen các con khi kể lại đúng chính xác từng chi tiết. Và ngược lại sẽ sửa các con khi nghe con kể thiếu bất kỳ một chi tiết nào.
2. Cũng có các em thắc mắc khi thấy có những điều không hợp lý. Nhưng khi nghe câu hỏi thì người lớn gạt đi như một điều ngớ ngẩn, hoặc cười phá lên khi thấy câu hỏi ngộ nghĩnh, nhưng không trả lời. Vì chính người lớn cũng không có thói quen suy luận logic mà chỉ chấp nhận những điều đã được thế hệ trước truyền cho mình.
Chỉ cần vài lần hỏi nhưng không được ai quan tâm trả lời như mô tả ở trên thì các em sẽ sẽ bỏ qua thói quen đặt câu hỏi mà sẽ chấp nhận mọi điều được người lớn dạy, mặc dù có thể vẫn có những thắc mắc trong lòng.
Well, nếu những gì tôi viết ở trên là chính xác thì thật là đáng buồn cho thế hệ trẻ của Việt Nam quá. Chúng ta phải làm gì để cải thiện điều này đi chứ?
***
Hai yếu tố quan trọng trong tư duy phản biện và sáng tạo là (1) khả năng chọn lọc những thông tin nền liên quan để đưa vào cuộc tranh luận, và (2) khả năng rút ra những kết luận có liên quan đến một lập luận hoặc quan điểm sao cho mọi điều có mối liên hệ nhất quán với nhau.
Dựa vào hai yếu tố trên để xét thì hình như các cuộc tranh luận của người Việt Nam đều thiếu cả hai yếu tố. Cho nên tranh luận với người Việt Nam chỉ thấy lòng vòng chứ không đi đến đâu. Rút lui sớm là khôn ngoan chứ nếu cứ tranh luận một hồi thế nào cũng sẽ nhận một đống gạch đá đầy nhà.
Có lẽ đến đây thì câu hỏi của tôi là “tại sao người Việt thích auto chửi” không cần phải trả lời nữa, các bạn nhỉ?