Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
(Tôi viết bài này sau khi đọc bài “Gửi những người bạn “phây” Việt Nam, thật hay giả, thiện ý hay ác ý”, của anh André, trên trang BauxiteVN).
Không thể nói hết những tình cảm thân thiết, mối liên kết giữa tôi, cùng blog Ba Sàm, với những người tham gia blog BauxiteVN, và anh André Menras Hồ Cương Quyết.
Những kỷ niệm đẹp không thể quên
Blog Ba Sàm ra đời năm 2007. Hai năm sau rộ lên vấn đề bô-xít Tây Nguyên, rồi blog Bauxite Việt Nam ra đời. Trang Ba Sàm luôn luôn là nơi cổ vũ, giới thiệu nhiều nhất cho blog mới này, nơi được coi như đi đầu phản đối dự án bô-xít Tây Nguyên, cũng là nơi dần dần quy tụ tiếng nói của nhiều trí thức tiến bộ.
Tôi cũng là người từng góp ý riêng cho người chủ trương BauxiteVN làm sao để giữ an toàn cá nhân, mà vẫn đảm bảo sự tồn tại của trang. Ý kiến của tôi đã được tiếp thu và có sự thay đổi.
Anh André Menras Hồ Cương Quyết, đúng như giới thiệu của Ban biên tập BauxiteVN; với tôi và blog Ba Sàm cũng là một người tuy ít gặp, nhưng luôn có mối liên hệ rất thân tình. Cuộc gặp đầu tiên bên Hồ Hoàn Kiếm, tôi vẫn nhớ. Tất cả những việc làm cho Việt Nam nhiều năm nay của anh, đều được trang Ba Sàm, cả cũ và mới, đưa lên cổ vũ.
Khi tôi đi tù, những người tham gia trang BauxiteVN, anh André đã cùng bao nhiêu nhân sĩ trí thức, độc giả, … đấu tranh cho tôi. Khi về cũng lại gặp họ tới động viên, thăm hỏi. Không thể kể hết sự tri ân đó, chỉ bằng cách sống sao cho xứng đáng khi còn ở trong tù, và khi ra tù thì ngay tức khắc giành hết thời gian, tâm trí vào con đường đang dang dở.
Trở về, gặp người chủ trương BauxiteVN, tôi góp ý thẳng là nó đáng buồn, trang này hoạt động kém xưa nhiều. Một lý do quan trọng là vẫn thiên về nhận đăng bài “gửi riêng” thôi, mà không mở rộng đăng lại bài vở từ nhiều nguồn khác. Ý kiến của tôi đã được tiếp thu, năm nay bài vở BauxiteVN đã nhiều, đa dạng hơn. Có bài nào thấy giá trị, tôi đăng lại liền.
Hiện tượng Donald Trump
Khi còn trong tù, nhờ người thân, bạn bè gửi cho sách, báo, tài liệu đầy đủ, tôi đã nắm bắt kha khá tình hình chính trị ở Mỹ, đặc biệt về “hiện tượng Trump”. Tôi đã kinh ngạc và le lói vui mừng.
Sau khi ra tù, đọc rất nhiều về hiện tượng đó, càng vui hơn.
Thế nhưng, tôi lại lấy làm lạ, không ít trí thức tiến bộ, trong ngoài nước không có suy nghĩ như tôi, không ủng hộ TT Trump như đa số người Việt. Thôi thì, mỗi người mỗi ý là thường.
Nhưng … lạ hơn, và … đáng buồn, là họ lại sa vào một cuộc cãi vã “khổng lồ”, đầy tức giận với đông đảo quần chúng; thể hiện những thái độ mà tôi chưa từng thấy, tới độ đôi khi không còn nhận ra những người mình từng thân thiết, quý mến nữa.
Thương quá! Tại sao vậy? Tôi đã thấy được khá nhiều lý do.
Nhưng tôi chỉ lặng lẽ đọc, viết thật nhiều, những bài bình luận ngắn, những bài đăng lên đài quốc tế, trang mạng tự do, chủ yếu góp ý nhẹ nhàng nói chung về phương pháp tranh luận, nêu quan điểm của hai bên, và phân tích nhiều, sâu về những quyết sách mạnh mẽ của chính quyền Trump có nhiều dấu hiệu tốt. Bài gần đây nhất, trên BBC ngày 12/12/2020, tuy bàn về nhân quyền, nhưng tôi cũng góp ý các trí thức quanh vấn đề bầu cử Mỹ 2020, cần tranh luận bằng các bài viết sâu, với thái độ hòa nhã; nó là cơ hội cho chúng ta cùng nâng cao dân trí.
