Trung cộng dự định đưa chiến hạm chở trực thăng tới Biển Đông và eo biển Đài Loan
Giới chuyên gia nhận định chiến hạm chở trực thăng Type 075 có thể được Trung cộng triển khai ở đảo Hải Nam, hoạt động ở Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Ảnh vệ tinh ngày 12/11 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đặt trụ sở tại thủ đô Washington của Mỹ, cho thấy chiến hạm chở trực thăng Type 075 neo đậu tại căn cứ hải quân Du Lâm, phía nam đảo Hải Nam.
Type 075 được thiết kế phục vụ chiến dịch đổ bộ lên Đài Loan và có thể được biên chế vào hạm đội thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội Trung cộng(PLA), một cựu sĩ quan PLA đăng trên nền tảng War Industry Black Technology hôm 7/12. Bộ tư lệnh Chiến khu phía Nam làm nhiệm vụ giám sát eo biển Đài Loan và triển khai một số hoạt động ở Biển Đông.
Một số chuyên gia khác nhận định chiến hạm Type 075 có thể hoạt động trong năm 2021 và được phân về hạm đội Nam Hải. Type 075 được đánh giá có khả năng mang theo 30 máy bay trực thăng và hàng trăm binh sĩ, là tàu đổ bộ lớn nhất của Trung cộngvà thứ ba thế giới, sau các tàu lớp Wasp và America của Mỹ.
Chiến hạm chở trực thăng Type 075 tại căn cứ hải quân Du Lâm, đảo Hải Nam, ngày 12/11. Ảnh: CSIS.
“Nếu PLA muốn giành lại Đài Loan, các chỉ huy của chiến khu phía đông và phía nam cần phối hợp trong chiến dịch chung”, Tống Trung Bình, chuyên gia quân sự từng làm trong PLA, nói. “Biển Đông với điều kiện phức tạp hơn sẽ phù hợp để Type 075 trải qua các cuộc thử nghiệm toàn diện trên biển, trước khi sẵn sàng chiến đấu”.
Một nguồn tin quân sự cho biết hai chiến hạm đầu tiên của lớp Type 075 sẽ được biên chế vào hạm đội Nam Hải do “các cảng lạc hậu hơn, ví dụ ở Phúc Kiến, quá nhỏ để chứa những chiến hạm khổng lồ”. Căn cứ hải quân Du Lâm ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, được cho là cơ sở lớn nhất châu Á.
Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện của lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan, cho biết Type 075 có thể được biến thành sàn đáp trên biển, phục vụ chiến dịch không kích đảo Loan nếu PLA phát động chiến dịch quân sự nhằm vào hòn đảo. Trung cộngcoi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sử dụng vũ lực nếu cần.
Tàu Type-075 đầu tiên rời cảng hôm 5/8. Ảnh: Weibo.
“Các phi đội trực thăng vũ trang của PLA cần sàn đáp chuyển tiếp linh hoạt để tiếp liệu và các hỗ trợ hậu cần khác”, chuyên gia Lã Lễ Thi nói và nhận định bố trí Type 075 ở phía nam là lựa chọn tốt nhất. “Trong cuộc diễn tập quân sự hồi tháng 8, PLA thử nghiệm dùng một tàu dân sự cỡ lớn làm bệ hạ cánh trên biển cho trực thăng vũ trang, mô phỏng việc sử dụng Type 075”.
Chuyên gia quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh nhận định Type 075 có thể đảm nhận vai trò chiến lược quan trọng hơn tại Biển Đông do PLA đã triển khai ba tàu đổ bộ Type 071 tới eo biển Đài Loan. “Type 075 có thể chở binh lính và hỗ trợ hậu cần đến những hòn đảo ở xa”, Zhou nói.
PLA thông báo vừa tổ chức diễn tập bắn đạn thật 9 ngày tại Biển Đông, song không nêu chi tiết thời gian, địa điểm và khả năng Type 075 tham gia hay không. Cục hải sự địa phương trước đó thông báo cấm toàn bộ tàu đi vào vùng biển xung quanh bán đảo Lôi Châu, sát đảo Hải Nam, từ 17-30/11.
Theo VietBF (10.12.2020)
Trung cộng tái tục các tour du lịch tới Hoàng Sa
Tư liệu: Khách du lịch Trung cộng lên bờ tại đảo Quanfu, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) (AP Photo/Peng Peng)
Trung cộng đã nối lại các tour du lịch tới quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) trong Biển Đông hôm thứ Tư 9/12, Hoàn cầu Thời báo cho biết.
Theo tờ báo do nhà nước Trung cộng kiểm soát, thì các tour du lịch này tuân thủ các biện pháp ngừa dịch nghiêm ngặt. Tờ báo cho biết tất cả vé cho các tour tháng 12 đều đã bán sạch.
Tour du lịch xuất phát từ Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam, là tuyến du lịch đầu tiên tại Châu Á tái tục hoạt động sau 11 tháng gián đoạn vì dịch Covid-19.
Tàu du lịch Giấc mơ Nam Hải tái tục hoạt động hôm thứ Tư, theo Bộ Giao thông tỉnh Hải Nam.
Một tàu du lịch khác, Changle Gongzhu, dự kiến sẽ nối lại hoạt động hôm thứ Năm 10/12.
Theo Công ty Du lịch Hải Nam, công ty sở hữu Giấc mơ Nam Hải, giá một tour du lịch 4 ngày là 4.880 nhân dân tệ – tương đương với 741 USD/mỗi người cho một cabin dành cho 6 người không có ban công, trong khi giá của cabin nhìn ra biển lên tới 26.800 nhân dân tệ mỗi người.
Vé các tua du lịch này bán chạy như tôm tươi sau khi có thông báo cho nối lại các tour du lịch vào ngày 27/11. Hầu hết vé cho các tour tháng 12 đã bán sạch, cho thấy thị trường du lịch bằng tàu và kinh tế đã hồi phục mạnh mẽ tại Trung cộng sau đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid.
“Phản ứng của thị trường, và những cú điện thoại hỏi han mua vé tua du lịch tới Tây Sa, có thể nói là vượt quá dự kiến của chúng tôi,” quản trị viên tiếp thị của Công ty Du lịch CYTS Xu Xiaolei nói.
Tờ Hoàn cầu Thời Báo dẫn lời quản trị viên Xu nói rằng điều đó cho thấy niềm tin nơi giới tiêu thụ Trung cộng đang hồi phục trở lại sau khi nhà nước thành công trong nỗ lực kiềm hãm virus Covid-19 ở trong nước.
VOA (10.12.2020)
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nêu quan ngại về việc chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm nghiêm trọng
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung cộng ở Biển Đông cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km hôm 14/5/2014 Reuters
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Đình Quý hôm 8/12 đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và việc chủ quyền của Việt Nam bị xâm phạm nghiêm trọng thời gian qua.
Theo Vietnam News, ông Đặng Đình Quý đã phát biểu như vậy tại phiên họp thứ 75 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại UN khẳng định lập trường của Việt Nam là giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông theo luật quốc tế, bao gồm Công ước về Luật Biển của UN 1982 – UNCLOS.
Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nói đến chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông đã bị xâm phạm nghiêm trọng trong một số sự kiện gần đây. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể là sự kiện nào.
Từ tháng 7 năm ngoái đến nay, Trung cộng đã liên tục điều các tàu hải cảnh, tàu thăm dò và dân quân biển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy rối hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Sức ép từ Trung cộng đã khiến Việt Nam phải bỏ thoả thuận thuê giàn khoan dầu khí hồi giữa năm nay.
Cũng theo Vietnam News, tại phiên họp của UN, các nước tham gia đã đề cập đến việc tuân thủ UNCLOS. Đại diện các nước Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản và Australia đã công khai lên tiếng quan ngại về tình hình Biển Đông. Các nước này khẳng định việc đòi chủ quyền lịch sử hay tài nguyên lịch sử cũng như xác định đường cơ sở thẳng đối với các đảo ở vùng nước tranh chấp phải tuân thủ UNCLOS.
Trong năm nay, các nước Mỹ, Anh, Đức, Australia đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối đòi hỏi chủ quyền lịch sử của Trung cộng đối với đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên biển, đồng thời kêu gọi các nước phải tuân thủ phán quyết của Tào Trọng tài quốc tế năm 2016. Phán quyết của toà đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.
RFA (09.12.2020)
Biển Đông: Các căn cứ Trung cộng ở Trường Sa không có giá trị về quân sự ?
Ảnh chụp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef,) từ máy bay dọ thám Mỹ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015. Reuters
Trong bối cảnh các hành động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh tiếp tục gây quan ngại nơi các nước bên trong và bên ngoài khu vực, một tạp chí chuyên đề Trung cộng mới đây đã có một phân tích bi quan khác thường về giá trị của các tiền đồn mà Bắc Kinh đã dày công xây dựng ở Trường Sa, không ngần ngại cho rằng về mặt quân sự, các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông hầu như không có giá trị.