Bài viết của tôi quanh chủ đề Trump, có những đài quốc tế, trang mạng tự do đăng, nhưng cũng có bài bị từ chối với lý do không rõ hoặc …”buồn cười”, thậm chí không có hồi âm. Tôi không hề bực bội về điều đó, thậm chí có phần vui, vì nó giúp tôi ngày càng rõ thiên kiến ở những phương tiện truyền thông này và muốn bằng thái độ nhẹ nhàng mà thẳng thắn của mình sẽ góp phần thay đổi họ.
Cũng chưa phải lúc tôi viết về tất cả những lý do mà tôi nhận ra ở những người “chống Trump”.
Cần có “tiên trách kỷ”
Trường hợp anh André, tôi không lạ, cũng khá giống với một số trí thức “chống Trump”; mặc dù có nhiều thiện ý đấy, nhưng họ vẫn thiếu thứ hết sức quan trọng là khả năng đối thoại với quần chúng.
Đơn giản là trước khi có Facebook, họ đâu bị đối đầu tranh cãi những chuyện lớn lao với cả một dòng thác dư luận trái chiều với mình. Đang là tầng lớp được coi là tiến bộ, tinh hoa, trong đó việc đấu tranh cho chủ quyền, tự do dân chủ đã đem tới cho họ vầng hào quang mà tưởng như không bao giờ bị lu mờ trong mắt quần chúng.
Khi có FB, lúc đầu chưa có chuyện, nhưng khi có “hiện tượng Trump”, họ bị “sốc” nặng vì ào ạt ý kiến phản đối không ngờ tới. Nguy hiểm hơn, họ bỗng quên (thậm chí cố “quên”) là trong số đó, có rất nhiều “dư luận viên”. Chẳng có cơ hội nào hay hơn cho đám này để xông vào quấy phá, chia rẽ.
Không những “sốc” mà còn bị “nhiễm độc” nặng. Đó là bản thân bị lây cái phong cách viết, biểu cảm nhiều khi dễ dãi của mạng xã hội. Cũng tung ra một hai câu tức tối, nhục mạ, chẳng cần phân tích sâu xa gì. Và anh André cũng không ngoài hiện tượng đó.
Trong bài viết công phu, đăng làm 3 kỳ của tôi “’Cuồng Trump’, ‘cuồng chống Trump’ và …”, tôi đã lấy một ví dụ về trường hợp của anh André, nhưng để giữ cho anh, tôi đã không nêu tên. Anh viết trên FB của mình, chỉ có mấy chữ, là:
“Thằng tỉ phú to mồm này không có một chút nguyên tắc tự hào nào. Một mặt nó tuyên chiến (bằng miệng) với TQ, đồng thời nó sẵn sàng bán bố mẹ cho chúng. Một thằng hề quá nguy hiểm!” (Kèm theo là một bức ảnh TT Trump bị photoshop làm cho méo mó).
Một số trí thức “chống Trump” có sai lầm đáng lưu ý. Đó là, ngoài bài viết tỏ ra khinh thường người khác trái quan điểm của mình, cho đó là những kẻ “cuồng tín”, “tâm lý bầy đàn”, dốt nát, v.v.., thì họ còn miệt thị không tiếc lời với TT Trump. Việc này vô hình chung cũng là gián tiếp miệt thị những người “ủng hộ Trump” (mà nay càng rõ thêm là có tới ít nhất 74 triệu dân Mỹ cũng bị tình trạng “dốt nát” này?). Thế là cùng nhau sa vào một cuộc “chiến” kiểu “hàng tôm hàng cá”. Trách thế nào được người ta.
Cho nên, với riêng anh André qua bài này, anh đã bị thiếu đi cái sự “tiên trách kỷ”, không thấy là chính mình cũng bị cái tật của nhiều người Việt phản đối mình.
Với riêng tôi, tuy “thích ông Trump”, như đã có lần nói trên Bàn tròn BBC 8/11/2020, nhưng không bực chút nào khi rất có thể mình bị các trí thức thân hữu gom cả vào số “cuồng Trump”, chụp những lời khinh bỉ. Tôi vẫn từng nói nhiều lần, MỪNG trong cuộc tranh luận này là mọi người cùng được sống trong bầu không khí sôi động, giàu hiểu biết lên rất nhiều; cái yếu/mạnh trong từng người lộ thêm.
Còn nội dung toàn bài, tuy khá dài nhưng anh André lại cũng rất thiếu những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng rõ ràng, khả tín để thuyết phục người đọc.