Theo đài truyền hình Mỹ CNN ngày 07/12/2020, và nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trước đó một hôm, đó là một bài viết đăng trên nguyệt san Naval and Merchant Ships của Tập Đoàn Đóng Tàu Nhà Nước Trung cộng CSSC, trụ sở ở Bắc Kinh. Tập đoàn này là một nhà cung cấp quan trọng cho Hải Quân Trung cộng.
Nội dung bài viết trên tạp chí quân sự Trung cộng đã đã được CNN nêu bật trong hàng tựa: “Bắc Kinh có thể đã xây dựng các căn cứ ở Biển Đông, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể bảo vệ các cơ sở này”. SCMP thì đi sâu hơn vào chi tiết, ghi nhận các căn cứ quân sự của Bắc Kinh ở Biển Đông “rất dễ bị tấn công” và “không đóng góp gì nhiều” trong trường hợp nổ ra xung đột.
“Những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ”
Theo CNN, Bắc Kinh đã bỏ ra nhiều năm để biến các đảo đá ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự và sân bay, trên môt vùng biển rất xa Hoa Lục và các đảo lớn khác, trải rộng trên 3,3 triệu km vuông. Tuy nhiên, theo các tác giả trong bài phân tích trên tờ báo Trung cộng, các căn cứ này “có lợi thế độc nhất vô nhị trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và duy trì sự hiện diện quân sự ở vùng biển xa”, nhưng lại có “những điểm yếu tự nhiên xét về khả năng tự vệ”.
Theo nguyệt san Naval and Merchant Ships, về vị trí địa dư chẳng hạn, các tiền đồn trên đây cho phép Trung cộng mở rộng quyền kiểm soát ra tận khu vực Trường Sa, nhưng các căn cứ này lại ở rất xa những nơi có thể tiếp ứng trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Một ví dụ được nêu bật là trường hợp Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) ở Trường Sa, cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.000 km, và cách quần đảo Hoàng Sa, cũng do Bắc Kinh kiểm soát, đến 800 km. Với khoảng cách này, các chiến hạm tiếp ứng nhanh nhất của Trung cộng sẽ phải mất hơn 20 tiếng mới tới được bãi đá.
Chính vì khoảng cách quá xa đó mà Trung cộng khó có thể triển khai chiến đấu cơ của họ đến nơi một cách hiệu quả, vừa do vấn đề tiếp tế nhiên liệu trên không, vừa có thể dễ bị chiến hạm đối phương đánh chặn hoặc tấn công. Bắc Kinh hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động, về lý thuyết có thể được triển khai tới Biển Đông, nhưng các con tàu này cũng cần phải ở gần khu vực vào thời điểm xảy ra bất kỳ sự cố nào.
“Mồi ngon cho đối phương”
Bài báo trên nguyệt san Trung cộng còn nêu bật nguy cơ các tiền đồn này là mồi ngon cho tên lửa, máy bay và chiến hạm của đối phương khi nổ ra xung đột, do vị trí xa xôi của các căn cứ, khó nhận được sự yểm trợ từ đất liền.
Các tiền đồn Trung cộng ở Trường Sa, theo bài báo, có thể là mục tiêu của cả hệ thống tên lửa tầm xa của Mỹ và Nhật Bản, hoặc lực lượng Hải Quân của hai nước này trong khu vực. Và ngay cả khi không bị trực tiếp tấn công, các căn cứ này sẽ dễ dàng bị phong tỏa, khiến cho các nguồn tiếp tế bị ngăn chặn.
Bài báo ghi nhận: “Các nơi trú ẩn trên đảo thiếu thảm thực vật, đất đá tự nhiên và các lớp phủ khác che chắn, lại không có độ cao cần thiết so mực nước biển, khiến cho nhân sự và tài nguyên không thể trụ lại lâu dài trong các công sự ngầm dưới đất”. Chính vì lý do đó mà khả năng chống trả những cuộc tấn công “rất hạn chế”.
Theo chuyên gia quốc phòng Malcolm Davis, thuộc Viện Chính Sách Chiến Lược Úc ASPI, còn có nhiều vấn đề khác khiến việc bảo vệ các hòn đảo trở nên đặc biệt khó khăn: “Điều kiện môi trường khắc nghiệt ở Biển Đông – nước mặn ăn mòn, thời tiết xấu – khiến cho gần như không thể triển khai bất cứ thứ gì trên các đảo để bảo vệ các căn cứ này”.
Theo chuyên gia Davis, các loại chiến đấu cơ rất đắt tiền và tối tân sẽ gần như không hoạt động được “trong vòng một tuần, hoặc lâu hơn một chút, trên những hòn đảo này”. Ngoài ra, cho dù một số căn cứ có thể hữu hiệu trong việc bắn trả, các nơi này sẽ là một trong những mục tiêu đầu tiên nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông.
Đối với chuyên gia Davis, “những gì Trung cộng đang cố gắng làm là thôn tính một vùng hàng hải quốc tế, kiểm soát và chiếm đoạt các vùng biển quốc tế, và để làm được điều đó, họ cần phải hiện diện thường xuyên trong khu vực”. Các căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo chuyên gia Úc, đủ để cho phép Trung cộng áp đặt các yêu sách lãnh thổ trước mắt, nhưng rõ ràng là “Bắc Kinh không có một bước đi thực tế nào trong dài hạn, vì họ không thể thực sự bảo vệ những căn cứ đó.”
Mối e ngại Bắc Kinh trả đũa
Vấn đề mà CNN ghi nhận là Bắc Kinh có thể dựa trên thực tế rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào một căn cứ của họ ở Biển Đông – kể cả vào một tiền đồn bị coi là phi pháp theo luật quốc tế – sẽ bị xem là một hành động chiến tranh chống lại một cường quốc hạt nhân với nguồn lực quân sự to lớn.
Mối đe dọa bị Trung cộng trả đũa có thể đủ để khiến cho không nước nào dám tấn công vào các tiền đồn của Trung cộng trên Biển Đông.
CNN cũng đặc biệt ghi nhận rằng Trung cộng không phải là quốc gia duy nhất có các căn cứ hiểm yếu ở xa đất liền có thể bị tiêu diệt bằng các cuộc tấn công phủ đầu. Đảo Guam của Mỹ hay đảo Okinawa của Nhật Bản, nơi có các căn cứ không quân lớn của Mỹ, đều nằm trong tầm tấn công tên lửa của Trung cộng, điều mà Bắc Kinh đã nhắc nhở Washington trong quá khứ.
Trung cộng tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, và kể từ năm 2014 đã xây dựng các bãi đá ngầm và bãi cát nhỏ thành các đảo nhân tạo kiên cố có tên lửa, phi đạo và hệ thống vũ khí.
Hoa Kỳ – xem các tuyên bố của Trung cộng là bất hợp pháp – đã phản công bằng cách điều tàu chiến đến gần các đảo đá mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng, trong những chiến dịch “bảo vệ tự do hàng hải”. Washington và các đồng minh nói rằng các cuộc tuần tra như vậy chính là thực thi quyền đi lại tự do trong vùng biển quốc tế, trong khi Trung cộng cho rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền của họ.
RFI (09.12.2020)
Trung cộng “tố” Việt Nam tiếp tục mở rộng đảo ở Trường Sa
Hình chụp vệ tinh Đảo Sơn Ca ở quần đảo Trường Sa AMTI
Trung cộng không phải là nước duy nhất xây lấp, mở rộng các đảo ở Biển Đông mà Việt Nam trong các năm gần đây cũng đang cho mở rộng các đảo ở khu vực quần đảo Trường Sa phù hợp với việc triển khai vũ khí quân sự. Sáng Kiến Thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc trường Đại học Bắc Kinh của Trung cộng mới đây đã công bố các hình ảnh vệ tinh và báo cáo cho biết như vậy.
SCSPI đã đưa lên tài khoản Twitter của mình các hình ảnh vệ tinh cho thấy những thay đổi ở đảo Sand Cay (Đảo Sơn Ca) và Storm (Trường Sa Lớn) – hai thực thể mà Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy hai đảo này vẫn đang được mở rộng và xây dựng trên đó với chỗ đỗ máy bay và cầu cảng ở Đảo Sơn Ca, một trạm radar 3D và bãi phóng tên lửa ở Trường Sa Lớn.
Theo SCSPI, từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã mở rộng gấp đôi diện tích ở hai đảo, thêm 9 acre vào Đảo Sơn Ca và 40 acres vào Trường Sa Lớn.
Theo Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải của Mỹ, Việt Nam trong các năm qua đã lặng lẽ nâng cấp các cơ sở của mình ở Trường Sa nhưng không gặp phải những phản ứng gay gắt từ quân đội Trung cộng như đối với trường hợp của Philippines. Việt Nam hiện có 49 tiền đồn nằm trên 27 thực thể ở Trường Sa.
Kể từ khoảng cuối năm 2013 trở lại đây, Trung cộng đã gia tăng việc xây lấp, mở rộng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, triển khai vũ khí quân sự ra các đảo này bất chấp các phản đối việc quân sự hoá khu vực Biển Đông của các nước trong khu vực và Mỹ.
Các nước hiện cũng đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
RFA (09.12.2020)
Trung cộng tập trận khi hai nhóm tàu Mỹ vào Biển Đông
Trung cộng loan báo tập trận khi có tin hai nhóm tàu tác chiến Mỹ tiến vào Biển Đông và quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến khu vực.