Chỉ xin đưa một dẫn chứng trích trong bài của anh.
“ … tôi tuyệt đối không có một chút cảm tình nào với tay tỉ phú dân tuý chủ nghĩa, với đủ loại bức tường ô nhục và lố bịch mà ông ta dựng lên, với thái độ kỳ thị chủng tộc, khinh miệt phụ nữ, căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền) …”
– “Thái độ kỳ thị chủng tộc”?
Mời đọc một bài trên tờ báo Pháp Le Figaro, đài quốc tế Pháp RFI trích dịch, “Chuyên gia: Sẽ rất sai lầm nếu không thấy sức mạnh chính trị tuyệt vời của Donald Trump”, phỏng vấn Giáo sư quan hệ quốc tế Walter Russell Mead:
“Trump có thuộc về phong trào chống kỳ thị chủng tộc mới nổi lên không ? Rõ ràng là không. Khi ông Trump nói về một người da đen có chuyên môn, ông có coi người ấy thấp hơn một người da trắng hay không ? Tôi cũng không tin như thế ! Không một ai có thái độ như vậy có thể sống sót ở New York, và Trump cũng như bao người khác…”
Một bài khác, trên RFI, “Vì sao phong trào ủng hộ Trump củng cố được vị thế trong xã hội Mỹ”. Dịch giả Trần Ngọc Cư, một người không ủng hộ Trump, nhận xét “ … Ta có thể nói đối với người da đen, Trump có thể có thái độ kỳ thị, nhưng không có chính sách kỳ thị”.
– “Căm thù báo chí (báo chí độc lập với chính quyền)” ?
Mời đọc một bài điểm báo cũng trên đài RFI: “Tuần báo Le Point: Sự phá sản của truyền thông Mỹ”.
“Tuần báo Pháp kêu lên : « Ôi, New York Times, họ đã làm gì với bạn ? ». Biden xứng đáng hơn nhiều so với hàng loạt những bài viết quảng cáo trình độ lớp 3 tràn ngập thế giới. Tuy không phải là một tổng thống vĩ đại, doanh nhân Donald Trump ít nhất đã thành công trong việc thức tỉnh kinh tế Mỹ.”
Và trên báo Tuổi trẻ có bài dịch “Thống đốc New York chỉ trích báo giới ‘thiếu tôn trọng’ ông Trump”, (ông Thống đốc này là người của đảng Dân chủ và rất xung khắc với ông Trump).
Tuy nhiên, cũng xin nói rằng những trích dẫn các bài viết, kèm theo đoạn văn của anh André ở trên, không có nghĩa tôi cho đó là chân lý, mà đơn giản chỉ muốn lưu ý anh rằng quanh “hiện tượng Trump”, có vô số vấn đề phức tạp, sâu xa cần được mổ xẻ cẩn trọng, thấu đáo như những bài viết đó, chứ không nên đơn giản tung ra các khẳng định như đinh đóng cột cho xong như vậy.
“Hậu” xin trách … BauxiteVN
Được quan sát các vị nhân sĩ, trí thức, một số đài quốc tế, trang mạng tự do phản ứng thế nào về “hiện tượng Trump”, tôi rất thích thú. Rõ ràng những “góc khuất” về họ, nay mới thấy, giúp mình tìm cách tham gia vào làm sáng tỏ thêm những vấn đề bên trong lâu nay ít ai thấy, hoặc cũng lờ mờ thấy mà ngại nói.
Với trang BauxiteVN, tôi cũng thấy cái “góc khuất” đó.
Trước hết phải nói rằng tôi biết có không ít trí thức tiến bộ VN ở nước ngoài từng một thời tham gia tích cực phong trào “phản chiến” ở Mỹ, Âu châu trong chiến tranh VN, thân chính quyền cộng sản VN, thậm chí có công trạng. Họ thường có tư tưởng “thiên tả”, nay thì thân hoặc cảm tình đảng Dân chủ Mỹ, thậm chí coi nhẹ mối nguy Trung cộng. Dường như lịch sử nước Mỹ (cùng người Việt ở đó) đang lặp lại sau ngót nửa thế kỷ, liên quan tới cộng sản.
Bên cạnh họ là các trí thức trong nước, có tư tưởng tiến bộ, nhưng không tránh khỏi vương vấn nhiều nhận thức, tính cách của một thời “theo đảng đến cùng”. Khi “dấn thấn” cho tự do dân chủ, họ rất dễ quên cái “gốc” của mình, mà lẽ ra cần rứt bỏ mạnh mẽ.