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ở Bắc Kinh hôm Thứ Ba, 8 Tháng Mười Hai, cho hay các chiến hạm của Hải Quân Trung cộng mới đây mở các cuộc tập trận “như đánh nhau thật” trên Biển Đông nhằm mài giũa khả năng tác chiến chỉ một ngày sau khi thấy có hai nhóm tàu tấn công đổ bộ của Hải Quân Mỹ tiến vào khu vực từ hai hướng khác nhau.
Trực thăng của Hải Quân Trung cộng huấn luyện trên khu truc hạm trang bị hỏa tiễn Qiqihar (Tề Tề Cáp). (Hình: ChinaMil)
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, các chiến hạm của Trung cộng đã thực tập đối phó hỏa tiễn tấn công của tàu địch từ phóng trái khói đến hỏa châu trong khi bắn đạn thật vào một số tàu sử dụng làm mục tiêu đối phó, không diễn tập theo một kịch bản đã sắp đặt trước để “bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trước các khách lạ không thân thiện.”
Tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn thông tin từ Tổ Chức Nghiên Cứu Tình Hình Chiến Lược Biển Đông (SCSPI) ở Bắc Kinh nói hai nhóm tàu đặc nhiệm Mỹ đều do các tàu đổ bộ tấn công vừa chở Thủy Quân Lục Chiến với các trang bị võ khí, vừa có các máy bay tối tân chở quân và yểm trợ tác chiến như khu trục tàng hình lên thẳng F-35B, trực thăng V-22 Osprey, CH-53 Sea Stallion, xe tăng, xe lội nước, đại bác.
Đó là tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island (LPD 8) trọng tải 41,000 tấn và tàu USS Somerset (LPD 25) trọng tải 25,000 tấn. Nhóm tàu USS Makin Island đi từ hướng eo biển Bashi (giữa Philippines và Đài Loan) xuống Biển Đông. Trong khi đó nhóm thứ hai do tàu USS Somerset cầm đầu đi từ hướng biển Philippines, tức từ hướng Đông vào Biển Đông.
“Các hành động biểu diễn cơ bắp của Mỹ có thể làm tổn hại sự ổn định ở khu vực,” tờ Hoàn Cầu Thời Báo thuật lời các nhà phân tích của Bắc Kinh viết tuyên truyền. “Trung cộng nên chuẩn bị đối địch với lực lượng Mỹ trên Biển Đông và eo biển Đài Loan bất kể ai ngồi ở Tòa Bạch Ốc.”
Tờ báo trên nói rằng các cuộc tập trận của các nhóm tàu tấn công đổ bộ của Mỹ cho thấy Washington có thể tiến hành các cuộc chuyển quân giữa các khu vực khác nhau ở hai biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Khi Hải Quân Mỹ tập luyện trên Biển Đông, quyền Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Christopher Miller du hành qua hai nước – Indonesia, ngày Thứ Hai và Philippines, ngày Thứ Ba – rồi quay về Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương ở Hawaii. Tờ báo trên cho là chuyến đi của ông Miller có mục đích hậu thuẫn thêm cho chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh của Tổng Thống Trump cho tới hết nhiệm kỳ của ông.
Báo trên còn thuật lại những thống kê trước đây của Bộ Quốc Phòng Trung cộng nói máy bay quân sự Mỹ đã thi hành hơn 2,000 phi vụ trên Biển Đông chỉ trong nửa đầu năm 2020. Hải Quân Mỹ cũng đã mở nhiều cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông, có lần với hai nhóm mẫu hạm nguyên tử diễn ra hồi Tháng Bảy.
Trong những tháng qua, Bắc Kinh cũng đã rầm rộ tổ chức hàng chục cuộc tập trận trên Biển Đông trong khi các nước nhỏ phía Nam chỉ ngồi nhìn hoặc đôi khi cho phát ngôn viên ngoại giao phản đối chiếu lệ như Hà Nội.
Ngày 25 Tháng Mười Một, tờ Hoàn Cầu Thời báo nói ba tàu tấn công đổ bộ của Trung cộng đã thực tập chiếm đảo trên Biển Đông với sự hộ tống của các chiến hạm trang bị hỏa tiễn. Có tin tức cho rằng cuộc tập trận này diễn ra trên đảo Tri Tôn, đảo cực Nam của quần đảo Hoàng Sa. Điều này được hiểu như đe dọa trực tiếp với lực lượng CSVN đang trấn giữ trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông.
Người Việt (08.12.2020)
Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng (06.12.2020)