Đó là “điểm yếu” của họ trong mắt người dân. Nếu không ý thức mạnh mẽ về nó, sẽ khó hòa mình vào công cuộc chung.
Cũng như tôi, “điểm yếu” là một lý lịch quá “đỏ”, dẫu có 7 năm mở blog Ba Sàm cùng nhiều việc khác nữa, nhưng khó hết được nghi ngại của người đời. Với 5 năm đi tù, so với những mất mát, tôi đã có một cái “được” rất lớn để xóa đi “điểm yếu”.
Các trí thức đó gần nhau trong tư tưởng tiến bộ về VN, nhưng lại cũng gặp nhau (tự nhiên hoặc nặng về “tình cảm”) ở một quan điểm “chống Trump”.
Chưa nói tới cái chất “hủ nho” trong mỗi người, thì ra ngoài hay ở VN cũng đã ăn vào máu rồi, khó “tẩy độc” lắm.
“Sự cố” buồn cười đầu tiên giữa tôi với BauxiteVN là với bài “’Cuồng Trump’ …” nói trên. Gửi nhiều trang mạng, lần lượt đăng cả, không thấy BauxiteVN đăng, tôi liền loan tin cho nhiều thân hữu, trong đó có người của trang đó, mà không bình luận gì. Bài liền được đăng, nhưng lại có kèm cả một trích đoạn trao đổi riêng của một cá nhân trong BBT với tôi (ra điều họ không “thích” bài đó). Sao phải làm vậy nhỉ? Nếu tôi cũng bắt chước, cũng đăng ý kiến trao đổi riêng lại của tôi, đánh giá không được vui về một số vị trí thức về tính cách, nhất là trong vụ “Trump”, thì sao?
Và vài chuyện buồn cười khác nữa, ví như tôi gửi bài thì không đăng, cũng không hồi âm; trong khi đăng lại một bài phỏng vấn tôi trên BBC, có lầm lẫn không nhỏ, tôi kiên nhẫn nhắc sửa mấy lần mà cứ … “quên”.
Những chuyện có vẻ nhỏ nhặt này nó không ngẫu nhiên, vô tình, mà rất liên quan tới những gì tôi quan sát về BauxiteVN, từ bài vở cho tới một số hiện tượng khác.
Còn riêng với bài của anh André, rất không nên viết cả một lời bạt dài lê thê đến như vậy, cùng tất cả các nội dung của nó. Chắc chẳng phải nói nhiều với những người cũng có kinh nghiệm làm báo.
Với tôi và blog Ba Sàm (cũ), dù mang tính chất cá nhân, nhưng cũng rất ý thức cố đưa tin bài nhiều chiều nhất có thể. Nhưng với trang BauxteVN, được tiếng là của tập thể, thì rất không nên để lộ thiên kiến quá trong cuộc tranh luận về “hiện tượng Trump” này. Biến nó thành sở hữu của những người “chống Trump” thì sẽ mất độc giả, thực tế là đang rất ít.
Một điểm khác biệt và yếu của BauxiteVN so với hầu như với mọi trang mạng tự do khác, là không có phần phản hồi, từ khi ra đời cho tới nay. Vậy thì làm sao nhận được ý kiến đóng góp của độc giả, cho từng bài viết, cho cả trang báo?
Và đừng sợ tranh luận
Có đôi người cứ hoảng hốt lo là cuộc tranh cãi này sẽ “chia rẽ” phong trào …
Tôi cho rằng họ quá lầm.
Cứ cái lối nghĩ đó, và tất cả những gì đằng sau kiểu “báo động … nhầm” đó, chỉ giúp dẫn ta đi theo vết xe đổ của những người cộng sản (“đóng cửa bảo nhau”, “đẹp đẽ phô ra …”).
Điều quan trọng là tranh luận trên tinh thần văn minh, tương kính mà thôi; như chính ông cha ta đã làm gương từ cả trăm năm trước trên văn đàn, làng báo.
Mừng là đã dần có một số người thay đổi, với những bài viết phân tích thấu đáo, ít đi lời lẽ dễ bị cho là cao ngạo. Cũng biết rằng viết một bài chính luận, lại về chủ đề “xương xẩu” này là không dễ chút nào.
Rõ thêm đây là một cuộc “tập dượt” rất tốt, cần thiết, như Trời cho để người Việt chúng ta rèn luyện trước cho tới ngày được phép lập đoàn thể tư nhân, có một xã hội dân sự đích thực.
Hà Nội, 14/12/2020
(Bài này tôi gửi cả cho BBT BauxiteVN và FB anh André)